XÓA ĐÓI, GIẢM NGHÈO
Tác giả: CucNT
XÓA ĐÓI , GIẢM NGHÈO
Tình cờ hôm nay đọc bài báo “Nhiều bất cập trong chương trình giảm nghèo ở Bình Phước” tôi chợt có vài suy gẫm
Theo Wikipedia tiếng Việt,
“ Bình Phước là một tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ, Việt Nam. Bình Phước là tỉnh ở Miền Đông Nam Bộ, nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có 240 km đường biên giới với Vương quốc Campuchia trong đó 3 tỉnh biên giới gồm Tbong Khmum, Kratie, Mundulkiri, tỉnh là cửa ngõ đồng thời là cầu nối của vùng với Tây Nguyên vàCampuchia.[2]
Bình Phước là nơi định cư và sinh sống của nhiều dân tộc khác nhau, trong đó dân tộc ít người chiếm 17,9%, đa số là người Xtiêng, một số ít người Hoa, Khmer, Nùng, Tày,...[3]
Dù là “vùng kinh tế trọng điểm’, Bình Phước là 1 tỉnh có hộ nghèo rất cao. Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước, “Mục tiêu cụ thể đề ra trong Đề án chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tỉnh Bình Phước giai đoạn 2011-2015, toàn tỉnh sẽ giảm 67% tổng số hộ nghèo. Bình quân mỗi năm giảm 1/3 số hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo từ 9,29% đầu năm 2011 xuống còn 2,79% vào cuối năm 2015.”
Mục tiêu là như thế nhưng để có giải pháp và điều kiện thực tế để người dân thực sự không còn nghèo nữa lại là một câu chuyện hoàn toàn khác.
Năm 2008, tôi cùng với vợ chồng bạn Huệ, chị Khánh Vân và các anh chị giảng viên trường cán bộ thành phố Hồ Chí Minh mỗi người 1 ít ( trích thêm từ quỹ của hội cựu học sinh Phan Bội Châu) góp tiền xây nhà tình thương cho một gia đình ở huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước. Chúng tôi thuê 1 chiếc xe 12 chổ đi từ sáng sớm. Huệ đi công tác xa nên anh Sơn (chồng Huệ) cùng bé Tâm đi với đoàn. Đất đai của Bình Phước quả là phì nhiêu, những vườn cây ăn trái trĩu quả, đủ loại xoài, cam bưởi, sầu riêng, mãng cầu vv. Tôi và chị Vân nói với nhau, về hưu chúng mình mua được 1 mảnh đất ở đây mà trồng vườn thế này thì tuyệt. Nhưng càng đi vào sâu thì những vườn cây ăn trái biến mất nhường chỗ cho những vườn đất bạc màu trồng lẫn cây cao su và 1 ít cây tiêu, điều, cả ngô, sắn. Nơi chúng tôi đến vào sâu trong làng, sát vùng đồi núi. Tiền chúng tôi đã gửi đến trước, chính quyền đã giúp xây xong nhà. Hôm ấy chúng tôi đến là để bàn giao nhà cho vợ chồng 1 gia đình người Tày, anh tên Tín, chị tên Lan ( theo tên mà người Kinh hay gọi ).
Nhìn thấy anh chị gầy bé, nhỏ thó, tôi thương quá nên hỏi thăm.
“Năm nay, anh chị bao nhiêu tuổi?”
“Em 34 còn chồng em 36 tuổi chị ạ! ”
( Trời ạ! Lan thua tôi gần 10 tuổi mà nhìn già hơn tôi cả chục năm)
. “Hai em có mấy đứa con?”- Tôi đổi giọng xưng hô.
“6 đứa chị ạ! Đứa đầu 16 tuổi , đứa cuối 2 tuổi, 4 gái, 2 trai”.
” Các cháu đâu rồi, chúng nó đi học à?”
“ Chỉ có đứa thứ 3 đi học lớp 3 thôi còn đứa đầu học hết lớp 4 thì nghỉ, đứa thứ 2 học hết lớp 2, mấy đứa sau không chịu đi học vì học khó quá mà chúng nó bảo học hết lớp 4 rồi cũng phải ở nhà đi làm nên chúng không đi học nữa mà em cũng không có tiền nộp học cho con nên cho chúng ở nhà luôn.”
“Giờ chúng nó đâu rồi?”
“Mấy đứa lớn thì đi mót mủ cao su ở vườn ngoài xa còn mấy đứa nhỏ chơi loanh quanh đâu đó”
“Nghề chính của anh chị là gì?’
“Có nghề gì đâu chị, chính quyền cấp cho 1 ha đất, chúng em trồng ngô và cao su. Cao su thì mấy năm nữa mới thu hoạch còn ngô mỗi năm cũng chỉ được 2 vụ nhưng thu hoạch xong hết mùa cũng ăn hết nên hàng ngày bọn em đi làm thuê, ai nhờ gì làm việc đó, cuốc cỏ, đào ao, làm thợ hồ, chăn bò, nuôi lợn vv miễn là kiếm được cái gì để ăn khỏi chết đói.”
