KGU News >>Người KGU >>Chúng ta
KGU Tạo bài viết  
Thứ sáu 10 Tháng sáu. 2011

Du học sinh năm 1969 có gì đặc biệt?




Tác giả: TungDX

Du hc sinh năm 1969 có gì đặc biệt?

Các bạn khoan khoan chớ vội đòi nhiều, cơm chưa ăn gạo còn đó; Trước khi viết tiếp về cái tập thể nhỏ bé, đầy ắp thông tin sôi sục như một quả bom, Tôi xin phép được viết về một tập hợp lớn hơn đó là "Du học sinh năm 1969"; Từ đó đã ra đời CL75, OB75, VL75... của chúng tôi; Có gì đặc biệt đây?

Tất lẽ dĩ ngẫu 69 là sau 68; Nhưng tết Mậu Thân oanh liệt ấy đã làm Mỹ Ngụy điêu đứng nên 69 là năm trả đũa không chỉ ở miền Nam mà còn đánh phá mạnh miền Bắc; Tuyến đường sắt phía bắc là đường giao thông huyết mạch chuyển vũ khí vào nước ta vì thế cũng bị đánh tơi bời khói lửa và Du học sinh 69 không thể xuất ngoại bằng đường bộ; Do đó đã có một chuyến đi độc nhất vô nhị, ai đó hãy cố kìm lòng ghen tỵ, của các thế hệ Du học sinh Việt nam là đi bằng đường biển: Hải phòng - Находкa Владивосток - Xuyên Xiberi- Matcova - Mondova; Tức là một chuyến đi trong mơ tuyệt vời, trên cả mọi tuyệt vời, cổ tích hơn cả truyện cổ Grim, nhất là đó lại là chuyến ‘bay' đầu tiên của những con "chim non mới ra ràng" 17 tuổi; Có lẽ ngay cả sau này cũng ít ai có được chuyến đi xuyên từ Đông sang Tây hết chiều ngang của CCCP; Vậy là khi cùng cất lên bài hát Nga: Широка страна моя родная, много в ней лесов, полей и рек...thì cảm nhận của Du học sinh 69 mới là đầy đủ, trọn vẹn; Tự hào lắm, ấn tượng lắm và không thể kể hết được niềm sung sướng, ngây ngất đến bây giờ các cảnh đẹp thần tiên vẫn lớp lớp hiện ra, lướt trong trí nhớ; Những gì đọc được, nghe được, học được, mơ ước bây giờ đã hiển hiện trước mắt;

Đây rồi một cõi thần tiên

Ước mơ cháy bỏng dân trên một miền

 

 Số phận sắp đặt sao quá hay - Du 69 là những chàng trai, cô gái tuổi rồng - 1952; Có gì hoành tráng hơn "Hổ về rừng"? Đó chỉ có thể là: Rồng gặp nước"; Vậy là một số trong các chàng trai cô gái sau khi "chân đất vượt lũy tre làng", đã làm thêm một kỳ tích là "viễn dương du học comple chân giầy":

Một buổi chiều vào tuần cuối, khoảng 23-24 tháng 8 - 1969, Tàu hỏa bí mật, âm thầm chở chúng tôi xuống Hải phòng, phân chia vào các kho hàng trống ngủ qua đêm; Ban đầu còn dựa cột sợ bẩn mất cái áo cánh phin trắng nhà nước phát; Thao thức, bồi hồi nhớ nhà, xen lẫn lo lắng liệu máy bay Mỹ... Đêm mệt mỏi, tất cả nằm thẳng cẳng trên sàn; Trong cảng Tàu Liên xô mang tên V.I.Lenin đã chờ sẵn; Xin kể chuyến xuống tàu rời quê xa nước bằng mấy vần sau:

RỜI QUÊ - XA NƯỚC - DU HỌC

Hải phòng thao thức sàn kho

Sáng mỳ một bát con gà, không rau

Thấp cao chân bước xuống tàu

Mồ hôi lăn giọt, ướt đầu, đẫm lưng

Lên giường một giấc ngon lành

Giật mình tỉnh dậy, chạy vùng lên boong

Đã ra hải phận số không

Râm ran chào vẫy tàu mình quay vô

Tiếng ai với, ấm dặn dò

Xốn xang lay động đến giờ chưa nguôi

"Đi nhé! Gắng học thành tài

Về mà góp sức dựng xây nước nhà"

