KGU News >>Văn học >>Ký - Luận
KGU Tạo bài viết  
Thứ sáu 20 Tháng năm 2011

Thầy trò KGU




Tác giả: Tự sướng đào ngũ

Tản mạn nhân chuyến thăm Việt Nam của thầy cô Riabukhin và Arkadi

Vợ chồng thầy Riabukhin và thầy Arkadi về Moldova đã được 10 ngày.

Là trò, tôi có nhiều cảm xúc sau chuyến thăm Việt Nam của các thầy cô. Nhưng công việc bộn bề, nhiều chuyện xảy ra như chuyện buồn một người anh KGU đi xa, hôm nay tôi mới ngồi viết được, trong khi các ACE khác viết kha khá về chuyến thăm Việt Nam của các thầy cô rồi. Thôi chậm một tý nhưng còn hơn không viết.

Sau chuyền đi "Trở về" của gia đình tôi hè năm ngoái, tôi đã lên chương trình mời thầy tôi và cô giáo của Nguyệt, bà Sumux, sang thăm Việt Nam vào mùa thu năm ngoái. Mùa thu miền Bắc với khí hậu mát mẻ, trời trong xanh và không có mưa, là thời điểm đẹp nhất mời các thầy cô. Nhưng trời không chiều lòng chúng tôi, chồng bà Samux đột ngột ra đi sau khi chúng tôi quay về Việt Nam chừng 2 tháng. Kế hoạch của chúng tôi bị hoãn lại chưa biết đến lúc nào.

Khi nhóm học trò thầy Arkadi đã quyết định mời vợ chồng thầy sang thăm Việt Nam, tôi và Nguyệt liền quyết định mời thầy giáo tôi, Viện sỹ Riabukhin và vợ thầy cùng đợt với vợ chồng thầy Arkadi. Chúng tôi chọn dịp 1/5 mời các thầy sang.

Nhờ Huyền hỗ trợ mà chuyến đi thăm Việt Nam của các thầy và các phu nhân được thực hiện đúng như kế hoạch.

Đón thầy cô đến Việt Nam và thăm quan thủ đô Hà Nội

Sau nhiều ngày trông đợi, sáng 24/04/2011 tôi được Thanh (Luật 80) dắt vào qua cửa khẩu biên phòng sân bay Nội Bài, cùng chị Phạm Bình (Sinh 77) có thẻ đón khách quốc tế, đón các thầy cô cùng Hàm (Sinh 82) bay từ Matxcơva. Các thầy cô ra gần cuối cùng, chúng tôi mừng rỡ ôm hôn các thầy cô. Với các thầy cô, đây là sự kiện lớn vào những năm đã ngoài 70 tuổi. Ngay cả thầy giáo tôi, một viện sỹ, cũng chỉ được đi Ba Lan, Hungary dưới thời Xô Viết. Còn thầy Arkadi thì chưa một lần ra khỏi nước Moldova.

Đón các thầy cô tại Nội Bài

Tôi đã có viết về thầy tôi trong các hồi ký "Năm tháng sinh viên" và "Trở về", đã đăng trên web và sách NguoiKGU. Nhưng bài của Nữ đại sứ Huyền về thầy mới thực sự khắc họa được những tính cách nhà giáo, tính cách bác học của thầy, người đến gặp Huyền với một túi đầy sách trinh thám (detective).

Với bộ râu tóc đã ngả màu cước, thầy tôi có dáng bộ như một nhà bác học mà hồi nhỏ tôi vẫn tưởng tượng qua các cuốn sách viết về khoa học. Hồi ở KGU thầy còn trẻ, năm tôi tốt nghiệp (1979) thầy mới 40. Khi đó thầy mới được phong giáo sư. Đến 10 năm sau, năm 1989, thầy được phong viện sỹ thông tấn, rồi 1992 là viện sỹ chính thức. Những thông tin đó tôi không biết gì. Chỉ còn nhớ là thầy tôi giảng bài chẳng bao giờ có giáo án. Mọi thứ đều ở trong đầu thầy và cứ thế tuôn ra. Môn thầy dạy, và là chuyên môn sâu của tôi, là Đại số trìu tượng. Mỗi khi chuẩn bị chứng minh một định lý dài và khó, thầy bao giờ cũng cầm hòn phấn, tung hứng trong ít giây, khi đó thầy đang rất tập trung, rồi viết lời chứng minh một mạch liền mấy bảng. Lũ chúng tôi chỉ biết chép lia chép lịa, chỗ hiểu, chỗ không.  Năm 1990 tôi có ghé thăm trường cùng Nguyệt và con gái, thầy đi nghỉ mát nên không gặp được. Tôi không giữ liên lạc gì với thầy cho đến năm ngoái, qua Huyền tôi nối lại liên lạc với thầy cho chuyến đi "Trở về". Rồi một hôm anh Hùng (VL76) email cho tôi và hỏi rằng có phải Riabukhin là thầy tôi không, hiện ông ấy là viện sỹ Viện HLKH Moldova đấy. Anh cũng gửi đường link để tôi vào xem thông tin đó. Tôi cũng chuyển link tới Dũng, cùng lớp và cùng học trò thầy Riabukhin. Té ra hai đứa đã được học một thầy giáo có trình độ mà sau này đã khẳng định với chức danh viện sỹ. Còn hồi sinh viên, chúng tôi chỉ biết thầy rất giỏi mà thôi. Mấy hôm ở Việt Nam, tôi hỏi thầy về số lượng NCS, thầy cho biết có 15 NCS, có 4 người là TSKH, trong đó có ông hiệu trưởng đương nhiệm KGU.



Mừng thầy cô đên Hà Nội

Năm ngoái tôi có đến thăm thầy tại Viện Toán và Tin học, thuộc Viện HLKH Moldova. Chắc thầy ngạc nhiên lắm, sau mấy chục năm lại có cậu học trò quay lại cùng đông đủ vợ con thăm mình. Mỗi tháng thầy lên Kisinhôp họp và lĩnh lương một lần tại Viện, còn chủ yếu dạy ở trường đại học tại Tiraspol. Vợ thầy, cô Loreta, cũng là giáo viên.

Thầy Arkadi và vợ đều đã về hưu. Cô Olga là công nhân. Thầy cô lập gia đình sớm. Nên anh Hiền mới có ảnh con trai thầy cô trước ký túc xá hơn 40 năm trước. Cũng vì thế mà thầy cô bây giờ đã có chắt rồi. Khoản này các trò không kiểu gì học được ở thầy cô.

Thầy Riabukhin của tôi là dân Toán. Thầy trò chúng tôi làm việc không nhiều thời gian với nhau, vì Toán là môn lý thuyết. Năm thứ 5 tôi tự đặt bài toán, rồi chỉ gặp thày hai lần học kỳ 1 là xong luận văn, học kỳ 2 tôi chẳng làm gì cả. Tôi không hứng thú lắm với Toán lý thuyết (xin xem thêm những bài tôi đã viết trên web KGU) nên không đầu tư nhiều thời gian ở năm thứ 5. Mà nói chung dân Toán là khô, ít nói, chỉ nặng về logic. Thầy Riabukhin cũng là người như thế. Khác với những giáo viên Nga văn, nhất là dạy năm dự bị các sinh viên Việt Nam. Hồi đó Việt Nam còn chiến tranh, các thầy cô thương lắm. Đối với họ xa nhà 5-6 năm đi học cũng chẳng khác gì trẻ mồ côi. Liên Xô từng chịu đựng mất mát rất lớn trong đại chiến thế giới thứ 2 nên người dân rất hiểu chiến tranh và các thầy cô rất thương học sinh Việt Nam. Năm dự bị mới sang học tiếng Nga, được các thầy cô uốn nắn từng tý một. Cuối tuần lại được thầy cô mời về nhà vui chơi, ăn uống. Những điểm đó cá nhân tôi không được trải nghiệm vì tôi học tiếng Nga trong nước, sang là vào năm thứ nhất luôn. Tôi có chút ghen tỵ với các anh chị em được học dự bị tiếng Nga. Không như chúng tôi học Nga văn mỗi năm đổi vài giáo viên, nay ghép với Hóa, mai ghép với Lý. Đến giờ tôi chẳng nhớ cụ thể giáo viên Nga văn của mình là ai nữa.

