HẢI ĐỘI HOÀNG SA
Hải Đội Hoàng Sa là những đơn vị binh phu được triều đình Đàng Trong Việt Nam lập ra từ TK17 để thực thi việc cai quản Hoàng Sa như một phần lãnh thổ quốc gia. Bản đồ của Đỗ Đá Biên vẽ vào năm Chính Hòa thứ 7 (1686) khi ghi chú về “Bãi Cát Vàng” (Hoàng Sa - Trường Sa) đã ghi lại rằng “mỗi năm đến tháng cuối Đông, Chúa Nguyễn đưa 18 chiếc thuyền đến đó”. Một tài liệu khác cùng gần thời gian đó là cuốn Hải Ngọai Ký Sự (1697) của Thích Đại Sán, một nhà sư Trung Quốc, khi nhắc đến “Vạn Lý Trường Sa” rộng đến vài trăm dặm” cũng ghi nhận rằng hàng năm Chúa Nguyễn sai thuyền ra chốn này.
Hải Đội Hoàng Sa được tuyển từ dân vùng cửa biển Sa Kỳ, chủ yếu là Lý Sơn, một hòn đảo nhỏ thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Vì nhiệm vụ khó khăn như lính cảm tử, binh phu của Hải Đội Hoàng Sa chỉ được tuyển từ những gia đình đã có người nối dõi. Đặc biệt, ngoài lương thực và nước uống cho 6 tháng hải trình và công tác ngoài đảo, mỗi binh phu xuống thuyền vượt khơi mang theo mình một thẻ bài, một đôi chiếu, 7 sợi dây mây và 7 vạt tre với ý sẵn sàng bỏ xác nơi trùng khơi.
Hải Đội Hoàng Sa đã từ lâu không còn nữa, nhưng ngày nay người dân Lý Sơn vẫn giữ ngày lễ truyền thống mang khăn trắng tiễn đưa họ xuống thuyền vào ngày 20 tháng Hai hàng năm. Trải qua bao năm tháng chiến tranh tàn khốc, họ giữ gìn sắc chỉ của Nhà Vua cùng những di vật khác về Hải Đội Hoàng Sa như báu vật, gần đây mới đem hiến tặng cho Nhà Nước CHXHCNVN. Những di tích vật thể về Hải Đội Hoàng Sa bao gồm các chiếu chỉ, sắc phong, đền miếu, những ngôi mộ thật và những ngôi mộ gió của chiến binh Hoàng Sa. Dưới những ngôi mộ gió thay vì di cốt là tượng, lấy đất sét thay cho thịt, lấy cành gỗ dâu thay cho xương.
Ngoài ngày lễ 20 tháng Hai của chung và truyền thống cúng vọng trong các gia tộc hậu duệ của Hải Đội Hoàng Sa, còn rất nhiều di sản phi vật thể về những người anh hùng. Chẳng hạn đảo Hữu Nhật ngoài Hoàng Sa (hiện do nước ngoài chiếm đóng và đặt tên là Cam Tuyền - Ganquan), mang tên của chánh đội Phạm Hữu Nhật, người chỉ huy việc dựng bia chủ quyền Hoàng Sa năm 1836.
Những câu ca dao truyền đời như thế này nhắc nhở rằng ký ức Hoàng Sa sẽ sống mãi trong người dân Việt.
Hoàng Sa trời nước mênh mông
Người đi thì có mà không thấy về
Hoàng Sa lắm đảo nhiều cồn
Chiếc chiếu bó tròn mấy sợi dây mây
Hoàng Sa đi có về không
Lệnh vua sai phái quyết lòng ra đi
Trích tài liệu của DƯƠNG TRUNG QUỐC
http://vietbao.vn/Phong-su/VN-tung-co-nhung-hai-doi-Hoang-Sa/40016578/263/
Wikipedia:
http://vi.wikipedia.org/wiki/Hoang_Sa
Và một số tài liệu khác.
Nghe “Hải Đội Hoàng Sa” tại các links sau:
http://www.lansongxanh.vn/Play/MediaPlayer.aspx?type=audio&check=1339&id=4019
http://mp3.zing.vn/mp3/nghe-bai-hat/Hai-doi-Hoang-Sa-Y-Jang-Tuyn.IW6BF8IZ.html