Lời bình dị, ý nôm na

Mà mang tình nghĩa Ông Bà, hồn quê

Chân đất vượt khỏi rặng tre

Viễn dương du học comple, chân giày

Rồng con đất Mẹ chiêm lầy

Sải mình bay tới trời Tây từ giờ

Đến tận bây giờ, mỗi mgồi nhớ lại cái giây phút chia tay trên biển tôi vẫn lặng người rbồi hồi rưng rưng nước mắt; Trong ảnh: Nguyễn Quang Dũng (đen) Hà nội OB75; Bạch Thành Công Hà tây VL75; Cao Thế Hà Hà nội CL75; Ngồi: Trần Bá Hưng Hà nội nhưng sơ tán về Hà tây OB75; Đỗ Xuân Tung Hà Tây CL75; Ba tên Hà tây chúng tôi học cùng một trường Nguyễn Huệ;

Tàu Lenin rất lớn, chuyến đi không chỉ đến Nga mà cho cả Đông Âu; Lênh đênh trên biển 8 ngày, khi qua Đài loan, Nhật bản luôn có máy bay lượn trên đầu; Ban đầu tầu lớn, sóng nhẹ nên chưa có vấn đề; Đến ngày thứ hai thi hầu hết ngả mặt xanh nanh vàng vì say sóng; Chỉ còn một số chúng tôi trụ được thì thả sức tung hoành trên các mâm ăn đồ Tây lạ miệng; Hàng ngày ngắm nước biển xanh biếc, sóng bạc đầu ào ạt từng lớp, xem những con cá chuồn bay  rất xa trên biển không biết chán; Thỉnh thoảng lại reo lên khi thấy đàn cá heo bơi cạnh tàu; Lúc thủy thủ rỗi rãi thì cố gắng trổ hết vốn tiếng Nga ít ỏi thời phổ thông để nói chuyện; Một số thủy thủ là sinh viên kết hợp làm kiếm tiền hè và du lịch;

Một buổi sáng cuối tháng tám tàu cập cảng Находкa của Владивосток; Bấy giờ mới chỉ hiểu nghĩa sơ sơ chứ chưa am tường cát ẩn ý đằng sau của cái tên này; Bạn tổ chức linh đình và trọng thị lắm, hoành tráng lắm; Cả đoàn sau khi vượt qua cơn vật sóng, lên bờ bắt đầu hồi sức, lại người; Nhân dân, công nhân, sinh viên, học sinh...đông nghịt, với người dân Viễn đông được đón một đoàn học sinh lớn từ Việt nam nổi tiếng anh hùng đánh Mỹ như một món quà quý hiếm từ trên trời bỗng nhiên rơi xuống; Đến ga nào của thành phố lớn Tiumen, Khabarov, Sverlovck, Yacut, Zabaican...đều như vậy, các lãnh đoàn thì lo phát biểu, cảm ơn, chọn một số đồng chí lớn tuổi có thành tích tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu để phát biểu, giới thiệu, lo tổ chức khỏi lạc mất người; Chính trong hoàn cảnh này đã xuất hiện một nhân vật là đ/c Thái Hình OB75; Sau một số lần tam sao thất bản từ tham gia đã thành trực tiếp bắn rơi máy bay Mỹ; Sự hiếu kỳ và cảm phục làm tiếng lành đồn xa lên trước; những thành phố sau càng đông hơn, tổ chức long trọng hơn; Các học sinh bạn thì cứ tập trung bên cửa sổ tàu để trao đổi địa chỉ bằng các trang vở học sinh; Trước đó đoàn đã công bố địa chỉ ngành nghề của mỗi người;(từ hành vi này đã nảy nở một câu chuyện tình cảm  lãng mạn của năm dự bị với cô học sinh Liuba ở TIUMEN).Cả đoàn có hai hoa khôi là Nguyễn Bạch Ngọc và Lê Hoàng Hoa thì đều về Kisinhop; Cứ như vậy con rồng lửa chở những con rồng con phơi phới đi trong mơ được ba ngày thì...

