BLOGS  
 
RSS
LŨY TRE LÀNG
Ngày đăng 18/10/2011 20:57:37 bởi LyTM

Hôm vừa rồi về quê, tôi lại một lần nữa sững sờ, buồn,...! Lũy tre cuối cùng ở cạnh ngõ đã không còn. Lũy tre đã chứng kiến những ngày hạnh phúc giản dị, hò hét vang trời của bọn trẻ đằm mình dưới sông, bắt cua bắt cáy, chứng kiến những tối hò hẹn của những đôi trai gái trong làng,...đã không còn lũy tre ấy! Con đê ven sông mọc đầy cỏ may và hoa cúc dại vàng giờ không còn mảnh mai, nhỏ bé, bao bọc dòng sông nhỏ nữa! Cả xóm đã chung nhau đóng góp làm thành một con đường rải nhựa, có quyên góp một chút từ những người con xa quê! Xe ô tô đã có thể đậu ngay đầu ngõ! Đê đã rộng và đẹp, nhưng con sông quê như nhỏ lại, dòng nước lững lờ trôi, buồn bã,... Không còn nữa bóng mát rủ xuống của lũy tre, cái lũy tre luôn ngạo nghễ trước những trận bão giông, trước những cơn gió đông lạnh giá, oằn mình với cơn mưa rào mùa hạ, suốt ngày đầy tiếng chim hót ríu rít. Hết rồi, những tiếng reo vi vút mỗi buổi chiều hè đón gió nồm nam. Lũy tre với hàng thân cây to óng ả, với những gióng tre ngà vàng như màu nắng, cao vút để nhỏ dần với những tán lá xanh, đựng đầy những giọt nắng vàng trên cao, nhưng vẫn đu đưa, soi bóng xuống dòng sông hiền hòa, để làn nước trong xanh chảy đi với hình ảnh mềm mại của bóng tre. Hết rồi những mắt tre sù sì với mấy cành lá nhỏ, những búp măng nhỏ xíu nhú theo năm tháng. Hết rồi những cây măng mọc thẳng, mập mạp, trồi lên từ mặt đất cứng đanh. Hết rồi những gốc tre gân guốc, sù sì như cố nhỏ lại để dành chỗ cho măng, cho mầm sống mới đâm chồi. Chẳng còn những cánh tay tre quấn quýt, bao bọc, bảo vệ những cây măng non nớt, ngây thơ khỏi gió táp, khỏi nắng và cả những cánh tay tham lam định bẻ chúng! Ngày tháng trôi, những cây măng lớn lên, mập mạp thẳng, vút cao thành những cây tre cường tráng, để lại nhún nhường soi bóng, làm điệu với dòng sông và gọi măng mọc tiếp. Chẳng biết từ lúc nào, chẳng cần chăm sóc, tưới tắm,... bụi tre lớn dần, đã tỏa bóng thành một khóm tre bao bọc, quấn quýt nhau, ngày đêm hiên ngang dưới trời nắng, gió, đón sương và mưa bão,...Những cây to và thẳng đôi lúc đã trở thành những vật dụng trong nhà, thành một trong những thanh rui, mè,... để những căn nhà mới ra đời, thành chõng tre để ông ngồi chơi hút thuốc với mấy ông hàng xóm, chiêu chè xanh dưới ánh trăng, những câu chuyện xóm làng đầy tiếng cười sảng khoái,... Những cây tre có thể thành rổ, rá, thành cái đòn càn, đòn gánh,... cho người nông dân, khuya sớm oằn vai gánh vác thóc, lúa,...Vậy mà bụi tre ấy không còn nữa, cả lũy tre không còn nữa. Không còn nữa những thời khắc sau mưa, đứng dưới bụi tre có vài giọt mưa còn đọng trên lá rớt mát lạnh xuống cổ, xuống mặt,...Bờ tre ra đi để một khoảng trống phơi ra một mảng trời, làm trống đi một góc ấm áp của quê hương, làm trống một màu xanh dịu hiền, một bóng râm mát mùa hè, mất rồi, chỉ còn màu vàng cứng cáp trong thẳm sâu ký ức của tôi, đứa con xa quê khi trở về! Thấy nao nao! Ngày càng vắng bóng những lũy tre, những lũy tre bao bọc xóm làng Việt, nơi mà cây tre già nhường chỗ cho măng mọc ấy đã vắng dần, vắng dần trong những làng quê Việt Nam!



