KGU Poetry
KGU Tạo bài viết  
Chọn
Thứ năm 12 Tháng mười hai. 2013

Đàn sếu




Tác giả: ThaoDP

ЖУРАВЛИ

музыка Я. Френкеля

Cлова Р. Гамзатова,
перевод с аварского Н. Гребнева


Мне кажется порою, что солдаты,

С кровавых не пришедшие полей,

Не в землю нашу полегли когда-то,

А превратились в белых журавлей.

Они до сей поры с времен тех дальних

Летят и подают нам голоса.

Не потому ль так часто и печально

Мы замолкаем, глядя в небеса?

 

 

 

Летит, летит по небу клин усталый,

Летит в тумане на исходе дня,

И в том строю есть промежуток малый,

Быть может, это место для меня.

 

 

 

Настанет день, и с журавлиной стаей

Я поплыву в такой же сизой мгле,

Из-под небес по-птичьи окликая

Всех вас, кого оставил на земле.

 

 

 

Мне кажется порою, что солдаты,

С кровавых не пришедшие полей,

Не в землю нашу полегли когда-то,

А превратились в белых журавлей...

 

 

 

Ян Френкель: Журавли

 

 

Đàn sếu

Nhạc:Jan Frenkel

Lời: R. Gamzatov ( N. Grebnev dịch từ tiếng Daguestan sang tiếng Nga ).

 

     

 

Đã lâu rồi, ta cảm giác,

Những người lính từ chiến trận chẳng trở về,

Không nằm xuống yên nghỉ đâu đó tại miền quê,

Mà hóa thân thành những đàn sếu trắng,

Bay trên cao, lẫn trong mây cùng nắng,

Từ xa xôi, từ thuở ấy đến giờ…

Tiếng kêu của loài sếu luôn làm ta thẫn thờ,

Và phải chăng, vì thế mà ta thường trầm lặng,

Ngước nhìn lên bầu trời với nỗi buồn sâu lắng?

 

 

 

Như hình mũi tên đàn sếu trắng,

Bay mải miết trên trời,

Mệt mỏi giữa mù khơi,

Bay cùng trời, cuối đất…

Và trong đội hình bay hợp nhất,

Có ló ra một khoảng trống nhỏ nhoi,

Chắc là dành cho ta ở đó, Sếu ơi .

 

 

 

Sẽ tới một ngày,

Ta sẽ cùng đàn sếu trắng tung bay,

Bay lượn hoài trong khoảng không xanh biếc,

Từ trên cao ta sẽ cất lên tiếng chim kêu da diết,

Gọi những ai dưới đất từng thân thiết với ta,

Những con người ta đã bỏ lại lúc đi xa…

 

 

 

Đã lâu rồi ta cảm giác,

Những người lính chết trận, đi mãi vào cõi xa,

Họ không nằm xuống an nghỉ đâu đó trên mảnh đất quê nhà,

Mà hóa thân vào những đàn sếu trắng,

Bay trên cao kia, trong biếc xanh, trong chan hoà ánh nắng…

                                                              

                                                       Paris, tháng Chạp 2013

 

                  

 


Người post: ThaoDP

Ngày đăng: 12-12-2013 17:05






Xem 1 - 10 của tổng số 11 Comments


Trang:  1 | 2 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Từ: ThoaNP
25/11/2015 19:37:24

Bài thơ này Thảo post lên cách đây gần 2 năm mà sao giờ này mình mới đọc (cảm ơn anh MinhCK, nhờ còm của anh em mới được đọc bài này).


Cảm ơn Thảo vì bài thơ dịch hay và có nhiều thông tin và ảnh minh họa (trong còm). Chắc không ai đã học ở Nga không thích bài hát này, cả nhạc và ca từ. Nhưng những thông tin Thảo cung cấp thì bây giờ mình mới biết. Đúng là phải trong trạng thái rất xúc động mới có thể viết được những dòng thơ như vậy, mỗi lần nghe hát mình có cảm tưởng như từng tế bào thần kinh trong mình run rẩy.


Bài thơ dịch của Nguyễn Đình Đăng rất sát bản gốc và hay. Thank em MM nhé.



