BLOGS  
 
RSS
Nhật ký Lý Sơn
Ngày đăng 02/01/2011 17:49:32 bởi 3Chai

3Chai vừa có một chuyến trở về quê, bởi vậy thời gian vừa rồi ít xúât hiện trên mạng. Vẫn lại "vội vã trở về vội vã ra đi" như mọi khi.  Thời gian quá ngắn không ra được miền Bắc, chỉ gặp được một số bạn KGU trong SG. Nhưng đã kịp thực hiện được một trong những mơ ước của mình. Xin chia sẻ lại cùng các bạn

NHẬT KÝ LÝ SƠN

 

Tự bạch về Hải Đội Hoàng Sa, 10/11/10. “Mơ một ngày về Lý Sơn thắp hương những ngôi mộ gió chiến binh Hoàng Sa…”

Minh Châu, 28/11/10. “Chào Quỳnh Hợp ! Anh về quê Quảng Trị mới vào Quảng Ngãi, nhận được mail của Hợp được nghe phần giới thiệu bài hát và tác giả thật xúc động, dù là người đang sống ở Quảng Ngãi đã trực tiếp tổ chức các đợt đi Lý Sơn tìm hiểu về Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa, nhưng để viết một ca khúc đầy cảm xúc như Anh Trần Bắc Hải mình thấy như anh Hải đã từng sống và chiến đấu ở Lý Sơn hay Hoàng Sa vậy. Khúc hát vừa bi hùng vừa tha thiết từ âm nhạc dến ca từ, phải nói đây là bài hát viết về Hoàng Sa mình cảm nhận ngay từ khi được nghe lần đầu! Cho mình thay mặt anh em văn nghệ sĩ Quảng Ngãi gửi đến anh Trần Bắc Hải lời chúc sức khỏe và hẹn ngày anh có điều kiện về thăm Quảng Ngãi, Lý Sơn để cùng đi thăm những nấm mộ gió”.

23/12/10. Máy bay ATR xuất phát từ TSN lúc 9 giờ 25, sau hơn một giờ bay xuống sân bay Chu Lai đã thấy nhân viên hàng không cầm biển “NS Quỳnh Hợp” đứng chờ ở cửa  đưa cả đoàn vào phòng a. Đinh Tấn Phước. Một nhân vật đặc biệt. Tham gia cách mạng từ phong trào sinh viên trước 75. Tiến sĩ Toán học. Một cuộc tự ứng cử đại biểu QH theo lương tâm và hiến pháp nhưng lại không có phép của Đảng đã đẩy anh ra khỏi ngành giáo dục, dạt sang ngành hàng không, trở thành giám đốc một sân bay. Suýt chết trong một chuyến bay của đề tài nghiên cứu áp dụng GBAS cho HKVN tại Canberra. Tác giả vài tập thơ trong đó có “Chạm Bóng”, giải thưởng Liên hiệp các Hội VHNT VN 2009.  Phước tự lái xe đưa chúng tôi thăm Dung Quất, TP Vạn Tường còn đang trong quy hoạch, thăm vùng cửa biển Tịnh Kỳ quê hương của Hải Đội Hoàng Sa, của Trương Đăng Quế, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Văn Trà, Võ Bẩm…, thăm bờ rạch Sơn Mỹ của vụ thảm sát năm nào. Thăm nghĩa trang liệt sĩ mà Phước đau đáu muốn đưa mộ gió của Trần Hải bạn anh vào đó mà chưa thành… Xin nợ anh một bài hát về Trần Hải.

Đến Vạn Tường gặp Nguyễn Minh Châu đang chờ sẵn. Một người đàn ông xứ Huế dáng phong trần với bộ râu và mái tóc rủ gáy, đa tài, tốt nghiệp Nhạc Viện chuyên về đàn bầu, đam mê dân ca miền Trung và nhiều thứ khác. Châu sẽ cùng chúng tôi đồng hành về Lý Sơn, còn Phước phải trở về công việc nhưng hứa sẽ tiếp tục làm tài xế đưa đón chúng tôi từ Chu Lai đi Tịnh Kỳ và trở về. Thấy chúng tôi lo lắng do hành trình quá xít sao thời gian có thể trễ chuyến bay Chu Lai-SG, Phước động viên: “Cứ đi đi, máy bay sẽ chưa xuất phát để chờ các bạn!”

