KGU News >>Người KGU
KGU Tạo bài viết  
Thứ sáu 16 Tháng chín. 2011

Chuyện kể về những chuyến đi




Tác giả: BaLX

 

Trong cuộc đời của mỗi chúng ta, ai cũng có những chuyến đi, có thể đi xa, có thể đi gần, đi dài ngày, đi ngắn ngày, đi bằng máy bay, ô tô, tàu lửa, ca nô tàu thủy hoặc thậm chí bằng cả xe đạp. Sau những chuyến đi đó, chúng ta lại bị cuốn hút vào hàng trăm lo toan của cuộc sống thường ngày, để rồi những chuyến đi đó dần dần trôi vào dĩ vãng, chẳng bao giờ ta còn nhớ lại, chẳng ai kể lại. Cũng như các bạn, tôi cũng có những chuyến đi như vậy trong hơn 60 năm cuộc đời.

Thời đó, có thể đi bằng tàu lửa, ô tô, nhưng để tiện lợi ( thời chiến tranh mà ), học sinh bọn mình thường chỉ làm bạn với chiếc xe đạp Thống nhất, người nào khá lắm thì được cưỡi trên chiếc Phượng hoàng TQ dù có phải đi xa tới 100 - 200 km. Bản thân mình từ cấp 2, tuy dáng người thấp bé cũng đã phải ngồi trên chiếc xe Thống nhất để tới nơi sơ tán, gần nhất cũng là Bắc Ninh, Hưng Yên, có lúc phải đạp lên tới Bắc Giang, Thái Nguyên, lên cấp 3 về Chương Mỹ đi có gần hơn. Có những lúc ra đi khi trời chưa sáng, hoặc trời đã chập choạng tối để tránh giờ cao điểm ( giờ máy bay Mỹ hay ném bom ). Có một chuyến đi lên Bắc Giang mà đến bây giờ trong trí nhớ tôi vẫn còn đọng lại những ký ức rất rõ nét, tuy đã xảy ra cách đây 46 năm. Lần đó, tôi và chị gái Xuân Phương, hai người trên 2 chiếc xe đạp đi từ Hà Nội lên Bắc Giang từ lúc rạng sáng để thăm mẹ và em trai đang sơ tán trên đó, khi đi tới cầu Long Biên thì còi báo động rú lên, trên cầu mọi thứ trở nên hỗn loạn, tôi và chị bị lạc nhau. Sau một lúc lâu, đạp lên đạp xuống không tìm thấy chị, nghĩ là chị đã đi lên trước nên tôi tiếp tục đi mặc cho ban ngày đi trên đường quốc lộ 1 rất nguy hiểm ( tuyến đường này là một trong những trọng điểm bắn phá của máy bay Mỹ ).

Thực ra, khi không tìm thấy tôi, chị nghĩ tôi quay lại HN,  nên chị lại đi ngược về tìm tôi, về đến nhà không thấy ai, chị đã thực sự thấy lo cho tôi, song lúc đó đã quá muộn để bắt đầu cho một cuộc khởi hành mới. Còn tôi, cứ thế mà đi với tâm trạng đầy lo lắng, tới cầu Đuống trời đã chập choạng tối, đột nhiên có tiếng máy bay gầm rú, nhìn sang bên kia cầu thấy bầu trời rực sáng, tiếng cao xạ pháo nổ rầm rầm, một mình tôi thấy hoảng quá, nhìn quanh không thấy chỗ nào có thể trú được, một mình thân con gái, không biết đường, trong người lại có mang theo 100 đồng tiền lương của ba mang lên cho mẹ ( ngày đó 100 đồng cũng thấy nhiều tiền rồi ) nên cũng thấy sợ lắm, đành đánh liều tìm vào một nhà dân gần nhất xin trú nhờ. Thấy người lạ nên chủ nhà ngần ngại không muốn cho vào, nhưng chắc nhìn thấy dáng người nhỏ bé với vẻ mặt sợ hãi thực sự nên họ đồng ý cho ở lại. Rồi mọi việc cũng trôi qua an toàn, đêm đó tôi đã ở lại một mình tại một xóm nhỏ bên này cầu Đuống trong tiếng bom rơi, pháo sáng chiếu rực cả trời. Cho đến bây giờ, nhiều khi nhớ lại thấy sao hồi đó mình lại gan lỳ như vậy. Thời gian trôi đi, rồi cũng quên dần chuyến đi đó, hoặc có nhớ thì cũng chỉ lưu giữ lại đôi chút một vài ký ức rời rạc.

