Tổng số lần xem: 15230 - Tổng số hồi đáp: 34 |
|
Posted By: KietNA on 06/10/2011 23:15:39 |
|
@Anh Khoa DT: Tội nghiệp quá. Nghiên cứu thiên văn, vũ trụ (thực nghiệm) cũng khoái vì được ngắm trăng sao suốt ngày đêm. Nhưng phải có được kính thiên văn xịn, chứ ngắm bằng mấy cái "ống nhòm" thì sao phát hiện được cái gì to lớn nhỉ. Tôi tìm hỏi người KGU (thiên văn) là có ý muốn xem ké khi có các sự kiện đặc biệt nào đó trong vũ trụ. Nghiên cứu lý thuyết thì nhức đầu lắm.
|
Trở về đầu |
|
Posted By: HaiNV on 06/10/2011 19:01:59 |
|
@KiệtNA: Mình tuy là một kẻ ngoại đạo, nhưng rất thích đọc về Thiên văn học. Cũng có gắng hiểu chút ít về Vật lý thiên văn/ vũ trụ, những khái niệm như: Vụ nổ lớn (Big Bang); năng lượng tối, hằng số vũ trụ của Einstein, vận tốc ánh sáng, vũ trụ giãn nở...Những vấn đề này có thể đọc trong nhiều bài viết của GS. Hawking và GS. vật lý thiên văn/ vũ trụ nổi tiếng là Việt kiều Trịnh Xuân Thuận... Có lần mình đã từng được nghe GS. Thuận giảng bài tại Viện Khoa học và Công nghệ VN về Vật lý thiên văn và ông đã nhắc nhiều đến những câu chuyện này. Theo mình, giải Nobel chỉ là ghi nhận công sức của một số nhà khoa học đi tiên phong trong lĩnh vực rộng lớn còn quá nhiều điều bí ẩn của Vật lý thiên văn/ vũ trụ mà thôi!
|
Trở về đầu |
|
Posted By: KietNA on 05/10/2011 15:15:39 |
|
Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển tuyên bố ba nhà khoa học Mỹ và gốc Mỹ giành giải Nobel Vật lý (năm 2011) nhờ phát hiện vũ trụ đang giãn nở với tốc độ tăng dần. http://vnexpress.net/gl/khoa-hoc/2011/10/nobel-vat-ly-ve-tay-ba-nha-thien-van/ Trong "Phương Trình Trường Einstein" (lý thuyết tương đối rộng) ban đầu ông để một hằng số (gọi là hằng số vũ trụ) để vũ trụ theo mô tả của phương trình được đứng yên (không dãn nở) vì lúc đó (khoảng năm 191x) các nhà khoa học cho là như vậy. Einstein sau đó công khai thừa nhận hằng số vũ trụ là sai lầm lớn nhất trong đời ông. Nhân sự kiện này tôi muốn hỏi có người KGU nào của chúng ta đang nghiên cứu Vật Lý Thiên Văn hay Vật Lý Vũ trụ không vậy.
|
Trở về đầu |
|
Posted By: HaiNV on 04/10/2011 04:25:45 |
|
Nhân các bạn nhắc đến GS. Nguyễn Hoàng Phương, tôi muốn tham gia chút xíu thế này. Sinh thời, chú Phương hay qua lại gia đình vợ tôi vì vợ chồng chú ấy là học trò (chú còn là đồng hương Thừa Thiên - Huế) của bố vợ tôi và là bạn của mẹ vợ tôi từ thời "Khu học xá Trung ương" bên Nam Ninh, TQ. Thậm chí, vợ chồng chú ấy còn nhận Chi Mai - vợ tôi, làm "con nuôi" lúc còn bé nữa, nên tôi có thể tạm được gọi là "con rể nuôi" của cụ Phương đấy! Trước kia, tôi và chú Phương thỉnh thoảng còn gọi điện, viết email cho nhau. Có lần, chú đến cơ quan tôi, chú cháu ngồi nói chuyện cả buổi để "bàn luận" về...mối liên hệ giữa Kinh Dịch và Gen...Chú ấy bảo chú có Phật Di Lặc đỡ đầu...(Trông chú ấy cũng có vẻ giống tượng Phật Di Lặc thật!). Khi cô nhà chú ấy mất, chú bảo cô xuống đó làm "Vụ trưởng Tổ chức Cán bộ" dưới cõi âm, tôi hỏi đùa chú ấy: Thưa chú, dưới đó để "quản mọi người' chắc phải có Bộ Nội vụ hay tương đương gì đó chứ, sao chỉ có Vụ thôi? Vụ thì nhỏ quá!, chú cười bảo: Ở đó mọi người đều "thuần" nên chỉ cần Vụ là đủ!? Tiếc rằng chú Phương cũng đã đi "đoàn tụ" với cô từ hơn 5 năm nay rồi, vì vậy cho nên việc mà Kiệt bảo cụ Phương có thể làm thí nghiệm với Kiệt sẽ không còn cơ hội để thực hiện đâu!
|
Trở về đầu |
|
Posted By: KietNA on 03/10/2011 23:41:09 |
|
Tôi viết đoạn trả lời này không trên quan điểm của nhà Sinh Học, cũng không trên quan điểm của nhà Vật Lý. Chỉ trên quan điểm của một người quan sát. Theo tôi thì như sau. Đầu tiên phải loại bỏ khả năng là GS Nguyễn Hoàng Phương làm ảo thuật, như cách người ta thường làm trong các rạp xiếc. Có rất nhiều ảo thuật tưởng là phi thường, nhưng khi được giải thích rõ cách làm, thì sẽ thấy hoàn toàn bình thường, nhưng có cộng thêm sự khéo léo đáng phục của Nhà Ảo Thuật. Nếu không phải là ảo thuật thì có thể coi đây là một thí nghiệm để kiểm chứng khả năng phi thường của GS Nguyễn Hoàng Phương. Nhưng thí nghiệm này cần lặp lại nhiều lần, với nhiều người khác nhau. Đương nhiên GS Nguyễn Hoàng Phương là người không thể thay thế được, vì chúng ta đang muốn kiểm tra khả năng phi thường của ông. Nhưng những người khác thì hoàn toàn có thể thay thế được. Điều kiện làm thí nghiệm cũng có thể phải thay đổi: vị trí, phòng, tường, giấy, bút,... Tôi sẵn sàng làm một trong những người viết ra các thông tin, để GS Nguyễn Hoàng Phương đoán. Không phải tôi muốn gây khó khăn cho thí nghiệm, mà là tôi muốn thí nghiệm được thực hiện một cách khoa học, tương tự như thí nghiệm đã cho kết quả chuyển động nhanh hơn ánh sáng của CERN-OPERA. Nếu thí nghiệm cho kết quả đúng nhiều lần, lúc đó có thể nói rằng GS Nguyễn Hoàng Phương có khả năng phi thường (như đã mô tả trong câu hỏi của anh ThongNV). Giải thích khả năng phi thường đó là do cái gì (Trường Vật Lý, hay Trường Sinh Học, hay cái gì khác nữa...) thì Vật Lý hiện nay đành bó tay.
