ÂN TƯỢNG VỀ ĐẤT NƯỚC VÀ CON NGƯỜI LÀO
Tác giả: Diệp Chí Mậu
Hơn 5o năm trước, khi đọc cuốn “Bên kia biên giới”, “ Trước giờ nổ súng” của nhà văn Lê Khâm ( Phan Tứ) nói về bộ đội tình nguyện Việt nam chiến đấu tại Lào và nghe các bài dân ca Lào Hoa Champa,Lăm tơi có giai điệu cuốn hút, tôi đã muốn biết về đất nước và con người nơi này.Tôi chỉ biết Lào, Miên và Việt nam là 3 nước của Liên bang Đông dương thuộc Pháp( Từ năm 1893),Lào có đường biên giới khá dài với Việt nam về phía đông (2069 km)dọc theo dãy Trường sơn và được nghe nói về gió Lào nóng khô kinh khủng khi thổi qua miền Trung Việt nam.Mãi đến nay khi về già tôi mới có điều kiện thăm thú mảnh đất này khi theo một tour du lịch đườngbộ khám phá Trung Lào.Quả là một chuyến đi rất thú vị giúp tôi hiểu thêm về đất nước và con người Lào đáng mến,người hàng xóm tốt bụng của Việt nam.
Từ Huế chuyến hành trình khởi hành lên Đông Hà qua cửa khẩu Lao Bảo (phần đất bên Lào gọi là Densavanh). Xe đưa chúng tôi bon bon trên quốc lộ 13 thẳng tiến đến tỉnh lỵ Xavanakhet.Quốc lộ này có từ thời Pháp thuộc nối 3 nước Việt-Miên-Lào. Giờ đây quốc lộ 13 là tuyến giao thông quan trọng nhất chạy dọc bờ trái sông Mekong nối với thủ đô Viêng chăn và lên bắc Lào.Tôi có ấn tượng mạnh với giao thông và văn hóa giao thông xứ xở này.Trong suốt 2000 km đường bộ trong chuyến đi tôi thấy rất ít xe chạy ngược chiều mình.Tuy có qui định hạn chế tốc độ 50km/h để đảm bảo an toàn giao thông nhưng do lưu lượng phương tiện giao rất nhỏ nên xe chạy thường vượt qui đinh này.Một điều khiến tôi ngạc nhiên là đến nay Lào chưa có tuyến đường sắt(thời thuộc Pháp cũng chưa có đường sắt).Tôi biết dự án đường sắt khổng lồ nối Nam Trung Quốc đến Viênchan, Bangkoc và vươn tới vịnh Bengal Mianma có chiều dài 420 km có giá 7 tỉ đôla dự kiến kéo dài trong 5 năm sử dụng 50 000 công nhân Trung quốc theo tiêu chuẩn quốc tế với 31 ga,tốc độ chạy tàu 160 km/h.Vốn do Trung Quốc bỏ,Lào chấp nhận cho Trung Quốc khai thác một số quặng kim loại. Dự án này đã khởi công ngày 25/12/2016. Khác với Thái lan, ở Lào qui định lưu thông về bên phải giống Việt nam và Campuchia.Nét văn minh giao thông tai đây tôi thấy hơn hẳn Việt nam ở chỗ xe chạy rất trật tự và không bấm còi inh ỏi.
Người dân đa phần tự dàn xếp sự cố khi có va chạm ( một phần là do thủ tục xét xử tai nạn giao thông khá lâu trên 3 tháng),không có hiện tượng chửi rủa và đánh nhau. Ở Lào không có xe bus, tacxi ngay cả tại thủ đôViên chăn .Người dân đi lại bằng oto cá nhân ( xe chủ yếu là nhập khẩu không bị đánh thuế, rẽ hơn khoảng 80 % so với Việt nam), xe công cộng là xe túc túc giống bên Thái, còn giá cả thì cần thương lượng .Ở Lào không có hiện tượng tắc đường ngay ở thủ đô.Dân Lào ưa thích xe bán tải vì nhiều công dụng, được chở người phía sau.
