KGU News >>Văn học
KGU Tạo bài viết  
Chủ nhật 12 Tháng sáu. 2011

Người KGU ơi, hãy về thăm Yên Bái - quê tôi!




Tác giả: HaiNV

Quê tôi là xã Bảo Ái, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái, cách Hà Nội khoảng trên 200 Km về phía Tây Bắc. Nhà tôi ở Km26 của Quốc lộ 70 - con đường huyết mạch Yên Bái – Lào Cai. Quốc lộ 70 bắt đầu từ Ngã ba Km9 tính từ nhà Ga Yên Bái. Như vậy, nếu đi Tàu Hà Nội – Yên Bái, quãng đường là 156 Km (tàu nhanh đi mất 4-5h). Đi ôtô thì quãng đường từ Hà Nội đến thành phố Yên Bái là 183 Km cũng mất khoảng 4h. Từ thành phố về nhà tôi thêm 26/ 35 Km thì mất khoảng 1h nữa. Như vậy, chỉ đi 1 buổi là về đến nhà tôi. Có lần việc gấp, tôi đã về thăm quê: sáng đi, tối về.

Đường ôtô có thể đi Nội Bài rồi theo Quốc lộ 2, qua Phúc Yên - Vĩnh Yên - Việt Trì - Phú Thọ - Đoan Hùng - Yên Bình - Yên Bái. Cũng có thể đi qua Sơn Tây - qua cầu Trung Hà, rồi đi tiếp qua cầu Phong Châu, sang sông Hồng (Sông Thao) theo đường đi Đền Hùng vào Quốc lộ 2 đi tiếp về Yên Bái, hoặc cứ men sông Hồng (sông Thao) mà đi lên, thấy cầu Văn Phú (cách Yên Bái 6 Km) hoặc cầu Yên Bái thì sang. Nếu đi đường này thì nhớ rẽ vào thăm Đền Mẫu Âu Cơ tại xã Xuân Áng - huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ, là xã giáp ranh của Phú Thọ với Yên Bái.

Thành phố Yên Bái được nâng cấp lên  từ thị xã khá lâu rồi, nên được xây dựng lại khá khang trang với Trung tâm hành chính ở Km5 tính từ Ga, kéo dài hàng chục Km đến thị trấn Yên Bình (mới). Còn huyện lỵ Yên Bình xưa bên bờ sông Chảy thực ra đã nằm dưới lòng hồ Thác Bà mấy chục năm nay. Tại thành phố Yên Bái, các bạn có thể nghỉ ngơi tại một số khách sạn khá khang trang như Hào Gia, Đồng Tâm, Thương Mại...giá cả, phục vụ cũng rất tốt. 

Từ Yên Bái, có thể đi vào Nghĩa Lộ (80 Km), thăm Mường Lò – cánh đồng trong thung lũng nổi tiếng với câu “Nhất Thanh – Nhì Lò” (Nhất: Mường Thanh – Điện Biên, Nhì: Mường Lò –Nghĩa Lộ). Có thể vào đây tắm suối nước nóng thiên nhiên, ngồi nghỉ trên nhà sàn, nếm món xôi nhuộm các màu của người Thái, người Tày và tham gia múa sạp, xòe Thái thâu đêm… Từ Nghĩa Lộ có thể đi thăm Suối Giàng trên con đường ngoằn ngoèo như đi trên mây, thăm vườn chè San cổ thụ và thưởng thức hương vị chè Tuyết San Suối Giàng nổi tiếng. Từ Nghĩa Lộ, có thời gian có thể đi xa hơn về thăm Tú Lệ, Mù Cang Chải, hay qua đèo Lũng Lô đến Sơn La, qua Than Uyên, xa hơn đến Điện Biên, Lai Châu...

Huyện Yên Bình của tôi nằm giữa Sông Hồng và Sông Chảy, lại có núi Con Voi chạy dài dọc theo. Tên gọi núi Con Voi (tiếng Tày là Pù Trạng) có thể là do các dãy núi có hình con voi, nhưng cũng có thể là xa xưa nơi đây có nhiều voi thật? Tôi còn nhớ khi xưa còn bé thấy xung quanh đâu đâu cùng toàn rừng già, cây cổ thụ, thế mà chỉ mấy chục năm qua đến hôm nay mọi thứ hầu như chẳng còn. Việc xây đập Thủy điện Thác Bà (nhà máy Thủy điện lớn nhất Đông Dương ngày ấy) vào những năm 60 thế kỷ trước đã làm cho có đến 2/3 -3/4 huyện tôi trở thành lòng hồ.

