Sau khi thi tốt nghiệp phổ thông chừng hơn nửa tháng, chúng tôi tham dự kì thi tuyển vào ĐH. Do đây là năm thứ 2 công tác thi tuyển vào ĐH được khôi phục (trong những năm chống chiến tranh phá hoại của Mỹ không tổ chức thi tuyển mà chỉ xét tuyển), nên đã có cải tiến. Những người qua vòng sơ tuyển đi học ở nước ngoài không phải “lều chõng” về Hà Nội thi như năm trước, mà được dự thi ngay tại tỉnh nhà cùng với các thí sinh thi vào các trường ĐH trong nước, chỉ khác là được ngồi thi trong phòng riêng với số báo danh đặc biệt có kí hiệu QR. Chính nhờ vậy mà không ít người KGU khoá 77 quê cùng một tỉnh đã có cơ hội quen biết nhau ngay từ những ngày ấy. Sau khi nhận được giấy triệu tập đi học, vào ngày 12 tháng 7 năm 1971 chúng tôi phấn khởi chia tay người thân, bạn bè khăn gói-tàu xe về Hà Nội để chuẩn bị xuất ngoại. Trong thời gian tập kết tại ĐH Kinh tế-Kế hoạch, chúng tôi được biên chế sinh hoạt theo từng đoàn, thường thì mỗi tỉnh một đoàn, với những tỉnh có ít người thì ghép 2-3 tỉnh lại thành một đoàn, riêng Hà Nội có 2 đoàn. Mặc dù được bố trí ăn-ở tại ĐH Kinh tế-Kế hoạch, song hầu như mọi hoạt động chuẩn bị cho việc đi học lại đều diễn ra tại ĐH Bách khoa. Vui lắm, được ở KTX sinh viên 8 người/phòng, đi ăn ba bữa/ngày theo đoàn, đi học chính trị, học quy chế và nhận tư trang tại ĐH Bách khoa cũng theo đoàn, thế nên chỉ trong vẻn vẹn có 15 ngày mà chúng tôi đã rất thân thiết và gắn bó với nhau.
Chúng tôi rời Hà Nội vào nửa đêm 27 tháng 7 năm 1971 trên một chuyến tàu “chợ”, đến ga Đồng Đăng thì tàu dừng bánh khoảng hơn 1 giờ để làm thủ tục qua biên giới. Nhiều người đã tranh thủ quãng thời gian hiếm hoi này để viết những bức thư ngắn ngủi gửi về cho gia đình với nội dung đại loại như “ Vào lúc 10 h 30 phút ngày 28 tháng 7 chúng con bắt đầu qua biên giới Việt-Trung”. Có người còn không quên gửi theo những đồng tiền Việt cuối cùng về cho người nhà. Không biết những lá thư như vậy có đến được với người nhận hay không, song có lẽ chẳng ai để ý đến chúng khi đã sang tới LX. Tại ga Bằng Tường bên kia biên giới, chúng tôi được chuyển sang tàu liên vận của Trung Quốc. Tất cả đều mới lạ, tàu đẹp và sạch bóng, 6 người/buồng, buồng vệ sinh có gắn gương sáng choang và luôn thơm phức. Cơm Tầu quá ngon, nhân viên phục vụ nhiệt tình và chu đáo, rất thân thiện với người Việt Nam, tất cả đều rất sõi tiếng Việt. Do được phát một ít tiền “Tệ” để tiêu vặt, nên mỗi khi tàu dừng bánh ở các ga lớn chúng tôi thường rủ nhau xuống sân ga mua hoa quả (chủ yếu là táo) để lên tàu xài. Một số người còn mua được những món quà lưu niệm nhỏ, như: đèn pin, khăn tay, cắt móng tay,…(thường thì mỗi người chỉ đủ tiền mua được một thứ). Sau ngót 4 ngày hành trình trên đất Trung Quốc, vào đầu buổi chiều ngày 1 tháng 8 tàu chở chúng tôi vượt qua biên giới Trung-Nga sau khi dừng bánh khá lâu ở ga Mãn Châu Lý. Trong phòng đợi của nhà ga nhiều người còn kịp xem trọn một cuốn phim được chiếu trên màn hình rất rộng. Trước khi tàu qua biên giới, nhân viên nhà tàu đã tặng chúng tôi mỗi người một gói thức ăn nhỏ gồm có bánh và trứng luộc, và một quyển hoạ báo có nội dung chủ yếu chống đối LX. Thức ăn chúng tôi nhận, còn hoạ báo thì chúng tôi ý tứ để lại trên tàu, vì đã được cán bộ của Bộ ĐH và THCN đi cùng đoàn thông báo trước về hậu quả của món quà tặng mang tính nhạy cảm này. Cuộc chia tay với các nhân viên của tàu Trung Quốc trên sân ga Zabaikal (thuộc đất Nga) diễn ra thật bịn dịn, có nhiều người Việt Nam đã khóc. Không biết đó có phải là tình cảm thật của những người lao động nước bạn láng giềng “núi liền núi, sông liền sông” dành cho chúng tôi hay chỉ là một chiêu bài ngoại giao thâm nho của người Tầu.
