KGU News >>Người KGU
KGU Tạo bài viết  
Thứ ba 15 Tháng mười một. 2011

Nhất tự vi sư, bán tự vi sư




Tác giả: HoaNT

Nhất tự vi sư, bán tự vi sư

Năm 2011 chúng tôi  được toại nguyện là đã mời, đón và hành trình cùng các thày cô  Arkady thăm Việt nam rồi các trò theo đoàn Về nguồn thăm thày cô ở Mônđôva. Đúng là сказка  và мечта cho cả các thày cô và các trò. Đây cũng là một dịp để các trò tri ân với thày giáo dạy tiếng Nga  của mình.

Để chuẩn bị cho chuyến đi này tôi đã báo với cơ quan xin nghỉ phép từ 24/4-3/5/2011, đây có lẽ là đợt nghỉ phép duy nhất của tôi trong suốt hơn 30 năm làm việc. Trong chuyến đi thăm VN của mẹ con cô giáo Irina năm ngoái chúng tôi những học trò của thày Arkady được biết là thày vẫn còn sống ở Kisinhop ( vì trước đó có tin là thày đã mất). Thế là chúng tôi chụp ảnh, viết thư, gửi quà nhờ cô Irina và Huyền chuyển hộ. Nhờ sự nhiệt tình của Huyền chúng tôi đã tìm và liên lạc được với thày Arcady. Trong bức thư đầu tiên thày gửi cho các trò của mình có đoạn thày viết:  Cпасибо Bам, что не забыли наш кишинёвский госуниверситет и вашего скромного преподователя. много воды стекло с тех пор, как мы расталисъ .... болъшое спасибо за фото, за подарку, за то что вы не забыли меня. ведъ за время учёбы у Bас было как много преподоватей ...cám ơn các em đã nhớ đến một thày giáo dạy tiếng Nga tầm thường như tôi mặc dù là trong quá trình học tập các em có rất nhiều thày cô. Vâng chúng tôi đã luôn nhớ tới thày mặc dù thày chỉ dạy  tiếng Nga chúng tôi có 1 năm dự bị, nhưng Thày đã đem  nền văn học, văn hoá Nga đên với chúng tôi bằng những bài học tiếng Nga đầu tiên cho những học trò lúc đó còn rất trẻ chỉ  mới 17,18 tuổi. Đúng như câu tục ngữ :"Không thày đó mày làm nên”Lần đầu tiên xa nhà, xa bố mẹ, chẳng biết làm gì, lạ nước lạ cái, hồi đó Việt nam còn khó khăn, chiến tranh khốc liệt nên hầu hết chúng tôi chẳng được học tiếng Nga. Nhớ mãi những ngày đầu thày còn phải dắt chúng tôi qua đường như dắt trẻ con, dạy chúng tôi từng ly từng tý cách ăn, cách nói, ở, đi đứng ... như bố mẹ dạy con. Một năm dự bị ở Kisinhop là thời gian vất vả nhất của cả thày và trò và có không biết bao nhiêu kỷ niệm đi suốt cuộc đời không bao giờ có thể quên được. Nhớ những buổi thày trò đánh vật với nhau phát âm chữ  Л, rồi đọc ЙК...Thế mà chỉ sau 1 năm học với thày thôi  chúng tôi đã tiếp thu và biết sử dụng thành thạo tiếng Nga, được thưởng thức các tác phẩm nổi tiếng về  văn học, hội hoạ, âm nhạc Nga bằng chính tiếng Nga, rồi đến năm thứ nhất được ngồi ở giảng đường với các bạn sinh viên Nga nghe giảng thì quả là sự kỳ công của thày giáo. Sau này  руский язык  đã như chìa khoá mở đường và chắp cánh cho chúng tôi đến với khoa học mặc dù về nước rất ít khi được dùng tiếng Nga song nó cũng là nền tảng để  chúng tôi đi đến với các ngoại ngữ khác một cách dễ dàng hơn. Chỉ có một năm thôi nhưng đã có rất nhiều kỷ niệm với thày Arkady và có thể nói rằng  tất cả các trò đã học tiếng Nga của thày đều rất yêu quý và luôn nhớ đến thày rất mong được đón thày ở Việt Nam nơi mà thày có tới gần 100 học trò học tiếng Nga của thày.  Chúng tôi rất tự hào là học trò của thày Arkady: có lẽ là  thày giáo trẻ duy nhất trong khoa Tiếng Nga của trường KGU hồi đó, vừa đẹp trai, có gịong nói Nga truyền cảm, có giọng hát hay và còn rất galăng với các cô giáo trong khoa nữa.