Gần đây, quê tôi rất nổi tiếng vì đã tìm thấy viên đá Ruby lớn nhất nước, tại xã Tân Hương, huyện Yên Bình của tôi (từ Thành phố Yên Bái về nhà tôi thì đi qua Tân Hương, cách xã tôi 1 xã là Cảm Ân, khoảng trên 10 Km). Viên đá đã trở thành “Ngọc Bảo Truyền Quốc” đấy nhé! Yên Bình và huyện Lục Yên tiếp giáp phía trên đã phát hiện các mỏ đá quý và đã và đang được khai thác rất nhiều. Dạo này, khá phổ biến nghề làm tranh đá quý, nhiều người trở nên khá giả hơn. Bạn bè nhiều khi đùa, bảo với tôi có khi đào dưới vườn hay nền nhà tôi cũng có đá quý đấy! Có lẽ chính vì thế mà từ xa xưa Yên Bình có Chợ Ngọc và Chợ Ngà (nguồn gốc tên gọi có thể là để bán Ruby và ngà voi chăng?). Khi có Hồ Thác Bà thì các chợ này cũng chìm luôn dưới lòng hồ rồi. Ngày nay, bạn có thể đi du lịch trên hồ Thác Bà, thăm các “đảo” - núi đồi còn lại (gọi là Hạ Long trên đất liền) và thưởng thức các món ăn tự nhiên từ hồ nước và và đảo thiên nhiên xanh.

Từ nhà tôi, đi lên theo Quốc lộ 70 qua Lục Yên, Bảo Yên với thị trấn Phố Ràng (Tố Hữu trong bài Việt Bắc có câu: "Nhớ Sông Lô, nhớ Phố Ràng; Nhớ từ Cao Lạng nhớ sang Nhị Hà" - tên gọi khác của Sông Hồng ngày xưa), đi tiếp khoảng 150 Km là đến Lào Cai.  Từ đây, có thể đi Sa Pa (32 Km), Bắc Hà (có mận Bắc Hà ngon có tiếng), Mường Khương, mỗi nơi cũng chỉ vài chục Km. Tản mạn, cũng phải nói luôn là huyện Yên Bình cũng như Lục Yên, Phố Ràng ngày xưa thời Chiến Khu Việt Bắc đều thuộc tỉnh Tuyên Quang, sau hòa bình (năm1956?) mới cắt về Yên Bái. Rồi sau này lại có tỉnh khổng lồ Hoàng Liên Sơn bao gồm Yên Bái, Lào Cai, Nghĩa Lộ một thời. Nên tôi có thể nhận quê mình cả Yên Bái, Tuyên Quang và Lào Cai cũng được chứ sao? Từ Sa Pa, mấy anh bạn ở Viện tôi đã từng leo lên đỉnh Phan Xi Păng trên dãy Hoàng Liên Sơn - Nóc nhà của Đông Dương (tiếc quá, lần ấy tôi bận việc không theo đi được!). Nhớ rằng lên Yên Bái, Lào Cai thì phải kiểm tra lại “tửu lượng” của mình, nhất là rượu ngô Bắc Hà – Lào Cai của người Mông thì bạn có thể bị đánh gục như chơi!

