DU XUÂN 2016
Tác giả: CUC
DU XUÂN 2016
Sẽ chẳng ai tin được ở cái tuổi 50, 60, 70 mà tất cả náo nức như trẻ con được theo mẹ đi chợ. Vậy mà có đấy, chúng tôi, những thành viên trong ngôi nhà Kgu vừa xong du xuân năm ngoái đã lập ngay kế hoạch cho du xuân năm nay và ngày vui ấy đã đến sau bao náo nức mong chờ.
Thành phố Quy Nhơn ngày 08/07/2016 trở nên náo nhiệt hơn bao giờ hết vì trong một ngày hơn 160 người từ khắp nơi đổ về. Nhân viên khách sạn Quy Nhơn ngạc nhiên “Gia đình nào mà đông anh em thế!”. Chúng tôi đã từng đến Quy Nhơn, đã được làm quen với thành phố này qua những bài viết rất hay của anh Diệp Chí Mậu nhưng sức hấp dẫn không chỉ là những đặc điểm đặc sắc của thành phố mà là chúng tôi được gặp lại nhau qua bao mong đợi.
Tối ngày 8/4, phần lớn anh chị em đã có mặt, ai cũng hân hoan chào đón như đón người thân yêu nhất.
Đoàn từ thành phố HCM đi, ai cũng tiếc là sau giải phẫu, chị Diệu Linh còn yếu nên không đi được. Đến Quy Nhơn, gặp anh chị Tuấn Lý, chị Xuân Ba, ai cũng mừng vì thấy các anh chị khỏe mạnh. Trước du xuân mấy ngày, cứ lên FB thấy chị Xuân Ba đang đo huyết áp là tất cả boăn khoăn. Riêng em Cúc rất mừng vì được ôm chị Liên, người chị có nhiều đồng điệu với em cả số phận và tâm hồn mà những du xuân trước vì sức khỏe hạn chế chị không đi được.
Sáng ngày 9/4 chúng tôi đi tham quan một số địa điểm trong thành phố và tối ngày 9/4 thì buổi Hội ngộ chính thức bắt đầu.
Căn phòng được trang bị sang trọng, sân khấu rực rỡ ánh đèn. Hai MC nổi tiếng cùa Kgu là anh Hoàng Lương và chị Ánh Tuyết nổi bật trên sân khấu trong bộ áo quần sơ mi chỉn chu và tà áo dài tha thướt.
Tiếng Hà Nội ngọt ngào của chị Tuyết cất lên: “Thưa các anh chị và các bạn! Một mùa xuân mới, mùa xuân Bính Thân đã về với chúng ta. Như những cánh chim bay về tổ ấm, người Kgu khắp bốn phương trời lại náo nức đến với du xuân. Du xuân lần thứ 6 này đồng nghĩa với kỹ niệm sau năm ngày thành lập Hội Kgu”. “Ờ ! đã sáu năm rồi đấy nhỉ” . Vậy mà tâm trạng chúng tôi vẫn náo nức như vừa mới đây thôi nhưng nghĩa tình thì cứ như đã 50 năm gắn bó.
Du xuân năm nay cững như những năm trước là Ban tổ chức đã chu đáo chuẩn bị một cái bánh sinh nhật. Hội trưởng Ngọc được mời lên cắt bánh, tay anh run run vì xúc động. Tất cả hát vang bài ‘Mừng sinh nhật”. Tổng giám đốc một công ty lớn như FPT với hàng núi công việc ngổn ngang , anh Ngọc vẫn dành cho trang web Kgu sự quan tâm sâu sát và anh đã dành rất nhiều thời gian để chuẩn bị cho du xuân năm nay để cuộc hội nghộ thêm phong phú hấp dẫn. Riêng sự có mặt của anh trong đêm Hội đã làm cho tất cả xúc động bởi biết vợ chồng anh đã cố gắng lắm mới có thời gian.
