KGU Events >>Sự kiện
KGU Tạo bài viết  
Thứ năm 10 Tháng mười một. 2011

Trên những cánh đồng xứ Flander




Tác giả: ThuTT

Ngày 11/11 năm nay sẽ được cả thế giới nhớ đến nhờ “6 con 1”. Nhưng ở châu Âu thì 11/11 năm nào cũng được nhớ tới vì đó là ngày nghỉ lễ: ngày kỷ niệm kết thúc chiến tranh thế giới thứ nhất, hay còn gọi là ngày “buông vũ khí”.  Những ai đã từng sống ở nước Anh hoặc hay xem truyền hình BBC đều có thể nhận ra rằng vào ngày lễ này và ngày kỷ niệm kết thúc chiến tranh thế giới thứ hai 9/5 rất nhiều người ở Anh đeo trên ve áo một bông hoa anh túc đỏ thắm. Và nếu bạn theo dõi chương trình truyền hình Ngày tưởng niệm  (Remembrance Day) 11/11 bạn sẽ thấy cả nhà hát lớn nơi diễn ra lễ kỷ niệm tràn ngập một màu đỏ của bông hoa anh túc ấy. Cả nữ hoàng lẫn thủ tướng Anh cũng mang một bông anh túc đỏ trên bộ lễ phục sang trọng của họ. Và phần lớn những vòng hoa đặt tại các đài Tổ quốc ghi công ở Tây Âu cũng được kết bằng hoa anh túc đỏ. Vậy truyền thống này bắt nguồn từ đâu và tại sao lại là hoa anh túc đỏ.

Thanh pho Ieper: Toa thi chinh va bao tang
"Trên những cánh đồng xứ Flander"
 

Hoa anh túc đỏ màu máu ấy là một loài hoa dại thường nở vào mùa hè trên những cánh đồng ở châu Âu. Điểm đặc biệt của hạt  anh túc là chúng có vỏ khá cứng nên khó nảy mầm trong điều kiện bình thường. Thường để giúp cho hạt nảy mầm nhanh, người ta phải chà xát hạt rất mạnh. Cây anh túc dại này thường phát triển mạnh ở những vùng đất có độ dinh dưỡng cao. Mùa hè năm 1915, khi chiến trận nổ ra ác liệt ở khu vực chiến trường  phía tây Vương quốc Bỉ, nơi thường được gọi trong thời gian chiến tranh thế giới thứ nhất là Những cánh đồng xứ Flander  (The Flanders Fields), một mùa hoa anh túc nở rộ chưa từng thấy. Lý do mà người ta thường dùng để lý giải cho hiện tượng này là vì những gót giày của lính đã chà đi xát lại trên những cánh đồng này làm cho không một loài cây nào có thể mọc được trừ anh túc. Và vì máu của chiến binh đã đổ thành sông ở đây nên hoa anh túc mới nở bùng lên như thế và đỏ rưc lên như thế. John McCrae là bác sĩ quân y người Canada đã tham chiến trên những cánh đồng xứ Flander vào năm 1915 và ông đã viết bài thơ nổi tiếng (được coi là nổi tiếng nhất viết về chiến tranh thế giới thứ nhất): Trên những cánh đồng xứ Flander (In Flanders Fields) vào tháng 5/1915 sau khi chôn cất những người đồng đội của ông. Lúc đó sơn ca bay rợp bầu trời chiến địa và anh túc nở rộ chưa từng thấy khắp mặt đất.  Biểu tượng của bài thơ, những bông anh túc đỏ màu máu của những chiến binh đã ngã xuống ở chiến trường sau này đã được dùng để đặt tên cho quỹ hỗ trợ các cựu chiến binh và gia đình họ ở nhiều nước: Quỹ hoa Anh túc (The Poppy Fund). Quỹ này được hình thành do việc bán những bông hoa anh túc làm bằng vải cho mọi người đeo trong lễ Tưởng niệm chiến tranh nhờ sáng kiến của bà Moina Michael một người phụ nữ Mỹ và ngày Tưởng niệm chiến tranh (Armistist Day: 11/11) còn được gọi là ngày Hoa anh túc (Poppy Day). Ở Anh việc sản xuất những bông anh túc bằng vải để tạo quỹ Hoa anh túc được thực hiện bởi những người tàn tật, những nạn nhân  chiến tranh và nhà máy Hoa anh túc đã được thành lập vào năm 1922.