Sáng ngày 3 tháng 8 chúng tôi đến ga Iarkusk. Trời sáng từ lâu, mặt trời đã lên rất cao, song nhìn đồng hồ lớn trên nóc nhà ga thấy mới có 3 giờ, hoá ra đồng hồ nhà ga lấy theo giờ Moskva. Dừng chân ở Iarkusk 5 ngày để làm các thủ tục cần thiết trước khi được phân về các trường ĐH của LX để học dự bị. Rất ấn tượng với thời gian dừng chân tại đây, đặc biệt là cảnh bị mấy cô, mấy chị cán bộ y tế người Nga bắt lột trần toàn thân để kiểm tra sức khoẻ. Ngoài các cuộc tự dạo chơi phố phường xung quanh nơi ở, chúng tôi còn được đưa đi thăm quan thành phố, thăm đập chính của nhà máy thuỷ điện chắn ngang sông Angara, được đưa đến thăm trường ĐH sư phạm ngoại ngữ mang tên Hồ Chí Minh. Trên đất LX chúng tôi cũng được phát tiền tiêu vặt, nên mấy thằng con trai đã bắt chước nhau ra cửa hàng mua mỗi đứa một chiếc cravat (kiểu có dây chun đeo vòng qua cổ áo). Quần áo và giầy đã được Nhà nước phát, mua thêm được chiếc cravat coi như đủ bộ. Chính chiếc ảnh trong thẻ sinh viên được chụp ngay sau khi đặt chân tới Kishinhev (nay tôi vẫn còn lưu giữ) mang dấu tích bộ đồ “Tây” đầu tiên trong đời mà chúng tôi được diện. Vào chiều ngày 7 tháng 8, trong cuộc họp toàn thể của đoàn đi LX đợt 1, cán bộ Đại sứ quán thông báo danh sách sinh viên các ngành học và các trường học. Theo đó, đoàn về trường KGU được thành lập với số lượng trên 30 người do bạn Cồn làm trưởng đoàn và bạn Hồng làm phó đoàn. Ngoài Cồn, Tuấn, Nhuận và Nguyện là những đồng hương Nam Hà đã quen thân nhau từ trước, vào buổi chiều hôm đó tôi đã quen biết thêm Hồng (phó đoàn) và Thìn (người Quảng Ninh- bạn nam duy nhất trong đoàn được phân về Kishinhev học Sinh vật cùng tôi). Thế là vào sáng hôm sau, khi lên tàu đi Moskva, Thìn đã nhập cuộc với bộ 3 chúng tôi (tôi, Cồn và Tuấn) để vào cùng một buồng. Bên cạnh là buồng của các anh em nam còn lại. Do có sáu người (anh Cường, Thông, Hồng, Hiến, Thanh Lương và Sinh Hoa) nên đã có hai người “được” bố trí ở ghép với hai bạn gái duyên dáng của quê hương quan họ (bạn Ninh và bạn Minh). Tôi chỉ nhớ anh Cường là một trong hai người được hưởng diễm phúc này, còn người thứ hai thì không còn nhớ nữa. Do ở cùng toa, nên cánh nam giới thiểu số chúng tôi (chừng 1/3 sĩ số của đoàn) đã được thưởng thức khung cảnh sôi nổi, ồn ào của các bạn gái ngay từ những ngày đầu gặp mặt. Đoàn về KGU đợt 1 có trên 20 bạn gái, chủ yếu học Hoá và Sinh vật, hình như chỉ có Như Anh và Cao Mai học Vật lý. Bạn Như Anh đã rất giỏi Tiếng Nga ngay từ khi bước chân sang đất LX, bạn đóng vai phiên dịch viên cho cả đoàn mỗi khi ai đó có nhu cầu trao đổi gì đó với nhân viên nhà tàu.
