Người xưa, lối cũ
Người xưa, lối cũ
Phần 2
Sáng 29 /09/ 2011 tôi bắt taxi từ Beltsư về Kisinhôp tới hotel Jumbo. Tôi tới đây để nhập vào đoàn « Về nguồn » từ Hà Nội sẽ đến Kisinhôp đêm nay. Đây là một khách sạn mới xây, đạt tiêu chuẩn Châu Âu với đội ngũ nhân viên phục vụ rất chu đáo. Phạm Thanh Bình (SV77) và Trần Thanh Thu (SV78) đã tới đây từ hôm qua. Tôi và hai em Bình, Thu quyết định đi thăm thành phố, quay lại tìm chốn cũ của mình.
Thảo và Phạm Bình trước Bưu điện
Leo lên xe bus đi vào trung tâm thành phố, chúng tôi bắt đầu nhận ra những đường phố quen thuộc. Xe chạy qua hotel Cosmos, Viện Hàn lâm Khoa học, nhà Ga xe lửa và tiến về đại lộ Lênin cũ nay là Stêfan đại đế. Chúng tôi quyết định xuống bến Bưu điện để từ đó đi dạo tiếp. Sau khi rẽ vào Bưu điện mua vài tấm bưu ảnh và tem để đánh dấu ngày « trở về nguồn », chúng tôi chụp ảnh Nhà hát quốc gia, Ngân hàng trung ương và Bách hoá tổng hợp. Ba chúng tôi còn ghé thăm chợ tranh phía đối diện Bưu điện, ngay cạnh quán cafê Nistru. Thôi thì đủ thứ bày bán ở đây : đồ lưu niệm đủ loại với những con bupbê Môn ngộ nghĩnh, tranh khắc gỗ, tranh vẽ, đồ trang sức… Ngoài những tranh vẽ kiểu bày bán như bên ta ở Bờ hồ, Hàng Đào không có giá trị nghệ thuật, còn có những bức tranh tuyệt đẹp, vẽ phong cảnh núi đồi, xóm làng Moldova, sông Nistru, hay các bức hoạ tĩnh vật như hoa siren, hoa anh túc…Em Huyền đại sứ « bật mí » với tôi là đã viết một bài ký về chợ tranh này, nhưng còn do dự chưa cho mọi người KGU thưởng thức. Huyền kể khi kết thúc nhiệm kỳ ở Moldova, ông Trưởng lãnh sự Tây Ban Nha đã mang 300 bức tranh của các hoạ sĩ Môn về nước. Phần tôi, khi về Paris cũng cố xách theo người 3 bức tranh mua từ cái chợ này.
Chợ Tranh ở Kishinhov
Ba chị em tiếp tục ra công viên trước quảng trường Chiến thắng để chụp ảnh Nhà Chính Phủ và cùng hồi tưởng thời xa xưa, vào dịp các ngày lễ lớn Cách mạng tháng 10 (7/11) và ngày Chiến thắng phát xít Đức (9/05) sinh viên Việt Nam chúng ta đã cùng bạn bè và thày cô trong trường hân hoan hoà vào dòng người tuần hành biểu dương lực lượng, thể hiện niềm vui sướng đón mừng ngày lễ.
Nay còn đâu niềm vui chan chứa và niềm tin mãnh liệt vào một thế giới đại đồng mà trong đó « người với người là bạn ». Sự tan rã của Liên bang Cộng hoà Xã hội Xô viết, đồng nghĩa với việc xoá bỏ phe Xã hội Chủ nghĩa, tạo cơ hội thuận lợi cho chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi phát triển tại 15 nước cộng hoà của Liên Xô trước đây.
Trên đường đi bộ về Trường chúng tôi ghé thăm nhà thờ chính thống giáo orthodox, ở đó đang làm lễ cho một đám cưới theo nghi thức đạo. Ngày xưa, hồi chúng ta còn học ở đây làm gì có chuyện này. Thời Xô Viết Nhà thờ đã bị loại ra khỏi sinh hoạt xã hội công dân. Các cha cố đừng bao giờ nghĩ đến chuyện truyền đạo cho ai nhé. Đức tin vào Chúa hầu như bị xoá bỏ. Chúng ta chẳng học môn Chủ nghĩa chống thần Antéisme là gì.
Vừa đi ba đứa chúng tôi vừa bàn tán, kiểm tra lại trí nhớ của mình xem có đúng không so với gì vốn có trước đây.