|
Trở về đầu |
|
Posted By: ThongNV on 03/10/2011 21:55:25 |
|
Tôi là người ngoại đạo đối với Vật Lý và Sinh học, nên muốn nhờ các bác giải thích một hiện tượng sau đấy chính tôi đã chứng kiến: Giáo sư Nguyễn Hoàng Phương và bạn tôi Trần Ngọc Xuân, mỗi người ngồi một phòng cách nhau một bức tường. Bạn tôi suy nghĩ rồi viết và vẽ lên trang giấy những suy nghĩ của anh. Những chữ anh viết ra trên trang giấy được một người xem đồng hồ ghi lại về thời gian. Phòng bên cạnh Giáo sư Phương cũng viết và vẽ lên trang giấy. Những chữ và nét vẽ của GS Phương cũng được một người xem đồng hồ và ghi lại. Kết quả: Những chữ viết là như nhau (về ngôn ngữ); Hình vẽ giống nhau (xét dưới góc độ đồng dạng). Thời gian GS Phương viết ra sau bạn tôi từ 10 -20 giây. Nhờ trường sinh học hay trường vật lý để GS Phương biết bạn tôi suy nghĩ hay viết ra những gì?
|
Trở về đầu |
|
Posted By: KietNA on 03/10/2011 18:50:36 |
|
Tachyon - Hạt nhanh hơn ánh sáng Viết bởi Trần Triệu Phú Chủ nhật, 02 Tháng 10 2011 08:43 Tổng quan về hạt Tachyon Tachyon (Tắc-chi-ông, Tiếng Hi lạp nghĩa là "hạt chuyển động nhanh") là một hạt hạ nguyên tử được giả định di chuyển nhanh hơn tốc độ ánh sáng. Trong thuyết tương đối đặc biệt, vẫn chấp nhận có những hạt "siêu ánh sáng" như thế. Sự khác nhau cơ bản giữa các hạt này với các hạt thường là không thể tồn tại một hệ quy chiếu mà trong đó, hạt Tachyon là đứng yên. Hay nói cách khác Tachyon không thể có vận tốc bằng không. Một điều đặt biệt nữa, có tồn tại hệ quy chiếu trong đó vận tốc của hạt Tachyon lớn lên vô cùng. Đối với các hạt Tachyon, quá trình bức xạ và hấp thụ phụ thuộc vào sự lựa chọn hệ quy chiếu. Vì Tachyon di chuyển nhanh hơn tốc độ ánh sáng, chúng ta không thể nhìn thấy nó đang đến gần được. (Cũng giống như khi ngồi trong con tàu chuyển động nhanh hơn ánh sáng, chúng ta không thể nhìn thấy thiên thạch đang lao đến trước khi va vào nó) Sau khi một Tachyon đã trôi qua, chúng ta có thể thấy hai hình ảnh của nó, xuất hiện và chuyển động theo hai hướng ngược nhau. Các cung màu đen là sóng xung kích của bức xạ Cherenkov, được mô tả tức thời trong một khoảnh khắc của thời gian. Giả thuyết đầu tiên về các hạt tachyon được nêu ra bởi nhà vật lý Đức Arnold Sommerfeld. Tuy nhiên, sớm hơn nữa, vào thập niên 60 của thế kỉ này, chính George Sudarshan, Olexa Myron Bilaniuk, Vijay Deshpande và Gerald Feinberg mới là những người thiết lập một khuôn khổ lý thuyết cho các nghiên cứu về tachyon. Nếu thật tachyon là một hạt định xứ, nó có thể được sử dụng để gửi tín hiệu nhanh hơn tốc độ ánh sáng, điều này vi phạm nguyên lý nhân quả trong thuyết tương đối đặc biệt. Tuy nhiên, trong khuôn khổ của lý thuyết trường lượng tử (QFT), tachyon được hiểu là đại diện cho một sự bất ổn của hệ thống và được sinh ra thông qua quá trình ngưng tụ Tachyon (tachyon condensation), chứ không được xem như là hạt nhanh hơn ánh sáng thực sự. Những sự bất ổn đó được mô tả bởi trường tachyon. Theo đó, tachyon là một hạt đồng hành siêu đối xứng, xuất hiện khi dùng chuyển đổi lý thuyết giữa fermion và boson trong QFT. Trường tachyon đã xuất hiện về mặt lý thuyết trong nhiều trường hợp, như trong lý thuyết dây bosonic. Theo quan điểm hiện tại về hạt, tachyon không ổn định nên nó không được xem là một hạt tồn tại thực sự. Cũng theo lý thuyết trên, sự truyền dẫn thông tin nhanh hơn ánh sáng và tính vi phạm nguyên lý nhân quả của hạt tachyon là không thể. Có nhiều cuộc tranh cãi và các cuộc thí nghiệm về sự tồn tại của các hạt tachyon, vẫn chưa có bằng chứng thực nghiệm cho sự tồn tại của các hạt Tachyon. Vào cuối tháng 9 năm 2011, bằng thí nghiệm do thời gian bay của neutrino và photon, phòng thí nghiệm CERN - OPERA đã cho thấy hạt neutrino có thể vượt qua tốc độ ánh sáng, nhưng các nhà khoa học của OPERA vẫn chưa đưa ra kết luận và yêu cầu các nhóm khác xác minh kết quả của họ. Chúng ta biết điều này quan trọng thế nào, một sai biệt nhỏ trong kết quả thí nghiệm có thể dẫn đến những thay đổi lớn trong nhận thức, đó là cơ sở để sàng lọc các lý thuyết trường thống nhất. Khối lượng âm của tachyon Dựa vào lý thuyết tương đối áp dụng cho các hạt chuyển động vận tốc nhỏ hơn vận tốc ánh sáng (trong chân không) và cũng áp dụng cho các tachyon vì chúng cũng tồn tại trong không thời gian. Mối quan hệ năng lượng – động lượng là E2 = p2*c2 + m2*c4 Với p là động lượng tương đối tính, m là khối lượng nghỉ, khi đó, năng lượng toàn phần là E = m*c2/CanBacHaiCua(1-v2/c2) Theo công thức trên, ta thấy năng lượng toàn phần có quan hệ với khối lượng nghỉ của hạt và cũng có mối liên hệ với tốc độ chuyển động qua số hạng v2/c2 trong dấu căn Tuy nhiên, vì với tachyon, v>c nên số hạng này là nhỏ hơn 1 hay nói cách khác, hệ thức trong dấu căn là âm tức là E là một số ảo, một năng lượng ảo! Năng lượng cần là một số thực, vì vậy, tử