Sáng sớm ngày 12 tháng 8 chúng tôi tới ga Iaroslav (1 trong 6 ga của Moskva). Một cuộc mitting chào đón gọn nhẹ diễn ra ngay tại sân ga, có đầy đủ biểu ngữ chào mừng và loa dài, có phát biểu của đại diện ĐSQ và Lãnh đạo Bộ Đại học LX. Sau đó chúng tôi được đưa đi tham quan thành phố, tháp tùng đoàn là 2 anh NCS hay thực tập sinh gì đó đang học tập tại Moskva. Trước tiên xe đưa chúng tôi lên đồi Lenin, tại đây chúng tôi được chiêm ngưỡng toà nhà chính của trường MGU cao tới 37 tầng. Từ quảng trường rộng lớn trước mặt toà nhà cao to này chúng tôi có thể ngắm nhìn một vùng rộng lớn của thành phố, trong đó có sân vận động Lenin ở bên kia sông Moskva. Sau đó chúng tôi tới Quảng trường Đỏ, chiêm ngưỡng cận cảnh lăng Lenin và các công trình lịch sử nguy nga của LX vĩ đại toạ lạc xung quanh Quảng trường. Quảng trường Đỏ được lát bằng loại gạch cổ có bề mặt rất trơn do được bào mòn qua năm tháng, trong đó nhiều viên có hình thù tựa mai rùa, nên nhiều người đã phải rất vất vả với đôi giầy của bác Bửu có đế bằng da rất cứng và nhẵn. Đối với dân tỉnh lẻ như bọn tôi, đến đôi dép tử tế để đi còn không có chứ nói gì đến giầy da, vì thế mà không ít anh em nam giới chúng tôi đã thực sự có vấn đề khi phải bước nhanh trên bề mặt một quảng trường khá đặc biệt này để còn theo kịp đoàn do sợ bị lạc. Chiều theo nguyện vọng của chúng tôi, 2 anh tháp tùng đã xin nhân viên bảo vệ nhà ga cho phép chúng tôi xuống thăm quan hệ thống tàu điện ngầm của Moskva, cùng nhau lên tàu đi qua một vài ga. Các anh ấy đã chọn nhà ga đẹp nhất để đưa chúng tôi xuống (các anh ấy nói vậy). Có lẽ trong cuộc đời mình không có cuộc chuyển hoá nào diễn ra với tốc độ nhanh như vậy, vì mới đúng tròn một tháng trước đây thôi chúng tôi đang còn là những nông dân thực thụ, suốt ngày chân lấm, tay bùn trên những cánh đồng đang vào vụ cấy. Vào cuối buổi sáng chúng tôi quay trở lại MGU để ăn trưa. Trong thời gian chờ đợi, một số anh em tranh thủ dạo chơi để có dịp chiêm ngưỡng những vạt hoa hồng nhiều sắc màu với những bông hoa rất to, cũng như những dải táo tây dài rộng đang mùa trĩu quả được trồng trong khuôn viên của trường- những cảnh tượng mà hầu hết chúng tôi chưa một lần nghĩ tới khi còn ở Việt Nam. Sau bữa trưa tại nhà ăn sinh viên của MGU chúng tôi tới ga Kiev ở phía tây-nam Moskva để lên tàu về Kishinhev.