Sau khi đọc thư thày thì những học trò của thày lại càng mong muốn mời thày sang. Chúng tôi chỉ có một ý nghĩ đơn giản là mình dù sao cũng thành đạt trong công việc, được đi nhiều nước bây giờ mình chỉ cần bớt một chuyến đi du lịch nước ngoài là có thể đóng góp cho thày cô sang Việt Nam. Đầu tiên chỉ cần đủ tiền mua vé 2 chiều cho thày cô sang thôi, còn sang Việt Nam thày cô có thể ăn,  ở tại  nhà các trò cũng được. Thế rồi nhóm thày Arkady lên mạng để tìm trò, họp mặt, rồi gọi điện cho các trò rồi kêu gọi các trò đóng góp theo khả năng của mỗi người. Chúng tôi cũng không ngờ là các trò của thày qua các năm đã rất nhiệt tình ủng hộ mọi mặt cả về tinh thần lẫn vật chất. Có những bạn không phải là trò, có những bạn ở lớp bên cạnh thỉmh thoảng thày dạy thay thôi cũng đóng góp Nhờ sự nhiệt tình và tài thuyết phục của Huyền, vợ chồng thày Arkady đã nhận lời sang Việt Nam. Lúc đầu thày cô  không muốn đi vì  ngại các trò của mình phải chi phí, tốn kém quá nhiều cho chuyến đi. Một chương trình đón thày cô được chuẩn bị rất kỹ, chi tiết với sự nhiệt tình đầy tâm huyết của các trò của các thày và một số anh chị em KGU không phải là trò của các thày. Để đặt được khách sạn cho các thày cô thì Ngọc BQ đã phải đặt trước đó mấy tháng. Để có được chuyến đi Hạ Long thì em Ngọc NT cùng anh Hiền VC cũng phải ký hợp đồng trước đó. Đặc biệt là để có được những ngày ở Đà Nẵng, Huế vào dịp lễ hội pháo hoa thì Ngọc BQ và anh Hiền VC đã phải book trước resort và khách sạn cũng như vé máy bay cho cả chục người đi đúng ngày, giờ cũng không phải là chuyện đơn giản. Các trò đã cố gắng tạo điều kiện để các  thày cô được đi thăm quan hầu hết các danh lam thắng cảnh tuyệt vời của Việt Nam.

            Ngày 24/4/2011 sau bao ngày mong đợi rất nhiều các học trò của các thày cô cùng một số ACE  KGU đã có mặt tại sân bay Nội Bài để đón thày cô.  Vì nhà gần hàng hoa của phố Kim Mã nên tôi được phân công mua 2 bó hoa tặng các thày cô. Là người rất hay mua hoa và được tặng hoa nên tôi cũng rất hay cầu kỳ trong việc chọn hoa, từ tối hôm trước tôi đã đi dạo mấy hàng hoa trước  và tôi đã đặt trước  2 bó hoa địa lan điểm mấy bông ly vàng cùng với giấy gói hoa màu khác nhau xanh và màu nâu để các thày cô có thể để trong phòng KS mấy ngày không phải tưới. Hôm trả KS bà Olga đã hái mấy bông hoa cho vào túi bảo để  mang về Kisinhop ướp khô những bông hoa này làm kỷ niệm. 