Lên cấp 3 tôi đi sơ tán và học tại trường cấp 3 Chương Mỹ Hà Tây cũ. Trong 3 năm cấp 3 tôi vẫn gắn liền với những chuyến đi bằng xe đạp một tuần 2 lần từ trường về nhà và ngược lại vào những ngày đầu và cuối tuần. Như vậy, cả thời học sinh tôi luôn gắn mình với những chuyến đi bằng xe đạp. Đó là tất cả những gì tôi còn lưu giữ lại những kỷ niệm của một thời học sinh đầy thơ mộng của lũ học trò tinh nghịch trong những năm đi sơ tán.    

Khóa bọn tôi tốt nghiệp phổ thông vào mùa hè năm 1969,  Năm đó tổ chức thi vào đại học trong nước riêng, ngoài nước riêng theo danh sách Bộ Giáo dục và Đại học đã phân trước. Hình như giữa tháng 7 hay đầu tháng 8 bọn tôi được gọi tập trung học chính trị tại trường ĐHKTQD để chuẩn bị cho một chuyến đi xa trong 6 năm trời, để rồi hôm nay tôi mới may mắn được trở thành thành viên KGU thân yêu của chúng ta. Các bạn, đa số đến Liên xô cũ bằng tàu hỏa, hay những năm sau này thường đi bằng máy bay, nhưng chúng tôi đến nước Nga Xô Viết bằng tàu thủy, lại thêm một chuyến đi không bao giờ quên.

Thời gian đó, quan hệ giữa VN và TQ không tốt lắm, nên ngừng tất cả các chuyến tàu liên vận đi các nước Liên Xô và Đông Âu chạy qua TQ, gần 1200 sinh viên bọn tôi tập trung tại  Hải Phòng để đi bằng tàu thủy. Một chuyến đi thật đáng nhớ với tôi, vì trước đó có bao giờ được đi bằng tàu thủy mà lại là một chiếc tàu thật vĩ đại, chí ít cũng là trong suy nghĩ của một đứa học sinh  lâu nay chỉ quen với những chuyến đi bằng xe đạp. Vì vậy, khi thấy chiếc tàu thủy to như một khách sạn nổi 5 sao ( là bây giờ mới có khái niệm 5 sao, chứ hồi đó chỉ thấy chiếc tàu sao nó to thế ) cả lũ đã thấy ngợp rồi, chiếc tàu mang tên Vlađimir Ilic Lê Nin. Ngày 25/8/1969 chúng tôi bắt đầu chuyến hành trình 01 tuần lễ trên tàu Lê Nin và 01 tuần trên tàu hỏa chạy từ Vlađivostok tới Tasken, nơi tôi học dự bị.  