Mọi người im lặng lắng nghe những tâm tình của anh: “Hội chúng ta thành lập đã được 6 năm, đã gắn bó, chia sẻ cùng nhau bao kỹ niệm, mỗi dịp du xuân là mỗi lần chúng ta gắn bó với nhau hơn, vui hơn. Năm nay, chúng ta sẽ tổ chức về nguồn vào tháng 9, chúng ta sẽ gặp lại thầy cô và mái trường xưa đầy kỹ niệm. Mong rằng mỗi chúng ta sẽ gắn bó với ngôi nhà Kgu và chăm sóc nó nhiều hơn….”. Có lẽ ai cũng hiểu những tâm tình của Hội trưởng, lâu nay, mọi người bận rộn với Fb nên ít “đi chợ”, Kgu hơn. Có lẽ sau dịp này, mỗi người sẽ gắn cho mình trách nhiệm chăm sóc “chợ” kgu để nơi đó thực sự là nơi chất chứa và chia sẻ những tâm tình.
MC mời anh Huỳnh Văn Ba – đại diện cho BLL ở Quy Nhơn phát biểu. Anh Ba là cựu sinh viên khóa 1972, những ngày các anh chị về nước là những ngày cuộc chiến đấu chống đế quốc Mỹ của dân tộc bước vào giao đoạn khốc liệt nhất. Những năm tháng đó, ở Mondova đang là những tháng ngày bình yên với người dân hiền hòa, thầy cô yêu thương học trò như con đẻ, nếu ở lại, có lẽ họ đã có cuộc sống bình yên. Nhưng hình như không ai có ý nghĩ đó, họ về nước ngay sau khi tốt nghiệp, mong ước đưa trí tuệ, công sức của mình phục vụ cho Tổ quốc, dân tộc. Tôi vẫn hy vọng rằng mọi người sẽ kể lại những kỹ niệm của cuộc đời mình trên trang web Kgu để chúng tôi, thế hệ sau hiểu hơn về thế hệ trước, để sống xứng đáng hơn. Anh Ba cảm ơn gia đình Kgu đã chọn Quy Nhơn làm điểm đến để anh chị em ở Quy Nhơn có cơ hội gặp gỡ bao bạn bè, để có cơ hội thể hiện lòng hiếu khách của mình, mong mọi người có một kỳ du xuân thật thoải mái, vui vẻ.
Cả khóa tốt nghiệp năm 1976 bước lên sân khấu. Năm nay, khóa này sẽ kỹ niệm 40 năm ra trường. Bốn mươi năm ấy, họ đã cống hiến bao công sức dựng xây cho đất nước. Khóa này về nước ngay sau khi đất nước thống nhất nên 40 năm qua là quãng thời gian quan trọng nhất của họ bởi họ đã ứng dụng thành công những kiến thức của mình cho sự nghiệp kiến tạo xây dựng đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như ước nguyện của Bác Hồ.
Anh Nông Văn Hải đọc bài thơ, anh viết từ mấy năm trước, trong ngữ cảnh này thật phù hợp và xúc động:
“....Những cánh chim đã về tổ ấm
Khắp nẻo đường, đất nước quê hương
Mấy chục năm qua, lòng vẫn nặng
Tình nghĩa năm xưa, một mái trường.”
Chương trình văn nghệ năm nay nhiều hơn, rộn ràng hơn năm trước. Khởi đầu là bài hát “Tổ quốc gọi tên mình”, thơ Phan Quế Mai, nhạc Đinh Trung Cẩn do anh Nguyễn Quang Vinh và tốp ca nam nữ Kgu Hà Nội biểu diễn. Màu áo đỏ, sao vàng sáng rực trên sân khấu, cả hội trường hát theo:
“Tôi lắng nghe Tổ quốc gọi tên mình,
Bằng tiếng sóng Hoàng Sa, Trường sa dội vào gềnh đá”.
Khi ngoài kia, biển đông đang dậy sóng, nơi đây, trên bờ biển Quy Nhơn, chúng tôi hát và hình dung nơi ấy, bao người lính trẻ đang ngày đêm canh giữ bảo vệ sự vẹn toàn của lãnh thổ tổ quốc mình. Chúng tôi hát, căng tràn trong lồng ngực một tình yêu da diết Tổ quốc mình.