Sau khi đón các thày cô từ sân bay về KS Daewoo, các thày cô đều quá bất ngờ khi vào một KS  sang trọng của Hà Nội, tôi có nói thầm với các thày cô giáo là những người nổi tiếng như Bin Clinton, Putin cùng  nhiều các nguyên thủ quốc gia các nước cũng đã từng ở KS Daewoo này thì mọi người ồ lên sung sướng. Vì biết là các ông bà giáo ít khi đi nước ngoài, ít khi có dịp ở Khách sạn nên  tôi và Bình Trần, anh Hiền  đi cùng với vợ chồng thày Arkady,  Ngọc với vợ chồng thày Reabukhin lên phòng để hướng dẫn mọi người sử dụng các phương tiện trong phòng rồi yêu cầu các thày cô thực tập tại chỗ để kiểm tra. Lúc lên cầu thang máy bà Olga vợ thày Arkady gọi điện cho con trai Zenhia bằng máy của anh Hiền : "Zenhia, bố mẹ đã đến KS rồi, quá tuyệt vời, được đón tiếp như thủ tướng ấy "và bà vội vàng tắt máy luôn, tươi cười nói với chúng tôi: Zenhia  đã nói nhanh trong điện thoại là: " mẹ ơi không được lãng phí  tiền của học trò vì gọi điện đắt lắm, mà không phải gọi điện nữa, bố mẹ gặp các học trò như thế là con quá yên tâm rồi". Vào phòng anh Hiền VC cùng Bình Trần và tôi  hướng dẫn cho ông bà giáo cách mở phòng bằng chìa khoá điện tử, rồi mở vòi nước nóng lạnh ra sao. Đối với vợ chồng thày cô Arkady thì đây là lần đi nước ngoài duy nhất còn vợ chồng thày Rebukin là viện sỹ thì có đôi ba lần đi Ba Lan và cũng từ lâu rồi nên đối với các thày cô cái gì cũng là mới mẻ cả

 

 

Các ông bà giáo cũng nhiều tuổi và các trò cũng không còn trẻ nữa nên trong chương trình bao giờ cũng phải xắp xếp thời gian cho các thày cô  và các trò nghỉ ngơi. Chúng tôi hẹn ăn trưa cùng thày cô tại KS, các thày cô bảo không muốn ăn gì nhưng chúng tôi cứ bắt các thày cô ăn để có sức khoẻ. Thực ra là các thày cô ngại lần đầu ăn Buffet tại một KS sang trọng và chưa rõ lắm về phong tục, tập quán của VN nên tôi phải hướng dẫn. lấy đồ ăn và Ngọc BQ ăn cùng.

 Đưa các thày cô đi mua đồ là chương trình đầu tiên nhưng chúng tôi bất ngờ vì sự phản đối của các thày cô, cái gì cũng nói là đã có đầy đủ không cần gì hết. Nhóm trò của thày Arkady rất quyết liệt nên cứ mua và mang về KS mặc cho vợ chồng thày ra mặt giận dỗi.

Những buổi thày cô đến nhà trò thì đúng là cảm động. Mở đầu là cuộc thăm nhà vợ chồng Kim Thanh- Hoàng Lương đôi vợ chồng có tình yêu từ hồi ở Kis. duy nhất của lũ con gái CL77.

Lúc lên phòng để đón thày cô  Bình T và tôi cùng bà giáo sắp xếp mới thấy sự chuẩn bị chu đáo các loại quà của bà Olga. Đúng dịp lễ Phục sinh nên bà Olga đã chuẩn bị một mâm có đầy đủ: bánh, trứng, bánh mỳ, muối ... mang từ Kis. sang.

Thẳn nào mà hôm sang ở sân bay  Nội Bài chúng tôi thấy các thày cô tay xách, nách mang lỉnh kỉnh các đồ trông rất lôi thôi nên mới quyết định giải tán mấy túi này bằng cách cho thày cô ra Big C để  mua túi xách đẩy cho tiện. Hoá ra đấy là những hàng phải xách tay dễ vỡ: bánh, trứng... 

 

Thày cô chỉ có thời gian đến ăn cơm tại nhà Thanh- Hoàng Lương, nhà vợ chồng Huy- Thủy, Bình K và tranh thủ đến nhà BìnhT, Hàm, Hoa ngồi chơi, ăn hoa quả, uống nước

 

Đến nhà ai thày cô cũng khen đẹp, rộng và bảo nhà thày cô nhỏ chỉ bằng bếp nhà chúng tôi thôi làm tôi cảm thấy chạnh lòng thương các thày cô quá. Chúng tôi muốn mời thày cô đến nhà chơi cho có không khí đầm ấm và thày cô yên tâm là trò của thày cô có cuộc sống gia đình, vị trí làm việc ở VN là ổn định.

