Truyện thơ về Thiên Cổ Miếu - Phần 6
Tác giả: TuanDK
PHẦN VI: MIẾU ĐỀN XÂY GIỮA LÒNG DÂN
Vua Hùng thứ 18 tuổi già sức yếu, không có thái tử nối ngôi đã nhường ngôi báu cho Thục Phán (người tương truyền là cháu ngoại nhà Hùng) vì trước đây Thục Phán đã nhiều lần gây chiến để tranh ngôi vua với Hùng Duệ Vương. Sau khi tiếp nhận ngai vàng, Thục Phán lên ngôi, xưng hiệu là An Dương Vương, đổi tên nước Văn Lang thành Âu Lạc và dời đô về Cổ Loa.
Sau khi vua Hùng qua đời, ba anh em Vũ Rô trở về thôn Hương Lan và ngày ngày lấy việc câu cá làm vui. Một hôm, họ nhận được chiếu chỉ của An Dương Vương triệu về Cổ Loa làm đô sĩ cho vua Thục. Để tỏ lòng trung thành với vua Hùng, ba ông đã buộc đá vào người và nhảy xuống đầm nước tự vẫn. Khi dân làng vớt được ba ông lên, chưa kịp an táng thì thi hài của ba ông mối đã đắp kín. Tin ba ông hy sinh bay về Cổ Loa, An Dương Vương vô cùng cảm phục đã sắc phong cho ba ông làm Thành Hoàng thôn Hương Lan và lệnh cho dân làng dựng đình thờ đời đời cúng tế. Mộ Thành Hoàng cũng được xây dựng chính tại nơi gò mối và còn lưu giữ được đến ngày nay. Mộ phần của ông bà Vũ Thê Lang cũng được xây dựng thành ngôi miếu thờ. Đó chính là Thiên Cổ Miếu ngày nay. Ngày 28/5/2012 vừa qua, hai cây táu trước cửa Thiên Cổ Miếu và cây da bò bên mộ Thành Hoàng đã được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là cây Di sản Việt Nam và cấp bằng chứng nhận.
Tiếc thay vật đổi, sao dời
Cuốn thơ hay cũng đến hồi sang trang
Thục Vương tiếp nhận ngai vàng
Đổi luôn quốc hiệu Văn Lang bao đời
Dời đô vương quốc về xuôi
Những mong Âu Lạc rạng ngời sử xanh
Bắt phu xây đắp Loa thành
Ruộng vườn bỏ mặc, cửi canh trễ tràng
Phong Châu vắng vẻ, hoang tàn
Đêm đêm tiếng cuốc thở than não nề
Phút lâm chung đã cận kề
Duệ Vương lòng dạ tái tê, buồn rầu
Nhìn ba đô sĩ đứng hầu
Động lòng muốn nói đôi câu chân tình
Hơi tàn, gắng sức bình sinh
Máy môi, khe khẽ cựa mình, xuôi tay...
Thôi đành giã biệt từ nay
Chỉ còn hoài niệm tháng ngày đã qua
Người đi khuất bóng non xa
Người về chốn cũ sương pha mái đầu
Xóm làng xa cách bấy lâu
Vẫn xanh đồng lúa, bờ dâu năm nào
Lời ru xưa vẫn ngọt ngào
Vẫn câu thăm hỏi ồn ào, chân quê
Nồi khoai luộc, bát nước chè
Xóm giềng vui đón người về, đến chơi
Theo vua đã bấy năm trời
Bạc vàng gấm vóc một thời cao sang
Hôm nay về tắm ao làng
Bơi con thuyền thúng băng ngang mặt đầm
Buông câu ngồi dưới bóng râm
Lặng nghe tiếng gió thì thầm bên tai
Bờ tre tiếng cuốc kêu hoài
Cánh cò trắng muốt vẫy ngoài đồng xa
Bình tâm giữa chốn quê nhà
Nghĩa đời hai tiếng ngẫm ra bao điều
Công danh như áng mây chiều
Vầng dương lặn đã mang theo ánh hồng
Chỉ còn lại đám mây bông
Lặng thầm trôi giữa mênh mông bầu trời
Quê nhà thân thuộc là nơi
Dừng chân đặt gánh khi đời sang thu
Kiếp người đâu khác phù du
Mấy mươi năm bóng câu vù qua song
Vùi than ủ kín lửa lòng
Đợi trăng, đón gió, thong dong cả cười
Trách con tạo khéo trêu ngươi
Phong trần lại thử lòng người tôi trung
Quan quân lùng sục khắp vùng
Bắt phu đâu kể thôn cùng, xóm xa
Buồn cho thành luỹ Cổ Loa
Chẳng may gặp giống tà ma quấy rầy
Công phu xây đắp tháng ngày
Bỗng dưng sụp đổ trắng tay bao lần
Nhọc lòng vua, tổn sức dân
Làm kinh động cả thánh thần linh thiêng
Một ngày gió lặng trời yên
Bình minh rực rỡ chiếu trên kinh kỳ
Vị thần tên gọi Kim Quy
Được Trời sai xuống độ trì Thục Vương
Trước sau chỉ vẽ tỏ tường
Vua nghe thêm vững bước đường dựng xây
Cổ Loa xưa vốn bãi lầy
Xây thành chỉ một cách này mà thôi
Theo hình xoắn vỏ ốc nhồi
Đá kè chắc móng đắp bồi đất lên
Lo chi thành chẳng vững bền
Tiện bề phòng thủ dưới trên trong ngoài
Thục Vương sai đắp y bài
Lại sai diệt lũ tác oai tinh gà.