Khi lên tàu, tôi thực sự bị choáng ngợp trước sự đầy đủ tiện nghi, vẻ sang trọng của tàu. Tôi cũng không nhớ là tàu dài và rộng bao nhiêu, chỉ thấy nó quá to và đẹp, trên tàu có đủ mọi thứ như một khách sạn ở trên bờ. Chúng tôi được bố trí 2 người ở 1 phòng. Lần đầu tiên được thả mình trên chiếc giường đệm êm ái, được phủ ra trắng muốt, tôi có cảm giác như mình đang ở trong mơ, bởi 5 năm tại nơi sơ tán bọn mình thường chỉ nằm trên những chiếc giường tre hoặc phản gỗ. Sau khi ổn định chỗ ở, chúng tôi được gọi đi ăn. Phòng ăn to và rộng với đầy đủ các loại thức ăn của Nga, được cái tôi cũng dễ ăn nên ngay từ ngày đầu tiên tôi đã thích nghi được với các món ăn của Tây, thậm chí có một số món tôi rất thích. Một ngày chúng tôi được ăn tới 5 lần: bữa sáng, giữa sáng, trưa, giữa chiều và tối, nghĩa là quanh đi quẩn lại suốt ngày cứ chốc chốc lại báo hiệu tới giờ đi ăn.

 Bọn tôi thường nói với nhau, chắc sau 1 tuần đứa nào cũng tăng vài cân. Nhưng mọi việc lại không như vậy, sang đến ngày thứ 2 cả lũ chúng tôi bắt đầu được nếm cái cảm giác say sóng biển là như thế nào khi tàu bắt đầu đi ra xa bờ. Trước khi đi, chúng tôi đã được các chú ở Bộ dặn phải mang theo khoai lang sống để ăn chống nôn, giá như hồi đó có đủ các loại thuốc chống nôn như bây giờ thì có phải bọn tôi đã được thưởng thức đủ các món ngon và trái cây của xứ ôn đới mà lâu nay chỉ được thấy trong các bộ phim nước ngoài. Không bị nôn như nhiều bạn, nhưng suốt ngày tôi luôn ở trong tình trạng người ngây ngây, rất sợ mùi thức ăn nhất là mùi bơ, phó mát. Ngày hôm qua mong tới giờ đi ăn bao nhiêu, hôm nay nghe mùi từ phòng ăn là tôi đã có cảm giác muốn ói rồi, khổ nỗi phòng tôi lại ở gần phòng ăn. Nghe lời các chú dặn trước lúc đi, tôi tích cực gặm khoai lang sống, nhai gần hết một nửa số khoai mang theo mà vẫn chẳng giúp ích được gì. Tuy không khỏe, nhưng tôi cũng ráng đi xem hết các phòng chức năng trên tàu. Ngoài các phòng ở đủ cho trên nghìn người, phòng ăn rộng, phòng sinh hoạt văn hóa với đầy đủ các loại tạp chí, đàn piano, trên tàu còn có cả khu để chơi bóng chuyền nữa, đó cũng là nơi ồn ào vui vẻ nhất.

Buổi chiều, khi hoàng hôn xuống, chúng tôi thường lên boong tầu ngắm nhìn mặt trời lặn, tự nhiên ai cũng có cảm giác nhớ nhà, có bạn đã khóc nhớ mẹ. Màu nước biển thật đẹp, từ sáng đến chiều thay đổi liên tục, lúc thì màu xanh da trời, lúc có màu xanh như ngọc bích, lúc chuyển sang xám, có khi đột nhiên lại chuyển sang màu tím đẹp vô cùng... Cứ như thế, con tàu Vlađimir Ilic LêNin đưa chúng tôi tới cảng Nakhôtka ở Vlađivostok sau 1 tuần lênh đênh trên đại dương. Mặc dù trông ai cũng phờ phạc sau 1 tuần bị các cơn sóng nhồi lên nhồi xuống, khi được thông báo đã tới bờ, cả lũ chuẩn bị trang phục nghiêm chỉnh, con trai chỉnh tề trong bộ Comlê Bác Bửu rộng thình, con gái xúng xính trong bộ áo dài lần đầu tiên mặc.    

