Vậy là đã bước sang năm Quý Tỵ - năm tuổi của bạn và của tôi, vừa tròn một chu kỳ 60 năm, còn gọi là “Vận Niên Lục Giáp" hay “Lục Thập Hoa Giáp” theo Âm lịch. Đây thực sự là một cái mốc đáng nhớ của một đời người, bởi ít mấy ai trong đời được chiêm nghiệm cái chu kỳ này lặp lại lần thứ hai!
Mẹ kể: mẹ đã sinh tôi vào nửa đêm 19 – rạng sáng ngày 20 tháng 11 năm Quý Tỵ (nay quy ra Dương lịch chính xác là ngày 25 tháng 12 năm 1953), khi ấy mẹ vừa tròn 20 tuổi, tôi là con thứ hai, nhưng là con trai đầu trong nhà. Năm ấy là năm “phát động giảm tô”, “cải cách ruộng đất”. Ông bà ngoại tôi vốn người Hà Nội gốc, do ông ngoại tôi mất sớm, bà ngoại tôi mang mẹ tôi còn rất nhỏ theo bạn bè lên thị xã Tuyên Quang. Gặp người tâm đầu ý hợp, bà đi bước nữa.
Tuyên Quang ngày ấy thuộc chiến khu Việt Bắc. Khi Tây đánh lên Tuyên Quang, bà ngoại tôi theo gia đình sơ tán về quê của ông ngoại kế của tôi, cách thị xã trên 80 km, ngày ấy có tên là xã Thái Nguyên, huyên Yên Bình, tỉnh Tuyên Quang , tức là xã Bảo Ái, huyên Yên Bình, tỉnh Yên Bái quê tôi bây giờ (do từ sau khi hoà bình lập lại, chia tỉnh, huyện Yên Bình của tôi vốn từ lâu đời thuộc tỉnh Tuyên Quang đã được cắt về Yên Bái). Tại đây, bố mẹ tôi đã gặp nhau, thương yêu nhau và nên nghĩa vợ chồng.
Đêm mẹ trở dạ sinh tôi, bố tôi đi dân công chiến dịch Nghĩa Lộ từ mấy hôm trước, rất xa nhà, nên không thể liên lạc gì. Bà ngoại tôi ở rất gần, nhưng không thể đến trông con gái trở dạ sinh cháu, do Cụ thân sinh của ông ngoại kế tôi bị “quy” là địa chủ, nên “Đội cải cách” đã ngăn không cho con dâu của Cụ, tức là bà ngoại tôi, ra khỏi nhà! Không nhà hộ sinh, không bà đỡ, chỉ căn nhà sàn lạnh buốt giữa đêm đông và mẹ tôi đã sinh ra tôi trên căn nhà sàn đơn sơ ấy. Bà nội tôi đã cắt rốn cho tôi bằng cái “lẹm” (mảnh tre, nứa vót sắc, nhọn)!
Ông nội có gốc gác mấy đời từ Cao Bằng sang đây lập nghiệp. Ông tôi lấy hai bà, ông lấy bà cả hơn chục năm không có con, rồi ông mới lấy bà hai, tức là bà nội ruột của tôi. Bà nội ngày ấy có thể gọi là rất “hiếm” con, chỉ có một bác gái và bố tôi, cả hai lại đều rất hăng hái tham gia kháng chiến. Giờ có thằng “cháu đích tôn”, nên ông tôi rất mừng! Phải mấy tháng sau, bố tôi mới làm Giấy khai sinh cho tôi tại “Uỷ ban Kháng chiến Hành chính” của xã (tôi còn nhớ Giấy khai sinh ấy bằng tờ giấy như “giấy bản”, có dấu của “Uỷ ban Kháng chiến Hành chính” hẳn hoi và “chữ ký” - đúng hơn là dấu lăn tay của cái ông làm ở “Uỷ ban” - vốn dĩ là thành viên của“Đội cải cách”). Có lẽ, chẳng ai nhớ rõ và có thể “quy đổi” ngày sinh của tôi theo Âm lịch ra Dương lịch thế nào, nên người ta “ghi đại” cho tôi sinh ngày 12 tháng 1 năm 1954.
