KGU News >>Văn học >>Ký - Luận
KGU Tạo bài viết  
Thứ tư 07 Tháng chín. 2011

Văn nghệ ở KGU




Tác giả: ThuTT

Ảnh 1: Song ca Thu Hồng và Lê Thanh Bình

 

Những tháng năm sinh viên ở Kishinhốp, ngoài những kỷ niệm về học hành, thi cử, dân KGU ai cũng có những kỷ niệm không thể quên về hoạt động thể thao, hái táo và văn nghệ. Thể thao và hái táo đã được mọi người «bàn tán» sôi nổi rồi, nay xin phép kể về văn nghệ.

Không biết hội diễn văn nghệ của chúng ta bắt đầu từ năm nào, nhưng thời gian tôi ở KGU thì Hội diễn mùa xuân đã trở thành một phần không thể thiếu trong «hành trang» của sinh viên Việt nam ở KGU. Hội diễn được tiến hàng tối 7/3 vì 8/3 là ngày nghỉ lễ chính thức ở Liên Xô hồi đó. Trước đó, các lớp  các đơn vị đã vừa náo nức vừa bí mật chuẩn bị cho ngày hội đặc biệt này. Ngoài những nghệ sĩ mà ai cũng biết là sẽ nhất định có tiết mục trên sân khấu như đơn ca của chị Liên, anh Uyển, Thu Hồng, ngâm thơ của chị Tỵ, chị Tú, những điệu múa của nhóm chị Tuyết thì dân Kis ta luôn hồi hộp đón chờ những tiết mục độc đáo, những tiết mục mà bây giờ đã qua 40 năm nhiều người vẫn không thể nào quên được. Cho đến bây giờ mỗi khi nhớ về những năm tháng ấy, tôi vẫn còn «thấy» như ngay trước mắt mình hình ảnh anh Mậu mặc váy thiên nga mỏng mảnh xuất hiện trên sân khấu. Anh Mậu người Quảng Bình, vào loại nhỉnh hơn trung bình so với anh em lớp CL77, nước da thuộc loại «đậm đà» được các chị lớp ấy «mời» đóng vai thiên nga trong vở ba lê Hồ Thiên nga nổi tiếng. Tập bí mật, các chị bí mật ra tận nhà hát Kishinhôp mượn bộ váy múa balê «xịn», vì thế cả Kis ngả ngiêng cười khi trong tiếng nhạc êm ái nhẹ nhàng «thiên nga» «bay» vèo một cái ra đến giữa sân khấu rồi ngơ ngác đứng mãi mà không thấy hoàng tử đâu vì hóa ra hoàng tử (do lớp trưởng Nghiêm Xuân Minh thủ vai) quên nhạc. Rồi cả hội trường lại ngả ngiêng cười vì sau khi loay hoay mãi không nâng nổi thiên nga, thiên nga quay sang «bế» hoàng tử rời sân khấu. Một tiếng mục khác cũng không thể quên là anh Bôi (CL) đóng áo dài, trùm khăn kín mít như bà già để che cái đầu cắt ngắn, ra trước micro «đong đưa» làm «Bích Liên» trong «Năm tấn thóc» réo rắt từ đĩa hát của Dihavia. Tiết mục «Trước ngày Hội bắn » của hai chú nghiên cứu sinh có đầy đủ nào váy xòe, ô, khèn. Chỉ đến khi «nàng» duyên dáng đưa chân ra phía trước khoe thì cả hôị trường vỡ ra vì cười bởi «nàng» mặc váy đến đầu gối nhưng lại đi tất đàn ông nên đôi chân rất «thể thao» của «nàng» gây ấn tượng cực kỳ mạnh mẽ. Văn nghệ của Kis cũng làm cho tôi nhận ra nhiều người sau này. Hồi đã về làm việc ở Viện Công nghệ sinh học, có một em mới đến làm ở chỗ tôi, sau khi biết tôi học ở KGU có nói là anh rể em cũng học Toán ở Kis tên là Sĩ Thanh, tôi nói ngay có phải anh Thanh học năm ấy người Thanh Hóa phải không, và nhớ ngay hình ảnh Sĩ Thanh đọc thơ trên sân khấu Hội diễn: "Rồi cờ sẽ ra sao? Tiếng hát sẽ ra sao? Nụ cười sẽ ra sao?” với giọng uốn lưỡi rất chuẩn chữ S. Và đến “ra sao” lần ba thì không phải là nụ cười mà là tiếng cười vỡ ra từ khán giả đang rất chăm chú và nghiêm túc lắng nghe. Hôm ở Đầm Long tôi không thể nhận ra được nhiều anh chị vì cũng đã  ngót ngét 40 năm xa nhau, nhưng khi vừa nhắc tên anh Uyển thì tôi không chỉ nhớ giọng ca vàng một thời của chúng ta mà còn nhớ ngay đến Tiểu phẩm “quay cóp khi đi thi” anh diễn trong vai một cô gái váy áo duyên dáng. Cái mà đám diễn viên đứng sau cánh gà chờ ra sân khấu nhớ mãi là cảnh anh Uyển cứ phải xốc lại mãi cái áo con không biết mượn của chị nào mà khi anh “đeo” vào thì nó không chịu nằm yên tại chỗ. Có hai tiết mục văn nghệ tôi không được xem vì một diễn ra khi tôi chưa qua Kis, một thì khi tôi đã về nước nhưng tôi rất nhớ vì hay được nghe người trong cuộc nhắc đến (chứng tỏ là kỷ niệm vô cùng sâu sắc). Đấy là tiết mục “Xèo bàn tay đếm ngón tay” của “5 bình 1 lọ” biểu diễn năm 1972 và hòa tấu nhạc dân tộc của khoa Toán Lý do Nguyễn Ngọc Bình và Nguyễn Hồng Sơn dàn dựng và chỉ huy. Điều đáng nói ở dàn nhạc này là có nhiều người đến Kis mới bắt đầu học nhạc.

