BLOGS  
 
RSS
Chuyện vườn rau 2
Ngày đăng 21/12/2011 12:37:57 bởi NhuanNT

các ACE thân mến, tôi xin kể tiếp những chuyện vụn vặt của vườn rau, xin cảm ơn vì sự quan tâm.

5. Bướm, sâu  và rau

Ở đây, ai  trồng rau cải, bắp cải, su hào thì biết, chẳng lúc nào thiếu sâu rau, dù chim sâu có bắt chút ít... Nhìn thấy mấy cánh bướm trắng chập chờn  trong nắng, xen giữa cỏ hoa, nhà thơ vườn nào đấy có thể viết thành những tứ thơ tuyệt vời.  Khổ nỗi, người làm vườn thấy chúng thật đáng ghét. Chúng sẽ  gieo rắc  rất nhiều sâu, những con sâu  rau xanh ăn rau như tằm ăn lá dâu và lớn nhanh như thổi.

Có cả những chú bướm màu, cho ra những con sâu róm, sâu vằn rất gớm giếc. Người làm vườn mà sợ sâu, cứ thấy sâu là kêu ầm làm ông chủ phải ra bắt sâu giùm. Dần rồi cũng quen. Cô bạn cho một cái kẹp y tế bằng inox bỏ đi, dài cỡ 30 cm, dùng  để bắt sâu rau xanh. Thấy sâu là kẹp lấy rồi dúi xuống đất tuy vẫn có cảm giác ghê ghê khi làm việc giết chóc này. Con sâu cũng quằn quại, chẳng biết có thấy đau không. Sâu, suy cho cùng, cũng là chúng sinh. Cứ theo đạo phật, có 6 nẻo luân hồi để sau khi chết ta trở lại tùy theo hạnh nghiệp của mình ở kiếp này. Đó là Địa ngục,  Súc sinh, Ngạ quỉ, , Atula , Người  và Trời. Không biết sâu bọ thuộc thế giới nào. Người làm vườn vừa giết sâu vừa  lầm bầm “ hóa kiếp  cho mày từ kiếp này thành ra kiếp khác “, thực ra là nhắc lại  những lời bà nội nói mỗi khi bà phải giết gà (bà đã mất cách đây 32 năm). Người làm vườn tin nhân quả, tin luân hồi  nên  không muốn mang tội sát sinh rồi không được làm người . Đến chùa hỏi Thầy, Thầy bảo : Vì kế sinh nhai, có thể giết sâu bọ , nhưng sẽ bị quả báo như  kiến đốt, muỗi cắn v.v. Thế thì ổn rồi, ra vườn ta bị kiến đốt và gai cào thường xuyên. Chuyện nhỏ như con thỏ.  Dù có rau quả sạch cho ta và cho nhiều người thì ta cũng có mắc  chút tội. Bù trừ đi, chắc ta không có lỗi. Chẳng có việc gì toàn thiện cả.

Những điều trên chỉ là suy luận rất trần tục của con người. Thực ra, lọt vào vườn ta như lọt vào thế giới hư vô,  không thời gian, không ao ước, không hờn giận, thậm chí cả mê say cũng không.

6. Possum, hàng xóm khó chịu

Lần đầu thấy cây lê mới trồng chẳng mọc lá vào mùa xuân, tôi đến gần sờ đầu cành mới thấy những lộc non đã bị cắn cụt. Sâu  không thể ăn trụi cả mầm non thế này...

Những lộc non của cây mơ , cây ổi. những cây mới trồng còn bé nhỏ thế mà cũng bị cắn trụi luôn.

Những ngọn susu non không thể bò lên giàn vì cứ bò đến là bị cắn ngay.

Rồi mùa quả đến, những trái mơ chỉ kịp ửng màu vàng là đã bị ăn, vết cắn to, có khi chỉ còn dính lại hạt trên cây. Những trái hồng phải được bọc lại bằng lưới thì mới giữ được cho đến khi chin giòn và ngọt...

Thủ phạm vẫn biệt tăm tuy dấu vết ‘ăn trộm’ thì đầy rẫy.

Tôi than thở với ông bạn người Úc có nhiều kinh nghiệm trồng cây, ông khuyên nên nhặt mấy cục phân của chúng mang ra  cửa hàng bán cây, phân bón và thuốc trừ sâu mà hỏi. Họ sẽ nói cho biết đó là con gì và cách phòng trừ ra sao. Nhưng ông cũng nói, ông đoán đó là con possum.

Rồi có một  tối, tôi phải dùng đèn pin ra vườn hái chanh  và bắt gặp một con hình dáng hơi giống con thỏ, tuy không có tai to, đang ôm gốc cây góc vườn chuẩn bị leo . Thấy động, hắn trốn mất vào trong bụi cây.