số cần phải là một số ảo. Điều này dẫn đến m, khối lượng tachyon phải là ảo. Theo QFT, khối lượng ảo sẽ dẫn đến sự ngưng tụ tachyon như đã đề cập. Với dự đoán khối lượng là một số phức, để đảm bảo năng lượng của tachyon trong tương quan khối lượng – năng lượng Einstein là dương, người ta khó chấp nhận một kết nối họ hàng nào giữa tachyon và neutrino. Tuy nhiên, điều này lại mở ra một khả năng về sự tồn tại thực sự của các chiều dư. Một tương tự đơn giản, sự thống nhất không gian và thời gian buộc Einstein phải mang vào thành phần thời gian một thành phần phức. Tốc độ lớn hơn tốc độ ánh sáng của Tachyon Hạt Tachyon là siêu hạt có vận tốc chuyển động lớn hơn vận tốc ánh sáng. Nó có những tính chất trái ngược với các hạt thông thường được biết. Khi nó mất năng lượng thì nó lại chuyển động nhanh hơn và ngược lại. Năng lượng bằng 0 thì vận tốc tiến tới vô hạn. Trong khi với các hạt thông thường, năng lượng tăng do sự tăng của vận tốc với ngưỡng là c, tốc độ ánh sáng. Để đạt ngưỡng này, nó cần một năng lượng vô hạn. Vì vậy các hạt thông thường không thể đạt tới tốc độ ánh sáng. Ngược lại, tachyon phải chuyển động nhanh hơn tốc độ ánh sáng. Gregory Benford, đã đề cập rằng tachyon được bao hàm trong thuyết tương đối đặt biệt, mà nếu tồn tại, chúng ta có thể sử dụng để trở vế quá khứ. Năm 1985, Chodos và các cộng sự đã dự đoán rằng neutrino có thể là các tachyon tự nhiên. Thí nghiệm tại CERN – OPERA hồi tháng 9 năm 2011 với chùm neutrino liệu có thể khẳng định điều này? Như đã nói, các nhóm nghiên cứu còn đang kiểm chứng. Tachyon trong mô hình chuẩn Mô hình chuẩn (Standard model) hoạt động khá hiệu quả trong thế giới hạt cơ bản (hạt hạ nguyên tử). Sau thành công của mô hình này, các nhà vật lý cách đây gần nửa thế kỉ đã tiếp tục mở rộng mô hình. Các công việc xoay quanh một ý tưởng cơ bản, có hay không sự biến đổi giữa các fermion (spin bán nguyên) và các boson (spin nguyên)? Bằng cách giả thuyết các mối quan hệ này là có tồn tại, việc tiếp tục mở rộng đã ra đời hạt đồng hành siêu đối xứng. Mỗi hạt fermion hay boson đã được tìm thấy trong Mô hình chuẩn sẽ sóng đôi với một hoặc một nhóm hạt đồng hành với nó. Như lượng tử ánh sáng photon (boson) có bạn đồng hành photino (fermion), hạt truyền tương tác yếu W(boson) có bạn đồng hành wino(fermion). Tachyon là một trong số các hạt đồng hành siêu đối xứng này. Với dự đoán khối lượng là một số phức như đã trình bày trên, để đảm bảo năng lượng của tachyon trong tương quan khối lượng – năng lượng Einstein là dương, khó mà chấp nhận mối tương quan họ hàng giữa tachyon và neutrino. Tuy nhiên, điều này đã mở ra một khả năng về sự tồn tại thực sự của các chiều dư. Giống như việc thống nhất không gian và thời gian đã buộc Einstein phải mang vào thành phần thời gian một đơn vị phức. Các chùm neutrino dùng trong các thí nghiệm ở CERN hồi tháng 9 năm nay hoàn toàn có thể "xuyên hầm" thông qua các chiều dư này để đến đích trước. Nếu vậy, quãng đường thực sự các neutrino đã đi qua, có thể vẫn ngắn hơn so với của ánh sáng trong cùng một thời gian. Mặc dù khẳng định về độ chính xác của phép đo đã được cải thiện, nhưng nhiều nhà vật lý vẫn còn hoài nghi về sai số của phép đo. Phép đo tốc độ là gián tiếp, việc tinh chỉnh đồng hồ đồng bộ ở điểm xuất phát và đích đến của các neutrino và độ chính xác của đồng hồ, và có thể kể cả ‘tương tác ma quỷ’ vướng víu lượng tử. Tuy nhiên, đây rõ ràng là một tín hiệu đáng mừng. Như ta đã biết, sự thống nhất tương tác hấp dẫn và ba tương tác còn lại đang đi vào ngõ cụt. Sự hạn chế của thuyết tương đối Einstein có thể là rào cản cho sự hợp tác này. Phá vỡ rào cảng này có lẽ sẽ mở ra một chân trời mới trong nhận thức cũng như trong việc sàng lọc các lý thuyết vật lý! Những thí nghiệm sẽ tiến hành sắp tới đây cùng việc phân tích lại dữ liệu mà OPERA đã sử dụng sẽ dần sáng tỏ vấn đề, và khi đó, Vật lý, một lần nữa không còn là tòa lâu đài đã hoàn chỉnh chỉ cần quét bụi ở một số ngóc ngách. Tachyon trong lý thuyết dây Trong lý thuyết dây, tachyon cũng được làm sáng tỏ như trong QFT, tuy nhiên, lý thuyết dây, về nguyên tắc, không chỉ mô tả về ý nghĩa vật lý của trường tachyon mà còn dự đoán trường này sẽ xuất hiện khi nào. Trường tachyon xuất hiện trong nhiều phiên bản lý thuyết dây. Một cách tổng quát, trong lý thuyết dây, các hạt electron, photon, garaviton,… thực chất là các trạng thái dao động khác nhau của cùng một dây cơ sở. Khối lượng của hạt có thể dẫn ra từ các dao động của dây. Nói một cách cho dễ hiểu, khối lượng của hạt phụ thuộc vào “điệu” của dây dao động “phát ra”. Tachyon thường xuất hiện trong phổ của các trạng thái dao động khả dĩ. Trong phổ này, xuất hiện một vài trạng thái có bình phương khối lượng là một số âm, tức khối lượng là một số phức. Neutrino với Tachyon Neutrino (Notrino) là hạt do Pauli