KGU Poetry
KGU Tạo bài viết  
Chọn
Mục: Thơ >> Sưu tầm
Thứ sáu 22 Tháng sáu. 2012

NHỚ RỪNG




Tác giả: Thế Lữ

Gặm một khối căm hờn trong cũi sắt,
Ta nằm dài, trông ngày tháng dần qua.
Khinh lũ người kia ngạo mạn, ngẩn ngơ,
Giương mắt bé giễu oai linh rừng thẳm
Nay sa cơ, bị nhục nhằn tù hãm
Để làm trò lạ mắt, thứ đồ chơi.
Chịu ngang bầy cùng bọn gấu dở hơi,
Với cặp báo chuồng bên vô tư lự.

Ta sống mãi trong tình thương nỗi nhớ,
Thủa tung hoành, hống hách những ngày xưa.
Nhớ cảnh sơn lâm, bóng cả, cây già,
Với tiếng gió gào ngàn, với giọng nguồn hét núi,
Với khi thét khúc trường ca dữ dội
Ta bước chân lên, dõng dạc, đường hoàng,
Lượn tấm thân như sóng cuộn nhịp nhàng,
Vờn bóng âm thầm, lá gai, cỏ sắc.
Trong hang tối, mắt thần khi đã quắc
Là khiến cho mọi vật đều im hơi.
Ta biết ta chúa tể muôn của loài
Giữa chốn thảo hoa, không tên không tuổi.

Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối,
Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan?
Đâu những ngày mưa chuyển bốn phương ngàn
Ta lặng ngắm giang san ta đổi mới?
Đâu những bình minh cây xanh nắng gội
Tiếng chim ca giấc ngủ ta tưng bừng?
Đâu những chiều lênh láng máu sau rừng
Ta đợi chết mảnh mặt trời gay gắt
Để ta chiếm lấy riêng phần bí mật?
Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu?

Nay ta ôm niềm uất hận ngàn thâu
Ghét những cảnh không đời nào thay đổi,
Những cảnh sửa sang, tầm thường, giả dối:
Hoa chăm, cỏ xén, lối phẳng, cây trồng;
Dải nước đen giả suối, chẳng thông dòng
Len dưới nách những mô gò thấp kém;
Dăm vừng lá hiền lành không bí hiểm
Cũng học đòi bắt chước vẻ hoang vu
Của chốn ngàn năm cao cả, âm u.

Hỡi oai linh, cảnh nước non hùng vĩ!
Là nơi giống hùm thiêng ta ngự trị,
Nơi thênh thang ta vùng vẫy ngày xưa
Nơi ta không còn được thấy bao giờ!
Có biết chăng trong những ngày ngao ngán
Ta đang theo giấc mộng ngàn to lớn
Để hồn ta phảng phất được gần ngươi
Hỡi cảnh rừng ghê gớm của ta ơi!

 


Người post: HienVC

Ngày đăng: 22-06-2012 12:12






Xem 1 - 8 của tổng số 8 Comments

Từ: Guest khong loi nao dien ta het tam trang tac gia baithơ
29/11/2016 08:10:50

Làm sao nói hết tâm trạng t.gia khi mình ko ở trọng hoàng cảnh do



Từ: HienVC
24/06/2012 23:42:23

Bài Nhớ rừng hay ở chỗ có thể đọc và cảm thụ theo rất nhiều cách khác nhau tùy tâm trạng, hoàn cảnh của từng người. Có thể đó là tâm trạng của một vị tướng già với quá khứ là những trận đánh lẫy lừng trong lịch sử hay một nguyên lãnh đạo cao cấp với quyền lực vô biên khi còn tại vị nay cảm thấy bất lực trước thực trạng xã hội. Đó cũng có thể là tâm trạng của những ông bố , bà mẹ trong  gia đình khi con cái khôn lớn trưởng thành xa dần vòng kiềm tỏa gia phong  do họ cố công hàng chục năm trời gây dựng. Hay đơn giản chỉ là tâm trạng của một anh " ngày xưa như sắt như đồng " hay một chị " ngày xưa kẻ đón người đưa " nghĩ đến thực trạng đáng buồn hiện nay của mình v.v. 