Từ Yên Bái, cũng có thể đi xuôi về, qua thị trấn Yên Bình về ngã ba Cát Lem (Cát Lâm), rồi đi ngược lên thị trấn Thác Bà, qua cầu trên sông Chảy, đi khoảng 20 Km là đến Suối Khoáng Mỹ Lâm, huyện Yên Sơn, nổi tiếng của tỉnh Tuyên Quang. Có thể nghỉ ngơi tắm nước nóng, nhớ mua lấy mấy can nước khoáng đặc trưng mùi lưu huỳnh, ăn cơm gà đồi của đồng bào Cao Lan tại đây, đi theo đường 14 km nữa đến thăm thành phố Tuyên Quang (có thành cổ Nhà Mạc…) rồi lại xuôi về theo Quốc lộ 2, 20 Km thì đến Đoan Hùng, mà thẳng tiến về Hà Nội. Ở Ngã ba Cát Lem và ngã ba Đoan Hùng, hai bên đường bạn sẽ thấy toàn bưởi là bưởi. Quê hương của Bưởi Đoan Hùng ngon có tiếng là đây mà! Nhưng nên nhớ rằng bạn có xuống mua thì cũng không chắc mà mua được Bưởi Đoan Hùng chính hiệu đâu. Lại nói, khi xây đập thủy điện Thác Bà, huyện Yên Bình bị ngập mất những diện tích màu mỡ, trù phú nhất. Phú Thọ đã “ủng hộ” cắt cho huyện Yên Bình, Yên Bái mấy xã, trong đó có xã Đại Minh là một trong những cái nôi của Bưởi Đoan Hùng, thành ra, Yên Bình - Yên Bái quê tôi cũng trở thành một phần quê hương của Bưởi Đoan Hùng đấy. Quê tôi còn có giống cam Yên Bình và của huyện trên là Lục Yên rất nổi tiếng, một loại Cam Sành ăn có vị chua + ngọt rất đậm đà.

Lớp OB76 của chúng tôi cùng Hoài, Huy + Thủy phu nhân đã đến thăm quê tôi cách đây 4-5 năm. Vừa rồi, lớp chúng tôi lại đi Yên Bái –Lào Cai –Sa Pa (như bài MạnhNX vừa kể), lần này có thêm em Liên (OB80) và em Nhi (Viện tôi), nhưng tiếc là một số bạn có kế hoạch rồi, cuối cũng lại không đi được vì bận. Trước đây, có lần chị Thuần (OB74) cũng từng về thăm quê tôi trong lần mấy anh chị em được Lãnh đạo tỉnh mời về thăm quê (thực ra chị là đồng hương Yên Bái của tôi, nhưng gốc Hà Nội). Năm ngoái, em Hạnh LM nhân dịp đi công tác Yên Bái, đã gặp em Hùng (em trai tôi công tác và ở tại thành phố Yên Bái) và thật cảm động, Hạnh đã cùng em Hùng về thăm quê, thăm bố mẹ và các chị em tôi dù chỉ có thời gian trong chốc lát. Cũng rất tiếc là mấy lần về quê, chưa có lần nào đủ thời gian để cùng các bạn đi chơi trên hồ Thác Bà!

Bố mẹ tôi năm nay 78 tuổi. Nhờ Trời, các cụ  còn tương đối khỏe mạnh và rất minh mẫn. Các em tôi (em Hưng và em Dũng) ở thành phố Lào Cai, em Hùng ở thành phố Yên Bái, vợ chồng tôi và em Huệ ở Hà Nội có đón các cụ về thì các cụ cũng chỉ về chơi vài ngày, vài tháng. Rồi các cụ lại muốn quay về ngay với căn nhà sàn của ông nội tôi (tuổi nhà cũng tròn 70) và mảnh vườn, trên mảnh đất chôn rau cắt rốn của chị em chúng tôi. Đó là quê nội của tôi, tính từ khi các Cụ Tổ nội 6 đời của tôi từ quê hương Cao Bằng đã tìm đến nơi đây lập nghiệp. Ở gần bố mẹ tôi có các gia đình chị Vân của tôi và 3 em gái (Lễ, Vượng và Vọng), nên con cháu chạy qua, chạy lại với 2 cụ vẫn khá đông. Gia đình em Hùng từ thành phố Yên Bái hầu như tuần nào cũng về thăm các cụ. Bạn bè của chúng tôi và của các em tôi, ai đi qua nhà cũng ghé thăm các cụ và thăm nhà sàn.  

Yên Bái xa và gần, người KGU ơi, có dịp nào hãy đến thăm quê tôi!

