KGU Events >>Sự kiện
KGU Tạo bài viết  
Thứ bảy 30 Tháng tư. 2011

Tản mạn nghĩ về ngày 30 tháng 4




Tác giả: HaiNV

Hôm qua, con gái tôi cùng các bạn lên đường (bằng ôtô, vì không thể mua được vé máy bay) đi chơi Đà Nẵng trong mấy ngày nghỉ lễ Chiến thắng 30 tháng 4 và Ngày Quốc tế Lao động 1 tháng 5. Nghe nói, sẽ có đêm hội pháo hoa quốc tế “Lung linh Sông Hàn” lớn chưa từng có. Con tôi thuộc thế hệ 8X, sinh ra trong hòa bình khi đất nước đã thống nhất được gần 10 năm. Cũng như các bạn cũng trang lứa, khi nghe người lớn kể chuyện về thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước, con tôi chỉ biết yên lặng ngồi nghe.

Ngày ấy, có một bài hát mà tình cờ cả vợ chồng tôi cùng rất thích, đó là bài "Câu hò bên bờ Hiền Lương " (nhạc: Hoàng Hiệp, thơ: Đằng Giao). Khi con tôi còn ngủ trong nôi, một trong những bài hát ru con mà vợ tôi và tôi vẫn thường hát (tôi cũng đã từng hát ru như thế!) là bài hát này. Tôi tin chắc rằng, ngày ấy không chỉ có chúng tôi, mà rất nhiều các anh các chị, các bạn và các em đã truyền cho con mình từ tấm bé một tình yêu quê hương đất nước, nỗi đau khi đất nước bị chia cắt và niềm tin son sắt vào ngày Tổ Quốc được thống nhất.

 

Bên ven bờ Hiền Lương chiều nay ra đứng trông về
Mắt đượm tình quê... mắt đượm tình quê
Xa xa đoàn thuyền nan, buồm căng theo gió xuôi dòng
Bỗng trong sương mờ không gian trầm lặng nghe câu hò...

Tôi muốn nói thêm: bố vợ tôi người Huế, theo Cách mạng từ 1945. Ông có mấy anh chị em, thì vài người theo Cách mạng ra Bắc, mấy người ở lại Huế, Sài Gòn…Tôi còn nhớ ông cũng từng hát ru cháu – con tôi...Bên ven bờ Hiền Lương... rồi “Bình Trị Thiên khói lửa” (Nguyễn Văn Thương) và cả các bài tiếng Pháp, tiếng Anh… Ông bảo: ông cũng đã từng hát ru cho mấy chị em vợ tôi những bài như thế! Sau ngày giải phóng, anh chị em của ông tìm lại được nhau cũng thật khó khăn…

Ngày 30 tháng 4 năm 1975, tôi vẫn nhớ như in: tại Kisinhốp, anh chị em chúng ta đã reo hò, phấn khởi, mừng rơi nước mắt, ôm chầm lấy nhau, khi nghe tin quân ta tiến vào dinh Độc lập, giải phóng Sài Gòn, Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện…Tôi biết nhiều anh chị, nhiều bạn và nhiều em là con em các gia đình cán bộ Miền Nam tập kết ra Bắc ngày ấy đã khóc rất nhiều, đã có những đêm không ngủ để ăn mừng Chiến thắng. Rồi cả đơn vị đã tổ chức mít tinh mừng Chiến thắng, nhận những lời chúc mừng của Lãnh đạo Nhà trường, của các Thầy Cô và bạn bè…Một trong những bài hát mà chúng ta ngày ấy đã từng hát nhiều nhất là bài "Giải phóng Miền Nam" của Lưu Hữu Phước - Huỳnh Minh Siêng. Giai điệu và lời hát "Giải phóng Miền Nam, chúng ta cùng quyết tiến bước..." đã in sâu trong tâm khảm của mỗi chúng ta. 

