KGU News >>Văn học >>Ký - Luận
KGU Tạo bài viết  
Thứ sáu 09 Tháng chín. 2011

Thăm mộ liệt sỹ Phạm Hồng Thái




Tác giả: Tự sướng đào ngũ

Mộ Liệt sỹ Phạm Hồng Thái

Kỳ nghỉ 2/9 năm nay lãnh đạo công ty tôi đi Quảng Châu kết hợp họp hành.

Quảng Châu là thành phố lớn thứ 3 của Trung Quốc (TQ), sau Bắc Kinh và Thượng Hải. Số dân là 13 triệu người. Quảng Châu là thủ phủ tỉnh Quảng Đông, tỉnh có nền kinh tế lớn nhất TQ, tính theo GDP của các tỉnh (không kể HongKong), năm 2010 đạt hơn 630 tỷ USD. Quảng Đông thực sự phát triển bùng nổ từ những năm 1990 nhờ chính sách mở cửa do Đặng Tiểu Bình khởi sướng. Vị trí đứng đầu GDP là chưa tính Thâm Quyến, thành phố nằm ở trong tỉnh Quảng Đông nhưng trực thuộc TƯ.

Điểm đáng nói nhất là khu nội thành (khu cũ) của Quảng Châu là khá chật chội, nhiều nhà xây chen chúc với các kiến trúc mới và cũ lẫn lộn, nên không đẹp, nhất là các nhà xây từ trước kia. Các phố ở khu này cũng nhỏ, nên giao thông khá căng thẳng. Tuy nhiên ít bị tắc đường, mà thường là vận tốc chậm mà thôi. Một phần là nhờ từ 2007 xe máy đã bị cấm ở trong thành phố, chỉ còn ngoại ô, nông thôn là được sử dụng. Phần khác là các đường phố chính thực chất là 2 tầng, có một đường nổi ở phái trên nữa. Các chỗ giao nhau thì khá nhiều cầu vượt, nhiều chỗ 3, 4 tầng. Phải kể đến hệ thống tàu điện ngầm, bao gồm 8 tuyến đường, tuyến đầu tiên được vận hành năm 1997, trung bình mỗi ngày vận chuyển 4,4 triệu hành khách. Việc tổ chức giao thông đô thị ở Quảng Châu đáng được để VN nghiên cứu cho HN và Tp HCM.

Sân bay Quảng Châu

Sân bay Quảng Châu, có tên là Bạch Vân, được vận hành từ năm 2004 với trí giá xây dựng khoảng 3 tỷ USD, hiện là sân lớn bay thứ 2 của TQ (thứ 19 của thế giới), với 45 triệu lượt hành khách mỗi năm. Ngày 01/10/2010, Quảng Châu khánh thành tháp truyền hình cao 618m, là tháp TV cao nhất thế giới. Tháp có kiến trúc xoắn kiểu cây tre và trông giống 1 lọ hoa, kiểu dáng khá đẹp, nhất là về buổi tối tháp được một hệ thống đèn màu thắp sáng rất bắt mắt. Quảng Châu khẳng định đẳng cấp to, giàu, phát triển qua những công trình nổi bật như vậy. Chúng ta còn được biết đến Á vận hội năm 2010 được tổ chức tại Quảng Châu, lễ khai mạc được tổ chức trên dòng sông Châu Giang rất ấn tượng. Khán đài lễ khai mạc vẫn được giữ lại như một công trình kiến trúc. Quảng Châu có gần 20 cầu qua sông Châu Giang. Bờ bên phải là khu mới, kiến trúc thoáng và đẹp hơn.

 

Chúng tôi có buổi thăm Vườn bách thú Quảng Châu, cách thành phố chừng 50km. Tôi đã thăm quan nhiều vườn thú, nhưng chưa có chỗ nào tôi thấy vườn tú nhân tạo được tổ chức tốt như ở đây. Vườn thú nuôi hầu như đủ tất cả các loài thú đáng xem. Điều đáng nói là Vườn thú được quy hoạch rộng rãi, cây xanh rất nhiều, chủng loại thú đa dạng, mỗi loại nhiều (ít nhất trên 10 con, đa phần còn đông hơn, thậm chí 1 loài thú được nuôi ở nhiều vùng riêng biệt), và chúng được nuôi béo tốt. Có thể thấy hổ, báo, sư tử, gấu, khỉ, chim chóc, hươu nai, trâu bò, chồn cáo, hà mã, tê giác, ... Thú vị nhất là được ngắm kỹ các con gấu trúc loại to, rất hiền và chúng ăn trúc như người ăn mía. Loài này cần lạnh, nhưng người ta giữ lạnh bằng đá, chứ không dùng máy lạnh. Nhiều con gấu trúc ngủ trên các tảng đá lạnh.

Trong Vườn thú có khá nhiều khu thú biểu diễn. Chúng tôi chỉ kịp xem khỉ biểu diễn vở Tây Du ký và màn trình diễn của các chú sư tử và hổ trắng.

