Bookmark:
RSS 1.0     RSS 2.0

Tổng số lần xem: 7069 - Tổng số hồi đáp: 6




Posted By: Kẻ ham chơi on 18/03/2011 11:39:01


@Khửu: Anh ạ: "Siempre hay para que vivir y luchar" gắn với một kỷ niệm. Ngày xưa, em có anh bạn người Colombia. Chơi với nhau thân. Có bữa mua chân gà về nấu cháo. Cháo bưng lên thơm phức. Thằng bạn thân chả lẽ lại không mời. Múc cho nó một bát, chọn vài cái chân ngon. Nó chén ngon lành. Nhưng nhiều năm sau, trước khi chia tay mỗi người một ngả nó mới hỏi: Sao hôm đó mày nấu cháo gà lại cho tao ăn toàn chân. Mình đành nói thật: Bọn tao mua toàn chân về nấu cháo đấy...

Câu trên là nó nói với em trước khi chia tay. Tiếng Tây Ban Nha nghĩa là: "Dù hoàn cảnh nào cũng có niềm vui để sống và phấn đấu". Nhờ châm ngôn này, mình đã vượt qua nhiều khúc ngoặt...

Nhiều năm qua đi, không biết bạn mình giờ ở đâu?

Trở về đầu




Posted By: Khửu on 17/03/2011 23:30:32


Công nhận là MoN giỏi, đọc nhiều, viết hay, dí dổm lại ra vào hợp lý nữa (up/down đúng lúc), món nhậu đã bê đi rồi mà mọi người vẫn ngồi nhắm 'suông' nữa chứ. Tuy mới xuất hiện nhưng đã thành sao trong hội chợ rồi. Theo anh MoN nên đổi thân phận thành 'kể không ham chơi' đi, có lẽ hợp hơn. À mà "Siempre hay para que y luchar" là cái jì zậy?


Trở về đầu




Posted By: Meomun on 17/03/2011 10:02:53


@Kẻ ham chơi: phục thật ấy, ham chơi mà anh còn đọc nhiều thế! Em hoàn toàn đồng ý với những "nhận định" của anh về tác phẩm của NQT và NXK. Nhưng em vẫn thấy những tác phẩm về lịch sử mà em đọc từ hồi nhỏ vẫn ấn tượng đến bây giờ! Chắc nhiều người còn nhớ "Sao Khuê lấp lánh", "Lá cờ thêu sáu chữ vàng", "Trên sông truyền hịch"...    

Trở về đầu




Posted By: Kẻ ham chơi on 17/03/2011 09:32:46


Anh Nghị ơi, bỏ cái dòng "Hội thề của nhà văn Nguyễn Quang Thân" trong còm của anh đi. Ông này viết chán lắm. Em đọc rùi. Thân... Tầu. Văn... yếu. Phản... sử. Nhầm lẫn lung tung! Hôm nay em vẫn tiếc tiền mua sách. Đúng là... không thể tin được HNV.

Ông Nguyễn Xuân Khánh viết hay. "Hồ Quý Ly" và "Mẫu thượng ngàn" đều là những quyển đáng đọc.

Còn Võ Thị Hảo, sau "Giàn thiêu" đi theo "vết xe đổ" của DTH, viết chửi bới lung tung cả. Trên mạng có cái "Dạ tiệc quỷ" đấy, cái chương viết về Thành cổ Quảng Trị, nhảm nhí và "láo toét" quá.

Trở về đầu




Posted By: NghiPH on 14/03/2011 20:59:09


Cám ơn Ngô Mơ đã giới thiệu các bộ tiểu thuyết lịch sử của nhà văn Hoàng Quốc Hải. Đúng đây là những bộ tiểu thuyết lịch sử lớn chưa từng có trong lịch sử dân tộc. Nhà văn Hoàng Quốc Hải đã bỏ ra rất nhiều công sức, trí tuệ cho hai bộ sách quý này. Đây là những quyển sách rất đáng đọc để cùng tác giả ngẫm suy về những trang lịch sử thời nhà Lý và thời nhà Trần. Hiếm có nhà văn nào tâm huyết với lịch sử dân tộc như nhà văn Hoàng Quốc Hải.