Bác sĩ John McCrae không bao giờ ngờ rằng bài thơ của ông đã có một đóng góp lớn lao như vậy cho nhân loại. Ông cũng đã ngã xuống ở chiến trường vào năm cuối cùng của cuộc chiến. Và như bài hát Trận cuối cùng đã viết: Trân cuối cùng trận khó khăn nhất. Ông đã không được trở về quê hương mà nằm lại vĩnh viễn ở một nghĩa trang nhìn thẳng ra những cánh đồng xứ Flander ngập tràn hoa Anh túc. Trên mộ ông Hoa Anh túc vẫn đỏ cho đến tận ngày nay.

 

Bo kenh , noi bac si John McCrae viet bai tho noi tieng

Vào một ngày cuối tháng 10, khi những bông anh túc muộn màng nhất cũng đã biến mất khỏi « những cánh đồng xứ Flander », khắp nơi chỉ còn một màu vàng rực của lá thu, tôi có dịp cùng bạn bè ghé thăm nơi chiến địa  này. Thành phố Ieper, nằm phía tây nam nước Bỉ, một thành phố nổi tiếng sầm uất, một trung tâm thương mại lớn của Châu Âu thời Trung cổ là một trong những địa danh thuộc khu vực « những cánh đồng xứ Flander » đẫm máu. Người ta nói rằng thành phố đã bị san phẳng hoàn toàn sau chiến tranh. Nhưng nếu không được giới thiệu thì du khách ngày nay khi đến thăm Ieper sẽ nghĩ rằng mình đang chiêm ngưỡng một thành phố cổ tuyệt đẹp. Sau chiến tranh người ta đã xây dựng lại thành phố theo đúng như nó vốn có từ thời xưa, khi chưa bị tàn phá. Tọa lạc tại trung tâm thành phố là một tòa nhà tuyệt đẹp, vốn là khu trung tâm buôn bán vải vóc vào loại lớn nhất châu Âu thời Trung cổ, tầng dưới là các cửa hàng còn tầng trên là các kho chứa vải. Ngày nay một phần tòa nhà là Tòa thị chính thành phố, còn một phần đáng kể là Bảo tàng mang tên « Trên những cánh đồng xứ Flander ». Và hòa quyện với những kiến trúc tuyệt đẹp thời xa xưa vẫn là những dấu tích nhắc những người đang sống về sự tàn khốc của chiến tranh. Cổng vào thành phố là bức tường khắc tên những người lính thuộc lực lượng quân đội Anh (gồm Anh và các nước trong khối liên hiệp Anh). Như dòng chữ khắc trên mái cổng thì đây là nơi « để tưởng niệm những người lính của Đế chế Anh quốc đã bám trụ nơi đây từ 1914 đến 1918 và để tưởng niệm những ai đã chết nơi đây mà không để lại một nấm mồ ». Và để có thể hình dung được có bao nhiêu người được « tưởng niệm » ở đây thì xin hãy đọc những con số được khắc trên một miếng đồng nhỏ bé, ít người để ý trên sân trời nhìn ra dòng kênh nhỏ bên cạnh cổng. Pháp: dân số 40 triệu, tử vong 1 triệu 250 ngàn, bị thương 4 triệu; Khối liên hiệp Anh: dân số 392 triệu, tử vong 1 triệu, bị thương 2 triệu; Bỉ : dân số 8 triệu, tử vong 13 ngàn 8 trăm, bị thương 44 ngàn 7 trăm; Liên quân Đức- Áo: dân số 12 triệu, tử vong 1 triệu rưỡi, bị thương 3 triệu rưỡi. Con đường nhỏ chạy dọc theo kênh sẽ dẫn ta đến nơi mà bác sĩ quân y người Canada đã ngồi viết những dòng thơ « Trên những cánh đồng Flander » nổi tiếng. Dù mùa này ngoài cánh đồng không có bông anh túc nào còn nở nữa nhưng ở chỗ này không bao giờ thiếu những vòng hoa anh túc, và những bông anh túc vẫn nở trên ve áo đội quân nhạc chiều nào cũng tấu lên nơi đây khúc nhạc tưởng niệm để kết thúc một ngày an bình, và cả trên ve áo những bạn trẻ đang tìm về quá khứ. Tôi gặp những bạn trẻ người Úc vừa bước ra khỏi Bảo tàng. Họ là những người khách đi theo tour du lich mang tên « Hoa anh túc » và tôi đã thấy họ lần tìm tên người trên từng bức  tường. Chắc là họ đang tìm tên của người thân trong gia đình đã vĩnh viễn nằm lại ở  một trong những nơi chiến địa khốc liệt nhất của lịch sử nhân loại.

