KGU Events >>Sự kiện
KGU Tạo bài viết  
Thứ sáu 28 Tháng mười. 2016

NĂM NGÀY RUNG CHUYỂN KISHINEV




Tác giả: PhuongTT

KISHINEV - VỀ NGUỒN NGÀY 1 (28/9/2016)

Moldova đón tôi từ chuyến bay của Turkish airline sau 1h từ Istanbul. Đã chuẩn bị máy ảnh chụp lúc hạ cánh, nhưng hóa ra sân bay rất nhỏ và tối mù. Máy bay lăn cánh trên đường băng hết 30 phút mơi vào đến terminal giữa những cánh đồng nho bát ngát. Dù đã có evisa với đủ các loại giấy tờ như hướng dẫn, tôi xuống máy bay đầu tiên mà phải đợi 2 chuyến bay đổ hết khách sau 1h mới được cán bộ cửa khẩu sờ đến trường hợp của tôi. Sự sốt ruột và bực bội đã khôi phục được cái tiếng Nga lãng quên của tôi đủ để cãi nhau và để lôi được phụ trách cửa khẩu ra giải quyết cùng với rất nhiều lời xin lỗi.

Ngày đầu tiên chúng tôi đến trường, đi các khoa và bộ môn, nhìn lại những phòng thí nghiệm ngày xưa suốt ngày giam mình trong đó. Rất may là tôi đã gặp được 3 người bạn và cùng làm trong 1 phòng thí nghiệm. Các thầy cô thì đã mất hết trong mấy năm qua. Thiết bị trong phòng thì hơn xưa 1 chút nhưng còn thua khá xa so với nhiều nước khác. Sinh viên rất đẹp, khác chúng tôi ngày xưa nhiều, kể cả những chiếc "khalat" trắng cũng đẹp hơn. Những bạn cùng trang lứa, giờ cũng đã có vai vế trong trường. Thật vui vì những phát triển đó.

Cả nhóm ra hồ Comxomolskoe, nơi hữu tình nhất của thành phố sát ngay trường. Ngày xưa chúng tôi luôn có tiết thể dục ở đây, hoặc là nơi dung túng những SV trốn tiết. Và đây cũng là cái nôi nuôi dưỡng rất nhiều mối tình SV. Chúng tôi được bố trí ăn trưa ở nhà ăn SV, với những món quen thuộc ngày xưa. Hồi đó thấy ngon hơn nhiều, và bao giờ cũng thấy chưa đủ no. Còn giờ ăn mãi chẳng hết. Nhà ăn cũng sạch sẽ hơn.

Sau bữa ăn, chúng tôi chia thành 2 đoàn đi thăm mộ các thầy cô giáo. Vượt hàng ngàn km, đến nơi mà các thầy cô đã buông viên phấn để ngơi nghỉ vĩnh viễn tại nghĩa trang lớn nhất Châu Âu. Bao cảm xúc dâng trào. Có địa chỉ từng ngôi mộ trong tay mà cả nhóm chúng tôi cũng mất khá nhiều thời gian mới tìm được nhà các thầy cô. Mộ của bà Ngựa của đàn Ngựa con chúng tôi là nơi cuối cùng. Dù đã có địa chỉ, ảnh và thông báo cho mọi người chi tiết ngôi mộ cả đoàn vẫn không thể tìm thấy trong suốt gần 30 phút dưới trời nắng nóng. Tôi đã chực trào nước mắt sợ không gặp được Bà và hoàn thành nhiệm vụ đàn Ngựa con giao, vừa tìm vừa nghĩ có lẽ không làm phiền mọi người hơn nữa, tôi sẽ rủ chị Thục ở lại tiếp tục tìm. Đúng lúc đó một cháu SV khoa Hóa hiện nay reo to: "Bà đây rồi"....Bà giáo thương yêu của tôi mà tôi đã coi như người mẹ thứ 2, PGS Valentina Arievna Shipliacova (Bà Ngựa) nằm cùng chồng ở một nơi có nhiều bóng mát chở che nên rất khó tìm. PGS Pushnhiac trưởng khoa ngoại quốc thì ở khu mới, cây cối chưa lên nên tìm dễ hơn. Tôi lặng lẽ đặt hoa, cùng với những bông hoa lụa và tình yêu của các "Ngựa con" khác gửi gắm từ VN sang. Tôi nhớ đến năm 2010 đã gặp được bà giáo ở Đức, sau 25 năm, suốt 1h đầu tiên chẳng nói được gì, toàn khóc. Giờ không nói chuyện được với Bà nữa rồi, nước mắt chảy vào trong

 

VỀ NGUỒN - NGÀY 2

Nhờ sự khéo léo thu xếp của Hội trưởng Ngọc và em ĐS Huyến, hôm nay chúng tôi được 1 chuyến đi tour vô cùng thú vị, đậm chất Moldova. Đất nước này chỉ còn có 3 triệu dân, không một tài nguyên khoáng sản gì, ngoài đất đai mầu mỡ.

Xuất phát từ 8h sáng, chúng tôi được những chiếc coach hiện đại chở đến hầm rượu Cricova. Thời còn SV chúng tôi không biết chút gì về nơi đây vì nó chỉ dùng để tiếp các nguyên thủ quốc gia, nay mở cửa cho du lịch. Rất thú vị. Tổng chiều dài các đường hầm là 120km, trên diện tích 53ha của 1 khu mỏ khai thác đá trắng cũ. Nhiệt độ luôn ổn định 14 độ và đọ ẩm lý tưởng cho cất rượu nho. Chai vang đắt nhất lên tới 150,000 USD sản xuất từ 1902Thời CCCP, 1/4 số rượu nho và 1/2 số champagne là từ Moldova. Khu dân cư xung quanh rất giầu có, có lẽ là thu nhập từ công việc chế biến vang nho. Kết thúc chuyến tham quan là 1 bữa thịnh soạn nếm các loại rượu và đầy đồ nhắm nguội, hoành tráng cho gần 70 khách. Cũng được làm Nguyên thủ trong mấy giờ. Rượu vang và champagne nơi đây có hương vị đặc biệt. Không phải người sành uống, nhưng tôi cứ cảm thấy như có cả hương thơm và sự tươi mát đặc biệt mang từ những cánh đồng nho trải miên man tới tận chân trời.

Sau đó là đổ bộ xuống vườn táo, tha hồ hái và ăn. Tất nhiên đã hết mùa thu hoạch nên chỉ còn những trái táo nhỏ xấu mã, không thể so với những vườn táo mênh mông vàng rượm và thơm nức mà ngày xưa chúng tôi đi lao động giúp Kolkhotz trong tháng 9. Vậy nhưng vẫn thấy ngon và vui vì được sống lại cảm giác thời SV. Tiếp đến là vườn nho. Hồi trước chúng tôi rất sợ bị phân công đi hái nho vì bẩn tay, đau lưng do suốt ngày cúi lom khom. Nay được phát găng tay và kéo nên nhàn rất nhiều. Chỉ loanh quanh 1 vài gốc nho là đã được nửa hộp. Chúng tôi được mang về ăn. Chả biết từ giờ tới hôm về có ăn hết không. Táo thì tha về được nhưng nho thì chắc không thể.

