KGU Poetry
KGU Tạo bài viết  
Chọn
Thứ năm 20 Tháng bẩy. 2017

TRUYỆN CHÙA BỐI LINH (SỐ 3)




Tác giả: TuanDK

 

Đương quyền Thái thú bấy nay

Viên quan người Hán thực tay cáo già

Tham lam vơ vét ngọc ngà

Chẳng quên chước quỷ, mưu ma giữ mình

Biết hàng Lạc tướng bất bình

Tất mầm loạn sẽ nảy sinh chốn này

Chi bằng hãy sớm ra tay

Muốn trừ rắn, phải đánh ngay dập đầu

Điểm qua Lạc tướng, Lạc hầu

Họ Trưng đã khiến Luy Lâu đề phòng

Hùng Vương hậu duệ chính dòng

Là niềm hy vọng trong lòng dân Man

“Thủ tiêu là kế khôn ngoan

Tràng cười đắc ý theo làn gió bay

Thiệp hồng trân trọng trao tay

Mời Trưng Lạc tướng đúng ngày… vào dinh

Vẻ ngoài vồn vã thân tình

Cỗ bàn thịnh soạn, rượu bình chứa chan

Văn chương sôi nổi luận bàn

Ngỡ như khắp cả thế gian tâm đầu

Ai ngờ kế hiểm mưu sâu

Một liều độc dược nhuộm màu quỳnh tương

Ngấm ngầm hủy hoại thịt xương

Lương y danh tiếng bốn phương lắc đầu

Bệnh tình hành hạ đớn đau

Hơi tàn, Lạc tướng đôi câu dặn dò

Từng lời chen giữa cơn ho:

“Nghiệp nhà Hùng phải gắng lo phục hồi

Từ nay bà hãy thay tôi

Giúp con nối chí, rạng ngời Tổ tông!”

Nén đau, ghé sát tai chồng

Thì thầm…, bà cố ngăn dòng lệ sa

Bên giường: Trắc, Nhị, Ún Ba

Ôm nhau run rẩy khóc òa hồi lâu

Dịu êm tay mẹ xoa đầu

Dạ đau xót dạ, lời âu yếm lời:

“Nín đi đừng khóc con ơi

Thương cha, con hãy nhớ lời cha khuyên

Mai ngày con mẹ lớn lên

Diệt loài cướp nước, đáp đền núi sông

Phục hồi vương nghiệp cha ông

Cũng là đền đáp tấm lòng mẹ cha!”

Mấy ngày bận rộn tang gia

Tin buồn theo gió, lan xa cuối trời

Lạc hầu, Lạc tướng khắp nơi

Về Mê Linh tiễn biệt người ra đi

Trầm buồn khúc nhạc chia ly

Trống đồng nức nở, tinh kỳ thôi reo

Khăn tang buốt giá trời chiều

Oán hờn theo bước đồng liêu() ra về

Trời đêm mưa gió não nề

Bên bàn nhỏ vẫn thường kê gần giường

Ban thờ mờ tỏ khói hương

Bà thầm suy tính chặng đường ngày mai

Bầy con là cả tương lai

Biết rằng phía trước chông gai đang chờ

Ngắm từng gương mặt con thơ

Sáng bừng lên với giấc mơ thiên thần

Miệng cười như nụ hoa xuân

Cõi lòng mẹ cũng đôi phần nguôi ngoai

Các con tiến bước dặm dài

Giang sơn một gánh trên vai nặng nề

Anh linh cha sẽ tìm về

Độ trì giữ trọn lời thề nước non

Bắt tay lo cuộc vuông tròn

Tâm, tài, trí, dũng ngọn nguồn thành công

Chồi non đợi giọt nắng hồng

Bé thơ khôn lớn cậy trông đức thầy

Trong hàng kẻ sĩ nơi đây

Thầy Đỗ Năng Tế bậc thầy văn chương.

