KGU Poetry
KGU Tạo bài viết  
Chọn
Thứ hai 03 Tháng bẩy. 2017

Truyện Chùa Bối Linh




Tác giả: Đỗ Khắc Tuấn

Bn đc thân mến!

Trước khi vào nội dung cuốn truyện thơ “Truyện Chùa Bối Linh”, tác giả xin có đôi lời giới thiệu tóm tắt về cố đô Phong Châu của nước Văn Lang xưa còn lưu lại trong một số thư tịch cổ cũng như lịch sử chùa Bối Linh - nơi buổi đầu Hai Bà Trưng tụ nghĩa.

Chùa Bối Linh (còn gọi là chùa Lâu Thượng hay chùa Hương Sơn) tọa lạc tại xóm Đồi, xã Trưng Vương, thành phố Việt Trì ngày nay. Xã Trưng Vương chính là phần nông thôn còn lại của xã Lâu Thượng, huyện Hạc Trì xưa, trong khi một phần diện tích của Lâu Thượng đã được cắt về các phường Tân Dân, Thọ Sơn và Thanh Miếu. Các bạn sẽ gặp lại địa danh Lâu Thượng nhiều lần khi đọc truyện thơ ở phần sau.

Cố đô Phong Châu của nước Văn Lang xưa do các Vua Hùng lập nên chính là khu vực thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ ngày nay. Đây là nơi có hình sông, thế núi rất đặc biệt, là nơi gặp nhau của 3 con sông lớn trên miền Bắc nước ta. Nơi sông Đà đổ ra sông Hồng là ngã ba Trung Hà ở phía Tây Bắc Việt Trì, còn nơi sông Lô đổ ra sông Hồng là ngã ba Bạch Hạc ở phía Nam thành phố. Từ Việt Trì nhìn sang phía Tây Nam là dãy núi Ba Vì với ba ngọn núi đứng cạnh nhau. Nhìn sang phía Đông Bắc là dãy núi Tam Đảo cũng với 3 ngọn núi đều nhau tương tự. Điều kỳ lạ là hình dáng cân đối của các dãy núi Ba Vì và Tam Đảo chỉ quan sát được khi đứng ở khu vực Việt Trì. Còn nếu bạn đi xuôi về phía Nam hoặc ngược lên phía Bắc thành phố thì hình dáng cân đối của núi Ba Vì và Tam Đảo sẽ không còn nữa. Có nhà thơ đã từng viết:

Ô hay núi cứ ba chòm nhỉ

Đứng sát bên nhau đến lạ kỳ

Đã có Tam Thanh rồi Tam Điệp

Lại thêm Tam Đảo với Ba Vì.

          Và điều kỳ lạ “kép” đó sẽ thấy được trên đất cố đô Phong Châu.

Phía Bắc và phía Đông Bắc thành phố là các ngọn núi thuộc huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc như núi Sáng, núi hình Nhân, núi Ngòng... Còn phía Bắc Tây Bắc Việt Trì và núi Nghĩa Lĩnh là núi Vạn. Chính trên núi Nghĩa Lĩnh là khu Di tích lịch sử Đền Hùng nổi tiếng.

Đứng trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh nhìn về phía Bắc ta sẽ thấy 100 quả đồi có hình dáng đàn voi nằm phủ phục. Trong số đó, 99 con voi quay đầu chầu về núi Nghĩa Lĩnh và 1 con voi quay theo hướng ngược lại. Một điều kỳ lạ nữa là ở nơi cổ con voi này có 1 khe nước màu gạch non chảy quanh năm. Từ đó đã hình thành nên truyền thuyết về con voi phản nghịch không chầu về Đất Tổ nên bị Vua Hùng sai xử trảm. Tiếc rằng tới nay, một số gò đất hình con voi đó đã bị san ủi để phục vụ cho việc xây dựng thành phố.