Đoàn khoa Hóa( + rể) ở lối ra Hồ trước cửa trường
Chúng tôi vào korpus 1, nơi ngày xưa ta học năm dự bị tiếng Nga. Bây giờ thì đâu còn khoa dự bị. Tôi lại nhớ tới bà giáo Nga văn của tôi Xưtrôva Valentia Arxenhievna. Không biết bà còn sống hay không ? Bà giáo chúng tôi lớn tuổi nhất trong các giáo viên dạy tiếng hồi đó…Hồi thày Arcadi sang Việt Nam, tôi đã nhắn Thái Minh Sơn lớp tôi hỏi thăm về bà, nhưng vẫn không thấy tin tức gì. Nhất định lần này tôi phải tìm hiểu cho ra. Không hiểu lớp Vật lý khoá 75 ai học bà giáo tôi ? nhưng tôi biết chắc chắn bà dạy Võ Hạnh Phúc con tướng Giáp. Sau năm dự bị tiếng Nga, Phúc đã chuyển lên Moskva học Vật lý ở MGU, có gửi bưu thiếp về cho bà, bà đã cho cả lớp chúng tôi xem.
Chúng tôi đến cổng chính của Trường. Phía trên cao mặt chính của toà nhà không còn chân dung của « ba ông tây theo ta » nữa, cũng không còn dòng chữ « СЛАВЭ ПКУС! » . Trường bây giờ có hàng rào bao xung quanh rất đẹp, trong sân cây cối tốt tươi, nhưng tôi lại có cảm giác lạ lẫm vì không thể tìm lại được cái không khí quen thuộc, gần gũi ngày xưa, nhất là khi ta bước vào bên trong.
Chúng tôi đi thăm thư viện ở tầng 2 và tầng 3. Tôi vẫn bị cảm giác lạ lẫm ám ảnh. Rất ít sinh viên tới đây đọc sách, có lẽ vì mới bước vào năm học. Chúng tôi trò chuyện với hai cô thủ thư, cô trẻ ở tầng hai rất dễ tính, giải thích cặn kẽ về cách lưu trữ sách và tìm sách ở đây ; còn cô ở tầng ba khó tính hơn, với thói quen « cửa quyền XHCN » không đồng ý cho chúng tôi chụp ảnh thư viện, điều đó đã làm tôi phì cười.
Tôi trở về khoa Hoá của mình. Vẫn những hành lang thuở nào với các phòng thí nghiệm ở tầng 2, tầng 3 và các giảng đường lớn, nhỏ. Tôi còn nhớ như in những phòng nào thuộc bộ môn nào : Hoá vô cơ, Hoá phân tích, Hoá lý, Hoá hữu cơ. Nay bốn bộ môn còn hai : Hoá vô cơ gộp lại với Hoá lý, còn Phân tích gộp với Hữu cơ, nhưng có thêm một bộ môn mới là Hoá công nghiệp và môi trường. Trên tường các thông báo và ghi chú toàn bằng tiếng Môn. Trong phòng thí nghiệm không thấy các máy đo hiện đại, mọi cái vẫn không có gì thay đổi, vẫn nguyên như cũ sau từng ấy năm, chỉ không còn các thày cô như cũ. Bao người đã ra đi mà giờ đây chỉ hiện về trong ký ức hoặc thấy trên những tấm ảnh đã ố màu thời gian. Điều đó xảy ra là lẽ đương nhiên, tôi đã rời khỏi nơi đây 35 năm rồi. Tuy nhiên tim tôi vẫn nhói đau, trái tim hình như không muốn chấp nhận sự thật hiển nhiên này. Bây giờ là những gương mặt mới, thế hệ mới. Tôi thẫn thờ…Ở các nước Tây Âu sinh viên được tiếp xúc với các trang thiết bị đo đạc hiện đại, với nền khoa học tiên tiến. Còn ở đây, sau từng ấy năm vẫn thế thôi ư ?
Tại 1 phòng thí nghiệm khoa Hóa ngày nay
Chúng tôi xuống tầng 1 vào phòng thí nghiệm của khoa Sinh vật và được biết bà giáo Tỵ « gày » đang đợi học trò mình. Đêm nay chúng tôi sẽ cùng đại sứ Huyền ra sân bay đón đoàn « Về nguồn » từ Hà Nội sang và theo chương trình ngày mai chúng tôi sẽ còn quay lại đây để gặp các thày cô giáo cũ.