Chia tay Moskva, vượt qua quãng đường chừng 1500 km cắt ngang đất nước Ucraina, đoàn tàu liên vận Moskva- Bucarest- Sofia đưa chúng tôi đến xứ sở Moldavia với những cánh đồng táo và nho bạt ngàn. Sau khi được nhân viên nhà tàu thông báo còn khoảng 10 km nữa tàu sẽ tới Kishinhev, tất cả chúng tôi đều trong tư thế sẵn sàng, quần áo chỉnh tề, đứng hết ngoài hành lang toa tàu. Bạn Như Anh đã thay mặt đoàn tặng anh nhân viên nhà tàu chiếc huy hiệu Đoàn Thanh niên Lao động VN- một kỷ vật tuy rất nhỏ bé song cũng đã làm cho anh ta vô cùng thích thú. Khoảng 4 giờ chiều ngày 13 tháng 8, đoàn tàu giảm dần tốc độ, hầu như tất cả chúng tôi đều thay nhau ngó nhìn thành phố qua các ô cửa sổ. Thế rồi tất cả đồng loạt vỗ tay và hò reo rất lớn khi phát hiện thấy có rất nhiều anh chị năm trên đứng chờ đón chúng tôi trên sân ga. Quá mừng, chúng tôi tíu tít xách vali xuống tàu, chào hỏi các anh chị ra đón. Các anh chuyển vali giúp chúng tôi lên một chiếc xe tải chờ sẵn trên sân ga, còn chúng tôi lên xe khách đi về Ob3- nơi chúng tôi ở trong năm học dự bị. Sau khi tự đi xe buyt về, các anh chị năm trên đến chơi thăm hỏi và làm quen với chúng tôi, hướng dẫn một số quy định sinh hoạt trong KTX, và dẫn chúng tôi sang nhà ăn để ăn tối. Đối với chúng tôi, những chàng trai/cô gái hầu hết ở tuổi 17-18 chưa một lần xa nhà, mọi lo âu nhanh chóng tan biến khi được hoà mình trong một bầu không khí vô cùng ấm áp tình người ngay từ những giây phút đầu tiên đặt chân tới một miền đất vô cùng xa lạ- một địa danh mà hầu hết chúng tôi mới được biết đến trước đó 6 ngày tại Iarkusk.
Những ngày đầu tiên trên đất Kishinhev, do chưa được phát học bổng, chúng tôi được hưởng chế độ ăn tập thể miễn phí theo cả đoàn tại nhà ăn sinh viên. Trước mỗi bữa ăn, các anh chị khoá 76 (anh Hoài, anh Nông Hải, anh Tuấn, anh Pha, anh Nam Phong, …) đến dẫn chúng tôi sang nhà ăn và lấy khẩu phần ăn cho chúng tôi. Có một chi tiết tôi nhớ rất kỹ: vào một buổi trưa, trước khi các anh dẫn chúng tôi sang nhà ăn, có một anh CL73 nói nhỏ gì đó, thế là các anh không dẫn chúng tôi đi theo cửa trước (mở ra phố Pirogov, đối diện sân vận động trung tâm của Thành phố) như mọi lần, mà đi theo cửa sau vòng qua sân bóng rổ và vườn hoa để đến nhà ăn. Sau đó chúng tôi mới vỡ nhẽ, chả là các bạn gái khoá tôi có năng khiếu “nói” bẩm sinh, lại rất vô tư, coi đường phố như nhà mình, cứ bên nhau là không ai chịu nhường ai. Vậy là các anh ấy không muốn trình diện chúng tôi ra mặt phố có nhiều người bản địa qua lại, chuyện thật là vui. Có một số ngày chúng tôi phải ăn trên sảnh tầng 3 của Dom culturư (phía sau hội trường lớn cao thông tầng 2 và tầng 3 mà Hội Đồng hương VN ta vẫn thường tổ chức hội họp), không biết do phải cách ly y tế hay vì lý do nào đó. Các anh chị đã đến rất sớm để chuyển đồ ăn từ tầng 2 nhà ăn sang tầng 3 Dom culturư cho chúng tôi (qua một lối đi hẹp giữa 2 nhà, bình thường lối đi này không mở). Trong lúc chờ đợi các anh chị chuyển đồ ăn tới, được cổ vũ của cánh bạn bè quen thân từ hồi còn học phổ thông, bạn Như Anh có đôi ba lần ngồi vào chiếc đàn piano rất to kê sẵn trên sảnh này của Dom culturư. Vậy là không chỉ có chúng tôi (những người trong cuộc) mà chính các anh đã may mắn có cơ hội trở thành những “ma cũ” đầu tiên được thưởng thức những ngón đàn tuyệt vời của một em gái dự bị xinh đẹp mới sang. Trộm nghĩ, những cảnh tượng “độc” này đã phần nào làm vơi đi sự vất vả của các anh dành cho bọn đàn em ngu ngơ mới quen biết.
