Những cây viết mới nổi (3)
Tác giả: Tự sướng đào ngũ
3)TuanDK: Hộp thơ hay Hội thơ?
Họ và tên: Đỗ Khắc Tuấn
Bút danh: chưa có
Đơn vị: Khoa Lý, khóa 1975
Mỗi người chúng ta đến với web đàn một cách khác nhau: MơN bị bạn cùng lớp thúc ép phải viết gì đi chứ, ThinhTT muốn đến Du Xuân Đầm Long bằng bài trình làng viết về tương lai. Anh HaiNV trên Diễn đàn muốn chứng minh thuyết mạng bà con họ hàng có thể phủ kín hội NguoiKGU. Anh TuanDK được xuất hiện qua bài Chuyến xe bão táp của chị ThanhLK (bài ký sự về chuyến đi thăm nhà anh TuanDK của Hội KGU hôm 17/03/2011). Bạn đọc biết đến anh có tài thơ ca, biết đến chị Lý vợ anh có giọng ngâm thơ tuyệt vời. Và anh trình làng bài thơ Gửi người xưa lỡ yêu tôi, do chị ThanhLK post hộ hôm 18/03/2011.
Tình yêu sinh viên
Tôi không may mắn được đọc kỹ bài thơ ngay khi nó xuất hiện như một số anh chị em khác. Những ngày cuối tháng 3/2011 ấy tôi phải tập trung chuẩn bị cho Du Xuân Đầm Long. Tôi cũng không phải là dân sành thơ, nghiện thơ để có thể đọc ngay và nghiền ngẫm các bài thơ trên web studentkgu khi chúng mới xuất hiện (nên rất mong các anh chị làng thơ KGU lượng thứ cho kẻ này lại dám cả gan bình thơ của các anh chị). Tôi mới đọc kỹ Gửi người xưa lỡ yêu tôi cách đây ít hôm khi định viết về TuanDK. Tôi chợt hiểu ra rằng, tôi đã gặp một ngôi sao sáng trên bầu trời thơ ca KGU. Tôi cũng hiểu rằng, tôi đã nhầm to, cứ tưởng anh UyenNT là người khơi mào ra cái tình yêu đơn phương thưở sinh viên ấy trên web đàn. Nhưng thực ra anh TuanDK mới là người viết đầu tiên qua bài thơ mà chị vợ anh đã đọc cho đoàn các anh chị Hội KGU đến thăm nhà anh tại Việt Trì.
Đa số chúng ta đều có tình yêu thời sinh viên (dù rằng sứ quán cấm yêu). Nếu chưa đến mức tình yêu thì cũng là tương tư. Nếu chưa đến mức tương tư thì cũng là thích thích, nhớ nhớ. Sinh viên là tuổi trẻ, tuổi trẻ là yêu, đó là quy luật của tạo hóa, đó là cái đẹp nhất mà tạo hóa ban phát cho loài người. Nhưng tình yêu nó đa dạng lắm. Mà nhiều khi cái cấm đoán của mấy chú sứ quán cũng thêm góp phần cho sự đa dạng đó. Vì cấm nên biết bao mối tình chỉ là đơn phương. Người ta không dám thổ lộ ra. Người ta sợ rằng đã vi phạm một điều cấm kỵ. Mà yêu đơn phương cũng là yêu. Cái yêu đơn phương đó cũng rất đa dạng. Và đã được gói ghém vào trong Gửi người xưa lỡ yêu tôi của TuanDK.
Bài thơ mở đầu gợi lại những ngày ở Kisinhôp xa xôi. Những ngày ấy, có tuyết rơi, có nắng thu vàng:
Chiều nào phố cổ tuyết bay
Có người phủi tuyết nghiêng mày dõi tôi
…………..