Thày cô bảo rất tự hào vì các trò của mình đều rất trưởng thành, khẳng định được vai trò của mình trong xã hội bằng chính kiến thức của mình. Thày cô cũng vô cùng cảm kích về truyền thông “Tôn sư trọng đạo” , “ Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, “Uống nước nhớ nguồn”, và  "Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”...của người Việt Nam mà các trò của mình đã được tiếp thu và phát huy.

 

Đi chơi trên đường phố thấy đông người cô Olga cứ kêu lên sung sướng và nhận xét: "đúng là một dân tộc quá trẻ, ở ngoài đường toàn thấy thanh niên chứ không như  ở Mônđavia".  Buổi sáng ngủ dậy thày cô lại hỏi : Có phải mình đang ở Việt Nam không?không biết là mình đang mơ hay tỉnh nữa. Cô thủ thỉ tâm sự với chúng tôi rằng: trước khi quyết định sang VN thày Arkady cứ băn khoăn không biết các trò của thày có thay đổi nhiều không vì đã gần 40 năm không gặp nhau rồi không biết lòng người thế nào. Đến lúc đến sân bay Nội Bài trong không khí chào đón nồng nhiệt của các trò thì ý nghĩ này đã xua tan, thày cô đã quá tin tưởng vào tình cảm của các trò mình rồi. Chính thày cô đã đưa lại tấm ảnh mà tôi đã tag lên trang đầu của bài này sau 40 năm giữ gìn nó. Cô bảo  từ hôm sang VN thày giáo tôi tự nhiên thay đổi cười nói, hoạt bát hẳn lên chứ ở nhà cứ như là du kích ấy sáng ra khỏi nhà từ sớm với chai nước chiều về lẳng lặng chẳng nói năng gì cả. Những thời gian đầu khi Liên xô sụp đổ thày còn rất mặc cảm và buồn về thân phận thày giáo dạy tiếng Nga ở Mônđôva Buồn cười hôm đế trang trại Dũng - Cẩm, nhìn thấy Dũng cô Olga cười nói với tôi: tưởng trên đời này chỉ có mỗi ông Arkady nhà cô gày gò nay lại thấy có Dũng cũng gày như thế.

Suốt thời gian đi với thày cô vào trong Đà Nẵng và Huế đến bữa cơm trưa và chiều là cô Olga lại giục tôi gọi điện về nhà hướng dẫn, chỉ đạo chồng con làm món gì, ăn gì vì cô bảo rất thông cảm với những  nhà gia đình  có nhiều đàn ông. Cô cười và cho là chuyện thường tình khi tôi phải mất 15 phút gọi điện hướng dẫn chồng tôi ở nhà làm món gà rán mà tôi đã ướp sẵn  trong tủ lạnh. Tôi có thói quen là trước khi đi công tác bao giờ cũng phải chuẩn bị thức ăn thành từng gói để trong tủ lạnh cho từng bữa ăn cho mọi người ở nhà. Tình cờ chúng tôi phát hiện ra là hầu hết các học trò thày Arkady giống thày là có con một bề: Kim Thanh, chị Tỵ B, anh Cường, anh Mạnh, Sinh Hoa, Thúy Hoa ... toàn đồ nội , còn các chị Thư, chị TỵA, Bình T, Thục PT, Huệ, Mậu, Hàm ... thì toàn đồ ngoại.

Trên quãng đường đi lúc nào cũng thấy vợ chồng thày trêu chọc nhau một cách đáng yêu, dí dỏm.  Chúng tôi ra vào phòng thày cô cứ tự nhiên như con cháu vào phòng của bố mẹ: nào thì thay đồ, tắm rửa, nằm nghỉ... Lên thuyền ở Hạ Long đưa chìa khoá phòng, cô Olga bảo: sao lại nhiều chìa khoá thế tưởng được ở chung với các trò cơ mà. Mỗi lần ăn uống gì hay đi đâu thày cô cũng bảo tốn kém, giống hệt như bố mẹ mình ở nhà.