Tiếp theo là bài hát “Buổi sáng trên đồng nội” . Bài hát ra đời đã trên 50 năm miêu tả về đồng nội long lanh sương sớm, xanh mát tâm hồn. Tác giả là nhạc sỹ Trần Tất Toại, ông thuộc một trong những trường hợp đặc biệt trong hợp trong lòng người nghe. Chỉ một bài hát thôi nhưng đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng người nghe và hôm nay nó được thể hiện qua sự biểu diễn của tốp ca nữ Tp. HCM.
Có một danh ca nam nổi tiếng của hội KGu Tp.HCM , ba năm qua chở em Cúc đi tập hát nhưng lúc nào cũng nhắc mãi tên một người rằng chị ấy là giọng ca vàng một thời đã làm anh nghiêng ngả. Hôm nay, thực sự em Cúc và nhiều người đã được thưởng thức giọng ca vang bóng một thời đó qua bài hát bằng tiếng Nga “ Bài hát về thành phố chúng ta”. Tiếng chị cất lên mượt mà, ngọt lịm
“Thành phố trắng của ta ơi.
Em – bông hoa đá đứng giữa trời,
Em được tắm mình trong nước mát.
Nước thiên nhiên long lánh nắng mặt trời”. Thành phố Kishinhốp thân yêu hiện rõ nét qua giọng hát của chị Lê Ngọc liên.
Cứ nghĩ rằng múa thường được thực hiện bởi những em gái trẻ trung, ngược lại tiết mục “Múa sắc bùa” lại được thể hiện bởi tốp nữ Tp. HCM. Các chị đều đã trên 50 tuổi nhưng điệu múa vẫn uyển chuyển, dịu dàng làm sao. Điều đó thể hiện sự kiên trì tập luyện và toàn tâm của các chị.
Những năm tháng sinh sống học tập trên đất Xô viết, mỗi khi bài hát “Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò ví giặm”, lòng chúng tôi lại bồi hồi, thổn thức. Từ những câu hò ví giặm của miền quê sông nước Nghệ Tĩnh, nhạc sỹ Trần Hoàn đã chắt lọc những tinh túy của dân ca để tạo nên những âm hưởng đặc sắc ngọt ngào da diết làm lay động trái tim không chỉ những người còn nước Việt mà còn làm rung động trái tim của bạn bè khắp năm Châu.
‘Giữa Mac Tư Khoa nghe câu hò xứ Nghệ!
Ôi Câu hò xứ sở, hết giận rồi lại thương
Ôi câu hò quê hương, em hát chiều nay, răng mà thương mà nhớ…”
Chúng tôi nghe, đắm chìm trong cảm xúc, tưởng như đang được nghe ca sỹ nhân dân Thu Hiền trình bày, nhưng không, đó là tiếng ca đằm thắm thiết tha, đầy truyền cảm của người con xứ Nghệ, chị Nguyễn Thị Tỵ, khóa 1976.
Chúng tôi được nghe bài hát tiếng Nga từ bài thơ trữ tình của Shvedov về mối tình trong trắng thơ mộng của chàng trai với cô gái Mondova đã được Nhạc sỹ Novikov phổ nhạc thành một bài ca rộn rã tươi vui nhí nhảnh có sức sống mãnh liệt từ những năm tháng gian khổ khốc liệt của cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại cho đến ngày nay. Bài hát do tốp ca nam nữ Tp. HCM biểu diễn với sự hòa âm phối khí của Nguyễn Anh Kiệt. Nhân tài đất Việt Nguyễn Anh kiệt đã bỏ ra hơn hai mươi năm miệt mài nghiên cứu để cho ra đời sản phẩm hòa âm phối khí chưa từng có trên thế giới. Và chúng tôi, những người Kgu là những người đã được tận hưởng sản phẩm đó đầu tiên, hoàn toàn miễn phí. Thật tuyệt vời khi chúng ta có những sản phẩm “cây nhà, lá vườn” đặc sắc đến vậy.