Phố đông trải nắng thu vàng
Tôi đi, ai đó mơ màng bước chân
Trong những cảnh đẹp thiên nhiên ấy, tình yêu được thể hiện qua động tác vừa phủi tuyết, vừa nghiêng mày liếc nhìn đối phương. Nhân vật của bài thơ không dám nhìn thẳng, mà chỉ dám lợi dụng khi phủi tuyết để nhìn, xem ra là một dạng nhìn trộm. Nhìn trộm thôi, vì tình yêu đơn phương mà. Hoặc như dõi theo bước chân (của nàng) trên phố đượm nắng thu vàng. Cũng lại một cái nhìn “mơ màng”, một cái nhìn từ xa. Đấy tình yêu đơn phương chỉ có chừng ấy thôi, nhìn trộm, nhìn từ xa. Chỉ có ở Kisinhop mới có tuyết rơi, mới có thu vàng. Thế nên cái mơ màng đó, cái nghiêng mày đó là của chính chúng ta đó, những NguoiKGU. Cùng là rất gắn với chúng ta chi tiết ngồi trong phòng đọc thư viện nhưng đâu có đọc được gì, ngồi đấy chỉ cốt để:
Trầm ngâm thư viện tôi ngồi
Bàn bên ánh mắt bồi hồi trông sang
Cái chi tiết này sao tôi thấy nó hay, nó đắt thế (chẳng qua tôi cũng là một kẻ đã yêu khi còn sinh viên và phòng đọc thư viện cũng chứng kiến bao lần tôi ngồi mà chẳng đọc được gì, mà ánh mắt thì cứ hướng đến góc ngồi của người mình yêu). Mà không chừng anh TuanDK cũng có những trải nghiệm như tôi chăng?
Bài thơ không chỉ đưa ta về không gian Kisinhôp, bài thơ còn đưa ta về thời gian của những năm 70 thế kỷ trước. Những năm ấy tình yêu rất nhẹ nhàng và lãng mạn (nó chẳng xô bồ như của thanh niên bây giờ). Như đã nói ở trên, tình yêu chỉ bằng ánh mắt, dù là nhìn trộm, dù là dõi theo bước chân hay ánh mắt “bồi hồi trông sang” trong thư viện. Nhưng với tình yêu, dường như nhìn, hay ngắm là chưa đủ. Tình yêu được đẩy sang thang bậc cao hơn, là nói, là thổ lộ. Nhưng hỡi ôi, nhân vật của bài thơ cũng chỉ dám nói ở mức “câu chuyện làm thân”:
Vài ba câu chuyện làm thân
Chưa lời hò hẹn, chưa lần song đôi
Cũng bởi đó là tình yêu đơn phương. Có biết đâu đối phương thế nào mà dám “hò hẹn”, dám “song đôi”. Nhưng những tình cảm yêu đương đó, tôi cho là vẫn quý, vẫn hay, vẫn lãng mạn, vẫn giá trị hơn rất nhiều cái xô bồ kiểu yêu ngày nay. Thậm chí nó dở dang (ấy cũng vì là đơn phương), nó không đi tới đâu cho đến khi người kia lên tàu về trước. Để rồi sau bao năm, tình yêu đó vẫn còn đeo đuổi, vẫn còn đâu đó trong ký ức mỗi người. Nó không dứt hẳn. Bởi vì cho dù đơn phương, đó cũng là tình yêu. Đã là tình yêu, nó còn theo chúng ta. Tác giả đã kết bài thơ bằng hai câu:
Phũ phàng năm tháng đi qua
Lung linh ánh tuyết chiều xa có còn?
Bài thơ bắt đầu bằng hình ảnh tuyết bay, và kết bằng lung linh ánh tuyết. Tuyết là trắng, là tinh khiết. Tác giả muốn nói lên rằng tình yêu đơn phương cũng trong trắng, tinh khiết như tuyết vậy. Nó cũng nhẹ nhàng, cũng đẹp như tuyết. Tác giả dường như muốn nhắn nhủ chúng ta rằng, hãy nâng niu, hay trân trọng tình yêu (đơn phương) đó như nâng niu, trân trọng bông tuyết xứ Mônđavi, nơi tình yêu đó bắt đầu và kết thúc.