Dàn nhạc dân tộc Toán Lý - Hội diễn Mùa Xuân 1979

Có lẽ ít người KGU chúng ta không có cơ hội lên sân khấu dù tài năng có khiêm tốn đến đâu. Ấy là vì không biết từ bao giờ  đã có lệ là khối năm thứ năm của tất cả các khoa bao giờ cũng có một chương trình riêng để chia tay với KGU. Và chí ít thì bạn cũng sẽ có mặt trong màn đồng ca không bao giờ thiếu trong các tiết mục văn nghệ của năm cuối cùng đời sinh viên.

Đã là hội diễn thì chắc chắn là phải có giải, nhưng quả thực tôi không còn nhớ giải thưởng hồi đó thế nào. Nhưng năm cuối thì tôi có được một phần thưởng “Thành tựu trọn đời” vì những đóng góp cho phong trào văn thể mỹ của KGU (thực ra thì chỉ có văn nghệ và báo tường thôi vì thể thao thì tôi cực kém và tôi gọi  là “Thành tựu trọn đời” vì từ bấy đến nay tôi không còn được bất cứ phần thưởng nào nữa). Phần thưởng là một món đồ chơi nho nhỏ hình một chú gà trống đang ngoác miệng ra  hát/hét/ gáy (tùy bạn chọn). Về Việt nam tôi treo nó trước bàn làm việc để nhớ rằng ở KGU ngay cả những “nghệ sĩ “ tài năng hạn chế nhất như tôi, như nhiều bạn  cũng có thể đem lại tiếng cười sảng khoái cho mọi người và quan trọng nhất là góp phần làm nên “những năm tháng không thể nào quên”.

 P/S: Sau Hội diễn , ngày 8/3 văn nghệ vẫn tiếp tục nhưng không phải trên sân khấu của Dom cultura mà ở từng lớp, từng nhóm. Các bạn xem ảnh sẽ thấy.