“Liên khúc về Hà Nội” được các anh chị em kgu ở Hà Nội trình bày “ Dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn nhớ về Hà Nội. Hà Nội của ta, Thủ đô yêu dấu!”. Chúng tôi đang ở Quy Nhơn, nơi đây tập trung những khuôn mặt thân yêu của mọi miền đất nước nhưng có lẽ bất cứ ai cũng nhớ về Hà Nội, nhớ hàng cây tán lá bên hồ gươm xanh thẳm, mây nhởn nhơ bay trên tháp chùa nghiêng soi bóng, nhớ những dáng người uy nghiêm đang ngày đêm canh giữ cho Bác Hồ yên giấc ngàn thu.
Bài hát về Hà Nội lại được tiếp tục do các anh chị em Kgu tại Hà Nội trình bày “Hà Nội đẹp mãi trong tim ta, như bản tình ca…”.
Các anh chị em Kgu tp. HCM tươi tắn, xinh đẹp, thướt tha trong áo dài truyền thống cất cao tiếng ca: “Việt Nam quê hương tôi”.
Em Cúc không biết hát nên khi được đứng vào tốp ca này thì sung sướng lắm, mặt tràn đầy sắc xuân, cất cao giọng: “Bạn ơi! Hãy đến quê hương chúng tôi, Ngắm mặt biển xanh, xa tít chân trời…”. Chương trình văn nghệ vẫn tiếp tục với sự đồng ca của hai giọng ca vàng Chu Kỳ Minh và Nguyễn Văn Uyển, các anh mặc sắc phục người lính tô điểm thêm cho bài hát càng âm vang khí thế của người chiến sỹ khi ra trận và tình cảm dạt dào dành cho những người thân yêu.
Người Kgu cả hai miền Hà Nội, Tp. HCM đã miệt mài luyện tập suốt bao tháng ngày qua mới có nhiều những tiết mục hay như thế. Tôi cảm ơn họ vì không chỉ là những người đầu tàu gương mẫu trong công việc nơi cơ quan mà trong chuyến du xuân, chỉ là để thư giãn thôi họ cũng cống hiến hết sức mình.
Bữa tối được dọn ra, ngon quá là ngon, ẩm thực Quy Nhơn phù hợp với khẩu vị cả ba miền. Ăn uống, chúc tụng, thăm hỏi, ai cũng rạng ngời một niềm vui và sự phấn khích “Gặp mỗi mặt người đều muốn ghé môi hôn”.
Nhạc nổi lên, mọi người lên sân khấu khiêu vũ theo tiếng nhạc. Ai tin được? Nhưng đó là sự thật, là những ông, bà đã ở tuổi 60, 70 tranh thủ khi cháu ngủ, tập khiêu vũ và nay đang nhún nhảy theo điệu nhạc điêu luyện như những vũ công lành nghề.
Trong niềm vui, em Cúc mang “Chuyện tình của tôi’ ra bán. Dù nhiều người đã đọc trên trang web Kgu những gì em Cúc viết, họ vẫn mua, mua để ủng hộ em. Em chỉ muốn giang tay ôm hết mọi người để bày tỏ tình yêu thương và lòng kính trọng, tri ân.
Mỗi cuộc đời, một số phận là một bài học, một kinh nghiệm cho ta. Được trao đổi, lắng nghe những người hiểu biết nói chuyện là những may mắn lớn. Sự xuất hiện của anh Hoàng Minh Châu làm mọi người thêm vui mừng bởi cứ nghe anh nói là như con chiên ngoan đạo nghe giảng kinh thánh. Anh là một doanh nhân tài ba và hơn hết cũng như hội trưởng Bùi Quang Ngọc và nữ Đại Sứ Bùi Thanh Huyền họ là những người doanh nhân có lòng yêu nước nồng nàng, có tấm lòng cảm thông, sẻ chia với hết thảy và là những người hết lòng vì sự phát triển của hội Kgu. Khi có một số ý kiến bi quan trước tình trạng hiện nay của đất nước thì anh luôn mang đến cho mọi người những thông điệp lạc quan và không chỉ nói, anh luôn bắt tay làm cho cuộc sống chung tốt đẹp hơn. Tôi cứ nhớ mãi lời anh:
“Một Chính phủ mạnh, không phải vì nó có một bộ máy khổng lồ, mà là vì khi cần thiết, nó có thể huy động được SỨC MẠNH CỦA TOÀN DÂN.