Xuống tàu, chúng tôi được các cô chú ở Sứ quán từ Mactưkhoa đến, đại diện phía bạn tới đón, mọi người ân cần hỏi thăm sức khỏe, ăn ở trên tàu có hợp không, đó là lần đầu tiên tôi cảm nhận được tình cảm chân thành của nhân dân Xô Viết dành cho sinh viên Việt Nam. Sau khi làm các thủ tục nhập cảnh cần thiết, khám sức khỏe, bạn nào không đạt yêu cầu thì ở lại điều trị và đi sau, chúng tôi lên tàu hỏa theo từng đoàn về các thành phố khác nhau của CCCP hay đi qua các nước Đông Âu. Tôi cùng các bạn của mình đi về hướng Nam, đi ven các nước Cộng hòa nằm ở phía Nam CCCP để về Tasken, thủ đô của Uzơbêkistan, một nước nằm ở Trung Á. Con tàu chúng tôi băng qua các cánh rừng bạch dương, lúc này trời đã bắt đầu chuyển sang thu, nên có cây lá còn xanh, có cây lá đã chuyển màu, nhưng tất cả đều có thân cây màu trắng, cao vút đẹp vô cùng. Tôi cũng đã có dịp đi qua nhiều rừng cây, nhưng không rừng cây nào có thể đẹp hơn, để lại nhiều kỷ niệm trong đời mình hơn rừng cây Bạch dương. Tiếp đến là hồ Baikal, gọi là hồ, nhưng trông không khác gì biển, chỉ khác là không có sóng, đứng từ bên này hồ không thể nhìn thấy bên kia hồ, mặt nước hồ phẳng lặng, xung quanh hồ là các cánh rừng Bạch dương bạt ngàn, tạo nên một bức tranh đẹp mê hồn. Hồi học phổ thông, tôi hay đọc tiểu thuyết Nga, đã có nghe tên hồ, bây giờ đi qua hồ, tôi không thể tưởng tượng được hồ lại to và đẹp như thế.

Ngày nào cũng vậy, tàu cứ chạy, tôi vẫn cứ mãi ngắm  những cánh rừng Bạch dương không biết chán. Cho tới một đêm, trong lúc mọi người đang ngon giấc, bỗng tiếng khóc của ai đó làm tôi thức giấc, rồi có tiếng kêu “ Bác Hồ mất rồi, Bác Hồ mất rồi “, 5 phút sau anh trưởng đoàn chính thức thông báo tin Bác mất. Cả tàu bật dậy, tất cả đều khóc, khóc như chưa thể bao giờ được khóc, không ai nói với ai câu gì, chỉ khóc và khóc cho tới khi trời sáng. Từ đó, và những ngày tiếp theo không khí trên tàu trầm lắng hẳn, mọi người chỉ nói với nhau những câu cần nói, cứ như vậy, sau 1 tuần tàu chúng tôi về tới Tasken. Ra đón chúng tôi là các anh chị năm trên, mọi người rất nhiệt tình, chu đáo nhưng trên khuôn mặt của mỗi người đều hiện lên vẻ buồn vì tin Bác mất.

Tôi đã có 1 năm học tiếng Nga tại Tasken, Bà giáo dạy tiếng Nga của tôi là người Nga, Bà đã lớn tuổi, rất yêu thương bọn tôi, coi bọn tôi như những đứa con còn nhỏ cần phải dạy bảo, hiện tôi vẫn còn giữ bức ảnh tôi đứng cạnh Bà trong lớp học tiếng Nga ngày ấy. Tuy ở Tasken chỉ có 1 năm, song đến bây giờ vẫn có nhiều ký ức còn đọng lại trong tôi. Nhớ nhất là món Plop thịt cừu, lúc đầu không quen mùi thịt cừu, nhìn thấy món này là tôi đã sợ, nhưng sau quen dần lại thấy rất ngon, món này cũng giống như cơm trân châu bây giờ với nhân đủ thứ và không thể thiếu thịt cừu. Bây giờ, Hội Tasken lâu lâu có dịp gặp nhau tại Hà Nội hay Vũng Tàu vẫn gọi món Plop thịt cừu. Một năm trôi qua nhanh chóng với bao kỷ niệm đẹp, đến lúc chúng tôi lại chia tay, đa số ở lại học tại các trường ở Tasken, còn lại tỏa về các thành phố khác học theo ngành được phân công, sinh viến ngành Toán, Lý và Hóa học ở trường Tổng hợp Tasken, chỉ có mình tôi học ngành sinh vật lại tiếp tục cuộc hành trình bằng tàu hỏa về Kisinhôp để nhập vào đại gia đình KGU chúng ta.   