Chúng tôi từ trường rảo bước về khu ký túc xá, ở đó chúng tôi đã trải qua sáu năm đầu đời tuổi trẻ của mình. Vẫn theo đường cũ chúng tôi đi. Ba đứa chúng tôi mỗi người theo đuổi những ý nghĩ riêng. Ai mà chẳng có kỷ niệm với con đường này cơ chứ…
Tôi nhớ lại có lần làm thí nghiệm tổng hợp hữu cơ về rất muộn khoảng 22h30, số tôi đen vì bắt phải bài đun trên lửa trong 8 tiếng liền. Là người cuối cùng rời phòng thí nghiệm, một mình đi về ký túc xá trong đêm đông giá lạnh, tôi rất tủi thân, nước mắt cứ thế trào ra. Bỗng nhiên có tiếng gọi. Đó là Misa Oriol, thằng bạn cùng lớp. Nó nói đã cố tình ở lại đợi tôi vì trên quãng đường về nhà có thể xảy ra điều gì bất trắc, không thể lường trước được. Chúng tôi vừa đi vừa trò chuyện, chẳng mấy chốc đến nhà. Misa dặn tôi nếu khi nào về muộn cứ bảo nó, nó sẽ chờ. Hiện bây giờ vợ chồng Misa ở Israel, họ đã có 2 cháu ngoại. Chúng tôi vẫn liên lạc với nhau. Misa mời tôi sang chơi nhà nó ở Israel, tôi đã nhận lời. Thằng bạn thứ hai người Do thái ở lớp tôi là Boria Belous hiện cũng đang sống ở bên đó.
Đây rồi Ký túc xá 1 nơi ở của sinh viên khoa Toán, Lý ngày xưa. Thời đó tôi cũng hay sang đây chơi với Hoàng Ngọc Cầm và Cao Mai. Mười lăm thằng Vờ Lờ năm tôi cũng ở đây đấy. Hồi sinh viên có lẽ đối với phần lớn chúng nó tôi là « nỗi kinh hoàng ». Nhưng sau khi tốt nghiệp về nước chúng tôi ít gặp nhau hơn, đi làm và trở thành người lớn, không chí choé với nhau nữa. Đặc biệt bao giờ tôi cũng yêu mến Phạm Văn Hoài. Bạn Hoài của tôi đối xử với ai cũng như « bát nước đầy », nhân hậu và độ lượng, chẳng nghĩ xấu về người khác bao giờ. Thế giới này sẽ khác đi nhiều và tốt lên biết bao nhiêu nếu có thêm những người như Phạm Văn Hoài.
Sau này tôi rất thân với Nguyễn Nam Phong. Cái ngày Phong chết vì tai nạn ôtô ở Moskva mà tôi đi nhận xác là một trong những ngày đen tối và bất hạnh nhất của đời tôi. Nỗi đau mất bạn vẫn còn nguyên vẹn trong tôi cho tới tận bây giờ cho dù Phong đã ra đi 19 năm rồi. Tôi đã từ chối thẳng thừng khi Mai Xuân Lý khuyên tôi viết về Nguyễn Nam Phong. Có lẽ đợi một thời gian nữa, vết thương lòng đỡ nhức nhối hơn tôi mới có thể viết về bạn mình.
BìnhPT và ThuTT về Ký túc xá 2 nơi sinh viên khoa Sinh Vật sống trước đây, còn tôi về Ký túc xá 3 là OB của những nhà hoá học tương lai. Tôi đi ngang qua nơi trước kia là sân bóng rổ, bóng chuyền. Chỗ đó bây giờ là một bể bơi thô thiển, làm mất cảnh quan, phá đi cái thế liên hoàn giữa các ký túc xá.
Đặt chân vào Ký túc 3 tôi như sống lại những năm tháng sinh viên khi biệt danh Thảo « gày » ra đời và gắn chặt với tôi cho tới tận bây giờ, cho dù ngày nay tôi là antonyme của biệt danh đó và đang muốn gày đi chục ký đây.
Với chiều cao 1m53, nặng 38 cân, tôi rời Việt Nam ngày 26/06/1970 lên tàu liên vận sang Liên Xô học ĐH tổng hợp Hoá trong hình hài « gió thổi bay » như vậy đấy. Rất tội nghiệp cho Nguyễn Thị Phương Thảo (học SinhVật năm tôi) bị gọi là Thảo « béo », mặc dù không béo chút nào, nhưng so với « độ gày » của tôi, thì đương nhiên phải mang biệt danh ngược lại.