Dân số Lào chỉ vào khoảng 6,5 triệu với diện tích 236.800km2 ( Năm 1892 sau cuộc chiến tranh Pháp- Xiêm, Pháp đã ký một hiệp ước bất bình đẳng gây thiệt hại cho Lào là cắt vùng Ixan- các tỉnh đông bắc Thái lan hiện nay cho Thái lan, lấy sông Mê kong làm biên giới) trong đó rừng chiếm 47%, là đất nước không có biển.Bây giờ là cuối mùa khô(khí hậu giống Nam bộ Việt nam chỉ có hai mùa mưa và khô),xe chạy hai ngàn cây số mà dọc đường tôi chỉ thấy đa phần cây khô lá.Dân cư thưa thớt, người dân sống tập trung tại các tỉnh lị lớn và ven sông Mekong .Năm mới của Lào bắt đầu vào tháng 4 dương lịch.Chỉ còn ít ngày nữa là đến Têt Lào., Tết cổ truyền Bunpimay (có nghĩa là mừng năm mới) hay còn gọi là Tết té nước diễn ra từ 13 đến 16 tháng 4. Tôi thật tiếc là chuyến đi không trùng vào những ngày trên để được chứng kiến lễ hội độc đáo này.
Đa phần dân Lào sống bằng nghề nông( 85%), lúa nước chỉ trồng 1 vụ ( Họ nói chỉ cần đủ ăn).Lào xuất khẩu chủ yếu là khoáng sản, gỗ và điện (điện là thủy điện do Trung Quốc và Việt nam giúp và bán cho Trung quốc và Việt nam).Điện cho sinh hoạt chỉ có ở một số khu vực, đô thị. Lào có tốc độ tăng trưởng trung bình 7% ,GDP năm 2016 là 13.761 USD đứng thứ 122 thế giới, 37 châu Á và 9 DNA. Người Lào đa phần theo Phật giáo( Theravada), một ít theo Kito và đạo Hồi. Ngôn ngữ của Lào thuộc ngữ chi Thái trong hệ ngôn ngữ Tai-kadai. Tiếng Lào có thanh điệu và phát âm giống Thái. Trong đối thoại người Lào và Thái có thể hiểu nhau. Từ vựng trong tiếng Lào có nguồn gốc Thái bản địa, từ tiếng Pali và tiếng Phạn, còn chữ cái Lào dựa trên chữ cái Ấn Độ. Người Lào thường mang các họ Lò, Lường , Vi…như người Thái. Con cái lấy họ theo cha. Tục lệ ở rể từ xưa đến nay vẫn còn. Con trai ở nhà vợ vài năm mới được đưa vợ về nhà mình hoặc ra ở riêng. Người chết được làm lễ và chôn cất. Người đứng đầu mường, bản khi chết thì xác được hỏa thiêu.Những thông tin này tôi nhận được từ Xỉn Phết, một người bạn Lào dễ mến sõi tiếng Việt mà tôi quen biết cách đây gần 30 năm tại Volgagrad, một thành phố Nga trên sông Volga của Liên Xô trước đây. Tôi hy vọng được găp lại bạn ấy tại Vienchan trong chuyến đi này.
Trong suốt hành trình , tôi đều có dịp chiêm ngưỡng , viếng và làm lễ Phật tại các chùa chiềng mà xe ghé qua:Thánh địa Phật giáo Tiểu thừa Thatinghang, chùa tỉnh hội Xayaphum, chùa mẹ Ximuong (tại đây các nhà sư làm lễ buộc chỉ tay cầu phúc và an lành ), công viên Phật…Lào có tới 1400 ngôi chùa lớn nhỏ. Giáo lý Phật có lẽ đã ăn sâu vào tiềm thức con người Lào hình thành nhân cách sống vị tha,hiền hòa trong cư xử, sinh hoạt cộng đồng.Họ quan niệm ở kiếp này cuộc sống chỉ là tạm bợ nên không cần bon chen, ganh đua.Khi người thân qua đời họ không than khóc , biểu hiện đau đớn mà cho rằng người chết được lên cõi Phật vĩnh hằng. Người Lào không quan trọng cuộc sống vật chất.Nhà cửa không cần xây uy nghi, thường chỉ xây một trệch một lầu kể cả cơ quan công quyền.( Trừ các cơ quan lớn ở thủ đô như tòa nhà Quốc hội, Dinh Chính phủ,và một số dinh thự của các đại gia). Tôi ấn tượng với cách trang trí mái nhà khá đẹp của người dân dù cho là nhà bằng gỗ hay xây kiên cố. Các mái che chắn nhau làm thành nhiều tầng trông lạ mắt.Người Lào rất coi trọng quan hệ láng giềng,sống hòa thuận tránh xung đột.Và khi có mâu thuẩn không thể dung hòa thì một trong họ dời nhà đi nôi khác chứ không đánh chửi nhau.