“Cuộc sống vất vả thế sao em sinh con nhiều thế?”
“Có bầu thì sinh thôi chị, làm thế nào khác được!”
“Em mới 34 tuổi, hôm nào đi đặt vòng đi, đừng sinh em bé nữa!”
“ Để xem chồng em có chịu không đã chị ạ!”, Lan bẽn lẽn trả lời.
Căn nhà chúng tôi xây tặng 2 vợ chồng khang trang hơn hẳn cái túp lều nơi góc vườn, nơi trước đây anh chị và các con từng sống.
Tôi chỉ cho chị Vân, cái túp lều như thế mà 8 người tá túc năm này qua tháng khác, về mùa mưa nước xối xả từ trên trời trút xuống,không biết làm sao chị nhỉ? May là chúng mình cùng chung tay giúp sức cho người ta cái nhà không thì khổ quá chị nhỉ? Chợt có chị nói “ Mà này, cái lều như thế mà mới 34 tuổi đã có 6 đứa con, giờ có nhà khang trang, sinh thêm 1 loạt nữa thì nguy to!”. Chị nói đùa nhưng tôi nhìn thấy nguy cơ của hiện thực trong đó.
Nhà cũ cuối góc vườn nơi vợ chồng Lan và 6 đứa con sinh sống
Đại diện chính quyền đọc quyết định trao nhà và mở cửa dẫn Tín và lan vào nhà. “Đây! Căn nhà này giờ là của 2 bạn do một số giảng viên trường cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh và mấy học sinh Phan Bội Châu chung tay góp tặng, chúc 2 bạn có cuộc sống mới đủ đầy hơn!”. Lan và Tín cảm động ứa nước mắt, lí nhí nói lời cảm ơn. Có lẽ 2 em không ngờ có 1 ngày được sống trong căn nhà khang trang như thế.
Đứng bên tôi, Lan chỉ đến vai
Thấy tôi thân thiện, Lan bảo “Em cảm ơn chị nhiều, có dịp chị quay lại thăm gia đình em nhé!”. “Em gắng nuôi con khỏe, dạy con ngoan, có dịp chị sẽ quay lại thăm em”. Tôi giúi vào tay Lan 1 ít tiền “Em gắng mua cái gì ngon ngon chút cho các con ăn liên hoan nhà mới nhé!” . Tôi nắm chặt tay Lan rồi bước đi!
Nhìn ra xung quanh thấy bao căn nhà xập xệ, chỉ cần 1 ngọn gió nhỏ thổi qua là đổ sập, tôi dặn lòng sẽ cùng những tấm lòng hảo tâm khác quay lại nơi đây để xây tiếp những căn nhà, trao tình yêu thương cho những con người khốn khó.
Những ngôi nhà xung quanh
Chúng tôi lên xe đi về, trong lòng tôi cảm giác buồn vui lẫn lộn, vui vì đã góp phần rất nhỏ giúp vợ chồng Lan cải thiện điều kiện sống nhưng buồn vì nghĩ đến những năm tháng tiếp theo, con Lan ngày càng lớn, không được học hành, sẽ không có việc làm rồi lại cứ làm thuê cuốc mướn, lấy chồng, lấy vợ sinh con và cuộc sống cứ tiếp diễn như thế…và có biết bao gia đình như gia đình Lan?
Chúng tôi có những chương trình khác và bận rộn với công việc, từ đó đến nay, tôi không quay lại thăm Lan và cũng không liên lạc vì Lan không có điện thoại.
Hàng ngày tôi vẫn đọc báo với những tin tức hàng triệu người không có công ăn việc làm, hàng ngàn sinh viên thất nghiệp, hàng trăm vụ vi phạm pháp luật xảy ra…
Ngày 28/04/2014 tội đọc tin tức “Tay đua mô tô Malaysia vái lạy khán giả Việt Nam
Sự việc xảy ra vào ngày 27tháng 4 năm 2014, tại một địa điểm ở thành phố mới Bình Dương. Vận động viên mô tô người Malaysia được mời tham gia biểu diễn. Tuy nhiên, thời điểm đó khán giả tràn vào đường đua khá đông, khiến anh này bất lực, không nói được tiếng Việt nên anh quỳ xuống giữa đường và có hành động vái lạy.
|
Cũng chính vì ý thức không tuân thủ yêu cầu an toàn của đám đông khán giả, sự kiện chính là giải đua chạy thẳng Drag 400 mét đã bị hủy bỏ.”
Một nỗi xấu hổ cho quốc thể và nỗi day dứt về ý thức của người dân tràn ngập tâm hồn tôi.