Sau này, khi đi làm hay bây giờ nghỉ hưu, tôi cũng có những chuyến đi xa, đi bằng máy bay là chính, với thời gian đi nhanh, nên các chuyến đi đó không để lại gì nhiều trong trí nhớ của tôi. Nhưng các ký ức của hai chuyến đi trên đã nằm sâu trong tâm trí của tôi và nó sẽ theo tôi cho đến cuối cuộc đời. Với các bạn, chắc ai cũng có những chuyến đi đáng nhớ, rất mong nhận được Còm kể về những chuyến đi đầy kỷ niệm của mình.

Sắp tới, một số bạn sẽ có chuyến đi “ Về Nguồn “ lịch sử, hy vọng rằng sau chuyến đi này chúng ta sẽ được đọc những trang hồi ký sinh động kể lại tất cả những gì các bạn nhìn thấy tại ngôi trường mà hơn 40 năm trước chúng ta đã từng sống và học tập.

     

 BaLX, một ngày giữa thu năm 2011


Người post: BaLX

Ngày đăng: 16-09-2011 16:04






Xem 11 - 12 của tổng số 12 Comments


<< Đầu tiên  < Trước đó | Trang:  1 | 2 |

Từ: BaLX
16/09/2011 18:23:02

Cảm ơn Nghị, lúc nào cũng là người Com đầu tiên, lại post bức ảnh minh họa chiếc tàu thủy rất hoành tráng. Hầu như lứa học sinh thời bọn mình đều gắn với chiếc xe đạp trong mọi chuyến đi, nó đã để lại cho mọi người những kỷ niệm của một thời trẻ con đáng yêu nhưng rất gan lỳ mà chỉ những người trong cuộc mới cảm nhận được hết.  



Từ: NghiPH
16/09/2011 17:37:17

 


Chị Xuân Ba có bài viết thứ hai đăng trên trang  web của Hội. Lần này chị viết về những chuyến đi.


Người đọc được sống lại cái thời đi sơ tán với phương tiện  là xe đạp. Vài chục km đi bằng xe đạp. Mấy trăm km vẫn đi bằng xe đạp. Lại đi trong tiếng gầm rú của máy bay Mỹ, của tiếng bom rơi. Hồi đó ai nấy đều nhỏ bé nhưng sao mà gan lỳ, khỏe thế và dẻo dai đến thế!


Chị đã có những trải nghiệm đi tầu trên biển từ Hải Phòng đến Vladivostok. Tuy bị say sóng biển nhưng lại được ngắm mây trời trên biển, màu nước biển với nhiều sắc thái huyền diệu của chúng. Rồi những ấn tượng trên đường đến Taskent. Hồ Baikal, rừng bạch dương. Chính trên chuyến đi đến nơi học dự bị chị nghe tin Bác Hồ từ trần. Cả con tàu buồn khi nghe tin Bác mất. Ai nấy đều thương nhớ Bác.  


Những kỷ niệm với cô giáo dậy tiếng Nga. Ấn tượng về món plop thịt cừu. Đúng là có người không thích ăn thịt cừu. Còn em, cũng giống như chị rất thích thịt cừu, món plop thịt cừu. Thịt cừu rất thơm, rất ngọt, rất ngon. Nhiều người nói là thấy hoi hoi, hôi hôi. Em thì không thấy thế.


Cám ơn chị Xuân Ba về sự chia sẻ các chuyến đi rất ấn tượng, rất đáng nhớ của chị.


 




<< Đầu tiên  < Trước đó | Trang:  1 | 2 |

Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7169
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s