Lào có chế độ chính trị giống Việt nam, chỉ có một đảng.Các tổ chức đảng, quốc hội, chính phủ…gần như là bản sao của Việt nam. Xe chạy qua các trụ sở công quyền tôi chỉ thấy dựng hai cột cờ treo cờ đảng Nhân dân cách mạng (cờ đỏ búa liềm) và cờ tổ quốc Lào giống bên Việt nam. Các ban bệ của đảng và chính phủ có tên gọi giống bên láng giềng Việt nam. Tôi không thấy có ban thi đua, có lẽ do bản tính người Lào không thích bon chen, không bao giờ vội vã, ganh đua.Nhờ vậy nơi đây không có bệnh “thành tích”, báo cáo “láo”, trẻ em không bị đánh mất tuổi thơ vì học hành thi cử triền miên. Lào không bị vấn nạn xe công tốn nhiều ngân sách quốc gia. Ngoài các chức danh chủ chốt có xe công đua rước, những đối tượng được cấp xe công đều tự lái xe. Giữa người lãnh đạo với người dân không có nhiều khoảng cách. Lãnh đạo sống chan hòa, gần gủi dân, không có nhiều “đặc quyền đặc lợi”. Các lãnh đạo chủ chốt và lãnh đạo địa phương đều lớn tuổi ( tổng bí thư đảng Nhân dân cách mạng Lào nhiệm kỳ này là Boungnhang Vorachit (sinh năm 1937) ở tuổi 80). Nạn tham nhũng thì ở quốc gia nào cũng có. Lào cũng vậy, chỉ có điều không giống Việt nam ở chỗ họ ra giá công khai một lần các “phi vụ” làm ăn mà không mặc cả. Tôi nghe nói các quan chức Lào đều khá giả , nhiệm kỳ đa phần kéo dài không qui định số năm.
Người Việt tại Lào khá đông thường sinh sống tại các tỉnh lỵ và thủ đô Vien chan. Họ có nguồn gốc từ Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế.Đa phần họ làm nghề buôn bán tạp hóa, mở nhà hàng , khách sạn, xường mộc…và thường thành đạt. Tôi nghe người Việt giàu nhất bên Lào là người phụ nữ có quê ở miền Trung Việt nam. Bà này có nhiều nhà hàng, khách sạn khắp các 16 tỉnh và ở thủ đô Lào và có ảnh hưởng lớn đến các quan chức các cấp của Lào. Ngoài những người đã sinh sống lâu năm có quốc tịch còn có những người Việt mới sang mà họ tự nhận là “Việt liều”.Họ làm ăn lương thiện và có quan hệ tốt với chính quyền nên được làm ngơ không bị truy vấn. Đa phần họ nói có cuộc sống tốt hơn tại quê nhà Việt nam. Người Lào đối xứ thân thiện với người Việt tại đây. Họ nói người Việt giỏi tính toán làm ăn, cần cù, chăm chỉ trong công việc hơn họ chí mỗi tội hay nhậu nhẹt và chửi tục. Nhược điểm này như thứ văn hóa cúa dân làm ăn ở khắp 3 miền Việt nam trong vài thập kỷ qua.