Ở KGU, không khí chiến thắng bắt đầu từ trước đó hơn một tháng rồi, từ chiến thắng Buôn Mê Thuột ngày 11 tháng 3. Tôi vẫn nhớ ngày ấy nghe tin chiến thắng của chiến dich Tây Nguyên lịch sử chúng tôi từng sung sướng và vui náo nức như thế nào! Rồi lần lượt: Nha Trang, Huế, Đà Lạt, Đà Nẵng...đến Đồng Nai – Biên Hòa, cuối cùng là Sài Gòn được giải phóng. Ngày ấy, chiều nào đi học về là cả bọn đều xúm xít, chen chân đứng ngồi chật cả “Góc Đỏ” để xem TV đón tin chiến thắng từ Việt Nam. Chúng mình đã chuyền tay nhau đọc từng trang báo có đăng tin chiến thắng. Các bạn Liên Xô, các bạn ngoại quốc cũng chia sẻ niềm vui của chúng ta. Rồi tháng 5 năm 1976, tại Kisinhốp, chúng ta đã phấn khởi tự hào được tham gia bầu cử Quốc hội nước Việt Nam thống nhất.      

Cũng năm đó, chúng tôi K76 về nước. Chúng tôi ai cũng rưng rưng nước mắt khi tàu đi qua biên giới Trung - Việt và về đến ga Hà Nội. Sau này, một số lần đi công tác vào Huế, tôi không đi máy bay mà chọn đi tàu, đến cầu Hiền Lương (nay đã có cầu mới), tôi ngắm nhìn cây cầu lịch sử mà lòng bồi hồi xúc động…Bên kia bờ Bến Hải (mà đâu chỉ có bên kia), đã biết bao cụ già, bao bà mẹ, ông bố, bao chàng trai, cô gái và bao em bé Việt Nam đã vĩnh viễn ra đi trong cuộc chiến tranh này? Ngày ấy, khi tôi cũng như nhiều người được cử đi học nước ngoài, thì nhiều bạn học cấp III cùng với tôi đã lên đường ra mặt trận, rồi nằm lại ở Thành cổ Quảng Trị và những mảnh đất thân yêu khác của Tổ Quốc...   

Hôm nay ngày nghỉ, nhưng tôi vẫn thức dậy lúc 5h30 như mọi ngày (đồng hồ sinh học mà!). Tôi nghĩ về ngày 30 tháng 4 năm 1975, miên man không dứt về một thời, một sự kiện không thể nào quên của cả Dân tộc, của mọi người Việt Nam, trong đó có tôi... 

Ngoài kia, không một tiếng ôtô, xe máy (chắc mọi người còn nghỉ hay đã đi du lịch đâu đó), chỉ có những tiếng chim hót rộn ràng và thánh thót khắp nơi.

Một buổi sáng thật thanh bình!

Hà Nội, 30 tháng 4 năm 2011

 


Người post: HaiNV

Ngày đăng: 30-04-2011 07:07






Xem 1 - 9 của tổng số 9 Comments

Từ: TungDX
16/06/2011 21:53:51

Khóa 75 hạnh phúc được hưởng niềm vui chiến thắng cả trên đất Kis và cả ở quê nhà ngay năm đó; Tôi nhớ ngày đó Hội sinh viên Việt nam đã tổ chức mit tinh chào mừng, đón nhận lời chúc mừng của các Hội bầu bạn; Khi đó KGU đã trở nên quốc tế hóa: Có các bạn Sip, Mông cổ, Đức, Bun...Đồng thời chúng ta đã tổ chức giao lưu thể thao chào mừng sự kiện vĩ đại này gồm các môn: Bóng chuyền, bóng đá, bóng rổ, bóng bàn; Mặc dầu khiêm tốn về chiều cao bóng đá thì khỏi nói, nhưng bóng rổ TungDX vẫn là một thành viên do có chiêu đặc biệt phá thế kèm, vẩy một tay qua đầu khi chạy ngang rổ;Về nước mình đã gặp Bùi Quang Thận khi đưa con đi thi ĐH; Cũng đã ngồi tại ngã ba Học viện Lục quân Hòa Lạc để đồng chí lái xe tăng (chưa được công nhận) cắt tóc, chuyện mải đã bị chảy máu tai một lần;Về nước sang xã bên Đặng giang  thăm bạn Lê Viết Tiến cùng lớp, ngày 5/8/1969 đôi bạn một nhập ngũ, một tập trung ĐHBK, thì em bạn cho hay anh đã hy sinh 1973 cách Sài gòn 200 kmTrong khu tập thể chúng tôi sống có một số ông thương binh hai cuộc kháng chiến chúng tôi thường thăm hỏi, nói chuyện và hết sức chân thành thổ lộ rằng chúng cháu là những kẻ được thừa hưởng thành quả của các ông, nói hình tượng là ngồi trên vai thế hệ trước;Năm 2009, Viện TPTN tổ chức đoàn đi Xuyên Việt cho những cựu "Viện sĩ" đã và sẽ về hưu (những đường đạn cuối đà). Chúng tôi đã đi hết chiều dài đất nước, qua Nghĩa trang Trường sơn, Thành cổ Quảng trị, Nghiax trang Hàng Dương, Chuồng Cọp, Nưm Căn, Mũi Cà Mau; ĐÚng như Phư nói dù là hai bên, dù là chiến thắng, nhưng máu đổ vẫn là máu Việt nam;Xin trích dưới đây một số cảm xúc:


Hai lẻ chin, tháng tám, ngày hai mốt


Những đường đạn cuối đà lao vun vút


Cảnh đường mòn vun vút, hiển hiện lên


Vắt dọc Trường sơn một dải lụa mềm




Thảm núi rừng điệp trùng đẹp hớp hồn


Miền kết tinh bao thế hệ Việt nam


Trìu mến, ân cần, nâng bánh xe lăn...


Hành trình hậu thế, hết lòng chở che




Nghe bom rền trong rừng, giữa suối, khe


Tiếng quân reo, tiếng đoàn xe ào ào


Liêu diêu trong mộng-thực-ảo-chiêm bao


Hành hương đi giữa: Tự hào-Thương-đau




Một triệu quân, bảy triệu dòng máu Việt


Chảy trong màu xanh, tình đất hôm nay


Các linh hồn vẫn tụ hội quanh đây


Đau đáu phù cho mỗi ngày vợi khổ




Kính dâng đồng đội Nghĩa trang, Thành cổ


Chút Vinh quang đạt trong nghề Phóng, Nổ


Thành công chắt từ một thời vượt khó


Hạ cánh về sẽ gần chỗ các anh




Thưa các anh hùng đồng đội, đồng niên


Máu xương anh kết thành trang sử đỏ


Thế hệ sau tiếp, giương cao hơn nữa


Non nước mình Au Lạc sẽ Lạc An




Ơi các đồng đội, bạn học, đồng môn


Anh chiến trường, tôi học đường đại học


Hai mặt trận ta đã từng giao ước


Mà ngày xây đất nước vắng không về


 


Hải Vân cao, gió vờn se nỗi nhớ


Chỉ còn là thoáng chợp ngủ qua hầm


Cầu sông Hàn mời vào Mỹ Khê xanh


Miền Trung Việt đẹp bức tranh sơn thuỷ


                            02/9/2009


 


 



Từ: MinhCK
02/05/2011 10:30:25

 Vui mừng đó, sung sướng đó, nhưng liệu có ai nhớ trong ngày giải phóng này bao nhiêu ngươi đã ngã xuống, bao nhiêu tuổi xuân đã không còn nhìn thấy mặt trời cho cuộc sống hôm nay của chúng ta nữa không ??? Hay nghiêng mình, ngả mũ tưởng nhớ những người đó các bạn ạ. Chúng ta hãy никто незабыт ничто незабыто. Ngày đó chúng tôi đang ở trên trường bắn để thử nghiệm loại vũ khí mới, sáng hôm sau ra đến đường 32 cớ đỏ bay rợp trời, dân tình đổ ra đầy đường, hỏi ra mới biết đã giải phóng mièn nam. Hải đã cho tôi nhớ lại những ngày này của 36 năm trước. Chúc mừng các bạn nhân ngày 30/4. Để làm nên chiến thắng này rất nhiều những người lính, những bạn bè của chúng ta đã nằm xuống. Đúng như Nhuận nói đấy: Bài thơ của Lê Bá Dương chỉ có 4 câu nhưng nó đã nói lên tất cả cái đau thương, cái mất mát của cuộc chiến tại thành cổ Quảng Trị. Bây giờ ai có qua đấy sẽ thấy biểu tượng những giọt máu nhỏ xuống dòng Thạch Hãn anh hùng: Đò suôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ; Đáy sông còn đó bạn tôi nằm...



