KGU Events >>Sự kiện
KGU Tạo bài viết  
Thứ bảy 23 Tháng một. 2016

QUY NHƠN ĐON CHÀO KGU




Tác giả: Phạm Thị Ngọc Hoa- Hóa 1972

 

                                                              Phạm Thị Ngọc Hoa - Hoá 72

Du xuân 2016 của KGU tổ chức tại Quy Nhơn. Mình hy vọng sẽ là những cuộc vui mới và những khám phá mới. Phương Thoa - Hóa 76 đã gửi kế hoạch Du Xuân tới cho các hội viên KGU. Mình sẽ thuyết minh cặn kẽ các điểm đến trong Du Xuân. Chương trình dự kiến như sau:

-         Thứ 6, ngày 8/4/2016 - Gặp gỡ: Nhận phòng, tự túc nghỉ ngơi, tắm biển, ăn trưa. (Chờ đợi các đoàn). Ăn tối, ca hát, nhảy múa theo KGU tại Khách sạn (KS) Quy Nhơn, tối khuyaHọp Chi bộngay bãi biển trước KS.

-         Thứ 7, ngày 9/4/2016 - Bình Định tour: Ăn sáng tự chọn tại KS, thăm Đàn tế trời đất, Bảo tàng Quang Trung, Khu Du lịch Hầm Hô. Buổi chiều ghé thăm Làng rượu Bàu Đá, Tháp Bánh Ít và Thành Hoàng đế. Buổi tối, lễ hội du xuân, văn nghệ, ăn tối, khiêu vũ.

-         Chủ nhật, ngày 10/4/2016 – Quy Nhơn tour: Ăn sáng tự chọn tại KS, đi vòng quanh Quy Nhơn, qua Tháp Đôi, dừng chụp ảnh Tượng đài Quang Trung, thăm Trại phong Quy Hoà, Trung tâm Quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE), thăm Khu Du lịch Ghềnh Ráng (Bãi tắm Hoàng Hậu, Mộ Hàn Mạc Tử), qua cầu vượt biển Nhơn Hội, ngắm những đồi cát của Bán đảo Phương Mai. Trưa, chiều, tối: từng Người KGU, từng nhóm, từng khoá sẽ cảm nhận Quy Nhơn theo cách riêng của mình: phố, chợ, nem chợ huyện, bánh xèo tôm nhảy, bún cá…

-         Thứ 2, ngày 11/4/2016 - Tour Cao nguyên

Phố núi Plêiku: Quảng trường Đại Đoàn kết, Biển Hồ, Thuỷ điện Yaly.

Kontum: Nhà thờ gỗ, nhà Rông Bahnar, cầu treo Kon Klor.

Đàn tế Trời - Đất

Bình Định là miền “đất võ, trời văn”. KGU viếng Đàn tế Trời Đất, điểm du lịch tâm linh. Đây là long mạch của Bình Định. Tương truyền tại nơi đây Trời- Đất đã ban kiếm lệnh và ấn triện có khắc bốn chữ “Sơn hà xã tắc” cho Tây Sơn Tam kiệt”. Anh em nhà Tây Sơn đã làm nên sự nghiệp vĩ đại, đánh đổ hai tập đoàn phong kiến Trịnh Nguyễn, đánh đuổi 5 vạn quân Xiêm và 29 vạn quân Mãn Thanh, bảo vệ nền độc lập dân tộc. Bảo tàng Quang Trung được xây trên nền nhà cũ của Gia tộc Nguyễn Huệ, Huyện Tây Sơn, Bình Định. Có 2 ngày lễ lớn được tổ chức ở Bảo tàng: Giỗ ba anh em Tây Sơn rằm tháng 11 Âm lịch – gọi là ngày Kỵ hiệp (một gia đình nông dân áo vải mà hai người thành Vua, một người thành Vương – điều chưa có trong lịch sử) và Mồng 5 Tết – kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi Đống Đa. Tại Điện thờ ba anh em Vua họ Nguyễn: Quang Trung Hoàng đế Nguyễn Huệ, Đông Định Vương Nguyễn Lữ và Thái Đức Hoàng đế Nguyễn Nhạc cùng 9 bức tượng sứ dát vàng, tỉ lệ 1/1, thờ các quan văn võ của triều đình: Ngô Thì Nhậm, Ngô Văn Sở, Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân v.v... Trong Bảo tàng, người ta còn lưu giữ giếng nước, cây me 200 tuổi của gia đình Nguyễn Huệ. Cây me di sản cao 24 m, đường kính 1,2 m, tán cây che phủ 600 m2. Đây là bảo tàng duy nhất ở nước ta mà bạn được xem show  biểu diễn trống trận chuyên nghiệp, nhạc võ sôi động, hào khí.