Trong bài thơ , mình rất thích trích đoạn phản ảnh ký ức về tư thế và vị trí của Chúa sơn lâm khi còn tự do :


Ta sống mãi trong tình thương nỗi nhớ,
Thủa tung hoành, hống hách những ngày xưa.
Nhớ cảnh sơn lâm, bóng cả, cây già,
Với tiếng gió gào ngàn, với giọng nguồn hét núi,
Với khi thét khúc trường ca dữ dội
Ta bước chân lên, dõng dạc, đường hoàng,
Lượn tấm thân như sóng cuộn nhịp nhàng,
Vờn bóng âm thầm, lá gai, cỏ sắc.
Trong hang tối, mắt thần khi đã quắc
Là khiến cho mọi vật đều im hơi.


cũng chính vì lòng tự hào về vị trí và ảnh hưởng của mình trong thế giới tự nhiên hoang dã mà Chúa sơn lâm mặc dù đang


Gặm một khối căm hờn trong cũi sắt,


nhưng vẫn không thôi nguôi nhớ và mong muốn trở về


Là nơi giống hùm thiêng ta ngự trị,
Nơi thênh thang ta vùng vẫy ngày xưa.


Và dù biết rằng tình thế của mình là tuyệt vọng


Nơi ta không còn được thấy bao giờ!


nhưng ngay cả trong " những ngày ngao ngán" như vậy , Chúa sơn lâm vần theo đuổi ước muốn xứng đáng với tầm vóc và vị thế của mình


Ta đang theo giấc mộng ngàn to lớn
Để hồn ta phảng phất được gần ngươi
Hỡi cảnh rừng ghê gớm của ta ơi!


Là một người sinh ra và lớn lên trong những năm đầu đời ở miền núi, tâm trạng nhớ rừng là một tình cảm đã được hình thành trong cá nhân mình một cách hết sức tự nhiên.


Khi trở về với núi rừng, mình cảm thấy câu " Thả hổ về rừng " là vô cùng chính xác, tại đây mình được hít thở căng hết lồng ngực, phóng tầm mắt  theo những ngọn núi hùng vĩ , những cánh rừng bạt ngàn, nghe tiếng suối reo, thác gầm thân thuộc từ tuổi ấu thơ. Tản bộ ven khe suối , nơi các làng bản người dân tộc, nhịp điệu cuộc sống như chậm lại, mình lại cảm thấy mình là chính mình thủa nào.


Thế mà thấm thoắt đã hơn một năm rồi, mình chưa có dịp quay lại những chốn thân thương ấy !


 


 


 


 



Từ: CucNT
23/06/2012 14:50:59

Một thời học chuyên văn chúng em đã đọc bà thơ NHỚ RỪNG của Thế lữ với tất cả niềm say mê.
Nỗi lòng của
CON HỔ  là tâm sự của chàng thanh niên Thế Lữ. : mơ về cuộc sống tươi đẹp đã qua trong quá khứ. Đó cũng là tinh thần chung của thế hệ thanh niên trí thức tiểu tư sản thời đó , tâm trạng u uất, bất lực trước nổi đau của người dân mất nước.
Giàu cảm hứng lãng mạn và cảm xúc mãnh liệt, Nhớ Rừng đã lan toả một hồn thơ hối thúc và nhiều hình ảnh thơ đầy ấn tượng miêu tả vẻ đẹp hùng vĩ của núi rừng. Thành công của Thế  Lữ là đã thể hiện một trí tuởng tượng phong phú khi mượn hình ảnh con hổ trong vườn bách thú để nói hộ cho những tâm sự kín đáo sâu sắc của mình. Qua đó diễn tả nỗi chán ghét cảnh sống tù túng, đồng thời khơi lên tình cảm yêu nước của người dân thuở ấy. Và cũng qua đó khơi lên niềm khát khao tự do chính đáng. Khát khao được sống
đúng với chính mình.


cảm ơn anh Hiền đã post lên 1 bài thơ hay và đầy ý nghĩa.


bài thơ còn mang nhiều ý nghĩa như bác Tổng đã sơ lược.


 



Từ: HanhLT
22/06/2012 23:10:04

Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu - Tâm trạng của các pác trong hội lườiKGU. Cám ơn anh Hiền,bạn Hải và em Lý.



Từ: HaiNV
22/06/2012 18:03:24

Hoan hô em LýTM tiếp tục "khẩu khí" của nhà chúa sơn lâm! Cuối tuần này, nếu có thời gian cả nhà chịu khó vào google, gõ khóa từ "Thế Lữ", thì có thể được đắm chìm ngay vào những áng thơ, văn tuyệt vời của Cụ! 