Chùa một cột

Những môn Lý, Hóa, Sinh thường gắn nhiều với thực nghiệm. Thầy trò làm việc với nhau nhiều hơn trong phòng thí nghiệm, cùng nhau xử lý các kết quả thực nghiệm, rồi chuẩn bị báo cáo ở hội nghị khoa học sinh viên (SNO). Và tự nhiên tình cảm thầy trò cũng gắn bó với nhau nhiều, chuyện cũng là lẽ thường tình. Mỗi ngành một đặc thù, ngành Toán của tôi nó chỉ in ít, không được nhiều thời gian cùng làm việc với các thầygiáo như ngành khác. Nhưng chẳng phải vì vậy mà tình thầy trò của dân Toán ít hơn ngành khác, mà có lẽ nó kiểu Toán hơn, thiên về logic, thiên về con số. Huyền từng nhận xét tôi và thầy tôi giống nhau ở chỗ kiệm lời, thông tin đầy đủ nhưng rất ngắn gọn. Đấy là chúng tôi chưa sử dụng ngôn ngữ nhị phân 0 và 1 như máy tính đấy.

Những tính cách khác nhau của các thầy được thể hiện ngay từ phút đầu tiên khi mới bước xuống sân bay. Thầy Arkađi hân hoan cùng các học trò ôm hôm, tặng hoa, cười nói. Thầy tôi chạy ra 1 góc xa với Dũng để hút thuốc, trên máy bay không được hút là khoảng thời gian kìm nén quá lâu với thầy. Và có thể thầy không quen cảnh ồn ào của gần hai chục trò hân hoan ra chào đón các thầy đến Việt Nam. Trong xuốt chuyến đi thăm quan Việt Nam cùng đám học trò to mồm ồn ào và nghịch ngợm, thầy tôi vẫn luôn ít nói hơn thầy Arkadi. Cô Loreta cũng ít nói hơn cô Olga. Nhưng các anh chị trong đoàn đều nhận xét, những ngày về sau vợ chồng thầy giáo tôi nói nhiều hơn, vui vẻ hơn với đám học trò. Làm sao không vui vẻ với chúng tôi, những học trò luôn cố gắng xắp xếp chương trình tối ưu nhất đi thăm quan trên cơ sở quan tâm sức khỏe các thầy cô, những trò luôn săn sóc thầy cô như những người con đối với cha mẹ.

Thầy Arkadi vốn là giáo viên Nga văn, gặp lại học trò xưa nên vẫn ân cần với một giọng nói nhẹ nhàng, giảng giải nhiều thứ mỗi khi chúng tôi có khó khăn về tiếng Nga. Thầy dạy môn xã hội, lại dạy nhiều trò Việt Nam. Cô Olga cũng xởi lởi như một người công nhân thời Xô Viết. Các thầy cô đúng là điển hình của những người Xô Viết, chân thật, đôn hậu. Những người Xô Viết đáng yêu bây giờ đều đã cao tuổi. Hiện nay còn rất nhiều người Xô Viết như các thầy cô, dù rằng nước Nga và các nước cộng hòa thuộc Liên Xô trước kia đều chuyển sang chế độ cộng hòa nghị viện. Và tâm trí chúng ta vẫn còn gắn với Liên Xô, với nước Nga, với Moldova qua những con người Xô Viết cụ thể, như những thầy cô của chúng ta chẳng hạn. Sau này còn ai nhớ đến Liên Xô và những con người Xô Viết?

Sau những giờ phút gặp gỡ hân hoan tại sân bay, thầy trò chúng tôi về khách sạn Daewoo, nơi các thầy cô sẽ nghỉ 03 tối trong thời gian ở Hà Nội (còn 2 tối khác là ở Grand Plaza). Khi đưa thầy cô lên phòng chúng tôi đã cẩn thận kiểm tra và hướng dẫn tất cả các thứ trong phòng như sử dụng nhà tắm, mở cửa bằng thẻ, gọi điện thoại giữa các phòng, gọi xuống lễ tân,…, rồi yêu cầu các thầy cô tự làm lại. Chẳng phải chúng tôi cầu kỳ gì mà với những người chưa ra khỏi xứ Moldova, khách sạn 5* chắc hẳn là một cái gì mới lạ. Mà các khách sạn ở Việt Nam nói chung nhân viên phục vụ không nói được tiếng Nga.

Buổi chiều ngày đầu tiên chúng tôi đưa thầy cô đi thăm phố xá Hà Nội và ghé Big C sắm đồ. Việc đầu tiên là sắm cho các thầy cô vali, vì các thầy cô gần như chỉ dùng túi, hoặc vali bé tý. Nhưng chúng tôi như vấp phải bức tường đá. Các thầy cô kiên quyết không cho mua gì, luôn nói rằng chúng tôi chẳng cần gì những thứ đó, rằng chúng tôi sang Việt Nam là để gặp gỡ các học trò, rằng ở nhà chúng tôi cũng có ối vali. Học trò thầy Arkadi đông hơn, ra sức thuyết phục nên thầy cô cuối cùng cũng đồng ý cho mua vali. Còn vợ chồng thầy giáo tôi thì hôm đó tôi chịu thua. Bù lại thầy cô đồng ý để chúng tôi mua một bộ quần áo mùa hè cho thầy Riabukhin và các chị mua cho cô Loreta một đôi giày cao gót. Về sau tôi có bàn với các chị đổi chiến thuật. Không hỏi han thầy cô nữa, cứ mua và ấn vào tay các thầy cô. Nếu không chịu, chúng tôi đe là sẽ mua gấp đôi, gấp ba. Chiến thuật đó về sau rất có tác dụng, tuy không phải mọi lúc. Ví dụ khi đi chơi Hạ Long tôi có nhờ Nguyệt ở nhà mua sẵn một vali, khi đoàn thầy cô từ Hạ Long về, chiếc vali đã sẵn ở khách sạn, lại vừa có nhiều đồ lặt vặt mua từ Hạ Long nên tỏ ra rất hữu dụng, vợ chồng thầy giáo tôi mới không có ý kiến. Cũng với chiến thuật này mà chúng tôi cũng mua được ít nhiều quà cáp cho các thầy cô, hay cho con cháu của các thầy cô.

Trong khi các chị đưa các cô đi mua sắm ở tầng 2 thì các thầy và đám con trai rủ nhau đi uống cafe và ngồi hút thuốc. Hai thầy có khoản hút thuốc và uống cafe là giống nhau. Ngồi đâu một lúc là cũng kiếm chỗ và rủ nhau đi hút thuốc. Và bao giờ cũng ra ngoài khỏi chỗ máy lạnh để hút. Khoản này các trò nam thua, chúng có thể hút nhiều chỗ mà không e ngại về môi trường có chấp nhận khói thuốc lá hay không. Dù sao các thầy cũng là người châu Âu, còn chúng ta là dân châu Á. Chúng tôi viện dẫn lý do kiểu đó để che lấp những khuyết điểm của mình.