 

                 Tháp truyền hình Quảng Châu

 

Tối 3/9 cả đoàn ăn cơn trên du thuyền và được ngắm Quảng Châu lung linh ánh điện dọc theo dòng Châu Giang. Ban đêm Quảng Châu đẹp hơn nhờ ánh sáng. Khu khán đài Á vận hội điện sáng rực như hôm khai mạc, chắc là để du khách trên sông ngắm nhìn. Mỗi cầu trên sông Châu Giang được trang trí kiểu đèn, ánh sáng riêng, không giống với các cầu khác. Nhưng ấn tượng nhất là tháp truyền hình, khi đến gần mới càng thấy sự cao lớn, hùng vĩ của nó. Ánh sáng bao quanh tháp được lập trình liên tục thay đổi màu sắc, có nhiều tổ hợp chạy khác nhau nên khá bắt mắt. Tôi đã đi du thuyền trên sông Nheva (Saint Peterboug, Nga), sông Sene (Paris, Pháp), sông Theme (London, Anh) vào thời gian khác nhau trong ngày, nhưng về ban đêm và màu sắc thì ở Quảng Châu là ấn tượng nhất.

Chiều 3/9 chúng tôi có tour đến thăm Nhà tưởng niệm Tôn Trung Sơn và Nghĩa trang Hoàng Hoa Cương. Nhà tưởng niệm nằm ở khu trung tâm thành phố, được xây dựng vào năm 1930 (Tôn Trung Sơn mất năm 1925), có hình lục giác, cao 47m và rộng 71m, không có một cái cột nào. Bên trong thực chất là một nhà hát chứa chừng 4000 chỗ ngồi. Tôn Trung Sơn, nhà cách mạng với thuyết Tam dân nổi tiếng, người đã lãnh đạo TQ lật đổ triều Mãn Thanh, sinh ra tại Quảng Đông (đúng ra ở huyện Trung Sơn). Bên ngoài là 1 vườn hoa rộng có tượng Tôn Trung Sơn. Kiến trúc độc đáo của Nhà tưởng niệm này luôn thu hút đông khách du lịch.

Mộ 72 chiến sỹ hy sinh trong khởi nghĩa Quảng Châu năm 1911.
Đỉnh hậu điện là Tượng nữ thần tự do.

 

Hoàng Hoa Cương là một khu nghĩa trang khá đặc biệt ở Quảng Châu. Nơi đây chôn chung xác 72 chiến sỹ cách mạng tham gia khởi nghĩa Quảng Châu ngày 27/04/1911 (năm Tân Hợi), do Tôn Trung Sơn lãnh đạo, mở đầu cho cách mạng Tân Hợi lật đổ triều Mãn Thanh. Tuy thất bại và có hơn 100 chiến sỹ hy sinh, nhưng cuộc khởi nghĩa đã là tiền đề cho sự thắng lợi của Cách mạng Tân Hợi 6 tháng sau đó ở Vũ Xương (Vũ Hán). Một nhà báo, Phan Đạt Huy đã góp nhặt được 72 thi hài mang về Hoàng Hoa Cương hợp táng trên miếng đất mà ông đã bỏ tiền ra mua. Khởi công năm 1912, qua nhiều lần nâng cấp. mở mang, đến 1935 thì có quy mô như hiện nay. Phần chính là đường lên mộ 72 chiến sỹ, đường lát đá tăng dần độ cao nên khu mộ nằm khá cao so với chân đường. Phần trung tâm là mộ 72 chiến sỹ cách mạng. Đáng lưu ý là hậu điện sau khu mộ là tượng nữ thần tự do (tất nhiên kích thước nhỏ chứ không to như ở New York). Từ hậu điện đi sang bên phải là mộ ông Phan Đạt Huy.

 

Mộ các chiến sỹ cách mạng khác trong Hoàng Hoa Cương

Mộ Phạm Hồng Thái nằm sâu hơn, nhưng cũng rất đẹp, một vẻ đẹp uy nghiêm, hướng Tây Nam, chính là hướng về Tổ quốc VN. Ngày 19/06/1924, sau nhiều ngày theo vết toàn quyền Đông Dương Merlin và đoàn tùy tùng qua Hong Kong, Thượng Hải, Nhật, tại khách sạn Victoria, khu tô giới Sa Điện, Quảng Châu, Phạm Hồng Thái đã đánh bom để giết toàn quyền Pháp. Tên toàn quyền chỉ bị thương nhẹ, còn Phạm Hồng Thái đã gieo mình xuống dòng Châu Giang tự tử chứ quyết không để lọt vào tay kẻ thù. Giặc Pháp vớt được xác ông và bêu xác mấy ngày trên bờ sông. Một người TQ đã đem về mai táng. Năm 1925 tỉnh trưởng Quảng Đông Hồ Hán Dân đã cho mai táng ông vào Nghĩa trang danh dự Hoàng Hoa Cương. Đến năm 1958 chính quyền tỉnh Quảng Đông đã cho xây mộ to đẹp như bây giờ, với dòng chữ quốc ngữ “Mộ Liệt sỹ Phạm Hồng Thái”, với phần chữ Hán phía dưới “Việt Nam Phạm Hồng Thái Liệt sỹ chi mộ”. 