Anh TuanDK còn có bài thơ khác cũng viết về tình yêu sinh viên, được đưa lên mạng gần đây, ngày 11/06/2011, với tên gọi Ai xui nên lắm cuộc tình. Cũng vẫn mạch thơ về thời sinh viên ở nước ngoài, nhưng ở bài này không còn là những cuộc tình đơn phương, mà dường như cuộc tình đã là song phương. Có chăng tác giả không viết rõ về phần kết của những cuộc tình này. Có lẽ với tác giả cái kết không quan trọng, mà cái tình đã có mới quan trọng. Tôi muốn đề cập tới cái kết của tình yêu, tôi không tán đồng quan điểm “Tình chỉ đẹp khi còn dang dở”. Bởi vì với NguoiKGU, chúng ta đã có 61 đôi nên vợ nên chồng. Trên tổng số hơn 600 sinh viên VN ở KGU, con số này quả là không nhỏ. Chứng tỏ những cuộc tình ở KGU có cái kết rõ ràng, những cái kết có hậu. Giá như anh TuanDK viết thêm về những cái kết này ở Ai xui nên lắm cuộc tình thì nó sát với thực tế NguoiKGU, nó đúng với “Tình đẹp hơn khi kết nên duyên”.
Tôi muốn các bạn đánh giá chất dân gian qua những dòng thơ lục bát của TuanDK. Thơ lục bát dễ làm, nhưng để hay không dễ. Tuy viết về tình yêu sinh viên ở nước ngoài, thơ của anh vẫn đậm tính dân gian, vẫn rất gần gũi với thanh niên VN những năm 60-80 của thế kỷ trước (tôi không dám chắc con cháu chúng ta hôm nay và mai sau cũng biết thưởng thức những câu thơ lục bát của anh TuanDK). Nó khiến ta liên tưởng đến những dòng thơ lục bát của Nguyễn Bính viết về tình yêu nam nữ thôn quê, với thôn Đoài, thôn Đông, với rặng mùng tơi, với con đê đầu làng, với hương đồng gió nội. Những tình yêu thôn dã của Nguyễn Bình đã được xuất khẩu thành tình yêu sinh viên trên xứ Môndavie xa xôi của TuanDK. Xuất khẩu sang châu Âu xa xôi, nhưng thơ của TuanDK vẫn là dòng thơ của người Việt bình dân, được thể hiện rất rõ qua hai câu kết của bài Ai xui nên lắm cuộc tình:
Vừng dương chếch bóng non Đoài
Thủ đô biết có Khau Vai chợ tình?
Nguyễn Bính không đơn độc. Vẫn còn đó những TuanDK tiếp bước viết về tình yêu đôi lứa qua các câu thơ lục bát. Mà đâu chỉ có TuanDK. Còn có cả những LyTM, có cả MơN, .. cùng tham gia dòng thơ lục bát viết về tình yêu sinh viên.
Lớp Vật lý đầu lòng
Đó là bài văn xuôi duy nhất đến hôm nay anh TuanDK gửi lên mạng KGU. Chúng ta đã biết tài làm thơ lục bát của anh, qua Lớp Vật lý đầu lòng ta lại thấy cái tài viết văn của anh.
Đúng là Lý 1975 là khóa đầu tiên của khoa Lý nhưng bây giờ mới có bài của anh TuanDK viết về lớp ấy. Cá nhân tôi lấy làm tiếc cho bài này, anh viết sau khi sách NguoiKGU (tập 1 và tập 2) đã ra đời được 2 tháng. Không phải không còn cơ hội đưa bài đó vào sách NguoiKGU. Chúng ta có thể xuất bản thêm tập 3, tập 4. Nhưng tôi vẫn tiếc vì đây là lớp Lý đầu tiên. Tiếc vì một bài hay như vậy không kịp đưa vào tập 1 NguoiKGU. Đúng ra bài viết có thể đã được đưa vào Phần 4 NguoiKGU Chúng ta. Mà nhìn lại, đúng là khoa Lý chăm chỉ và có tài hơn các khoa khác. Các khóa 1975, 1976, 1977, 1981, 1982 đã có bài viết về lớp mình. Các khoa khác chỉ lác đác được một hay hai lớp.