Hà Nội, tháng 6 năm 2011


Người post: HaiNV

Ngày đăng: 12-06-2011 10:10






Xem 11 - 20 của tổng số 30 Comments



Từ: HanhLM
14/06/2011 23:36:30

Thời gian qua em đi công tác suốt, nên chỉ ghé vào "chợ web" ngó nghiêng tý chút rồi đi chẳng kịp "mua bán" gì. Đọc bài anh HaiNV mời gọi mọi người về thăm quê hương Yên Bái, trong đó có nhắc đến chuyến em về thăm bố mẹ anh Hải năm ngoái, em lại thấy mình thật có lỗi. Chả là sau hôm lên thăm bố mẹ và các anh chị em của anh Hải, em đã rất muốn viết về các cụ để giới thiệu với nguoikgu, mà rồi chẳng thực hiện được. Vậy nên nhân có bài viết này của anh Hải, em muốn "sửa sai" một chút đây. Nếu anh chị em nào vào google.vn, đánh dòng chữ: "Gia đình ông Nông Xuân Mùi - Yên Bái" hay "Gia đình khuyến học tiêu biểu của Yên Bái" là sẽ thấy ngay nhiều bài viết về gia đình nguoikgu của chúng ta đấy. Em xin "dẫn chiếu" một trong những bài viết đó để chia sẻ với Hội KGU nhé.


Gia đình người Tày có 34 con cháu đạt trình độ Trung cấp - Tiến sỹ


1:10 PM Thứ ba, ngày 06 tháng mười năm 2009- Chuyên mục Giáo dục|

Đó là đại gia đình của ông Nông Xuân Mùi, dân tộc Tày, xã Bảo Ái, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái. Trong 9 người con ruột của ông thì 2 người là Phó Giáo sư - Tiến sỹ, còn lại 7 người có trình độ cử nhân, kỹ sư.


Ông Nông Xuân Mùi được sinh ra trong gia đình người Tày có truyền thống hiếu học. Đời sống người dân miền núi đã rất khó khăn nhưng khó khăn hơn vẫn là thiếu chữ. Hiểu được lợi ích của cái chữ, ông cụ thân sinh ra ông Mùi đã gom góp tiền, gạo mời thầy giáo dưới xuôi lên dạy chữ cho cả gia đình.


 


Những năm 1949-1950, ông Mùi đã tham gia công tác giảng dạy ở các lớp bình dân học vụ của xã. Sau đó, ông tham gia công tác tại UBND xã Bảo Ái. Mặc dù làm cán bộ xã nhưng gia đình ông rất nghèo. Ông tâm sự: “Lúc đó, gia đình tôi rất khó khăn, thường xuyên rơi vào cảnh nhịn đói do con đông (9 người con), lúc đông nhất là 14 người (cả ông bà). Do được làm ở xã nên tôi cố gắng làm nhiều công điểm, tằn tiện từng nắm gạo, ăn độn sắn, chuối xanh”. Khi các con đến tuổi vào cấp 3, do địa phương chưa có trường THPT, ông không nỡ để các con bỏ học giữa chừng. Ông Mùi đã lặn lội gửi con sang tận tỉnh Tuyên Quang cách nhà gần 100km để cho các con được học. Do quá thiếu thốn, gia đình ông Mùi đã bán cả thóc để dành, thậm chí ông đã bán cả đồng bạc vốn mà cha mẹ để lại, để có tiền cho con ăn học.


Con đông, nhà lại nghèo, ngoài việc làm ở xã, vợ chồng ông Mùi phải nai lưng làm quần quật cả ngày ngoài ruộng mới lo đủ ăn cho gia đình. Do không có nhiều thời gian dạy các con vì vậy ông luôn tâm niệm và căn dặn các con của mình: “Phải học, đói cũng phải học. Học phải đến nơi đến chốn”.


Các con ông nửa ngày đi học, nửa ngày phải đi chăn trâu, cắt cỏ, đêm về mới trong đèn để học. Ấy vậy mà, ai cũng học giỏi, nức tiếng cả vùng và đều thành đạt. Hiện tại, ông có 34 con, cháu có trình độ từ Trung cấp đến Tiến sĩ.