 

24/12/10. Sáu giờ sáng Phước đã đến khách sạn đón chúng tôi trở lại bến Tịnh Kỳ để đi tàu khách ra Lý Sơn. Tàu vượt 26km mất khoảng hơn một  giờ thì tới đảo. Ngô Nghĩa chờ đón ở bến tàu cùng Huỳnh Minh Hồng, Ngô Công Huy, Đặng Huy Tâm, đều là nhân viên của Phòng Văn Hóa Thông Tin huyện, làm tài xế xe ôm kiêm hướng dẫn viên du lịch cho chúng tôi trong một ngày lẽ ra vô cùng bận rộn với những Giáng Sinh, những đám cưới đã có hẹn từ lâu… Việc đầu tiên là phi ngay đến bảo tàng Hải Đội Hoàng Sa. Một bảo tàng vừa thành lập, còn khiêm tốn với tên gọi “Nhà trưng bày”  với tất cả hiện vật đều là phục dựng và phiên bản. Đặng Thị Hiền hướng dẫn chúng tôi xem các hiện vật mà hầu hết đã có từ trước trong tâm trí chúng tôi. Sừng sững một tượng đài Hải Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải. Rưng rưng một đôi chiếu cói, một bó dây mây, một tấm thẻ bài, 7 chiếc nẹp tre.

Vội vàng ghé thăm mộ gió Hữu Nhật nên về đến khách sạn thì Phó Bí thư huyện đảo Nguyễn Tài Luân đã chờ sẵn. Anh nhận việc tại đảo, tuần 1 lần về đất liền thăm nhà. Một cụm 3 đảo nhỏ chưa đầy 10km2 với 20 nghìn dân. Chưa có nhà máy điện, điện sinh hoạt có từ 5 giờ chiều đến 8 giờ sáng, luân phiên mỗi xã tối có tối không. Nguồn nước ngầm lấy chủ yếu từ 2 đầu của Đảo Lớn. Chúng tôi đến mà như trở về giữa bình yên của  tỏi và dừa. Tỏi chen lẫn nhà dân. Tỏi trồng trên cát. Lựa chân giữa những hàng tỏi mà bước đến bên những ngôi mộ gió. Có một trường PTTH, một trung tâm y tế, tất cả đều còn rất đơn sơ, như ở phần lớn các miền quê khác. Một ngọn núi lửa cũ sừng sững trên Đảo Lớn. Chân núi một tòa tượng Phật vừa dựng bằng công quả của phật tử Australia. Lưng núi một ngôi chùa có từ 1963. Lên tới đỉnh thì thấy thung lũng xanh có đàn bò thung dung gặm cỏ, nhiều vệt cây cỏ xanh đậm chắc là có khe suối dưới đó nhưng thời gian ít quá chúng tôi không xuống được. Thăm chùa Hang ở phía bên kia đảo, muốn tới được thì phải từ trên đồi đi xuống gần mép nước. Những bàng vuông cổ thụ (ở đây gọi là bàng phễu), những phong ba, mù cu (hải tùng)… là thực vật quen thuộc với xứ đảo mọc sát biển, trên vách đá…, nhưng vào giữa đảo thì vẫn là những mận (roi), ổi, dừa… cây trái quen thuộc của vườn quê miền Trung.    

Đến thăm tộc họ Phạm của cụ Quang Ảnh. Nhà chỉ còn 2 ông bà già, 5 người con đều đi làm ăn xa trong đất liền. Trong vườn là mộ gió của cụ Quang Ảnh cùng toàn bộ đội thuyền viên 8 người đã ra đi trong một chuyến cuối cùng.