Từ: Guest MinhCK
24/11/2015 23:12:53

Đây là bài hát tôi thích nhất trong tập các bài hát của người lính. Cám ơn Thảo đã có bản dịch thật hay



Từ: ThaoDP
20/12/2013 22:21:48

 


Cảm ơn các ACE đã chia sẻ bản dịch này! Đặc biệt là em LýTM đã có 2 bài thơ com tuyệt hay.


@ CơDM: Cơ ơi, “Phim đàn sếu bay qua” được trình chiếu ở Liên Xô từ năm 1957 mà bài hát “ Đàn sếu” chỉ ra đời vào 1969 nên nó không thể là bài hát minh họa trong phim đó được, nhưng hình tượng tiêu biểu về Đàn sếu thì được thể hiện trong phim.


Xuất xứ bài thơ “ Đàn sếu “ của Rasul Gamzatov :


Rasul Gamzatov vô cùng xúc động khi tới Nhật Bản thăm Công viên Tượng đài Hoà bình ở Hiroshima, trong khuôn viên đó có tượng bé gái Sadako Sasaki - nạn nhân chết vì ung thư máu do nhiễm xạ  bom nguyên tử ( Mỹ ném xuống thành phố này vào ngày 6/ 8 /1945). Ở Nhật Bản xưa kia dân chúng tin rằng nếu ai gấp bằng giấy được 1000 con chim hạc thì ước nguyện của họ sẽ thành sự thật. Năm 1954 khi Sadako Sasaki 11 tuổi bác sĩ phát hiện ra em bị ung thư máu vì nhiễm xạ hạt nhân. Em đã cần mẫn gấp những hạc  giấy mong có được 1000 con để khỏi bệnh, nhưng mới gấp được 644 con hạc giấy em đã qua đời (ngày 25/10/1955).


Cùng ngày hôm đó, tại Hiroshima  Raul Gamzatov nhận được điện tín là mẹ ông qua đời tại quê nhà. Trên đường bay về Moskva, ông nghĩ rất nhiều về mẹ, về cha  và 2 người anh đã hy sinh trong chiến tranh Thế giới II. Rồi hình ảnh cô bé Sadako Sasaki ở Hirosima với những con hạc giấy cứ lẩn khuất trong đầu tác giả.  Rasul Gamzatov không thể bàng quan trước nỗi đau mà Chiến tranh Thế giới thứ hai đã gây ra cho hàng triệu con người trên trái đất và kết quả là bài thơ “Đàn sếu” đã ra đời .


Rasul Gamzatov đã viết bài thơ này bằng tiếng mẹ đẻ Avar, sau được Naum Grebnev chuyển ngữ sang tiếng Nga, đăng ở tạp chí  “ Thế giới mới ” ( 1968).


Mark Bernes đã rất tâm đắc với bài thơ “ Đàn sếu ”, đã đề nghị R. Gamzatov cũng như N. Grebnev sửa vài chữ trong bài thơ và tha thiết yêu cầu Jan Frenkel phổ nhạc. Sau 2 tháng Jan Frenkel gọi điện cho ca sĩ. M. Bernes đã bật khóc khi nghe xong bản nhạc, ông thật sự xúc động. Bernes lúc đó đang ốm nặng, ở giai đoạn cuối ung thư phổi, nhưng đã cố gắng hết sức để thu âm bài hát cuối cùng trong đời. Ngày 08/07/1969 con trai Bernes đã đưa ông đi thu âm tại studio vì ông di chuyển đã rất khó khăn. Khoảng 1 tháng sau ngày 16/08/1969 Mark Bernes đã ra đi mãi mãi và để lại dấu ấn cuối cùng của mình là bài hát “ Đàn sếu” trong lòng tiếc thương vô hạn của hàng triệu trái tim Xô viết và nhân loại.