Bảo tàng Quang Trung

Thành Hoàng Đế được xây năm 1776 trên cơ sở thành cổ Đồ Bàn (thế kỷ X) - kinh đô của Vương quốc Chăm Pa. Thành Hoàng Đế gồm 3 vòng: Thành Ngoại, Thành Nội và Tử Cấm thành; Là bản doanh của Tây Sơn và là kinh đô của chính quyền trung ương Hoàng Đế Thái Đức – Nguyễn Nhạc. Đặc biệt trong Thành Hoàng Đế còn “lưu giữ” những trận đánh ác liệt giữa Tây Sơn và Nhà Nguyễn. Quan võ của Nhà Nguyễn là Võ Tánh biết cầm quân không nổi với hai tướng Tây Sơn là Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng, đã tự thiêu tuẫn tiết và khuyên quan văn Ngô Tùng Châu rút quân về Nam với Triều Nguyễn (chắc nghĩ rằng để làm mất thành thì quan võ “tội lớn” hơn quan văn). Nhưng Ngô Tùng Châu sau cũng uống thuốc độc tự tử. Cảm kích sự trung quân của họ, Nguyễn Nhạc chôn cất, lập mộ thờ “Song trung”. Đi trong Thành Hoàng Đế bạn tự nhiên cảm nhận thấm đậm tinh thần thượng võ, anh hùng nghĩa hiệp của Tây Sơn.Vậy mà sau khi Nguyễn Ánh lên ngôi, những gì liên quan tới Tây Sơn đều bị xoá sạch!?!

Thành Hoàng Đế

Khu du lịch Hầm Hô – Bản giao hưởng của non và nước

Cái tên nghe lạ, mỗi người giải thích một kiểu: Hoặc thác nước cao 6,7 m đổ xuống một hầm đá phát ra tiếng ầm ô như tiếng hô báo cho người đi ghe biết nguy hiểm hoặc hầm đá mọc lô nhô, lởm chởm như hàm hô.

Cây rừng nguyên sinh lâu năm, rễ phủ xuống như tóc xõa soi bóng xuống dòng suối. Cá lội ngược dòng bị thác nước hất tung trở lại như cá bay. Tương truyền lãng mạn rằng hàng năm Long Vương tổ chức kỳ thi cho cá Hầm Hô. Con nào thắng cuộc sẽ hóa rồng, do đó cá từ các sông suối dồn cả về đây đ thử vận may. Đá hai bên dòng sông, đá từ dưới đáy sông, lớn nhỏ, vuông, tròn cụm lại như những đàn thú, tạo hình san hô chồng xếp nhiều tầng. Cũng lưu ý bạn là “ca hátthiên nhiên vì sông núi mênh mông, du khách tự chọn các đoạn suối khác nhau đ hạ trại nên Công ty du lịch không thể (hay là không cần) xây WC.