Đến thăm tộc họ Đặng, những người đã có công lưu giữ được sắc chỉ Nhà Vua năm Ất Mùi (1835) cử đội thuyền 24 người ra Hoàng Sa. Đau lòng nghe kể đã từng có nhiều sắc chỉ và tài liệu lịch sử khác trên đảo bị mất trong thời gian xung đột Việt Trung 1979-1980. Bàn thờ tộc họ đặt ngay trong nhà ở. Người đàn ông chủ nhà thì đang đi làm ăn trong Tây Ninh, còn lại người em giữ nhà. Anh mời hai ông chú lớn tuổi đến tiếp chúng tôi ngồi trên chiếu cói trải giữa nhà trước bàn thờ. Toàn bộ số tiền giải thưởng của Hội Âm nhạc cho ca khúc Hải Đội Hoàng Sa được chúng tôi trao lại cho gia đình là quá nhỏ nhoi so với những gì họ đã làm cho đất nước, những gì mà họ còn đang thiếu thốn trong cuộc sống hiện tại.

 

25/12/10. Tám giờ sáng lên tàu khách về đất liền. Chuyến về biển lặng mặc dù đài báo biển sắp động và ngày mai sẽ không có tàu khách nào được ra khơi. Câu chuyện hành trình về Lý Sơn tưởng sắp hết thì khép lại với 2 sự kiện. Trong khi chen chúc giữa lòng tàu để tìm đúng số ghế ngồi, điện thoại và máy chụp hình của mình bị rớt lúc nào không biết. Một nhà sư bỗng kêu to: “Màn hình của ai! Màn hình của ai!”. Xin lại máy ảnh thì tái mặt không thấy điện thoại mà trong đó là rất nhiều số liệu. Minh Châu bật ngay điện thoại gọi số của mình, theo tiếng chuông reo thì lấy lại được điện thoại từ một vị hành khách đang loay hoay tìm cách mở/tắt máy. Bỏ chỗ ngồi lên boong sau hóng gió. Gặp Felix, một anh chàng người Mạc Xây hôm qua đi cùng chuyến với mình ra đảo. Chàng khoe cuốn sổ có rất nhiều hình đen trắng do ông nội anh ta chụp nửa thế kỷ trước ở VN, trong đó có hình 5 người thợ lặn. Ông nội Felix đam mê lặn và quay phim, chụp hình dưới nước. Muốn tìm lại những người bạn lặn ngoài Cù Lao Ré, nhưng cụ đã lìa đời mà ước nguyện không thành. Felix chỉ có cuốn sổ. Anh đến Lý Sơn chìa chúng ra cho những người dân đầu tiên anh gặp trên bến cảng. Họ đưa anh đi vào cuộc tìm. Và cuối cùng đã tìm đến người thợ lặn duy nhất còn sống. Cụ viết một dòng giản dị vào sổ tay của Felix: “Tên tôi là Đặng Văn Xang, địa chỉ…”. Còn tấm hình nhân vật bày? Felix nói anh đã bóc ra tặng cụ Xang mất rồi.

Tạm biệt Lý Sơn. Tạm biệt Hoàng Sa. Tạm biệt Phước, Châu, Nghĩa…, những người bạn mới gặp lần đầu. Quỳnh Hợp bảo: “Chuyến đi này đúng là phải có người phù hộ mới được nhiều may mắn và thương yêu như vậy”. Còn tôi, chưa bao giờ thấy tận mắt sức mạnh của âm nhạc như 2 ngày qua. Sẽ nhớ mãi chuyến đi mà trên từng bước chân âm vang nhạc khúc “Hải Đội Hoàng Sa” bi hùng. Nếu đến Lý Sơn, bạn nhớ ghé thăm nhà bảo tàng Hải Đội Hoàng Sa. Tôi sẽ đón bạn ở đó cùng bài hát ấy.

 

Tags: HoangSa LySon



Bookmark:

[ Xem thêm Emoticons ]



Xem 11 - 11 của tổng số 11 Comments


<< Đầu tiên  < Trước đó | Trang:  1 | 2 |

Từ: camtumai
02/01/2011 18:09:58

Chúc mừng Đệ đã thực hiện được ước mơ "một ngày về Lý Sơn thắp hương những ngôi mộ gió chiến binh Hoàng Sa…”




<< Đầu tiên  < Trước đó | Trang:  1 | 2 |