 

Buc tuong con lai cua thanh pho sau chien tranh  

In Flanders Fields
by John McCrae, May 1915

In Flanders Fields the poppies blow
Between the crosses, row on row
That mark our place; and in the sky
The larks, still bravely singing, fly
Scarce heard amid the guns below

“We are the Dead. Short days ago
We lived, felt dawn, saw sunset glow,
Loved, and were loved, and now we lie
In Flanders fields.”

“Take up our quarrel with the foe:
To you from failing hands we throw
The torch; be yours to hold it high
If ye break faith with us who die
We shall not sleep, though poppies grow
In Flanders fields.”

 

Và bản tạm dịch tiếng Việt của tôi:

 

Trên những cánh đồng xứ Flander

John McCrae, 5/1915

 

Trên những cánh đồng xứ Flander nở bùng hoa anh túc
Giữa hàng hàng những cây thập ác
Đánh dấu nấm mồ của chúng tôi;

Và trên bầu trời
Những con sơn ca cố tránh xa  làn đạn

Kiêu hãnh hót vang và  lượn giữa đất trời

Chúng tôi chết.    trước  đó vài ngày
Vẫn  còn sống, nằm ngắm hoàng hôn xuống
Chúng tôi đã yêu, và  được yêu say đắm

Để rồi bây giờ nằm lại nơi đây
Trên những cánh đồng xứ Flander này

Hãy chiến đấu, hãy nâng cao ngọn đuốc

Chúng tôi trao khi ngã xuống nơi đây

Trên những cánh đồng xứ Flander hoa anh túc nở đầy

Đấy chính là vì chúng tôi không yên ngủ.

 

Trần Thanh Thu


Người post: NgocBQ

Ngày đăng: 10-11-2011 21:09






Xem 1 - 10 của tổng số 13 Comments


Trang:  1 | 2 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Từ: ThaoDP
21/11/2011 21:18:14


Tôi dịch bài thơ này dựa trên bản tiếng Pháp.


Gửi mọi người tham khảo thêm.


 


In Flanders Fields
par John McCrae, mai 1915



In Flanders Fields les coquelicots
Entre les croix, rangée après rangée
Cette marque notre place, et dans le ciel
Les alouettes, toujours lasses
Mêlent leurs chants au sifflement

«Nous sommes morts. Il ya quelques jours
Nous avons vécu, ressenti l'aube, a vu briller le coucher du soleil,
Nous avons adoré, et qui étaient aimés, et maintenant nous nous couchons
Dans les champs de Flandre. "

«Prenez notre querelle avec l'ennemi:
À vous de porter l'oriflamme
La torche; être le vôtre pour le porter bien haut
Si on rompe avec nous la foi qui meurent
Nous ne dormirons pas, même si coquelicots poussent
Dans les champs de Flandre. "


 


Trên cánh đồng Flander,


Hoa anh túc nở đầy,


Xen giữa những hàng cây,


Thập ác, rồi thập ác.


Đánh dấu lại nơi này,


Nơi chúng tôi,


Từng ở đây…


Trên trời sơn ca bay,


Hoà điệu ca thánh thót,


Vào tiếng rít phút chót,


Của đạn réo, rất gần .


 


Chúng tôi chết.


Dù mấy ngày trước đây,


Vẫn còn sống,


Thấy mặt trời mọc,


Ngắm hoàng hôn buông,


Còn tha thiết yêu thương,


Và được đền đáp lại.


Giờ đây yên ngủ mãi,


Ở giữa cánh đồng này.


 


« Hãy tiếp chiến ngay!


 Với kẻ thù và nâng cao ngọn đuốc,


 Của niềm tin để tiến về phía trước,


 Mà chúng tôi đã trao,


 Cho các bạn khi ngã xuống chiến hào.