Bạn đời: Cô Tạ Cẩn Nương

Tiếng tăm đã nổi trên trường võ lâm

Một nhà văn, võ uyên thâm

Khởi nguồn chung một chữ “tâm” sáng ngời

Văn cho rộng mở chân trời

Võ rèn đợi thế đợi thời lập công

Đêm trường suy xét sâu nông

Bà Mèn Thiện quyết qua sông đón thầy

Sắm sanh lễ vật đủ đầy

Sớm ra thẳng hướng non Tây khởi hành

Đường qua bát ngát đồng xanh

Dạt dào sông Cái mát lành phù sa

Xóm thôn rợp bóng tre ngà

Xanh rờn bãi mía, mượt mà ngàn dâu

Đất này còn của mình đâu

Ngắm nhìn lại thấy nỗi đau tràn trề

Sắt son quyết giữ lời thề

Theo đàn chim lạc gửi về chân mây

Dừng chân trước cổng nhà thầy

Bên bờ râm bụt nở đầy hoa tươi

Niềm vui Người đã gặp Người

Tràn trong ánh mắt, nụ cười đầu tiên

Tầm sư, kẻ muốn cầu hiền

Tạ lòng, người nguyện đáp đền tri ân.

Tiệc vui, chủ khách quây quần

Rượu nồng cạn chén kết thân hai nhà

Đường về, lòng nở muôn hoa

Lúa xanh nắng trải, tre ngà gió reo

Đò đưa khoan nhặt mái chèo

Hạc bầy thả tiếng trong veo lưng trời

Ý thơ xao động lòng người

Thầy Năng Tế khẽ cất lời ngâm nga

Lời thơ theo gió bay xa

Giãi cùng non nước bao la chút tình.

Dinh nhà Lạc tướng Mê Linh

Nhìn ngoài vẫn vẻ yên bình xưa nay

Lầu cao phấp phới cờ bay

Gia nhân vẫn việc hàng ngày lo toan

Ai hay dưới mái nhà quan

Một niềm hy vọng ngập tràn từ nay

Bầy con đã được cô thầy

Văn rèn võ tập ngày ngày chăm lo

Chữ Khoa Đẩu với chữ Nho

Xinh xinh ba miệng nhỏ to đánh vần

Bút đưa sớm tối chuyên cần

Từng trang chữ viết đã dần lên tay

Dẫu chưa phượng múa rồng bay

Chân phương nét chữ cô thầy ngợi khen.

Trăng khuya thức với dế mèn

Đèn khuya thức với chị em học bài

Ơn thầy dạy dỗ hôm mai

Những trang sách mở chân trời mênh mông

Mắt nhìn Nam Bắc Tây Đông

Núi như thấp xuống, dòng sông bớt dài

Vững tin bước tới tương lai

Nước non xin nguyện chung vai dốc lòng

Võ văn nhịp bước song song

Tay gươm đã dẻo, mắt trông thêm tường

Hiệu cờ phất nhẹ trong sương

Cánh cung gia bảo đã giương hết tầm.

Đầu tên ngập giữa hồng tâm

Khiến người nổi tiếng võ lâm gật đầu

Chị em nhường nhịn trước sau

Võ công chẳng chịu kém nhau ngón nào

Ún Ba tuổi nhỏ chí cao

Mai ngày cứu nước công lao góp phần

Hai nàng đang độ thanh xuân

Nở nang vóc dáng, trắng ngần làn da

Nụ cười tươi rói như hoa

Mịn màng suối tóc buông xòa lưng ong

Tình xuân dào dạt trong lòng

Hoa thơm mơ một cánh ong hiền hòa

Vẫn không quên nỗi nước nhà

Mong làm Thánh Gióng tre ngà diệt Ân

Ước làm Thánh Tản cầm quân

Loa thành lại có nỏ thần An Dương

Đứng lên phục nghiệp Hùng Vương

Văn Lang ta lại hùng cường từ đây.

Niềm vui lòng mẹ lòng thầy

Dâng trào như sóng đêm ngày Hát giang

Dung nhan tướng mạo hai nàng

Đã mang hình bóng những trang anh hùng

Tháng ngày lửa hận nấu nung

Phải chăng tới lúc cháy bùng đồng khô...                          

                                               ĐKT

                                          (Còn nữa)

 



Đồng liêu: Là những người có cùng chức quan. Ở đây chỉ các Lạc hầu, Lạc tướng tới dự lễ tang Lạc tướng Trương Định.