Trong lúc uống cafe thầy Riabukhin tặng tôi chiếc bật lửa có quốc huy Liên Xô, có chữ CCCP to tướng và cả hình ông Lê Nin nữa. Thầy có vẻ rất thích thú với mòn quà này. Lứa các thầy cô còn gắn nhiều kỷ niệm, có thể có cả những nuối tiếc thời kỳ Liên Xô. Chúng tôi cũng hiểu, và cũng như các thầy cô, Liên Xô là một quá khứ không bao giờ quên và đáng chân trọng, dù thời thế có đổi thay thế nào. Gần đây tổng thống Nga đã có sắc lệnh về ngày 7/11 là một ngày lễ của Nga. Quốc ca Nga vẫn giữ nhạc như quốc ca Liên Xô, chỉ có phần lời là được thay đổi cho phù hợp. Người Nga không quên, và không có những thái độ tiêu cực với Liên Xô.

Buổi cơm tối ngày đầu tiên 24/04 thầy ai về trò nhà nấy. Tôi mời thầy cô Riabukhin và Dũng-Cẩm về nhà tôi. Thầy tặng chúng tôi mỗi đưa bức tranh nhỏ về Moldova và chai rượu, bánh kẹo. Món Việt Nam đặc trưng chúng tôi giới thiệu là nem rán, ăn cùng bún (được gọi là vermishel tươi của Việt Nam). Thầy cô rất khen món này, ăn nhiều bún. Món súp lại là bát phở gà, tất nhiên có bánh mỳ và bơ. Cũng may Việt Nam có thời là thuộc địa của Pháp, nên bánh mỳ, súp, bơ, cafe cũng dễ kiếm và bữa nào chúng tôi cũng chuẩn bị dự phòng mấy món đó cho các thầy cô. Bí quá cứ quay về bánh mỳ, súp, thế là chúng tôi yên tâm.

Tôi mang cuốn sách của thầy viết khi chúng tôi ở năm cuối (và Nguyệt đã mua hộ tôi vì cuốn sách được xuất bản sau khi tôi tốt nghiệp) ra khoe với thầy rằng: "Em giữ cuốn sách này còn tốt nguyên sau hơn 30 năm, nhưng báo cáo thầy em chẳng hiểu nổi những ký hiệu toán học trong đó, chứ chưa nói đến các ý nghĩa chuyên môn của chúng". Dũng cũng gật gù bẽn lẽn cười đồng ý những gì tôi thú tội. Thầy độ lượng nói rằng: "Các em chuyển sang Tin học là đúng thôi, cái đó cần hơn là Đại số". Trong bữa ăn thầy còn nhớ ra đề tài tốt nghiệp của Dũng. Tôi còn nhắc lại trào lưu của trường phái đại số Liên Xô khi đó là nghiên cứu sự phân rã từ một cấu trúc phức tạp thành những cấu trúc đơn giản hơn. Mắt thầy sáng lên, đầu lắc lư tán đồng. Tôi đâu đến nỗi không còn nhớ gì về chuyên môn của thầy.

Thầy cô Arkadi về nhà chị ThanhLK cùng các trò. Hôm đó đúng là ngày Phục sinh nên thầy cô mang đến nhiều đồ ăn ngày Phục sinh như trứng, bánh nên không khí lễ lạt hơn. Chúng tôi còn được thưởng thức rất nhiều thứ mà thầy cô Arkadi mang sang Việt Nam. Nào là cá khô do thầy tự câu, là một vài loại bánh cô tự làm, bánh kẹo, mứt quả,.. Đến hôm tối chia thay thầy cô, nhiều thứ vẫn còn và được bày trên các bàn ăn.

10 ngày cùng sống với các thầy cô cũng là lúc tôi hiểu nhiều hơn về các thầy cô đã từng dạy chúng tôi máy chục năm về trước. Cho dù chỉ là hai thầy giáo, một là chuyên môn khoa học, một là giáo viên Nga văn. Với tôi thời gian 10 ngày qua có thể còn lớn hơn nhiều tổng thời gian tôi tiếp xúc ngoài giờ lên lớp với thầy Riabukhin trong suốt năm thứ 4 và năm thứ 5 của tôi ở KGU. Lần làm việc với thầy lâu nhất là về khóa luận năm thứ 4, khi tôi trình bày cho thầy cách chứng minh vấn đề của khóa luận và rồi hai thầy trò mổ xẻ cái kết quả đó. Với sự phân tích của thầy, cái kết quả của khóa luận xem ra còn hay hơn kết quả luận văn tốt nghiệp của tôi. Nhưng lần ấy cũng chỉ ngồi với thầy không hơn hai giờ đồng hồ. Còn lần này những 10 ngày tôi cùng sống với những hai thầy giáo.

Ở tuổi trên 70 các thầy cô vẫn có đủ sức khỏe để hoàn thành chương trình thăm quan mà lũ học trò đã thiết kế. Tuy rằng có nhiều thời điểm chương trình có bị thay đổi đôi chút vì sức khỏe các thầy cô không được tốt. Chúng tôi đã thiết kế khá tối ưu. Các thầy cô đã thăm được Hà Nội và Đà Nẵng, cùng 3 địa điểm đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới và di sản thiên nhiên thế giới: Hạ Long, Huế và Hội An (trên tổng số 5 di sản của Việt Nam). Những ngày ở Việt Nam các thầy cô đều được ở khách sạn và resort 5* (đa phần các trò chưa được ở một đêm khách sạn 5* nào). Ở Đà Nẵng chỉ có tôi và Nguyệt được ở cùng các thầy cô (rất may có loại villa 3 phòng ngủ của resort Fusion Maia), còn các trò khác "ngủ nhờ nhà bà con họ hàng trong Đà Nẵng chứ không ở khách sạn", như đã trình bày với các thầy cô. Chẳng hiểu sao cái thành phố Đà Nẵng nhỏ bé ít dân ấy lại có lắm bà con họ hàng với các trò KGU đến thế!. Thực tế là ban đêm sau một ngày đi lại nhiều thấm mệt (các trò cũng U60 hết lượt và đa phần đã về hưu hay sắp về hưu), các trò về ngả lưng ở những khách sạn hơn 2* một tý và còn xa mới 3*. Còn ban ngày các trò vẫn cùng đi với các thầy cô từ sáng đến tối khuya. Vợ chồng thầy Arkadi đã nhiều lần nói rằng thầy cô không được vui cho lắm vì các trò luôn dành riêng các ưu đãi hàng ngày cho các thầy cô. Thầy cô muốn thầy trò sinh hoạt hệt như nhau. Cái đó đâu có được. Người Á Đông coi thầy cô như cha mẹ. Mà cả đời lũ trò chúng tôi cũng chỉ đón các thầy cô có một lần thôi.

Đu võng, trang tại Dũng-Cẩm

Nếu các điểm du lịch nổi tiếng của mỗi nơi chúng tôi đều xắp xếp để các thầy cô được thăm quan thì ở Hà Nội cũng có những khác biệt nhất định. Đó là trang tại của Dũng Cẩm. Sau khi thăm Tượng Thánh Gióng và Phủ Thành Chương, trưa ngày 25/04 cả đoàn kéo về trang trại Dũng Cẩm ở huyện Sóc Sơn. Trang trại rộng 20.000 m2 thoai thoải trên sườn đồi, với đủ thứ cây trồng, có cả ao, cả lợn, cả gà (đúng mô hình chuẩn Vườn-Ao-Chuồng). Có một chị vội giới thiệu với các thầy cô con số "twenty тысяч", các thầy cô ngớ ra không hiểu chị ấy nói cái gì. Con số lai ghép này sau đó trở thành một trong rất nhiều giai thoại của đoàn chúng tôi về cách nói đa ngữ của một số học trò KGU, không chỉ giỏi nhớ được tiếng Nga mà còn biết nói cả tiếng Anh pha trộn với tiếng Nga. Chúng tôi được một mời bữa ăn trưa thịnh soạn mà món chủ lực là lợn nuôi đồi (lợn mán). Chỉ tội các thầy cô không thưởng thức được vì món chính của các thầy cô vẫn là súp và bánh mỳ. Mà các thầy cô đâu có cần nhiều về lượng, một bát súp với vài lát bánh mỳ là ổn.