 Chúng tôi không ngủ yên chừng nào,


 Khi biết rằng không có người tiếp tục,


 Ngay cả khi hoa anh túc,


 Đang nở bừng, đỏ rực ở trên đời,


 Ngay trên cánh đồng Flander này, bạn ơi ! »


            &nb sp;                     Paris, 11/11/11


 




Từ: UyND
17/11/2011 14:59:15

Tôi thấy trên các phương tiện truyền thông nói cây anh túc thường gọi là cây thuốc phiện- một loại ma tuý nguy hiểm- được trồng nhiều ở vung Tam giác vàng và Apganixtan. Chẳng lẽ trên cánh đồng xứ Flander vào thời bấy giờ theo như bạn viết thì đến tận ngày nay trên mộ ông bác sĩ John Mc Crae vẫn còn đỏ rực hoa của loại cây thuốc phiện này chăng?



Từ: ChiNB
16/11/2011 16:37:23

Chị thấy cả Thu và Thảo đều đọc nhiều và viết rất hay (cả nói chuyện cũng vui và hay nữa chứ) Chị cũng tìm được ảnh cả cánh đồng Hoa anh túc, post lên đây.




Từ: HanhLM
13/11/2011 11:56:32

Chị Thu ơi, chị viết hay thế. Cách đây 2 năm em mua 2 lọ hoa anh túc đỏ bằng vải của Thái Lan về đặt ở phòng làm việc và trong phòng con trai. Thấy nó đẹp rực rỡ nên em cứ mua, chứ chẳng biết nó là hoa gì. Hôm nay mới được biết về lai lịch, sự tích và truyền thuyết của loài hoa này qua lời kể của chị Thu, anh Hải, anh Lương và em Thanh Huyền. Cám ơn anh chị em nhiều nhé.


Em post giùm anh Lương ảnh hoa anh túc đỏ đây nhé!


 


 



Từ: LuongDT
13/11/2011 08:25:12

Cảm ơn Thu về bài viết. Hôm nọ đọc bài của Thu, Thanh Lương thấy thiếu một cái gì đó và mình  đi tìm nó. Hôm nay trở lại bài viết, mình thấy mọi người đang nói về tấm hình bông hoa anh túc, trùng với cái điều Lương đang tìm. Lương định post nó lên để mọi người chiêm ngưỡng vẻ đẹp ấy và  gửi tặng mọi người một truyền thuyết về bông hoa anh túc được đăng trên mạng, nhưng rất tiếc công cụ post ảnh ko làm việc nên đành dùng đường Link vậy (chắc mọi người cũng vậy) . Qua câu chuyện, có thể thấy chỉ những  người có cảm nhận tinh thế  và tình yêu mãnh liệt mới có thể làm lên những chuyện phi thường.


Câu chuyện vHoa Anh Túc  như sau: Một phù thủy ác độc nọ đã hóa phép biến một phụ nữ thành một bông hoa anh túc. Kể từ đó, người phụ nữ phải sống trên cánh đồng với những bông hoa anh túc khác và chỉ được về thăm nhà vào ban đêm. Một đêm nọ, người phụ nữ bảo với chồng mình rằng, nếu anh tìm và hái được bông hoa anh túc của cô thì lời nguyền của phù thủy sẽ không còn hiệu lực. Sáng sớm hôm sau, người chồng đi vào cánh đồng và nhìn thấy hàng trăm ngàn bông anh túc ở đó, tất cả đều giống nhau y hệt. Sau khi chịu khó, miệt mài tìm kiếm, xem từng bông hoa nhỏ, anh thật hạnh phúc và vui mừng khi tìm được vợ thân yêu của mình – đó là bông hoa anh túc duy nhất trên cánh đồng vào buổi sớm không bị ướt bởi sương đêm. Khi anh hái bông hoa anh túc đó, lời nguyền của thầy phù thuỷ mất hiệu lực và thế là từ đó, hai vợ chồng được sống với nhau thật hạnh phúc.