Người post: TuanDK

Ngày đăng: 20-07-2017 16:04






Xem 1 - 10 của tổng số 11 Comments


Trang:  1 | 2 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Từ: Guest Pt Thơ
29/07/2017 20:47:25

Em xin cảm ơn anh Tuấn đã chỉ dạy. Xin cảm ơn Anh.



Từ: TuanDK
27/07/2017 09:36:39

 


 


 


Bạn Pt Thơ thân mến!


Vì câu đối viết theo hàng dọc nên người ta không dùng dấu phẩy (,) ở giữa câu mà để người đọc tự ngắt ý.


Trong câu đối thì quy tắc đối được quy định rất chặt chẽ:


- Từng từ hoặc cụm từ ở 2 vế phải đối nhau về thanh (bằng đối với trắc và ngược lại).


- Đối từ loại (ở 2 vế từ loại phải giống nhau và đối ý). Ý có thể cùng nghĩa hoặc ngược nghĩa nhau.


Hai cụm từ “hiện thuần lương” và “thanh tịnh địa” mà bạn chép chỉ đối nhau về thanh, còn về từ loại và ý thì không đối vì “hiện” là động từ, “thuần lương” vừa là tính từ, vừa là danh từ. Còn “thanh tịnh” là tính từ và “địa” (nghĩa là “đất”) là danh từ. Các phần còn lại của 2 vế đối nhau rất chỉnh.


* Còn 1 phương án nữa là sửa 3 chữ trong ngoặc kép thành “thành tĩnh địa” sẽ rất đối nhau và 2 cụm từ nói trên ở 2 vế sẽ có ý nghĩa là: “Thể hiện lương tâm thuần khiết” đối với “Trở thành miền đất yên tĩnh, bình an”. Song điều đó có đúng với thực tế câu đối ở chùa hay không thì mình không rõ.


Theo mình, nếu có điều kiện, bạn quay trở lại chùa Long Sơn và chụp ảnh câu đối đó thì sẽ rõ sự nhầm lẫn ở đâu thôi.


Pháp danh của Thầy là Thiện Hội có nghĩa là “cuộc gặp gỡ tốt lành”, còn pháp danh của mẹ bạn là Diệu Minh có nghĩa là sự sáng suốt diệu kỳ.


 Chúc bạn may mắn và cám ơn bạn nhiều.


 


 


 


 


 


 



Từ: Guest Pt Thơ
24/07/2017 22:29:14

Em xin chào anh Tuấn. Em nhận được chia sẻ của anh cùng chia sẻ của các anh chị khác đối với em thật là quý. Thưa anh Tuấn. Câu đầu tiên có thể là: Mỹ Thiện hiện thuần lương phong thủy hòa dung minh diệu pháp. Không biết như vậy thì đã đúng chưa, Thưa anh Tuấn?


Có một kỷ niệm ở cổng chùa này ạ của mẹ em. Hôm câu đối này được viết thì mẹ em ở xa về thăm Thầy. Vừa gặp mẹ, Thầy quát: - Tuyết. Quỳ Xuống. Mẹ em quỳ ngay. Thầy bảo: - Sao lâu rồi mà không viết thư cho Thầy. Mẹ em vừa quỳ vừa nói lí do. Thầy nghe xong thì bảo: - Thôi. Đứng dậy đi. Thầy tên Thiện Hội ạ, mẹ em thì thầy đặt tên (pháp danh) là Diệu Minh.


Thưa quý anh chị Người KGU và quý khách. Những chia sẻ của em luôn mang tính cá nhân, góc nhìn của em, nên khi các anh chị thấy sai ở đâu xin chỉ ngay cho em, em xin cảm ơn thật nhiều ạ.



Từ: NghiPH
24/07/2017 07:43:15

Anh Tuấn khắc họa Trưng Trắc, Trưng Nhị thời thanh xuân đẹp quá:


Hai nàng đang độ thanh xuân
Nở nang vóc dáng, trắng ngần làn da
Nụ cười tươi rói như hoa
Mịn màng suối tóc buông xòa lưng ong


Lần đầu tiên tôi được biết hai bà có một em trai tuổi nhỏ, trí cao.