Bookmark:

[ Xem thêm Emoticons ]



Xem 21 - 30 của tổng số 37 Comments



Từ: NguyetTM
25/10/2011 10:09:17

Anh Giảng kể chuyện lũy tre làng quê anh cũng mê, chị Thoa tả về Làng tre Phú an cũng tuyệt. Tạm thời mọi người chưa có cơ hội đến tận nơi để chiêm ngưỡng thì các anh chị nếu có ảnh nên post lên mạng KGU nhé. Rât sung sướng được chia sẻ với mọi người về lũy tre xanh của đồng quê Việt Nam. Em đi nhiều nơi và thấy tre cũng có ở một số nước khác nhưng cảm giác là chỉ có tre ở Việt Nam là đẹp nhất thôi. Có lẽ bầu trời Việt Nam hợp với hình ảnh cây tre hơn thì phải. Hay là mình lại mắc bệnh... thiên vị rồi ???!!!


@Chị Thoa ơi, em muốn liên lạc với chị qua mail mà tìm trong thông tin thành viên không có của chị. Trong khi đó thông tin của chi Hoa chiếm 2 ô luôn. Em chúc mừng nhóm các chị đã gặt hái được thành công trong việc nghiên cứu rễ tre làng ứng dụng cho công nghệ môi trường. Viện Công nghệ Môi trường của Viện KH&CN VN cũng có đề tài gì đó liên quan đến tro của tre trúc, nhưng mà chưa rõ kết quả lắm thì phải. Chị ơi cho em địa chỉ Email để em hỏi chị một số vân đề về MOF nhé. Em cảm ơn chị ah. Địa chỉ của em là Tranminhnguyet@hotmail.com


 



Từ: LyTM
25/10/2011 05:46:00

@ anh Giảng, em rất mừng là quê anh vẫn còn nguyên cảnh rặng tre xanh với ngôi chùa cổ kính! nếu gần Bình Lục, khi nào về quê ông xã, em muốn qua để vãn cảnh chùa, thắp hương vái Phật! nhà ông xã em gần Chùa Đọi Sơn, nơi ấy thật đẹp, em đã lên thắp hương ở Chùa 2 lần rồi! Anh viết bài Về Chùa quê anh lên trang nhất đi! anh viết lành như người quê Bình Lục nhà em ấy! Cám ơn anh đã động viên và giúp đỡ Hoa khi về nguồn! Anh thật tốt và hiền với bè bạn! Em chúc anh và gia đình khỏe, vui và luôn may mắn!


@ chị Thoa, thật may là các chị nghiên cứu ra được những ích lợi từ cây tre! Như thế thì tre sẽ được giữ lại để làm trong sạch dòng nước mát và chống bão, xói mòn, lại còn sử dụng như nhiên liệu, làm pin, làm gỗ nhân tạo,...


Em cảm ơn nhà nghiên cứu đã cho biết nhiều về tre VN, vào MN em sẽ đi thăm mới được! Cuối tuần này em vào Bà rịa- Vũng tàu, chắc sẽ sắp xếp ở HCM 1 buổi, em sẽ gọi điện để gặp chị!


@ Nguyệt, hẹn thế nha, khi được nghỉ bọn mình về các quê chơi đấy! hóa ra Nguyệt xa quê lúc đó còn nhỏ, nên thành người thành phố sớm mà! bạn lên Hà Nội 1974, khi Thanh trì còn đầy lũy tre xanh!



Từ: ThoaNP
24/10/2011 23:26:57

Mọi người ơi, ai thương nhớ làng tre Việt Nam, nếu có dịp vào Nam xin ghé "Làng tre Phú An". Mọi người cứ gõ chữ đó trong Google là sẽ ra 1 loạt bài giới thiệu. Ở đây mình trích 2 link của Tuổi trẻ.