Ký túc xá 3
Tôi làm quen với bà trực nhật ở tầng 1, nói rõ cho bà mục đích đến thăm nơi ở cũ của mình trong 6 năm từ 1970 đến 1976. Bà cho biết là từ lâu Ký túc 3 là dành cho sinh viên khoa Lý, còn giờ đây đang được tu sửa lại. Tôi xin phép đi thăm các phòng tôi đã ở trước đây.
Tôi lên thẳng tầng 3. Đập vào mắt tôi đầu tiên là Góc đỏ, nơi sinh viên hay ra đây cặm cụi học vào buổi tối tránh sự ồn ào trong phòng ở chung với bạn bè. Chỗ này hầu như tôi không lai vãng vì tôi ưa ngồi học trên giường, lúc nào buồn ngủ là lăn ra, rất tiện. Nghe nói giáo sư Nguyễn Mạnh Đức năm xưa có « thâm niên ngồi lì » ở Góc đỏ tới 2 giờ sáng. Tuy là Nguyễn Mạnh nhưng sức khoẻ của Người lại không được mạnh như ai, nên chi đoàn Vật lý có lên tiếng nhắc nhở, rằng chớ có học quá nhiều mà ảnh hưởng tới ngọc thể. Người bèn thay thời gian biểu của mình, giảm hẳn « độ dính » Góc đỏ xuống 1 tiếng đồng hồ, tức là chỉ ngồi lì ở đó tới 01 giờ sáng mà thôi. Mọi người chán hẳn, từ đó mặc kệ Đức ông « lác » muốn làm gì thì làm.
Hai Bình và Thảo tại buổi gặp gỡ thày cô 10/2011
Tôi rẽ trái tới phòng 67, nơi đây tôi đã sống 1 năm với hai Bình (kều + khàn) và hai cô bạn Môn mà chúng tôi thường xuyên ăn vụng nước quả, cũng như mứt của họ. Có lần Bình Khàn lên cơn thèm nước quả, nhờ tôi canh chừng để tiện phần hoạt động. Tôi nhận lời, nhưng vừa thấy chị Hoàng Hoa ở phòng bên cạnh về, tôi bèn ra hành lang tán phét dăm ba câu với chị vì nghĩ cũng chẳng sao, vẫn có thể canh chừng được. Thế nhưng khi cô bạn Môn Maria đi đâu về, tôi đã không kịp báo động. Bình khàn bị bắt quả tớm. Ngượng quá, không biết trốn đi đâu ! Khi được mời hẳn hoi thì sĩ diện từ chối, hoặc ăn rất ít, còn sau đó lại ăn vụng…Ấy, thói đời thường là vậy !
Phòng 72 cũng nhiều kỷ niệm không kém, ở đây có balcon nhìn sang Câu lạc bộ KGU, trên đường Piragova. Vì không ai thèm bắt chuyện với hai Bình và không trêu nổi ai trong ОB 3 được nữa, nên bọn hắn liền ra balcon trêu người đi đường, gọi người ta ời ời và lên tiếng chọc ghẹo. Chúng còn bắc ghế ra balcon ngồi cho đỡ mệt để tiếp tục trò chơi. Người đi đường phản ứng mỗi người một cách nên càng tăng niềm thích thú cho hai Bình…Tôi đi học về, từ xa đã nhìn thấy hai con ranh đó đang múa may trên balcon trêu chọc mọi người. Chúng vẫn chưa nhìn thấy tôi ngay vì còn mải chọc ghẹo. Từ dưới đường tôi hét lên, hai Bình ta hoảng quá, ngừng ngay trò chơi, nhưng trên bộ mặt chúng vẫn còn vương vấn niềm luyến tiếc khôn nguôi…
Ba chị em cùng thăm cô Vera ( cố giáo của Thu Lan Hóa 77)
Tôi đi ra bếp thăm quan tiếp, chẳng có gì đổi thay. Đúng rồi, chính ở chỗ này đây đã diễn ra một sự kiện nhớ đời.