Phần đặc biệt của chuyến đi là từ vườn nho, chúng tôi có thể ngắm toàn bộ quang cảnh làng cổ "Orkhei" có tuổi 4,000 năm. Làng nằm dưới 1 thung lũng sông, vây xung quanh là sườn núi đá thoải như nhà hát vòng (amphitheater) tự nhiên. Nơi đây được mệnh danh là Capadochia của Moldova vì có vô số cửa hang trên sườn núi đá. Bữa trưa muộn lúc 3h chiều, kéo dài trong 1 nhà hàng theo phong cách nông thôn và món ăn truyền thống, tạo bao nhiêu hứng thú với mùi cỏ tươi thơm nồng. Vậy nên nó kéo dài vô tận. Ăn xong, cuốc bộ gần 2km ra xe, các U60-U70 chả còn hứng thú đi xem làng cổ với nhà thờ cổ nữa, chấp nhận chiêm ngưỡng từ xa. Mấy GIAMAHAM chúng tôi đành theo đa số, tiếc hùi hụi.

Chuyến xe về đến thành phố lúc 8h tối, chắc cũng phải chở theo trọng lượng gấp đôi do những thùng nho táo hái mang về của mỗi người.

 

VỀ NGUỒN - NGÀY 3

 Ngày hôm nay đầy ắp cảm xúc, mấy lần trào nước mắt. Bài viết vì vậy hơi dài, các bạn chịu khó đọc vì tôi nghĩ sẽ không bao giờ có được những kỷ niệm này nữa. Buổi chiều là trường Tổng hợp quốc gia Moldova (USM) trước đây gọi là TH Kishinev tổ chức kỷ niệm 70 năm, lễ bắt đầu từ 2h chiều.

 Tôi và chị Thục (khoa hóa hơn tôi 3 năm) ăn sáng vội vàng rồi chạy lên trường thăm lại khu thư viện, phòng đọc, các giảng đường. Trường mới được sửa sang nên cũng khang trang hơn nhiều. Phòng đọc của nghiên cứu sinh, phía trong là khu dành cho giáo viên, có trang bị máy tính và tử sách. Thời kỳ làm PhD tôi hay ngồi đây, lúc đó phòng khá ấm cúng, yên tĩnh, rất nhiều tạp chí. Bây giờ chỉ thấy sách để trong tủ. Ba cán bộ trông coi vô cùng vui mừng có những SV tình xưa nghĩa cũ tới thăm. Họ nhiệt tình, say sưa nói chuyện và chụp ảnh, nói rất ít người nước ngoài tới đây, và sẽ đưa ảnh chúng tôi lên FB của trường.

Phòng đọc của SV trên tầng 3 cũng chẳng có ai tới đọc. Những kệ sách cũng thưa hơn ngày xưa, thay vào đó là hẳn một bên chái là vô vàn những chồng sách mà nhìn kỹ thì toàn sách quý ngày xưa như Lev Tolstoi, Turghnhiev v.v..Hỏi ra thì đó là những sách hiện nay không ai mượn nữa nên thư viện cho không. Thấy tôi cứ xem kỹ từng tên sách, họ hỏi thích quyển nào thì mang về, tôi thèm lắm và cũng không muốn họ thất vọng nên phải nói là nặng không mang về được. Nhưng trong lòng nặng trĩu. Ngày xưa, cứ đầu kỳ nghỉ hè, tôi đến mượn những tiểu thuyết “nặng ký” về đọc suốt hè. Trong 5 năm, tôi đã được biết tới những tác phẩm lớn của văn học Nga và thế giới như vậy đó. Nhân viên thư viện khu sách văn học nhẵn mặt chẳng để ý thẻ SV. Tự nhiên có lần đầu năm học bê sách tới trả, họ xem thẻ SV thấy đề là Khoa hóa nên bảo “thế mà mấy năm nay tôi cứa nghĩ em học khoa Văn”. Bây giờ sách quý chất đống đợi đem cho không.. 

Chúng tôi tìm đến giảng đường lớn. Sao ngày xưa thấy nó mênh mông, bây giờ bé hơn nhiều. Những phòng giảng bộ môn và cũng là phòng hỏi thi vấn đáp cuối kỳ cũng chẳng thấy đâu nữa. Khắp nơi toàn thấy đề Phòng thí nghiệm. Khoa Hóa giờ bố trí lại chỉ còn 2 bộ môn là Hóa cơ bản và Hóa công, mỗi bộ môn chỉ có 3-4 giáo viên. Hỏi ra thì biết là SV rất ít. Đi 1 giờ trong trường, chỉ gặp 1 vài SV ngoài hành lang. Ngày xưa chúng tôi đông lắm, hành lang lúc nào cũng ríu rít. Tôi vào giảng đường lớn, tự đứng như lên bảng trả bài và tự ngồi vào chỗ đầu bàn ngày xưa hay ngồi để nghe rõ và nhìn rõ hơn. Gay nhất là những hôm buồn ngủ. Hồi ấy SV ngồi kín cả giảng đường to. Nhớ có lần GS đến muộn 5 phút, thấy thầy đi từ phía đầu hành lang lại, cả giảng đường mở cửa sau chạy ào xuống cầu thang để khỏi phải học tiết đó. Ở giảng đường lớn, vẫn còn dùng khăn lau bảng và những viên phấn trắng, tuy có 1 cái screen, nhưng không có máy móc gì chứng tỏ dùng projector.

Rời trường, chúng tôi về khu KTX. Không ngờ thời gian 31 năm đã làm tôi quên mất đường đi. Vừa đi vừa mò mẫm, lúc lạ lúc quen. Hỏi tên phố ngày xưa thì không ai biết vì bây giờ đã bị đổi tên khác mất rồi. Ngay cả Đại lộ Lenin to nhất cũng đã bị đổi tên. Tượng Lenin cũng đã bị xóa bỏ. Tôi đành định hướng bằng hỏi Sân vận động thì họ hỏi lại “Kakoi Stadion” chứng tỏ có nhiều hơn 1 sân. Ngày xưa, phòng tôi có bancon nhìn ra sân, mỗi khi có đá bóng, bọn con trai vào ngồi xem nhờ khỏi phải mua vé. Vậy nên tôi bảo “Glavnui” (Sân vận động chính). Ai dè được chỉ đến 1 nơi xa tít, hướng ngược lại vì cái sân kia bây giờ cỏ mọc hoang, không phục vụ chức năng Stadium nữa. Thế là mất toi 30 phút chạy ngược xuôi. Đang lúc chạy ra hỏi công an thì thấy hội trưởng Ngọc và 1 nhóm vẫy rối rít. Hóa ra cái chỗ chúng tôi hỏi đường lại chính là khu KTX ngày xưa.

Chúng tôi đi tắt qua Ob 1 (Toán Lý), qua khu Banhia (phòng tắm hơi công cộng) và đổi khăn trải giường (giờ là phòng Gym), qua sân bóng (bây giờ đã trở thành bể bơi). Đi tắt đằng sau Ob 3 (xưa là Ob khoa dự bị) chúng tôi đến Dom Culturu. Giờ thấy trang trí hoành tráng thẩm mỹ hơn, nhưng phòng nào cũng khóa kín, chẳng có ai. Ngày xưa lúc nào cũng sáng đèn và đông học sinh tập đàn tập múa, phải xếp hàng đăng ký theo lịch. Tôi chạy xuống thường trực nhờ cho xem phòng chính, bà già mừng rơi nước mắt khi nghe nhắc đến ngày xưa. Bà lên mở phòng cho chúng tôi xem, lại còn đứng hát cùng tôi đệm đàn và bảo tôi lên sân khấu giả động tác múa ngày xưa.