Con trai cả của ông là Phó Giáo sư - Tiến sỹ, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học, Trưởng phòng Công nghệ trọng điểm gen - Viện Khoa học Việt Nam; con trai thứ 2 làm Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Lào Cai; con trai thứ 3 làm Trưởng phòng Tổ chức cán bộ Cục Thuế tỉnh Yên Bái; con trai thứ 4 làm Giám đốc Công ty Xây dựng Lào Cai. Con gái ông, người là Thạc sỹ công tác tại Nhà xuất bản Bộ GD-ĐT, người là Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng các trường tiểu học và mầm non tại xã nhà.


Con dâu ông, có người là Giáo sư, Tiến sỹ, Chủ nhiệm khoa thuộc Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh; người làm dược, kế toán, giáo viên. Cháu của ông, người thì đang học Thạc sỹ tại Vương quốc Anh, người là sinh viên các trường đại học...


Bản thân ông Mùi, đã vinh dự được nhận Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng; Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng 2; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng 3.


Với thành tích mà gia đình đạt được, ông Nông Xuân Mùi đã đại diện gia đình hiếu học tỉnh Yên Bái đi dự Đại hội Thi đua Khuyến học toàn quốc lần thứ II vừa tổ chức tại Hà Nội.


Hồng Hạnh


Theo dantri.com.vn


 


Ông bà rất đẹp lão và trìu mến với nhau, nhất là mẹ anh Hải. Bà là con gái Hà Nội gốc, "thuyền theo lái, gái theo chồng" lên Yên Bái đã hơn nửa thế kỷ nay, lao động vất vả chân lấm tay bùn để nuôi dạy 9 người con nên người mà nay mà vẫn giữ được nét đẹp duyên dáng, da trắng hồng, mịn màng như da con gái (Tôi xin thưa thật rằng: Làn da của bà còn nõn nà, mịn màng hơn chúng con nhiều!). Anh Hải được thừa hưởng nét trẻ trung, trắng trẻo và hiền hậu của bố mẹ, nên chẳng có gì ngạc nhiên khi anh có biệt hiệu "Hải Bột" từ xa xưa như thế. Ông bà đón tiếp các bạn của con cháu mình thật chân tình, niềm nở, nói chuyện rất tự nhiên, vui vẻ. Bà còn dẫn tôi xuống nhà thăm vườn rau diếp non mơn mởn, vườn cây ăn trái với chuối, bưởi, cam trĩu quả. Các em gái và em rể của anh Hải nghe tin có bạn của anh trai mình về chơi cũng chạy sang nhà bố mẹ tiếp chuyện thật vui vẻ. Nhìn cảnh gia đình anh Hải quây quần, đầm ấm, các con các cháu chăm sóc bố mẹ, ông bà thật chu đáo, hiếu thuận tôi rất ngưỡng mộ. Chia tay ông bà ra về mà tôi quyến luyến lắm, hẹn sẽ lên thăm ông bà nữa. Vậy mà vừa rồi lớp anh Hải về Yên Bái tôi lại chẳng đi được. Tiếc quá! Đành hẹn ông bà và các em dịp khác vậy, anh Hải nhé.


 



Từ: HuongNT
14/06/2011 16:53:19

Đọc bài viết của anh Hải làm em cũng rất thích được lên thăm Yên Bái. Năm 2007 cơ quan em quyên góp quần áo, sách vở, đồ dùng học tập, đồ dùng gia đình...ủng hộ đồng bào Yên Bái nhưng năm đó em mới ốm nên không đi áp tải hàng lên Yên Bái được. Chúng em đã chọn lọc, phân loại hàng hóa và đóng gói rất cẩn thận. Mọi người đi về kể chuyện đồng bào ở đó nghèo lắm và được nhận quà họ rất vui mừng. Khi nào Hội KGU mình tổ chức đi Yên Bái đi và nhớ cho em đăng ký với!



Từ: HienVC
14/06/2011 13:22:19

Hải quên " Người rừng chính hiệu" khi về quê rồi !


Mình sinh ra ở Kim Thắng, Yên Sơn, Tuyên Quang ATK do vậy khi khai lý lịch phần ngày tham gia CM đúng ra cần phải ghi trùng với ngày sinh vì theo cụ Hồ từ thủa lọt lòng.