 



Từ: Guest TuanDK
23/07/2017 22:36:25

Xin chân thành cảm ơn sự giúp đỡ của bạn Hòa NT, bạn Hạnh LTM, sự động viên nhiệt tình của bạn Hương NT và bạn Đại, sự sốt ruột của anh Khánh T và "hơi lạnh người" của bạn Thơ PT. Xin mời các anh chị và các bạn tiếp tục theo dõi Truyện Chùa Bối Linh của tôi. 


Riêng về đôi câu đối chùa Long Sơn, xin bạn Thơ PT cố nhớ lại hai cụm từ "hiện thuần lương" và "thanh tịnh địa" vì chúng không đối nhau. Song tôi có thể tạm dịch nghĩa hai câu đối đó như sau:


- Làng Mỹ Thiện thể hiện sự thuần lương (hiền lành, lương thiện), phong thủy hòa hợp với sự trong sáng của pháp thuật diệu kỳ nhà Phật.


- Chùa Long Sơn là đất thanh tịnh, nghe trống chuông tùy theo nhận thức mà giác ngộ chân tâm.


 


 



Từ: Guest Pt Thơ
23/07/2017 13:12:09

Anh Tuấn, 3 năm học cấp III, em ở nhờ nhà một người bạn của mẹ em. Cạnh nhà có một ngôi chùa mang tên Long Sơn. Có hai câu đối ở hai bên cổng chùa là: Mỹ Thiện hiện thuần lương, Phong thủy hòa dung minh diệu pháp - Long Sơn thanh tịnh địa cổ chung tùy thức ngộ chơn tâm. Mỹ Thiện là tên của Làng này.



Từ: Guest Đại
23/07/2017 12:31:03




Các bạn à, thế mà đã có lúc ý tưởng bỏ môn lịch được đưa ra thảo luận, đau chưa?




Từ: HoaNT
22/07/2017 19:41:18

Hoan hô anh Tuấn DK đã post được phần 3 bài thơ rồi. Phải nói là tập thơ rất hay cả về nội dung và tài thơ lục bát của tác giả. Một áng thơ về lịch sử của chùa Bối linh được anh Tuấn DK kỳ công thể hiện trong tập thơ này. Tiếp tục đưa lên phần tiếp theo đi anh Tuấn nhé.



Từ: Guest Pt Thơ
22/07/2017 14:44:42

Anh Tuấn, Lần đầu tiên nhìn ảnh minh họa, chắc là Tượng Thờ Hai Bà Trưng, Hai Nàng Trưng Trắc - Trưng Nhị, thú thật em thấy người hơi lạnh và sự Thiêng Liêng đi qua toàn thân. Câu Truyện Thơ thì THẬT TUYỆT. Em cảm thấy anh có niềm vui và hạnh phúc khi em được đọc đến Truyện Chùa Bối Linh Số 3, em rất vui, hai lần kia ẩn em không cảm nhận được. Em xin cảm ơn anh thật nhiều. Em xin cảm ơn chị Lý- một giọng ngâm đã đến đỉnh - thật nhiều. Em nghĩ học sinh Việt Nam mà được đọc "Sách Sử" này sẽ thấy môn sử là môn Học hấp dẫn, lôi cuốn vô cùng. Sẽ yêu những Trang Sử Vàng của người Việt nhiều hơn, Trang Sử phải đi lên bằng máu, nước mắt, và mồ hôi của biết bao thế hệ, 3 thành phần này đã chảy thành Sông Lớn. Chúng ta những thế hệ hôm nay nhất định phải làm được nhiều điều tốt đẹp, để không hổ thẹn, để xứng đáng là Con Lạc Cháu Hồng. Việc viết lại Truyện Thơ này là một việc làm đẹp Đó.


 



Từ: KhanhT
21/07/2017 16:43:30

 


Bản trường ca tuyệt đỉnh, lịch sử con Lạc cháu Hồng còn mãi. Cảm ơn Tuấn-Lý. Đọc xong mỗi bài thấy: "còn nữa", hình như mn cũng có ý chờ chưa còm! Nhưng đến đây sốt quá, phải còm thôi.


 


 




Trang:  1 | 2 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7169
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s