LỜI ĐỀ NGHỊ
Tác giả: Meomun
(hay là Một góc chân dung của một NguoiKGU)
Người KGU ấy xuất phát là dân chuyên toán. Mình thì vốn phục dân toán từ thuở học cấp 2. Hồi ấy bọn mình có dịp học chung với các bạn toán (nhưng đến giờ toán thì các bạn ấy xách cặp đi học riêng, còn đến giờ Văn thì bọn mình cũng thế). Sau này vào cấp 3, nhiều bạn trong lớp đã thi đỗ vào hệ chuyên toán của Đại Học Tổng Hợp, Đại Học Sư Phạm. Mình không dám “vơ đũa cả nắm” nhưng suy từ mình thì thấy, mình học văn bởi vì dốt toán. Tất nhiên mình dốt chưa đến mức “x tiến tới củ lạc” như dân học văn vẫn tự trào. Chả biết ai là người đầu tiên gọi ∞, kí hiệu của “vô cực” là “củ lạc”, có lẽ thế cho dễ tưởng tượng, vì nó làm người ta nhớ đến “Mùa lạc” của Nguyễn Khải, hihi. Đối với mình, toán thực sự là thứ gì đó bí hiểm và dân học toán cũng thế. Nhưng điều mà khiến mình ngạc nhiên, khâm phục và cả … ganh tỵ nhất là họ toán không những dễ dàng mà đối với các môn khác, trong đó có môn Văn, điểm số của họ cũng khá cao do bài văn của họ thường có bố cục rất chặt chẽ, đủ ý và hành văn mạch lạc. Hình như chẳng ai giỏi toán mà có điểm tổng kết văn dưới trung bình. Trong khi đó thì ngược lại với dân học văn, không trượt là may, điểm toán, lý, hóa thường thấp lè tè! Sau này thì mình hiểu, đó là do môn toán đã cho họ một tư duy lô gic, nền tảng để giải quyết mọi vấn đề.
Mình cũng mang cái tâm lý “sợ dân toán” ấy vào mạng KGU, và mình thấy nhiều anh chị, bạn bè là “cao thủ”. Mình lò dò xem “tiểu sử” của nhiều anh chị qua phần “profile” và qua các bài viết của những người khác , mình biết “Người KGU” ấy đã từng học khối A0, đại học tổng hợp những năm 1972-1975. Mình vào trang web của khối A0 và thấy nhiều cái tên rất quen, nhiều người là thần tượng của mình hồi nhỏ. Chuyện “A0” làm mình nhớ tới kỳ bầu cử Quốc Hội vừa rồi. Ở khu vực bầu cử nhà mình có 1 ứng cử viên là Nguyễn Văn Trữ, cũng cỡ tuổi các anh chị KGU nhà mình. Qua tiểu sử,mình thấy bác này học A0, sau này học ở Bun. Chắc do sùng bái dân A0 nên vừa đọc qua tiểu sử bác Trữ, mình đã “quán triệt” ngay cho người nhà của mình phải bầu ngay cho bác. Tiếc là bác Trữ đã thất cử, bất kể mấy lá phiếu tâm huyết ấy, nhưng có khi bác Trữ cũng chẳng buồn, vì bác có thể đã đoán trước được kết quả.
Đáng lẽ mình được biết mặt Người KGU này sớm hơn, chứ không phải chờ đến dịp chuẩn bị đón cô Irina năm ngoái. Chừng 2 năm trước, qua email mình có xin anh Bùi Quang Ngọc một đĩa DVD tuyển tập các bài hát Nga. Anh Ngọc có gửi đĩa nhạc cho mình qua người KGU này và anh ấy lại nhắn bảo mình đến văn phòng FPT mà nhận, anh ấy gửi qua thư kí. Mình đến văn phòng FPT ở SG, nhận quà tặng và liếc thấy cái biển đề “Hoàng Minh Châu- Phó Chủ tịch HĐQT” ngoài cửa một phòng gần quầy tiếp tân, mình cũng thấy hơi “rét rét”, thầm nghĩ chắc sếp này cũng đã già già và oai vệ. Sao lại không oai vệ, chẳng gì cũng là sếp của một tập đoàn lớn, cái tập đoàn “Food Processing” thuở nào nhưng bây giờ chẳng còn thấy bóng dáng lúa gạo, ngô mì gì nữa trong danh mục ngành nghề kinh doanh. Rồi qua các email của anh chị em thuở website chưa ra đời, mình thấy anh Châu trong ảnh chụp chung với các anh chị toán 1981 và cô Irina. Trong ảnh, một cậu bé (xin lỗi anh Châu, nhưng ai cũng qua thời là các cô bé, cậu bé mà) mặc cái panto đen và cái quần ca rô ống loe (mốt ngày đó), đang cười tươi rạng rỡ.