(ST)


 http://chaobansanpham.com/photo/files/2011/d601t284.0210/26212050-p1707011.jpg



Từ: HaiNV
13/11/2011 07:27:44

Sau khi bài viết rất hay này của em Thu xuất hiện, mình định còm ngay rồi nhưng cuối cùng quyết định nán lại một chút chờ mọi người còm trước. Mình không nói thêm về ý nghĩa của "Remembrance Day" và Flanders Fields nữa, mà chỉ nói một chút về cái tên "HOA ANH TÚC". Là dân "Ong bướm" nhưng cái tên gốc Tàu này không biết ai là dịch giả đầu tiên ra tiếng Việt gây lầm lẫn quá!


Vắn tắt thế này, cái tên "Anh túc" này được dùng phổ biến cho Cây Thuốc phiện, hay Á phiện/ A phiện/ A phiến  (tên Khoa học, Latinh:Papaver somniferum L.) thường hoa trắng hay tím nhạt còn cây Hoa Anh túc có hoa màu đỏ mọc hoang dại ở Châu Âu mà ta đã biết có tên khoa học cùng Chi Papaver nhưng là loài khác: rhoeas (màu đỏ). Ngoài tên loài khác nhau, màu hoa khác nhau, chúng còn có hàm lượng  các chất Alcaloid gây nghiện khác nhau. Cây Thuốc phiện thì chứa Morphin + Heroin (Ma túy, cần sa...) gì đó ta biết rồi, còn cây hoa Anh túc màu đỏ dễ thương của chúng ta (P. rhoeas  L.)  thì không chứa các chất gây nghiện! Do đó, cây Thuốc phiện thì bị cấm trồng, cây Anh túc đỏ (nay được dịch/ gán cho nhiều tên Việt khác: Hồng anh, Mỹ nhân, Ngu mỹ nhân, Anh túc ngô (hay mọc hoang trong ruộng ngô), Anh túc dại...Coquelicot (tiếng Pháp) =Cô-Cli-cô = Cô- Li- Cô = Cô-Ni-Cô...) vẫn được trồng thoải mái, ngay VN cũng có trồng/ bán tại Đà Lạt và nhiều nơi khác với đủ kiểu phiên âm na ná theo tiếng Pháp thế này! Cây này có hạt nhỏ, màu đen như hạt vừng. Mình còn nhớ bên Đức có loại bánh ngọt nhân hạt Hoa anh túc đỏ/ dại này ăn cực ngon! Còn bên Nhật thì có thương hiệu nước hoa KENZO nổi tiếng!  


Các anh chị có thể tham khảo thêm các thông tin về tên "Hoa Anh túc" trên mạng:


http://vi.wikipedia.org/wiki/Anh_t%C3%BAc


http://vi.wikipedia.org/wiki/Thu%E1%BB%91c_phi%E1%BB%87n


http://vi.wikipedia.org/wiki/H%E1%BB%8D_Anh_t%C3%BAc


http://vn.360plus.yahoo.com/meo-tieuthu/article?mid=91


Tham khảo thêm tiếng Hán:


http://viet.gutenberg.free.fr/huediepchi/hPlants/papaverRhoeas.html


Tên Việt: hồng anh
Tên Hoa:
虞美人(ngu mỹ nhân), 雛罌粟(sồ anh túc)
Tên Anh:
poppy, Flanders poppy, red poppy
Tên Pháp:
coquelicot
Tên khoa học:
Papaver rhoeas L.
Họ: Papaveraceae
* anh túc Papaver somniferum var. album, opium poppy, 罌粟(anh túc), 鴉片(nha phiến), 阿芙蓉(á phù dung)


Chữ "Anh" (Hán - Việt) ở đây mô tả hình dạng của quả cây này trông như cái bình bụng phình to, miệng bình nhỏ


罌 [ying1] (anh): Cái bình phình giữa, miệng nhỏ bụng to.   



Từ: HuyenBT
13/11/2011 04:09:35

@Chi Thoa ơi, em dược biết là hoa Anh túc chỉ mọc ở vùng ôn đới và cận nhiệt đới, và trên thổ nhưỡng kiểu đất đồi, hoặc đất cứng, có pha đá sỏi. Vì thế nước Nga không phù hợp cho Anh túc (ngoại trư vùng Trung Á). Vả lại, ở Nga luôn có luật cấm-(nếu không có giấy phép đặc biệt, không được trồng hoa Anh túc (vì hoạt chất gây mê, gây nghiện của nó). Ngay ở nước Moldova của mình, cũng có luật, nếu người dân trồng anh túc trong vườn nhà, sẽ bị phạt 2000 lei(tương đương gần 200$). Em cũng thích trồng anh túc lắm, nhưng đành chịu. Ở Mỹ vẫn có hoa Anh túc đấy chị, thường là ở bờ Tây. Có lần em nhận được thư một người bạn ở San Jose "khoe": "Chị ơi, chỗ em hoa Mak nở tung tóe!" (Mak là tên tiêng Nga của Anh túc). Em đọc thấy bất ngờ đến bật cười vì cái cách dùng từ tả thực của nó! Đúng là nó nở "tung tóe" thật!!!