Cuối cùng là nơi nhiều kỷ niệm nhất Ob 4. Tôi đã ở 5 năm cái phòng đầu hồi trên tầng 2. Rồi 3 năm NCS trên tầng 3. Bếp và khu WC và rửa mặt vẫn như xưa, tuy có sạch sẽ sáng sủa hơn nhiều. Phòng phơi quần áo thì thành nhà kho. Tôi cũng quên hỏi SV phơi ở đâu, may mà bên này trời rất hanh khô. “Góc đỏ” là nơi xưa kia chúng tôi ngồi học bài, chủ yếu toàn SV Vietnam vì các bạn Tây có mấy khi học đâu, giờ như nơi sinh hoạt cộng đồng. Bà thường trực có phòng đàng hoàng, trấn ngay chân cầu thang,  không thể ai qua mắt được. Ngày xưa bà ngồi ở gần cửa ra vào, bên tay phải, gần 1 bảng chuông gọi lên từng phòng. Khách vào sẽ được bà bấm chuông lên phòng gọi xuống đón. Có giấy tờ đàng hoàng mới được vào, tối phải ra khỏi Ob. Chúng tôi muốn bạn ở lại thì phải đánh lừa bà bằng cách đứng túm tụm xung quanh, tán chuyện linh tinh che mắt bà để bạn nấp đi phía sau chuồn lên cầu thang là ổn. Bây giờ cái bảng chuông ấy nằm bơ vơ không dùng tới. Có thời gian phòng tôi ở có ban-cong, mà lại quay vào phía trong vườn, nên luôn là chỗ cho các bạn muốn ở lại trèo đi nhờ qua phòng. Có nhiều hôm đi ngủ rồi mà còn phải ra mở cửa ban-cong cho khách phòng khác.

Mải với những kỷ niệm xưa và lạc đường về khách sạn, hai chị em chúng tôi chạy như ma đuổi trên đường để về kịp trước 1h, cứ 1 lúc lại phải hỏi đường. Con đường nhỏ quen thuộc từ khu KTX đến trường cũng khác xưa. Trước kia toàn nhà 1 tầng cũ, nay đã thay phần lớn bằng những nhà mới xây hiện đại. Nhưng những hàng cây thì vẫn nguyên. Ngày xưa ít người đi nên nhiều khi tuyết ngập nửa ủng, phải dò dẫm, nhất là những khi đi học sớm hoặc về nhà khuya.

Cuối cùng chị em chúng tôi cũng về được KS, mệt rũ và mồ hôi đầm đìa. Chả kịp ăn uống gì, chỉ tròng lên người cái áo dài rồi lại chạy và hỏi đường đến nơi tổ chức lễ kỷ niệm ở Cung quốc gia. Vừa kịp lúc 1.30. Ông thầy già đón khách thương cảm nhìn 1 khách VN cuối cùng mồ hôi mồ kê vào, lí nhí như học trò đi học muộn biết lỗi ngày nào “Thưa thầy em đến muộn vì lạc đường”. Ông đưa thẳng chúng tôi đến nơi đoàn SV VN 70 người, ngồi hết 1 khu giữa Hội trường, ngay những hàng ghế đầu.

Buổi lễ rất trang trọng và đẹp. Chỉ có điều toàn bằng tiếng Mol (bây giờ gọi lịch sự là tiếng Romanh). Sau những phát biểu của Phó TT, Bộ trưởng GD, Hiệu trưởng và trao tặng quà, huân chương v.v., phát biểu của khách bắt đầu bằng đoàn VN. Tất cả chúng tôi lên sân khấu, hội trường vợi hẳn đi, vang dội những tràng vỗ tay không ngớt. Hội trưởng của chúng tôi đọc những lời có cánh rất cảm động, nhiều cựu nữ sinh già như tôi cứ sụt sịt lấy tay quệt nước mắt. Ở dưới hội trường là những khuôn mặt khích lệ, những tràng vỗ tay, thể hiện lòng yêu mến. Ông Hiệu trưởng đáp lễ rất ngắn gọn và dí dỏm “Xin cảm ơn các bạn vì các bạn rất là đông”. Sau đoàn VN là đại diện Rumania, rồi đến đại diện Ucraina (bằng tiếng Nga). Các đại diện còn lại tiếp tục nói tiếng Mol. Phần ca múa nhạc cũng rất phong phú và hay, đặc biệt là múa dân gian. Ngày xưa hồi SV, tôi chỉ thích văn hóa Nga, nay thấy văn hóa dân tộc hấp dẫn hơn trước nhiều, và đã tự lên kế hoạch phải mua 1 cái áo thêu dân tộc. Hội trưởng Ngọc cho biết chúng tôi lãi to vì vé xem 1 bữa tiệc ca nhạc như vậy có giá $100.

Tôi phải rời hội trường sớm vì đã hẹn lúc 5.30 đi với con thầy giáo Isak đi thăm mộ thầy và thầy Suchev. Đây là 2 thầy hướng dẫn tôi là PhD. Thầy Suchev khi đó là Hiệu phó, Viện sỹ thông tấn Viện Hàn lâm, vì vậy thầy rất bận, giao tôi cho thầy Isak. Thầy Isak lại lên làm TS ở Viện Hàn lâm liên bang ở Moscow nên tôi cứ phải chạy lên đấy gặp thầy. Thầy Suchev tin tôi, cứ viết và ký sẵn 1 mớ giấy công tác, lúc nào tôi cần đi thì điền ngày vào. Sau khi tôi bảo vệ luận án vào cuối năm 1984, thầy Isak cũng lên chức trưởng khoa hóa, đúng thời kỳ khó khăn của CCCP. Do làm việc lao lực để cầm cự cho cả khoa, thầy bị ung thư mà không biết. Đến khi phát hiện thì đã quá muộn, thầy mất sau vài tháng, vào năm 1995. Năm 2001 thầy Suchev cũng lặng lẽ ra đi, trong khó khăn và trống vắng của con gái duy nhất đã về Nga sinh sống. Mộ thầy do 1 học sinh và cộng sự của thầy xây đơn sơ. Ông này bây giờ đã trở thành Chủ tịch Viện hàn lâm Moldova. Trong buổi lễ hôm nay, ông lên phát biểu là tôi cứ ngờ ngợ, nghĩ là anh hem, hóa ra lại chính là 1 người. Ông bỏ trường sang Viện hàn lâm lập ra khoa Hóa môi trường. Con trai thầy Isak cũng trở thành chuyên gia môi trường, chuyên làm các dự án. Thế là trái đất thật là tròn.