Thày Arkady rất tự hào là trên khắp đất nước Việt Nam từ Bắc – Trung- Nam ở đâu cũng có học trò của thày.

Hôm thày vào Đà Nẵng rất đông các trò ra sân bay đón trong có Thanh Hoà và Trự bay từ thành phố HCM để đón và đi chơi cùng các thày cô trong những ngày ở đà Nẵng và Huế.

Vào đến Huế lại được gia đình của Thanh ( trước đây cũng học dự bị ở Kis.) vợ anh Hoài VL76 cùng các trò trong Huế tiếp đón nồng nhiệt. Mọi người được dung bữa tối ngay tại nhà của bố mẹ Thanh tại thôn Tiên Nộn, ngoại ô Huế.

  Chúng tôi luôn được thày cô sửa những lỗi tiếng Nga, nhiều khi thày cô tranh luận với nhau về cách dùng từ, thày phê bình cô là từ này trong tiếng Nga chỉ dùng cho động vật chứ không dùng cho người, rồi trong tình huống thế này thì sử dụng từ gì... ,  thế là chúng tôi lại được trận cười vui vẻ. Thày bảo bây giờ thày vẫn  cho chúng tôi điểm 5 Tiếng Nga. Sang năm thày cô kỷ niệm 50 năm ngày cưới. Chúng tôi hỏi thày cô : kinh nghiệm như thế nào mà có thể sống hạnh phúc, thủy chung với nhau suốt 50 năm để các trò còn học tập. Cô Olga  cười bảo tất cả là sự chịu đựng, vô tư, vui vẻ, tôn trọng và thông cảm lẫn nhau. Cô bảo thày Arkady tốt lắm làm hết cả mọi việc vì cô bị tai nạn lao động bị mất một bàn tay lúc các con còn nhỏ. Cô bảo sau khi bị tai nạn các con cô chẳng bao giờ nghĩ là mẹ bị mất bàn tay cả mà trong mắt chúng mẹ lúc nào cũng đẹp, bình thường như mẹ của mọi người. Cô làm ở nhà máy thực phẩm,  trong suốt thời gian con nhỏ thày làm hết mọi việc để cô có thể  học đại học và làm quản đốc phân xưởng. Gia đình thày cô sống với các hàng xóm xung quanh rất vui vẻ, mặc dù nhà chật nhưng tất cả bọn trẻ xung quanh đấy hay tụ tập ở nhà thày cô, mỗi khi bố mẹ chúng bận. Ở đây bọn trẻ được ăn, ngủ, tắm rửa sạch sẽ, đến bây giờ có một số nhà chuyển đi nhưng họ vẫn liên lạc và  tụ tập  thường xuyên với nhau.

 

Đoàn có 2 cặp thày cô tính cách khác hẳn: đôi thày cô Reabukhin của Ngọc BQ thì là những nhà khoa học uyên bác còn đôi thày cô Arkady thì lại rất bình dân nhưng họ đi chơi với nhau rất hoà hợp. Cô Olga nói với chúng tôi: đôi vợ chồng thày cô Rebukin là những nhà khoa học nên họ nhìn đời bằng cách khác người thường  song họ là những người tài giỏi, đáng khâm phục. Trái ngược lại với vẻ người Nga trầm lặng của vợ chồng thày Reabukin thì cô Olga rất cởi mở, có gì là phát biểu luôn nhận xét của mình, cười nói thoải mái. rất vô tư .

Hôm đi thăm Lăng Bác, tôi gọi điện cho anh bạn Ninh phụ trách an ninh ở Lăng Bác nên khi đoàn đến  anh đã chờ đón và được ưu tiên vào ngay. Đến khi vào cửa Lăng thì cô Olga bị giữ lại vì mặc áo cộc tay. Anh bạn Ninh của tôi  rất nhanh nhẹn chạy vào mua luôn một khăn lụa màu đỏ tặng cô Olga để khoác vào người, chùm hết tay, trông rất đẹp và lịch sự. Đúng là người trong nghề có nhiều kinh nghiệm như thế này đối với  các lỗi của các đoàn khách ngoại quốc. Nói chung trong đợt đi với thày cô chúng tôi gặp may mắn  đi đến đâu cũng có Quí nhân phù trợ, thời tiết thuận hoà.