Chúng ta vui mừng và thành tâm chào đón Chính Phủ mới.
Người dân hi vọng, Chính Phủ mới sẽ là một Chính Phủ vì Dân, có đường lối chính sách cụ thể để bồi dưỡng sức Dân. Chính Phủ đó, lúc cần thiết, sẽ có khả năng huy động SỨC MẠNH CỦA TOÀN DÂN.
Có rất nhiều thách thức đang chờ đón Chính Phủ mới như: đẩy lùi tham nhũng, giảm nợ công và tái cấu trúc nền kinh tế... Và tôi tin tưởng, nếu có sự ủng hộ của người dân, Chính Phủ mới sẽ đủ khả năng vượt qua mọi thách thức, đưa đất nước phát triển phồn vinh.”
Đất nước chúng ta sẽ phồn vinh khi mỗi người đều như anh, như hội Kgu thân yêu của chúng ta.
Điện thoại của tôi đổ chuông. Là giọng nói thân thiết của nữ đại Sứ Thanh Huyền “Em ơi! Chị tiếc lắm là không thể dự du xuân với gia đình Kgu, chị yêu mọi người lắm. Em chuyển tới mọi người lời chúc vui vẻ từ chị và nói với mọi người chị chờ mọi người ở Mondova vào tháng 9 nhé!” Vâng, em sẽ truyền đạt lại với mọi người chị nhé! Nghĩ đến tháng 9 chúng tôi lại bên nhau để về nguồn, lòng tôi lâng lâng.
Có ở đâu trên đất nước này, một hội như hội Kgu không nhỉ? Một hội mà ở trong đó, ta nhận về bao nhiêu yêu thương, một hội mà ở đó ai cũng coi việc chung là việc của chính mình. Một hội mà có những người anh chị cả như anh Thắng, chị Tuyết, họ biết em Cúc “còn khờ khạo, ngu ngơ lắm, chỉ biết yêu thôi, chẳng biết gì”( Xuân Diệu) tâm hồn lúc nào cũng treo ngược trên cành cây nhưng chẳng lúc nào họ chê trách mà chỉ yêu thương và chở che. Mới đây thôi, anh Trí, chị Lam đã đến dự lễ ra mắt tác phẩm văn học của Cúc và gửi đến cho cộng đồng bao cảm nghĩ tốt đẹp về em.
Chúng tôi về phòng trong thư thái, lắng nghe tiếng sóng biển ngoài xa đang ru ngủ những hàng dương. Ngày mai, chúng tôi sẽ cùng nhau đi tham quan những địa danh nổi tiếng ở Quy Nhơn và Bình Định.
Quy Nhơn - Tp. HCM 9-12/04/2016
Cucnt.
Bài viết sử dụng nhiều tư liệu của chị Hoàng Ánh Tuyết.
Người post: CucNT
Ngày đăng: 18-04-2016 22:10
COMMENTS CỦA THÀNH VIÊN |
Xem 1 - 9 của tổng số 9 Comments
|
Tổng số bài và comment post theo từng khoa
Khoa | Bài viết | Comment |
Sinh | 563 | 9482 |
Lý | 387 | 2824 |
Hóa | 882 | 9765 |
Luật | 721 | 11647 |
Toán | 66 | 376 |
Kinh tế | 4 | 108 |
Câu Lạc Bộ | 30 | 1 |
NCS | 3 | 70 |
Bạn bè | 197 | 1189 |
Dự bị | 0 | 0 |
Ngôn ngữ | 2 | 2 |
10 người post bài nhiều nhất
User | Số bài viết |
TungDX | 289 |
NghiPH | 306 |
NgocBQ | 130 |
ThaoDP | 108 |
CucNT | 123 |
CoDM | 88 |
PhongPT | 73 |
HaiNV | 93 |
LiTM | 85 |
MinhCK | 70 |
10 người comment nhiều nhất
User | Comment |
Guest | 7169 |
NghiPH | 3219 |
LiTM | 1879 |
HaiNV | 1853 |
KhanhT | 1743 |
CucNT | 1718 |
TungDX | 1565 |
ThanhLK | 1545 |
VanNH | 1441 |
ThoaNP | 1257 |