Hai thầy cùng nằm trong nghĩa trang cao cấp của thành phố, nơi giành cho các danh nhân văn hóa, cán bộ có chức sắc. Và và sau này là những người có tiền, trong đó có cả những nhân vật Mafia ngồi tù, nhưng có tiền mua đất ở đây. Vì vậy nghĩa trang này đã dần mất đi sự cao sang của nó. Ngôi mộ của thầy Isak còn được gia đình chăm sóc chu đáo. Ngôi mộ của thầy Suchev thì hoang vắng, lạnh lẽo, xiêu vẹo, không có cả bức ảnh của Thầy. Hồi đó Thầy đẹp lắm…

Tôi lặng đi trong ý nghĩ về 1 đời người. Hồi đó thầy là người được kính trọng bậc nhất ở trường, với dáng vóc Giáo sư toát ra từ bộ tóc và khuôn mặt uyên bác, bao chức sắc vinh quang xung quanh. Thầy rất giỏi chuyên môn và cực kỳ uyên bác nhưng rất khắt khe và lạnh lùng. Học sinh vừa phục vừa sợ thầy. Thầy bảo tôi có thể đến thầy bất cứ lúc nào, nhưng tôi rất e dè bước chân lên tầng 4 khu vực chỉ giành cho Bạn Giám hiệu. Phải nói là tôi sợ Thầy. Một lần lên gặp thầy về đề tài, tôi không nhớ vì lý do nào đấy mà chúng tôi lại quay ra nói chuyện về nhà thơ Nga Exenhin. Hóa ra thầy cũng rất mê Exenhin. Từ đó Thầy biết tôi là con nhà thơ, còn tôi biết Thầy đã từng sống sót trong chiến tranh TG2, sau khi những bạn học SV cùng với Thầy bị động viên ra trận thì hy sinh gần hết (giống như tổng động viện ở chiến trường Quảng trị của mình). Phần cuộc đời này của Thầy Suchev, không phải ai ở KGU cũng biết vì Thầy không bao giờ nhắc đến. Tôi và Thầy trở nên gần gũi hơn rất nhiều, tôi không còn sợ Thầy như trước nữa. Bây giờ tất cả chỉ còn là cát bụi. Thầy nằm đó lạnh lẽo, nhưng những công trình và học trò của thầy, trong đó có tôi, vẫn tiếp tục trường tồn và tiếp tục đóng góp cho khoa học. Chỉ khi nghĩ như vậy, tôi mới thấy ấm lòng hơn 1 chút. Tôi muốn làm cho ngôi mộ thầy ấm cúng hơn, để các thế hệ học trò của Thầy có thể đến trò chuyện cùng Thầy, kể cho Thầy nghe họ đã làm được gì sau khi được Thầy truyền bá kiến thức.

 

VỀ NGUỒN – NGÀY 4

Hôm nay chúng tôi đều dậy từ rất sớm để tranh thủ ngày cuối kịp đi đến những nơi trước đây SV thường mòn giầy. Đó là khu gọi là "5 khẩu súng" (tượng đài Chiến sỹ vô danh) và Kino 40 Let (40 năm đoàn TN Komsomon). Bây giờ đã đổi tên Mol và Kino thì không nổi tiếng bằng quán cafe bên cạnh. Tôi nhớ bộ phim xem đầu tiên khi vừa tới đây là phim “Romeo and Julliete” của Ý sản xuất, được các chị năm trên dẫn đi. Sau khi được biêt năm 1975 lúc đó bị cấm xem phim tư bản, cứ 1 lúc chúng tôi lại được 1 chị ghé vào phòng dặn “Cấm được khai”. Do quán triệt tốt, tôi nhớ năm đó tất cả chúng tôi vẫn được là Đoàn viên 4 tốt. Khu tượng đài thì đẹp hơn nhiều, có hàng rào, lính bồng súng đổi gác quanh ngọn lửa vĩnh cửu, khu mộ các liệt sỹ và các bia tên liệt sỹ rất khang trang. Bây giờ tôi mới biết ý nghĩa của 5 khẩu súng là mỗi khẩu khắc 1 năm từ 1941 đến 1945. Ngày xưa ra đâySV  chỉ mải ngắm nhau, chả ai ngắm súng !!

Buổi sáng Thứ Bảy là bắt đầu lễ hội Vino hàng năm của Mol. Thành phố như đã phập phồng chờ đợi cả năm, bỗng vỡ òa. KS chúng tôi ở ngay trung tâm, chỉ đi băng qua công viên Pushkin là tới khu tổ chức lễ hội ở quảng trường TT trước tòa nhà chính phủ. Trước đây có tượng Lenin, nay đã bị bỏ đi, xây bên đối diện là cổng Triumphan, dẫn xuống công viên TT với Cathedral. Thời chúng tôi Nhà thờ này bị đóng cửa để hoang tàn. Nay xây lại khá đẹp, trước mặt là tháp chuông và là nơi cho người dân ngồi thư giãn, chơi với chim bồ câu. Lễ hội ngập tràn tiếng nhạc và điệu múa Mol. Ai cũng uống. Phía sau các quầy bán rượu và các mặt hàng khác là khu ăn uống như ở Octoberfest. Rất đông, thơm nức mùi Shashluc và mù mịt khói. Khách ăn sẽ được ½ ly vang miễn phí.

Tôi rón rén chụp ảnh lia lịa đoàn diễu hành quần áo dân tộc rất đẹp, có cả kèn đồng và ngựa. Thế là được gọi vào chụp cùng. Rất thân thiện. Đến 11.15 thì phải chạy vội về trường vì bọn lớp cũ hẹn nhau. Tất cả được 12 đứa. Nhiều đứa cũng suốt từ thời đó chưa bao giờ quay lại trường. Nay có dịp Nguyệt và tôi quay lại, mới gặp được nhau. Vui nhất là có cô bé cùng phòng, bây giờ đã là bà béo 2 con. Ngày xưa mỗi lần chủ nhật về nhà, cô hay mang lên dưa chuột, cà chua và nấm muối để nịnh 2 chị VN chăm học bài trong phòng, trong khi cô toàn rủ bạn trai vào “mất trật tự” làm 2 chị VN lại phải bắn ra Góc đỏ. Cậu bạn trai ấy bây giờ vẫn là chồng chung thủy, hôm nay cũng tới. Buồn nhât là cô bạn thân nhất Galia ở Tiraspole thì đã mất từ lâu. Hồi đó tôi còn mấy lần cùng Galia về nhà, có mẹ rất hiếu khách. Có cô cháu gái mới tập nói, chỉ biết dùng ngôi thứ 3 (she) khi nói về bản thân, làm tôi cứ bò ra cười.

Cả lũ chúng tôi đi các phòng thí nghiệm, phòng thi, phòng giảng đường. Ồn ào, vui nổ trời nhắc lại những chuyện xưa. Tôi lại ngồi bàn đầu, hỏi gì cũng giơ tay phát biểu như ngày xưa. Bây giờ thi điểm 10, được 5 để pass dễ hơn ngày xưa được 3. Hồi đó mấy SV VN giỏi toán chuyên làm cô giáo Toán khó xử. Vì vậy cô cho ở nhà khỏi phải đi học. Đến hôm thi chỉ việc mang sổ đến lấy điểm 5 gọi là automat. Hồi đó tôi rất hay được automat Toán và Lý. Có lần chỉ đi phụ đạo trước thi (kiểu hỏi đáp thắc mắc gọi là Kollokvium), thầy đã bảo có mang theo sổ Zachot không thì cho 5 luôn rồi hôm thi không phải đến nữa. Toán Lý thì bình thường, nhưng tôi còn được automat cả môn Thần học (anteism) chỉ vì có mỗi mình tôi đến dự Kollokvium, chứng tỏ có quan tâm đến môn học. Thực chất tôi có hiểu gì đâu, nhiều thứ tín ngưỡng rất rắc rối, cho tới bây giờ mới quan tâm thì lại thấy tiếc vì hồi ấy lười học. Vì hay được automat nên tôi luôn xong kỳ thi sớm và tếch đi chơi thành phố khác, thường là lên thăm chị gái ở Leningrad, hoặc đi tour (gọi là excurcia). Đi thi bao giờ cũng tới sớm vào tốp đầu tiên. Ra khỏi phòng thi là bọn trong lớp xúm vào hỏi thầy hỏi câu gì, xong lại lôi sporganki (ở ta gọi là phao) ra xem. Bây giờ thấy bảo không còn thi vấn đáp nữa mà tất cả là thi viết như ở Vn ta.  Quyển sổ Zachot của tôi thật đẹp: 5 năm xấp xỉ 40 môn chỉ có duy nhất 1 con 4 là học kỳ 1 môn Lịch sử ĐCS LX. Hồi đó tiếng Nga còn kém, thầy viết vào sổ là “Khoraso” lại cứ tưởng là 5 vì chưa biết đến từ “Otlishno”. Cứ thế chúng tôi nhắc lại chuyện học hành thi cử hồi SV.