Từ: VinhTQ
01/05/2011 19:44:43

Bài viết của anh Hải đã gợi nhớ lại cảm xúc vui sướng ngây ngất khi miền Nam giải phóng. Em còn nhớ mãi sáng hôm đó bọn em tới lớp học, bà giáo tiếng Nga thông báo cho cả lớp rằng miền Nam đã giải phóng. Bà giáo không hình dung được thông tin có ý nghĩa như thế nào đối với VN. Niềm vui bộc phá khiến tất cả ngây ngất làm bà giáo sợ mình nghe nhầm nên nói với cả lớp: chúng mày ngồi yên, tao phải kiểm tra thông tin cho chắc chắn. Mặc cho bà giáo nói chúng tôi rú lên vui mừng như một lũ điên, mừng không biết tả như thế nào, chỉ thấy vui sướng vô cùng, không còn biết mình đã làm gì, la hét như thế nào? Một bạn trong lớp Dự bị tiếng Nga không biết tìm đâu được một trái pháo chuột đã cho nổ ngay hành lang khiến nhiều người (không phải là người VN ) hú vía bởi tiếng nổ. Còn dân VN thì hân hoan vô cùng. Cảm ơn anh Hải đã khơi lại dòng ký ức của nhiều người về ngày vui Đại thắng. Cảm ơn các ông ba, cô chú, bạn bè đã đổ máu hy sinh cho ngày vui Đại thắng này. Hôm nay, sống trong cảnh thanh bình, tôi chạnh lòng nhớ đến những người đã khuất trong cuộc chiến tranh vừa qua. Hy vọng đất nước ta luôn thanh bình và phồn vinh.



Từ: HanhLM
30/04/2011 15:39:40

Cám ơn anh Hải đã có một bài chúc mừng ngày Đại thắng của dân tộc!


Những chia sẻ, ký ức của anh và mọi người đã đưa em về những ngày vui sướng ngất ngây trên mảnh đất Mônđavia. Khi đó là cuối năm dự bị của chúng em. Lớp em 14 đứa toàn là con em Miền Nam tập kết, nên khỏi phải nói, chúng em sung sướng đến mức nào. Cả lũ con trẻ 19 - 20 tuổi cứ nhẩy cẫng lên mỗi khi nghe tin quân ta giải phóng thêm tỉnh thành nào, nhất là những tỉnh quê nhà. Quê của tụi em trải dài từ Miền Trung vào Nam Bộ: Huế (Bạch Hà, Kim Bình), Đà Nẵng (Hạnh, Bích Hòa, Quang Vinh, Xuân Thanh, Tinh Hoa, Tiến Long), Bình Định (Cẩm Hòa), Khánh Hòa-Phú Yên (Thanh Thảo, Công Thắng), Vĩnh Long (Hùng Việt), Sài Gòn (Thu Thủy, Thanh Phương).


Hè 1977, theo "lời hiệu triệu" của ba mẹ, ngay sau khi trả thi năm thứ hai, 4 đứa con gái chúng em (Hạnh, Vinh, Thủy, Phương) đã "nhao" về thăm quê. Và kết cục là cả 4 đứa "nợ đầm, nợ đìa" cho đến ngày cuối cùng của đời sinh viên.



Từ: PhuND
30/04/2011 13:25:08

ACE KGU hồi đó còn ở Kish vui lắm! Phư lo việc trình bày tin chiến thắng lên tấm bản đồ Vn ở Ob-01. Nhiều nguồn tin, nhưng may nhờ cái đài to đùng Rigonda mà bắt sóng BBC để thông báo tin chiến thắng. Một cuộc chiến quá dài, Phư cũng từng thm dự 08 tháng trước khi được đi du học nên mình vui hơn nhiều bạn trong lớp. Bây giờ thì lại thấy có TRIỆU NGƯỜI VUI VÀ CÓ CẢ TRIỆU NGƯỜI BUỒN.  Bên vợ mình chẳng hạn, ông Bố là bạn đá bóng cùng TT Dương Văn Minh trong lực lượng của Pháp, nhưng Cụ nhà mình hoạt động Việt Minh nên sau CMT8 là ông đã giữ chức Giám đốc Nha công an VT-BR. Năm 1954 tập kết, nhưng các anh chị lớn lại ở MN và gia nhập quân đội VNCH. Ngày bố vợ mình về Nam (07/05/1975 ) thì nhận được tin buồn: Đứa con trai lớn chết trên đường rút khỏi Tây Nguyên, sau này Linh hồn anh ấy vẫn ghé về thăm nhà em gái đấy! Đã 36 năm trôi qua, mọi người hãy lùi lại một khoảng để nhìn nhận lại cuộc chiến một cách nhân văn hơn! Chúc mọi người nghỉ lễ 30/04 và 01/05 vui vẻ.