Ảnh 2: Dàn đồng ca của khóa 1978

 

 

 

Ảnh 3 và 4 : Năm thứ năm khóa 1978 với vở kịch “Những người bạn trẻ của tôi”

 

Ảnh 5: Hậu Hội diễn

 

Ảnh 6 : 8/3 cuối cùng tại KGU của lớp OB 78. Người cầm ghita là Trần Văn Chương (đã mất)

 


Người post: NgocBQ

Ngày đăng: 07-09-2011 22:10






Xem 21 - 27 của tổng số 27 Comments


<< Đầu tiên  < Trước đó | Trang:  1 | 2 | 3 |

08/09/2011 14:28:18

Theo tôi Hội diễn văn nghệ KGU là vào dịp 26/3, không phải dịp 8/3.


Xin có đôi lời (trích từ hồi ký "Năm tháng sinh viên" của tôi):


".... Đã thành thông lệ năm thứ 5 là năm cuối nên không ai phải tham gia công tác quản lý của hội đồng hương hay của đoàn thanh niên. Với tôi thế càng khỏe, tôi đã 3 năm  tham gia các hoạt động vác tù và đó. Bù lại chúng tôi lại có những hoạt động riêng của năm thứ 5. Tôi có thể chơi thể thao nhiều hơn, xem tivi nhiều hơn, và đặc biệt tham gia phòng trào văn nghệ sôi nổi hơn.


Chả là vào ngày 26/3 hàng năm ở Кишинёв đều có hội diễn văn nghệ và năm thứ 5 bao giờ cũng phải có tiết mục riêng của mình, chưa kể vẫn phải tham gia chung với khoa. Năm đó năm thứ 5 chúng tôi làm kịch cười, trên thượng giới cũng phải đi thi chủ nghĩa cộng sản khoa học, môn điển hình của năm thứ 5. Tôi vào vai quỷ thiên đình, tuy cắp sách môn học đó nhưng chỉ chơi bời phá phách, phát ngôn linh tinh, khiến Ngọc Hoàng (do Hòa khoa Lý thủ vai) rất phiền lòng lôi ra dạy bảo.



Tôi trong vai Quỷ thiên đình, cặp nách sách môn “Chủ nghĩa CSKH”


 Hội diễn năm 1979 đúng là tôi chạy xô. Tôi còn tham gia kịch của khoa Toán, với nội dung là “bôn sệt”, phê phán một số kỹ sư khi tốt nghiệp ở nước ngoài về không hăng say đóng góp cho đất nước, kịch bản hình như của Thái Sơn. Tôi còn tham gia ban nhạc dân tộc Toán - Lý, có đủ ghi ta (Hồng Sơn, Lý), bass, măng-đô-lin (Diện, Quốc Anh và Thu Hà, Lý), đàn bầu (Ngọc Bình, Toán) và tôi thổi sáo trúc. Chúng tôi hòa tấu 2 bài, bài tôi thổi sáo trúc là bài “Vì miền Nam” của Huy Thục. Chẳng biết có hay không, nhưng nghe khí thế lắm, Hồng Sơn (Lý 1980) chỉ huy và phối khí.


Nhưng ấn tượng nhất của hội diễn năm đó lại là vở kịch của Toán Lý, với nội dung chống bá quyền của Trung Quốc, rất thời sự. Chúng tôi chọn vở chống bá quyền để lên án cuộc chiến tranh biên giới phía bắc do Trung Quốc phát động trước đó hơn 1 tháng. Vở do Hoàng Minh Châu (Toán 1981) viết kịch bản. Tôi vào vai Đặng Tiểu Bình, ngồi họp tướng sỹ ở Bắc Kinh bàn tính chuyện bá quyền. Nhưng chúng đã thất bại tại biên giới Việt Trung, Chi Mai vào vai nữ dân quân, bắt sống lính Trung Quốc (Châu 1981). Còn cậu Huy (Toán 1980), tóc xoăn xoăn lại cao to giống Tây được vào vai phóng viên nước ngoài, phải nói tiếng Việt lơ lớ. Tôi đã đạt giải cá nhân xuất sắc nhất hội diễn nhờ công chạy xô và nhờ điệu cười ngạo mạn của Đặng khi mơ về sự bành trướng của Trung Quốc."