Xét về lịch sử, có lẽ Hoàng Lê nhất thống chí là tiểu thuyết lịch sử đầu tiên ở nước ta? Đây là dạng tiểu thuyết lịch sử có hơi hướng của Tam quốc diễn nghĩa.  Sau này, ở thời hiện đại  nhà văn Lê Đình Danh với bộ tiểu thuyết Tây Sơn bi tráng (2006) có thể được coi là theo trường phái này.

Năm vừa rồi tiểu thuyết Hội thề của nhà văn Nguyễn Quang Thân được giải thưởng của Hội Nhà văn. Trước đó, dường như nhà văn Nguyễn Xuân Khánh cũng được giải thưởng Hội Nhà văn với tác phẩm Hồ Quý Ly. Một số tác giả khác cũng có viết về những nhân vật   lịch sử như: Lưu Văn Khuê với  Mạc Đăng Dung, Hà Văn Thùy với Nguyễn Thị Lộ,  Ngô Văn Phú với Lý Công Uẩn

 Đây đều là những tác phẩm đáng đọc, nên đọc để ta cảm nhận rõ hơn  lịch sử nước nhà.

Trong chừng mực nhất định Nguyễn Huy Thiệp, Võ Thị Hảo… có viết truyện lịch sử. Thế hệ 8X có Hà Thuỷ Nguyên với tiểu thuyết “Cầm thư quán”. Tuy nhiên, tiểu thuyết này  chưa kịp đến được tay độc giả thì đã bị thu hồi vì bị quy là  “xuyên tạc và bôi nhọ hình tượng vua Lê Thánh Tông”.

Trở về đầu




Posted By: SonTM on 14/03/2011 17:07:49


Cảm ơn MoN đã cung cấp thông tin về bộ tiểu thuyết lịch sử này. Bấy lâu nay trong tủ sách của nước nhà thiếu các tiểu thuyết lịch sử. Dẫu sao học lịch sử bằng văn học vẫn hay hơn là đọc các sách sử viết kiểu chính luận khô khan.

Trở về đầu

Posted By: Kẻ ham chơi trên 14/03/2011 15:59:45


 

Nhà văn Hoàng Quốc Hải và hai bộ tiểu thuyết lịch sử “Bão táp triều trần” và “Tám triều vua Lý”

(Xin trân trọng giới thiệu với các ACE KGU hai bộ tiểu thuyết “tuyệt cú mèo” của nhà văn Hoàng Quốc Hải)

“Các triều đại hưng vong thành bại xoay vần như con xúc xắc 6 mặt: Chợt mặt nhất, thoắt đã mặt tam, mặt lục; chỉ có dân tộc, phải, chỉ có dân tộc là mãi mãi trường tồn”. (Hoàng Quốc Hải)

Với trên 6.000 trang, hai bộ tiểu thuyết lịch sử Tám triều vua LýBão táp triều Trần đã khắc họa hoàn chỉnh về hai triều đại có nhiều đóng góp trong lịch sử dân tộc, một bức tranh đậm nét văn hóa, phong tục, các chiến công hiển hách của ông cha, niềm tự hào của mỗi người con đất Việt.

Có lẽ, đây là hai bộ tiểu thuyết kỳ vĩ và đồ sộ nhất của văn học đương đại Việt Nam viết về lịch sử dân tộc trong những thời điểm oai hùng bi tráng dựng nước và giữ nước. Để hoàn thành hai bộ tiểu thuyết, tác giả đã lao động miệt mài, tra cứu nhiều tài liệu trong và ngoài nước, đi đến nhiều địa phương để tìm tòi, nghiên cứu suốt trong 30 năm.

Theo dòng lịch sử đời Lý có trước, kéo dài 216 năm bắt đầu khi vua Thái Tổ lên ngôi tháng 10 âm lịch năm 1009, sau khi giành được quyền lực từ tay nhà Tiền Lê và chấm dứt khi vua Lý Chiêu Hoàng, khi đó mới có 8 tuổi bị ép thoái vị để nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh vào năm 1225 1009 – 1225). Sau đó mới đến triều Trần 175 năm bắt đầu khi vua Thái Tông lên ngôi năm 1225 sau khi giành được quyền lực từ tay nhà Lý và chấm dứt khi vua Thiếu Đế, khi đó mới có 5 tuổi bị ép thoái vị vào năm 1400 để nhường ngôi cho ông ngoại là Hồ Quý Ly tức Lê Quý Ly.