Dạo này cũng khá lâu rồi ( vài tháng) mình không đi công tác miền núi phía Bắc, nhiều lúc rất nhớ và muốn rong ruổi trên các nẻo đường núi Bắc bộ nhưng đ/k không cho phép đành chịu !



Từ: HaiNV
14/06/2011 06:23:33

Cám ơn em Hương Hương, Khoa, MơN,  em Thủy, bạn HạnhLT, em Lý, bạn Thoa và HT Ngọc đã dành những tình cảm tốt đẹp, những kỷ niệm, ấn tượng không quên nếu ai đã có dịp về Yên Bái. Mình xa quê từ năm 1970, tức là đã 41 năm, trong đó gần 17 năm ở nước ngoài, những lần về thăm quê cũng thực sự ít ỏi và chớp nhoáng, chủ yếu về thăm gia đình, bố mẹ. Nói là biết gì nhiều về quê hương chưa? Phải nói đúng như Thoa: ít lắm!


@LiTM: Em Lý ơi, mẹ anh người Hà Nội gốc mà (anh hy vọng sẽ có dịp viết về mẹ), 35 năm sống trên quê mẹ, vậy mà anh cũng đã biết nhiều về Hà Nội đâu!


@ All: Hẹn các anh, chị các bạn  và các em mùa thu này nhé! Ai có tình yêu trung du - miền núi, hãy dành thời gian 2-3 ngày cho Phú Thọ - Yên Bái - Lào Cai và Tuyên Quang!         



14/06/2011 01:23:19

Em đã ở Yên Bái khi còn học phổ thông. Ông cụ thân sinh em khi đó công tác trên hồ thủy điện Thác Bà. Nghỉ hè em lên chơi với bố. Em được chu du trong lòng hồ Thác Bà. Khi đó hồ và đập thủy điện là công trình to nhất miên Bắc. Hồ rất rộng. Cá rất tươi, bắt lên là cho vào nồi nấu ăn ngay, rất ngon. Cũng hè 1972 em ở YB và chứng kiến không chiến giữa máy bay Mic17 và máy bay Mỹ. Lần đầu nhìn bộ đội tên lửa bắn 2 quả cách nhau ít giây, khi máy bay Mỹ tránh quả thứ nhất thì bị quả thứ hai bắn trúng.


Lần đầu tiên biết đến con vắt là ở núi rừng YB.



Từ: ThoaNP
13/06/2011 23:43:23

Cảm ơn Hải nhiều nhé. Nhất định mình phải kéo cả ông Dũng tham gia một đợt thăm quê nào đó của các bạn. Càng nghe mọi người còm càng mê.


 KGU76 ơi, hay năm tới khóa mình tổ chức về quê Hải đi! Như vừa rồi chơi nhà Dũng - Cẩm ấy. Chuyến đi nhà Dũng Cẩm đến giờ nhớ lại mình vẫn bùi ngùi. Mọi người ngoài Bắc định ngày đi, trong này mình sẽ o ép Dũng - Tường. Cứ phải đặt ra lịch rồi thu xếp công việc sao cho ưu tiên đi chơi thì mới dứt ra đi được. Mới nghĩ đến đó đã thấy mừng rồi. Có thể với mọi người hay được đi xa thì tuy có ấn tượng nhưng không quá sâu đậm. Mình rất ít khi được đi xa trong nước, nên mỗi chuyến đi đều làm mình vui suốt năm (trong khi mình có nhiều dịp đi nước ngoài, nhưng thú thật không bao giờ có ấn tượng quá mạnh, có lẽ ngoại trừ tháp Eiffel). Các đợt đi chơi xa trong nước một năm nay, từ khi thành lập KGU đối với mình có lẽ bằng hoặc hơn cả quãng thời gian mấy chục năm từ khi về nước.




Từ: LyTM
13/06/2011 21:15:32

Em đã lên Yên bái nhiều lần và uống rượu trên thuyền gắn máy dọc dòng sông đến chỗ Ngôi Đền Cổ mà thời chống Pháp, Mỹ ném bom UBND tỉnh sơ tán về đó.Sông nước ngày đó còn hoang sơ và vô cùng thơ mộng,  thế mà em cứ nghĩ anh Hải quê Hà Nội gốc!