Tôi thích thú khoe với hội đồng hương là đã thấy possum trong vườn. Các bác Chí phèo nhà mình vui vẻ  ” Thế thì phải làm bẫy bắt nấu giả cầy thôi, loại chỉ ăn trái cây và búp non thế này chắc thịt ngon phải biết”( ???)

Tra GOOGLE, thấy Possum là giống chuột túi, hoạt động vào ban đêm, sinh con sau hơn 2 tuần được thụ thai. Con rất yếu ớt nhưng được tiếp tục ngậm vú và ở trong ‘túi’  của mẹ trong khoảng 6 tháng, sau đó được mẹ cõng trên lưng khoảng 1-2 tháng. Gần một năm tuổi con mới hoàn toàn được cai sữa, đủ trưởng thành để rời mẹ sống độc lập. Có nhiều giống possum nhưng loại trong vườn nhà là loại đã quen với cuộc sống ’ thành thị văn minh’, thường lục lọi trong vườn, ăn mầm cây và hoa quả, trứng chim,  kể cả đồ thừa trong thùng rác nếu không đậy kỹ khi thiếu thức ăn tự nhiên. Ở thành thị, chúng thường làm tổ giữa trần và mái nhà, gây bao nhiêu rắc rối vì tiếng động, vì chất thải ảnh hưởng đến vật liệu cách ly, dây điện, ống nước, ống điều hòa...

Possum nhà tôi chỉ ở trong vườn nhà,  nơi có nhiều bụi rậm rạp.

Khổ nỗi,  theo luật bảo vệ động vật bản địa ở Nam úc, ta không được mang chúng ra khỏi tổ quá 50m, chưa nói gì đến việc đánh bẫy hay làm đau chúng. Theo họ, con người cũng chỉ là 1 dân cư chung  sống trong cộng đồng gồm nhiều loại động và thực vật khác. Họ có lý vì lũ này rất ngờ ngệch, dễ bị chó mèo cắn, dễ bị xe cán khi lơ ngơ tìm đường về ‘nhà’ và sức cạnh tranh tự nhiên rất kém. . Nếu có một cây hay chỗ nào đó mà mình cần bảo vệ, như cây có trái chẳng hạn, thì mình phải tìm cách rào lại hay dùng dụng cụ điện tử để đuổi chúng đi chứ không được giết chúng.

Thế thì chịu rồi, chúng tôi vẫn phải sống chung với ‘nó’, một hàng xóm vô hình,  trên mảnh vườn nhỏ có rau có trái. Khi mùa trái cây đến, chúng tôi và ‘nó’ chia nhau những trái cây ít ỏi của vườn mình. Possum ăn trước vào ban đêm, phần trái ăn dở lại được chúng tôi gọt bớt đi ăn tiếp vào buổi sáng hô m sau (trong khi supermarket đầy trái cây).  

Nụ cười đã thay cho sự bực mình ngày trước...



Bookmark:

[ Xem thêm Emoticons ]



Xem 11 - 19 của tổng số 19 Comments


<< Đầu tiên  < Trước đó | Trang:  1 | 2 |

Từ: ThongNV
22/12/2011 20:46:41

Gia đình tôi đã 3 năm trồng rau, sau đó bỏ không trồng nữa và giờ đây về hưu hoa lan. Trong ba năm trồng rau, hầu như chúng tôi rất ít phải bắt sâu rau. Hàng xóm nhà tôi rất ngạc nhiên, thực ra không có gì bí mật cả.


1. Khi làm đất, chúng tôi để đất khô, sau đó rắc một lượt vôi bột.


2. Khi cây lên thành lá, ngâm thuốc lào với nước vôi trong phun cho rau.


3. Dùng vợt để bắt bướm vào buổi sáng khi trời mới mọc và khi hoàng hôn xuống.


4. Những cây to (cây ăn quả) chúng tôi dùng vôi tôi trộn với thuốc lào quét xung quanh gốc cây vào đầu mùa xuân.


Chúng tôi làm như thế suốt 3 năm trời, thỉnh thoảng mới có con sâu.



Từ: NhuanNT
22/12/2011 18:58:10

@Bác Nghị, cách bỏ cây là thượng sách đấy. Bọn tui phải chặt những cây hoa, cây bụi có sâu. Chỉ có rau là bắt buộc phải bắt sâu vì mình cần rau, mà sâu rau nếu bắt khi mới xuất hiện thì cũng có thể control được.