Em làm lộ bí mật của chị Phương Thảo một chút: chị ấy vừa "tậu" được một bức tranh hoa mak rất đẹp, vác từ Moldova về Pháp.



Từ: ThoaNP
11/11/2011 23:58:41

Mình cũng rất ấn tượng với những cánh đồng hoa poppies ở Châu Âu mùa hè. Lần đầu tiên nhìn thấy là ở Pháp, các bà già đi cùng tàu hỏa nói cho biết tên tiếng Pháp là Coquelicot, và giải thích vì màu hoa đỏ như mào gà ("coq" - gà trống trong tiếng Pháp). Sau đó sang các nước khác ở Châu Âu đâu cũng gặp những thảm hoa trải dài, thân mảnh mai, cách mỏng manh lay động trong gió, khá nhiều màu sắc nhưng màu cà rốt đậm là nhiều nhất. Trước những cánh hoa mỏng tang cháy mình cho đời trong những chiều hè ngắn ngủi, không thể không chạnh lòng khi nghĩ về cuộc sống của muôn vạn cỏ cây, muông thú và con người.


Cảm ơn Thu đã có bài này, mình đã từng post 1 còm về hoa poppies theo 1 bài Blog của Hải Bachai, nhưng sau đó bị mất. Nhờ có bài này mình mới biết tên loài hoa này tiếng Việt là hoa anh túc. Trước mình cứ tưởng hoa anh túc là hoa thuốc phiện. Hoa này (anh túc - thuốc phiện) có kiểu xếp cánh thì giống poppies, cũng rất sặc sỡ, nhưng thân mạnh mẽ, thẳng, hoa lớn hơn và có hương thơm, poppies thì không có hương thơm.


À mà mình thấy lạ là châu Âu rất nhiều cánh đồng hoa poppies, nhưng ở Nga và Mỹ thì lại ít thấy, có ai biết vì sao không?



Từ: ThanhLK
11/11/2011 23:54:03

Cám ơn Thu về bài viết rất hay, mang đến cho người KGU những thông tin về một sự kiện quốc tế, về một loài hoa đẹp mà có ý nghĩa và về một bài thơ rất hay, nổi tiếng mà không phải ai cũng biết... Nhìn các bức ảnh Thu chụp về thành phố chị đã nghĩ rằng đó là một thành phố cổ, không thể nghĩ rằng từ một thành phố đã bị hủy diệt, con người có thể tái tạo một thành phố cổ đẹp nên thơ như vậy. Bài thơ em dịch rất sát nghĩa. Chờ các bài của em viết về chuyến về nguồn nữa đấy.


@ Huyền post ảnh hoa Anh túc lên đi, để mọi người được chiêm ngưỡng vẻ đẹp rực rỡ của loài hoa đặc biệt này !



Từ: HuyenBT
11/11/2011 21:49:22

Em vẫn biết những gì gắn với hoa Anh túc, đều chẳng mấy bình yên. Lần này lại càng khẳng định hơn điều ấy qua bài viết của chị. Tuy nhiên không thể phủ nhận một điều: hoa Anh túc đẹp đặc biệt. Em đã đi qua những cánh đồng hoa anh túc, đã sưu tập nhiều bức tranh vẽ hoa anh túc (mà bức vẽ mới nhất là vào ngày 8-3 năm trước của con gái Diệu Hương vẽ tặng mẹ). Chi Thu có muốn post một bức tranh (ảnh)hoa Anh túc lên không, để mọi người cùng được ngắm loài hoa đặc biệt ấy?  Nó sẽ là minh họa ấn tượng cho bài thơ đấy, chị Thu.




Trang:  1 | 2 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7169
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s