Chim Sếu đã trở thành hình tượng tiêu biểu cho sự tiếc thương và lòng biết ơn vô hạn của nhân dân đối vong linh những người lính hy sinh cho Tổ quốc. Có rất nhiều đài tưởng niệm ở Liên xô cũ mang biểu tượng Chim Sếu như ở Saint Peterbourg, Xaratov…


Tượng đài tưởng niệm em bé Sadako Sasaki ở Hiroshima. Hai tay em bé dang ra đỡ biểu tượng chim sếu bằng kim loại mạ vàng. Dưới tượng có hàng chữ: " Đây là tiếng kêu cứu của chúng tôi. Đây là lời cầu xin của chúng tôi. Hòa bình trên toàn thế giới ". Hàng năm trẻ em khắp năm  châu gấp những con hạc bằng giấy gửi tới đây xếp quanh tượng đài này. Hình tượng Hạc ( Sếu) thành biểu tượng quốc tế cho hoà bình trên hành tinh Trái đất. Điạ chỉ gửi Hạc giấy:


Peace Promotion Division
The City of Hiroshima
1-5 Nakajima-cho Naka-ku,
Hiroshima 730-0811 Japan


 


 




Tượng đài tưởng niệm những người lính hy sinh trong Chiến tranh Thế giới 2 ở Saint Peterbourg:


 




Tượng đài ở Xaratov:


 



 


 



Từ: CucNT
14/12/2013 14:08:02

Chẳng còn từ nào để diễn tả ngoài  cái chữ "tuyệt vời" em đã dành còm thơ chị dịch bao lần rồi. Cả lời thơ, cá hình ảnh, cả ý nghĩ, cả nhạc điệu tất cả là những chất liệu tuyệt hảo để làm nên một bản tình ca bất hủ về người lính mà ai đọc cũng rơi nước mắt. Cảm ơn chị!



Từ: ThongNV
13/12/2013 21:19:46

Thảo thật chu đáo khi post thơ dịch kèm theo video bài hát. Nghe hát đồng thời đọc bản dịch của Thảo, mình không thể không rơi nước mắt. Cám ơn nữ thi sĩ tài ba.



13/12/2013 11:31:59

 


 


 


Một ca khúc tuyệt hay không chỉ dành riêng cho những người biết tiếng Nga  mà bất cứ ai đã từng nghe và xem phim này đều không thể thờ ơ, thoảng thốt đến nao lòng. 


Đàn sếu bay mang linh hồn của những người lính với những tiếng kêu , vẫy gọi,  lời trăng trối bi ai, đau xé lòng nhưng vẫn toát lên vẻ oai hùng, khí phách, cái chất của người lính-những người đã ngã xuống, đã hy sinh vì mảnh đát quê hương và cuộc đời này
Cảm ơn Thảo nhé , lời dịch rất hay để chúng ta có dịp cùng hồi tưởng lại. 

@Tạ Minh Lý:  Thơ phụ hoạ của em hay quá!


 


 


 


 


 


 


 



Từ: LyTM
13/12/2013 11:22:45

Các anh đã đi rồi vĩnh viễn


để lại cho đời những khoảng trống mênh mông


để xanh cây chồi nơi máu thẫm đất hồng,


linh hồn bay trong rộng dài trời đất,...




Các anh thành cánh chim rất thật


đàn sếu trắng bay, sải cánh với bầu trời


nơi dưới kia, xanh ngắt biển khơi


những cánh đồng cây xanh đang trổ lá,...




Cuộc sống ơi, muôn sắc màu đẹp quá,


bỡ ngỡ vào đời bao lứa trẻ biết ấm no,


nhạc trời dìu dặt bên mẻ thép ra lò,


những công trình, xưởng máy vừa ra mắt,...




Sân trường xưa, trống trường vang bát ngát,


vọng thinh không gọi đàn sếu lại gần


Các anh bay về nghe tiếng gọi đang ngân


lời ru thưở bên nôi mẹ còn âu yếm,...




Đã xa rồi, đạn bom gầm cuộc chiến,


đã xa rồi thuở nhớ mẹ, chờ thư,


bắn thẳng đầu thù, ngủ mãi với thiên thu


đã ngã xuống, máu thấm thành cây cỏ,...




Thân chiến binh, không xá gì gian khổ,


mơ bầu trời, nơi rộng lắm, mênh mông,


hồn chiến binh bay bổng với vô cùng


thành đàn sếu, thả mình trong sương gió!




