KGU Poetry
KGU Tạo bài viết  
Chọn
Thứ năm 08 Tháng ba. 2012

Lạy mẹ




Tác giả: Nguyễn Ngọc Chu

 

Trong tình yêu của con người thì tình yêu dành cho mẹ là thiêng liêng 

sâu nặng nhất. Nhất là lúc mẹ đã đi xa.Xin thêm một lần giãi bày 

với mẹ, dẫu biết rằng mẹ chẳng thể còn nghe.

 


 


Lạy Mẹ


Con rứt ruột

Chiều Rằm

Bỏ mẹ

Ra đi

Ngọn đèn cạn dầu

Chiều hôm trước gió

Biết ra đi là không còn mẹ nữa

Sao con vô ơn đến thế

Trời ơi

 

Con khóc trên đường

Khóc mãi không nguôi

Biết mẹ sẽ lịm đi lịm đi lặng lẽ

Không một lời cầu xin trối trăng rên rỉ

Còn con thì bỏ đi về cuối phương trời

 

Trăm vạn lần lạy mẹ mẹ ơi

Cái ngày Giêng Hai sắn khoai rau má

Cái ngày tháng Tám cháo trắng lụt mưa

Cái ngày cà dưa tháng Năm đồng cạn

 

Con đếm vô hồi

Bước chân mẹ lận đận

Lần mò trong đêm

Qua chợ Lường

Đến chợ Tràng chợ Huyện từng phiên

Bông đồng Trang

Khoai đồng Vẽ

Lúa Rộc đông

Bóng mẹ liêu xiêu

Bòn từng cọng rơm con tép

 

Con lớn lên biết đọc biết viết

Bởi bạc trắng mồ hôi

Tấm áo nâu vá mẹ mang

Con đi khắp đó đây bốn phương

Nhờ mẹ chắt chiu

Từng củ khoai con cáy

 

Con đi về trăm lần con thấy

Mẹ cuống chân chạy đầu ngõ đón con

Mẹ chong đèn làm việc sâu đêm

Thức cho con theo học

 

Nhà có năm con đi xa

Năm khúc ruột không bên nào nặng nhẹ

Mẹ như ngọn đèn đầu dần cạn đĩa

Thắp sáng đời các con

 

Nhớ ngày con đi xa

Mẹ bứt trái ổi

Mẹ dúi quả na

Mẹ nắm cơm trưa

Mẹ đùm khoai tối

Mắt mẹ dõi theo con khuất lối

Rỗi lùi lũi  chờ ngày con trở về

Không biết đến khi mô

 

Than ôi

Có nghĩa nào bằng nghĩa mẹ con

Mà mẹ phải ra đi

Để các con tan đàn xẻ nghé

Ngày ba mươi cuối năm chiều xế

Biết tìm mẹ ở đâu ở đâu

 

Con như con thuyền lạc giữa bể dâu

Cả hai đường không còn bố mẹ

Trời tám phương

Đất năm châu bốn bể

Mà không có chỗ cho con về

Trong ngày lễ ngày tết

Than ôi

 

Con lạy lạy này mặn chát mồ hôi

Con lạy lạy này đẻ đau mang nặng

Con lạy lạy này nhọc nhằn giáo dưỡng

Con lạy lạy này trăn trở lo toan

 

Giờ mẹ ra đi

Bỏ lại sau lưng

Bụi trần vất vả

Mặn chát đắng cay

Thôi rồi thân cò

Thôi rồi kiếp vạc

Mẹ không còn phải dậy sớm

Mẹ không còn phải thức khuya

Lưng không còng

Trên đồng khô ruộng trũng

Không còn nắm cơm

Không còn đưa tiễn

Không ru câu Kiều

Không hát Cúc Hoa Phạm Tải

Mẹ về với tổ tiên

Như cánh hạc bay xa

Để các con nơi trần thế

Mất cả mẹ cả cha

Lạy mẹ mẹ ơi

 

13 – 02 - 2009


Người post: TuyetHA

Ngày đăng: 08-03-2012 19:07






Xem 1 - 5 của tổng số 5 Comments

Từ: LyTM
04/04/2012 11:07:56

Mẹ sinh con, chắt chiu giọt sữa, dứt áo ra đi


cánh hạc bay, dập dờn chốn mịt mùng khi đang xuân thì!


Đã quá muộn màng để con còn kịp,


ngắm mẹ trong bình minh,


chẳng trống kèn nhộn nhịp, đến thế giới "sắc không"!


Đã quá lâu để con hình dung lại,


một sớm bình minh, bà con chòm xóm tiễn mẹ ra đồng!