tìm ra về mặt lý thuyết để đảm bảo các bảo toàn cơ bản của phân hủy beta (bảo toàn năng lượng, bảo toàn xung lượng và bảo toàn momen xung lượng) vào năm 1930. Tên ban đầu của nó là neutron (trùng với tên của nucleon trung hòa điện cấu tạo nên hạt nhân nguyên tử). Sau khi James Chadwick tìm ra thành phần trung hòa điện cấu thành hạt nhân, hạt mà hiện nay gọi là neutron (notron), để tránh nhầm lẫn, Fermi đưa ra gợi ý với tên gọi ‘hạt neutron nhỏ’. Vào năm 1942, Kan-Chang Wang mới mang lại cho nó tên gọi vẫn còn được dùng tới ngày nay, neutrino. Do tính trung hòa điện của hạt này và khối lượng khác không rất bé, nên hạt chuyển động với vận tốc gần bằng vận tốc ánh sáng và tương tác rất yếu với vật chất thông thường. Việc ‘bắt’ được đứa bé này trở nên khó khăn, do đó sự kiểm chứng nó một cách chắc chắn về mặt thực nghiệm chỉ mang lại kết quả trong vài năm gần đây. Vượt qua cả tốc độ của ánh sáng (lượng tử photon) là điều dường như chỉ xảy đến trong viễn tưởng. Tuy nhiên những thí nghiệm thu thập trong 3 năm vừa qua mà nhóm OPERA thuộc CERN đã tiến hành, cho thấy ‘hạt neutron nhỏ’ này chuyển động nhanh hơn cả ánh sáng, dù tỉ lệ này khá nhỏ. Điều này kéo theo một loạt các hệ quả rối rắm, phá vỡ tính nhân quả, nền vật lý hiện đại mà một chân trụ của nó dựa trên thuyết tương đối của Einstein sẽ mất thế đứng cân bằng, du hành vượt thời gian là khả thi. Bạn có thể tưởng tượng được không, mũi tên sẽ trung đích trước khi bạn kịp buông dây cung, bạn sẽ được sinh ra trước khi có cha mẹ bạn! Các lý thuyết không tiên đoán ngoại lệ đặc biệt này của neutrino. Nhưng lại tiên đoán một hạt khác có khả năng vượt tốc độ ánh sáng, như đã nói, hạt tachyon được tiên đoán bởi mô hình chuẩn. Vì sự hiếm hoi mang tính bước ngoặc nên việc ghép họ hàng cho hai hạt Tachyon và Neutrino cũng không gây nhiều ngạc nhiên. Trần Triệu Phú - Thới Ngọc Tuần Quốc - Trần Hữu Tài - Cộng Tác viên Thư Viện Vật Lý Thư Viện Vật Lý rất cảm ơn nếu ghi rõ nguồn Thư Viện Vật Lý khi đăng lại bài này. --------------------------------------------------------------------------- ------- Tôi chỉ post lại bài viết này thôi. Mức độ đúng sai thế nào mọi người cùng xem xét.
|
Trở về đầu |
|
Posted By: KietNA on 30/09/2011 10:08:35 |
|
Tôi xin giới thiệu với những ai quan tâm một bài viết của Stephen Hawking liên quan đến vấn đề "Không thể di chuyển nhanh hơn vận tốc ánh sáng". Ông viết rất mộc mạc, nhưng với logic lập luận rất thuyết phục và dễ hiẻu. Tôi muốn copy vào đây, để nếu link bị die, thì vẫn có thể đọc được trên web KGU. http://vozforums.com/showthread.php?t=1114780 Stephen Hawking: Cách tạo một cỗ máy du hành vượt thời gian. Du hành vượt thời gian là một đề tài thú vị được lấy làm chủ đề cho nhiều bộ phim khoa học giả tưởng, bên cạnh đó nó cũng làm tốn không ít chất xám của nhiều người khao khát tạo ra một cỗ máy có khả năng đưa con người trở về quá khứ cũng như đi đến tương lai. Vậy điều đó có thể thực hiện được không? Có cản trở nào không? Tại sao đến nay người ta vẫn chưa thực hiện được? Làm thế nào để chế tạo một cỗ máy du hành vượt thời gian? Stephen Hawking, nhà Vật lý học, Vũ trụ học nổi tiếng người Anh sẽ giúp chúng ta tháo gỡ các vướng mắc đó. Dưới đây là những lý luận của Stephen Hawking được phát sóng trên chương trình "Stephen Hawking's Universe" trên kênh Discovery Channel. Tất cả những gì bạn cần là một hố sâu, máy gia tốc hạt Large Hadron Collider hoặc một tên lửa có thể bay với vận tốc cực kỳ nhanh. Xin chào, tên tôi là Stephen Hawking, một nhà Vật lý học, Vũ trụ học và cũng là người có tính hay mơ mộng. Mặc dù tôi bị giới hạn khá nhiều trong việc tự đi lại và phải nói chuyện thông qua máy tính do bệnh tật, nhưng tâm trí tôi thì ngược lại, chúng hoàn toàn tự do. Tự do để khám phá vũ trụ, vạn vật và tự đặt ra những câu hỏi lớn như: liệu du hành vượt thời gian có khả thi không? Liệu chúng ta có thể mở một cánh cổng dắt vào quá khứ hay tìm ra một đường tắt dẫn đến tương lai không? Chúng ta có thể dùng những quy luật tự nhiên để trở thành những bậc thầy về thời gian không? Du hành vượt thời gian từng bị xem là ngành khoa học dị giáo. Và tôi đã phải tránh nói về nó vì sợ rằng người ta sẽ xem mình là một người kỳ quặc, nhưng ngày nay thì khác. Thực tế, tôi giống như những người đã từng xây các khối đá Stonehenge, là người bị ảm ảnh bởi thời gian. Nếu có một cỗ máy vượt thời gian, tôi sẽ "ghé thăm" Marilyn Monroe vào thời kỳ hoàng kim của cô ấy hoặc viếng thăm Galileo khi ông ta xoay kính thiên văn của mình lên bầu trời. Nhưng có lẽ tôi lại muốn du hành đến điểm tận cùng của vũ trụ để xem nó như thế nào. Để hiểu tính thực tế của du hành vượt thời gian, chúng ta cần phải "nhìn" thời gian theo cách mà các nhà Vật lý học đang nhìn - nhìn ở chiều không gan thứ 4. Đừng lo vì nó cũng đơn giản thôi. Bất kỳ ai học qua