KGU Poetry
KGU Tạo bài viết  
Chọn
Thứ hai 25 Tháng sáu. 2012

Truyện thơ về Thiên Cổ Miếu - Phần 7




Tác giả: TuanDK

PHẦN VII:  NGẪM VỀ NÒI GIỐNG RỒNG TIÊN

(Tiếp theo và hết)

Thầy ngồi sau dải khói nhang

Ngẫm về non nước mấy ngàn xuân qua

            Thục Vương mắc kế Triệu Đà

Nỏ thần hết phép, Cổ Loa điêu tàn

Đau lòng nước mất nhà tan

Đắm chìm cơ nghiệp dưới làn nước sâu

            Đêm trường Bắc thuộc thương đau

Gồng mình quyết giữ sắc màu riêng ta

            Trống đồng, phần mộ ông cha

Gửi lòng đất mẹ, tránh xa vuốt thù

            Trăng rằm tạm hóa trăng lu

Vừng hồng ẩn khuất sương mù thiên niên

            Đền thiêng mượn dáng cửa thiền

Mang hình hài Phật, tổ tiên lặng ngồi

            Chữ ta người cướp mất rồi

Chữ người vay mượn bao đời xót xa

            Cắn răng giữ lấy gốc nhà

Viết thì viết vậy, đọc pha tiếng mình

Đêm dài thắp sáng bình minh

Gông xiềng rũ bỏ hồi sinh nước nhà

            Bạch Đằng một trận xông pha

Nước ta lại có vua ta trị vì

            Thế thời khi thịnh, khi suy

Mà nền văn hiến kém gì ai đâu

            Nghiệp thầy mai một bấy lâu

Giờ hưng thịnh lại khoác màu đạo Nho

            Thiêng liêng là nghĩa thầy trò

Người truyền nửa chữ được cho là thầy

            Phận trai chí lớn vươn mây

Gắng công đèn sách, đợi ngày ứng thi

            Ông nghè, ông thám vinh quy

Công danh bia đá khắc ghi để đời

            Chí cao lay chuyển ý trời

Đèn đom đóm cũng rạng ngời hào quang

            Trẻ trâu cũng chiếm bảng vàng

Tự hào làng xã, vẻ vang nước nhà

            Gặp thời binh lửa can qua

Nho sinh gác sách xông pha trận tiền

            Được khi vua sáng, tôi hiền

Đem tài giúp nước, bút nghiên tung hoành

            Gặp vua u tối, thôi đành

Từ quan giữ lấy thanh danh đạo nhà

            Thanh bần thưởng nguyệt xem hoa

Dạy truyền tri thức tạo đà lớp sau

            Lòng thầy day dứt bấy lâu

Ngàn năm Bắc thuộc mượn câu chữ người

            Nước ta độc lập lâu rồi

Chữ cha ông chửa tới hồi đơm hoa?

            Ai người yêu tiếng mẹ cha

Chữ Nho cải tiến làm ra chữ mình

            Dẫu cho vẫn nét tượng hình

Tiếng ta ta nói, chữ mình mình ghi

            So cùng Khoa Đẩu sao bì

So cùng chữ Hán khác chi vực trời!

            Tiếc sao vua chúa bao đời

Chữ Nôm chẳng được chép lời quân vương

            Một ngày tàu biển Tây phương

Bể Đông rẽ sóng tìm đường sang ta

            Ta xưa chỉ biết Trung Hoa

Giờ vươn tầm mắt trông ra địa cầu

            Văn minh kỹ thuật Tây Âu

Hiện ra dưới bóng con tàu xa khơi

            Khiến cho trí thức đương thời

Ngưỡng trông thành tựu nước người ngẫm suy:

            Nhân tài đất Việt thiếu gì

Cớ sao cứ phải mãi đi sau người?

            Bởi chưng Nho giáo lỗi thời

Cản ngăn tiến bộ, xa rời văn minh

            Nhà nho tự trói buộc mình

Giữa vòng luân lý nhân sinh hẹp hòi?

            Muốn cho rạng rỡ giống nòi

Phải mong thoát khỏi vòm trời nho gia

            Mở lòng đón gió phương xa

Học tri thức giúp nước nhà canh tân

            Hỏi đâu thứ chữ ta cần

Làm chim én gọi mùa Xuân đất này?

            Chữ nho vay mượn bấy nay

Ngàn người biết chữ họa may mấy người

            Chữ Nôm ghi trọn ý lời

Với nhân quần vẫn xa vời chân mây

            Tìm nơi thôn dã đó đây

Hóa ra Khoa Đẩu tới nay vẫn còn

            Ông truyền, cha lại dạy con

Chẳng như nước chảy đá mòn tháng năm

            Chữ ta như mạch nước ngầm

Luồn qua dâu bể, thăng trầm, đầy vơi

            Qua bao số phận, cuộc đời

Vẫn bừng nét lửa tự thời Hùng Vương

            Ngàn năm dằng dặc chặng đường

Không ngừng chuyển vận âm dương ngũ hành

            Chàng trai Tiếng Việt trưởng thành

Qua thời thơ ấu Âm Thanh Lạc Hồng

            Nhận về tinh túy Á Đông

Cội nguồn gốc rễ tổ tông kế thừa

            Lại dùng Khoa Đẩu chữ xưa

Đôi giầy thơ bé khó vừa bàn chân

            Chữ Âu tiện dụng muôn phần

Chữ Khoa Đẩu sẵn âm vần đó thôi

            Thời cơ cải cách đây rồi!