Sau khi gặp mặt với người KGU ở KS La Thành thì các trò đưa các thày cô về KS Grand Palaza để gói đồ. Thày cô nào cũng rất nhiều đồ do các trò tặng, gửi quà và chúng tôi lại chuẩn bị cho các thày cô mang về các đặc sản của Việt Nam như xoài, chôm chôm, coffe... là những loại các thày cô rất thích  cùng  thức ăn đi đường ( lúc ngồi ở Moscow chờ transit về Môndova) vì theo như Hàm nói là hôm đi đón  thày cô ở sân bay Moskva về Hà Nội thì Hàm mời các thày cô ăn ở nhà hàng tại sân bay nhưng các thày cô không ăn và mang đồ ăn giở ngay ra ghế ngồi chờ mời Hàm cùng ăn vì sợ đắt. Sợ thày cô phải mang nặng nên các trò của thày  Arkady có đưa phong bì tiền đã đổi ra USD, thày cô nghẹn ngào rơm rớm nước mắt nói là các em đã làm cho thày cô shock vì xúc động. Thày Arkady nói đùa là các em lại lo cả lương hưu cho thày nữa à? Cô Olga thì thốt lên : я не хочу домой và có nguyện vọng kiếp sau sẽ được sống ở Việt Nam một đất nước tươi đẹp, mến khách và vì thày cô có quá nhiều học trò ở đây.

            Đợt Về nguồn vừa rồi tôi không tham gia được, cô Olga biết là tôi  thích mứt hoa quả nên đã tranh thủ mua các quả весня, черешня làm mứt cho các trò của thày. Bình K và Bình T. khệ nệ mang quà của thày cô cho tôi từ Kis. đến Moskva thì gửi lại để đi chơi tiếp Moskva và Lêningrat, rồi sau đó mang tiếp về Hà Nội cho tôi: 2 lọ mứt hoa quả (hai loại khác nhau), 2 cái đĩa sứ rất nặng và mấy cái cặp tóc bằng gỗ, một ít tiền xu của Môn hiện nay, một mớ cá khô thày đi câu về phơi khô gửi cho trò để uống vơi bia nữa.  Thày còn gửi cho chúng tôi 2 quyển sách  tiếng Nga về hoa quả cần thiết cho sức khoẻ và  chế biến các món ăn. Hôm sang đây thày đưa cho chúng tôi quyển thơ Puskin. Hai Bình bảo: vì tôi không đi nên cố mang quà về. Nghe mọi người đi về kể lại: sau chuyến đi thăm các trò ở Việt Nam về thày tỏ ra vui vẻ, hào hứng, tự tin và  nói nhiều gần như trò nữ CL77. Thày cứ như là thành viên của đoàn VN đón tiếp khách, hướng dẫn, liên hệ các trò đến nhà các thày cô giáo cũ...Cám ơn các ACE đoàn Về nguồn đã mang cả Mônđavia về cho chúng tôi. Hôm đến nhà Bình K nhận quà tôi cảm thấy cay cay sống mũi nhớ  và rất thương các thày cô.

Dù sao tôi cũng cảm thấy toại nguyện là năm nay các trò Việt Nam của thày đã làm được nhiều việc để tri ân với các thày cô bằng 2 chuyến đi lịch sử: thày cô giáo sang Việt Nam và các trò về tận Mônđavia xa xôi thăm lại trường cũ cùng các thày cô giáo của mình. Xin cám ơn tất cả các anh, chị, các bạn, các em hội KGU đặc biệt là các trò của thày đã nhiệt tình ủng hộ về mọi mặt tinh thần cũng như vật chất cho những câu chuyện cổ tích hay tuyệt vời này.