Thông thường ai cũng biết có những giải thưởng đồng đội trong thể thao như chạy tiếp sức, bơi tiếp sức… Còn ở Kisinhôp, tại ОB 3 này lại có giải đồng đội « chửi tiếp sức ». Thế mới đặc biệt ! Có lẽ sách Guinness World Records phải đưa nó vào danh mục của mình mất. Đầu đuôi là thế này:
Đi học về, vừa bước lên tầng 3 tôi bỗng nghe tiếng « choang » từ bếp vọng ra, tiếp đó là tiếng cãi nhau ầm ĩ bằng tiếng Nga. Không kịp chạy về phòng cất cặp, tôi phi ngay ra bếp. Tại hiện trường một ấm đun nước đang lăn lóc dưới sàn, nước đổ tung toé, Hương « còi » (Hoá 77) vừa khóc vừa tru tréo tiếng Nga chửi bới con bé Môn đứng trước mặt: « Mày mới chính là con ăn cắp, tao đã đánh dấu số phòng tao trên quai ấm đây này… ». Con bé Môn cũng chẳng vừa, chửi lại liên hồi…
Từ nhỏ tôi đã có một nguyên tắc hành xử cực đơn giản : « nếu bạn tôi đang ở tình huống bất lợi, hoặc gặp nguy hiểm, không nên mất thì giờ tìm hiểu nguyên nhân, mà phải lập tức xông vào bênh bạn mình bằng mọi giá. Tình bạn phải được thể hiện ngay bằng cách cứu trợ kịp thời. Phải, trái sẽ xét sau ».
Nhìn hiện trường tôi hiểu ngay sự tình không cần Hương « còi » giải thích. Trong ký túc xá có hiện tượng mang ấm ra đun nước ngoài bếp, không đứng đó đợi nước sôi, mà quay về phòng, một lúc sau nghĩ là nước đã sôi, quay lại bếp lấy thì ấm nước sôi đã không cánh mà bay. Nhà Hương « còi » bị mất ấm mấy hôm nay và giờ đây Hương ta đã phát hiện ra cái ấm nhà mình đang chễm chệ trên bếp do một « cô nường » Môn đặt lên đó. Thế là chiến tranh bùng nổ.
Tôi nhảy ngay vào tiếp sức cho Hương « còi » trong trận « đấu khẩu » để giành thắng lợi tuyệt đối. Tôi bảo Hương không việc gì phải khóc và nhặt ngay cái ấm lên như một chiến lợi phẩm đưa cho Hương mang về phòng cất. « Cô nường » Môn đã không dám làm gì vì thế cân bằng « một chọi một » không còn, bây giờ là « hai đánh một chẳng chột cũng què ». Đang đà thắng lớn thì Phương Thoa từ đâu chạy tới hỏi có chuyện gì. Tôi tóm tắt sự việc và giao ngay nhiệm vụ « chửi tiếp sức » cho Thoa để tôi còn về phòng cất cặp. Thoa vui vẻ nhảy vào cuộc chiến và tôi biết chắc chắn thắng lợi cuối cùng sẽ thuộc về quân ta…
Một trong 3 tranh Thảo mua từ Moldova mang về Paris
Ký túc xá 3 đối với tôi thân thiết biết nhường nào. Đó là ngôi nhà thân thuộc của chúng tôi trong bao nhiêu năm. Nơi đây gợi nhớ cho tôi hình ảnh những người bạn, những gương mặt thân quen, những kỷ niệm vui, buồn gắn bó.
Tôi nhớ năm dự bị tôi sống cùng phòng với Thảo « béo », Loan và Thư. Trong số con gái năm tôi hồi đó chỉ có tôi và Thư là mồ côi bố. Hồi mới sang Liên Xô tôi rất nhớ nhà, nhất là nhớ mẹ. Lắm lúc tôi cứ thẫn thờ, nước mắt chảy vòng quanh. Thư đã dỗ tôi nhiều lần vì đối với những đứa trẻ mồ côi bố như chúng tôi Mẹ là chỗ dựa tinh thần duy nhất. Giờ đây đứng trước cửa phòng mà chúng tôi đã ở chung hồi trước, nước mắt tôi cứ trào ra. Thư bây giờ không còn nữa, bạn đã đi gặp lại những người thân, trong đó có đứa con trai yêu quí của mình. Bạn đã đến điểm hẹn trước chúng ta theo qui luật của đời người mà rồi đây ai cũng sẽ tới chỗ đó thôi. Một nén hương muộn màng cho bạn Kiều Thị Thư của tôi !
Năm 1970 tôi thuộc vào đoàn đầu tiên đến Kisinhôp nên hiển nhiên thành quan sát viên, « soi » những đoàn tới sau. Tôi tròn xoe mắt kinh ngạc khi nhìn thấy Nông Văn Hải, Hà Đình Tuấn, Mai Xuân Lý…Ôi chao ôi ! Mấy thằng cu mặt mũi non choẹt, búng ra sữa, bé tí thế kia mà lại đòi học cùng với mình a ? Thế là máu « ma cũ » trỗi dậy, bắt nạt ngay « ma mới » với thói quen « bắt nạt được ai thì bắt nạt ngay ». Biệt hiệu Hải « bột », Tuấn « khịt », Lý « toét » ra đời từ đó.