Lần đầu tiên mình gặp anh Châu ngoài đời là vào dịp các anh chị KGU trong Sài Gòn tổ chức gặp mặt để chuẩn bị cho việc đón tiếp cô Irina. Có đôi chút ngỡ ngàng khi thấy anh Châu ngoài đời, khi mình chỉ biết mặt anh Châu qua tấm ảnh chụp với Toán 81. Nhưng thực ra sau gần 30 năm, ai mà chẳng khác, chính mình cũng ngượng ngùng khi anh Châu chỉ vào một tấm ảnh ngày xưa và hỏi mình: Ai đây? Ừ, làm sao mà nhận ra con bé có khuôn mặt xương xương với hai con mắt như ốc bươu trong bức ảnh đen trắng ấy lại là mình. Nhưng mình tin chắc là rất nhiều người trong buổi họp đó và các buổi tụ họp có anh Châu đều dán mắt, căng tai để nghe những câu chuyện dí dỏm, những lời bài hát qua “chế biến” thành rất vui nhộn, từ người đàn ông trung niên, có mái tóc ít mất công chải ấy. Mình phát hiện ra là khi kể chuyện, anh Châu có cái miệng mom móm rất duyên, đôi mắt thì nhấp nháy rất hài hước và chuyện gì qua anh cũng đều rất thu hút. Lần nào cũng vậy, mình tự nhủ sẽ cố nhớ mấy câu chuyện tiếu lâm mà anh Châu kể để về làm “vốn”, kể lại cho tụi bạn và các đồng nghiệp trẻ, cho tụi nó mắt tròn mắt dẹt. Nhưng chả hiểu sao sau đó thì mình quên hết, và mình tự nhủ thôi thế cũng được, vì những chuyện đó qua mình kể có khi chả còn gì là hay, là buồn cười, khéo lại mất công giục mọi người “cười đi”!
Có lần mình lên mạng gõ thử tên “Hoàng Minh Châu”, ra kết quả tới hơn 8 triệu và nếu gõ “Hoàng Minh Châu FPT” thì cũng tới hơn 1 triệu kết quả. Rồi mình lò mò tìm thấy cả clip Hoàng Minh Châu- Người đương thời. Hóa ra anh Châu đã từng ngồi “ghế nóng” trước mặt em Tạ Bích Loan của VTV3. Hồi xưa, mình có xem chương trình “người đương thời” và thực sự không thể quên những người như giáo sư bác sĩ Nguyễn Tài Thu, nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn. Sao này chương trình ấy không còn thu hút mình nữa. Có lẽ thế mà khi mình xem lại chương trình Người đương thời với nhân vật chính là anh Châu, mình đã tự trách mình sao bỏ sót một chương trình thú vị như vậy. Cái cách mà anh Châu đối đáp với Tạ Bích Loan, rồi những câu ứng khẩu thành thơ của anh ấy và đặc biệt những gửi gắm của anh ấy với lớp trẻ về lòng yêu nước rất thông minh, hài hước nên không hề khô khan và thực sự đáng phải suy nghĩ. Mình biết những người như anh Châu luôn đau đáu với việc gìn giữ một nền văn hóa Việt, bản sắc Việt trong bối cảnh toàn cầu hóa và đã từng có những bài phát biểu, những cuộc giao lưu và hoạt động cụ thể về vấn đề này. Nhiều người KGU biết nhiều năm nay anh đã giúp đỡ, tài trợ cho các nghệ nhân ca trù, để loại hình nghệ thuật độc đáo, thuần Việt ấy không bị mai một.
Thực sự thì mình và nhiều anh chị em KGU ở Tp Hồ Chí Minh chỉ có dịp gặp gỡ, tụ họp từ khi có chuyến đi của cô Irina và con gái đến Việt Nam. Tuy mình không tham gia đầy đủ tất cả các sự kiện trong chuyến đi của mẹ con cô giáo, nhưng mình thấy anh Châu quả thật chu đáo, chu đáo một cách đáng khâm phục trong việc tài trợ, tổ chức chuyến đi. Mình cảm nhận thấy trong đó tình cảm mà anh dành cho cô giáo cũ, dịu dàng và thầm lặng, không khoa trương, nhiều lời. Mình biết cô Irina vẫn thường rơm rớm nước mắt khi nghe nhắc tới anh Châu, bởi cô có được những ngày mà cô nói như sống trong “Xcaxka” ấy là từ tấm lòng thơm thảo của người học trò cũ ấy.