Sau đó chúng tôi kéo nhau đi ăn, đi dọc qua Lễ hội để cảm nhận không khí và để các bạn Mol giới thiệu với chúng tôi những thay đổi của đất nước mình. Trong bữa, mỗi đứa phải phát biểu và kể về mình trong 36 năm qua. Tiếng Nga của tôi sau mấy hôm ngọng ngịu giờ đã ổn, đủ tán phét đến tận 5h chiều. Nguyệt và tôi phải về sớm vì tối SV VN tổ chức liên hoan mời các thầy cô giáo lúc 6h ở nhà hàng VIS PAS, rất sang trọng và vô cùng nhiều thức ăn. Mỗi người chỉ ăn được ½ suất. Thầy cô tới đông, mang theo lòng yêu thương trò như ngày xưa. Bây giờ đã rất già run lẩy bẩy nhưng nhạc nổi lên là nhảy tưng bừng. Buồn cười nhất là sau khi chúng tôi lên hát “Hội ca” bằng tiếng Việt và tiếng Nga, lúc xuống hỏi thầy cô có thích không thì được trả lời: “Rất thích nhưng không hiểu”. “Chúng em hát tiếng Nga mà”. Thầy cô tròn mắt “Ơ, thế ra các em hát tiếng Nga à?”. Chương trình cây nhà lá vườn không được sôi nổi lắm nhưng đã có “văn công” đỡ hộ nên rất vui. Toàn bài xa xưa quen thuộc, cả tiếng Nga tiếng Mol, ai cũng hát theo được. Tan cuộc về đến nhà đã gần nửa đêm. Ai cũng mệt lử và lo sắp xếp đồ lỉnh kỉnh để 10h sáng hôm sau lên đường.

 

VỀ NGUỒN – NGÀY 5

Vì đoàn quá lớn nên rục rịch từ 9h sáng mà tới 11h xe mới chuyển bánh. Tất nhiên là đem theo biết bao lời tiễn biệt, nụ hôn, chúc sức khỏe và mọi sự tốt lành. Không biết 5 năm nữa còn ai đến được nơi đây, thầy cô ai còn ai mất. Còn sót lại tôi và vài người nữa đi các chuyến lẻ, tới những vùng khác nhau trên trái đất.

Tiễn mọi người xong, tôi và anh Lý năm trên dạo bộ công viên Pushkin, ngay cạnh KS mà mấy hôm bận tít mù chưa qua được. Công viên và con phố chạy qua vẫn giữ tên nhà thơ vĩ đại. Ở đó có tượng đầu Pushkin rất nhỏ đặt trên 1 cái cột cao. Hồi đó chúng tôi bảo nhau “Thằng điêu khắc lười chỉ làm mỗi cái đầu nhưng vẫn đủ chiều cao để lĩnh tiền” theo đúng tư duy kinh tế kế hoạch hóa và bao cấp. Tượng rất đẹp, vẫn như xưa. Thêm 1 dãy tượng bán thân các danh nhân Mol, có những người hôm trước tôi đã gặp ở nghĩa trang thành phố. Các danh nhân văn hóa luôn trường tồn với thời gian. Trong khi đó những con phố mang tên chính trị gia đã bị thay tên, kể cả đại lộ Lenin, bây giờ là Stefan cel Mare. Chúng tôi lại xuyên qua quảng trường TT để ra công viên TT. Công viên nào cũng thanh bình tĩnh lặng  với lá vàng bắt đầu rải trên đất. Ngày xưa chúng tôi hay bị tập trung ngồi ở đây để đợi đến lượt đi diễu hành ngày Quốc khánh 7/11. Có lần buồn ngủ quá vì bị dậy từ sớm, nằm lăn ra thảm lá khô ngủ tiếp. Đúng là tuổi trẻ…

Tiếp tục đi xuôi xuống khu phố cổ sau công viên TT giờ thành phố đi bộ rải đá chẻ  10X10 lủng củng (mùa đông tuyết chắc ngã), chúng tôi đến tận rạp Moscova. Ngày xưa là rạp phim hiện đại nhất, hơi xa khu SV nên những đôi tình nhân hay chịu khó ra tận đây để vừa được xem phim mới, lại vừa tránh chạm mặt. Bây giờ trở thành nhà hát nghệ thuật. Được biết ở Kishinev hiện nay chiều weekend được xem phim miễn phí các phim cũ nước ngoài mà Mol đã mua bản quyền. Có xưởng Moldovafilm nhưng chẳng ai biết họ sản xuất cái gì vì ít người đi xem phim Mol.

Để kịp giờ ra sân bay, chúng tôi bắt taxi quay về, rẽ qua chụp vội bức ảnh chỗ tượng Kotovski gần ga mà ngày xưa SV chúng tôi đứa nào cũng mòn giầy ở đây vì  đưa đón bạn bè. Hồi đó Kishinev bị coi là xứ nhà quê, nhưng lại ấm áp và nhiều SV, vì vậy bạn bè các nơi đến liên tục. SV thời đó nghèo, đi tầu là chủ yếu. Chúng nó trêu quân Kishi là Thành phố bé lắm, đến đấy chả cần biết địa chỉ KTX ở đâu, ra khỏi ga, lên xe nào cũng được, nín 1 hơi là đến KTX. Khu KTX có 4 ob mà có thời gian chứa đến 300 SV VN, ra đường là gặp VN. Bây giờ có 70 người về mà mấy hôm đi lạc góc nào của thành phố cũng gặp người trong đoàn. Tôi rất tiếc là không kịp thời gian nên không vào Vokzal chụp ảnh nhớ lại những cuộc đón đưa và những chuyến đi. Có lẽ tôi là 1 trong những SV ra đây nhiều nhất. Hồi đó khổ nhất là đi trốn visa, thỉnh thoảng bị phạt. Luật khi đó là ra ngoài bán kính nơi ở 40km là phải có visa. Tôi còn hay mượn thẻ SV của Galia để đi mua vé rẻ dành cho SV, nhờ tiếng Nga lúc ấy khá sõi nên không bị bắt lần nào. Mẹo nhỏ là hoặc giả vờ ngủ với quyển tiểu thuyết tiếng Nga mở sẵn có kẹp cái vé, hoặc túm lấy 1 bà già ngồi bên cạnh huyên thuyên “boltat” để nhân viên soát vé không chú ý và ngại ngắt lời khách, các bà già thường không trốn vé nên họ không bao giờ kiểm tra…Tiếc quá nhưng đành nhờ em Huyền lúc nào có dịp ra chụp ảnh nhà Ga, khu mua vé, platform và đoàn tầu ngày nay.