Từ đây trên bãi phù sa
Loa thành sừng sững một toà khôn lay
Móng thần làm lẫy trao tay
Nỏ liên châu vút tên bay mặt thành
Tháng Mười, buổi ấy nắng hanh
Phất phơ bến vắng đôi nhành hoa lau
Ba ông lặng lẽ ngồi câu
Chợt nghe vó ngựa khua đầu thôn Hương
Một người lính đỏ bụi đường
Nhìn quanh đầm nước, rẽ cương tiến vào
Tới nơi, xuống ngựa, cúi chào
Rút tờ lệnh chỉ, thở phào, giở ra:
"Lệnh ba đô sĩ Vũ gia
Đúng ngày... phải tới Cổ Loa hầu trình
Nếu không tuân cứ nghiêm minh
Phạm vào tội nặng, phép hình xử nghiêm!"
Ba ông nhận lấy, cùng xem
Ra vua Thục muốn anh em về hầu
Chẳng màng cá đã cắn câu
Đăm chiêu nét mặt, chụm đầu nhỏ to:
"Nhớ xưa cha vẫn dặn dò
Làm người ân nghĩa phải lo đáp đền
Cái tâm, cái đức là nền
Vô ơn bạc nghĩa chẳng nên thân người
Hùng Vương ân đức bể trời
Anh em ta nguyện suốt đời tận trung
Thà làm ma đất nhà Hùng
Còn hơn sống phải về cùng Thục Vương
Cần chi lẩn tránh tha phương
Xin cùng chết giữa thôn Hương nghĩa tình
Thương sao Mộ Trạch quê mình
Suốt đời chỉ thấy bóng hình trong mơ
Từ đây thôi chẳng bao giờ
Có ngày về vẫn đợi chờ bấy nay
Chúng con thành kính chắp tay
Cúi mong Tiên Tổ tình này thấu cho
Cha ông phiêu bạt cánh cò
Cũng vì cơm áo - nỗi lo muôn đời
Chúng con từ thuở nên người
Những mong tình nghĩa vua tôi đáp đền
Chưa về viếng mộ tổ tiên
Anh em nội ngoại đôi bên xa gần
Chưa về thăm được một lần
Lỗi này thật đáng muôn phần trách chê
Kiếp sau xin nguyện về quê
Nếu trời cho được quay về dương gian
Ngẫm trong nghĩa cả giang san
Đông Ngàn, Mộ Trạch, Hương Lan một nhà
Cũng đồng xanh lúa quê cha
Ngàn dâu quê mẹ mượt mà, thân thương
Thôi đừng... cho dạ vấn vương
Mai ngày họ mạc hàng hương tìm mình!"
Đá đeo vững chí quyên sinh
Nước trong gửi gắm thân hình làm tin
Ao đầm nuôi họ lớn lên
Hôm nay lại đón vẹn nguyên trở về
Bập bềnh ba chiếc giỏ tre
Ba cần câu trúc hoe hoe sắc vàng
Đìu hiu bông súng, bông trang
Lá khô đôi chiếc khẽ khàng gió đưa
Dân làng tìm vớt lên bờ
Trời chiều, an táng phải chờ hôm sau
Cắn răng nén nỗi thương đau
Lòng như xát muối, nhìn nhau lệ trào
Dẫu không cùng giọt máu đào
Mà tình nghĩa vẫn xiết bao mặn nồng
Nhẹ tay vuốt mắt ba Ông
Xót xa, trìu mến như lòng mẹ cha
Một lần để mãi chia xa
Nước thơm tắm gội làn da phong trần
Khoác lên tấm áo quen thân
Như ngày theo Đức Minh Quân đi về
Lụa vàng sắc nắng đồng quê
Quấn quanh theo đúng tục lề Văn Lang
Hay tin, mấy cụ trong làng
Cỗ cây phòng lúc vội vàng đi xa.