@ MM, Cứ mơ thôi, trong mơ cái gì cũng đẹp. Làm được một cái vườn tử tế mệt lắm đấy. Bọn trẻ, con cái bận rộn thường để vườn tược lộn xộn vì đâu có thời gian. Bây giờ ở đây họ cũng chỉ làm nhà trên mảnh đất nhỏ bằng 1/2 ngày trước (300-400 m2), sân còn lại cũng lát gạch, chỉ trồng vài cây gọi là thôi. Chị ngĩ ở VN, ra ngoài xa một chút cũng có vườn đẹp. Chẳng cần nhiều đất, chỉ cần nhiều công và tình yêu cây. Mình nói thế vì ở nhà em mình ở SG, trồng nhiều chậu hoa mà toàn Osin tưới và chăm cây...Làm gì có thời gian



Từ: Meomun
22/12/2011 17:03:56

@aDiện: Thế thì MM phải bắt chước Luther King: I have a dream... À quên không chỉ một dream. 2-3 trong 1: ước gì  tôi được qua Úc để tôi được ước về một mảnh vườn như mơ ước. Laughing



Từ: NghiPH
22/12/2011 16:44:26

Cây nào sâu nấy, rau nào sâu nấy. Chỉ biết cười trừ nhổ luôn cây có sâu thì sâu biết dựa vào đâu mà sổng!Hu hu!



22/12/2011 16:40:50

Meomun ơi, nếu cái ước mơ ấy ở VN quá xa xỉ thì em sang hẳn Úc mơ chắc là ổn.


@anh 3Chai: dạo này nhà em ít sâu rồi. Cây nào nhiều sâu em nhổ luôn. 



Từ: Meomun
22/12/2011 11:33:50

Những rau, quả nào mà chim, thú ăn thì chắc chắn là lành, mình cứ an tâm dùng thôi. Hồi xưa nhà em có cây xoài, đến mùa trái chín, cứ trái nào ngon nhất là chim và cả chuột đến xơi trước. Thấy chuột trèo thoăn thoắt ra gặm xoài mà phục quá!!!


Ước gì có 1 phần cái vườn của anh chị, tuy rằng cái ước mơ ấy ở VN thì quá xa xỉ. Smile



Từ: NghiPH
21/12/2011 19:57:12

Possum cũng có quyền được sống, được ăn, có một chỗ trú ngụ trên thế gian này chứ nhỉ.


Quan niệm về động vật, có ích, động vật có hại, thực vật có ích, thực vật có hại chỉ là rất tương đối. Con người sống giữa muôn loài. Rắn độc có thể cắn ta nhưng chính nó bắt chuột cho ta. Chuột rất có ích cho rắn... Muôn loài sống dựa vào nhau. Bạn hãy tưởng tượng đến một lúc nào đó trái đất không còn mối, kiến, chuột, rắn rết, sâu bọ nữa... Lúc đó, chắc loài người buồn thiu.



Từ: 3Chai
21/12/2011 15:59:25

@Chibietcuoitru. Thủ đoạn phơi sâu ngoài nắng có vẻ tội nhẹ, ít bị muỗi đốt hơn phải không. Có lần nhà tớ trồng một cây keo hoa vàng rất đẹp nhưng nhiều sâu. Nhận lệnh bắt sâu tớ mang theo một hũ nước thả từng con vô đó. Đếm đến 100 con thì chán không muốn đếm nữa. Định thả xuống hồ cho tụi cá mà sợ cá chết ngạt nên chỉ thả xuống đó một góc hũ, số còn lại thì chôn. Sau vụ đó cũng chả thấy bị kiến cắn hay muỗi chích gì cả. Nhưng năm sau đó thay vì thủ tiêu lũ sâu, đành phải hy sinh bụi hoa vàng. Chỗ đó bây giờ là một cây cam.



21/12/2011 14:22:48

Tôi cũng làm vườn nên rất thích đọc các bài viết của chị Nhuận về trồng cây. Ở Úc có những luật mà VN ta cho là dở hơi, như cấm mang thú đí quá 50m. Trước tôi trồng nhiều loại cây. Loại nào có bướm rồi sâu đến thăm là tôi nhổ. Tôi cũng không chịu được thuốc trừ sâu. Vì thế trong vườn giờ chỉ còn khế, lộc vừng, cau và lan. Tôi không thủ tiêu sâu trực tiếp mà bỏ vào cái đĩa to để chúng không bò ra được. Sau đó bỏ ngoài trời. Một số làm thức ăn cho chim, kiến. Số còn lại chết đói hoặc khát.


Cám ơn chị Nhuận nhé. 




<< Đầu tiên  < Trước đó | Trang:  1 | 2 |