Sau một năm sống ở « Hoa quả sơn » Moldavia, nhờ ăn hoa quả « siêu ngon », « siêu bổ », Tuấn « khịt » và Lý « toét » trổ mã, lớn bổng hẳn lên. Hai thanh niên mới lớn này đều thích một em bé nhỏ, xinh xinh, vừa tầm với mình là Ngọc Tâm bạn gái cùng năm (SinhVật 76). Khổ một cái bé Tâm chỉ có một trái tim hồng, không chia đôi được, mà cán cân « cảm tình » lại nghiêng về chàng trai Vờ Lờ chứ không phải Sờ Vờ.
Chuẩn bị vào thăm hầm rượu Moldova
Khịt ta cố gắng cò cưa nhưng không thấy kết quả khả quan, tuy hắn nhận được sự giúp đỡ tận tình của « chân gỗ » Mạnh Pha, người mà cả khoá 70-76 chúng tôi cho là có năng khiếu « mài cưa » rất sắc. Biết làm sao đây ? Khịt nghĩ ngay tới Thảo « gày », người vẫn dẫn điểm cao về « độ gây kinh hoàng » trong « làng » Việt Nam, nhưng lại rất thân với « Trái tim ngọc » đang có nhịp đập « lệch pha » với trái tim của Tuấn « khịt » này. « Liều mình như chẳng có » Khịt đến vấn an Thảo « gày », cạy nhờ giúp đỡ để may chăng « Trái tim ngọc » điều chỉnh lại nhịp đập của mình. Khịt không ngờ nhận được câu giải thích xanh rờn của Thảo theo logic toán học, rằng sao ngu thế, không thấy thừa số chung của Sinh Vật với Vật lý là « Vật » à ? bên trong ngoặc là Sinh + Lý, vì là Sinh lý nên chúng nó yêu nhau, thành đôi: Sinh Vật + Vật Lý = Vật (Sinh+ Lý). Này, đừng có lôi thôi nữa, vụ này là tớ bó tay, Khịt mà còn đòi hỏi nữa là tớ « bó chân » luôn. « Bó tay» cộng « bó chân» là « liệm » đấy nhé, là tớ vào làm bạn với ông Sáu Tấm…
Số tôi không gặp được Tuấn sau này. Tôi tụ tập các bạn KGU mấy lần mà không có Tuấn. Hồi 2009 Tuấn không tới được cử vợ đi thay. Tôi chỉ nói chuyện với Tuấn qua điện thoại di động của Hải « bột » thôi. Tôi trách móc cậu Khịt không nhớ bạn bè. Tuấn hứa với tôi lần sau sẽ có mặt. Thế mà… Khi biết tin Tuấn đột ngột ra đi tôi lạnh toát cả người. Tôi phôn cho Hải hỏi cơ sự tại sao mà bạn tôi lại ra đi nhanh thế…
Các U60 của tôi ơi, đừng chủ quan, coi thường sức khoẻ nhé! Xin đừng vội vàng ra đi như bạn Tuấn của tôi! Thế giới này còn hấp dẫn và thú vị vô cùng. Đừng để tôi lên cơn đau tim đột ngột, nguy hiểm cho tôi lắm, các U60 ơi!
Phòng 62 là nơi ở trước đây của ba chị (Hoá73) Bích Chi, Ngọc Liên và Trinh Thục, cũng là nơi anh Thanh Uyển đã trồng “cây si” sum suê cành lá. Năm 1974 các chị tốt nghiệp về nước, tôi và hai Bình tiếp thu lại căn phòng này.
