NGÀI ĐẠI TÁ … KHÔNG CHỜ THƯ
Tác giả: Meomun
Mình thì không mê Marquez, khổ sở lắm mới đọc xong cái “Trăm năm cô đơn” của ông ấy, nhưng truyện ngắn “Ngài đại tá chờ thư” thì lại nhớ và thích. Mình bị ám ảnh bởi hình ảnh ông đại tá già gia cảnh nghèo túng, suốt 20 năm ngày ngày ra bến đò, đến bưu trạm để chờ món trợ cấp, lần nào cũng khấp khởi hi vọng, để rồi thất vọng khi nhận được câu trả lời “hôm nay không có thư cho ông đại tá” …
“Ngài đại tá” mà mình biết thì hoàn toàn khác, tràn đầy vẻ lạc quan, trẻ trung, mặc dù không còn trẻ. Lần đầu mình nhìn thấy ảnh “ngài đại tá”, có lẽ là ảnh chụp khá lâu rồi, với vầng trán cao, nụ cười tươi, và ... hơi bị đẹp trai, giống diễn viên Chi Bảo. Còn câu hỏi là liệu diễn viên Chi Bảo mấy chục năm sau có đẹp bằng “ngài đại tá” trong tấm ảnh chân dung mới đây được “tung” lên mạng KGU thì kể cả những fan hâm mộ của Chi Bảo cũng không dám chắc.
“Ngài đại tá” tất nhiên là theo nghiệp nhà binh. Nhưng qua mấy bài thơ, những dòng tự sự “Nói về những người bạn” mà “ngài” đăng trên mạng KGU, rồi qua những dòng “còm” của “ngài” về các bài viết của anh chị em KGU, mình nhận thấy “ngài” không hề khô khan như những gì người ta thường gán cho những người mặc áo lính. Bài “Nói về những người bạn” của “ngài” dành nhiều dòng kí ức kể về “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy”, đầy những sự “tình cờ” in đậm. Họ gặp nhau sau khi cả hai đã trở về nước, và mọi chuyện tiếp theo đều tình cờ, tình cờ như có sự sắp đặt của số phận. Mình cũng rất có ấn tượng với tấm ảnh avatar của chị, tấm ảnh chụp chị bên mấy bông hoa loa kèn, hay hoa lili gì đó , trẻ trung, dáng nghiêng nghiêng, thanh mảnh với mái tóc ngắn và cái cổ cao, giống như bức tranh “Thiếu nữ bên hoa huệ” của danh họa Tô Ngọc Vân. Chị bảo đó là ảnh con gái chụp cho chị, nhân sinh nhật lần thứ 59 của chị. Mình ngạc nhiên hơn nữa, khi biết chị cũng là “lính”, mặc dù là lính thời bình qua bài viết của chị Nguyễn Thanh Hương: “Chúng tôi-những người nữ sĩ quan”.
Thuở ấy, hình ảnh người con gái dáng cao cao, thanh mảnh đạp xe đạp trên đường phố Hà nội đã chiếm trọn trái tim “ngài”, trái tim ít nhất đã 1 lần thổn thức trước đó như “ngài” đã can đảm thú nhận, khiến mình nhớ đến những câu thơ của Đoàn Minh Tuấn:
“Hãy đạp xe lên phía trước đi em
Cho anh ngắm dáng hình thon thả
Cơn gió thổi, áo em tím quá
Hay mùa hoa bàng nước hóa em rồi ?”
Mình đoán là ngày xưa, chắc “ngài” cũng đã làm hơn 1 bài thơ để tặng nàng thơ của “ngài”, nhưng chưa công bố rộng rãi, ngoài vài câu được biết đến trên mục thơ của KGU như:
“Trời mưa, mưa hai đứa đứng bên thềm
Anh che em khỏi ướt tà áo tím
Anh quen rồi không lạnh Lính mà em…”
Màu áo tím tuổi ban đầu có lẽ thật khó quên vì hơn 30 năm sau, đại tá vẫn thổn thức vì cái màu tím ấy. Chính đại tá đã tự nói với lòng mình:
“Cái mầu tím ấy sao thương nhớ
Ấp ủ lòng tôi suốt cuộc đời
Xa xôi tím ngắt dồn mong nhớ
Trỗi dậy lòng tôi lúc chiều tàn”
Những câu thơ nhẹ nhàng như những hồi tưởng, những chiêm nghiệm rút ra từ chính cuộc đời. Phải chăng vào những buổi chiều tà của cuộc đời, con người chúng ta đều có những hồi tưởng về những kỉ niệm, có những đúc kết về cuộc sống, tình yêu và càng thêm quý, thêm yêu cuộc sống, dù khổ đau hay hạnh phúc. Màu tím trong thơ ca, màu tím tình yêu và nỗi day dứt thực tế không phải là một ý tưởng mới mẻ, vì quanh ta đã lừng lững màu tím hoa sim của Hữu Loan, sắc tim tím Huế của Nguyễn Bính, hoa súng tím của Chế Lan Viên và rất nhiều sắc màu tím khác. Đại tá thì không phải là một thi sĩ, vì thế trong bài thơ lâu lâu ta thấy có đôi chút vụng về trong từ ngữ, vần điệu, nhưng đều hợp lý, chấp nhận được đối với một người làm thơ không chuyên. Những cũng chính vì thế, những câu từ, hình ảnh trong bài “Màu tím” của đại tá thực sự bình dị, giản đơn, và chân thành như một lời tâm sự. Màu tím áo em thuở thanh xuân, rồi màu bằng lăng, màu phượng Thung Nai, tất cả chẳng phải vô tình, đó là sự cảm nhận tinh tế của người trong cuộc. Mình đọc và có chút bất ngờ với màu tím trong thơ đại tá:
“Xa xôi tím ngắt dồn mong nhớ…
….Bằng lăng tím thẫm đường Hà nội
Chiều qua phượng tím đẫm Thung Nai”
Mình thấy màu tím trong thơ ca thông thường được thể hiện nhẹ nhàng, man mác chứ hiếm thấy những mảng màu mạnh, đậm như “tím ngắt”, “tím thẫm”, “tím đẫm” như trong bài “Màu tím”. Lúc đầu mình mạo muội nghĩ, hay đại tá gõ sai “tím ngát” thành “tím ngắt” nhỉ, nhưng thử đọc lại với cái từ “tím ngát”, thấy nhợt nhạt, vô vị và càng không thể là kết quả của sự “xa xôi …dồn thương nhớ” được. Có lẽ thời gian, những thử thách của cuộc sống như một chất xúc tác làm cho cái màu tím thủy chung ấy càng trở nên đậm đặc, tinh kết, và càng tím hơn trong hồi tưởng của một người có tuổi, đã và đang đi qua những tháng năm có cả bình yên, hạnh phúc, cả những thách thức, khó khăn, sóng gió của cuộc đời. Mấy chục năm trước, đại tá chắc hẳn đã hết sức hạnh phúc khi nghe lời thủ thỉ của cô gái tình cờ làm rơi nón hôm nào: “Hoa thơm ngát gắn liền màu tinh khiết/và với anh, em chung thủy suốt đời”. Sau hơn 30 năm, vẫn là người hạnh phúc, khi đại tá nhắc lại lời hứa thủy chung ấy từ người bạn đời, với chút hóm hỉnh “tớ biết là cậu chỉ lấy cớ thôi” và cả chút chút kiêu hãnh của người yêu và được yêu:
“Cái mầu xa cách sao buồn thế?
Lấy cớ thuỷ chung để đợi chờ
Dẫu có giữ nguyên mầu tím ấy
Cũng chẳng dấu lòng lúc thờ ơ”
Làm sao mà có thể thờ ơ được, khi xung quanh rực lên một màu hoa tím, màu của kí ức, màu tình yêu, màu thủy chung, màu của sự sâu thẳm trong tâm hồn mỗi người. Người ta vẫn nói, màu tím là màu xa cách, chia li, là màu của nỗi buồn. Nhưng đó chỉ là một ước lệ, rất chung chung mà không đúng với ngài đại tá, bởi với ngài đại tá, màu tím là màu hạnh phúc, bởi vì đại tá được màu tím thủy chung ấy ấp ủ, chở che trong mỗi bước đi:
“Anh đi giữ trọn mầu hoa tím
Trong bóng hoàng hôn có hồn em
Còn chăng thương nhớ người ta nói
Chẳng bằng mầu tím thuỷ chung em”
Còn đây nữa, dù đại từ nhân xưng “ai” có vẻ như không xác định, bâng quơ nhưng thực sự là một lời nhắn nhủ đầy ắp yêu thương với người bạn đời, nhắn những ai đang yêu trên đời “Hãy giữ lấy màu tím thủy chung”.
“Mầu tím: Ôi! mầu dễ phôi phai
Nếu ai giữ được mầu tím mãi
Trong tim trong mắt tuổi thơ "ai"
Thì "ai" có mãi tình yêu ấy
Suốt cả đời mình chẳng có "ai".
Có vẻ như trong bài thơ “Màu tím”, tác giả không chủ định nói đến khái niệm cụ thể, hay những sắc màu có tính vật chất mà chỉ mượn những hình ảnh hoa bằng lăng, hoa phượng tím để nói đến một khái niệm trừu tượng hơn, đó là màu thời gian, của sự suy tưởng. Tác giả cũng khẳng định, cái màu tím vật chất (physical) ấy thực sự là dễ phôi phai, còn cái màu tím dịu dàng trong tim, trong mắt ấy thì sẽ còn mãi, nếu “ai” đó biết gìn giữ. Bởi đó là “màu thời gian”, như Đoàn Phú Tứ đã định nghĩa: “Màu thời gian không xanh/Màu thời gian tím ngát”.
Hình như là ngài đại tá, ngài đại tá… không chờ thư đang nói với “ai”: “Sao em là Cành Xanh/cho lòng anh sẫm tím?
(Tặng anh chị Chu Kỳ Minh- Nguyễn Bích Chi -8/2011)
Người post: VanNH
Ngày đăng: 14-08-2011 22:10
COMMENTS CỦA THÀNH VIÊN |
|
Tổng số bài và comment post theo từng khoa
Khoa | Bài viết | Comment |
Sinh | 563 | 9482 |
Lý | 387 | 2824 |
Hóa | 882 | 9765 |
Luật | 721 | 11647 |
Toán | 66 | 376 |
Kinh tế | 4 | 108 |
Câu Lạc Bộ | 30 | 1 |
NCS | 3 | 70 |
Bạn bè | 197 | 1189 |
Dự bị | 0 | 0 |
Ngôn ngữ | 2 | 2 |
10 người post bài nhiều nhất
User | Số bài viết |
TungDX | 289 |
NghiPH | 306 |
NgocBQ | 130 |
ThaoDP | 108 |
CucNT | 123 |
CoDM | 88 |
PhongPT | 73 |
HaiNV | 93 |
LiTM | 85 |
MinhCK | 70 |
10 người comment nhiều nhất
User | Comment |
Guest | 7169 |
NghiPH | 3219 |
LiTM | 1879 |
HaiNV | 1853 |
KhanhT | 1743 |
CucNT | 1718 |
TungDX | 1565 |
ThanhLK | 1545 |
VanNH | 1441 |
ThoaNP | 1257 |