Tôi nhớ lại bài học lịch sử “Tiếng bom Sa Điện” được học từ khi còn nhỏ trên ghế nhà trường. Hôm nay chúng tôi được đến kính cẩn thắp hương trước mộ chí người anh hùng. Lòng thêm tự hào về người con đất Việt nhưng được cả một dân tộc to lớn ngưỡng mộ, kính phục.

Hoàng Hoa Cương khá rộng và nhiều cây cối, rất sạch sẽ. Trong đó có cả một số cây bách do chính Tôn Trung Sơn trồng. Hướng dẫn viên kể rằng nghĩa trang cũng là một địa điểm vui chơi, thể dục của thiếu nhi và phụ lão. Tôi không thấy được một khu nào tương tự ở VN.

Nhà tưởng niệm Tôn Trung Sơn

Cho dù quan hệ TQ-VN có nhiều vấn đề hiện tại, nhưng chuyến đi Quảng Châu cũng cho mỗi chúng tôi suy nghĩ về phát triển kinh tế, giao thông đô thị ở tỉnh láng giềng của VN. Và cảm nhận được những mối quan hệ trong quá khứ khó tách rời của cách mạng 2 nước (Quảng Châu là cái nôi của cách mạng VN, nơi Bác Hồ đã đào tạo rất nhiều cán bộ lãnh đạo). Cảm nhận được thông qua những nhân vật lịch sử của TQ cũng như của VN như Tôn Trung Sơn hay Phạm Hồng Thái.

Vài hình ảnh khác:

Khán đài Á vận hội

Buổi tối trên dòng Châu Giang

 

 

 

 

 


Người post: NgocBQ

Ngày đăng: 09-09-2011 04:04






Xem 11 - 13 của tổng số 13 Comments


<< Đầu tiên  < Trước đó | Trang:  1 | 2 |

Từ: LyTM
09/09/2011 06:38:57

Chúng ta ai cũng ngưỡng mộ Phạm Hồng Thái- người anh hùng dân tộc với tiếng bom cảm tử- không thành đã quyết hi sinh trong dòng nước xanh và Tôn Dật Tiên- Họ là những người vĩ đại vì đã nghĩ cho người khác mà tranh đấu, hi sinh!Ton Dạt Tien vẫn được Tưởng GT xây Lăng mộ ở Đài loan với tấm lòng ngưỡng mộ người thầy!


Có vẻ, Hội trưởng càng ngày khiếu văn chương càng phát triển!


Nhân dân TQ rất yêu lao động, họ có đầu óc và tính kỷ luật nên các công trình của họ đều để đời.



Từ: NghiPH
09/09/2011 06:28:20

Chủ nghĩa Tam Dân của Tôn Dật Tiên rất nhân đạo, nhân bản, vì con người. Có thời kỳ bị đàn áp cụ Tôn Dật Tiên đã sang lánh nạn ở nước ta.


Tiếng bom Sa Điện của chiến sĩ cách mạng trẻ tuổi Phạm Hồng Thái mãi mãi còn ghi dấu ấn về lòng quả cảm và tinh thần yêu nước của người Việt Nam trên đất Trung Quốc.


Những tấm ảnh Ngọc chụp ở QC rất đẹp.


Năm 2009 khi đến Quảng Châu  tôi cũng có cảm nhận như Ngọc. Trong thư gửi cho vợ con, tôi có viết: Xưa kia các con đường, phố xá của người Trung Quốc nhỏ bé, chật hẹp. Nay người Trung Quốc đã có tầm nhìn xa, làm ăn lớn. Hệ thống giao thông của họ được quy hoạch rất tốt. Ước gì các vị nhà ta cũng có được tầm nhìn quy hoạch giao thông như các nhà quy hoạch ở Quảng Châu.   


Từ trên máy bay tôi đã chụp hệ thống giao thống ở QC. Xin giới thiệu với anh chị em:  









Từ: Meomun
09/09/2011 06:22:39

Bác HT được đi nhiều thế. Em cũng mong được đi TQ mà chưa đi được, mặc dù đi HK nhiều rồi. Gửi ACE mấy câu thơ của Tố Hữu về nhà CM Phạm Hồng Thái:    


"Sống chết được như anh


Thù giặc thương nước mình


 Sống làm quả bom nổ


 Chết hóa dòng nước xanh"


(Tố Hữu)




<< Đầu tiên  < Trước đó | Trang:  1 | 2 |

Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7169
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s