Và các thầy cô rất thích đu võng, có lẽ lần đầu các thầy cô được thưởng thức món này tại trang trại Dũng Cẩm.

Thăm Hạ Long, kỳ quan thiên nhiên thế giới

Hạ Long rộng mở đón các thầy cô. Sự hùng vỹ của thiên nhiên, sự hài hòa của biển và núi, sự đa dạng hình khối của những hòn đảo khiến ai cũng phải say mê chiêm ngưỡng vẻ đẹp Hạ Long, huống chi các thầy cô đến lần đầu. Cả đoàn chúng tôi chiếm một nửa thuyền Opera House, trong đó 02 phòng VIP dành cho thầy cô. Ảnh chụp tới tấp, nhất là khi thuyền đi qua 2 ngon núi giống đôi gà trống mái đang thơm nhau. Đặc sắc nhất là tấm ảnh thầy cô Arkadi cũng hôn nhau mà nền là cặp núi đôi gà trống mái. Khi thăm hang Sửng Sốt, chắc các thầy cô cũng sửng sốt vì vẻ đẹp nhũ đá, hang động mà thiên nhiên tạo ra sau nhiều triệu năm biến hóa. Tàu ghé đảo Ti-Tôp, chúng tôi say sưa kể chuyện vì sao hòn đảo lại mang tên nhà du hành vũ trụ Xô Viết. Cả đoàn bơi trong nước biển xanh mát của hòn đảo này. Các thầy cô thổ lộ rất thích tắm biển (đương nhiên, Moldova làm gì có biển), và hỏi nhỏ biển ở Đà nẵng có được như ở đảo Ti-Tôp không?. Chúng tôi trả lời rằng, biển ở Hạ Long chỉ đáng là hạng con cháu so với biển Đà Nẵng. Các thầy cô mừng rỡ khi nghe thông tin này. Thầy cô Riabukhin đã từng nghỉ ở Sochi nhưng ở đó làm sao so với bãi biển miền Trung Việt Nam, được xếp hạng nhất thế giới.

Người và núi cùng giống nhau

Cũng trên thuyền Opera House các thầy cô lần đầu được thưởng thức món karaoke. Ở Moldova, cũng như nhiều nước Âu châu, mòn này không có. Chúng tôi phải thương lượng vất vả với anh chị em phục vụ, NgocNT còn phải mở mobile gọi đến cho chủ thuyền (là chỗ người quen) để yêu cầu cho mở karaoke. Chẳng là trên thuyền còn có mấy đoàn khách lẻ khác, đa phần là người ngoại quốc, buổi tối mở karaoke không hẳn đã phù hợp. Thế rồi chúng tôi cũng được cấp phép hát một tiếng đồng hồ. Thầy Arkadi hát là chính, cùng các trò hát lời Nga trong khi màn hình hiện chữ Việt của những bài hát quen thuộc như Chiều Mátxcơva, Đôi bờ, Kachiusa,…

Cô Olga phát biểu có tính kết luận về Hạ Long: "Есть чудо в этом мире, это залив Халонг". Tôi đã đọc, nghe nhiều cách thức ca ngợi vẻ đẹp của Hạ Long, nhưng chưa được nghe bằng tiếng Nga với cách diễn tả như của cô.

Thăm Đà Nẵng, Hội An và Huế

Điểm tiếp theo là Đà Nẵng. Ra khỏi cửa máy bay chúng tôi được NguoiKGU Đà Nẵng đón tiếp với những bó hoa, những nụ cười, những câu chào bằng tiếng Nga. Tíu tít một lúc rồi tất cả vào nhà hàng, câu chuyện lại tiếp tục. Có hai trò của thầy Arkadi là anh Trự (Hóa 77) và chị Hòa (Hóa 78) bay từ HCM ra gặp thầy cô. Thầy trò hỏi han nhau, các trò hỏi han nhau, may mà nhà hàng chỉ có NguoiKGU chiếm giữ. Những ngày ở Đà nẵng chị Hòa được ưu tiên ngồi gần thầy trên xe, cô Olga đùa là những Thanh, Bình, Hoa (Hóa 77) bị ra rìa. Chị Hòa còn được thầy khen trẻ như thiếu nữ 35 tuổi, nên tôi có hỏi chị: "Chị Hòa ơi, với tuổi 35, em có còn gọi chị là chị nữa không đây?".

Biển Đà Nẵng thì không có gì phải bàn, trên cả tuyệt vời, nước trong xanh nhìn tận đáy, cát thì mịn như bột mỳ (nhận xét ví von của thầy Arkadi), sóng vừa phải rất phù hợp cho tắm biển. Check-in được một lúc là các thầy cô rủ nhau ra biển. Tắm biển xong các thầy cô lại vào bể bơi trong khuôn viên villa bơi tiếp. Những hôm sau hôm nào các thầy cô cùng dậy sớm (người già không ngủ muộn được) và ra biển tắm. Khi tôi và Nguyệt ra biển là lúc các thầy cô quay về tiếp tục bơi trong bể bơi. Chiều cũng thế, ngày hai lần tận hưởng bãi tắm miền Trung Việt Nam.

Đến Đà Nẵng tất nhiên phải đi thăm Hội An, khu phố cổ đã được UNESCO xếp hạng di sản văn hóa thế giới. Với các trò, Hội An không xa lạ gì, cá nhân tôi đi ngót nghét 5 hay 6 lần rồi. Nhưng với các thầy cô, chắc hẳn sẽ nhiều cái mới. Tôi không rõ các thầy cô có thấy được nét pha trộn văn hóa và kiến trúc vừa Nhật, vừa Trung Hoa, vừa Việt của Hội An hay không, vì các thầy cô chưa được đi du lịch nhiều. Nhưng các thầy cô cảm nhận ngay được nét văn hóa may đo nhanh của Hội An. Các trò nữ cũng khéo cùng các cô mua sắm, cô nào cũng mua hoặc may nhanh hai hay ba áo mùa hè. Buổi tối người may đã mang đến khách sạn, thật tiện lợi và giá lại rẻ. Những ngày hôm sau hai cô diện luôn áo Hội An, vừa đẹp, vừa mát.

Phổ cổ Hội An

Tối 29/4 cũng là một tối đặc biệt. Công ty du lịch (của chồng và con NgaHT, Lý 80) đã đặt cơm tối cho chúng tôi và các thầy cô tại khách sạn Varna bên bờ sông Hàn. Vào ăn tối là phụ. Mà chính là sau đó leo lên tầng thượng của khách sạn để xem festival pháo hoa. Hôm đó đội Hàn Quốc, Anh Quốc và Việt Nam trình diễn. Khách sạn tổ chức lôn xộn, thiếu ghế ngồi. Nguyệt đã kiên quyết chiến đấu với khách sạn để họ phải mang ghế lên phục vụ các thầy cô. Từ trên cao, ngắm biển người bên bờ sông Hàn cũng như trên cầu, rồi được xem ba nước trình diễn, chúng tôi cùng các thầy cô được hít thở không khí lễ hội của người Đà Nẵng. Hôm sau chúng tôi xem thi pháo hoa quốc tế qua TV, vì lúc đó là liên hoan với NguoiKGU Đà Nẵng. Thật là những đêm khó quên, không chỉ với các thầy cô, mà ngay cả với các trò.