Sai ngay con cháu đem ra
Nhường người đi trước, việc nhà liệu sau
Bát âm tấu khúc nhạc sầu
Bập bùng đuốc lửa nối nhau trên đường
Người về đặt lễ, dâng hương
Đợi mai giờ tốt, tan sương, ra đồng
Canh khuya tĩnh lặng mênh mông
Nỗi buồn xao xuyến cả lòng đất sâu
Sáng ra kinh ngạc nhìn nhau
Ba gò mối đắp tươi màu đất son
Cần câu, giỏ cá vẫn còn
Bên bờ đầm nước đã mòn dấu chân
Xôn xao bàn tán xa gần
Rằng ba Thần tướng xuống trần giúp vua
Thế thời nắng đổi sang mưa
Vua băng, ba vị gió đưa về trời
Thần linh rời khỏi cõi đời
Xác phàm để lại cho người ngưỡng trông
Loa thành vó ngựa ruổi rong
Tin về, vua Thục tỏ lòng tiếc thương
Ngẫm mình là bậc quân vương
Công minh trước phải làm gương với đời
Truyền cho thuộc hạ thay lời
Thành Hoàng phong tặng cho người liệt trung
Lệnh cho dân chúng trong vùng
Dựng đình thờ phụng, ghi công Thành Hoàng
Đời đời cúng tế đèn nhang
Thôn Hương đã có đình làng từ đây
Mộ Thành Hoàng được dựng xây
Nơi gò mối mọc lên cây da bò
Tán xoè như chiếc lọng to
Dầm sương, dãi nắng, che cho mộ phần
Mỗi năm thay vỏ một lần
Để lưu mãi tuổi thanh xuân chẳng già
Thờ con, nhớ đến mẹ cha
Khắc ghi công đức ông bà Thê Lang
Trọn đời gắn bó với làng
Dạy cho chữ nghĩa, tằm tang truyền nghề
Mộ phần Hai Cụ xưa kia
Dựng thành ngôi miếu tiện bề đèn nhang
Hàng năm mỗi độ Xuân sang
Tháng Hai, ngày giỗ(1), dân làng về đây
Thắp hương, dâng lễ Cô, Thầy
Cầu cho con cháu mai ngày làm nên
Chuyện Ông Hoàng Hổ chưa quên
Có phần lễ vật dâng lên khấn cùng
Hai cô công chúa vua Hùng
Về sau cũng được thời chung cùng Thầy
Cổng vào táu quý đôi cây
Đất lành bén rễ, tháng ngày tốt xanh
Hè sang, hoa nở trĩu cành
Cánh vàng, cánh bạc long lanh nắng trời
Ngàn năm dâu bể cuộc đời
Miếu thờ bao lượt đổ rồi lại xây
Khi thì ngói đỏ tường vây
Lại khi tre nứa, lạt mây lá gồi
Nhỏ to tuỳ lúc tuỳ thời
Tâm thành chỉ một hướng nơi ban thờ
Ơn này sáng chữ, vàng tơ
Người Hương Lan chẳng bao giờ đơn sai
Xóm trong gọi khác thôn ngoài
Trong ngôi miếu cổ mang vài bốn tên:
"Miếu Cây Táu" dễ ai quên
"Miếu Hai Cô", "Miếu Mẫu" thêm "Miếu Thầy"
Tên "Thiên Cổ Miếu" giờ đây
Chữ Nho mấy cụ làng này đặt ra
Vào năm Một Chín Chín Ba (1993)
Miếu xây dựng lại, thôn nhà góp công
Đời nghèo chỉ có tấm lòng
Cố tôn tạo được hậu cung, ban thờ
Trên cao đặt tượng Thầy, Cô
Tượng Tiên Dung với Ngọc Hoa kế hàng
Hai bên thị nữ hai nàng
Cốt lo có chốn đèn nhang ngày tuần
Miếu đền xây giữa lòng dân
Muôn đời vững chãi, đâu cần cao sang
(Còn nữa)
(1). Ngày mồng Hai tháng Hai âm lịch là ngày giỗ của Ông Bà Vũ Thê Lang - Nguyễn Thị Thục
Chú thích ảnh:
(2) Ảnh minh họa: Mộ ba anh em Vũ Rô bên cây da bò.
(3) Một số cổ vật (rìu đồng và bát đồng) tìm được trong khuôn viên Thiên Cổ Miếu.
Người post: TuanDK
Ngày đăng: 16-06-2012 19:07
COMMENTS CỦA THÀNH VIÊN |
Xem 1 - 4 của tổng số 4 Comments
|
Tổng số bài và comment post theo từng khoa
Khoa | Bài viết | Comment |
Sinh | 563 | 9482 |
Lý | 387 | 2824 |
Hóa | 882 | 9765 |
Luật | 721 | 11647 |
Toán | 66 | 376 |
Kinh tế | 4 | 108 |
Câu Lạc Bộ | 30 | 1 |
NCS | 3 | 70 |
Bạn bè | 197 | 1189 |
Dự bị | 0 | 0 |
Ngôn ngữ | 2 | 2 |
10 người post bài nhiều nhất
User | Số bài viết |
TungDX | 289 |
NghiPH | 306 |
NgocBQ | 130 |
ThaoDP | 108 |
CucNT | 123 |
CoDM | 88 |
PhongPT | 73 |
HaiNV | 93 |
LiTM | 85 |
MinhCK | 70 |
10 người comment nhiều nhất
User | Comment |
Guest | 7170 |
NghiPH | 3219 |
LiTM | 1879 |
HaiNV | 1853 |
KhanhT | 1743 |
CucNT | 1718 |
TungDX | 1565 |
ThanhLK | 1545 |
VanNH | 1441 |
ThoaNP | 1257 |