Hầm Hô

Đầm Thị Nại với cây cầu Thị Nại 54 nhịp, dài 2.477 km, cây cầu vượt biển được xem là dài nhất Việt Nam hiện nay. Cầu Thị Nại nối Quy Nhơn với bán đảo Phương Mai trong dự tính là Khu kinh tế Nhơn Hội. Tuy nhiên, khủng hoảng 2008 và những năm sau không cho phép Nhơn Hội thu hút được đầu tư. Hiện nay cầu và đường đã xong nhưng bán đảo Phương Mai vẫn còn là một miền gió cát. Tháp Đôi là hai tháp Chàm của Vương quốc Chăm Pa xây kề nhau từ thế kỷ XII. KGU phải thưởng ngoạn vì đây là Tháp Chàm nằm ngay trung tâm thành phố. Mình đã hai lần thấy bạn chơi Game show trả lời sai về Tháp Bánh Ít và Tháp Đôi. 

Đầm Thị Nải

Trong Quy Nhơn tour bạn ghé Trại Phong Quy Hòa cách Trung tâm 3 km. Trại phong nằm trên đường ven biển dài 60 km nối Sông Cầu (Phú Yên) và Quy Nhơn, con đường biển được xem là đẹp nhất Việt Nam hiện nay. Ngày xưa nơi đây là làng chài, núi non bao bọc, huyền bí, cách biệt với thế giới bên ngoài. Năm 1929, linh mục người Pháp Paul Maheu đã xây dựng thành trại phong, nơi sống của những bệnh nhân cùi, hủi vốn bị người đời ghê sợ và khinh miệt.

Làng phong Quy Hoà

Mộ của nhà thơ Hàn Mạc Tử cũng nằm ở đây, đến 1969 mới được cải táng lên đồi Thi Nhân Ghềnh Ráng. Bạn sẽ gặp nhà thơ Zũ Kha, quên cả thơ của mình, lên sống cùng Hàn Mạc Tử: chăm sóc mộ, đọc thơ, viết thơ trên bút lửa…

Mộ Hàn Mạc Tử

Mải giới thiệu về “đất võ”, mình quên mất “trời văn” của Bình Định: Tuồng Đào Tấn (hy vọng là các em hướng dẫn viên và KGU Tp. Hồ Chí Minh sẽ tặng đoàn món “đặc sản” này), thơ Hàn Mạc Tử, Xuân Diệu, Chế Lan Viên…Ở thành phố Quy Nhơn nhiều con đường mang tên họ. Trước khách sạn Quy Nhơn nơi KGU đang ở, là đường Xuân Diệu, con đường lãng mạn và đẹp nhất, không phải chỉ của Quy Nhơn. Đội tiền trạm KGU đánh giá là con đường thành phố ven biển đẹp nhất Việt Nam! Nó cũng chỉ mới được xây dựng những năm 2000 sau khi bồi thường, di dời các ghe đánh cá, các chợ cá và lật quy hoạch thành phố Quy Nhơn về hướng Tây.

Ghềnh Ráng, Bãi tắm Hoàng hậu là tác phẩm thiên tạo, nhiều ghềnh (đá chất ngổn ngang thành ghềnh), lắm rạn - sơn thạch chạy sát tới biển. Ghềnh Ráng có lẽ là tên do người đi biển đặt. Đi qua ghềnh, rạn người đi biển phải “đổ” bớt gió trong buồm ra để thuyền đi chậm lại. Động tác đó người đi biển gọi là “ráng”. Ở đây có rất nhiều cảnh đẹp mà nhất định Sài Gòn, Hà Nội không thể có!!!