Đôi khi nhớ quê, bay theo hương ngỏ


cánh đồng xưa dào dạt vị hương mùa


lúa mì chín vàng như mộng ước thuở xưa,


hạnh phúc ấm no cho muôn đời con cháu,...


 


Tiếng gọi thoảng trong bầu trời thầm bảo,



tiếng sếu gọi đàn, giang cánh với bao la



giọt lệ tràn trong chất chứa nhạt nhòa,



nắng lấp lánh- lời quê nhà chào sếu!



 



Từ: Guest BM
13/12/2013 08:38:25

Một niềm cảm kích bao la


bỏ lại xương máu, hồn là chim bay


Chiến binh kiêu hãnh giấc say


lâng lâng trong cõi mây bay rợp trời,...


 


Đàn sếu sải cánh nơi nơi


cất lời thảng thốt chào nơi sinh thành


năm năm, tháng tháng lệ tràn


trôi đi trong tiếng hoang hoang sếu về,...


 


Cao bay, ngắm mãi trời quê,


cánh chim không mỏi, chiều về hoàng hôn


sương mù vẽ một khoảng tròn,


sếu còn đợi một linh hồn là ta?


 


Trời bao la, đất bao la,


Thắm xanh, xanh ngắt bài ca hòa bình


ngỡ mình đang vẫy cánh xinh


cất lên tiếng gọi bạn mình chiến binh?



Từ: Meomun
13/12/2013 07:42:09

@chị Thảo: Cám ơn chị Thảo đã có bản dịch thật tuyệt. Chắc chẳng có ai có thể thờ ơ được khi nghe bài hát này. Nhiều người coi nó là bài hát hay nhất thế kỷ 20.  Em thích nhất là giọng ca sĩ Mark Bernes hát bài này, em đang nghe khi viết "còm" đấy. Nghe nói Bernes thu âm bài hát này khi tình trạng sức khỏe của mình đã suy kiệt, thế mà vẫn hay đến thế.


Em đã đọc một số bản dịch bài này như của Hồng Thanh Quang và Nguyễn Đình Đăng (không biết có phải là anh Đăng em anh Đình Minh -chồng chị Bình Kều không), em xin post để mọi người đọc tham khảo:


ĐÀN SẾU


(bản dịch Nguyễn Đình Đăng)


Tôi thường nghĩ đôi khi bao người lính
Không trở về từ bãi chiến trường xa
Đã chẳng chịu vùi thây trong lòng đất
Mà hiện hình thành sếu trắng bay qua.
Từ thuở ấy đến giờ bao năm tháng
Sếu vừa bay vừa thảng thốt gọi ta
Có phải vậy mà ta thường lặng lẽ
Ngước mắt buồn nhìn trời thẳm bao la?
Bay bay mãi ôi cánh chim vẫy mỏi
Xuyên sương mù, ngày sẽ lụi tàn thôi
Giữa bầy sếu chợt hé ra khoảng nhỏ
Phải chăng là một chỗ để cho tôi?
Rồi sẽ tới cái ngày tôi cùng sếu
Trôi giữa màu xanh thắm của thiên thu
Từ mây trắng cất tiếng chim tôi gọi
Những bạn bè trên mặt đất âm u.




 



Từ: HuyenBT
13/12/2013 03:21:17

Nghe lại bao lần, vẫn có cảm giác lạnh cả người. Đến nỗi đôi khi ngẩng lên , bắt gặp đàn chim bay rợp một vùng trời, tự nhiên có ý nghĩ: những tâm hồn đang bay! Nhưng để mà có được ý nghĩ: một chỗ trống trong bầy chim đó, chính là chỗ đợi tôi, như tác giả thốt lên, thì quả thật là điều độc đáo, riêng đến nỗi ít ai dám lặp lại. Gamzatov là như thế! Cảm ơn Thảo lại để mọi người thổn thức cùng chị!


PS. Trong hội KGU, em được nghe anh Uyển hát bài này. Mong một lần được nghe anh Khoa hát nữa.




Trang:  1 | 2 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7170
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s