Sáng 30/4 thầy trò chúng tôi chào nhau kiểu Nga: "С днём победы". Ngày này 36 năm về trước Việt Nam được hoàn toàn giải phóng, hoàn toàn thống nhất. Khi đó nhiều NguoiKGU đang ở Kisinhôp, trong đó có tôi. Thầy Arkadi thì đang dạy các bạn Luật 80. Chắc thầy trò khi đó có nhiều cách thức đón nhận tin vui từ Việt Nam. Còn hôm nay sau khi ghé thăm chùa Linh Ứng và chiêm ngưỡng tượng Phật bà Quan Âm lớn nhất Việt Nam, chúng tôi đưa thầy cô đi thăm Bà Nà, để khoe công trình cáp treo dài nhất và cao nhất thế giới. Trời nóng, khách rất đông vào ngày lễ, và còn vì khách đến Đà Nẵng xem hội pháo hoa nữa nên càng đông. Chúng tôi đành tách đoàn, nói với đội bảo vệ là có mấy thầy cô giáo của bọn anh, cao tuổi, trời nóng xếp hàng thế này không hay lắm. Thế là 4 thầy cô và 4 trò chưa lên Bà Nà được chen ngang, còn lại chúng tôi ngồi chờ ở dưới chân cáp treo và hủy vé đã mua.

Ngày 1/5 chúng tôi đi Huế. Lần đầu tôi đi qua hầm đèo Hải Vân dài hơn 6km. Đất nước thay đổi, những đường hầm này trước kia tôi chỉ thấy ở châu Âu. Những đổi thay của Việt Nam, tuy chúng ta chưa hài lòng vì còn nhiếu bất cập khác, nhưng nếu so với Moldova thì khác xa. Moldova, một nước nhỏ chưa đến 3,4 triệu dân, thế mạnh chủ yếu là nông nghiệp, thu nhập đầu người thấp nhất châu Âu. Người dân chỉ thấy kinh tế đi xuống. Tách khỏi Liên Xô là một hụt hẫng rất lớn cho Moldova, đầu tư nước ngoài đến ít, quan hệ kinh tế với Nga vẫn rất quan trọng nhưng lại phụ thuộc không khí chính chị hai nước vốn hay thất thường. Châu Âu thì chưa với tới. Tự đi thì các đảng phái chính trị suốt ngày chỉ trích nhau, đất nước bị chia rẽ, người dân chán nản. Các thầy cô tâm sự, Việt Nam thay đổi nhiều, con người năng động, trẻ trung, khuôn mặt người dân luôn lạc quan. Việt Nam nhìn thấy một tương lai chứ không như Moldova. Chính những đổi thay ở Việt Nam đã góp phần trực tiếp cho việc NguoiKGU có điều kiện để mời được các thầy cô của mình sang thăm Việt Nam.

Hai cô bơi tại bể bơi trong villa

Đoàn dừng lại ở Lăng Cô. Một bất ngờ cho đoàn là Dũng mời vào thăm nhà của Dũng (lại một nhà nữa) ngay đối diện với vịnh Lăng Cô. Hiện ngôi nhà được sử dụng cho dịch vụ nhà nghỉ, có 4 phòng. Theo Dũng giới thiệu ngôi nhà là tài sản Dũng được thừa kế từ bố (Dũng quê ở Quảng Nam), vốn là một cán bộ cách mạng. Nên Dũng có thể gọi là đại điền chủ trong anh em NguoiKGU. Sau khi thăm nhà Dũng, đoàn ghé thăm khách sạn Công đoàn để ngắm vịnh Lăng Cô. Một bãi biễn tuyệt vời, Dũng cho rằng còn đẹp hơn cả bãi biển ở Đà Nẵng (liệu có khách quan không khi Dũng có nhà riêng ở Lăng Cô?).

Ở Huế các thầy cô đi thăm Thành nội và lăng Tự Đức, được xem ca nhạc trên thuyền ở sông Hương. Do thời tiết quá nóng mà bỏ mất chùa Thiên Mụ và Huyền Trân công chúa, cũng hơi tiếc. Bù lại, có điểm đặc sắc ở Huế là chuyến thăm nhà chị Tân Thanh, vợ anh Hoài (VL76) (ở Hà Nội điểm đặc sắc là trang trại Dũng Cẩm, ở Đà Nẵng là villa 3 buồng ngủ sát bãi biển). Sau khi thăm lăng Tự Đức, xe đi ngoằn nghèo 5, 6 km đến thôn Tiên Nộn, nhà (bố mẹ) chị Thanh ở sát sông Hương. Mùa lũ nghe nói nước ngập cao hơn 1m so với sàn nhà. Gia đình đã chuẩn bị cơm, toàn món đặc sản Huế, tiếp đãi đoàn. Bữa cơm thân mật được tiến hành trong vườn. Cụ thân sinh chị Thanh đã 88 tuổi nhưng còn khỏe và minh mẫn, nói chuyện rất cởi mở với đoàn, giọng Bắc hoàn toàn. Sau này được biết cụ sẽ tùy đối tượng mà nói giọng Bắc hay giọng Huế. Cô Olga rất thích cây chuối, và nhất là buồng chuối bây giờ mới cô mới nhìn thấy bằng mắt thật, trong khi quả chuối cô đã thưởng thức bao nhiêu năm nay rồi. Tôi đã bấm máy ảnh cho cô và các chị bên cạnh cây chuối.

NguoiKGU đón thầy cô

Đi đến đâu thầy cô cũng được NguoiKGU tại đó đón tiếp nồng nhiệt.  Có cảm tưởng đâu cũng có NguoiKGU. Hà Nội đông nhất. Buổi gặp mặt hôm thầy cô mới đến (tối 25/04) ở nhà hàng Phố Biển có hơn 40 người tham dự. Có 03 anh khóa 1968-1974, học dự bị tại Kisinhôp rồi xuống Ođetxa học tiếp đại học. Các anh là những học sinh Việt Nam đầu tiên của thầy Arkadi. 42 năm đã trôi qua, thầy trò mới gặp lại nhau trên quê hương học trò, thật cảm động và nghĩa tình biết bao. Hôm đó các anh hát hăng lắm. Các trò khác rải rác từ Sinh 75 cho đến NgocNT (Luật 93).

Cảm động nhất buổi hôm đó là cuộc gặp của NgocNT với thầy Arkadi. Em ấy hồi trước nghe đâu được tin thất thiệt là thầy đã mất. Nay được gặp thầy và cô tại Hà Nội, cầm trong tay tấm ảnh hai thầy trò năm xưa, Ngọc đã khóc khi gặp thầy. Em ôm hôn thầy rất lâu, nói với thầy những câu thăm hỏi, câu chào mừng mà nước mắt chảy xuôi hai gò má. Video và nhiều máy ảnh đã ghi lại giây phút cảm động của gặp gỡ của hai thầy trò. Tôi còn được thấy nhiều cặp mắt đỏ hoe hôm tiễn thầy cô tại sân bay Nội Bài sáng ngày 04/05 của một số trò và của cô Olga.