kiến thức phổ thông đều biết rằng mọi vật thể trong tự nhiên, ngay cả con người, đều tồn tại dưới 3 chiều không gian, đó là chiều dài, chiều rộng và chiều cao. Nhưng thực ra còn có một chiều nữa, đó là chiều dài thời gian. Như con người chúng ta có thể sống được 80 năm, những tảng đá Stonehenge đã tồn tại hàng ngàn năm, còn hệ Mặt Trời thì sẽ tồn tại đến hàng tỉ năm, mọi thứ đều có riêng cho nó một chiều dài về thời gian, và không gian cũng không ngoại lệ. Du hành vượt thời gian nghĩa là du hành qua chiều không gian thứ 4 này. Làm rõ hơn vấn đề này, hãy tưởng tượng đến việc chúng ta lái xe hằng ngày. Lái theo đường thẳng là bạn đang lái theo 1 chiều, quẹo trái hay quẹo phải là bạn vừa có thêm chiều không gian thứ 2, lái lên đồi hay xuống dốc chính là chiều không gian thứ 3. Vậy là bạn đã được “du hành” trong không gian 3 chiều. Vậy làm thế nào để chúng ta du hành vượt thời gian trên Trái Đất? Làm sao để tìm ra con đường của chiều không gian thứ 4? Như bạn thường thấy trong các bộ phim khoa học giả tưởng về du hành vượt thời gian, cỗ máy thời gian sẽ tạo ra một lối đi, một đường hầm xuyên qua chiều không gian thứ 4 để cho con người bước qua nó. Ý tưởng này không quá điên rồ, nhưng thực tế có thể sẽ rất khác so với những gì bạn thấy trên phim ảnh. Các nhà Vật lý học cũng đang suy nghĩ về các đường hầm thời gian này, nhưng họ nghĩ theo một góc độ khác. Nhưng liệu cánh cổng dẫn đến tương lai hay quá khứ có thể tồn tại mà vẫn tuân theo các quy luật tự nhiên hay không? Chúng tôi nghĩ rằng câu trả lời là có. Thậm chí chúng tôi còn đặt cho nó một cái tên đó là hố sâu (Wormhole). Sự thật là các hố sâu này tồn tại xung quanh chúng ta, chỉ có điều chúng quá nhỏ để ta có thể nhìn thấy được. Kích thước của hố sâu là cực kỳ nhỏ, chúng chỉ tồn tại trong những góc nhỏ và trong những khe hở, vết nứt của thời gian và không gian. Có thể bạn sẽ bắt đầu thấy khó hiểu nhưng khoan hãy bỏ đi vội. Hố sâu mở ra ở một đầu và đầu kia dẫn đến một hành tinh khác Không có gì là hoàn toàn phẳng và đặc bên trong cả. Nếu bạn nhìn đủ gần sẽ thấy được mọi thứ đều có những lỗ nhỏ li ti và đầy các vết nhăn bên trong. Đây là một nguyên lý vật lý cơ bản, và nó cũng đúng với trường hợp của thởi gian. Ngay cả bề mặt của một hồ bơi cũng có những gợn sóng nhỏ li ti. Vì vậy, mọi thứ trong không gian 3 chiều của chúng ta đều có những khe hở, và bạn hãy tin tôi khi tôi nói rằng điều này cũng đúng đối với chiều không gian thứ 4. Thời gian cũng có những vết nứt và khe hở như những vật thể khác, và những vết nứt này có kích thước rất nhỏ. Bây giờ, hãy tưởng tượng chúng ta tự thu nhỏ xuống một tỷ lệ nhỏ nhất có thể, nhỏ hơn cả các hạt nguyên tử, chúng ta sẽ đến được một nơi gọi là bọt lượng tử. Đây là nơi mà các hố sâu có tồn tại. Tại đây, các đường hầm xuyên không gian và thời gian liên tục được sinh ra, tồn tại và biến mất, sau đó lại được sinh ra tiếp trong thế giới lượng tử này. Và chúng thật sự liên kết giữa 2 nơi khác nhau ở 2 thời điểm khác nhau. Nhưng một điều không may là các đường hầm thời gian thực này chỉ nhỏ bằng một phần ngàn/triệu/tỷ/nghìn tỷ centimét, quá nhỏ để con người có thể bước qua được, nhưng từ đây, khái niệm về cỗ máy thời gian sử dụng hố sâu từ từ hiện ra. Một vài nhà khoa học nghĩ rằng ta có thể "bắt" một hố sâu, sau đó phóng lớn nó lên hàng tỷ lần, đủ lớn để con người có thể bước qua, hay thậm chí là cả một chiếc phi thuyền. Nếu có đủ nguồn năng lượng và trình độ khoa học kỹ thuật, có lẽ một hố sâu khổng lồ sẽ được xây dựng trong không gian. Tôi không nói điều đó có thể thành hiện thực, nhưng nếu có, đây sẽ là một thiết bị phi thường, với một đầu đường hầm mở ra đâu đó gần Trái Đất, và đầu kia sẽ mở ra ở một nơi rất xa hoặc một hành tinh xa xôi nào đó. Về lý thuyết mà nói, một đường hầm không gian (hoặc hố sâu) có thể làm nhiều hơn là chỉ đưa ra đến những hành tinh khác. Vì nếu cả hai đầu của đường hầm đều dẫn đến cùng một nơi nhưng khác biệt về thời gian, thì chiếc phi thuyền đi xuyên qua nó sẽ trở về quá khứ rất xa, và loài khủng long sẽ có dịp được chứng kiến sự xuất hiện của những con tàu không gian hiện đại. Phương tiện nhanh nhất mà con người từng chế tạo là chiếc phi thuyền Apollo 10 với vận tốc tối đa 25.000 dặm/giờ. Nhưng để có thể du hành vượt thời gian, chúng ta cần phải bay nhanh hơn thế gấp 2.000 lần. Giờ đây tôi lại thấy thật khó khăn khi suy nghĩ về chiều không gian thứ 4, hố sâu là những khái niệm rất phức tạp dễ làm bạn đau đầu, nhưng đừng vội nản chí. Vì tôi đã nghĩ ra một thí nghiệm nho nhỏ có thể chứng minh liệu con người có thể du hành vượt thời gian thông qua hố sâu hay không. Tôi thích những ví dụ nho nhỏ như thế này, và cả rượu sâm-panh nữa. Nên tôi sẽ gộp hai thứ này lại để kiểm tra trong ví dụ của mình. Hãy tưởng tượng tôi sắp mở một bữa tiệc và khách mời của tôi sẽ là những người đến từ tương lai, và tôi không cho ai biết về bữa tiệc này cho đến khi bữa tiệc diễn ra. Tôi tự tay viết các thư mời, trong đó có ghi rõ tọa độ về không gian và thời gian bữa tiệc diễn ra, sau đó chép ra nhiều bản copy và hy vọng 1 trong số những bản copy này tồn tại được qua hàng ngàn năm, để đến một ngày nào đó trong tương lai, một ai đó sẽ thấy được tờ giấy mời này và dùng cỗ máy thời gian để quay về quá khứ và... dự tiệc. Qua đó chứng minh được thuyết du hành vượt thời gian là có thực. Trong khi chờ đợi, những người khách của tôi có thể đến bất cứ lúc nào, hãy đếm ngược 5, 4, 3, 2, 1... nhưng không có ai đến cả. Thật đáng hổ thẹn! Tôi đã hy vọng ít nhất cũng có một hoa hậu hoàn vũ sẽ đến tham dự bữa biệc của tôi. Vậy tại sao thử nghiệm này không thành công? Một trong những nguyên nhân nổi tiếng có thể kể đến khi nói về việc du hành vào quá khứ, đó là sự nghịch lý. Những sự nghịch lý này rất thú vị khi được nói đến, nghịch lý nổi tiếng nhất thường được nhắc đến nhất là "nghịch lý ông nội", nhưng ở đây tôi có một "phiên bản" mới và đơn giản hơn, gọi là "nghịch lý nhà khoa học điên". Tôi không thích cách mà các nhà khoa học trong phim thường được mô tả là những người điên, nhưng trong trường hợp này thì nó lại đúng. Hãy tưởng tượng một nhà khoa học xây dựng một hố sâu, rồi dùng nó để trở về quá khứ vài phút trước đó. Lúc này nhà khoa học đó có thể nhìn thấy chính bản thân ông ta của vài phút trước, nhưng chuyện gì sẽ xảy ra nếu ông ta rút súng và bắn chết ông ta của vài phút trước đó? Bây giờ thì ông ta đã chết, vậy ai là người đã giết ông ta? Đó là một nghịch lý, tuy không có ý nghĩa gì nhưng những tình huống như thế luôn là những cơn ác mộng đối với các nhà khoa học vũ trụ. Bữa tiệc của Hawking có cả (từ trái sang) Albert Einstein, Data và Isaac Newton Loại cỗ máy vượt thời gian này sẽ vi phạm một quy luật bao trùm toàn bộ vũ trụ này, đó là luật nhân quả. Tôi tin rằng vạn vật không thể tự phủ định chính bản thân nó, bởi vì nếu như vậy thì cả vũ trụ này sẽ lâm vào tình trạng hỗn loạn mà không gì có thể ngăn được. Nên tôi nghĩ rằng luôn luôn có một thứ gì đó sẽ xuất hiện để ngăn các nghịch lý xảy ra. Hay nói cách khác, có một lý do cho việc tại sao nhà khoa học kể trên không thể rơi vào tình huống có thể tự kết liễu đời mình. Và trong trường hợp này, tôi rất tiếc phải nói rằng, vấn đề ở đây chính là các hố sâu. Tôi nghĩ các hố sâu như trên không thể tồn tại được, nguyên nhân là do một hiện tượng gọi là sự phản hồi. Nếu xem một buổi biểu diễn nhạc Rock, bạn sẽ nghe thấy có nhiều âm thanh rít lên rất khó chịu, đó chính là sự phản hồi. Khi âm thanh đi vào micro, nó sẽ được truyền dẫn bên trong sợi dây điện, sau đó được khuếch đại lên nhiều lần thông qua ampli và thoát ra bên ngoài thông qua loa. Nhưng những âm thanh này quá lớn đến nỗi âm thanh phát ra từ loa lại tiếp tục "chui" vào micro và tiếp tục trải qua quá trình trên. Cứ mỗi một vòng như thế thì tiếng rít đó lại càng lớn lên, nếu không ngăn cản thì sự phản hồi này sẽ phá hủy toàn bộ hệ thống âm thanh. Quá trình trên cũng xảy ra tương tự đối với hố sâu, nhưng thay vì âm thanh được truyền dẫn thì ở đây, đó là sự bức xạ. Ngay khi các hố sâu phình to ra, các tia bức xạ tự nhiên sẽ chui vào đó trước và trải qua quá trình hệt như âm thanh trong micro, sự phản hồi làm cho các tia bức xạ ngày càng mạnh, đến nỗi phá hủy luôn hố sâu đó. Vì lẽ đó mà cho dù các hố sâu tí hon có thực sự tồn tại, và một ngày nào nó có thể phình to ra thì nó cũng không thể tồn tại đủ lâu để dùng làm cỗ máy thời gian. Đây là lý do tại sao không có ai đến dự buổi tiệc của tôi cả. Do vậy, bất cứ hình thức du hành nào trở về quá khứ bằng hố sâu hay bằng phương pháp khác là điều gần như không thể, nếu không thì những sự nghịch lý sẽ xảy ra. Đây quả là một tin đáng buồn cho những tay săn khủng long và các nhà Sử học. Nhưng câu chuyện vẫn chưa kết thúc ở đây, bạn vẫn còn một hướng khác để du hành, đó là tới tương lai. Bản thân tôi rất tin tưởng vào du hành vượt thời gian, nhất là du hành vào tương lai. Thời gian trôi đi giống như dòng chảy của một con suối mà trong đó, chúng ta bị cuốn theo một cách không ngừng nghỉ. Nhưng có một điều đặc biệt mà dòng chảy thời gian giống như dòng chảy của nước, đó là nó sẽ chảy đi với những vận tốc khác nhau ở những địa điểm khác nhau, và đây là chìa khóa để chúng ta đi đến tương lai. Ý tưởng này lần đầu tiên được nghĩ tới bởi Albert Einstein cách đây hơm 100 năm. Ông ta nhận thấy rằng trong không gian, chắc chắn tồn tại những nơi mà tại đó, dòng chảy thời gian chạy chậm lại và cũng có những nơi mà tại đó thời gian sẽ chạy nhanh hơn. Và Einstein đã hoàn toàn đúng. Chứng cứ cho lý thuyết này nằm ở khoảng không ngay trên đầu của chúng ta. Hầu hết ai trong chúng ta cũng đều biết đến hệ thống định vị toàn