Tuổi Quý Tỵ còn quá nhỏ, không nhớ những gì đã xảy ra ngày Hoà bình lập lại ở Miền Bắc, và những năm đầu khi Đất nước bị chia cắt. Gần 10 năm Hoà bình gắn liền tuổi học trò…Năm 1959, chị tôi lên 7 tuổi đi học vỡ lòng, tôi mới hơn 5 tuổi (vẫn mang Giấy khai sinh 1954) thường chạy lon ton theo chị đến lớp. Đứng ngoài liếp nghe thầy giảng bài, tôi lẩm nhẩm theo và nhanh chóng thuộc hết những bài học của lũ trẻ. Thầy dạy vỡ lòng là một ông bác họ của tôi, thấy thằng bé có vẻ “sáng dạ” nên đã cho tôi vào lớp cùng học với chị. Rồi hai chị em tôi cùng học hết cấp I, xã chưa có trường cấp II, hai chị em tôi đã được bố mẹ gửi sang Tuyên Quang ở nhờ bà ngoại và ông ngoại kế cùng các cậu, dì cho đi học tiếp.
Chị em tôi đang học lớp 5 thì Mỹ bắt đầu ném bom miền Bắc, gia đình ngoại và bố mẹ tôi không yên tâm để mấy đứa trẻ ở thị thành, nên hết lớp 5 chị em tôi được đưa về quê nghỉ hè và ở lại nhà luôn. Rất may là năm ấy ở xã Tân Phong (Cảm Ân) bên cạnh bắt đầu mở Trường cấp II, trường sơ tán trong rừng. Chúng tôi, lũ trẻ 11-12 tuổi phải dựng lều trại để ở. Chúng tôi phải thay phiên hôm thì về nhà, hôm thì ở lại lán trại vì đường xá đi lại rất khó khăn, không thể ngày nào cũng trèo đèo, lội suối trên dưới hai chục cây số.
Thế rồi tôi lên cấp III. Có một “sự cố ngày sinh” làm tôi suýt không được vào lớp 8. Chả là khi ấy “quy định” phải sinh vào năm 1953 trở về trước mới đủ tuổi vào học cấp III, mà theo Giấy khai sinh thì tôi lại sinh vào năm 1954! May mà bố tôi làm việc ở Uỷ ban xã nên mới nhờ đổi được Giấy khai sinh cho tôi thành ngày 1 tháng 12 năm 1953 và Trường cũng chấp nhận (hoán vị đơn giản ngày/ tháng của Giấy khai sinh cũ, chứ có ai biết lịch mà quy đổi chính xác đâu).
Chiến tranh phá hoại của Mỹ ngày càng ác liệt. Quê tôi nằm giữa đập thuỷ điện Thác Bà, sân bay quân sự Yên Bái, đường tàu Lào Cai - Hà Nội và con đường 13C (nay là Quốc lộ 70) huyết mạch cho tiếp viện ra tiền tuyến, nên máy bay địch bắn phá hết sức điên cuồng. Trường cấp III Thác Bà sơ tán của chúng tôi nằm giữa rừng sâu. Lại tiếp tục những năm tháng lều trại, thiếu thốn đủ thứ. Gia đình chúng tôi dần dần đông thêm, thành tất cả là 9 chị em. Nói sao hết được những khó khăn ngày ấy, nhưng bố mẹ đã chắt chiu, hết lòng nuôi từng đứa chúng tôi cho ăn học. Rồi 3 năm học cấp III gian khổ đối với tôi cũng qua đi.