Dẫu ra muộn nhưng bài của anh TuanDK về lớp Lý 75 vẫn có vị trí đặc biệt. Không chỉ đặc biệt vì Lý 75 là khóa đầu tiên của khoa Lý. Nó còn đặc biệt vì người viết có chuyên môn trong nghề văn chương, chứ không là những cây viết amatơ như những lớp khác trong hội KGU. Người viết có chuyên môn nên bài viết cũng hay hơn, bay bổng hơn, chuyên sâu hơn. Ngay cái cách mở bài của anh cũng chuyên hơn những người viết khác, anh dùng thơ lục bát để mở cho bài văn xuôi:
Con"so" vốn dĩ hiền lành
Thua em hết dẫu là anh trong nhà
Lớp đầu lòng của cả khoa
Hôm nay mới có bài ra trình làng
Và dưới con chữ của anh, Lý 75 được hiện ra theo nhiều góc độ. Gốc gác học dự bị từ hai thành phố, chuyên môn với các nhóm vật lý khác nhau. Và xuất xứ quê hương của những thành viên trong lớp với những minh họa phong phú cho những miền quê đó. Có lẽ thú vị nhất là tỉnh Thanh Hóa của anh Dương trong lớp Lý 75. Lâu rồi tôi mới được đọc lại bài thơ nổi tiếng về Thanh Hóa, và hy vọng những bạn KGU trẻ hơn tôi cũng được biết đến bài thơ thú vị này của miền đất "ăn rau má, phá đường tàu". Phải có chuyên môn văn học mới có thể viết về những miền quê được như thế.
Các nhân vật của lớp Lý 75 này có biết bao nhiêu tài lẻ đều được TuanDK đưa ra hết. Mà những tài lẻ này cùng gắn liền với cuộc sống sinh viên ở Kisinhôp. Tài thể thao, tài văn nghệ, tài nhiếp ảnh, tài tiếu lâm. Có một cái tài không được anh đề cập đến với Lý 75: tài yêu đương. Tôi tin là lớp nào cũng có cái tài này, chẳng qua có được nghi nhận lại hay không, và người trong cuộc có dám viết ra hay không.
Bài viết về lớp Lý đầu tiên được kết thúc với những giai thoại của lớp, những giai thoại không bao giờ thiếu với tuổi trẻ sinh viên. Đó là kỷ niệm hôm đầu tiên đên Kisinhôp với món cá kho, hay những câu chuyện về các thầy cô giáo của lớp. Nhưng giai thoại kết thúc bài viết là một chuyện cười về tên gọi của đảng 3K. Tuổi trẻ sinh viên là thế. Không chỉ có học, còn có tiếng cười.
TuanDK kết bài với một mong muốn, có thể không viển vông với các nhà vật lý: làm ra cỗ máy đảo ngược thời gian. Chẳng phải là để quay về thời sinh viên vô tư và đáng yêu đó ư? Chúc cho các nhà vật lý KGU làm ra cái máy đó.
Hộp thơ hay Hội thơ?
Studentkgu hẳn là một trang web tiếng Việt phong phú trên mạng. Nó có hẳn mục thơ cho những ai yêu thơ ca. Nhưng chừng đó chưa đủ cho tất cả mọi người, nhất là cho những người có chuyên môn thơ ca cao như anh TuanDK. Anh đã chọn cách riêng cho chính mình: mở các hộp thơ. Các hộp thơ được đánh số thứ tự. Qua các hộp thư này TuanDK trò chuyện, đối đáp với NguoiKGU yêu thơ. Mà ngay cả những người trình độ thấp lè tè như tôi đây cũng có thể bon chen vào hộp thư của anh.