Theo bản “Lâu Thượng Thần tích Ngọc phả cổ truyền” do Hàn Lâm viện Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính (1525 - 1605) thời Hậu Lê phụng soạn năm Hồng Phúc nguyên niên (1572) được lưu tại đình Ngoại xã Lâu Thượng cũ thì cung Nội Long với lầu Thượng cao chót vót có đầm hoa sen phía trước mặt là nơi Vua Hùng cùng các Lạc hầu, Lạc tướng họp bàn việc nước. Cung Ngoại Long là nơi ở của các hoàng tử chi trưởng nhà Hùng. Lầu Phượng là nơi ở của nhà vua và Lầu Hạ là nơi ở của hoàng hậu và các công chúa. Giữa các cung điện trong kinh thành Phong Châu có đường bộ và đường thủy nối liền rất thuận tiện cho việc đi lại và phòng thủ kinh thành. Trường Đông và Trường Nam (mà tiếng địa phương đọc chệch thành “tràng”) là nơi học tập của con em trong hoàng tôc và dân chúng trong vùng. Làng Cả thuộc địa phận phường Thọ Sơn, Việt Trì ngày nay là nơi chế tác trống đồng, vũ khí và các đồ dùng sinh hoạt. Các hiện vật khảo cổ học được tìm thấy ở nơi đây đã chứng minh điều đó. Điện Kính Thiên trên núi Nghĩa Lĩnh là nơi triều đình tổ chức lễ tế trời đất. Sau khi nhà Hùng nhường ngôi cho Thục Phán, An Dương Vương dời đô về Cổ Loa, đổi tên nước Văn Lang thành Âu Lạc và các Lạc hầu, Lạc tướng cũng theo nhà vua về xuôi thì kinh thành Phong Châu dần trở nên hoang phế. Dân chúng quanh vùng kéo về lập nên làng xã và lấy ngay tên cung cấm nhà Hùng trước đây đặt cho làng xã mình. Do đó mới có các xã Lâu Thượng, Lâu Hạ (đọc chệch từ Lầu Thượng, Lầu Hạ), Phượng Lâu và các thôn Nội, Ngoại (tại vị trí các cung Nội Long và Ngoại Long xưa), các thôn Tràng Đông, Tràng Nam là nơi có Trường Đông và Trường Nam cũ.

Vẫn theo bản Thần tích trên, chùa Bối Linh được xây dựng từ thời nhà Hùng ngay cạnh cung Ngoại Long. Vào các ngày sóc vọng và lễ tết, vua Hùng cùng các Lạc hầu, Lạc tướng và nhân dân trong vùng đều vào chùa lễ Phật. Điều này hoàn toàn phù hợp với các tài liệu của Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói rằng: Đạo Phật đã truyền bá sang nước ta từ thời Hùng Vương và ông bà Chử Đồng Tử - Tiên Dung là hai trong số những người Việt đầu tiên hướng về ánh sáng thiền của Đức Phật.

Sau khi kế hoạch liên kết chống ách đô hộ nhà Hán của hai Lạc tướng huyện Mê Linh và Chu Diên bị bại lộ, Thi Sách là chồng Trưng Trắc đã bị địch giết hại và Thái thú Tô Định ra lệnh bắt chị em bà Trưng. Để tránh sự lùng bắt của quân Hán và tiếp tục sự nghiệp cứu nước của chồng, Trưng Trắc đã cùng em là Trưng Nhị tìm về cố đô Phong Châu của nhà Hùng mong anh linh tổ tiên phù trợ để mưu cầu sự nghiệp lớn. Hai Bà đã lưu lại chùa Bối Linh trong 5 năm, miệng đọc chân kinh niệm Phật mà lòng vẫn hướng về việc cứu nước và khôi phục lại cơ nghiệp nhà Hùng. Chính dưới mái chùa này, Trưng Trắc đã thảo bài Hịch cứu nước và cùng em tuyên truyền vận động các Lạc hầu, Lạc tướng, tù trưởng cùng hợp sức giành lại độc lập cho nước nhà. Soi Dầu trên sông Lô giáp với xã Lâu Thượng là nơi Hai Bà họp các tướng lĩnh, nghĩa quân trong vùng quanh cố đô Phong Châu. Một ngày đầu xuân năm Canh Tý (năm 40 Công nguyên), nghĩa quân quanh vùng Phong Châu đã kéo về tập trung tại Lâu Thượng. Trưng Trắc đã làm lễ tế cờ và khao quân tại Bến Vò bên bờ đầm Sủ (thuộc xóm Sải, xã Trưng Vương, thành phố Việt Trì ngày nay) rồi chia hai cánh kéo về bãi Trường Sa (thuộc xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ, Hà Nội ngày nay), hợp cùng các cánh nghĩa quân khác từ khắp nơi trong nước kéo về. Tại đây, một lần nữa Trưng Trắc tổ chức lễ tế trời đất rồi chia hai đường thủy bộ tiến đánh thành Luy Lâu (thuộc Bắc Ninh ngày nay). Trước sức tiến công vũ bão của quân ta, ách đô hộ của nhà Hán nhanh chóng bị đập tan và nước Lĩnh Nam độc lập ra đời. Trưng Trắc lên ngôi vua xưng là Trưng Vương và đóng đô ở Mê Linh (thuộc xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Hà Nội ngày nay). Sau 3 năm độc lập, nước ta lại bị quân Hán kéo sang xâm lược. Trưng Vương và triều đình Lĩnh Nam cùng toàn dân ta đã anh dũng chiến đấu chống giặc. Do thế yếu nên nước ta lại một lần nữa rơi vào vòng Bắc thuộc. Chị em bà Trưng cùng các tướng lĩnh lần lượt anh dũng hy sinh.