Bãi trứng

Bãi tắm Hoàng hậu – Bãi Trứng có đá xanh hình tròn và eclip giống như quả trứng. Bãi có nhiều tên gọi: Bãi Nhạn Châu – có lẽ do có nhiều chim nhạn về, Bãi Tiên Sa –Truyn thuyết về mối tình nhiều trắc trở của đôi trai gái nghèo. Họ thoát tục thành tiên và hẹn hò gặp nhau ở nơi đây. Dẫu là truyền thuyếtcũng nhờ truyền thuyết mà bãi tắm Tiên Sa hiện nay là nơi hẹn hò của các cặp uyên ương. Năm 1927, Vua Bảo Đại cho xây một biệt thự 3 tầng để lập Hoàng cung khi đến Quy Nhơn. Tòa nhà đó đã bị nhân dân đập bỏ trong kháng chiến, năm 1949. Bãi tắm chỉ dành riêng cho Nam Phương Hoàng Hậu nên có tên Bãi tắm Hoàng Hậu. Có lời đồn rằng Bảo Đại cho chở đá trứng đến đó để làm bãi tắm. Có lẽ không nên tin vào lời đồn, mình  nghĩ nơi đây hoàn toàn thiên tạo. Vả lại, người ta tắm trên cát mịn chứ mấy người tắm trên đá ?! (Hay mình Hai Lúa quá chăng?)

Mình chỉ sợ văn chương có hạn, mô tả triền miên, người thì cho rằng: “Trời, Quy Nhơn như vậy thôi à, đâu có gì để thưởng ngoạn”, người thì lại bảo: “Thôi, nghe vậy, biết hết rồi, khỏi đi!” Làm sao đây!?! Quy Nhơn đón chào KGU! Đừng bỏ lỡ một dịp hội tụ cùng bạn bè trên mảnh đất “địa linh nhân kiệt” này nhé! Tới đây bạn còn sẽ được gặp Người KGU rất thân mến: Cẩm Hoà (Luật), Hoá 72 gồm chị Nhung, các anh: Ba, Vinh, Luân (nhân vật đặt biệt mà cuốn Người KGU Tập I ghi chú “đã mất”).

Quảng Trường Đại đoàn kết

Hậu Du Xuân đưa KGU lên vùng núi Tây Nguyên đất đỏ bazan. Vào mùa mưa, đất ở triền núi màu đỏ đậm như trĩu nặng dưỡng chất, dường như bất cứ một hạt nào rớt xuống cũng vươn lên thành cây. Tây Nguyên bạt ngàn rừng núi. Xe của bạn đi giữa hai thảm hoa Dã Quỳ vàng rực ven đường. Ở Plêiku bạn được dạo chơi, chụp hình Quảng trường Đại Đoàn Kết. Trên diện tích 12 ha có 54 thảm cỏ xanh, 54 khối đá bazan chụm lại thành tháp (ba cây chụm lại thành hòn núi cao, huống hồ 54) biểu trưng cho tình đoàn kết 54 dân tộc của Việt Nam. Trung tâm của Quảng trường là tượng Bác Hồ bằng đồng cao 10,8 m trên bệ đá xanh cao 4,5 m (hiện nay là bức tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh lớn nhất Việt Nam) được bao bọc phía sau bởi bức phù điêu bằng đá trắng chạm khắc hình ảnh sinh hoạt của đồng bào Tây Nguyên. Bác Hồ trong lòng người dân Tây Nguyên.

Ngày 02/12/2012 mình rất vinh dự được cùng Ông Bà Bá–Kroong (ba má mình) dự lễ khánh thành Quảng trường. Hai dãy cồng, chiêng phía sau tượng đài được gióng lên khai mạc, rồi những bài hát điệu múa của cả ngàn người dân tộc già trẻ, lớn bé, rồi pháo hoa, rượu cần… Những ấn tượng không thể nào quên!

Bạn sẽ được ngắm vẻ trong trẻo, tĩnh lặng của Biển Hồ và hiểu vì sao nhạc sỹ Nguyễn Cường phải thốt lên “Em đẹp quá Plêiku ơi!”.