Đã  xa xôi, âm dương quá mênh mông,


mà cánh hạc chỉ một lần vời vợi,


như chim đại ngàn chẳng hề bối rối,


mẹ bay đi đến cõi vô cùng!


Trời đất mịt mùng và gió thổi mung lung,


mây bay mãi, về chân trời xa nơi cõi của khôn cùng


Nơi núi thì cao mà biển sâu sóng đánh trùng trùng,


nơi chẳng còn nỗi đau, đói no và cây trái trổ bông,...


Nơi ấy, ngàn thế hệ giấu đi nước mắt,


mặn như nước biển và nỗi đau thắt để sóng ngầm gầm thét,...


Ngày mẹ ra đi, nước biển dâng dưới những áng mây,


và lòng con, sóng đánh tả tơi chỉ còn ân hận vơi đầy,


chưa một lần được chăm mẹ, ơi cánh hạc gầy của con!



Từ: HaiNV
11/03/2012 18:21:40

3 chuyện thơ mà hồi nhỏ nhiều anh, chị em hay được bà/ mẹ đọc/ kể cho nghe, đó là Tống Trân - Cúc Hoa (1689 câu lục bát), Phạm Công - Cúc Hoa (4610 câu thơ lục bát) Phạm Tải - Ngọc Hoa  (934 câu chủ yếu thơ lục bát, xen lẫn một số câu song thất lục bát). Tuy cốt truyện hoàn toàn khác nhau, nhưng cũng rất dễ bị nhầm lẫn.


Xem cốt truyện trên Wiki:


http://vi.wikipedia.org/wiki/T%E1%BB%91ng_Tr%C3%A2n_C%C3%BAc_Hoa


http://vi.wikipedia.org/wiki/Ph%E1%BA%A1m_C%C3%B4ng_%E2%80%93_C%C3%BAc_Hoa


http://vi.wikipedia.org/wiki/Ph%E1%BA%A1m_T%E1%BA%A3i_-_Ng%E1%BB%8Dc_Hoa



Từ: TuyetHA
10/03/2012 15:07:42

Ừ đúng đấy Vân a, hồi bé chị cũng hay được nghe bà ngoại chị kể chuyện "Phạm Công-Cúc Hoa" và "Phạm Tải-Ngọc Hoa", không biết tác giả có nhầm lẫn ở đây không hay cố tình viết thế?. Nói chung chị rất thích đọc thơ của anh bạn này, tuy mới được đọc có 2 bài (Bông hồng tuổi thơ và bài này).  Chị có cô bạn hiện đang sinh sống ở Đức nhưng hay tham gia trang WEB của cựu SV Việt Nam ở KIev, nên có bài viết nào hay lại Fw. cho chị. Này Vân em có thấy là dân KHTN (Toán-Lý-Hóa) thường hay giỏi cả văn thơ không? Hiện tượng này khá phổ biến ở dân KGU còn gì!



Từ: Meomun
10/03/2012 07:41:53
 

 


"Không hát Cúc Hoa Phạm Tải"




Em hơi băn khoăn, có lẽ tác giả có sự nhầm lẫn ở đây. Ngày xưa bà ngoại em hát ru có 2 tích, một là "Phạm công - Cúc Hoa" có chàng Phạm Công đi học rồi đi làm quan, còn người vợ là Cúc Hoa ở nhà nuôi 2 con... sau đó Cúc Hoa chết, Phạm Công lấy 1 người đàn bà độc ác là Tào Thị, bà ta hành hạ 2 đứa trẻ là Nghi Xuân- Tiến Lực... rồi có đoạn kể chuyện 2 anh em cõng nhau lạc vào chốn âm để đi thăm mẹ, mẹ con gặp nhau mừng tủi ra sao...Bọn em hồi còn bé nghe đều khóc khi nghe đến đoạn này.




Còn tích "Phạm Tải- Ngọc Hoa" lại khác, em quên rồi, nhưng đại khái nói về cô gái Ngọc Hoa, ca ngợi cô ấy xinh đẹp, trong sáng, thủy chung với người yêu là Phạm Tải mà không chịu bị ép buộc lấy người khác ...Truyện không có chi tiết tình mẹ con, tình vợ chồng như "Phạm Công Cúc Hoa". 


 


 



Từ: Meomun
09/03/2012 23:37:30

Bài thơ của Tác giả Nguyễn Ngọc Chu thật xúc động. Cám ơn chị Tuyết đã post. Đọc bài thơ, không nghĩ đó là một người theo nghiệp toán,  nó làm lay động tất cả những ai đã và đang có mẹ.



Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7169
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s