            Là nhà giáo kiêm nhiệm tôi cũng đứng trên bục giảng hơn 30 năm, hướng dẫn luận văn đại học, thạc sỹ, tiến sỹ, ngồi Hội đồng chấm thi, luận án, đề tài nghiên cứu... cho nhiều trò, nay đa số học trò của tôi đang giữ các vị trí quan trọng trong ngành y tế dự phòng ở các tỉnh thành phố. Hôm nay học trò của tôi được nhận bằng tiến sỹ,  Viện tôi cũng kỷ niệm ngày Nhà giáo, tôi mong các trò của tôi có nhiều tình cảm như người KGU đối với thày, cô giáo.

      Tôi muốn kết thúc bài này bằng những vần thơ lục bát mà năm xưa học cấp I cô giáo dạy cách gieo vần và sau này tôi thường làm cho các con đăng báo tường nhân ngày 20/11:

Qua đò khách vẫn nhớ sông

Chúng con luôn nhớ mãi công ơn thày

Nhân ngày quốc tế hiến chương

Con xin gửi tới lòng thương kính thày

 

 Nhân ngày nhà giáo Việt Nam tôi xin tặng các nhà giáo những bông hoa tươi thắm nhất mà hôm vừa rồi đi công tác Tp.HCM tôi có dịp chụp ảnh ở hàng hoa của chợ Bến Thành, chúc các thày cô sức khỏe hạnh phúc, vui, trẻ, đẹp mãi.

 


Người post: HoaNT

Ngày đăng: 15-11-2011 22:10






Xem 11 - 20 của tổng số 25 Comments



Từ: LamNM
18/11/2011 12:43:25

Cám ơn Hiền đại ca. Ôi lại cả HT cũng đối nữa này, không chê vào đâu được, kính nể kinh nể. LamNM muốn đối chữ hoa với chữ bột nên xin phép anh HaiNV đổi biệt danh Hải bột ở Kis thành Bột trong câu đối này nhé


Em Hoa đứng giữa chợ hoa, trông hoa cả mắt


Anh Bột ngồi như cục bột, nhìn công tử bột 



18/11/2011 10:40:06

Em Hoa đứng giữa chợ hoa, trông hoa cả mắt


Anh Hiền ngồi quanh bạn hiền, nhìn hiền ra mặt 



Từ: HienVC
18/11/2011 08:49:34

@LamNM : Câu đối thứ nhất gồm 10 từ nên câu thứ hai chỉ cần bỏ chữ bột thứ ba là và sửa thêm chút ít là có thể thành vế đối tương đối ổn:


Em Hoa đứng   giữa chợ hoa   trông hoa cả mắt


Anh Hải ngồi    như cục bột     đúng công tử bột


 



Từ: LamNM
17/11/2011 22:27:27

Cho em mạn phép đối lại câu của anh Hải mà chị Thoa đăt thành câu đối nhé


Em Hoa đứng giữa chợ hoa trông hoa cả mắt


Anh Hải bột trắng như bột đúng là công tử bột


Nếu có gì sai các bậc tiền bối sửa hộ nhé



Từ: NguyetTM
17/11/2011 13:27:53

Chị Hoa ơi, trong tủ kính của Thầy Arkady hiện nay đang được lưu giữ một bông hoa khô do Cô Olga ngắt từ bó hoa các học trò tặng ở Việt Nam mang về làm kỷ niệm đấy.


Em không là học trò trực tiếp của Thầy nhưng cảm nhận thấy sự gắn bó của thầy cô với các học trò như ruột thịt. Khi đoàn về nguồn đón tiếp các thầy cô, Thầy Arkady cũng cùng đứng mời các thầy cô khác như những chủ nhân thực sự của buổi lễ. Vì biết các học trò  sắp đến nhà chơi vào ngày hôm sau mà chiều 30/9 dự xong buổi lế long trọng của trường, cô Olga không dám đến nhà Huyền chiều hôm đó là vì lo về nhà chuẩn bị các món ăn. Kết quả mọi người biết đấy, lúc các học trò đến chơi thì đầy ắp các món ăn ngon. Khi ra về thầy cô gửi cho rất nhiều lọ mứt, mọi người chia nhau để mang về Việt Nam. Tình cảm như vậy nên nhưng lọ mứt của thầy cô càng ngọt ngào biết nhường nào. 