Tình yêu Phố Núi bạn còn tìm thấy trong bài thơ “Còn một chút gì để nhớ” của Vũ Hữu Định đã được Phạm Duy phổ nhạc: Phố Núi trời gần, buổi chiều quanh năm mùa đông, em gái Plêiku má đỏ, môi hồng… Mình dám bảo đảm bạn “anh khách lạ đi lên đi xuống, rồi bạn sẽ thấy lòng bỗng bâng khuâng… còn một chút gì để nhớ…” Có rất nhiều huyền thoại về Biển Hồ để lý giải vì sao trên núi cao lại có Hồ tràn đầy nước và dậy sóng như Biển mỗi khi có gió lớn. Biển Hồ cung cấp nước ngọt và thủy hải sản cho Tây Nguyên và là hòn ngọc của Tây Nguyên.

Nhắc đến Plêiku là nhắc đến Thủy điện Yaly, một công trình thủy điện lớn thứ hai (sau Sông Đà) và là thủy điện ngầm lớn nhất Việt Nam. Thủy điện Yaly được xây 1993-2003, trên sông Sêsan chảy ngược dòng từ Đông sang Tây và đổ vào Cămpuchia. Với sản lượng 3,7 tỷ Kwh/năm, Yaly là nguồn sáng lớn nhất Tây Nguyên. Yaly là sự kết hợp hài hoà giữa thiên nhiên và tạo tác của con người chinh phục thiên nhiên. Người KGU có đóng góp cho Yaly. Anh Huỳnh Văn Ba- Hóa 72 là phiên dịch cho chuyên gia Liên Xô trong cả gần mười năm xây dựng.

Kon Tum, ngã ba Đông Dương: Việt Nam-Lào-Cămpuchia có dòng sông Đăbla hiền hoà, ngọc núi Ngọc Linh kiêu hãnh, đường Trường Sơn huyền thoại v.v… Chuyến Hậu Du xuân dừng KGU ở Nhà thờ gỗ, Cầu treo Kon Klor và Nhà rông Bahnar.

Nhà thờ gỗ làng Kon Tum đã trên 100 năm tuổi.

Thị trấn Kon Tum và giáo phận Kon Tum được người Pháp xây dựng rất sớm (trước cả Đà Lạt và Buôn Mê Thuột). Nhà thờ gỗ bị cháy 2 lần vào năm 1890 và 1895, nhưng cứ mỗi lần xây lại, lại đẹp hơn trước. Nó uy nghi như các nhà thờ Phương Tây nhưng lại không bê tông, không vôi vữa và ấm áp như nhà sàn Tây Nguyên. Cầu treo Kon Klor bắc qua con sông Đăbla (cũng chảy ngược dòng từ Đông sang Tây và đ vào Lào). Cầu treo rộng 4,5 m dài gần 300 m được khánh thành ngày 19/5/1994. Nhà Rông Bahnar cũng như những nhà rông  khác của các làng xã Tây Nguyên, nhất định chỉ được tranh tre, nứa lá. Nhà Rông là tâm linh, máu, mồ hôi, nước mắt, là vinh quang, kiêu hãnh, ước vọng, là “trái tim của dân làng”. Bạn lên Tây Nguyên nhớ tìm hiểu vì sao Nhà Rông chỉ gắn với làng (không có Nhà Rông huyện, tỉnh hay liên huyện, sao lại có nhà Rông trống và nhà Rông mái?

Nhà thờ gỗ Kon Tum

Không biết đi một đỗi đàng học được mấy sàng khôn đây? Hẹn gặp KGU tại Du Xuân 2016 nhé!

 

 

 


Người post: TuyetHA

Ngày đăng: 23-01-2016 02:02






Xem 1 - 10 của tổng số 16 Comments


Trang:  1 | 2 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Từ: Guest MaiND Luật81
07/03/2016 00:46:09

Chị Hoa cho MaiND Luật81 đăng ký ăn và nghỉ KS ở Quy Nhơn từ 08 đến 10/4, ngày 11/4 tham gia Hậu Du Xuân lên Tây Nguyên nhưng sẽ ở lại Pleeiku chơi (ko đi Kontum và Tam Quan) rồi 12/4 bay về HN. Cám ơn chị.