Hôm đó mấy bạn nữ chạy qua toa chúng tôi vừa chạy vừa khóc, thế là bị nhại và trêu tức thì; Một bạn đứng lại và trách, giọng đầy nước mắt: "Các bạn chẳng biết gì cả, Bác Hồ mất rồi" Hầu hết toa sững sờ, nhưng cũng còn người hoài nghi hét lên:"Nói bậy gì thế; Đây không phải là chuyện để đùa đâu nhé!"; Sau đó mấy phút thì anh Hảo, người nhà của Hoàng Hoa, phụ trách đoàn đến phổ biến thông tin, căn dặn một số điều cần thiết của công tác tư tưởng, và cách ứng xử ở các ga tiếp theo; Tất cả các toa đều vang lên tiếng khóc, những người gan lỳ thì ngồi lặng, nước mắt chảy tràn trên má; Một số nhanh chân trèo lên giường tầng 3 để kín đáo nằm khóc; Giờ đây con rồng Mẹ âm thầm uốn mình lặng lẽ chở đàn nghìn rồng non trong tiếng khóc như ri, thỉnh thoảng nó lại hú lên những hồi còi dài não nề. Mỗi ga bây giờ thay vào không khí náo nhiệt vui tươi là lễ tang chia buồn, những tiếng khóc nhỏ to, những đôi mắt đỏ hoe và tiếng nấc nghẹn ngào; Dẫu sao cái bản tính trẻ thơ vẫn tràn trề trong những tâm hồn trai gái mới 17 tuổi, những lời động viên kêu gọi biến đau thương thành hành động học cho giỏi đã dần dà phát huy tác dụng; Đó có phải là một nét đặc biệt 1969 không?

Tầu đi ngang hồ Baican thì biết đấy thôi rồi, một kỳ quan của thiên nhiên, mà đi đường bộ cũng qua đây rồi;

Đến Matcova được đi thăm một số danh lam như ВДНХ, Tháp truyền hình Ostankino; Một kỷ niệm nhỏ chắc mọi người đều nhớ, nhờ có sự kiện này mà toàn đoàn ai cũng biết bạn gái Mậu nhỏ nhắn; Sau bạn học OB; Số là bạn bị quân Tào Tháo truy đuổi và phải chốn vào những đống bê tông lúc bấy giờ đang xếp đầy xung quanh chân tháp;

Đi xuyên qua nước Nga mới thấy hết tầm vĩ đại, rộng lớn bởi vì mọi thứ đều trái với những gì Việt nam chúng ta có;

Kisinhop chào đón thật hoành tráng, có đội quân nhạc xếp hàng ở sân ga...

Sau khi ăn cơm Nga 2 tháng thì tôi tăng được 8 kg từ 41 khám tại ĐHBK lên 49; Tiếp theo là những ngày hãi hùng tẩy giun, tiêm phòng Холерa...

Còn lại xin nhường cho các bạn bổ xung

 


Người post: TungDX

Ngày đăng: 10-06-2011 16:04






Xem 11 - 17 của tổng số 17 Comments


<< Đầu tiên  < Trước đó | Trang:  1 | 2 |

Từ: ThanhLK
11/06/2011 22:42:12

Anh Tung ơi, thế OB 75 có mấy anh Hưng ??? Ở cơ quan em có anh Hưng học khoa Sinh Kisinhoop hiện đã có hai đời vợ và mới nghỉ hưu. Chúng em nói về anh Hưng đó, và sẽ kiểm tra lại họ và năm tốt nghiệp của anh Hưng cùng cơ quan.



Từ: TungDX
11/06/2011 22:15:09

 


Vì sao năm du học 1969 không đi được bằng đướng sắt?


Năm 1969 tình hình chưa có gì để buộc Mỹ phải ngồi vào hội nghị Pari; Mậu Thân thực chất là thất bại của ta; Hy sinh mất mát, bộc lộ lực lượng, bộc lộ cơ sỏ...1969 là năm thoái trào, phải xây dựng lại từ đầu, Mậu Thân là một niềm đau với chung cả nước và riêng Bác; 1968 là năm Bác yếu và ta e sợ rằng Bác không có cơ hội vào Nam đó là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến tổ chức tổng tiến công; Anh nhớ những lần về nhà lên trường sơ tán ở An khánh, buổi tối đội mũ rơm, máy bay vẫn bay, pháo và tên lửa vẫn bắn sáng rực trời; Năm đó còn kéo tên lửa vào đánh Cồn tiên, Dốc Miếu, Còn Khe sanh, Gian sơn City...; Chỉ đến sau Điện biên phủ trên không 12 ngày đêm năm 1972 mới bắt đầu hội nghị Pari; 5/8/1969 anh đi tập trung đi học thì bạn cùng lớp của anh gần xã lên đường nhập ngũ, và 1975 khi anh về, sang thăm thì hay là đã hy sinh 1973 cách Sài gòn 200 cây;