Từ: HuyenBT
30/04/2011 12:46:27

Ngày ấy em học lớp 4. Cậu em từ chiến trường miền Nam trở về, mang theo một "con búp bê biết chớp mắt"(đó là lời khoe của em lúc đó với bạn bè). Con búp bê rất to, đến nỗi nó che khuất cả chiếc ba lô con cóc-tài sản duy nhất cậu em mang về sau hơn chục năm chiến tranh, có lúc tưởng như biệt tích...Thế là chấm dứt những giọt nước mắt và những đêm mất ngủ của mẹ em và bà ngoại.


Cuộc chiến tranh ấy dai dẳng đến mức đến bây giờ, đôi khi ở nước ngoài, em vẫn còn được nghe đôi ba người hỏi ở nước bạn đã hết chiến tranh chưa? Cứ cho rằng có những người "lười thông tin" như thế, nhưng điều ấy cũng nói lên rằng chiến tranh ở Vn là một sự ám ảnh, là một ký ức dai dẳng trong bao nhiêu người!



Từ: NghiPH
30/04/2011 09:45:04

Ngày 30/4/1975 tôi đang học ở Khoa Lưu học sinh, Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội (đấy là nói tắt còn tên của nó dài lắm không thể nhớ nổi) khi đó đóng ở Thanh Xuân. Nghe tin Sài Gòn giải phóng, chúng tôi hét vang: - Sài Gòn  giải phóng  rồi! Hòa bình rồi! Hết chiến tranh rồi!


Tôi  cùng các bạn trong lớp lao ra bến tầu điện để về Hồ Hoàn Kiếm. Thế nhưng bến tầu đông đặc người. Xe buýt cũng không thể len lên được. Chúng tôi cuốc bộ về Bờ Hồ hòa vào dòng người đang ngất ngây men say Chiến thắng, men say Hòa bình.


Suốt cả tháng nghe tin chiến thắng, ai cũng tin sẽ giải phóng được Sài Gòn, thống nhất đất nước. Riêng tôi có phần nghi ngờ. Thời gian quân ngũ với những trận chiến đấu quyết liệt, căng thẳng, thắng cũng nhiều mà thua cũng lắm nên tôi còn phân vân.


Tôi nói với anh chị em trong lớp học tiếng Nga năm ấy: - Thắng thế thôi!  Chưa chắc đã kết thúc chiến tranh được đâu! Đừng  mừng quá sớm!


Thế mà “vận nước đã đến rồi, bình minh chiếu khắp nơi”, ta đại thắng.


36 năm đã qua, đất nước có nhiều đổi thay, cuộc sống của nhân dân ngày một khá lên.


 Dẫu sao thì vẫn có sự xao lòng: Lẽ ra đất nước đã có sự phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, nhân dân khắp các vùng miền của Tổ quốc đã  có cuộc sống đầm ấm hơn, no đủ hơn, hạnh phúc hơn! Tôi thấy có phần trách nhiệm của mình.



Từ: NhuanNT
30/04/2011 08:57:45

Xin chép tặng đọc giả bài thơ của anh Lê Bá Dương nhân ngày 30/4:


đò lên Thạch Hãn xin chèo nhẹ


đáy sông còn đó bạn tôi nằm


có tuổi hai mươi hòa sóng nước


vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm.


 



30/04/2011 08:17:29

Thời đó chưa có internet, chắc các anh chị KGU nhận tin tức qua TV và báo của LX. Tụi em hồi đó đang lớp 9. Cả lớp có một bản đồ, mỗi khi nghe tin vùng nào được giải phóng thì dán một lá cờ đỏ nhỏ xíu lên. Không khí ngày đó thật sôi động.



Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7169
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s