Cách đây mấy tháng, hình như trước khi anh đi thăm chiến sĩ ở Trường Sa thì phải, mình có nhận được một cú điện thoại của anh. Mình tuy lưu số điện thoại của anh nhưng chưa bao giờ mình gọi cho anh và cũng nghĩ chắc chẳng bao giờ anh gọi cho mình. Vì thế, khi máy hiện lên chữ “Anh Châu KGU”, mình có hơi bất ngờ. Sau câu hỏi thăm sức khỏe thông thường, anh đột ngột hỏi mình: “- Anh không thấy tên em trong danh sách đi Moldova, em bận à?” Mình bảo em đi chưa được, vì cháu còn nhỏ, ông xã cũng bận…Anh Châu im lặng một lát rồi bảo mình: “-Này, anh có một đề nghị, em xem thế nào nhé! Có phải em không đi được là do vấn đề tài chính không, vừa rồi gia đình em có sự cố như thế, anh biết là rất tốn tiền. Nếu em muốn đi nhưng vướng chuyện tài chính, anh có thể giúp em, chuyện đơn giản mà, em đừng ngại!”. Mình lặng cả người, nước mắt chợt trào ra, mình chỉ lúng búng vài từ rồi cúp máy. Giây phút ấy, những kí ức lộn xộn về những ngày gian khó nhất của mình ùa về, hình ảnh con mình, nỗi tuyệt vọng và day dứt của mình có lẽ sẽ ám ảnh mình suốt những năm tháng còn lại của cuộc đời. Ngồi trong văn phòng, mình lặng lẽ khóc một mình. Mình cảm thấy một sự chia sẻ thật chân thành, mình bất giác muốn được khóc, được kể lể như với một người anh lớn của mình. Sau đó, mình viết email cho anh, cám ơn anh và bảo ơn trời em chưa đến mức quá quẫn bách về tiền bạc, nhưng tấm lòng của anh, em xin được ghi nhớ…
Viết về anh Châu thật khó, mình đã dự định viết về anh từ sau ngày nhận được “lời đề nghị” ấy, nhưng mình không thể nào viết xong được. Viết rồi lại xóa, vì mình thấy mọi người viết về anh cũng đã nhiều rồi, không khéo thì thành khen “phò mã tốt áo”. Mình đành mượn lời của một người anh lớn trong Web KGU mà mình có trao đổi khi dự kiến viết về anh Châu: “Anh Châu có tác phong của người lính, có trái tim của một người Mẹ, có tinh thần và trí tuệ của một giáo sư và ... có thật gần mới hiểu được con người ấy”.
Mình thấy câu nói này quá đúng, quá “triotko”, mình khó mà viết hay, viết đủ về anh Châu, một khi mình chỉ mới biết anh qua KGU, nhưng hơn thế, mình đã được nhận một lời đề nghị, từ một người anh, từ một TẤM LÒNG.
22/8/2011
Người post: VanNH
Ngày đăng: 21-08-2011 20:08
COMMENTS CỦA THÀNH VIÊN |
|
Tổng số bài và comment post theo từng khoa
Khoa | Bài viết | Comment |
Sinh | 563 | 9482 |
Lý | 387 | 2824 |
Hóa | 882 | 9765 |
Luật | 721 | 11647 |
Toán | 66 | 376 |
Kinh tế | 4 | 108 |
Câu Lạc Bộ | 30 | 1 |
NCS | 3 | 70 |
Bạn bè | 197 | 1189 |
Dự bị | 0 | 0 |
Ngôn ngữ | 2 | 2 |
10 người post bài nhiều nhất
User | Số bài viết |
TungDX | 289 |
NghiPH | 306 |
NgocBQ | 130 |
ThaoDP | 108 |
CucNT | 123 |
CoDM | 88 |
PhongPT | 73 |
HaiNV | 93 |
LiTM | 85 |
MinhCK | 70 |
10 người comment nhiều nhất
User | Comment |
Guest | 7169 |
NghiPH | 3219 |
LiTM | 1879 |
HaiNV | 1853 |
KhanhT | 1743 |
CucNT | 1718 |
TungDX | 1565 |
ThanhLK | 1545 |
VanNH | 1441 |
ThoaNP | 1257 |