Đã thành lệ, hộp thư thứ n của TuanDK mở ra, người yêu thơ cùng nhau ùa vào đối đáp, bình luận, tán dương. Và TuanDK lại đối đáp lại với các bạn yêu thơ của anh trong hộp tiếp theo, thứ n+1, đối đáp những gì đã được viết trong phần còm của hộp thứ n. Cứ như thế, lâu lâu chúng ta lại đợi một hộp thư mới của anh mở ra, lại cùng anh đàm đạo về thơ ca. Mà thơ ở đây phải là lục bát nhé. Cũng có đôi bạn đối đáp bằng thơ không phải lục bát. TuanDK vẫn vui vẻ trả lời, nhưng là bằng thơ lục bát. Web đàn vui vẻ hẳn lên nhờ những hộp thư này. Theo cách đánh số này, hộp thơ số 0 chính là bài Gửi người xưa lỡ yêu tôi. Hộp thơ số 1 anh đã đối đáp với những còm của bài thơ kể trên. Đến hôm nay đã có 04 hộp thơ rồi đấy.
Đây cũng là cách hay nhất để ACE NguoiKGU đến được với anh qua thơ ca. Anh ở xa, khó gặp mọi người. Hoàn cảnh của anh cũng đặc biệt, hộp thơ càng có ý nghĩa với anh. Qua chúng anh gần mọi người hơn, anh thơ đàm với mọi người dễ hơn. Ôi, cái trang web đáng yêu, cái Internet đáng quý đã liên kết anh với mọi người.
Đọc các hộp thơ của anh, người ta không khỏi cảm phục sự yêu đời của anh. Trong hoàn cảnh sức khỏe hạn chế, anh vẫn nhìn cuộc đời, nhìn bạn bè:
Mắt mình “ngại thức” từ lâu
Nhìn bạn bè vẫn nguyên màu thanh xuân
Những bài thơ anh đối đáp ân cần với từng người, bài nào cũng đầy ắp sự yêu đời, sự động viên làm thơ, động viên sống hay, sống đẹp. Mọi người muốn động viên anh, nhưng có lẽ anh động viên mọi người còn nhiều hơn, lớn hơn, ân cần và chu đáo hơn. Mà đối đáp bằng thơ, động viên bằng thơ. Chỉ có trình độ thơ chuyên nghiệp như anh (mà anh nhiều lần khiêm tốn không muốn nhận là nhà thơ), chỉ có khả năng “ho ra thơ, thở ra văn” như anh mới có những hộp thơ đầy ắp các dòng thơ, có vị nhân sinh, có vị nghệ thuật, những dòng thơ đến với từng người, từng mối quan tâm, từng câu chuyện mà họ đối đáp với anh. Phải có một tấm lòng bao la thế nào, phải có một vốn sống phong phú thế nào anh mới có thể thơ đàm với tất cả mọi người. Nó làm tôi liên tưởng tới đại kiện tướng cờ vua, anh ta cùng một lúc đánh cờ với mấy chục người. Mà cuối cùng đại kiện tướng đó chiến thắng tất cả mấy chục người kia. Trên làng thơ KGU, TuanDK cũng là đại kiện tướng rồi, đại kiện tướng thơ lục bát.
Nhưng anh TuanDK không chỉ biết làm thơ lục bát. Khi đàm đạo cũng LyMT trong hộp thơ số 4, anh đã có bài Nỗi nhớ đầu tiên mà phần đầu dường như là thể loại thất ngôn tứ tuyệt:
Con cá mất rồi ắt phải to.
Ông trời đem nhử lại không cho
Bóng chàng khuất nẻo, đơn vầng nguyệt
Chim sáo sang sông, quạnh chuyến đò
Chúng ta đã thấy TuanDK viết văn xuôi về lớp Lý 75, đã thấy tài năng anh qua thơ lục bát. Những có lẽ tài năng của anh không chỉ ở những thể loại đó. Chúng ta rất mong được thưởng thức thêm những bài văn xuôi, những bài thơ không phải là lục bát của anh.
