KGU News >>Văn học >>Ký - Luận
KGU Tạo bài viết  
Thứ sáu 10 Tháng hai. 2012

NGƯỜI XƯA, LỐI CŨ ... (Phần 3)




Tác giả: ThaoDP
Người xưa, lối cũ…
Phần 3
Chuyến đi “về nguồn” diễn ra đẹp như một giấc mơ, không thể cầu tốt hơn. Tất cả đều răm rắp thực hiện theo một lập trình dưới sự điều khiển của Ms. đại sứ Thanh Huyền và Mr. trưởng đoàn Bùi Quang Ngọc. Tôi có cảm giác y như ngày xưa hồi mới đặt chân sang Liên Xô, chúng tôi lại như một lũ gà công nghiệp, lục tục làm theo những hiệu lệnh đèn đỏ tắt-bật của ông tổ thuyết “phản ứng có điều kiện” Pavlov. Tôi rất khoái vì chẳng phải lo nghĩ gì, không như những lần tự đi du lịch khác, phải lên kế hoạch từ trước xem sẽ đi những đâu và phân chia thời gian cho phù hợp với những ngày thăm quan ở đấy.
Tiết thu rất dễ chịu, trời trong xanh, nắng vàng nhè nhẹ làm con người sảng khoái, không cảm thấy mệt tuy chương trình tổ chức dày đặc và thời gian rất sít sao. Hai Bình cứ rối lên khoe, chỉ có ba đứa chúng tôi là duy nhất trước đây cùng ở với nhau một phòng nay lại có mặt trong đoàn “về nguồn” này. Bất kỳ ở đâu chúng cũng nhờ ai đó chụp ảnh chung cho ba đứa. Nhìn nét mặt của hai Bình tỏa sáng tôi như đọc được hình ảnh phản chiếu của chính mình. Phải chăng chúng tôi có thừa số chung là “mải chơi”, phải chăng những điều cực kỳ nhỏ nhoi cũng có thể làm nên hạnh phúc? Có lẽ chúng tôi là những kẻ nhiều “hoa chân”, yêu cuộc sống nên luôn tìm được những niềm vui nho nhỏ trong mọi tình huống để bỡn cợt, bông đùa, cho dù cái tuổi sáu chục niên đang kề cạnh.
Thảo cùng 2 Bình
Nhóm chúng tôi ra hồ Kômsômôn. Ngay trên đường vào hồ có một toà nhà bề thế, tuyệt đẹp. Đó chính là Lãnh sự quán Hợp chủng quốc Hoa Kỳ - một địa thế đắc địa, không thể tìm ra vị trí nào đẹp hơn để làm đại sứ quán như ở nơi đây. Đi tiếp tí nữa là bắt đầu tới cầu thang dẫn xuống hồ.
Tôi lặng đi, sững sờ khi nhìn từ trên cao xuống. Sao mà đẹp vậy! Những bậc thang rộng cứ nối tiếp nhau chạy dài tít tắp, phía dưới là đường ra ven hồ. Hai bên lan can cầu thang đi xuống là những hàng cây toả bóng um tùm. Người nọ, người kia đua nhau chụp ảnh.
Năm chị em khoa Hóa ở Hồ Komxomol
Tôi đã tới những cầu thang ngoài trời nổi tiếng trên thế giới như Primorski ở Odessa, đài phun nước Trevi ở Roma, đồi Montmartre,Trocadéro ở Paris, đường lên núi ở Alma-Ata, hay Vạn Lý Trường Thành… Đâu cũng có vẻ đẹp riêng của nó, thậm chí đến mức thán phục, trầm trồ. Nhưng sau 35 năm quay trở lại đất này tôi mới nhận ra vẻ đẹp của cái cầu thang dẫn xuống hồ Kômsômôn chẳng thua kém các cầu thang danh lam khác trên thế giới. Phải chăng vì nó quá đỗi thân thương nên ta đôn lên, hay vì sự từng trải của tuổi U60 đã khiến khiếu thẩm mỹ luôn cộng hưởng với xúc cảm tự nhiên mà không hoàn toàn dựa vào tiêu chuẩn mỹ học. Tôi chia sẻ cảm xúc này với hai Bình. Cả hai đều ngạc nhiên kêu lên là tại sao ngày xưa mình ngu không phát hiện ra là nó đẹp nhỉ.