Ban Tổ chức cuộc đua cho rằng họ không chuẩn bị kỹ vì không ngờ lượng người đổ ra xem lên tới 40.000 người. Một giải đua xe, trong giờ làm việc mà có đến 40 ngàn người đổ ra đường đứng xem thì có nghĩa số lượng người thất nghiệp không có việc làm còn hơn thế gấp nhiều lần. Người ta tràn cả xuống đường để xem bất chấp tính mạng của chính mình. Phần lớn những người vô ý thức là những người ít học. Những người đứng đấy, có bao nhiêu người từ những đứa trẻ như đứa trẻ trong gia đình Lan lớn lên?
Đọc kết luận của Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Phước về công tác giảm nghèo tôi cười trong nước mắt:
“Phân tán và quá nhiều chính sách
Có đến 16 chương trình, dự án giảm nghèo với rất nhiều sở, ngành, tổ chức, đoàn thể thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo ở mỗi tỉnh. chịu trách nhiệm…... Một số địa phương giao đất cho đồng bào DTTS nghèo thì quá dốc, quá xấu hoặc tranh chấp nên không sản xuất được.. Hộ nghèo DTTS ở xã Lộc Quang lại được cấp đất sản xuất ở xã Lộc Hiệp, cách hơn 10km nên bỏ không làm... Chính sách hỗ trợ y tế cũng có nhiều trùng lắp dẫn đến có đối tượng được cấp thẻ BHYT tới 3 lần. Rồi một số chương trình hỗ trợ hộ nghèo không mang lại hiệu quả như hỗ trợ cây - con giống; hỗ trợ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... bởi nhiều khi con giống được cấp không phù hợp với tập quán và điều kiện sản xuất của người dân địa phương; cây giống mang về thì đã đến mùa khô nên trồng là chết. Lại có hộ không có đất sản xuất nhưng được hỗ trợ cây giống và phân bón. Còn ở xã Phước Minh, tháng 11-2014 có tới 705 hộ nghèo khi nhận thẻ BHYT thì hạn sử dụng chỉ còn 41 ngày, ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của hộ nghèo... Đây là những bất cập trong quá trình triển khai chính sách giảm nghèo trên địa bàn tỉnh.” (Bảo Khanh- Nguồn báo Bình Phước).
Rất nhiều tỉnh thành trên đất nước ta đang có nhiều hộ nghèo, rất nghèo nhưng với chính sách và cách thực hiện như trên liệu tỷ lệ giảm nghèo có hiệu quả hay chỉ là con số.
Bạn tôi kể khi triển khai dự án “Xóa đói, giảm nghèo” cho 1 làng nọ, họ chủ trương cho mỗi gia đình vay 10 triệu đồng để có vốn làm ăn. Chủ một gia đình nọ mua một lúc cho mỗi người mấy bát phở để ăn. Được mấy ngày thì hết tiền,nghèo lại hoàn nghèo, ông kết luận “Xóa đói thì nhanh chứ giảm nghèo lâu lắm chú ạ!”
Những nhà hảo tâm vẫn chung tay góp sức xây nhà tình thương, mang áo quần, thuốc men, lương thực, thực phẩm đến cho người nghèo. Điều đó thật đáng trân trọng nhưng nếu chúng ta không có 1 phương cách khác, những đứa trẻ trong những gia đình nghèo đó lớn lên lại mù chữ, thất nghiệp , lại chờ đợi sự giúp đỡ của người khác để tồn tại, liệu đất nước ta bao giờ mới thực sự hết hộ nghèo và dân trí được cao hơn?
Tp. HCM ngày 23/09/2015
Nguyễn Thị Cúc
Người post: CucNT
Ngày đăng: 23-09-2015 18:06
COMMENTS CỦA THÀNH VIÊN |
Xem 1 - 9 của tổng số 9 Comments
|
Tổng số bài và comment post theo từng khoa
Khoa | Bài viết | Comment |
Sinh | 563 | 9482 |
Lý | 387 | 2824 |
Hóa | 882 | 9765 |
Luật | 721 | 11647 |
Toán | 66 | 376 |
Kinh tế | 4 | 108 |
Câu Lạc Bộ | 30 | 1 |
NCS | 3 | 70 |
Bạn bè | 197 | 1189 |
Dự bị | 0 | 0 |
Ngôn ngữ | 2 | 2 |
10 người post bài nhiều nhất
User | Số bài viết |
TungDX | 289 |
NghiPH | 306 |
NgocBQ | 130 |
ThaoDP | 108 |
CucNT | 123 |
CoDM | 88 |
PhongPT | 73 |
HaiNV | 93 |
LiTM | 85 |
MinhCK | 70 |
10 người comment nhiều nhất
User | Comment |
Guest | 7170 |
NghiPH | 3219 |
LiTM | 1879 |
HaiNV | 1853 |
KhanhT | 1743 |
CucNT | 1718 |
TungDX | 1565 |
ThanhLK | 1545 |
VanNH | 1441 |
ThoaNP | 1257 |