Trong suốt chuyến đi,dù ở khách sạn hay dừng chân ở các quán ăn , tôi nhận thấy văn hóa ẩm thực Lào đều mang phong cách tương tự Campuchia và Thái Lan: Cay, chua và ngọt. Các gia vị người Lào thường dùng là gừng, me, là chanh, ớt khô thật cay.Các món ăn tiêu biểu là món nướng, chiêng dòn có vị cay và ngọt được trung hòa thêm các thảo mộc. Người Lào cũng thích dùng mắm cá (padek) và mắm cheo ( gồm da trâu,ớt nướng, tỏi nướng, riềng nướng, đường và thảo mộc)
Lào có nhiều lễ hội trong năm: Tết dương lịch, Tết Nguyên Đán, Tết Lào ( Bun Pimay) và Tết Hmong. Họ gọi Tết là vui Tết chứ không gọi ăn Tết và tất cả các lễ hội được tổ chức theo truyền thống tôn giáo với hình thức vui chơi là chủ yếu.Người Lào rất thích ca múa, đặc biệt là các làn điệu dân ca truyền thống. Dân ca Lào giàu âm điệu, mang đậm bản sắc dân tộc, có nhiều loại như “lăm, khắp,xõng, kạp” trong đó “lăm” được mọi người ưa thích và phổ biến nhất. Trong những lễ hội lớn không thể thiếu tiết mục múa. Từ người già, trẻ, gái trai đều tham gia múa một cách tự nhiên, thỏa mái. Các điệu múa uyển chuyển, nhịp nhàng theo nhịp trống, động tác tự do cùng với các nhạc cụ truyền thống là khèn(khaen), vồ, trống, phin…
Chuyến đi cũng đến hồi kết thúc. Tôi cũng đã thỏa mãn sự tò mò muồn khám phá đất nước Lào,mảnh đất cuối cùng của Liên bang Đông dương thuộc Pháp ngày nào.Điều đọng mãi trong tôi là tính cách con người Lào: nhân hậu, hiền lành và không bao giờ vội vã, bon chen, thấm nhuần đạo lí nhà Phật. Một niềm tin vào Đức Phật nhiệm màu. Chia tay chúng tôi, cô hướng dẫn viên người Lào xinh xắn hát tặng đoàn bài dân ca bằng giọng Lào cao vút bài Lăm tơi, bài hát mà tôi từng nghe thời còn niên thiếu mà lời Việt tôi vẫn nhớ:
“ Ớ chàng trai đó ơi em không hát được bài Lăm tơi.
“Húa đôn tàm “ nhưng đêm nay dưới trăng sáng
Đôi ta biết nhau đây. Lòng em theo tiếng khèn
Ca lên bài hát Lăm tơi. Anh ơi tiếng suối reo như cùng hòa theo bao lời. “
Tháng 3 năm 2017.
Người post: TuyetHA
Ngày đăng: 19-04-2017 22:10
COMMENTS CỦA THÀNH VIÊN |
|
Tổng số bài và comment post theo từng khoa
Khoa | Bài viết | Comment |
Sinh | 563 | 9482 |
Lý | 387 | 2824 |
Hóa | 882 | 9765 |
Luật | 721 | 11647 |
Toán | 66 | 376 |
Kinh tế | 4 | 108 |
Câu Lạc Bộ | 30 | 1 |
NCS | 3 | 70 |
Bạn bè | 197 | 1189 |
Dự bị | 0 | 0 |
Ngôn ngữ | 2 | 2 |
10 người post bài nhiều nhất
User | Số bài viết |
TungDX | 289 |
NghiPH | 306 |
NgocBQ | 130 |
ThaoDP | 108 |
CucNT | 123 |
CoDM | 88 |
PhongPT | 73 |
HaiNV | 93 |
LiTM | 85 |
MinhCK | 70 |
10 người comment nhiều nhất
User | Comment |
Guest | 7170 |
NghiPH | 3219 |
LiTM | 1879 |
HaiNV | 1853 |
KhanhT | 1743 |
CucNT | 1718 |
TungDX | 1565 |
ThanhLK | 1545 |
VanNH | 1441 |
ThoaNP | 1257 |