Vớt vát ăn theo ĐLTL, sáng nay CN nhân lúc bà chủ đi chùa, 3Chai có mấy suy nghĩ về một bài thơ nổi tiếng, đem ra lạm bàn mong được cao nhân NgườiKGU chỉ giáo.
Nguyên văn bài thơ có 2 câu rất được nhiều người thuộc:
Từ độ mang gươm đi mở cõi
Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long.
Nhưng mà theo 3Chai tui, dị bản sau đây được nhiều người nhắc đến hơn, có lẽ do sự đối nhau chan chát hơn.
Một thuở mang gươm đi mở cõi
Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long
Một bài thơ rất hay! Nghe nói nó được viết ra trong những phút xuất thần của tác giả, một người chưa hề được đặt chân đến Thăng Long-Hà Nội.
***
Là người Việt Nam, tôi yêu Thăng Long. Là người Sài Gòn, tôi cũng tri ân các chúa Nguyễn và bao thế hệ cha ông Nam Tiến đã để lại cho chúng ta một dải đất hình chữ S tuyệt đẹp như hôm nay. Tự nghìn năm, bao nhiêu liệt sĩ Việt Nam đã bỏ mình ở Hát Giang, Bạch Đằng Giang, Hoàng Sa hay Quảng Trị... họ đều là những bậc anh hùng cho con cháu tôn thờ. Điều ấy khỏi cần bàn cãi.
***
Những cuộc chiến chinh phạt là cách thức bình thường từ nghìn xưa cho các nền văn minh sinh ra, phát triển và tàn lụi. Nhưng đạt đến nền văn minh hôm nay, nhân loại hầu như đã thống nhất được với nhau rằng chiến tranh không phải là giải pháp tốt cho phát triển.
Tổ Quốc chúng ta từ hàng nghìn năm đến nay vẫn phải tiếp tục đối phó với nạn Bắc xâm xuất phát từ nếp suy nghĩ rằng nền văn hóa Trung Hoa luôn là thượng đẳng. Trung Hoa đã nuốt chửng nền bao văn hóa khác như Hoa Hạ (Nam Trường Giang), Kim (Đông Bắc, Mãn Thanh), Choang (Quảng Tây), Hồi (Tân Cương), Phật Giáo Mật Tông (Tây Tạng), thì cớ sao Việt lại là ngoại lệ?
Nhưng nhìn lại mình, chúng ta hãy thử đặt mình vào vị trí hậu duệ của các vương triều xa xưa đã từng tồn tại ở Trung Bộ và Nam Bộ, những nền văn minh một thời rực rỡ nay chỉ còn phế tích những tầng tháp cổ. Họ đã và đang hòa nhập vào một Tổ Quốc Việt Nam chung với đóng góp của nhiều rất nhiều nền văn hóa khác, không nhất thiết phải là của người Kinh. Nhưng đến lượt người Việt, có phải rằng chúng ta cũng chịu ảnh hưởng Bắc thuộc rất nặng nề với suy nghĩ rằng văn hóa Việt là trên hết trên dải đất hình chữ S này?
***
Vậy để bảo vệ Tổ Quốc, chúng ta trước hết hãy tự mình cởi bỏ niềm tự hào về những thanh gươm chinh phạt đã mỡ cõi cho ngày hôm nay người Sài Gòn thương nhớ đất Thăng Long.
Trần Bắc Hải
***
NHỚ BẮC
Ai về Bắc, ta đi với
Thăm lại non sông giống Lạc Hồng
Từ độ mang gươm đi mở cõi
Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long.
Ai đi về Bắc xin thăm hỏi
Hồn cũ anh hùng đất Cổ Loa
Hoàn Kiếm hồn xưa Linh Quy hỡi
Bao giờ mang kiếm trả dân ta?
Ai về Bắc, ta đi với
Thăm lại non sông giống Lạc Hồng
Từ độ mang gươm đi mở cõi
Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long.
Ai nhớ người chăng? Ôi Nguyễn Hoàng
Mà ta con cháu mấy đời hoang
Vẫn nghe trong máu buồn xa xứ
Non nước Rồng Tiên nặng nhớ thương!
Vẫn nghe tiếng hát trời quan họ
Xen nhịp từng câu vọng cổ buồn
Vẫn nhớ, vẫn thương mùa vải đỏ
Mỗi lần man mác hương sầu riêng…
Sứ mạng ngàn thu dễ dám quên
Chinh nam say bước quá xa miền,
Kinh đô nhớ lại xa muôn dặm!
Muốn trở về quê, mơ cánh tiên.
Ai đi về Bắc xin thăm hỏi
Hồn cũ anh hùng đất Cổ Loa
Hoàn Kiếm hồn xưa Linh Quy hỡi
Bao giờ mang kiếm trả dân ta?
Huỳnh Văn Nghệ, Sài Gòn 1940