BLOGS  
 
RSS
NHÀ MÁY CHÁO
Ngày đăng 26/08/2011 11:46:46 bởi LyTM

Lớn lên, đi đâu, được hỏi về quê quán, trả lời rồi, gần như được câu nói kèm rất ngộ nghĩnh: à dân nhà máy cháo. Nhưng khi vừa ở quê ra, tôi còn chưa hiểu từ này, cứ nghĩ vẩn vơ, sao ở đâu có nhà máy cháo nhỉ? Hóa ra là Thái Bình được các tỉnh thành bạn gọi như vậy. Đã có người tỏ vẻ bực mình, còn tôi thì thấy thật thú vị. Tuổi thơ gắn liền với bữa rau, bữa cháo. Những lúc đang đói bụng, trời lạnh được húp một bát cháo loãng, còn nguyên hạt gạo vừa dai vừa ngậy và nước cháo sánh có dăm cọng hành tươi, sao mà ngon ngọt thế. Nhiều nhà có cháo đã là niềm hạnh phúc. Chả thế mà rất nhiều vùng quê có cháo, cháo nấu theo nhiều kiểu. Cháo hành Thị Nở đã đi vào văn học. Nhưng cháo ấy chỉ cho Thị và Chí. Còn quê tôi nhà máy cháo là tên gọi cho cả tỉnh- cho đến hơn hai triệu dân Thái Bình. Nếu năm Ất Dậu có nhà máy cháo chắc không có hàng chục ngàn con người gục ngã ở mọi nẻo đường mà hương hồn không biết bây giờ trôi dạt phương nào?

Nhà máy cháo- thực ra sau này tôi được chỉ rõ là Khách sạn Sông Trà lộng lẫy bên bờ sông Trà Lý thơ mộng. Nó nguyên là cửa hàng ăn của Nhà nước thời bao cấp, có bán cháo các loại. Tôi đã từng ăn cháo ở đó, ăn cháo ở Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hòa Bình, Đắc lắc,... nhiều gánh cháo quê do các bà, các mẹ gốc Thái Bình nấu bán. Chả biết cái tên Nhà máy cháo có từ khi nào? các ACE KGu có ai rành về tên này không? nhưng tôi rất thích tên này. Có thể nó gắn với món ăn dân giã, với đồng quê. Nó là hiện thân của hạt gạo trắng ngần có mồ hôi của người trồng cấy, có hạt muối mặn mòi của những người dân cháy nắng với nước biển, có tình yêu thương khi giữ ngọn lửa không làm trào cháo, có cả hơi ấm của mùi rơm thơm và cọng hành xanh từ vườn nhà,... Thân thương lắm tên Nhà máy cháo!

Đến bây giờ, có mì ăn liền, cháo ăn liền, phở ăn liền, cao lương mỹ vị, có đủ thứ, nhưng hương vị nồi cháo quê khi sổ mũi, nhức đầu, khi tháng ba ngày tám bồ không còn thóc,... sẽ mãi còn với tôi, chắc cũng còn trong tâm tưởng của nhiều ACE khác và các vùng quê khác. Tháng Tám mùa Thu đã về, trời thu xanh và cánh đồng lúa đang làm đòng sẽ hứa hẹn mùa bội thu, chắc ai cũng muốn về quê ăn bát cháo gạo mới!



Bookmark:

[ Xem thêm Emoticons ]



Xem 21 - 30 của tổng số 35 Comments



Từ: LyMX
27/08/2011 18:05:56

"Nhà máy cháo ngút trời khói tỏa


Bến cầu Bo rộn rã tiếng cạo nồi"


Hai câu thơ này tôi nghe  được từ một anh bạn người Thái Lọ dạy cùng Trường ĐH CN Thái Nguyên  cách đây hơn 30 năm. Anh ấy rất gầy. Tôi cũng không rõ là có phải do thời trẻ anh ấy ăn nhiều cháo quá không.