Trở về KS, tôi thấy vắng ngắt hẳn đi, 4 hôm vừa rồi lúc nào cũng ầm ỹ láo nháo, nay buồn thiu. Tôi lấy cái bản đồ du lịch Mol và chọn mấy điểm trông đẹp đẹp, hỏi KS có tour không. Họ thu xếp được ngay tour đi Corschi monastery cách Kishinev khoảng 50km về phía Tây. Tổng cộng 2.5h và 50 euro. Trong túi chỉ có 40 euro, nhưng họ cũng đồng ý điều ngay 1 cái xe đen bóng nhoáng với 1 anh đẹp trai, nói tiếng Anh bằng trình độ tiếng Nga của tôi. Thế là lên đường, anh ta bảo lần đầu có khách VN, rât muốn tìm hiểu chính trị VN và muốn biết VN có thân với Triều tiên không

Đường đi rất đẹp với lá vàng xen lá xanh lá đỏ, đất đen mầu mỡ xen mầu vàng óng của ngô vừa thu hoạch. Điểm du lịch tuyệt vời. Những nhà thờ lộng lẫy giát vàng tinh xảo. Các cha và giáo sỹ ở trong những khu nhà như resort 5 sao. Ngày xưa chúng tôi không bao giờ nghe nói đến những nơi như thế này, mà có thì chắc cũng để hoang phế. Bây giờ rât đông khách, đặc biệt là các đám cưới, nhờ sự sang trọng và cảnh đẹp thần tiên, thơm ngát mùi cỏ cây lung linh sắc mầu bên hồ nước. Đang có 1 đám cưới sang trọng trong nhà thờ chính nên không có khách trong đó. Tôi cậy mình thấp bé nhẹ cân, nép sau những chiếc cột, thỏa sức chụp ảnh. Giờ mới biết phong tục lễ cưới trong nhà thờ ở đây là Cha ban phước cho đôi vợ chồng trẻ rồi dẫn họ đi 3 vòng quanh quyển Kinh thánh và bình nước thánh. Đứng ở nơi đồi này, thấy xung quanh là những đồi nho, ngô, mơ táo trải mênh mông, điểm xuyết bằng những làng mạc khang trang. Không ai nghĩ Mol vẫn còn nghèo, vì họ không có bất cứ tài nguyên gì ngoài đất đen mầu mỡ. Dân thì chỉ muốn chạy sang Rumania để tìm đường vào EU, đặc biệt là thanh niên. Vì vậy trường học rất khó tuyển sinh, trong khi cả nước hiện nay có tới 32 trường đại học. Họ cũng như VN ta, ngô nghê quá độ để lên một xã hội tri thức.

Mãi chẳng muốn rời nhưng đành phải ra về để kịp rẽ vào chợ trước khi đóng cửa lúc 5h để mua 2 cái áo thêu dân tộc cho 2 mẹ con. Tìm đúng cửa hàng chuyên thêu áo dân tộc, theo mách bảo của các anh chị đã lùng sục từ hôm trước. Chả kịp nhìn gì nhưng đi qua thì thấy rất nhiều sản phẩm nông nghiệp và rất rẻ. Rau quả khoảng 20 cent/kg. Trái cây khoảng 80 cent. Tất cả đều tươi ngon. Trước đây thời SV cũng hay chạy ra đây weekend để mua đồ ăn và quà vặt như bánh rán nhân thịt nóng ròn. Chắc hồi đó ít hàng hóa hơn nên thấy chợ còn rộng. Bây giờ đi không khéo lạc không biết đường ra.

Từ chợ tôi lại lang thang dọc Đại lộ Lenin ngược về quảng trường TT, nơi nhạc múa hát linh đình của ngày thứ 2 lễ hội Vino. Trên đường ghé vào Bưu điện TT, Tòa thị chính, Univermag. Ngày xưa chúng tôi chủ yếu lượn Detski mir vì chỉ nơi đó mới mua được đồ cho mình. Bây giờ thành shopping mall kiểu nhà nước, rất đặc trưng ở các nước Trung Á Soviet cũ, bán đủ thứ, chật chội vì hàng hóa. Ngày xưa rộng lắm vì ít hàng. Vì không còn nhận ra vóc dáng Univermag như xưa, tôi hỏi 1 bà bán hàng ven đường. Vắng khách nên bà cứ túm lấy tôi nói chuyện sau khi nghe tôi nói lý do trở về thăm Kishinev. Bà cảm động lắm và khen “hơn 30 năm không nói tiếng Nga mà giờ cháu vẫn nhớ, còn cô thì 40 năm sống ở đây chả học được 1 từ nào tiếng Mol”.

Đi cả ngày mỏi chân, tôi ngồi bệt xuống bậc thang thư giãn trước Cathedral xem chim và người dân tưng bừng trong không khí lễ hội, đợi cháu SV ra dẫn đi 1 điểm du lịch các cháu mới khám phá được. Đây là 1 nhà thờ gỗ rất cổ, nằm bên rìa thành phố. Được tạo dựng lại thành 1 khu du lịch rất dễ thương, phía xa là hồ nước mà hình như ngày xưa chúng tôi cũng đến picnic, nhưng không biết có nhà thờ gỗ này. Mọi thứ ở đây đều bằng gỗ cổ và dân dã, kể cả đống rơm thơm phức. Đang có 1 đám cưới nên tôi không vào trong được vì rất bé. Vả lại cũng vội vàng chụp ảnh vì bóng chiều tà xuống rất nhanh sau 6h.

Buổi tối về nhà em Đại sứ bé nhỏ của Hội. 2 vợ chồng học luật ở KGU xong ở lại, có cả gia đình người em sang cùng làm ăn rất thành công ở Kishinev và sống trong những biệt thự khang trang, luôn mở rộng cửa đón những SV cũ về thăm trường và SV VN mới đến trường học. Đó là những tấm lòng hiếu thuận thương yêu đùm bọc nhau theo đúng truyền thống Kishinev từ xưa. Sau 5 ngày vừa mệt vừa vui, vừa đầy xúc cảm lẫn lộn, đặt lưng xuống chăn ấm đệm êm của KS "6 sao" này (5 sao + 1 sao đặc biệt về tấm lòng) là trôi luôn vào giấc ngủ.