Bỏ lại phồn hoa náo nhiệt phố phường,


Trở lại miền ký ức,


đường về quê chảy dài theo tiềm thức,


ngọt ngào tiếng gọi quê hương,


 



Từ: HanhLT
13/06/2011 20:13:40

YB quê Hải rất đẹp, TP YB thật thanh bình, không ồn ào, bụi bặm... Bố mẹ Hải đón bạn của con về chơi như đón những đứa con của mình vậy rất tiếc là dịp vừ rồi bọn mình không tham gia được! Mong rằng sẽ có nhiều cuộc đi chơi như thế này trong tương lai. Nhìn ảnh thấy 2 bác vẫn khoẻ, thật mừng, mình ghen tỵ với Hải về điểm này.



Từ: ThuyDTHuy
13/06/2011 11:47:05


Anh Hải ơi,


Em rất tiếc là đợt vừa rồi không được đi cùng lớp anh lên thăm Yên Bái nhà anh một lần nữa. Tháng 5 vừa rồi, nghe chị TỵA rủ là em OK liền, nhưng sau đó các cháu ngoại chuyển về ở nhà em dịp đó, thế là ko đi được. Hu hu, vẫn còn tiếc.


Em vẫn rất nhớ chuyến đi lần trước lên nhà anh cách đây 5 năm, được ngủ một đêm tại cái nhà sàn hơn 70 tuổi từ đời ông nội anh, rộng mênh mông, có thể đi xe đạp trong nhà. Trước cửa nhà anh, qua ruộng lúa, là cả một khu rừng vầu hay tre gì đó, rộng, đẹp và cũng là của nhà anh. Trong ảnh minh họa của bài này là cảnh chúng em đi thăm rừng về. Ở quê anh, xung quanh nhà anh, cảnh vật, núi rừng, cây cối thoáng mát, rộng rãi. Quê anh đẹp lắm, đặc biệt nhớ nhất là tình cảm bố mẹ anh, các em trai, em gái, các cháu của anh dành cho bạn bè anh về thăm quê. Cả nhà anh nhiệt tình, chân thành, chiêu đãi mọi người toàn món ngon và lạ. Em nhớ nhất là món xôi mẹ anh nấu với  nhiều màu sắc của lá cây và quả từ núi rừng với các màu đỏ, vàng, lam, tím …, dẻo, ngon, ăn rất đặc biệt. Lúc về ô tô còn đi qua Thác Bà, nhưng không rẽ vào được. Sau lần đi nhiều ấn tượng ấy em rất muốn được quay lại Yên Bái, Thác Bà.


Chuyến đi đó thật là vui, em may mắn được đi “ké theo”. Em còn nhớ cả đoàn còn được ăn món cá rất ngon ở Việt Trì do chồng chị TỵB chiêu đãi. Cảnh vật đi từ Việt Trì đến Yên Bái hai bên đường rất nhiều màu xanh của cây, màu vàng, tím, đỏ của hoa rừng. Càng đi xa mới càng thấy yêu quê hương, đất nước.


Một lần nữa cám ơn anh Hải.  



13/06/2011 10:01:58

@HaiNV: Phải là người yêu quê hương lắm mới viết được những dòng như trên. Em đã có dịp lên Yên Bái những năm cuối Thế kỷ trước. Dạo đó bùng lên "dịch đá đỏ". Tiết chim bồ câu là đá của Nghệ An. Còn mỏ Lục Yên quê anh Hải thì mầu nhạt hơn. Dạo đó MoN em kinh doanh khách sạn. Có hôm một thương gia Lục Yên còn đem cả một ca táp đá về gửi có cả súng. Cái thời hỗn mang: bao nhiêu tài sản của mình qua Thái Lan hết.


Miền quê mến yêu của chúng ta đẹp thật: qua các anh Mạnh, Vịnh, Hải... Mon em thêm yêu quá các miền quê. Có dịp, em sẽ về Hà Giang và Yên Bái một chuyến trong năm nay. Hôm trước đi Cao Bằng, chẳng viết được gì. Bác nào ở Cao Bằng, lên tiếng đi, MoN em góp vui một số ảnh. (Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, Hihi)





Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7169
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s