KGU Poetry
KGU Tạo bài viết  
Chọn
Thứ hai 14 Tháng bẩy. 2014

NGÀY CON THI ĐẠI HỌC




Tác giả: Phan Thành Minh

Ngoài cổng trường có ánh mắt lo âu
người mẹ quê chưa giấu hết nỗi nhọc nhằn nơi bàn chân đất
có chút ấm nồng nơi khóe mắt
nhạt nhòa mưa nắng hồng nhan...

Có ánh mắt nguyện cầu khẩn thiết lo toan
chấp chới ngày con thi đại học
mười hai năm cần cù cho con đèn sách
mơ ước danh thành sao the thắt mỏng manh !

Ruộng lúa, nương dâu vẫn biết rồi mai mẹ phải giữ dành
nhưng cũng muốn con bằng anh, bằng chị
chân lấm, tay bùn bao năm lặn lội
lúng túng áo màu bối rối gót trăng...

Đêm Sài Gòn đêm rực rỡ hoa đăng
vá víu phận cơm ngỡ ngàng đô hội
có ai hiểu niềm suy tư chờ đợi
mắt cay nồng sâu hoắm giấc khuya.

Lúa trĩu vàng bông thương vết cắt vụng về
đêm dỗ giấc mồ côi buồn là lạ
mai con vào đời đìu hiu bóng mẹ
thao thiết đường chiều búi tóc cuối xuân...

 


Người post: LiTM

Ngày đăng: 14-07-2014 10:10






Xem 1 - 5 của tổng số 5 Comments

Từ: Guest LiTM
28/07/2014 21:20:45

@ guest Hà Nội:


Vẫn là nước mắt chảy xuôi,


vẫn là tình Mẹ không vơi biển trời,


vẫn là cay đắng một đời,


chỉ mong con trẻ nên người mai sau!



Từ: Guest Hà Nôi
18/07/2014 06:45:59

Học đại học bằng mọi giá?


Sống trong nhà vệ sinh công cộng, trong ống cống bỏ hoang dành tiền nuôi con học đại học. Bán máu nuôi con học đại học. Ăn xin nuôi con học đại học và mới đây là đỉnh điểm: người mẹ suốt mười năm ăn cám thay cơm để nuôi bốn con học đại học.


Bất cứ "tấm gương" nào như thế, dư luận đều ca ngợi hết lời. Xã hội cổ súy, trầm trồ tung hô họ, lấy đó làm gương cho người khác. Ngay cả khi có người mẹ bộc bạch, lắm lúc bà chỉ muốn chết đi vì khổ quá, nhưng nhìn con buồn bã vì không được đi học đại học lại không nỡ. Ngay cả khi đứa con học xong đại học, lên cao học rồi đi dạy cấp 3 mà hằng tháng cố gắng lắm mới dành dụm được một hai trăm nghìn phụ mẹ nuôi em. Ngay cả khi từ đường của một dòng họ "có 12 tiến sĩ, 12 thạc sĩ, hơn 300 cử nhân và hàng trăm con em khác đang học tập tại các trường đại học, cao đẳng trong cả nước, đã 2 lần vinh dự được tỉnh cử đi báo cáo thành tích trong Hội nghị toàn quốc nhân điển hình tiên tiến về phong trào khuyến học khuyến tài tại Hà Nội... vẫn còn bức tường chưa trát xi măng vì không đủ tiền. Ngay cả khi cô gái nọ lấy xong tấm bằng đại học thứ hai thì mất việc, phải sống nhờ rất lớn vào một người bạn và khi có thu nhập đều đặn vẫn phải chi tiêu eo hẹp hết sức, từ ngày ra trường không dám mua quần áo giày dép. Ngay cả khi có 70.000 cử nhân thất nghiệp, nhiều cử nhân ra làm tiếp thị, công nhân, bán hàng rong, bán hàng đa cấp. Ngay cả khi có người quen làm ở huyện vẫn không xin được một chân dạy học, không quen phải tốn 60-70 triệu đồng, bán cả gia sản không lo được...


Với những ông bố bà mẹ kể trên, học đại học là cánh cửa duy nhất để thoát nghèo và ngẩng mặt với đời. Họ quyết liệt chấp nhận tất cả để nuôi con vào đại học. Thế nhưng với vô vàn trường hợp thực tế như trên, đổi lấy 10 năm ăn cám của mẹ xong, chắc gì con đã thoát nghèo? Lo lấy thân còn chưa xong, chắc gì đã ngẩng được mặt? Những trí thức đói ăn thì đóng góp gì được cho xã hội?