Khi viết truyện thơ này, tôi đã mạnh dạn sử dụng các tư liệu trích từ Ngọc phả một số đình, chùa, miếu mạo đã được Nhà nước xếp hạng và cấp bằng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia như:

1. Ngọc phả đình Ngoại Lâu Thượng, Việt Trì nói về việc Hai Bà Trưng về tu hành và viết hịch cứu nước tại chùa Bối Linh.

2. Ngọc phả miếu Mèn thôn Nam An, xã Cam Thượng, huyện Ba Vì, Hà Nội nói về sự hy sinh của thân mẫu Hai Bà Trưng là bà Mèn Thiện. Xin lưu ý bạn đọc rằng: từ “Mèn” là một từ Việt cổ chỉ người phụ nữ được mọi người kính trọng. Các sử gia phương Bắc đã chép tên “Mèn Thiện” thành “Man Thiện” với dụng ý coi thường.

3. Ngọc phả đình thôn Mỹ Giang, xã Tam Hiệp, huyện Phúc Thọ, Hà Nội nói về thân thế và sự nghiệp của ông bà Đỗ Năng Tế - Tạ Cẩn Nương là thầy dạy văn và võ cho chị em bà Trưng Trắc lúc thiếu thời.

4. Thần tích đình Hạ Lôi, Thạch Thất, Hà Nội nói về người em trai Ún Ba của Hai Bà Trưng.

5. Ngọc phả đình Lim, Tiên Sơn, Bắc Ninh nói về Sùng Lộc Đại Vương là cháu nội 6 đời của Trưng Trắc. Như vậy, ông bà Thi Sách - Trưng Trắc đã có ít nhất một người con trai. Khi kinh thành Mê Linh thất thủ, vị hoàng tử này đã được các bậc trung thần cùng nhân dân che chở, nuôi nấng, sống cuộc đời dân dã. Tới đời thứ 6 đã xuất hiện Sùng Lộc Đại Vương là bậc anh hùng có công giúp dân làng đánh giặc nên đã được dân chúng dựng đình thờ phụng.

Hy vọng rằng cuốn truyện thơ về chùa Bối Linh sẽ đem lại cho bạn đọc cái nhìn mới về cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng cũng như về thân thế và sự nghiệp của vị nữ hoàng đầu tiên, đồng thời cũng là vị lãnh tụ cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc đầu tiên trong lịch sử nước nhà mà các thế hệ mai sau tôn kính gọi bằng Bà.