 



Từ: ThangNT
26/01/2016 17:27:32

Ý của X Ba cũng trùng với ACE 73 ở TP HCM. Mọi người đều đi hâu và hâu du xuân cả. Chả mấy khi có dịp và như Nga HT đã viết là đỡ vất vả và an toàn hơn. Như anh đấy, lúc đầu chỉ định đi hâu du xuân ngày 11/4 thôi. Sau thấy ACE TP HCM đổi sang hâu hâu du xuân, thế là phải bù thêm tiền để chuyển vé bay, vì mỗi lý do là để đỡ vất vả và an toàn. Hẹn gặp tại du xuân.



Từ: NgaHT
25/01/2016 03:06:07

Em nhất trí đi hậu du xuân 2 ngày 1 đêm. Đi vậy đỡ vất vả và cảm thấy an toàn


 


 


 


 



Từ: BinhNH
25/01/2016 02:44:08

Tuyệt vời Chị Lộc ơi



Từ: Guest Phạm Thị Ngọc Hoa Hoá 72
25/01/2016 00:14:10

Nghị khen nhầm người rồi. Mấy hình mình gửi sao máy bị trục trặc, những hình trong bài là của Ánh Tuyết. Nhưng cũng không ngạc nhiên, vì Tuyết là dâu "quá giỏi" của Bình Định nên mới có được cái cảm nhận trong các bức ảnh. Cảm ơn Ánh Tuyết, chắc chắn những bức ảnh đẹp đó lôi kéo KGU về Bình Đinh. 


 



Từ: HanhLT
24/01/2016 23:23:24

Chị Lộc ơi em vẫn nhớ chị nhỏ bé mặt tròn da trắng dáng xinh,rất mong có dịp về Tam quan thăm nhà chị.



Từ: BaLX
24/01/2016 23:16:35

A. Thắng, nếu đi được chung một đoàn vẫn vui hơn. Dễ gì các ACE ở mọi nơi có dịp được gặp và ở với nhau tới mấy ngày liền.



Từ: ThangNT
24/01/2016 22:28:21

Ý kiến đi hâu du xuân lên Tây nguyên 2 ngày khá thú vị. Đề nghị các ACE KGU đăng ký. Nếu đủ số lượng, ta tổ chức thành 2 đoàn. Còn những ACE nào muốn đi thêm hâu, hậu du xuân nữa cũng cho biết ý kiến để sắp xếp. Theo tôi đây cũng là dịp hiếm có, nhất là lên Tây nguyên.



Từ: Guest Lộc 72
24/01/2016 22:22:39

Mình đã com.lên kh du xuân 2016 của Thoa rồi ,mọi người cố gắng vào đó xem về kế hoạch và đường đi lối lại về thăm nhà mình nhé. Ở quê buồn nên rất mong có người tới chơi. Mời tất cả trẻ già trai gái ,không phân biệt năm tốt nghiệp. Gặp nhau là vui rồi, nhưng phải tới chiều 12/4 (những ai đi tour Tây nguyên 1 ngày ) về lại Quy nhơn sáng 13/4. Còn những ai đi Tây nguyên 2ngay 1đêm thì đến nhà mình chiều 13/4 về lại Quy nhơn sáng 14/4 vì phải ở đó 1 đêm và tắm biển chiều muộn và sáng sớm mới thích. Đi làm hai đoàn cũng được ,không sao cả 



Từ: ThoaNP
24/01/2016 19:15:08

Cảm ơn Chị Hoa về bài viết rất hay và ngập tràn thông tin, hình ảnh.


Em có còm về việc thay đổi tour Pleiku - Kontum trong bài "Thông báo Du Xuân", xin các ace xem còm và đăng ký sớm để tiện làm việc với các đối tác.


Cảm ơn mọi người.




Trang:  1 | 2 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7170
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s