Nếu mọi người muốn đi thì có thể alô cho mình để mình thu xếp. Chị Mỹ Hạnh, nhân vật chính thai nghén và thực hiện làng tre này cũng là bạn tụi mình. Chị ấy dạy ở Khoa Sinh vật trường mình. Mọi người chịu khó đọc các bài bên dưới để biết thêm nhé. Chị Hạnh đã nhận được giải thưởng của LHQ về dự án này và được mời sang tận buổi họp trao giải của Đại Hội đồng LHQ ở New York khoảng tháng 9/2010 (trong buổi đó có đại diện hàng trăm nước/vùng lãnh thổ, nhưng chỉ có 2 người VN là chị Hạnh và CT nước NMTriết).


http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/Phong-su-Ky-su/246757/Ba-tien-si-Tay-hoc-va-lang-tre.html


http://tuoitre.vn/Van-hoa-Giai-tri/401591/Lang-Tre-Viet-Nam-nhan-giai-cua-UNDP.html


Bên cạnh tô điểm đất nước Việt Nam, ..., tre còn rất nhiều lợi ích mà các nhà khoa học đang dần khám phá. Mình là dân Hóa nên cũng xin cung cấp cho các bạn ít thông tin: - bộ rễ một số loại tre giúp xử lý ô nhiễm các mạch nước ngầm rất tốt, nhất là các kim loại nặng như chì, ...; - mấy CB trẻ ở khoa Hóa và Khoa VL trường mình từ nhiều năm nay đã nghiên cứu vật liệu composite có sử dụng tre (hợp tác với Pháp và đã được cấp Patent của Pháp); - ở Lab mình cũng đang có hướng NC làm một số màng trao đổi proton cho pin nhiên liệu có sử dụng tre; ...



Từ: GiangHV
24/10/2011 22:57:14

Tôi sinh ra và lớn lên tại một ngôi nhà tổ thuộc khuôn viên của một ngôi chùa, vì bố tôi là một ông đồ nho được dân làng tín nhiệm mời ra trông coi chùa và chủ trì việc lễ bái cho dân làng. Chùa nằm giữa cánh đồng, cách làng chừng gần 1 km và được bao bọc ba mặt (sau và hai bên) bởi những rặng tre rất dầy. Hồi tôi còn nhỏ, các rặng tre này còn là nơi cò về trú ngụ hàng năm, mỗi năm khoảng 1 tháng, nên rất vui. Còn nhớ, vào đầu buổi chiều ngày 11 tháng 7 năm 1971, trước khi xuống TP Nam Định (hồi đó Nam Định và Hà Nam còn chung một tỉnh) để sáng hôm sau tập trung theo tỉnh lên Hà Nội chuẩn bị đi học nước ngoài, tôi đã đứng rất lâu (có nước mắt rơi) dưới tán của một khóm tre rất lớn ở cổng chùa (cũng là cổng nhà) mà không muốn bước chân ra đi. Có hai người KGU đã tới nhà tôi tại quê thăm gia đình tôi khi tôi còn đang ở Kis, đó là anh Nguyễn Thế Thịnh-OB77(vào mùa hè năm 1974) và anh Ngô Xuân Mạnh-OB76 (vào mùa thu 1976). Có lẽ các anh cũng đã được chiêm ngưỡng cảnh chùa làng tôi, ở đó có các rặng tre xanh tốt. Rất may là các rặng tre này hiên nay vẫn đang còn, cho dù chúng không được tươi tốt như xưa và không còn là nơi trú ngụ của cò nữa. Vào tháng 3 vừa rồi vợ chồng tôi có đưa 2 con dâu về quê để ra mắt họ hàng (2 cháu đều sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, trở thành con dâu chúng tôi cách nhau có đúng 2 tháng). Khi xe cách nhà chừng 2 km, tôi chỉ cho các con một khu vực xanh um được bao quanh bằng tre nằm giữa cánh đồng và nói:”các con ơi, nhà mình đó”. Hiện nay em trai út tôi tiếp tục sống tại đây và thay bố tôi trông coi ngôi chùa này



Từ: NguyetTM
23/10/2011 13:49:26

Lý à, Nguyệt lên Hà Nội từ hè năm 1971 để bắt đầu học lớp 8,9,10 chuyên toán tại Đại học sư phạm HaNoi mà. Vì vậy tính đến bây giờ là hơn 40 năm rồi !!! Lý học cấp 3 ở quê nên đi từ 1974 là đúng rồi.Hết năm 2012  ta sẽ nghỉ hưu nên cùng nhau đi về quê chơi nhé.


