Tôi xin trả lời anh Ngọc về khái niệm phản biện xã hội một cách sơ lược như sau:
Trước hết ta bàn đôi chút về khái niệm phản biện? Phản biện là từ Hán Việt, theo triết tự thì “phản biện” có nghĩa là bàn luận theo hướng hoặc theo cách ngược lại, hoặc là sự tranh luận, tranh cãi.
Do đó, có thể hiểu phản biện là dùng chứng cứ, lập luận để bác bỏ chứng cứ, lập luận đã được đưa ra trước đó. Theo đó, phản biện là sự tranh luận, tức là đưa ra lập luận để làm rõ đúng – sai. Trong phản biện phải có các luận cứ để làm rõ cái đúng, cái sai của vấn đề đang tranh luận.
Vì vậy, phản biện khác với góp ý kiến, kiến nghị không đòi hỏi phải có đủ căn cứ khoa học, thực tiễn. Là sự tranh luận, phản biện bao hàm cả biện luận và phản biện luận, chứ không chỉ là đồng tình, xuôi chiều. Trong phản biện không chỉ là bác bỏ, phủ định, mà có thể có cả sự bổ sung, làm rõ hơn vấn đề từ các góc độ, phương diện khác nhau. Do đó, phản biện không đồng nhất với phản bác, bài xích. Phản biện có nội hàm rộng hơn phản bác. Phản bác chỉ là một khả năng, một tình huống có thể có trong phản biện.
Trong khái niệm phản biện xã hội, chắc chắn có những nội dung của khái niệm gốc- phản biện. Phản biện xã hội là sự phản biện của các thiết chế xã hội, lực lượng xã hội, tức là sự biện luận, thẩm định, đánh giá của các lực lượng xã hội đối với những chủ trương, chính sách, đề án, dự án phát triển kinh tế- xã hội của các đảng phái, của Nhà nước liên quan đến quyền lợi và đời sống của mọi thành viên trong xã hội.
Như vậy, phản biện xã hội không đồng nhất với góp ý, kiến nghị. Nói đến phản biện là nói đến những lập luận có chứng cứ khoa học, thực tiễn nhằm phát hiện, bổ sung, chứng minh, khẳng định hoặc bác bỏ, phủ định một chủ trương, chính sách hay đề án phát triển kinh tế- xã hội.
Sơ sơ vài ý thế bạn Ngọc nhé! Phản biện xã hội là khái niệm chính trị- xã hội chứ không phải là khái niệm pháp lý. Ai cũng có thể đưa ra cách hiểu của mình về phản biện và phản biện xã hội.
Anh HảiNV: Ý kiến của anh Nguyễn Minh Đoan, Học Luật ở Bacu, Liên Xô trước đây về phản biện xã hội mà anh đã dẫn ra là ý kiến rất đáng chú ý.
Trong Người KGU ta có các anh Lê Khắc Hải, Nguyễn Thân, Phạm Ngọc Cảnh (đều là Luật 81). chị Trương Thị Cẩm Hòa, chị Trần Thị Quang Vinh (Luật 80) sau khi về hưu có hành nghề luật sư. Còn tôi không phải là luật sư dù đã được cấp Chứng chỉ hành nghề Luật sư.