Nhân bác Tổng Nghị nhắc đến Phạm Tuân, tôi xin chép ra mấy câu sau:


Phạm Tuân quê ở Thái Bình


Chỉ vì đói kém dứt tình ra đi


Sao không xin lấy ít mì


Bay vào vũ trụ làm gì hả Tuân?


Chúc các bạn cuối tuần vui vẻ.



Từ: 3Chai
27/08/2011 14:19:08

Cảm ơn Phư. Cô lái đò chắc là xinh xắn lắm. Có thể duyệt làm nhân vật của thi đàn KGU được không?


Email của mình là tranbachai@yahoo.com.


 



Từ: PhuND
27/08/2011 12:44:18


ACE KGU mến! Ngày xưa ở đơn vị mình, Phư nghe anh bạn là người Thị xã Thài Bình nói: Vì có 01kg gao, người TB chỉ nấu cháo thì ăn mới đủ. Nhà Phư có 02 cọc chèo và 03 cháu rễ là người TB mà không dám hỏi vì sợ mếch lòng. Vậy thực hư ra sao?


@ DienPT, ở vùng TSN có cháo lươn Vinh rất ngon. Hẹn rồi anh mời đi thưởng thức.


@HaiTB, Tìm mãi chả thấy hộp thư Email của anh, Phư gửi lời BẾN CỎ MAY - version 01. Anh tham khảo.


BẾN CỎ MAY


            &nb sp;       Nguyễn Đình Phư


 


Lời 1.


Bến Cỏ May độc khách nhỡ nhàng


Muộn sông, muộn bến, muộn đò ngang


Gió lưng trời từng cơn lướt thướt


Cả một chiều tím buốt cỏ may...


 


Bỗng Thiên thần – Cô lái đò xuất hiện


Bến Cỏ May khách đã có thuyền sang


Dù đã chiều rất muộn – Bến đò ngang.


Hoa cỏ may một màu tím biếc !


 


ĐIỆP KHÚC:


Bến Cỏ May, chiều nay cũng tím


Anh tìm Em - cô gái lái đò xưa


Em đã sang ngang hay vẫn chưa?


Bịn rịn lòng anh - người Lữ khách.


 


Lời 2.


Bến Cỏ May độc khách nhỡ nhàng


Muộn sông, muộn bến, muộn đò ngang


Gió lưng trời từng cơn lướt thướt


Cả một chiều tím buốt cỏ may...


 


Có ai hay, thương người lữ khách,


Thiên thần Em chấp cánh qua sông


Để chiều về tím biếc mênh mông


Hoa cỏ may theo người nhung nhớ.


 



Từ: 3Chai
27/08/2011 09:46:21

CHÁO CỎ MAY VÀ BẾN CỎ MAY


Chợ KGU đang đắt khách món Cỏ May, nay lại thêm món Nhà Máy Cháo Thái Bình. Vậy 2 món này có liên hệ gì với nhau hay không?


Sáng nay ngồi uống trà vợ chồng nói chuyện KGU. Mới biết ngày còn sống, mẹ vợ mình kể những năm đói đã phải đi vặt cỏ may về vò, quạt ra hạt, rồi giã ra ra mà nấu cháo ăn cầm hơi.


***


Mình đang viết dở giai điệu cho ca khúc "Bến Cỏ May", định nhờ các nhà thơ KGU viết giúp ca từ.


Ca từ là một thể loại thơ đặc biệt, ở VN chưa có nhiều nhà thơ chú ý tìm hiểu, nên thường là nhạc sĩ phải tìm bài thơ có sẵn rồi viết nhạc vào, chứ không theo cách thông thường ở các nước nói tiếng Nga, tiếng Anh, tiếng Pháp... là nhạc viết trước, ca từ viết sau.


Nói ra thì dài, nhưng những điều then chốt nhất như sau. So với thơ thông thường, ca từ thường giản dị hơn, kiệm lời hơn, dễ phát âm, dễ hiểu, dễ nhớ, đôi khi phải lặp lại, láy lại để in vào trí nhớ người nghe. Khi viết ca từ, nhà thơ cần cố gắng thả thanh, nhả vần, đếm chữ sao cho các khổ thơ có thể dùng chung giai điệu. Một bài thơ có thể dài cả trang hay nhiều trang, nhưng ca từ chỉ để hát trong vòng 3-4 phút. Bài thơ để đọc bằng mắt. Ca từ để nghe bằng tai. Bởi vậy mới có các yêu cầu KIỆM LỜI và DỄ HIỂU.


Bến Cỏ May độc khách nhỡ nhàng


Muộn sông, muộn bến, muộn đò ngang


Gió lưng trời từng cơn lướt thướt


Cả một chiều tím buốt cỏ may...


 


Chúc các nhà thơ KGU thật nhiều may.


 


 


 


 


 



Từ: HaiNV
27/08/2011 06:55:29

Đọc bài của em Lý về một vùng quê có "đặc sản" là cháo lại thấy mắt cay cay. Thái Bình cũng như cả nước chúng ta đã trải qua những thời kỳ khó khăn, gian khổ nhất để có ngày hôm nay. Lại nhớ câu thơ của bác Tố Hữu:


...Nghèo rau cháo, từng lon gạo bữa


   Dành cho ta chút sữa cầm hơi... 


Ngày ấy,Thái Bình phải cầm hơi bằng cháo (không phải cháo cá, cháo lươn, cháo thịt...như ngày nay) còn quê tôi miền núi thì:


...Thương nhau chia củ sắn lùi


Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng... 


Nhân mấy bạn nhắc đến câu:


Thái Đen, Thái Trắng, Thái Bình...


Tôi xin được hỏi:


Trong ba Thái ấy thì mình yêu ai? 



Từ: NghiPH
27/08/2011 06:37:32

Thái Bình là tỉnh 3 mặt giáp sông, một mặt giáp biển. Đây là mảnh đất của những con người kiên cường, tài giỏi trong mọi lĩnh vực. Trong Nam Bộ, tỉnh Bến Tre (quê hương cụ Đồ Chiểu, quê hương Nữ tướng Nguyễn Thị Định, quê hương Đồng  Khởi; có món thịt chuột dừa rất thơm ngon…) cũng  có  vị thế địa lý gần tương tự. 


Ngoài nhà máy cháo, ổi bo, Thái Bình còn nổi tiếng với nhiều  điều khác:


-         Có món gỏi nhệch (trệch) rất ngon (tôi đã được ăn ở Diêm Điền);


-         Có bánh cuốn nhân tôm Diêm Điền (Bánh cuốn mà cuộn nhân tôm/Mới ăn buổi sớm đến hôm lại thèm!


-         Tắm ở  Đồng Châu có phù sa phủ lên da thịt rất khoái (tôi đã tắm cách đây 10 năm đến bây giờ nghĩ lại vẫn cảm thấy sướng, sắp tới tôi sẽ quay về nơi này làm một quả tắm bùn);


-         Có bánh cáy rất thơm ngon (chưa biết sự tích thế nào);


-         Có canh bánh đa cá rô rất tuyệt;


-         Có Chùa Keo rất đẹp (phía đối diện, bên Nam Định cũng có Chùa Keo nhưng không dẹp bằng);


-         Nhiều năm dân Thái Bình “cứ thích” đi qua phà Tân Đệ cho mát mẻ (chưa muốn xây cầu);


-         “Không thèm” có núi, có đồi;


-         Có đến 4 sông chảy qua, có 4 cửa sông lớn. Có khá nhiều cồn: Cồn Vành, Cồn Thủ, Cồn Đen;


-         Các cô gái Thái Thụy có giọng nói to, bước đi rất mạnh mẽ, rung chuyển trời đất (theo cảm nhận cá nhân sau một tuần ở Thái Thụy);


-         Là nơi đầu tiên ở Việt  Nam  khai thác hơi đốt;


-         Trong lòng đất có bể than nâu (có nhà khoa học nói: Cứ khai thác, khai thác đến đâu cho cát vào thay);