Xin mời các bạn bắt đầu câu chuyện:

 

TRUYỆN CHÙA BỐI LINH

 

 

  1. “Bà Trưng quê ở Châu Phong
  2. Giận người tham bạo, thù chồng chẳng quên
  3. Chị em nặng một lời nguyền
  4. Phất cờ nương tử, thay quyền tướng quân...”([1])
  5. Ấu thơ tôi đã bao lần
  6. Nghe cha ngâm ngợi, đầy sân trăng vàng
  7. Bối Linh - chùa cổ lang thang
  8. Tìm hoa đại rụng bên hàng chữ Nho.
  9. Thẩn thơ gốc phượng miếu Vò
  10. Hoa vương trang sách học trò bỏ quên
  11. Tai nghe sự tích miếu đền
  12. Hai Bà Trưng tụ nghĩa trên quê mình
  13. Hịch truyền viết tại Bối Linh
  14. Bến Vò mở tiệc khao binh, tế cờ.
  15. Tâm hồn cậu bé ngây thơ
  16. Chuyện xưa như một giấc mơ nhẹ nhàng
  17. Qua thời trai trẻ dọc ngang
  18. Cùng bao thành phố, thôn làng gần xa
  19. Mắt trông trời đất bao la
  20. Bâng khuâng về lại quê nhà hôm nay
  21. Xóm làng biết mấy đổi thay
  22. Còn đâu cảnh cũ tháng ngày mộng mơ
  23. Miếu xưa, chùa cổ bây giờ
  24. Chỉ còn trong những vần thơ gợi buồn
  25. Lũ tràn, gió giật, mưa tuôn
  26. Xóa đi dấu tích cội nguồn cha ông
  27. Mưu sinh gian khó chất chồng
  28. Chữ “tâm” lỡ để sắc hồng lạt phai
  29. Vững tin làng xóm ngày mai
  30. Thánh cung sẽ dựng, Phật đài lại xây
  31. Chỉ e lớp trẻ mai ngày
  32. Mịt mờ chuyện cũ đất này cố đô
  33. Lên chùa miệng niệm Nam mô
  34. Cầu xin Thần Phật độ cho an bình
  35. Biết chăng đất dưới chân mình
  36. Ngàn xưa rạng rỡ văn minh, quật cường
  37. Vua Hùng, Sơn Thánh, Trưng Vương
  38. Dấu chân in khắp nẻo đường quê ta?
  39. Thời gian hờ hững trôi qua
  40. Tích xưa dần sẽ nhạt nhòa tháng năm
  41. Lời cha vọng dưới trăng rằm
  42. Thêm da diết nhớ, thêm đằm tình quê.
  43. Giục lòng náo nức say mê
  44. Xa xôi quá khứ tìm về tri ân.
  45. Tung trời én liệng chào xuân
  46. Chuyện ngôi chùa cổ chắp vần diễn ca...
  47.                                             (Còn nữa)

 

 


 

 



([1] ) Trích sách “Đại Nam quốc sử diễn ca”.

 


Người post: HoaNT

Ngày đăng: 03-07-2017 22:10






Xem 1 - 8 của tổng số 8 Comments

Từ: Guest Pt Thơ
02/08/2017 10:55:52

Em xin cảm ơn anh Khánh. Bản nhạc này em được nghe lần đầu tiên là vào một buổi trưa, được một anh tên Hải đồng nghiệp mở, âm thanh được phát rất lớn, cho cả một khoảng không gian lớn có thể nghe được bình thường, khung cảnh khi em được nghe cũng rất đẹp, ánh nắng dịu xuyên qua những cây xanh tỏa bóng mát, gió thổi nhẹ làm những cành và lá của cây lay động, không gian tĩnh. Khi được nghe em rât cảm động. Sau này nghe lại thì cảm nhận về bản nhạc lại khác hẳn với lần đầu tiên, nó là cảm nhận mà em muốn gửi đến anh Tuấn, cảm nhận của lần thứ hai trở đi.


Anh Khánh, em được nhìn thấy Cha, Thầy em đan tranh khi em còn rất bé, lần nhìn thấy đó, cảm nhận đó, tình cảm đó thật là đẹp, có lẽ vì vậy mà nghe anh nói anh đã từng đan tranh thật khiến cho em cảm động. Xin cảm ơn anh về tất cả. Thank you thank you thank you very much. 



Từ: KhanhT
24/07/2017 22:32:39

 


Guest Phạm thi Thơ gửi Tuấn Lý bản nhạc Hungarian Sonata :



 



Từ: TuanDK
24/07/2017 16:41:33

Xin cám ơn các bạn đã đọc các bài viết cũng như động viên tinh thần để mình tiếp tục sáng tác và có thêm nhiều bài đăng trên trang KGU.