 



Từ: LyTM
23/10/2011 08:59:27

Nguyệt, để năm tới bạn được nghỉ sẽ đi du lịch cùng nhau nhé, cả hội mấy đứa bọn mình, chơi ở các quê và ăn đồ quê! Nhưng sao Nguyệt đi trước mình nhỉ- bọn mình rời quê năm 1974 mới 37 năm thôi! nói hơn 40 năm làm giật cả mình! hi hi, giề quá rồi! Còn việc truyền thông bảo tồn phong cảnh Việt, mình nghĩ chắc anh Tổng cần có chiến dịch môi trường rộng hơn, vì tre chống xói mòn và bão nữa! như MN anh Thịnh nói đã có khu bảo tồn các loại tre! thực ra, ngay ở quê bên Nga, ngày bọn mình chả đi thăm làng Nga cổ là gì! nếu có người đầu tư ở các địa phương lưu giữ những cây cối, phong cảnh và đồ vật cổ, các gian nhà cổ thuần Việt chắc đông khách lắm! KGu mới có bạn Châu HM đứng ra bảo tồn và duy trì ca trù thôi! Chưa có người viết hay xây dựng công trình điển hình để bảo tồn và duy trì các phong tục, truyền thống đạo đức thuần Việt, các đạo lý tôn ty trật tự, gia phong. Bây giờ, bão lốc gía và thị trường hóa làm đảo lộn nhiều thứ quá! chưa kể khai thác các thứ như khí đốt và than ở vùng đất mỏng như váng mỡ ở Thái Bình, rồi nhà máy thép,... độc hại cho con người cao hơn là nguồn lợi! cũng buồn lắm!



Từ: NguyetTM
23/10/2011 01:29:44

Lý ơi, khi nào rảnh rang thì đi du lịch về các quê cho vui nhé. Mỗi khi về quê nhìn thấy cỏ mọc um tùm cũng đã thấy sung sướng rồi. Xuất thân từ nhà quê nên ta vẫn yêu từng ngọn cỏ, yêu từng củ xu hào, yêu từng quả ớt xanh...Có thể vì mình xa quê lâu rồi (hơn 40 năm rồi) nên mối lần quay trở lại, trong chúng ta vẫn còn nguyên kỷ niệm xưa và yêu quê lắm. Bà con mình xưa nay vẫn bên lũy tre làng, quanh năm vất vả với ruộng vườn nên cứ tưởng đó là nguyên nhân của sự vất vả, do đó  không thấy hết được vẻ đẹp của đồng quê. Thường xuyên quá nên cũng thành"nhàm chán mà" nên có khóm tre khóm trúc nào bị chặt trụi đi thì cũng cho là thường thôi. Thực ra là các cụ cũng yêu quê lắm. Nhưng đó là tình yêu đang bị ngủ yên. Tình yêu đang bị che khuất bởi cuộc sống khó khăn thường ngày. Cũng may mà dù sao ở quê vẫn còn rộng rãi nên bà con chưa cảm thấy bức bách về môi trường. Mình từ thành phố về mới thấy hai lá phổi cần không kí trong lành của đồng quê như thế nào. Nguyêt nghĩ rằng mình cần có những thông tin tuyền bá sâu rộng hơn về ý thức và kiến thức bảo vệ thiên nhiên, bảo tồn sinh thái đối với các vùng nông thôn Lý nhỉ.