 


Vở kịch chống bá quyền TQ, Đặng và bậu xậu



Từ: BinhLT78
08/09/2011 13:41:12

Thu ơi, sáng nay vừa vào trang web, giật mình vì thấy hình ảnh của mình ngay đầu, và thế là tao hiểu: Thu "đùng" (bây giờ là Thu đẹp) đã lên tiếng !!!. Tao mong đợi được đọc nhứng dòng hồi ức của Thu từ lâu rồi. Tao đã không com ngay, vì phải để cảm xúc lắng xuống một tí đã...Còm ngay sợ "bốc" quá, mất hay hihihi. Ngay cái ảnh đầu tiên, hội diễn văn nghệ năm 78 ấy, có 2 tay đàn ghi ta là bạn Trần Văn Chương (OB78) và bạn Võ Chí Công (VL78) thì đã mãi mãi đi xa rồi. Cảm ơn Thu  đã gợi nhớ lại những kỷ niệm tuyệt vời, không thể nào quên của thời sinh viên sôi nổi. Chủ đề văn nghệ của Thu hay lắm, Bình sẽ viết tiếp.



Từ: BinhNH
08/09/2011 11:19:31

Thu viết rất hay, ai bảo em tài năng hạn chế thế? Chị thấy em có khiếu văn chương và thương thức văn nghệ tốt đấy chứ, ngoài ra lại có trí nhớ tuyệt vời nữa.


Bọn chị chỉ chứng kiến các hội diễn đến năm 1977 thôi, các hội diễn sau đều nghe các em mô tả lại và có cả ảnh minh hoạ nên cũng hình dung ra các anh tài thời sau 1977.


Bây giờ vẫn có Phong trào văn nghệ KGU đấy, Em có gặp Ngọc học luật khoá sau này chưa? Em ấy lên đọc thơ tiếng Nga tại du xuân đầu tiên lần thành lập hội 2010 ấy, rất hay, lại còn chuyện người đương thời của em Châu và Nam Mai, múa bụng của em Hạnh vào du xuân 2011 cũng rất đặc sắc.làm bọn chị cười đau cả bụng.


Hãy cố về vào dịp du xuân nhé. Rất vui đấy



Từ: ThinhTT
08/09/2011 09:58:05

Cảm ơn Thu đã nhắc lại kỷ niệm khó quyên của thời KGU.


Hội diễn văn nghệ tổ chức nhân dịp 8/3 đạt được 2 mục đích là hoạt động của thanh niên và quan trọng để tôn vinh nhân ngày chị em mới có ý nghĩa Quốc Tế. Hội diễn Mùa Xuân thật sự là hoạt động bổ ích nên được cả hội tham gia nhiệt tình. Rất nhiều người  có kỷ niệm về Hội Diễn Mùa Xuân KGU; Như tiết mục " Hồ Thiên Nga" của hóa 77, chắc đạo diễn và diễn viên vẫn còn nhiều ký ức hay cả  khán giả Lê Thanh Bình SV 78 cũng vậy.


Tôi nhớ mãi, Chuẩn bị cho hội diễn 76, đặt vấn đề chuẩn bị trang trí phông sân khấu bạn Lê Thế Vinh Vật Lý 77 nhận lời ngay. Bạn thiết kế, phía cao bên trái là chùm phong lan rực rỡ tỏa xuống, phía dưới là chàng trai dân tộc múa khèn và cô gái che ô duyên dáng, Giữa phông là chữ hoa mềm mại " Hội Diễn Xuân 76". Chuẩn bị cả tuần, treo lên chỉnh sửa cả tối. Cái phông năm đó cũng để lại ấn tượng cho hội diễn. Bạn Vinh rất khéo tay.