Tại Hà Nội số lượng học trò và NguoiKGU không là học trò (mà tôi gọi là các fan cho ngắn gọn) là đông đảo nhất. Trong đó có trên 10 người học trò và fan nhiệt tình nhất luôn đi cùng các thầy cô trong thời gian 10 ngày. Trong số đó có vợ chồng tôi và Dũng (Toán 79), học trò thầy Riabukhin, các chị Hóa 77 học trò thầy Arkadi như chị Thanh (và phu quân, anh Hoàng Lương VL77), chị Bình Trần, chị Hoa, như Thủy (chỉ học dự bị tại Kisinhôp sau học Khí tượng thủy văn ở Ođetxa) cùng chồng (anh Huy VL76) và con gái Hương Giang (cháu làm chân PV nhiếp ảnh của đoàn), em NgocNT (đi Hạ Long), các fan như anh Hiền, chị Chi (Hóa 74), chị Bình kều, Bình Phạm. Anh Trự (Hóa 77) và chị Hòa (Hóa 78) học trò thấy Arkadi bay từ HCM ra Đà Nẵng đi chơi cùng các thầy cô suốt mấy ngày ở Đà Nẵng. Gần chục NguoiKGU Đà Nẵng đã đón thầy cô tại sân bay. Buổi liên hoan với Đà Nẵng tối ngày 30/04 có cả thẩy gần 30 người, có đến những 02 gato. Đến Huế thì có chị Tân Thanh. Đến đâu thầy cô cũng được NguoiKGU nhiệt liệt đón tiếp. Hôm chia tay tại khách sạn La Thành có đến hơn 60 người tham dự, thành phần đầy đủ các khoa, đặc biệt có cả 2 bạn Toán 94, khóa cuối cùng sinh viên Việt Nam tại KGU.

NguoiKGU không chỉ đông về lượng mà còn phong phú về chất. Chương trình đón tiếp 10 ngày của các thầy cô rất chi tiết, tỷ mỉ và chu đáo. Sức khỏe thầy cô cơ bản là tốt, được đảm bảo trong suốt thời gian thăm quan, dù phải di chuyển nhiều và đi thăm không ít các điểm du lịch. Các thầy cô luôn nói rằng ở Việt Nam như ở nhà. Hoặc nhiều hôm thức dậy, các thầy cô phân vân không hiểu mình đang ở đâu, đang ở Việt Nam hay đang ở Moldova. Có một nét thấy rõ là cả thầy và trò đều cùng hay hát, những bài hát tiếng Nga rất xưa, từ hồi chúng ta còn là sinh viên, hay lâu hơn thế. Hát khi gặp mặt, các buổi gặp gỡ phần hát hò bao giờ cùng vui nhất. Hát khi đi trên xe oto. Hôm gặp mặt chia tay tối 03/05, các khoa còn thi nhau hát, và đội gồm các đôi 100% KGU cũng tham gia (hôm đấy có 5 đôi như thế). Mà quanh đi quẩn lại chỉ hơn 10 bài đinh mà thôi như Chiều hải cảng, Chiều Matxcơva, Đôi bờ, Nụ cười, Tuổi thanh niên sôi nổi, Hãy để mặt trời chiếu sáng, ... Với những bài này, thầy thuộc, cô thuộc, các trò cũng thuộc. Thầy Riabukhin hát thường không đúng nhạc, giọng thầy có vẻ hợp với bè ngang. Tôi cũng ngạc nhiên thầy cũng có thể hát cùng các trò những bài hát xưa đó, nhất là về những ngày cuối, thầy thoải mái hát hơn. Thầy tôi có chút lập dị, kiểu của nhà bác học, lại pha chút tính trẻ con nữa. Ở bãi biển Đà Nẵng thầy bơi ít lắm, chủ yếu đi tìm những con sò, con ốc trong cát biển. Hình như thầy sưu tập những con vật đó tại biển Việt Nam. Thầy nhặt được con sao biển, nâng niu nó rất nhiều, còn dán lên ngực và khoe với Nguyệt. Đến nhà Huy-Thủy, thầy đứng rất lâu trước cái bể cá, vốn mỏng vì là để trong căn hộ. Thầy hỏi sao mấy con cá này bé thế, liệu chúng sống ở đây thì có lớn lên được nữa không, hệt như con trẻ hỏi. Sau khi tôi tặng huy hiệu KGU, thầy đeo suốt nó. Sau khi tôi đưa mũ FPT cho thầy đội đỡ nắng ở Hạ Long, thầy đội suốt ở đó và ở Đà Nẵng. Có chiếc mũ Hội An, thầy nhất quyết không đưa cho cô Loreta. Còn ở Huế, sau khi có cái nón lá, thầy đội suốt ngày cả khi lên máy bay.


Từ khi có chiếc nón lá,thầy Riabukhin không rời nó

Thầy Riabukhin còn có tính cục bộ địa phương chủ nghĩa. Hôm liên hoan chia tay thầy nhất quyết đứng chụp ảnh với sinh viên khoa Toán. Còn buổi trưa ghé thăm nhà chị Bình kều, thầy đã bảo vệ bài thơ của PhưND trước những cái lắc đầu và sửa lời của thầy Arkadi, khi biết tác giả là matematik. Nói cho đúng, phần lời Nga của bài "Mùa Xuân ở nơi đầy nắng" có nhiều điểm không ổn về tiếng Nga, tác giả sửa lời cho hợp với nhạc. Khi thầy Arkadi sửa, thầy Riabukhin nói rằng "ông lại gramatika rồi, tôi thấy nó có vần điệu đấy chứ", sau khi đọc những câu thơ cho có vẻ vần điệu.

Còn thầy Arkadi và cô Olga thì rất hay trêu nhau. Cô ca ngợi thầy suốt trong chuyến đi, nói rằng chưa bao giờ thầy to tiếng với cô. Còn chiến tranh lạnh, như bao đôi vợ chồng khác, chỉ kéo dài không qúa nửa tiếng. Lại một khoản nữa mà các trò không học được ở thầy cô. Nếu chỉ 30 phút thì chưa thể gọi là chiến tranh, dù lạnh hay nóng. Cả hai cô đều là nhà quản lý cho các thầy. Mọi chuyện tiền nong, đồ đạc, giấy tờ, các cô đều lo hết. Căn dặn gì chi tiết, chúng tôi đều nói chuyện với các cô. Cái này nhiều trò nam cũng chưa được đến mức ấy, mức được vợ lo hết.

Trước hôm về khi chúng tôi lo gói ghém đồ đạc cho thầy cô, thầy Riabukhin tặng tôi một cuốn truyện trinh thám. Có lẽ cuốn sách sẽ là một vật kỷ niệm, chứ tôi đến truyện Việt Nam còn không đọc, nữa là sách Nga. Ngược lại tôi biếu mỗi thầy cô 03 đĩa DVD chuyển từ máy quay của tôi sang, cùng 01 USB chứa hơn 2500 ảnh, còn rửa biếu mỗi thầy cô 100 ảnh, được trình bày vảo quyển album khá đẹp do các chị mua.

Có bao giờ các anh chị, các bạn tự hỏi vì sao thầy trò KGU gắn bó với nhau như thế qua bao nhiêu thời gian, bao nhiêu biến cố?

Việt Nam thấm sâu đạo Khổng, trong đó quan hệ thầy trò rất được đề cao. Có câu "Mùng một lễ cha, mùng hai lễ mẹ, mùng ba lễ thầy". Thầy được xếp như cha mẹ. Rồi "Nhất tự vi sư, bán tự vi sư", một chữ cũng là thầy, mà các thầy đã dạy chúng ta bao nhiêu chữ?. Ngay trong truyện của Kim Dung, quan hệ sư phụ-đệ tử được đề cao rất rõ. Những năm 70 của thế kỷ trước, Việt Nam đang còn chiến tranh và nghèo khó. Người dân Xô Viết đã giúp đỡ, đã đùm bọc chúng ta, những đưa con ưu tú được gửi gắm sang đào tạo ở nước bạn. Và các thầy, đại diện cụ thể của người Xô Viết, đã truyền dạy chúng ta bao nhiêu kiến thức, đã chăm sóc, lo lắng cho chúng ta như lo cho những đứa con. Để rồi hôm nay các trò đã trưởng thành, các trò đều hiểu giá trị những kiến thức khoa học, kiến thức văn hóa mà mỗi chúng ta thu được trong khi học ở KGU. Và những gì đã thấm vào máu người Việt Nam về đạo thầy trò nhắc nhở, thúc đẩy chúng ta phải làm gì đó đền đáp lại công ơn các thầy. Ăn quả nhớ kẻ trồng cây, uống nước nhớ nguồn, NguoiKGU đã thấm nhuần những đạo lý ấy.