cầu GPS (Global Positioning System), một mạng lưới các vệ tinh bay xung quanh Trái Đất có nhiệm vụ điều giúp con người điều hướng thông qua vệ tinh. Nhưng các vệ tinh này cũng cho thấy một điều nữa đó là thời gian trong vũ trụ chạy nhanh hơn là thời gian trên Trái Đất. Trong mỗi chiếc phi thuyền phóng ra ngoài không gian đều có một đồng hồ hoạt động với độ chính xác cực cao, mặc dù vậy nhưng thật ra nó vẫn chạy nhanh hơn đồng hồ dưới Trái Đất 3/1.000.000.000 giây mỗi ngày. Và hệ thống luôn phải điều chỉnh sự thay đổi vô cùng nhỏ này, nếu không thì sự sai lệch tí hon đó sẽ gây ra rắc rối cho toàn bộ hệ thống, điển hình như việc làm cho các thiết bị GPS trên Trái Đất sai lệch 6 dặm mỗi ngày (hơn 9,6 km), một con số không hề nhỏ chút nào. Đồng hồ chạy nhanh cũng là thứ dễ nhận thấy trong trường hợp này. Càng đưa lên cao thì đồng hồ chạy càng nhanh. Lý giải cho hiệu ứng đặc biệt này đó là do khối lượng của Trái Đất chúng ta. Einstein nhận thấy vật thể nào càng nặng thì nó càng "kéo" thời gian chạy chậm lại. Chính điều này sẽ dẫn đắt chúng ta đến với khả năng du hành đến tương lai. Ngay chính giữa dải ngân hà Milky Way cách chúng ta 26.000 năm ánh sáng là vật thể nặng nhất trong dải ngân hà, nó là một hố đen siêu nặng chứa đựng bên trong nó một khối lượng bằng với 4 triệu Mặt Trời được nghiền nén lại thành một điểm duy nhất bởi chính trọng lượng của nó. Càng tiến gần đến hố đen này thì lực hấp dẫn càng mạnh. Chỉ cần tiến đến đủ gần thì ngay cả ánh sáng cũng không thể thoát ra được và bị hút vào hố đen đó luôn. Một hố đen dạng này có ảnh hưởng rất lớn đến dòng thời gian, nó có thể kéo thời gian chạy chậm lại nhiều hơn bất cứ vật thể nào trong vũ trụ có thể làm được. Và nhờ vậy mà nó đã trở thành một cỗ máy thời gian hết sức... tự nhiên. Tôi cảm thấy thích thú khi nghĩ đến việc làm thế nào để một chiếc phi chuyền tận dụng hiện tượng này bằng cách bay vòng quanh nó để đi đến tương lai. Đối với người ngồi điều khiển tại trung tâm dưới Trái Đất, họ sẽ thấy phi thuyền phải mất 16 phút để bay vòng quanh hố đen này, nhưng đối với những phi hành gia can đảm đang ngồi bên trong chiếc phi thuyền gần hố đen đó, thì thời gian sẽ chạy chậm lại. Và hiệu ứng mà họ trải qua còn khắc nghiệt hơn cả lực hút của Trái Đất rất nhiều, thời gian của phi hành đoàn sẽ bị giảm xuồng còn phân nửa. Đối với mỗi 16 phút bay vòng quanh, thì thật sự họ chỉ trải qua có 8 phút mà thôi. Bên trong máy gia tốc hạt Large Hadron Collider Và nếu cứ tiếp tục bay vòng quanh liên tục như thế và "sống" bằng phân nửa thời gian của Trái Đất, thì rõ ràng là họ cùng với chiếc phi thuyền đang du hành vượt thời gian. Hãy tưởng tượng họ bay vòng quanh hố đen trong suốt 5 năm của họ, thì ở những nơi khác, thời gian trôi qua đã là 10 năm. Khi trở về Trái Đất, mọi người đều đã già đi 10 tuổi, trong khi họ chỉ già thêm có 5 năm. Vậy, hố đen siêu nặng đó chính là một cỗ máy thời gian, nhưng nó không mang tính thực tiễn cho lắm. Mặc dù hố đen dạng này có nhiều lợi thế hơn so với hố sâu do không tạo ra sự nghịch lý và cũng không bị phá hủy bởi hiện tượng phản hồi, nhưng nó lại rất nguy hiểm, nằm cách chúng ta rất xa và không thể đưa con người đến tương lai xa được. Thật may mắn là chúng ta vẫn còn một cách nữa để đi đến tương lai, đây cũng là hy vọng sau cùng và là cách tốt nhất để xây dựng một cỗ máy thời gian thực thụ. Đó là bạn phải chạy (hay di chuyển) với tốc độ nhanh, cực kỳ nhanh. Nhanh hơn tốc độ cần thiết để không bị hút vào hố đen. Điều này là bởi một thực tế lạ lùng khác trong vũ trụ, đó là không một vật thể nào có thể đạt được vận tốc bằng với vận tốc của ánh sáng, còn gọi là vận tốc giới hạn (gần 300.000 km/giây). Đây là một trong những nguyên lý tốt nhất trong khoa học. Và cho dù bạn có tin hay không, thì việc di chuyển với tốc độ gần bằng vận tốc ánh sáng sẽ đưa bạn đi đến tương lai đấy. Để giải thích cho điều này, bạn hãy tưởng tượng có một hệ thống vận chuyển mới giống như xe lửa cao tốc, có đường ray đặt vòng quanh Trái Đất. Và chúng ta sẽ dùng xe lửa siêu cao tốc này để đạt đến vận tốc càng gần vận tốc ánh sáng càng tốt và xem làm thế nào để nó trở thành cỗ xe máy vượt thời gian. Trên tàu là các hành khách cầm trên tay tấm vé 1 chiều đi đến tương lai không thể khứ hồi, đoàn tàu bắt đầu tăng tốc, càng lúc càng chạy nhanh, không lâu sau đó nó đã chạy xong một vòng quanh Trái Đất và cứ tiếp tục chạy vòng quanh như thế. Để đạt được vận tốc ánh sáng, đoàn tàu phải chạy đủ nhanh để có thể chạy vòng quanh Trái Đất 7 lần mỗi giây. Nhưng do dù đoàn tàu có nhiều năng lượng đến thế đi chăng nữa thì nó cũng không thể đạt được vận tốc mong muốn bởi vì các định luật về Vật lý đã ngăn cản nó. Thay vào đó, hãy cho rằng đoàn tàu chỉ đạt được vận tốc gần bằng vận tốc ánh sáng mà thôi (cứ cho là vậy đi vì bạn không thể đạt được