Tôi trách những đứa con 18, 19 tuổi, sức dài vai rộng nhưng nhẫn tâm để mẹ ăn cám, bán máu nuôi mình. Thiếu gì công việc cho các em kiếm tiền nuôi sống bản thân, giúp cha mẹ không phải cùng cực đến vậy? Miền Tây vào vụ lúa không kiếm ra người gặt, cao nguyên năn nỉ người hái cà phê, miền Đông các khu công nghiệp treo biển hàng loạt tìm công nhân, chủ phải lấy lòng để công nhân lành nghề không bỏ sang công ty khác. Người giúp việc theo giờ của em tôi dọn nhà hai lần mỗi tuần, lãnh một triệu đồng mỗi tháng. Hôm nọ hàng xóm kêu chị qua làm thêm nhà họ. Chị phải chối, nói giới thiệu bạn tới làm được không, vì chị kín hết giờ từ sáng đến tối rồi, đã làm cho ba bốn gia đình, trong đó một gia đình người nước ngoài phải nấu ăn bữa tối, chỉ còn duy nhất chủ nhật chị muốn nghỉ. Mỗi tháng chị lãnh cỡ chục triệu.


Những công việc ấy thấp kém quá, không xứng đáng với cử nhân, hay gia đình "không nỡ để con đi làm người ở"?


Cơ quan tôi từng nhận tập sự những sinh viên báo chí năm cuối vẫn chưa biết cách gọi điện thoại, chưa biết tra bản đồ tìm đường đi trên mạng, mặc quần dây đai lòng thòng, mang dép lê đến cơ quan, không biết Internet, không biết dùng Word. Có em khóc rưng rưng dứt khoát đòi tôi chữa điểm thực tập, vì "em học giỏi nhất lớp, chị cho có 7 nhục với bạn lắm". Làm sao nhận những người như thế vào làm việc?


Cứ cho rằng đại học bây giờ là phổ cập thì cũng thiếu gì cách để bạn học đại học thong dong hơn. Cứ học nghề rồi đi làm nuôi thân, đưa được cha ra khỏi ống cống đi rồi dành thời gian học đại học buổi tối. Tự lập rồi thì bạn muốn học tới khi qua đời cũng được. Đó là chưa nói xã hội luôn cần thợ hơn thầy, thời gian học nghề ngắn hơn nhưng thu nhập luôn cao hơn học đại học ra làm nhà nước.


Có những ông chủ tập đoàn xuất thân từ lái taxi, bảo vệ. Phổ biến hơn, có những xe bánh tráng trộn lời tiền triệu mỗi ngày, những tiệm ăn lừng danh xuất phát từ gánh bún bò đặt trong hẻm... Cuộc sống không hề thiếu cơ hội, nhưng muốn làm vương tướng gì cũng phải no cái bụng trước đã. Phải biết lo cho cha mẹ mình miếng cơm thay cho miếng cám, trước khi bạn học bất cứ thứ gì để "cống hiến cho xã hội".


Hoàng Xuân




 



Từ: Guest Sài Gòn
16/07/2014 21:00:18

Phan Thành Minh là nhà thơ có nhiều giải thưởng, thơ viết phiêu, rất thơ. Cám ơn bạn đã cho tôi đọc bài thơ này, nhà tôi vừa qua một đợt các cháu lên thi nên cũng lây tâm lý lo lắng. Chuyện học hành, thi cử ở VN còn nhiều điều đau đầu lắm.



Từ: Guest BM
15/07/2014 14:02:10

Đường em đi gập ghềnh, gian khó,


như vẫn còn đây, bập bõm thuở tập đi,


A, b, c... rồi tiếp mỗi kỳ thi,


như con chữ vỡ lòng trở về bên mẹ!




Cánh cửa cuộc đời, đang đến dần se sẽ,


theo bước chân nhè nhẹ tối học bài,


chăm chút con, đếm thầm đốt ngón tay,


chờ đến một ngày con thi vào Đại học,...




Nối tiếp nhau, những ngày khó nhọc, 


những ngày dài, con học tới canh khuya,


ngọn đèn đêm như thức suốt đêm Hè,


cả nhà chờ mong, con đỗ vào Đại học,...




Cha đi làm thêm, gầy còm sức vóc


mẹ tảo tần lo mọi việc gần xa,


với niềm tin nuôi hy vọng cao xa,


thoát đói nghèo, con làm người Nhà nước,...




Những tháng ngày nuôi bao mơ ước,


bữa đói, bữa no, cứ ngược nặng đôi vai


con biết học thêm là thêm những tháng ngày,


cha già nhanh, mẹ lưng ngày thêm mỏi,...




Những giọt mồ hôi nuôi niềm tin le lói,


nuôi ước vọng vào đời, nuôi nguyện ước nơi con,


con học lên, mong thoát cảnh đời mòn,


con hạnh phúc là nụ cười của suốt đời cha mẹ!


 



Từ: Guest Hà Nội
14/07/2014 12:49:44

Lại một đề tài hot! hỏi người cha, người mẹ nào ăn ngủ được khi con đi thi đại học chứ? Nói cho cùng thì lo cho con cái chính là mối lo lớn nhất khi làm người, giống như lo cho đất nước là mối lo lớn nhất của một công dân,..



Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7169
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s