Những ngày ấy, đã xảy ra một biến cố hết sức lớn lao đối với vận mệnh của Đất nước và của cả Dân tộc ta: Bác Hồ mất, đúng lúc chúng tôi sắp bước vào lớp 10, lớp học cuối cấp. Chúng tôi vẫn nhớ như in, ngày ấy chúng tôi và cả nước đã khóc thương Bác rất nhiều. Ngày 20 tháng 5 năm 1970, một ngày sau ngày Sinh nhật Bác, hàng chục bạn lớp 10 của tôi (được đặc cách tốt nghiệp) đã lên đường theo lệnh Tổng động viên (cùng bao chàng trai cô gái khác trong cả nước). Một trong những lý do không cho tôi được cùng bạn bè lên đường nhập ngũ lại chính là “ngày sinh rắc rối” của tôi: Tôi thiếu mất vài tháng tuổi, do quy định: ai sinh trước này 30 tháng 9 năm 1953 thì đủ tuổi, “được” đi! Lý do khác là tôi đã được Ban Tuyển sinh Tỉnh chọn từ học kỳ I, lớp 10 (cả trường tôi chỉ có tôi và 1 bạn nữa) cho đi thi để đi học nước ngoài. Dù tôi đã có “đơn xin nhập ngũ” cũng chẳng cho, họ bảo: thiếu tuổi, hè cho đi thi, nếu không đỗ thì đi bộ đội, vẫn kịp!
Thế rồi tôi thi đỗ, được sang Liên Xô. K70-76 KGU của chúng tôi gồm 39 người thì đa số sinh vào năm Quý Tỵ - 1953, chỉ có một số ít sinh 1952 (hay trước đó) và một số ít sinh 1954. Chả thế mà lớp tôi có đến 2 bạn Tỵ, đành phải phân biệt là TỵA và TyB. Rồi K71-77 và cả 72-78 và các K sau cũng có “lác đác” những bạn tuổi Quý Tỵ (như: 3Chai, MinhNX, LanhDN…). Các bạn “Tỵ” ấy chủ yếu cũng đã đi bộ đội rồi lại được cử đi học nước ngoài. Chúng tôi thật may mắn học xong trở về, khi chiến tranh đã kết thúc, Miền Nam được giải phóng và Non Sông đã được thống nhất!
Tôi không hề tin vào tử vi, có xem cũng chỉ để cho vui. Tôi thường nghĩ, chẳng lẽ trên thế gian này có 12 con giáp tức là nếu dân số trên Trái Đất hôm nay là trên 7 tỷ người, thì bình quân có đến gần 600 triệu dân cùng tuổi một con giáp. Nếu tính cả Can - Chi thì riêng Quý Tỵ - Năm tuổi tôi và của bạn thì Trái Đất cũng có đến 120 triệu người! Các bạn đồng niên Quý Tỵ của tôi có biết không? Có lần tình cờ mình đọc ở đâu đó thấy số tử vi của Tuổi Tỵ (bao gồm Ât Tỵ, Đinh Tỵ, Kỷ Tỵ, Tân Tỵ và Quý Tỵ): “Người sinh Năm Rắn sẽ phải “quằn quại” suốt cuộc đời!” Mình vẫn thầm nhủ, trong 12 con giáp ấy, ai mà không phải “quằn quại” cơ chứ?
Đến hôm nay, thì hầu hết các bạn nữ tuổi Quý Tỵ của tôi đã được về “nghỉ chế độ”. Còn các bạn nam thì cũng vào ngưỡng cửa “được thông báo”. Nhìn ra thế giới thì “anh bạn đồng niên” Tony Blair đã kịp làm mấy nhiệm kỳ Thủ tướng Anh và đang vui vẻ “nghỉ hưu” để kiếm bộn tiền nhờ tài hùng biện của mình. Rồi “Tập đồng chí” - đồng niên Quý Tỵ của tôi, cũng vừa trở thành “Lãnh tụ Tối cao” của Người khổng lồ hàng xóm…Rồi cả đồng chí Bá Thanh nữa, tuổi 60 với anh mới chỉ là một sự bắt đầu…
Bất giác, tôi nghĩ về những người bạn học cấp III của mình đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường Quảng Trị và những mảnh đất thân yêu khác của Tổ Quốc…Tôi lại nhớ về những người bạn tuổi Quý Tỵ lớp tôi cấp III, của KGU đã đi xa…Riêng tôi thì tôi đã và đang bắt đầu một vài công việc mới trước ngưỡng cửa của “Vận Niên Lục Giáp”của mình. Tôi thầm nhủ, có thể như thế vẫn là chưa muộn. Người ta thường nói: Thà muộn còn hơn chẳng bao giờ!
Ngày 13. 2. 2013 (Tức 4 Tết Quý Tỵ).