Thầy cô cùng lớp Hóa 77

Hội KGU ra đời mới hơn một năm. Chúng ta đã làm được bao nhiêu việc như lập trang web, tụ tập gặp gỡ, giao lưu, liên kết những hội viên mới, lập quỹ tình nghĩa, xuất bản sách,.. Những cuộc đón tiếp thầy cô như thêm sức sống cho Hội, như một minh chứng rằng, những sinh viên tỉnh lẻ KGU (ấy là so mới Mát, với Len) lại là những con người biết sống có ý nghĩa. Những tháng năm ở KGU, trên một khu ký túc xá gần gũi nhau, với số lượng học sinh đông đúc tại một trường đã tạo nên những nét gắn bó của NguoiKGU hôm nay. Người tỉnh lẻ, người nhà quê vẫn tình cảm hơn những người khác. Với NguoiKGU cũng vậy thôi

Thay cho lời kết

Cô Olga nói rằng kiếp sau được lựa chọn thì cô sẽ sống ở Việt Nam, nơi có rất nhiều học trò của thầy Arkadi.

Thầy Arkadi thì nói tại buổi liên hoan chia tay tối 03/05 rằng với thầy, tất cả chuyến đi Việt Nam như một câu truyện cổ tích.

Vâng câu chuyện cổ tích 10 ngày cũng đã đến với các học trò KGU chúng tôi. Chẳng phải sống cùng thầy cô 10 ngày sau 30, 40 năm xa cách là chuyện cổ tích ư?

Và chúng ta hãy cùng mong đợi những chuyện cổ tích khác đến với NguoiKGU.


Người post: NgocBQ

Ngày đăng: 20-05-2011 23:11






Xem 11 - 20 của tổng số 26 Comments



Từ: HuyenBT
24/05/2011 04:55:03

Còn em thì đang nghĩ, anh Ngọc ơi, sao anh không đặt tên bài viết là "Mười ngày rung chuyển..."(tất nhiên mình xin lỗi và xin phép ông John Reed trước đã).Đúng là 10 ngày rung chuyển...vì đến hôm nay ở Moldova , em vẫn còn chứng kiến những cơn địa chấn của nó. Trưa ngày chủ nhật vừa rồi, cô Olga đến nhà em, bảo là muốn mang bánh nướng nhân Anh đào đến ngay, khi nó đang còn nóng, nhưng em biết, cô đến để được kể thêm lần nữa về giấc mơ 10 ngày qua. Cô bảo, đến bây giờ vấn đôi khi giật mình chợt nghĩ, có đúng là điều ấy vừa xảy ra với mình không? !10 ngày ấy "rung chuyển" ít nhất 4 con người. Cô Olga ước, kiếp sau được đầu thai ở Vn, nơi có học trò thầy Arcadi...


Matematic Reabuchin hiện ra ở sân bay Chisinau lúc 12 giờ đêm, dầu đội chiếc nón Huế, sau chòm râu bạc là nụ cười hóm hinh : тебе привет от Тхань, Бинь, Хоа, Нгок и от  Huế (em ngạc nhiên, KGU có chị nào tên Huế đâu nhỉ?), thầy tiếp tục: ot Ha long, Hanoi, Da nang , Hoi an...(Hiểu thầy rồi!).  Anh Ngọc nói 10 ngày để anh gần và hiểu thầy anh hơn suôt 4 năm học. Em tin. Vì em đã thấy anh phát hiện ra chất "trẻ thơ" trong con người bác học ấy. Sẽ mãi là hình ảnh đẹp, thật đáng nhớ, lúc thầy anh thơ thẩn trên bờ biển, nhặt những con sò, con ốc, rồi áp nó lên ngực mình...với nụ cười hạnh phúc...


Còn thầy Arcadi Ivanovich, thì đúng là hình ảnh của Первый Учитель- bao giờ cũng là thầy cô giáo tiếng Nga. Có lẽ vì tập nói, bao giờ cũng là bài học đầu tiên của đứa trẻ, và người dạy những âm đầu tiên sẽ là người Mẹ. Thầy bao giờ cũng biết thanh thản giữa bộn bề, tất bật cuộc sống. Bao giờ cũng biết tìm đến một giải pháp đơn giản của những vấn đề phức tạp. Em cứ băn khoăn , lo lắng về vấn đề đôi chân thầy phải ngồi lâu một chố trong chuyến bay dài...Thầy cười bảo em: "Thế còn 3 ngày liền  ngồi một chỗ trên chiếc thuyền câu cá nhỏ xíu giữa sông, là đôi chân nào ấy nhỉ?". Rồi cười xòa, vỗ vai em: Đừng lo, tất cả sẽ tốt thôi! Và đúng là tất cả đã thật tốt đẹp! Em thích nụ cười hiền của thầy, vầng trán rộng,rất mịn màng, và mái tóc mềm mại lúc nào cũng có thể lượn sóng, (không hẳn vì mỗi lần chụp ảnh, thầy thường chuẩn bị kỹ lưỡng, dùng chiếc lược luôn mang theo người, chải ngược mái tóc bồng bềnh ra phía sau, như em Thúy Ngọc đã có lần ngây ngất nhìn trộm).


Em cảm ơn các anh chị đã góp thêm một câu chuyện cổ tích nữa vào kho tàng truyện cổ tích KGU!


PS.(nói riêng với anh Ngọc: Anh mà làm nghề chài lưới thì chắc không con cá nào lọt lưới nhà anh! Không sót một chi tiết nào, cả những câu nói, nụ cười, bước đi, dáng đứng của các thầy cô!)



Từ: NgocNT
23/05/2011 23:14:15

À mà anh Ngọc ơi! Được tặng bật lửa là "hên" lắm đấy! Quan niệm của người Âu là thế đấy! Anh nhớ giữ bật lửa cẩn thận nhé! Không phải cho anh hút thuốc đâu! Và cũng không phải do thầy anh hút thuốc mà lại tặng anh bật lửa đâu! Thầy thật thâm thúy và thật hay! Thầy anh ít nói nhưng rất thật và rất tình cảm! Còn thầy của bọn em thì khỏi phải nói rồi!



Từ: BinhPT
23/05/2011 17:19:12

Có mấy bài của các bạn tường thuật tường tận, nên nguoikgu nào cũng như được tham dự chuyến đi của thầy cô từ đầu tới cuối. Chắc các thầy cô cũng đang "tua băng" thời gian vừa qua như các học trò. Hôm thầy Arcadi mang thư và quà  của mình đến cho "bà Mèo" , thầy mang theo cả bộ ảnh của chuyến đi từ Việt Nam và theo như bà ấy kể thì thầy kể về chuyến đi say sưa không dứt, nhất là thầy rất tự hào về các học sinh của mình. 


Cám ơn tất cả các bạn đã làm nên câu chuyện cổ tích này. Và hy vọng hội ta có thêm nhiều người kể chuyện cổ tích nữa.


 



Từ: ThinhTT
23/05/2011 14:28:55

 


Qua phóng sự ảnh cũng như hai bài viết rất hay của Thủy và NgọcNT, tôi như được tham gia  đón thày cô tại sân bay rồi những ngày tiếp theo được sống trong không khí vui vẻ hào hứng của đoàn và cuối cùng là buổi chia tay thày cô sôi nổi đầy lưu luyến. Hôm nay đọc bài của HT Ngọc, cũng như ACE, tôi vẫn thấy hấp dẫn ; Bởi, cũng vẫn sự kiện đó, nhưng ta được thưởng thức câu chuyện  dưới cách nhìn và văn phong của nhà toán học, đặc biệt  những nhận xét sâu sắc rải rác trong các phần  là dấu ấn đậm nét để lại trong lòng người đọc.