Từ: NghiPH
24/07/2017 07:17:53

Rất kỳ công, rất công phu, rất thú vị, anh Tuấn ơi!



Từ: Guest Phạm thi Thơ
04/07/2017 17:40:26

Nghĩa tình nặng với Núi Sông,


Với quê Cha, Đất Tổ, với Lòng Biết ơn.


Nhớ xưa bên ánh trăng vàng,


Nghe Cha ngâm kể tích nàng Trưng Vương:


Chùa Bối Linh nơi Nàng nương nấu,


 Hẹn đến ngày quật khởi cùng nhau.


Bao câu chuyện ẩn sâu trong trầm tích,


Được anh Tuấn khơi tìm sáng tỏ đục, trong.


Thương Anh qua bao Đất, bao Làng,


Kỳ công tìm lại gian nan,


Hạt vàng anh gửi cho người K-GU.


Đọc xong mà nước mắt lưng tròng. Em xin cảm ơn anh chị Tuấn Lý thật nhiều.


Em xin được gửi anh chị Tuấn Lý bản nhạc Hungarian Sonata theo đường Link:


https:/www.youtube.com/watch?v=P_F-7x3UbEM


 



Từ: ThoaNP
04/07/2017 10:40:58

Lâu lắm rồi em mới lại được đọc những dòng thơ mộc mạc, súc tích của anh Tuấn trên Chợ KGU. Cảm ơn anh và Lý. Thấy anh ra thơ là em mừng - như vậy là anh chị vẫn khỏe, bình an. Em chờ đọc tiếp truyện thơ ...


@hoaNT: sao ko vao Google mà down ảnh Chùa Bối Linh? 



Từ: HoaNT
04/07/2017 09:04:25

Đã lâu nhất là sau khi về hưu mình chẳng mấy khi vào trang KGU viết bài mặc dù ngày nào cũng lướt vào trang này để xem xem có gì mới không. Bỗng nhiên tối hôm trước em Hạnh LT viết thư nhờ post bài cho anh Tuân DK mình hưi lo vì lâu rồi quên cách post và cũng chẳng có ảnh. Hôm qua con gái anh chị Tuán-Lý gọi điện nhờ thế là mình post lên luôn để mọi người KGU cùng đọc. Không có nhiều ảnh của chùa Bối Linh mặc dù mình cùng người KGU đã được gia đình anh chị Tuấn-Lý đưa đến đây tham quan và giới thiệu rất tỷ mỷ. Qua nhiều năm tháng chùa không được tu bổ nhiều nên cũng chỉ có 1 ảnh phía trước chùa trông còn giữ lại nét xưa. Mình sẽ cố gắng tìm Allbum có nhưng ảnh này. Nhân tiện có mấy ảnh chụp hôm Du xuân ở Huế cùng anh chị Tuấn-Lý mình cũng post lên để gửi Lý xem luôn nhé. Phải nói là tập thơ này anh Tuấn đã từ lâu ấp ủ viết nên anh cũng đã có rất nhiều tư liệu về ngôi chùa này và anh cũng rất tâm huyết, kỳ công viết nên những lời thơ lục bát thật ngọt ngào, lắng đọng về ngôi chùa ngay trên quê hương mình. Tập thơ sẽ được hoàn chỉnh và đưa dần lên trang KGU. Cám ơn anh Tuấn DK cùng vợ đã biên soạn, sáng tác tập thơ hay và có giá trị. Anh chị cứ viết và gửi cho mình để đăng tiếp nhé.



Từ: HuongNT
04/07/2017 06:35:19

Cám ơn anh Đỗ Khắc Tuấn rất nhiều đã kì công viết nên truyện thơ "Truyện chùa Bối Linh". Đọc lời dẫn của anh nói về cố đô Phong Châu của đất Văn Lang xưa đã rất hay và thú vị rồi. Để viết được truyện thơ này anh đã phải nghiên cứu các tư liệu từ Ngọc phả các đình, chùa, miếu mạo... mà người giúp anh làm tất cả nhg việc đó không ai khác là chị Lý rồi nên cũng cám ơn chị Lý rất nhiều!



Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7169
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s