Ngọc nói xung đột Nga - Trung ở Mãn Châu Lý là chính xác, năm ấy khi bọn anh sang là không còn sinh viên Trung quốc, chỉ còn lại những lời khen ngợi học giỏi đàn sáo hay... ấy thế mà...; Rồi năm sau đó bà giáo dạy sử Romanova ca bài ca về sự phản phúc của Trung quốc; Và một điều nữa là trước khi đi đã được quán triệt là: "nghe thì cứ nghe nhưng miễn tham gia bình luận khi Người ta nhắc đến quan hệ Xô - Trung";


Anh Thái Hình người tầm thước khoảng 1.6m, hơi đậm, hiếng mắt; Học OB75 trường mình;


Chuyện Bá Hưng trồng cây si thì anh hoàn toàn bất ngờ, vì hắn học OB và hoặc là kỹ năng ngụy trang cũng hoàn hảo hoặc là anh hơi ngờ nghệch về chuyện yêu đương, có lẽ chỉ người quanh đối tượng của anh ta thì không thể dấu được; Nếu có gặp tưởng sang thăm nhau ai mà ngờ...hắn chọn nhà mình làm bàn đạp trước khi xung phong tấn công;


Anh Hưng là con một, bố mẹ ở phố Nguyễn Du, ăn uống nhai cực kỳ thuộc bài vệ sinh ăn uống, hình như đến nay vẫn chưa lấy vợ; Sau một thời gian làm việc trong nước thì đi xuất khẩu lao động và chưa về theo tin chưa chính xác thì vẫn холостяк;


Tấm ảnh trên bọn anh chụp 10/1969; Một kỷ niệm không quên; Số là vào một ngày đẹp trời năm chàng phởn chí thống nhất rằng phải chụp ảnh để ghi nhận lưu cho thế hệ sau và gửi về nhà; Nhưng mà anh em ạ, bây giờ nghĩ lại càng thấy thảm hại cho cái tâm lý tự ty, nhà quê ra tỉnh; Cả đời chân đất đi học quần áo rách, vá ngang dọc chằng đụp:


Xưa từ biệt lũy tre làng


Áo quần Mẹ vá, lên đàng chân không


Nay không những ra tỉnh mà còn tỉnh tận Liên xô, vớ được comple cộng caravat, giầy uynich đen bóng, ngẫm thì oách nhưng mặc vào thì ngượng nghịu, đi đứng mất tự nhiên, nhìn ngó lấm lét cứ như cả thế giới đang nhòm mình; Dẫu sao tập thể năm chàng dựa vào nhau nên vẫn đủ nghị lực để xúng xính cất bước ra đường; Đầu tiên vào nhà ăn, chọn một góc thật khuất nẻo, hẻo lánh ngồi và đùn đẩy nhau đi lấy thức ăn; Cuối cùng hai tên mạnh bạo hơn cả là Công và Dũng liều nình đi lấy; Thế nhưng tai họa xảy ra đúng vào lúc bắt đầu ăn; Đ/c Hưng lóng ngóng dùng dĩa xẻ miếng thịt không may để tuột tay, chiếc dĩa rơi "cheng" xuống nền nhà, sao mà vang ngân to thế cứ như tiếng chuông, năm thằng co dúm người lại, tưởng rằng cả nhà ăn nhìn mình chằm chằm (sau này nghĩ lại thực tế đâu đến nỗi thế); Nhưng mà rõ là nếu sợ ma thì lúc nào cũng thấy như có người đuổi mà; Dầu sao thì cũng kết thúc  chuyện ăn trong nhà ăn; Mới sang Kis món trái cây ai cũng khoái táo đúng không; Bè lũ năm tên cũng không quên tráng miệng bằng món táo; Nhưng mua xong thì chọn cái калитка của một nhà tương đối lớn, xa đường, đứng úp mặt vào tường mà ăn; thế có đáng giận và đáng thương không?