            &nb sp; Chuyến thăm VN của cô Irina, thày Arkadi, thày Riabukhin do các bạn tổ chức và được cả hội KGU nhiệt liệt  hưởng ứng dù trực tiếp hay gián tiếp là quá hoành tráng, có thể nói đó là những Chuyến du lịch 5 sao về vật chất , 6 sao về tổ chức và 10 sao về tinh thần. Sắp tới, chắc sẽ cũng có những nhóm mời thày cô của mình sang thăm Việt Nam. Có thể về vật chất sẽ khác đi, nhưng  tình cảm, lòng biết ơn của cả HỘI chúng ta giành cho thày cô vẫn đầy ắp.


            Tình cảm của ACE KGU đối với thày cô giáo cũ thể hiện trong thời gian qua là vô cùng tốt đẹp và đáng trân trọng; Nhưng nét đẹp đó chỉ chúng ta biết và rất ít thày cô biết. Có cách nào để nhiều người hơn, biết nét đẹp của của HÔI KGU chúng ta không ? Chứ cứ "mặc áo gấm đi đêm" thế này thì uổng quá!


 


 



Từ: KhanhT
22/05/2011 21:17:56


Đọc bài viết của Ngọc, tôi cười vui nhưng mắt lại rưng rưng. Nhất là khi đọc:”… , người đến gặp Huyền với một túi đầy sách trinh thám (detective). Với bộ râu tóc đã ngả màu cước, thầy tôi có dáng bộ như một nhà bác học mà hồi nhỏ tôi vẫn tưởng tượng qua các cuốn sách viết về khoa học.” Một hình ảnh rất “Người”, bởi tôi vẫn thích cái gì thuộc về con người thì không xa lạ mà. Nói là hình ảnh mà thấm tình thầy trò bao la.


Và đúng là những Thầy Cô giáo Nga văn thì thể hiện tình cảm “trực giác” hơn, tôi nghĩ vì khi mới đến hầu hết chúng ta lần đầu xa nhà và xa bố mẹ, các thầy giáo cô giáo Nga văn ở vào vị trí ở năm đầu tiên ấy như thay thế bố mẹ mình, mà thực tế đúng như vậy.


Đọc hết bài của Ngọc lại thấy Ngọc hơi bị giống LýTM, cấp 3 giỏi văn nhưng cấp 1 giỏi toán! Cứ đọc câu này thì rõ: “Cô Olga phát biểu có tính kết luận về Hạ Long: "Есть чудо в этом мире, это залив Халонг". Tôi đã đọc, nghe nhiều cách thức ca ngợi vẻ đẹp của Hạ Long, nhưng chưa được nghe bằng tiếng Nga với cách diễn tả như của cô.’’


Những chuyến thăm của các Thầy Cô: Sakare, Rjabukhin, Vưsotranskiji… đã đem lại cho chúng ta tình cảm gắn bó sâu nặng như đối với cha mẹ mình vậy, sống trong cảm xúc đó thật là quý giá, nhất là khi chúng ta hầu hết đã U60, U70 cả rồi.


Cảm ơn Ngọc, cảm ơn các bạn đã đón tiếp Thầy Cô tại Việt Nam và được đọc bài “tổng kết” của Ngọc thật chi tiết và thật sâu đậm, để ta dù không trực tiếp cũng cảm thấy có mình ở đó...



Từ: HuongLH
22/05/2011 10:21:48

Chúng ta đã không nhầm khi chọn em là HT của NguoiKGU. Em đã giúp kết nối tất cả mọi người với nhau bao năm sau ngày tốt nghiệp và các thủ lĩnh FPT, cựu sinh viên KGU trong đó có em đã là những người khởi xướng để thày trò KGU gặp nhau, để các trò bày tỏ lòng biết ơn đối với thầy cô. Bài viết của em thật chi tiết, cảm động, giúp các trò không có điều kiện tham gia các sự kiện dõi theo từng bước đi của thày và trò trong chuyến thăm Việt Nam. Chị thích câu "Những cuộc đón tiếp thày cô như thêm sức sống cho Hội, như một minh chứng rằng, những sinh viên tỉnh lẻ KGU lại là những con người biết sống có ý nghĩa".



Từ: ThaoDP
22/05/2011 02:29:19

Cảm ơn em Ngọc về bài tường trình "10 ngày đón tiếp thày cô ở VN " rất chi tiết và cảm động. Bài viết của em hấp dẫn, gây xúc động vì cách hành văn giản dị và chân thành, bộc lộ tình thày trò sâu đậm và lòng biết ơn vô hạn của học trò đối với thày giáo cũ, làm nổi bật đặc tính của người VN là "Uống nước nhớ nguồn" và "Tôn sư trọng đạo".


Cảm ơn em đã đưa mọi người đến thắp hương ở mộ vợ chồng cô chú PhùngQuán- Bội Trâm, hai người rất thân thiết với  gia đình chị.



Từ: HanhLM
21/05/2011 23:31:04

Anh Sơn đã "miêu tả" rất đúng bài viết của HT Ngọc là một "báo cáo tổng kết". Em cũng cảm nhận như thế mà loay hoay tìm từ mãi chưa được. Cám ơn anh Sơn!


Bài viết của HT Ngọc và nhiều bài viết của các anh chị khác về cuộc tiếp đón thầy cô vừa rồi đã vẽ nên một bức tranh sống động, đầy màu sắc, chan chứa yêu thương của tình thầy trò Xô - Việt sâu nặng. Cám ơn mọi người nhé!


Được gặp các thầy cô giáo của các anh chị em KGU mà em có cảm giác như mình cũng được gặp lại thầy cô mình. Tuy nhiên, vẫn chạnh lòng "Giá như...".



Từ: SonTM
21/05/2011 22:17:41


HT có bài viết về cuộc đi thăm của của các thày cô giáo và sự đón tiếp nồng nhiệt của các trò cũ KGU thật hay. Có thể coi đây như một báo cáo tổng kết một việc làm rất có ý nghĩa mang tính ngoại giao nhân dân của hội KGU của chúng ta trong năm 2011. Rất cảm ơn mọi người trong ban tổ chức cuộc đi thăm này. Hy vọng  Hội chúng ta tiếp tục có những việc mới mang ý nghĩa  tương tự.



Từ: NgocNT
21/05/2011 16:12:16

Chúng em cám ơn Hội trưởng nhiều! 2 tuần nay, ngày nào em cũng vào mạng (vì tội đi họp và đi học nên tranh thủ được), không thấy có bài viết mới về các thầy cô là em lại ngạc nhiên: sao thế nhỉ? Rõ ràng là em nhìn thấy rất nhiều nhà văn nhà thơ tiềm năng mà!! Hóa ra, dù mải quay quay, chụp chụp, HT cũng trau dồi ngôn ngữ để cho ra được một bài đầy đủ sự kiện và đầy ắp tình cảm như vậy! Hôm chia tay các thầy cô, em ấn tượng khoa Toán cực kỳ đấy: lần đầu tiên đông thế, hoành tráng thế, hát còn hăng hơn cả chứ! Cách tả thầy Riabukhin của anh Ngọc đúng là "dâtoaToans tả dân Toán" thật! Rất cô đọng và đáng nhớ! Hình ảnh thầy anh đội nón lom khom đi chắc là hình ảnh đẹp và đáng nhớ nhất trong con mắt những người ngoại quốc đấy! Đặc trưng Việt mà! Thế hệ sau bọn em cám ơn các anh chị nhiều!





Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7170
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s