-         Tiền  Hải gắn với khởi nghĩa nông dân của Phan Bá Vành, gắn với  chiến công khai khẩn đất đai của doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ;


-         Nơi phát sinh phong trào Năm tấn; quê hương của Bài ca Năm tấn nổi tiếng khắp đất nước. Trong bài hát này nhạc sĩ rất giỏi đưa vào các hình ảnh: Tình tình ơi này! Lo nước ấy phải đắp bờ. Ta lo phân phải chăm bao đầu lợn ấy. Muốn bông lúa to phải lo chọn giống gì. Nhớ câu xưa: nhị thục nhất thì. Nhiều công chăm bón ơ ơ. Cây gì, cây gì chẳng lớn ra. Hoa đỗ cũng thể hoa cà. Tình tình ơi này, hoa đỗ cũng thể hoa cà. Thương hoa xanh chẳng quên hoa vàng nhạt ấy… (rất lãng mạn);


-         Có hệ thống đường nông thôn (nói rộng ra là Điện- Đường- Trường- Trạm) đẹp sớm nhất cả nước;


-         Có phong trào làm phát sinh quy định của Chính phủ về dân chủ ở cơ sở (nay là Pháp lệnh về dân chủ ở cấp xã);


-         Có nhà bác học bách khoa Lê Quý Đôn;


-         Có Trần Thủ Độ đa mưu, tài giỏi, có công đầu lập ra triều Trần;


-         Có Bùi Viện- sứ thần đầu tiên của Việt Nam đến Hoa Kỳ;


-         Có chị Nguyễn Thị Chiên anh hùng quân đội nhân dân đầu tiên (anh hùng gái), tay không bắt giặc;


-         Có ông “cố vấn” nổi tiếng Vũ  Ngọc Nhạ lừng danh;


-         Có trung tướng Trần Độ (chụp được một bộ ảnh về quê Thái Bình rất đẹp);


-         Có hai người cắm cờ nổi tiếng: Người cắm cờ trên nóc hầm Đờ Cát vào ngày 7/5/1954 và Người cắm cờ trên nóc Dinh Độc Lập vào ngày 30/4/1975;


-         Có anh Phạm Tuân (có nụ cười rất xinh) bắn rơi “pháo đài bay” B52 của không quân Hoa Kỳ,  “chân dép lốp mà bay vào vũ trụ” cùng Gorbatcô;


-         Người Thái Bình đang có mặt khắp đất nước, khắp thế gới. Miền núi phía Bắc, Miền Trung và Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, Đông Nam bộ và Sài Gòn… Ở đâu bà con Thái Bình cũng làm ăn giỏi, thành đạt; 


-         Có 3 nữ sĩ nổi tiếng Hội Nguoi KGU


………


Ai biết thêm điều gì,  xin liệt kê tiếp nhé.



Từ: ThoaNP
27/08/2011 02:11:45

Trong Nam ai về các tỉnh miền Tây (Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, An Giang, ...) đều hay thưởng thức cháo cá, ăn với một số loại rau, đặc biệt là rau đắng (hình dạng gần giống như rau sam ngoài Bắc nhưng thân và lá mảnh hơn, ít nhựa hơn, hình như còn gọi là rau sắng; có câu "Còn thương rau đắng mọc sau hè"). Cháo cá thường nấu cá quả (cá lóc), ăn rất ngon và rất tăng tình đoàn kết. Cứ tưởng tượng, một xe đi đường xa thấm mệt, ghé quán cháo bên đường. Chủ bưng ra nguyên 1 nồi cháo to, 1 con cá lớn, mấy đĩa rau, giá, ớt, ... Mọi người xì xụp múc cháo ăn từng chén, đến hết nồi mới thôi, ... Tụi mình thỉnh thoảng đưa SV đi thực địa, hầu như không lần nào không ăn cháo cá, có lần ăn lúc nửa đêm, về đến SG là 4-5 giờ sáng, chén cháo ấm lòng cho đến tận nhà.