Tham gia được văn nghệ hoặc chí ít thích xem văn nghệ thì cuộc sống sẽ thi vị hơn.


 



Từ: PhuND
08/09/2011 08:47:27

Chào ACE KGU! Những năm sinh viên và mãi tận giờ Phư  vẫn không biết hát hò gì. Chỉ hát theo bè của đám đông thì được. Nhưng thời Hội diễn đó, Phư có hai đóng góp:


1. Viết lời cho MC buổi diễn, có lần Chị Ánh Tuyết đọc mà không biết ai viết cứ hỏi mãi.


2. Làm biểu tượng và cắt chữ Hội diễn  MÙA XUÂN cho nhiều năm.


Sau bao năm chỉ ẩn sau cánh gà, nay được nhìn sản phẩm trang trí sân khấu mà thấy vui. Cảm ơn mọi người đã post ảnh Hội diễn lên và TBT NghiPH còn nhớ đến công sức nhỏ mọn của Phư. Chúc mọi người luôn vui khỏe. Phư- Toán KGU 79.



Từ: PhongPT
08/09/2011 06:39:07

Nếu Thu về nước vào dịp du xuân, Phong hứa sẽ có một cái gì đó “solo” tặng Thu vì bài viết cảm động này. Nếu Thu bận không về được thì Phong tặng người KGU.



Từ: NghiPH
08/09/2011 00:58:44

Tôi nhớ hồi Hội diễn Mùa Xuân năm 1979 tôi là ủy viên Ban chấp hành Đoàn trường phụ trách báo tường và thể thao nên được phân công làm biểu tượng cho Hội diễn mùa Xuân. Năm 1978 biểu tượng của Hội diễn Mùa Xuân là Lá sen và Hoa sen. Năm 1979 có sự kiện Trung Quốc xâm lược Việt Nam nên chúng tôi đã quyết định lấy biểu tượng Hội diễn Mùa Xuân là cây đàn ghi ta trên trang sách mở và cây súng AK. Với sự tham gia tích cực của anh Nguyễn Đình Phư và một số anh chị em trong Ban báo chí của  Đoàn trường chúng tôi đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Hội diễn Mùa Xuân do cả Ban chấp hành đoàn trường và Hội đồng hương tổ chức nhưng BCH Đoàn chịu trách nhiệm chính.


Tại Hội diễn Mùa Xuân năm 1979 có đến 2 vở kịch chống Trung Quốc xâm lược một của Toán- Lý, 1 của Luật. Vở kịch của khoa Luật có tên là Bài học nhớ đời do tôi viết kịch bản. Tôi tham gia đóng vai chính - vai Đặng Tiểu Bình. Tổng kết Hội diễn cả 2 vở kịch đồng được giải nhất, được thưởng một cái bánh ga tô to. Tôi xin giới thiệu một số hình ảnh chụp vở kịch này và một số ảnh khác, trong đó có hoạt động văn nghệ đối ngoại.


1. Biểu tượng Hội diễn Mùa Xuân 1978:



2. Đôi MC Khanh- Phú:



3. Chị Diệu Linh và anh Cảnh đóng kịch:



4. Tốp ca nam nữ Luật 1:



5. Tốp ca nam Khoa Luật:



6. Chị Cúc- Khoa Hóa đơn ca:



7. Anh Uy, anh Quang và chị Thê đóng kịch:



8. Kịch Bài học nhớ đời 1:



9. Kịch Bài học nhớ đời 2:



10. Kịch Bài học nhớ đời 3:



11. "Khán giả" xem tập kịch:



12. Anh chị em VN hát tại nhà nghỉ Komunalnhik- Anh 3chai ở góc phải ảnh:




13. Hoạt động đối ngoại:  



 


Xin hỏi anh chị em: Hội diễn Mùa Xuân hằng năm được tổ chức vào tối 8/3 hay tối 26/3?




<< Đầu tiên  < Trước đó | Trang:  1 | 2 | 3 |

Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7170
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s