 

VỀ NGUỒN – NGÀY CHIA TAY

Chả biết vì nặng vía hay nặng lòng với Kishinev mà chuyến bay của tôi đáng lẽ lúc 10.15 thì đến 13.30 mới bay được. Trên đường ra san bay, trời bỗng buông 1 màn sương mù dày đặc, hầu như không nhìn thấy gì. Tôi đã biết ngay là bị delay, do vậy chú lái xe đỡ bớt phải lạng lách đánh võng trên đường vì Kishinev bây giờ kẹt xe khá ghê (từ tiếng Nga tôi mới học được cách đây không lâu là probka – nút chai) . Sáng đi cũng hơi muộn sau khi đánh vật với cái vali mang thêm 4 chai rượu Mol. Hay là vì tôi rời Kishinev áp chót, gánh trên vai cả nỗi niềm thương nhớ của học trò hiếu thảo, của thầy cô hiền từ, mà ông trời muốn níu giữ tôi ở lại thêm…

Cái vali 35kg bị yêu cầu rút ra 3kg theo luật lao động quốc tế, dù có là khách business. Moldova bây giờ nghiêm thế đấy. Sau khi đã được dán các loại nhãn “nặng đặc biệt”, “dễ vỡ”, ưu tiên” cũng đã lăn được trên băng chuyền. Hồi hộp chưa biết về đến nhà thế nào. Đây là cái Vali được Koreanair đền mới dùng lần đầu vì cái Victorinox chuyến trước chở quả dưa Uzbek nặng 5kg đã bị nứt. Lần này quan trọng hơn vì nó mang theo 4 chai rượu Mol hảo hạng mua ở hầm rượu Cricova và bạn bè gửi cho. Hôm tới, có lẽ vì nóng lòng muốn ra và bực bội vì bị “câu lưu” 1h ở cửa khẩu nên tôi thấy sân bay nhỏ bé và nghèo nàn. Nay có hơn 3h chờ đợi thỏa sức ngắm nghía, thấy cũng khá mới và hiện đại, trừ cái khu WC phải bê hành lý đi xuống 2 tầng vô cùng bất tiện cho những khách đi lẻ như tôi. Vì tất cả các chuyến bay đều hoãn vô thời hạn nên khu café ở tầng 2 đông nghịt, xếp hàng rồng rắn nhắc tôi nhớ cảnh ngày xưa ở Univermag mua nồi áp xuất và bàn là LX. Tôi chỉ cần mua có chai nước nhưng cũng phải bê hành lý lên tầng 2 và xếp vào cái hàng dài đó. Hôm qua còn bao nhiêu tiền tôi để lại cho các cháu SV, chỉ giữ lại 200 lei đi taxi ra sân bay, nhưng được em Huyền cho xe nên còn nguyên. Mua nước hết 20 lei, bù 1 euro vào số còn lại, tôi mua được cái cốc sành uống rượu nho làm kỷ niệm Mol. Nhìn thấy cơ man nào là rượu, giá rất êm, có cả Ice wine, nhưng tôi cứ ngại quãng đường dài chờ đợi ở Istanbul qua vài khâu security nữa nên quyết định không mua gì. Kỷ niệm về Mol và Kishinev đầy ắp trong đầu và trong tim đã đủ nặng để kéo cả màn sương mù trên trời xuống, báo hại cho hàng ngàn hành khách.

Đến 3.30 thì tới Istanbul. Từ Kishinev tới Istanbul chỉ bằng đúng khoảng cách HN-ĐN với 1h bay, nhưng chắc do sân bay đông  nên máy bay không xuống được. Vì vậy sau khi đã bay qua Biển đen ngắm những bờ cát trắng dài tít tắp ở Bulgaria, chúng tôi được TK airline khuyến mại cho bay xuyên qua eo Bosphorus của Thổ nhĩ kỳ và lượn 1 vòng tour Địa trung hải xanh ngắt hết 30 phút, như bonus cho sự cố trễ gần 4h vì thời tiết ở Kishinev. Thỏa mắt ngắm mầu xanh đặc biệt của ĐTH, tôi cũng tạm quên đi cái mong muốn nhanh chóng tới nơi để lăn ra ngủ cho lại sức. Còn 17h nữa là tới Manila.

 

VỀ NHÀ

Sau 10h ngật ngưỡng ở Istanbul đủ để viết được 2 chương Phóng sự Kishinev và 12h bay trong đó hơn 9h ngủ tít bỏ cả ăn, tôi đã được chiếc B777-300 ER đại tướng nhẹ nhàng đặt xuống đường băng Manila. Đón tôi ở sân bay Manila vẫn là cái nóng ẩm ập vào mặt và những nụ cười tươi rói của các em Filipinos. Vì là khoang business nên ra đầu tiên, hồi hộp đợi cái vali 32kg chui ra, sờ nắn không thấy ướt và gẫy nứt gì, tạm yên tâm. Chiếc vali Swiss Army vậy là đã được thử thách. Ra bắt taxi gặp ngay 1 em nữ lái xe, lần đầu tiên sau cả 5 năm sống ở đây. Yên tâm về an ninh đi ban đêm với phụ nữ, 2 chị em vui chuyện suốt dọc đường, từ chuyện các em single mothers phải làm đủ các nghề nuôi con, bằng mọi giá lấy chồng Tây để rời đất nước này, đến chuyện ông Tổng thống mới và tệ nạn ma túy ở Manila.

Cái vali nặng đến nỗi cả cô lái taxi và tôi không sao bỏ được vào cốp xe, chú điều phối taxi phải ra khuân hộ. Về đến nhà thì bảo vệ tòa nhà ra đón và giúp mang lên tận phòng. Mở ra thấy mọi thứ không nứt vỡ gì, mừng quá. Nhìn từng món quà, vật kỷ niệm, lúc đó nỗi nhớ cồn cào mới dội lên, kéo mọi nhọc mệt trên đường như nhấn chìm tôi trong một cảm giác buồn mênh mang: Chẳng biết có dịp nào quay lại Kishinev nữa không…Mặc dù khi chia tay, luôn miệng nói: hẹn gặp lại, để lần sau nhé…

Phải đến 1h sau tôi mới cố gắng tạo lập được niềm vui nho nhỏ cho mình bằng cách cho mọi thứ lên tấm thảm Moldova để tưởng tượng chúng bay về Manila và bất ngờ khi mở 3 cái áo được tặng ra thấy chúng vô cùng khác nhau về số đo, tôi tự phá ra cười 1 trận.

Cuộc sống là tập hợp của các cung bậc cảm xúc, nhưng nhất thiết phải có niềm vui. Đó chính là chuyến Về nguồn 2016 của chúng tôi.

 

 

 

 

 


Người post: administrator

Ngày đăng: 28-10-2016 00:12






Xem 1 - 10 của tổng số 14 Comments


Trang:  1 | 2 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Từ: Guest Thu_Luat
05/11/2016 23:18:21

Lại thêm một bài phóng sự hay,tác giả của nó từ nơi "đầu sóng ngọn gió" Manila.Cảm xúc vui buồn lẫn lộn.Xúc động nhất là khi kể về thầy Suchev...Tạo hoá sinh ra con người cũng có cái giống như con cá hồi,bởi con cá hồi  trước khi đi xa bao giờ cũng tìm mọi cách trở về nơi chôn rau cắt rốn của chúng,gieo lại cho đời đợt trứng cuối cùng rồi mới chịu đi...Nhưng "Что поделать?"Сuộc sống là như vậy,như bạn nói,cuộc sống là nơi hội tụ của mọi cảm xúc,có vui có buồn,có cái đau của sự mất mát,có cái day dứt của sự chia ly...Cái chính là mình vẫn giữ được những kỷ niệm tốt đẹp về KGU và bạn đã chia xẻ những cảm xúc đó với chúng tôi,phần đông sv KGU chưa có điều kiên tham gia "Về nguồn", cái ý nghĩa sâu xa của Về nguồn chính ở chỗ đó!


Chúc bạn tiếp tục thành công trên con đường khoa học!Đón chờ những bài phóng sự mới,bạn là một trong những nhân tài văn chương của KGU đấy!