Từ: LyTM
26/08/2011 22:51:55

Em chào anh Giảng, thế ra anh cùng quê ông xã nhà em đấy, Bình Lục- lụt ngày xưa, bây giờ hết rồi! Anh phải gọi theo tên mới cho TB thôi, hoặc dân Zigan hoặc dân Nhà máy cháo. Em còn nghe câu, Thái đen, Thái trắng, Thái bình- 3 Thái đồng tình, chặt hết rừng xanh- Vì vậy các bác môi trường ghét như đào đất đổ đi, hi hi.


Xã em có một cây cầu, đi qua ngày xưa phải bò vì sợ ngã nên có câu: Thái Bình có cái cầu Bo, Thượng Hiền có cái cầu bò ông Am- vì tên xã và cầu ở làng em thế!



Từ: GiangHV
26/08/2011 22:10:56


Chào Lý! Anh có một anh đồng nghiệp khá thân (người được phong hàm Giáo sư ở độ tuổi trẻ nhất của Bộ NN & PTNT cho đến thời điểm này), quê Quỳnh Côi-Thái Bình, từ nhỏ theo gia đình lên Tủa Chùa-Lai Châu xây dựng quê hương mới. Sau khi tốt nghiệp phổ thông anh về xuôi học đại học (tại địa điểm sơ tán tận Quảng Ninh), thế là hè hay Tết anh không về Lai Châu (nghe đâu phải đi đường mất ít nhất 10 ngày cả đi lẫn về, trong đó có 2 ngày phải đi bộ), mà về quê Thái Bình. Thế rồi lấy luôn vợ tại quê, nay gia đình sống ở Xuân Mai - Hà Nội (Hà Tây cũ). Anh luôn nhớ về hai quê gắn bó với tuổi thơ của anh như sau:


  "Thái Bình là đất ăn chơi; Tay gậy, tay bị khắp nơi tung hoành".


Và " Thái Đen, Thái Trắng, Thái Bình; Ba Thái đồng tình bóp chết Lai Châu" (đúng ra phải là xây dựng Lai Châu). 


Lý à! Vào khoảng năm1960 hay 1961 gì đó anh đã được ăn cỗ cưới ở khách sạn Cầu Bo rồi đấy. Theo anh hiểu thì đó là KS Sông Trà (như em gọi trong bài viết này). Nhưng hồi đó dân quê anh lại gọi nó là KS Cầu Bo vì nó nằm ngay chân dốc lên Cầu Bo cũ (bị sập do dân chúng đứng trên cầu quá đông để xem trò chơi gì đó diễn ra trên sông Trà Lý nhân 2-9 hay 1-5). Anh quê Hà Nam, song hồi nhỏ lại rất hay được bố mẹ cho xuống TX Thái Bình chơi với bà con họ hàng (đi bằng canô theo sông Hồng, rồi rẽ vào sông Trà), nên tuổi thơ cũng gắn bó với Thái Bình lắm. 




Từ: LyTM
26/08/2011 20:40:15

Chỉ biết cười trừ, em chưa ăn cháo Thái Bình thì đã mất đi không biết bao nhiêu % của cuộc đời rồi! Đùa thôi, cháo lươn Nghệ An, Ninh Bình,.. đều ngon!


MoN, yêu quê Mẹ thì có gì lạ đâu! Nhưng cám ơn em vì khẩu hiệu rất rõ ràng đấy.


Nga ơi, nếu có dịp về TB nhưng mà bây giờ chắc không còn chị Hai ngày xưa đâu! Chỉ có các chị Hai còm nhom thôi!


Đát TB mầu mỡ nên rất trù phú, dân đông nên đã thành Zigan, lang thang khắp nơi Nga không biết tên nhà máy cháo à!


Huyền, em cứ về mà túm thêm một số người giỏi toàn quốc về cho Thái Bình,  chỉ có cái túm được nhưng em có ở nhà mà giữ không? Anh Tổng và MoN đi qua nhà giao sách bác Lập cho chị, gọi điện trêu em Mun, tiếc là không gọi được cho Huyền!