Cảm ơn chị Hoa đã cố gắng "giữ lâu" những tình cảm bây giờ mới thỏ lộ để mọi người thưởng thức dần. Em xin gửi tới chi Hoa cùng tất cả các nhà giáo KGU lời chúc mừng tốt đẹp nhất nhân dịp 20/11/2011. Mong rằng Công lao dạy dỗ của các thầy cô làm tươi thắm thêm những gương mặt các học trò và rạng rỡ non sông. Hy vọng các nhà giáo Việt Nam cũng luôn nhận được những tình cảm tốt đẹp từ các học trò.



Từ: ThanhLK
17/11/2011 10:50:28

Đọc bài của Hoa mình thấy có hai điểm tiếc nhất: một là thời gian có ít nên thầy cô không đến thăm nhà các bạn lâu như đến nhà mình được; hai là cũng vì thời gian có ít nên chúng mình không ngồi chơi lâu ở nhà thầy cô khi về nguồn được. Mình chèn hai ảnh về thầy cô chụp với đoàn về nguồn để minh họa thêm cho bài của cậu nhé.


Xin mời các anh chị em xem thêm ảnh đoàn về nguồn gặp gỡ với thầy Arkadi ở mục Góc ảnh nhé.



ThầyArrkadi tự tin phát biểu...



Tại sao chỉ có ít người đến thế này ???



Từ: HanhLM
16/11/2011 22:02:35

Chị Hoa ơi, chị viết thật giản dị. Câu chuyện thầy cô Arcadi sang Việt Nam đã được nhiều anh chị chia sẻ, nhiều chi tiết, nhiều tình huống, nhiều hình ảnh đã được kể trên web đàn. Vậy mà nghe chị kể lại em vẫn thấy cuốn hút, thú vị như mới nghe lần đầu.


Các thầy cô giáo của mình thật tuyệt vời! Cả vợ con, chồng con của thầy cô mình cũng thật tuyệt vời. Buổi tối cuối cùng ở Kisinhop, khi đứng ở sảnh khách sạn em gặp một người đàn ông to cao, đẹp lão khệ nệ ôm một lọ nước nho ép rất to nói là mang đến cho học trò Việt Nam thưởng thức trước khi rời Moldova. Khi ông về rồi em mới được biết đó là chồng cô giáo Lutmila. Quả thật không biết nói gì hơn...



Từ: ThoaNP
16/11/2011 21:46:11

Hoa viết chân tình, giản dị mà hay lắm vì nói hộ suy nghĩ của bao người KGU.


Câu của Hải có thể trở thành câu đối để bác Tung và các bậc tiền bối đối lại xem:


Em Hoa đứng giữa chợ hoa trông hoa cả mắt!


A, mà dạo này không thấy anh Tung đâu nhỉ ???



Từ: BinhNH
16/11/2011 20:47:51

Hoa ơi, Bao giờ mình cũng thích đọc bài của cậu. Mà bài này đọc mình lại thấy cay mắt vì nghĩ thày Arcady dù sao cũng được gặp lũ trò nghịch ngợm ngày nào và cảm thấy hạnh phúc, còn bà giáo tiếng Nga và cả bà giáo hướng dẫn mình đều đã ra đi mãi mãi. Tuy vậy mình vẫn cảm thấy được toại nguyện phần nào khi được tiếp đón các thày cô, được thay một số bạn như Lan, Hương,Thục, Trự ... gặp lại các thày cô còn sống, hoặc biết tin về họ trong chuyến về nguồn rất ý nghĩa vừa rồi. Mà cũng chẳng phải riêng mình, cả đoàn về nguồn chắc ai cũng có cảm giác như vậy...



Từ: ManhNX
16/11/2011 17:18:54

Cảm ơn bạn Hoa về tình cảm tốt đẹp với thày giáo tiếng nga và với những người làm nghề giáo.


Nhà giáo ở các trường ĐH chỉ là người "chèo đò" nhiều tuổi hơn sinh viên thôi.Giáo viên đại học luôn phải đồng hành với sinh viên trong khi học ở trường và sau khi các bạn đã ra trường.


Nhân ngày 20-11 chúc tất cả các đồng nghiệp "nhà giáo" có sức khỏe và thành đạt





Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7169
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s