Latinh hóa chữ tới hồi thành công

            Giã từ nghiên mực, bút lông

Tin về chín suối tổ tông ngậm cười:

            Văn minh, trí tuệ loài người

Hợp thành chữ viết ghi lời mẹ ta

            Đời vui dân chủ cộng hòa

Người người viết thạo, nhà nhà đọc thông

            Xóa mù - Vang dội chiến công

Nhớ thời dựng nước cha ông mở đường

            Từ căn lớp nhỏ thôn Hương

Con đường thẳng hướng về phương mặt trời

            Thiên niên kỷ rưỡi dần trôi

Mái trường Thái Học rạng ngời nước non

            Khắc ghi cột mốc tươi son

Nhân tài đất nước tạo nguồn từ đây

            Hồ Văn mấy độ vơi đầy

Bia nghè đứng mặc tháng ngày nắng mưa

            Ngọn đèn sáng cửa Thầy xưa

Soi đường lớp trẻ kế thừa hôm nay

            Lớp trường khắp chốn dựng xây

Trùng trùng đội ngũ cô, thầy dấn thân

            Tìm cho Tổ quốc nỏ thần

Là nền giáo dục nhân dân sáng ngời

            Thầy mừng, nét mặt vui tươi

Mong cho nghiệp lớn “trồng người” tiến mau

            Sánh vai cường quốc năm châu

Tiếng thơm thơm mãi dài lâu muôn đời

            Mênh mang biển học loài người

Việt Nam - Gương mặt sáng tươi trăng rằm

            Ngắm đàn em nhỏ học chăm

Vuốt chòm râu bạc tháng năm, Thầy cười…

                       x          x

                             x

Chuyện xưa tới đoạn kết rồi

Mà lòng xao xuyến, bồi hồi không yên

Ngẫm về nòi giống Rồng Tiên

Tự buổi đầu đã rạng nền văn minh

Có thầy, có chữ của mình

Nét xưa Khoa Đẩu lưu hình đó đây

Ngàn năm rạng rỡ nghiệp Thầy

Lưu danh miếu cổ bấy nay, khỏi bàn!

Phải đâu truyền thuyết dân gian

Chính tay Đông Các Đại Quan soạn lời

Mực đen, giấy trắng để đời

Thiết tha mong đợi mỗi người chúng ta

Tìm mau chữ của ông cha

Hiểu nền giáo dục nước nhà Văn Lang

Miếu kia vẫn đứng bên đàng

Ngàn năm hoa bạc, hoa vàng cứ rơi

Tìm về quá khứ xa xôi

Để tin yêu mãi cuộc đời hôm nay

Công ơn Tiên Tổ cao dày

Lòng thành, mộc mạc giãi bày chuyện xưa.

 

Việt Trì, năm 2012

       


[1]  Tức chữ Nôm

2  Tức Văn Miếu Quốc Tử Giám

3 Tức Hàn Lâm Viện Đông Các đại học sỹ Nguyễn Bính (1525-1605), người soạn bản Ngọc Phả đình Hương Lan (Việt Trì) năm Hồng Phúc nhị niên (1573), nói về công đức của gia đình họ Vũ thôn Mộ Trạch, từ Vũ Công tới ba anh em Vũ Rô.

 


Người post: TuanDK

Ngày đăng: 25-06-2012 00:12






Xem 1 - 3 của tổng số 3 Comments

Từ: ThucPT
02/07/2012 10:48:46


Qua truyện dài kỳ Thiên Cổ Miếu này, nguơikgu được thưởg thức tài nghệ làm thơ lục bát của anh Tuấn.


Thơ lục bát là thể thơ dân tộc, ngôn ngữ rất nôm na mộc mạc, nghĩ sao viết vậy, khôg gọt giũa tỉa tót gì cả để cho mọi người đọc dễ hiểu. Đây cũng là kho tàng văn học dân gian của cha ông để lại.


Tác phẩm này của anh, cùng một lúc  thể hiện đc ba ý tưởng là làm sống lại 3 di sản của quê hươg đất nước mình - Thiên Cổ Miếu, Hai cây táu đại thụ và Thơ lục bát.


Cảm ơn anh Tuấn. Chúc anh dồi dào sức khỏe để tiếp tục giữ gìn đc nhiều "bảo bối".



Từ: LyTM
25/06/2012 13:06:45

A. Nghị, tác giả muốn:


"Tìm mau chữ của ông cha"!


Bởi chưng, chuyện ấy đã qua lâu rồi!


Bắc thuộc, quá ngàn năm trôi,


lại thêm chinh chiến, hợp rồi lại tan,...


Chữ thời cổ- chữ Văn Lang


liệu còn phục lại? hơn ngàn năm qua,...


Sự đời trôi nổi, chẳng nhòa,


vẫn còn lưu Bảng, dăm ba nơi thờ,...


Chữ tổ tông vẫn đến giờ,


chờ người nối lại, huyền cơ ai tường!


 



Từ: NghiPH
25/06/2012 11:40:26

Chuyện xưa tới đoạn kết rồi/Mà lòng xao xuyến, bồi hồi không yên. Bồi hồi, xao xuyến không yên về nền giáo dục nước nhà, anh Tuấn ơi! Thế hệ con cháu làm gì  đây để không hổ thẹn với cha ông, với non sông đất nước, với cộng đồng thế giới?



Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7169
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s