Từ: LyTM
22/10/2011 11:47:26

Hi Nguyệt! nếu sông bên nhà Nguyệt còn nguyên rặng tre thì đẹp lắm, mát và nên thơ! Bên bạn tiếc quá, mấy ông bà cứ nghĩ tre chả làm gì nên chặt dần chặt mòn, đến bây giờ còn ít lắm! chả bù cho ngày xưa, bao vây cả vườn nhà, cả bờ sông, cả làng, chỗ nào cũng rặng tre xanh! Mỗi năm bạn về đến chục lần, nhưng mà về lần này thấy ngõ trống hoang thì ra lũy tre đã bị chặt hết! tiếc hùi hụt, mà ở quê thì chả ai tiếc, có chăng chỉ người đi xa về thôi! May mà đất đai quê bạn vẫn rộng, chắc tha phương nhiều mà! nhà bạn có đến hơn 7 sào vẫn là vườn, có điện, đang làm nước máy! Chỉ thích ở quê thôi!


 



Từ: NguyetTM
22/10/2011 11:26:59

Lý ơi, quê ta cũng có dòng sông lớn (Sông Thái Bình - phân nhánh của sông Luộc) chảy qua, hai bên bờ sông cũng nhiều tre nhièu trúc, nhiều ổi và chuối. Nước sông mùa hè thường màu đỏ vì mang nặng phù sa, mùa thu thì nước trong, dòng chảy lững lờ. Thỉnh thoảng về quê ta cũng thường ngắm lại cảnh sông nước quê ta để nhớ lại thời thơ ấu. Sông quê ta bây giờ vẫn đẹp, tre quê ta vẫn mọc xanh um, chỉ thấy chuối là có vẻ ít đi nhiều (chắc bà con không thích ăn chuối nữa), mỗi khi đi trên con đê làng, ta vẫn cảm thấy vẻ đẹp tĩnh lặng nguyên sơ của một vùng quê. Ta định bụng rằng ít nữa về hưu sẽ về quê nhiều hơn để hưởng lạc cái không gian "quê mùa" ấy. 


Nguyệt xin chia sẻ với Lý và các anh chị về những vùng quê đã đổi thay. Tuy nhiên những thay đổi cũng có tính hai mặt. Ngoài những điều làm mọi người nuối tiếc kỷ niệm xưa hay sự giảm bớt tính thiên nhiên của các vùng quê thì cũng đáng mừng là bà con ở những nơi ấy cũng đã được hưởng một phần "đô thị hóa". Làm thế nào để cân bằng được sự phát triển và bảo tồn sinh thái ? Đó là vấn đề quá lớn và càng lớn đối với nền văn hóa nông thôn. Trách nhiệm không chỉ của riêng ai. Nếu ai có cơ duyên xin hãy cùng nhau giữ gìn non sông đất nước mình mãi mãi tươi đẹp. 



Từ: LyTM
19/10/2011 20:25:51

LyTM em cám ơn chị Hải, anh Thịnh, anh Hải, anh Thông đã ghé thăm chia sẻ về lũy tre làng đã mất! Xin làm mấy câu gọi là thơ để tiếc lũy tre cạnh đầu ngõ đã không còn:


Không còn lũy tre ven sông,


Trống hoang một vạt trời trong tim buồn!


Bao nhiêu kỷ niệm thân thương,


Lũy tre ơi, bấy nhiêu sương dãi dầu?


Chỉ còn vương nắng một màu,


Dòng sông lặng lẽ đêm thâu trở mình,


Còn đâu bóng lũy tre xinh,


Soi mình chải tóc, lung linh, dập dờn,


Còn đâu ngọn gió mơn mơn,


Tiếng ru nhè nhẹ, tre vờn ánh trăng,


Còn đâu tiếng chị, tiếng anh,


Bên nhau khúc khích, tre xanh khẽ cười,


Còn đâu măng đội đất trồi,


Tre già, măng mọc cho đời bóng râm,


Tháng ngày tre lớn âm thầm,


Đan dày thành lũy, mang tâm của người,


Suốt đời che chở, măng ơi,


Lũy tre kiêu hãnh, dưới trời hiên ngang,


Mang mang về với đại ngàn,...


Muôn trùng xa ấy, tre làng thân thương?


Vẫn còn lệ mưa vấn vương,...


Lũy tre sống mãi mang hồn nước non!