Tôi đã thấy bao nhiêu người làm thơ, thậm chí tập làm thơ qua các hộp thơ của TuanDK. Ảnh hưởng của các hộp thơ này là quá lớn, quá sâu rộng. Người ta trò chuyện riêng theo những đề tài tay đôi, giữa anh TuanDK và người đàm đạo. Kẻ dốt thơ như tôi cũng cố bon chen được mấy câu. Chẳng là anh TuanDK có mấy câu thơ gửi cho tôi (cũng như gửi cho biết bao NguoiKGU khác):
Tài lãnh đạo, giỏi bình thơ
Người Kisinhốp có mơ khó thành
Nếu “đào ngũ” được như anh
Hội viên ta cố nhanh nhanh mà “đào”!
Và tôi cố gắng (cố hết sức) đối lại anh:
Đào ngũ, đào mận, đào mơ
Ba cô đào ấy, anh chờ cô chi?
Đào ngũ anh chẳng được gì
Đào mơ, đào mận, anh thì xơi ngay
Anh có yêu cầu tôi bình mấy câu thơ của tôi, một yêu cầu làm tôi thực sự bối rối. Biết bình gì đây khi đứng cạnh mấy câu thơ của anh, mấy câu lục bát của tôi nó vô duyên, nó gượng gạo làm sao. Gượng gạo từ cách gieo vần, đến gượng gạo đượm màu ẩm thực, đượm tính thực dụng chứ đâu được thanh tao như thơ của anh. Chẳng qua tôi cố thể hiện để anh thấy được sự cố gắng của tôi muốn đàm đạo với anh qua thơ ca hò vè.
Tôi không có ý định bình sâu nội dung các hộp thơ của anh TuanDK. Vì nội dung quá phong phú, số lượng lại quá nhiều. Có chăng mong các bạn hãy đọc các hộp thơ ấy, để hiểu anh TuanDK hơn, cũng là để hiểu các bạn yêu thơ ca NguoiKGU hơn.
Tôi vẫn trộm nghĩ, các hộp thơ của TuanDK như là thơ đàn của Hội NguoiKGU. Thơ đàn cần có hội thơ, những người làm thơ trên thơ đàn. Mà trên thơ đàn ấy, hẳn TuanDK giữ ngôi đàn chủ. Anh là hạt nhân, là trung tâm lôi cuốn. động viên các hội viên khác làm thơ, bình thơ.
Trong lịch sử VN đã từng có Hội Tao đàn mà đàn chủ là vua Lê Thánh Tông. Vậy cũng nên đặt tên cho thơ đàn của chúng ta lắm chứ. Việc đặt tên này xin nhường cho các bạn.
Kỳ sau: 4)LyTM
Một số đường dẫn các bài của TuanDK
Các hộp thư của TuanDK: Trong NguoiKGU -> Chúng ta
Người post: NgocBQ
Ngày đăng: 04-07-2011 02:02
COMMENTS CỦA THÀNH VIÊN |
Tổng số bài và comment post theo từng khoa
Khoa | Bài viết | Comment |
Sinh | 563 | 9482 |
Lý | 387 | 2824 |
Hóa | 882 | 9765 |
Luật | 721 | 11647 |
Toán | 66 | 376 |
Kinh tế | 4 | 108 |
Câu Lạc Bộ | 30 | 1 |
NCS | 3 | 70 |
Bạn bè | 197 | 1189 |
Dự bị | 0 | 0 |
Ngôn ngữ | 2 | 2 |
10 người post bài nhiều nhất
User | Số bài viết |
TungDX | 289 |
NghiPH | 306 |
NgocBQ | 130 |
ThaoDP | 108 |
CucNT | 123 |
CoDM | 88 |
PhongPT | 73 |
HaiNV | 93 |
LiTM | 85 |
MinhCK | 70 |
10 người comment nhiều nhất
User | Comment |
Guest | 7170 |
NghiPH | 3219 |
LiTM | 1879 |
HaiNV | 1853 |
KhanhT | 1743 |
CucNT | 1718 |
TungDX | 1565 |
ThanhLK | 1545 |
VanNH | 1441 |
ThoaNP | 1257 |