vận tốc đó đâu), thì lúc này đây, những điều khác thường bắt đầu xảy ra. Thời gian trên tàu sẽ chạy chậm lại so với phần còn lại của thế giới, hiệu ứng giống như khi bạn ở gần hố đen, nhưng ở đây hiệu ứng rõ ràng hơn, mọi thứ trên tàu sẽ diễn ra với tốc độ chậm giống như bạn chiếu chậm một đoạn phim vậy. Vậy tại sao mọi thứ ngay cả con người trên đoàn tàu đều bị "chiếu chậm"? Hiện tượng này xảy ra là để bảo vệ vận tốc giới hạn. Vì nếu không bị "chiếu chậm" thì giả sử tàu đang chạy với vận tốc gần bằng vận tốc ánh sáng, rồi có một cô bé nào đó đứng từ phía đuôi tàu và chạy thật nhanh lên đầu tàu, lúc này vận tốc chạy của cô bé được cộng thêm vận tốc chạy của tàu hóa ra là cô bé đang phá vỡ vận tốc giới hạn trong vũ trụ đó sao. Các quy luật tự nhiên không cho phép điều đó, nên mọi thứ sẽ bị... "chiếu chậm". Do bị "chiếu chậm" lại như thế nên nói theo cách khác, họ đang du hành vào tương lai. Hãy tưởng tượng đoàn tàu rời bến vào ngày 01/01/2050, nó vòng quanh Trái Đất liên tục trong suốt 100 năm trước khi phải dừng lại tạm nghỉ vào đúng ngày năm mới của năm 2150. Lúc này hành khách trên tàu chỉ mới trải qua quãng thời gian chỉ có 1 tuần do thời gian bị làm chậm lại rất nhiều (hiệu ứng mạnh hơn nhiều so với việc bay vòng quanh hố đen). Bước ra khỏi tàu, mọi người sẽ thấy được một thế giới khác xa những gì mà họ đã thấy trước khi bước chân lên tàu. Chỉ trong vòng có 1 tuần, họ đã du hành được quãng thời gian dài đến 100 năm. Tất nhiên, hiện tại chúng ta không thể làm ra đoàn tàu có thể chạy nhanh như thế được, nhưng bù lại con người đã xây dựng được một thứ khác tương tự, đó là máy gia tốc hạt lớn nhất thế giới đặt tại Geneva, Thụy Sỹ. Sâu bên dưới lòng đất, bên trong các đường ống xếp theo vòng tròn dài hơn 25 km là dòng di chuyển của hàng triệu tỷ các hạt siêu nhỏ. Khi bật nguồn, các hạt này sẽ tăng tốc từ 0 lên vận tốc hơn 96.000 km/h chỉ trong vòng chưa đến 1 giây. Khi tăng nguồn điện lên cao, các hạt lại tiếp tục tăng tốc, càng lúc di chuyển càng nhanh. Và đến một lúc nào đó, chúng sẽ đủ nhanh để bay vòng quanh đường ống 11.000 vòng mỗi giây, tức là gần bằng với vận tốc ánh sáng. Giống như chiếc tàu cao tốc nói trên, chúng không thể đạt được vận tốc ánh sáng mà cùng lắm chỉ có thể đạt được 99,9% vận tốc giới hạn. Và khi đó, chính các hạt này cũng đang du hành vượt thời gian. Chúng ta xác định được điều này bởi vì một số hạt có vòng đời tồn tại cực kỳ ngắn, gọi là các hạt pi-meson, thông thường các hạt pi-meson sẽ bị phân rã chỉ sau 25 phần tỷ giây, nhưng khi chúng đạt được vận tốc gần giới hạn, chúng đã tồn tại lâu hơn bình thường đến 30 lần. Như vậy đã rõ, nếu muốn du hành vượt thời gian, bạn chỉ cần di chuyển với tốc độ cực nhanh. Và điều mà con người từng làm tương tự đó là bay vào không gian. Phương tiện vận chuyển nhanh nhất mà loài người từng chế tạo đó là chiếc phi thuyền Apollo 10, nó đạt được vận tốc 40.000 km/h. Nhưng để du hành vượt thời gian thì bạn sẽ cần một phương tiện bay nhanh hơn chiếc Apollo 10 đến... 2.000 lần. Đó sẽ là một chiếc phi thuyền khổng lồ, đủ lớn để mang theo đủ nhiên liệu để vận hành cũng như tăng tốc đến gần vận tốc giới hạn. Và để đạt được vận tốc mong muốn, chiếc phi thuyền sẽ phải vận hành hết công suất trong suốt 6 năm liên tục. Thời gian đầu, phi thuyền sẽ tăng tốc chậm do kích thước quá đồ sộ của mình, nhưng sau đó tốc độ sẽ tăng dần và phi thuyền nhanh chóng đạt được những quãng đường lớn hơn. Tuần đầu tiên, nó sẽ tới được các hành tinh khác trong vũ trụ, sau 2 năm nó sẽ đạt được vận tốc bằng phân nửa vận tốc ánh sáng và lúc này sẽ đang ở rất xa hệ Mặt Trời. 2 năm tiếp theo, vận tốc lúc này đã là 90% vận tốc ánh sáng và cách Trái Đất 30 ngàn tỷ dặm. Và sau 4 năm bay trong vũ trụ như thế, chiếc phi thuyền sẽ bắt đầu du hành vượt thời gian. Lúc này, cứ mỗi 1 tiếng đồng hồ trên phi thuyền thì so với trên Trái Đất, 2 tiếng đã trôi qua, tương tự với tình huống bay vòng quanh hố đen siêu nặng. Bay tiếp 2 năm nữa, lúc này vận tốc của phi thuyền đã đạt tới 99% con số mong muốn và mỗi tiếng trên phi thuyền sẽ tương đương với 1 năm ở Trái Đất. Phi thuyền đã thật sự bay vào tương lai. Ngoài ra, việc làm chậm thời gian còn có một lợi ích khác, theo lý thuyết, nó cho phép chúng ta có thể du hành tới những nơi rất xa chỉ với 1 đời người. Một chuyến du hành đến tận cùng của dải ngân chỉ mất có 80 năm. Nhưng nhìn chung lại, điều kỳ diệu nhất của chuyến du hành này đó là nó giúp hé lộ cho chúng ta biết rằng vũ trụ này thật kỳ lạ, nó là một vũ trụ mà dòng thời gian trôi đi với những tần suất khác nhau ở những nơi khác nhau, nơi mà các hố sâu tồn tại ngay xung quanh chúng ta. Và sau cùng, chúng ta có thể vận dụng những hiểu biết về Vật lý để trở thành những nhà du hành vượt thời gian qua chiều không gian thứ 4. (Nguồn: Daily Mail)
|
Trở về đầu |
|