Tôi chơi thân không những với hai Bình, mà còn thân với 7 đứa con gái còn lại của lớp Hoá 71-77, thân với tất cả mọi người năm trên, năm dưới, cho dù mỗi người mỗi tính khác nhau…
Thảo luôn gặp các em khóa 77 mỗi khi về Hà nội
Tôi dạo đi, dạo lại ngắm nghía và chụp ảnh cái tầng 3 này mấy lần rồi mà vẫn chưa muốn rời xa. Chỗ cửa sổ ngoài hành lang trông ra sân bóng chuyền này là nơi em Thu “ béo” (Bùi Thị Thu, Hoá 78) vào mùa thi chuyên ngồi “tụng kinh, niệm phật” và lần nào nhìn thấy em ở đấy tôi cũng hỏi: “Được mấy vòng rồi Thu?”. “Mới hai vòng rưỡi thôi”. Câu trả lời rất ngắn, gắn với nụ cười hiền như “ma soeur” của em, làm tôi cười phá lên. Có lần em tâm sự với tôi: “ Em thích học lắm, em học cả đời cũng được! ”. Câu nói nổi tiếng đó đã thành tiếu lâm một thời cho những tên lười học như tôi và hai Bình. Hiện giờ vợ chồng Thu đang kinh doanh rất thành công ở Balan. Thu sắp tổ chức đám cưới cho con gái lớn vào 21/10 này ở Vacsava. Tôi sẽ bay sang đó để chia vui với gia đình em sau chuyến đi “về nguồn”.
Bao giờ đi thi tôi cũng chưa học xong một vòng vì tới sát ngày thi tôi mới sờ đến sách vở. Đến phòng thi, mặc dù chưa đến lượt vào, tôi cũng rẽ các bạn ra để vào thi ngay vì ở ngoài này “tớ sẽ vỡ tim chết mất”.Trước khi bắt câu hỏi, tôi luôn có thói quen niệm thần chú để đừng rơi vào những chỗ chưa ngó tới tý nào.
Trả thi xong về nhà, vừa bước chân vào phòng là hai Bình tranh nhau kể công loạn lên. Đứa này nói, ở nhà nó cầu cho tôi đi thi thoát hiểm nhiều hơn đứa kia. Con kia liền cãi lại là nó cầu thành tâm hơn. Cứ như nhờ chúng nó cầu mà tôi thoát, chứ không phải nhờ thần chú của tôi.
Thảo cùng hai Bình tại Kishinhov 10/2011
Hồi năm thứ nhất tôi nghĩ ra một mẹo không mất nhiều thời gian học thi. Đó là kiểu “truy bài” vào buổi tối trước hôm thi: chỉ việc tập trung cao độ nghe và lặp lại đúng những gì “đối tác” trình bày. Tôi gọi Thuỷ “đen” (tức Txy) lớp tôi truy bài. Kết quả quá rõ ràng, tôi “nhập nhĩ” ngay, nhắc lại rành rọt những gì bạn tôi đã cần cù “cày sâu cuốc bẫm” trong bao nhiêu ngày và thế là yên tâm lớn đi thi ngày mai. Vở diễn này được lặp đi lặp lại rất nhuyễn và cho kết quả khả quan, tương đương với tỷ lệ bầu cử tại Việt Nam là 99,999%.
Nhưng than ôi, tới cuối năm thứ nhất tôi bị “nộ vở”. Thuỷ “đen” ta đồng ý truy bài nhưng bắt tôi nói trước. Tôi không chịu, nói từ trước đến giờ Thuỷ bao giờ cũng “pervaja”, còn tớ “ftoraja”. “Bây giờ thì phải ngược lại, nói trước đi thì truy, không thì thôi”- Thuỷ “đen” cương quyết lắm, nói rồi bỏ đi. Tôi nói với theo sau lưng: “ Gớm, cứ làm như người ta ăn cắp kiến thức của mình ấy!”.
Tôi cứ tưởng mẹo đó là phát minh mang tính thế kỷ, nhưng thực tế nó chỉ được ứng dụng có hơn một học kỳ. Thật đáng tiếc! Không thể truyền lại bí kíp cho con cháu đời sau.
Sau khi tốt nghiệp về nước, dù làm việc ở đâu hoặc đi đâu, ai gặp tôi cũng đều cảm giác, rằng trên đời này tôi không biết sợ bất cứ cái gì và bất cứ ai. Có lần một câu hỏi được nêu ra là phải chăng tôi không biết sợ? Câu trả lời của tôi chỉ sau một tích tắc:“ Có, tôi đã từng biết cảm giác sợ là thế nào khi bước vào phòng thi, hồi còn học đại học ở Moldavia ”.