Hoàng Quốc Hải bắt tay viết Bão táp triều Trần trước, sau đó mới viết Tám triều vua Lý.

Tám triều vua Lý  (4 tập, 3514 trang in khổ 14,5 x 20, 5 cm) được xuất bản đúng dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Bộ tiểu thuyết được nhà văn Hoàng Quốc Hải khởi công từ tháng 10 năm 1990, hoàn thành vào tháng 12 năm 2007 tại Nhà sáng tác Đà Lạt; hoàn chỉnh vào tháng 12 năm 2009 tại Láng Thượng, Hà Nội

Tám vua triều Lý đã phục dựng bức tranh toàn cảnh sinh động về vương triều Lý - triều đại đã xây dựng nền móng cho một nước Đại Việt văn hiến và tự chủ.

Tập 1 “Thiền sư dựng nước” viết về vị vua khởi nghiệp nhà Lý, Thái tổ Lý Công Uẩn (974 - 1028) và sự ra đời của vương triều Lý nhờ vai trò của các bậc thiền sư; những việc làm của Lý Công Uẩn nhằm đặt nền móng cho triều đại mới, trong đó có việc dời đô về Thăng Long (1010), thực hiện chính sách thân dân, đặc biệt là công cuộc mở mang Phật giáo thông qua việc xây dựng các đạo tràng lớn, trọng dụng các bậc đại lão thiền sư.

Tập 2 “Con ngựa nhà Phật”  là câu chuyện về vị vua thứ hai triều Lý, Lý Thái tông (1000 - 1254). Ông là người có võ công hiển hách, có công giữ nước an dân, xây dựng và ban bố bộ Hình luật đầu tiên ở nước ta (1042). Đây cũng là thời đạo Phật phát triển cực thịnh bởi vua đã làm tốt việc tải đạo và hoằng dương Phật pháp - điều mà thiền sư Vạn Hạnh kỳ vọng vào “con ngựa nhà Phật” (“Lý Phật Mã”).

Tập 3 “Bình Bắc dẹp Nam” dựng lên bức chân dung hào sảng về vị vua võ công - văn trị Lý Thành tông (1023 - 1072) với những thành tựu chính trị - quân sự quan trọng (phá Tống – 1060, bình Chiêm - 1069), những đóng góp về văn hóa, nỗ lực đưa đạo vào đời, mở mang hệ thống trường học… Ông cũng chính là người đổi tên nước thành Đại Việt, cho lập Văn miếu (1070) thờ bậc Khổng Tử.

Tập 4 “Con đường định mệnh”.  Nhà Lý đến Lý Nhân tông (1066 - 1127) đã phát triển đến cực thịnh (trận “phạt Tống” với lời “lộ bố” năm 1075, trận thắng Tống trên sông Như Nguyệt - 1075), song cũng bắt đầu điểm xuống dốc, sau đó đi vào “con đường định mệnh” với liên tiếp các sự kiện, các nhân vật của bốn triều vua Lý ở giai đoạn khủng hoảng và suy vong: Lý Thần tông (1128 - 1138); Lý Anh tông (1138 - 1176); Lý Cao tông (1176 - 1210); Lý Huệ tông (1211 - 1224).

Bão táp triều Trần xuất bản lần đầu năm 2003 gồm 4 tập: Bão táp cung đình, Huyền Trân công chúa, Thăng Long nổi giận, Vương triều sụp đổ Năm 2008 được nhận giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội. Lần tái bản năm 2010 được bổ sung thêm hai tập Đuổi quân Mông Thát và Huyết chiến Bạch Đằng.

Tập 1 “Bão táp cung đình” tái hiện sự ra đời của thời đại nhà Trần với vai trò đạo diễn của Thái sư Trần Thủ Độ. Ông là người có chí lớn trong thiên hạ, vì việc lớn biết dẹp những quyền lợi riêng tư để giữ nghiêm phép nước, đồng thời cũng là người có mưu kế nhằm xây dựng một cơ nghiệp nhà Trần từ buổi còn trứng nước.

Tập 2, 3, 4  “Đuổi quân Mông Thát”, “Thăng Long nổi giận”, “Huyết chiến Bạch Đằng”  tái hiện liên tiếp ba cuộc kháng chiến chống xâm lược Mông - Nguyên của dân tộc ta và các chiến thắng đó đã ghi đậm dấu ấn võ công oanh liệt của nhà Trần.