Ví dụ:


http://motsach.info/poem.php?list=poem&author=the_lu



Từ: LyTM
22/06/2012 17:51:16

Thật tuyệt vời! đó là khẩu khí của Chúa sơn lâm- là của Người không chịu khuất phục những áp lực và đè nén thấp hèn! Cám ơn Đại ca HiềnVC đã post bài này lên! quả thật, anh Pha và chị Hạnh nên chọn một số bài của Cụ nhà để cho con cháu KGu được thưởng thức! Xin mạn phép được dùng những cảm xúc khi đọc bài thơ để viết mấy dòng về Chúa Sơn Lâm:


Dẫu trong cũi ta vẫn là hùm xám


dẫu sa cơ ta- vẫn Chúa sơn lâm!


Mỗi hơi thở và mỗi một sợi lông


của Hùm xám các ngươi đều e sợ!


Ta vẫn thế, hiên ngang dù cơ nhỡ


vẫn gầm vang trời đất vượt không gian,


vẫn ca mãi bài ca đại ngàn


vẫn hú gọi ôi tự do biên viễn!


Vẫn nhấp nháy vì sao đêm thân thiện


vẫn chào mừng tia nắng sớm ban mai


vẫn dịu dàng, oai hùng vuốt hùng oai


vẫn tráng lệ mắt trừng bừng đêm tối!


Dù có ngủ rồi chiến công từng vang dội


đã một thời vùng vẫy gọi bốn phương


đã một thời, chẳng thể có chiến trường


chỉ có một bầy tôi cúi rạp mình như rạ,...


Chỉ có ta, vững như vàng như đá


giữ rừng xanh, một cõi mộng hoang sơ


giữ núi rừng, giữ muôn cõi êm ru


đại ngàn gió gửi âm vang gầm thét


thân uốn lượn và các ngươi lấm lét


tiếng tự do ta trao gửi muôn phương


bầu trời cao lồng lộng tới đại dương


ôi núi rừng chúa sơn lâm hùng cứ!


Ta khinh ghét lũ man di mọi rợ


mi đê hèn nên cũi sắt cỏn con


mi sợ ta truyền kiếp, sợ mỏi mòn


nên giả bộ nuôi ta trong lồng cũi


nên khấp khởi mi một bầy giả dối


hãm tự do của muông thú đại ngàn


Ôi tự do- là tiếng thở mang mang


đã ẩn giấu trong suối rừng và gió núi!


Mi cứ vậy, cứ sống đời luồn cúi


còn ta đây chí vẫn gửi đại ngàn,


ta đây Chúa của những thú hoang


thân trong cũi mà tiếng gầm gửi gió


thân trong cũi mà tai nghe rất rõ


giọng muôn loài vẫn chờ đợi đón lại ta!



Từ: NghiPH
22/06/2012 16:50:16

Mỗi lần đọc Nhớ rừng tôi ấn tượng rất mạnh về những câu hỏi “đâu” của nhà thơ Thế Lễ. Đâu những đêm vàng bên bờ suối/ Đâu những ngày mưa chuyển bốn phương ngàn/ Đâu những bình minh cây xanh nắng gội/ Đâu những chiều lênh láng máu sau rừng/ Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu?


Dường như người ta vừa như muốn níu giữ cái cũ, cái truyền thống lại ghét những cảnh không đời nào thay đổi.


Nỗi lòng của chúa sơn lâm trong vườn thú. Nỗi niềm của một thế hệ trước thời cuộc. Cuộc đối thoại lý thú giữa Thơ cũ và Thơ mới...


Một bài thơ có thể thưởng thức ở nhiều góc độ, nhiều tầng nghĩa ngữ.  



Từ: HaiNV
22/06/2012 12:49:12

Anh HiềnVC lại nhớ về thời oanh liệt xa xưa nên mới mượn thơ Bác Thế Lữ nói thay có phải không? Lớp OB76 chúng em rất vinh dự có PhaNM là con trai bác Thế Lữ, HạnhLT là con dâu thảo hiền của 2 cụ Thế Lữ - Song Kim. Một gia đình trí thức lớn với 2 cụ đều là Nghệ sỹ nhân dân, mới đây lại có thêm anh trai PhaNM là Đạo diễn Nguyễn Đình Nghi vừa được phong danh hiệu cao quý này. Còn nhớ, ngày Bác Thế Lữ sang Liên Xô đã đến thăm Kishinhốp, bọn em rất may mắn được gặp cụ, được nghe cụ kể chuyện và đọc thơ, trong đó có bài thơ Nhớ Rừng. Đến hôm nay HaiNV vẫn còn nhớ rất rõ hình ảnh và giọng nói của cụ.  




Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7169
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s