Thi cử ở Liên Xô thời xưa bắt bộ não sinh viên phải nhồi nhét, lặp lại những gì vốn có sẵn trong sách vở như một máy photocopie. Tôi cho rằng trong giáo dục và đào tạo nên dạy sinh viên phương pháp tra cứu và tư duy, cách tiếp cận với một vấn đề khoa học, cách suy nghĩ logic để giải quyết công việc trong sự vận dụng vốn tri thức của loài người. Học phải đồng thời đi đôi với hành. Các trường đại học ở Tây Âu và Mỹ thường kết hợp với các Hãng sản xuất, hoặc các Trung tâm nghiên cứu trong tài trợ kinh phí để sinh viên có thể tham gia trực tiếp vào các chương trình nghiên cứu, sản xuất, áp dụng các kiến thức tiếp thu ở nhà trường kịp thời đưa vào thực tiễn. Trong chương trình đào tạo bao giờ cũng có thời gian thực tập ở các hãng và xí nghiệp. Vì vậy khi tốt nghiệp đại học xong sinh viên đi làm không bỡ ngỡ buổi ban đầu, tự tin và có tinh thần độc lập tìm tòi, suy nghĩ.
Đang mải mê chìm đắm trong ký ức xa xôi tôi chợt nhận ra đã đến giờ hẹn với Bình, Thu sang thăm nốt Nhà Văn hoá KGU ở bên cạnh cho đủ một vòng dạo “đường xưa, lối cũ”.
Club của trường mình bây giờ được tân trang lại, có vẻ đẹp hơn trước. Rất đông sinh viên tới đây sinh hoạt ngoại khoá. Tiếng đàn piano chơi nhạc cổ điển vang vọng, tràn ngập cả sảnh đường đưa ta trở về quá khứ xa xăm thời sinh viên với biết bao kỷ niệm…
Một người đàn ông trung niên nồng hậu chào đón chúng tôi và cho biết đã được thông báo về chuyến thăm lại trường xưa của học sinh Việt Nam, làm chúng tôi cảm động và thấy rõ sự phối hợp nhịp nhàng giữa Trường SUM, đại sứ Huyền và Ban tổ chức chuyến đi “về nguồn”.
Chính ở nơi đây đã diễn ra những buổi họp đồng hương, liên hoan văn nghệ và chiếu phim Việt Nam. Những giọng ca vàng một thời vẫn còn vang mãi trong ký ức của chúng ta. Tôi còn nhớ chị Bon hát hay như một ca sĩ chuyên nghiệp. Anh Thanh Uyển, anh Tài, chị Ngọc Liên, các em Thu Hồng, Chi Lan, Liên, Vân con… đều là những danh ca trứ danh. Chị Mai Cẩm Tú và Tỵ “gày” chuyên ngâm thơ. Năm Bình biểu diễn bài hát “Năm ngón tay ngoan”. Tiết mục Táo quân mà Trương Nam Hải đóng vai Táo “ béo” đã làm tôi cười ngặt nghẽo…
Tôi đứng đây và ước ao, giá như trên đời này tồn tại máy gia tốc ! Ta có thể du hành trong vũ trụ với vận tốc lớn hơn ánh sáng để trở về với quá khứ của mình. Ta lại thấy ta của thời xa xưa; lại thấy thành phố Trắng với bốn mùa mưa nắng; lại thấy y trang những gì đã xảy ra trong quá khứ trước đây…Vâng, làm ơn cho tôi xin một xuất trong chuyến du hành này!
Người post: ThaoDP
Ngày đăng: 01-12-2011 17:05
COMMENTS CỦA THÀNH VIÊN |
|
Tổng số bài và comment post theo từng khoa
Khoa | Bài viết | Comment |
Sinh | 563 | 9482 |
Lý | 387 | 2824 |
Hóa | 882 | 9765 |
Luật | 721 | 11647 |
Toán | 66 | 376 |
Kinh tế | 4 | 108 |
Câu Lạc Bộ | 30 | 1 |
NCS | 3 | 70 |
Bạn bè | 197 | 1189 |
Dự bị | 0 | 0 |
Ngôn ngữ | 2 | 2 |
10 người post bài nhiều nhất
User | Số bài viết |
TungDX | 289 |
NghiPH | 306 |
NgocBQ | 130 |
ThaoDP | 108 |
CucNT | 123 |
CoDM | 88 |
PhongPT | 73 |
HaiNV | 93 |
LiTM | 85 |
MinhCK | 70 |
10 người comment nhiều nhất
User | Comment |
Guest | 7169 |
NghiPH | 3219 |
LiTM | 1879 |
HaiNV | 1853 |
KhanhT | 1743 |
CucNT | 1718 |
TungDX | 1565 |
ThanhLK | 1545 |
VanNH | 1441 |
ThoaNP | 1257 |