Tập 5 “Huyền Trân công chúa” viết về đường lối ngoại giao thời bình của vua Trần Nhân tông, và cuộc hôn nhân đi vào lịch sử giữa vua Chămpa Chế Mân và công chúa Đại Việt Huyền Trân - một cuộc hôn nhân đã mở rộng đất đai của nước Đại Việt. Xuyên suốt tác phẩm thấm đẫm nền văn hóa phong tục hai nước Chămpa và Đại Việt.

Tập 6 “Vương triều sụp đổ”  mở đầu bằng việc dâng “Thất trảm sớ” của Chu Văn An. Các vua quan cuối đời Trần sa vào chuyện ăn chơi sa đọa, coi thường kỷ cương phép nước. Và nhà Trần đi theo vết trượt dài của các triều đại suy đồi dẫn đến sụp đổ.

Nhà thơ Hữu Thỉnh – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam: Đây là một sự kiện quan trọng trong đời sống văn học VN. Tôi biết nhà văn Hoàng Quốc Hải có khi vắng nhà đến 1 năm liền để đi điền dã, tập hợp tư liệu và cho ra đời bộ tiểu thuyết vô cùng đồ sộ và có chất lượng này. Có một điểm đáng tiếc là đáng lẽ NXB Hội Nhà văn phải đứng ra xuất bản 2 tập này nhưng vì nhiều lý do, vinh quang này đã được dành cho NXB Phụ Nữ. Chúng tôi cảm ơn nhà văn Hoàng  Quốc Hải vì anh đã có cống hiến lớn cho Văn học VN, đặc biệt là ở mảng đề tài lịch sử.

Nhà thơ Bằng Việt – Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội: Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội đã theo dõi quá trình viết hai bộ tiểu thuyết lịch sử này ngay từ bước đầu. Anh Hoàng Quốc Hải đã làm việc rất nỗ lực, tích cực và công phu trong quá trình tìm tòi, nghiên cứu tài liệu, tư liệu để có 2 bộ tiểu thuyết đồ sộ như hôm nay. Đây là những đóng góp rất lớn và có giá trị cho Đại lễ 1.000 năm. Chúng tôi sẽ đưa bộ tiểu thuyết “Tám triều vua Lý” vào danh sách Giải thưởng Bùi Xuân Phái vào năm sau.

Bà Mai Quỳnh Giao – Giám đốc NXB Phụ Nữ: Theo ý kiến chủ quan của tôi, đây có lẽ là bộ tiểu thuyết đồ sộ nhất của một tác giả Việt Nam về hai triều đại huy hoàng nhất trong lịch sử là thời Lý và thời Trần. Tôi đặc biệt khâm phục tâm huyết, sự bền bỉ, tài năng cũng như vốn văn hóa uyên bác của nhà văn Hoàng Quốc Hải.

Bà Phạm Hà – Giám đốc Nhà sách Vạn Niên: Từ khi đọc hai cuốn tiểu thuyết lịch sử của nhà văn Hoàng Quốc Hải, tôi thêm yêu lịch sử nước nhà, khao khát được tìm hiểu thêm lịch sử dân tộc và khao khát được xuất bản nhiều hơn nữa những cuốn sách về lịch sử Việt Nam. Tôi cảm ơn tác giả đã hun đúc tình yêu và lòng tự hào dân tộc chắc chắn không chí cho tôi mà còn cho nhiều độc giả khi tìm đến hai cuốn tiểu thuyết “Tám triều vua Lý” và “Bão táp triều Trần”.

 

            Xin tham khảo thêm:

http://www.hanoimoi.com.vn/newsdetail/Van-hoa/378617/tam-trieu-vua-ly.htm

http://www.thanhnien.com.vn/Pages/20100916/tam-trieu-vua-ly.aspx

http://laodong.com.vn/Tin-Tuc/Ra-mat-tieu-thuyet-lich-su--Tam-trieu-vua-Ly-Bao-tap-trieu-Tran/ 13179

Các P’ak có thể mua sách tại Nhà sách tư nhân trên đường Nguyễn Xí (có giảm giá 20%so với giá bìa). Nếu "khéo mua" thì $ hai bộ chưa đến 1.000K. Hãy tẩy chay với sách lậu để ủng hộ tác giả.

            &nb sp;                         &nb sp;                      

25/11/2024