 



Từ: PhuongTT
03/11/2016 22:22:10

 


Em chào chị Hoa ạ. Em cũng nghe chị Thoa và các chị khác nhắc đến chị trong Nhà Ngựa con, thế nhưng chưa bao giờ được gặp. Bây giờ gặp và nói chuyện vơi snhau qua Web....Em cũng không có dịp về Du xuân những năm gần đây vì em đang làm việc ở Manila cơ ạ. Chắc vài năm nữa sẽ về gặp cả nhà KGU được nhiều hơn. Chị có Về nguồn hồi 2011 được không? Lần vừa rồi có chị Thục đi cũng vui. Chị ơi, em không biết anh Vinh. Cứ nghĩ ông Suchev chỉ có trò là chú Xuyến với em. Chị nhắn anh Vinh hộ em nhé, cho em gửi lời thăm anh ấy và xin địa chỉ liên hệ. Em Phuong


 


 



Từ: Guest Phạm Thị Ngọc Hoa Hóa 72
03/11/2016 11:46:09

Lâu nay không gặp em. Nhìn ảnh em bên mộ Bà giáo Ngựa, chị đã linh cảm đó là em. Sau đọc các bài viết của em, comment của Phương Thoa chị chị rất mừng vì họ nhà Ngựa có em. Còn Thục thì chị nhận ra ngay. Thục cứ như người thực hiện những ước mơ của chị. Năm 2014 chị tìm cách từ Đà Nẵng đi hậu Du xuân qua Lào. Rà tới, rà lui, mạng cứ trả lời cho chị điểm xuất phát là Nhà thờ Đức Bà ( Sài Gòn). Trớt wướt! Về, thấy một loạt bài và ảnh Thục bên Lào cùng với các nhà sư! Hỏi mới biết Thục đi từ Huế?! Năm 2016 Thục lại đứng ngậm ngùi bên mộ của Gia đình Ngựa cùng với em. Những bài em viết, chị cứ đọc đi đọc lại. Nó cứ thời chị, thời em, thời sau này. Rất xúc động! Họ nhà Ngựa có em làm rạng danh! Thầy Suchev hướng dẫn luận văn cho anh Võ Thành Vinh năm 1972, tại phòng thí nghiệm cạnh 204 của chị. Anh ấy về Qui Nhơn và chăc chưa hay tin thầy mất. 



Từ: Guest CấpTT-svuccura nhưhihhÊFfQqNOUI qd .
01/11/2016 23:48:56

   Phóng sự của PhươngTT hấp dẫn quá , đầy cảm xúc vui buồn của những kỉ niệm và thực tại, gợi nhớ cho chị nơi chốn đã từng đến  ,  những con đường đã từng qua . Cảm ơn Phương và các bạn đã kể lại chuyến về nguồn - Kíshinhop- nơi DÂN HIỀN HOÀ THẦY CÔ TỐT  NUÔI DẠY CHÚNG TA.



Từ: PhuongTT
29/10/2016 20:12:13

Em cám ơn các anh chị đã thích những chi tiết trong loạt phóng sự của em. HT Ngọc "cưỡng chế" ghê quá nên em copy-and-cut từ FB thôi. Trình độ còn kém, chưa biết chèn ảnh thế nào. Em đồng ý với HT Ngoc bảo là không có ảnh chán lắm, không ai đọc (Hic hic, chính vì thế FB nó lấn lướt các trang web đấy ạ). Em nhờ HT Ngọc hay anh chị nào thạo cắt trở lại thành từng ngày và chèn 1 số ảnh mà em đã post từng ngày. Những ảnh đó em cung đã chọn lựa phù hợp với nội dung bài viết chứ không post hàng loạt cả albulm đâu ạ, vì vậy cũng dễ chọn thôi. Hôm trước chị Chi đã làm rồi lại xóa đi phí thế. Chị có thể làm tiếp đi a, em chia "nhuận Còm" với chị, không đòi copyright đâu ạ


Câu được nhiều "Còm" thì chia nhau ạ. !!!


PS @em Văn: Chị không dám làm Phóng viên chiến trường đâu, nhỡ lại dính chưởng như LB thì gay lắm.


@chị Thoa: chị nhớ về thầy Suchev và Isak đúng đấy ạ. Em và chú Xuyến cùng làm NCS của thầy Suchev



Từ: LanTT
29/10/2016 17:19:50

Chị đã đọc bài này của em trên FB mà bây giờ vẫn say xưa đọc lại. Các ký sự của em rât hay. Tiếc là em ko đưa ảnh lên, ảnh của em trên FB rất đẹp nhất là ảnh ngôi nhà thờ gỗ. Chắc sau này Phương sẽ xuất bản ký sự các miền đất em đã đi qua nhưng bài này là ký sự hay nhất.


Chị vẫn nhớ thầy Suchev, uyên bác, đẹp trai và lịch lãm nhất khoa hóa và các thầy cô khác. Thầy cô sẽ luôn đồng hành cùng các học trò. Mong đợi tiếp các phóng sự của em nhé.


@Hương Lê ơi, em Phương đang làm ở ADB, không làm ở WB nữa.



Từ: HuongLH
29/10/2016 03:51:13

Bài viết của em hay quá. Học hóa, làm việc ở WB nhưng em viết lách thì cứ y như nhà văn thực thụ ý, thật tuyệt vời. Đúng là con nhà nòi có khác. Và bài viết hay vì nó xuất phát từ cảm xúc dạt dào, tình yêu chân thành với đất nước Moldavi, với Kisinhop, với thầy cô giáo và bạn bè KGU của em. Đọc mà thấy lòng lâng lâng. Cám ơn em thật nhiều. 


Em có nhiều bài viết rất hay về nhiều trải nghiệm khác nhau, về cảnh đẹp của những địa danh, về con người...nơi em đã từng đến công tác trên FB. Giờ tham gia web KGU rồi, em hãy lần lượt đăng các bài ấy lên web KGU này để mọi người cùng thưởng thức nhé.  Chờ đọc các bài viết tiếp theo của em.



Từ: ThoaNP
28/10/2016 23:36:03

Phương ơi, em viết hay tuyệt.


Giờ chị mới biết em làm NCS với thầy Сычёв. Phòng Thầy ngay cạnh phòng Bà giáo Ngựa chúng mình (204), đúng không? Hồi đó Thầy rất đẹp trai, và đúng như em nói, SV ai cũng sợ vì phong độ Thầy uyên bác và khó gần. Chắc Thầy là giỏi nhất BM Hóa Lý. Không ngờ Thầy lại mất khá sớm như vậy. Thầy Isak thì chị không nhớ lắm, thời chị học hình như đó là học trò (NCS) của Thầy Сычёв, không biết có phải không.


Cảm ơn em về bài viết hay và nhiều thông tin. 



Từ: HanhLT
28/10/2016 14:34:37

Học hoá nhưng viết rất hay,phải tình cảm dạt dào lắm mới viết 1 mạch khg sót tý gì,em làm cho những ai khg về đc phải tiếc hùi hụi.Mong sẽ đc đọc nhiều hơn nữa các bài của em.



Từ: HoaiPV
28/10/2016 12:51:04

Hội trưởng Ngọc BQ ơi, đề nghị chỉnh lại thời gian của trang web. Chắc theo múi thời gian khác, chậm 7 h "lận"!




Trang:  1 | 2 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7169
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s