Bốn anh đều lấy vợ tuổi khỉ và gà; Về mệnh tử vi đều là Trường lưu thủy lấy Hỏa hạ sơn vì thế mà thường xuyên giữ vững quan hệ để truyền nhau kinh nghiệm chuyện tề gia (xem ảnh gặp nhau ở nhà Tung, và nhà Dũng); Anh có mấy vần ghi nhận vào tấm ảnh này:


Rồng con đất Mẹ chiêm lầy


Rời quê hương nhắm trời Tây sải mình


Tám ngày trời nước lênh đênh


Cùng không say sóng nên thành thân quen


Cùng về Đại học xứ Môn


Sáu năm gắn bó keo sơn đến về


Bốn Rồng trông thấy Khỉ, Gà


Dại dột lao xuống ai dè hết bay


Con thứ năm ngẩn ngơ bay


Trời Tây quay lại giời đày đọc thân


 


 



Từ: ThanhLK
11/06/2011 16:21:15

Đúng là rất khó nhận được ra anh Cao Thế Hà và anh Trần Bá Hưng trong ảnh trên. Anh Hưng đã có thời "trồng cây si" ở nhà một bạn Hóa 77, đố anh biết là ai ???


Khóa các anh được đi tàu biển cũng hay. Nhưng may mà em ko phải đi tàu biển vì khi sang Liên Xô em đi tàu hỏa đã say đến nỗi đến nơi 4 ngày sau "nhà vẫn quay" như chong chóng. Các anh chị CL 75 đăng bài liên tục làm các đàn em kính nể quá. Phát huy nhiều nữa anh Tung nhé.



Từ: HuongLH
11/06/2011 09:33:03

Quả là chuyến đi của khoá 69 rất đặc biệt với một chuỗi sự kiện cũng đặc biệt nữa. Nhìn ảnh em chỉ nhận ra anh, anh Cao Thế Hà và anh Bạch Thành Công thôi. Anh Trần Hưng thì không nhận ra được. Trong ảnh, anh ấy có vẻ mập hơn và đẹp rai hơn hồi về nước công tác. Em biết rõ vì sau nay anh ấy về u công tác cùng một cơ quan với em và LK Thanh. Vậy dũng sĩ "bắn rơi máy bay Mỹ" sau này học ở thành phố nào hả anh? Và chuyện tình nàng Liuba thế nào anh viết tiếp đi nhé. Hơi bị tò mò đấy. Mới chân ướt chân ráo rời Việt Nam lên tàu mà đã lãng mạn quá rồi.



11/06/2011 08:43:44

Anh Tung à, theo em năm 1969 không đi được xe lửa có thể là do quan hệ LX-TQ lúc đó rất căng thẳng. Tại biên giới Xô Trung đã xảy ra đấu pháo ở vùng Hắc Long Giang, do tranh chấp một hòn đảo. Còn miền Bắc lúc đó đã yên ổn. Mỹ đã dừng ném bom miền Bắc vào năm 1968, chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán tại Hội nghị Paris.



Từ: HuongNT
11/06/2011 07:41:03

Anh Tung có một trí nhớ tuyệt vời thật đấy! Nhìn ảnh em không nhận ra anh Hà nếu anh không chú thích. Năm anh đi bằng tàu biển thì quả là đặc biệt nhất rồi. Sao anh không viết tiếp đi?



Từ: VinhTQ
10/06/2011 22:59:19

mỗi khóa đều có những điều đặc biệt. Phải thừa nhân chuyến xuất ngoại đi du học của Khóa 69 - 75 lại càng đặc biệt hơn với chuỗi sự kiện tá túc tại kho trước  khi lên tàu, đi bằng đường thủy lênh đênh trên đại dương rộng lớn, Bác Hồ mất...


Cảm ơn anh TungDX đã cho đàn em biết về chuyến đi đặc biệt của K 69-75. Bài viết cũng làm em nhớ đến chuyến đi qua LX của khóa tụi em. 




<< Đầu tiên  < Trước đó | Trang:  1 | 2 |

Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7169
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s