Cần thực thi các quyền thuộc quyền chủ quyền của quốc gia chúng ta trên các vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam
1. Về địa điểm hoạt động của tàu địa chấn Bình Binh 02 của Tổng công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam vào ngày 26/5/2011
Sáng ngày 26/5/2011 tàu địa chấn Bình Minh 02 làm nhiệm vụ thăm dò khảo sát địa chấn bằng phương pháp thu nổ tại vị trí có tọa độ 12 0 48’25’’ Bắc, 111 02 6’48’’ Đông và cách đường cơ sở 84 hải lý về phía đất liền. Khi đang hoạt hoạt động ở vị trí trên tàu Bình Minh 02 đã bị các tàu hải giám của Trung Quốc gây rối, uy hiếp và cắt cáp.
Theo Điều 57 Công ước của Liên hợp quốc về luật biển năm 1982: Vùng đặc quyền về kinh tế không được mở rộng ra quá 200 hải lý kể từ đường cơ sở dùng để tính chiều dài lãnh hải.
Như vậy, vị trí mà tàu Bình Minh 02 bị uy hiếp và cắt cáp hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền về kinh tế của Việt Nam. Đây là nơi mà giữa Việt Nam và Trung Quốc không có tranh chấp về chủ quyền.
2. Việt Nam với tư cách là quốc gia ven bờ có các quyền gì trong vùng đặc quyền về kinh tế?
Trong vùng đặc quyền kinh tế của mình quốc gia ven biển có quyền thuộc chủ quyền và quyền tài phán.
Các quyền thuộc chủ quyền của Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế bao gồm các quyền về việc thăm dò khai thác, bảo tồn và quản lý các tài nguyên thiên nhiên, sinh vật hoặc không sinh vật của vùng nước trên đáy biển, của đáy biển và lòng đất dưới đáy biển, cũng như các hoạt động khác nhằm thăm dò và khai thác vùng này vào mục đích kinh tế.
Bên cạnh các quyền thuộc chủ quyền, Việt Nam với tư cánh là quốc gia ven bờ có quyền tài phán trên vùng đặc quyền kinh tế về các việc: Lắp đặt, sửa chữa các đảo nhân tạo, công trình, thiết bị trên biển; nghiên cứu khoa học biển; bảo vệ và giữ gìn môi trường biển môi trường.
Như vậy, theo quy định của Công ước của Liên hợp quốc về luật biển năm 1982, Việt Nam hoàn toàn có quyền đối với việc thăm dò, khai thác các tài nguyên trong vùng biển thuộc vùng đặc quyền về kinh tế, cũng như thăm dò khai thác dầu khí tại thềm lục địa của mình.
Việc tàu Bình Minh 02 thực hiện hoạt động thăm dò dầu khí tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam là việc làm bình thường, hợp pháp, chính đáng theo đúng các quy định của Công ước.
3. Trách nhiệm của các quốc gia thành viên công ước
Các quốc gia thành viên phải có thiện chí và tự nguyện thực hiện các nghĩa vụ đã đảm nhận theo nội dung Công ước, thực hiện các quyền, thẩm quyền và các tự do đã được thừa nhận trong Công ước, sao cho không để xảy ra tình trạng lạm quyền.
Là thành viên của Công ước, Trung Quốc có nghĩa vụ tôn trọng các quyền của quốc gia ven biển như Việt Nam tại các vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, không được cản trở, phá hoại hoạt động bình thường, hợp pháp của các tổ chức, cá nhân đã được quốc gia ven bờ cho phép hoạt động tại vùng đặc quyền kinh tế.
Hành động vừa qua của Trung Quốc, của các tàu hải giám Trung Quốc uy hiếp, đe dọa, phá hoại thiết bị kỹ thuật của tàu Bình Minh 02 đã vi phạm nghiêm trọng Công ước của Liên hợp quốc về luật biển năm 1982.
.4. Về lập luận của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc
Ngày 28/05, hai ngày sau khi Việt Nam lên án các tàu hải giám Trung Quốc uy hiếp, quấy rối tàu thăm dò dầu khí Việt Nam, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã ra thông cáo nói đây là "hoạt động bình thường trong vùng biển chủ quyền" của nước này. Tại cuộc họp báo hôm thứ Ba 31/05, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Khương Du nhắc lại lập trường của Trung Quốc: "Tàu hải giám của Trung Quốc chỉ làm việc thực thi pháp luật trước sự hoạt động bất hợp pháp của tàu Việt Nam. Đây là hành động hoàn toàn chính đáng. Chúng tôi yêu cầu phía Việt Nam dừng ngay các hoạt động của họ và không gây thêm rắc rối".
Thật là ngược đời! Chính các tàu hải giám của Trung Quốc đã quấy rối, uy hiếp, phá hoại thiết bị kỹ thuật của tàu Bình Minh 02 đang hoạt động tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam chứ có tàu nào của Việt Nam xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc và tấn công, uy hiếp tàu Trung Quốc đâu.
Đây là sự xuyên tạc và vu cáo trơ trẽn bất chấp những nguyên lý sơ đẳng của pháp luật quốc tế của phía Trung Quốc.
5. Trước hành động của phía Trung Quốc, quốc gia chúng ta cần phải làm gì?
Đối với nhân dân trong nước, chúng ta cần thông tin kịp thời, đầy đủ về những hành vi vi phạm pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam khá thường xuyên của Trung Quốc như: xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế, vùng lãnh hải, khác thác cá tại các vùng biển thuộc quyền chủ quyền của Việt Nam, tấn công, uy hiếp, tịch thu cá, bắt ngư dân ta, uy hiếp, gây rối và phá hủy các thiết bị của các tàu thăm dò dầu khí của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và của các công ty dầu khí các nước...
Trên các vùng biển thuộc về chủ quyền của Việt Nam, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải bảo đảm cho pháp luật của quốc gia chúng ta được thực thi.
Trong việc thực thi các quyền thuộc chủ quyền, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần thi hành mọi biện pháp cần thiết, kể cả khám xét, kiểm tra, bắt giữ, khởi tố tư pháp để bảo đảm sự tôn trọng các quy định pháp luật của quốc gia Việt Nam đã ban hành theo đúng quy định của Công ước của Liên hợp quốc về luật biển năm 1982.
Trong quan hệ quốc tế, chúng ta cần tận dụng mọi diễn đàn để vạch trần trước dư luận quốc tế những hành vi của Trung Quốc xâm phạm quyền chủ quyền của Việt Nam và các nước Đông Nam Á trên biển Đông.
Các tranh chấp trên biển Đông cần được giải quyết bằng các giải pháp hòa bình thông qua thương lượng, hòa giải.
Nếu thấy cần thiết, chúng ta có thể đưa những tranh chấp trên biển Đông ra Tòa án quốc tế về Luật biển phân xử vì Tòa án này có thẩm quyền rất lớn trong việc giải quyết các tranh chấp liên quan đến giải thích và áp dụng các quy định của Công ước của Liên hợp quốc về luật biển năm 1982, hoặc một Tòa án trọng tài để giải quyết.