Vào một buổi sáng sau khi đến Kishinhev ít ngày, các anh khoá 76 cùng một cô giáo Tiếng Nga dẫn cả đoàn đi chụp ảnh ngoài cửa hiệu để làm thẻ sinh viên, sau đó là tham quan thành phố (chủ yếu khu Quảng trường và toà nhà Chính phủ), đến thăm trường KGU, vào làm quen với phòng làm việc của khoa Ngoại quốc. Tất cả đều đi bộ. Trên đường đi, nhìn mấy anh tháp tùng có dáng điệu không khác gì mấy cô giáo mẫu giáo dẫn đàn trẻ thơ đi dã ngoại, đặc biệt ở những đoạn ngang qua Đại lộ Lenin. Với vẻ mặt đầy lo lắng, liên tục ngó nghiêng, các anh thỉnh thoảng lại “tế nhị” nhắc nhở chúng tôi đi đúng “đội hình” và giảm thiểu âm lượng. Tôi còn rất nhớ, bằng các cử chỉ khá dí dỏm và với nụ cười rất duyên, anh Nông Hải là người “ốp” các em tích cực nhất. Rất may là đường phố vắng vẻ, xe cộ ít và đi lại trật tự, nên không có sự cố nào xảy ra. Chúng tôi mãi mãi biết ơn sự chăm sóc tận tình và chu đáo của các anh chị khoá 76 trong những ngày đầu đang còn quá bỡ ngỡ, tiếng tăm tịt mít nơi đất khách quê người này. Rất buồn là anh Tuấn và anh Phong đã ra đi quá sớm, không được chứng kiến sự tuyệt vời của Hội người KGU chúng ta trong hơn một năm vừa qua.
Khoảng một tuần sau, quân số khoá 77 được tăng cường bằng các đoàn tiếp theo, trong đó có trọn gói các anh em thuộc biên chế quân ngũ (anh Cửu, anh Thịnh, Bắc Hải, Minh, Chí Sơn, Khang và Vinh), phần đông các bạn lớp Lý (Hoàng Lương, Đức, Chính, Thắng, Bình nam, Bình nữ, Dương Mai, Hải, Loan,...), cùng Mậu, Trự,... của lớp Hoá. 52 anh chị em chúng tôi (Lý 18, Hoá 18 và Sinh vật 16) được phân thành 6 lớp học Tiếng Nga, song tất cả được biên chế trong một đơn vị chung của Hội đồng hương do anh Thịnh làm đơn vị trưởng; được sinh hoạt phong trào chung trong một chi đoàn do anh Cường làm Bí thư. Hết năm dự bị, con số các lớp có biến động ít nhiều: Mai Hương và Huệ từ lớp Hoá chuyển sang học Lý, Vinh nữ thì ngược lại; Như Anh và Loan đi Minsk; Bình nam về Moskva học ngành khác; Thọ tự nguyện về Việt Nam và Nguyện chia tay bạn bè mãi mãi trong một chuyến đi nghỉ hè tại biển Đen.
Thời gian trôi thật nhanh, công việc chung-tư bộn bề cuốn hút, có lẽ chẳng mấy ai trong chúng tôi lại có thể tin rằng: đã tròn 40 năm kể từ ngày chúng tôi đến với Kishinhev để bây giờ được vinh dự mang trên áo mình chiếc huy hiệu “Người KGU”.