Cái hồ Kômsômôn mênh mông nước ngày xưa không còn. Bây giờ là hồ cạn, dưới lòng hồ cỏ dại mọc đầy. Phía xa có một vũng nước lớn, có lẽ còn đọng lại sau những trận mưa. Tuy nhiên cảnh hoang dã của hồ cũng có nét đẹp riêng của nó. Chúng tôi cũng vẫn chụp ảnh ghi lại dấu chân mình. Nghe nói có một nhà đầu tư nước ngoài muốn bỏ ra gần nửa tỷ đô la để biến khu vực này thành trung tâm vui chơi giải trí hạng nhất, nhì Châu Âu, nhưng việc không thành vì trong chính phủ Moldova vẫn lục đục, còn cãi nhau không chịu.
Tại sao hồ Kômsômôn lại cạn nước? Cách đây vài năm, vào mùa hè do nóng quá vài con cá chết trong hồ nổi lên. Thế là mấy tờ báo đua nhau nói về sự ô nhiễm nước và vấn đề bảo vệ môi trường…Chính phủ hồi đó do Đảng cộng sản lãnh đạo, với thói quen duy ý chí liền hạ lệnh cho tháo nước trong hồ, tương tự như việc phá dỡ sân vận động ở đối diện ký túc xá ta. Sau đó họ bận cãi nhau về kinh phí để nạo vét lòng hồ rồi cho nước đầy trở lại, cũng y như tìm kinh phí để xây cất và hiện đại hóa sân vận động. Vì vậy cái hồ vẫn cứ trơ ra cạn nước, còn sân vận động chỉ là một bãi đổ nát, hoang tàn. Ai nhìn cảnh ấy mà chẳng đau lòng! Có lẽ nào giờ đây truyện tiếu lâm về xứ Moldova lại ứng nghiệm trên thực tế? Có lẽ nào ở đó sẽ không bao giờ có được một nhà lãnh đạo đất nước cho tử tế, ra hồn?
Ở Paris thỉnh thoảng ra đường tôi lại nghe thấy giai điệu folklore Moldova tưng bừng, rộn rã. Nếu không vội là thế nào tôi tới nói chuyện với người chơi accordéon những bản dân ca quen thuộc ấy. Tôi hỏi anh ta từ đâu tới, có phải từ Kisinhôp không và hỏi thăm tình hình về miền đất thân thương xa cách. Tôi luôn xót xa khi biết được những thông tin tồi tệ về đất nước nhỏ bé Moldavia, cũng như ứa nước mắt trong những lần theo dõi các phóng sự truyền hình của Pháp về các đường dây mại dâm từ Đông Âu sang Tây Âu mà điểm đầu xuất phát chính là từ Chisinău. Dân số Moldova chỉ có 4 triệu 300 ngàn nhưng số người bỏ nước ra đi kiếm sống phải tính đến hàng 7 chữ số. Cho tới giờ ở đất nước này chỉ có quyền Tổng thống, quyền Thủ tướng vì số phiếu bầu cho các chức vụ này không đạt được tỷ lệ quá bán hợp hiến. Tình trạng chính trị bất ổn định khiến đời sống người dân bấp bênh, thất nghiệp lan tràn…
Tôi đơn cử thí dụ về một gia đình trí thức hạng trung như gia đình Tekla bạn tôi. Chồng Tekla là giáo sư Ion Sfecla dạy đồ hoạ ở Trường Mỹ thuật quốc gia Moldova, Tekla là cán bộ nghiên cứu Viện Hoá hợp chất tự nhiên Viện Hàn lâm, hai con gái đều tốt nghiệp đại học ở Bucareste (Iulia tốt nghiệp hạng ưu Trường ĐH mỹ thuật Bucareste vẽ tranh các Thánh, Viorica có bằng master của ĐH báo chí Bucareste). Gia đình bạn tôi tồn tại một cách chật vật trong điều kiện hiện nay. Họ không dám đăng ký dùng hệ thống nước nóng thành phố, điện thoại chỉ gọi được trong Kisinhôp, ăn uống rất tằn tiện. Với tiền lương hưu 100$/tháng không đủ chi tiêu nên Tekla vẫn tiếp tục đi làm ở Viện về đề tài isomer mong có thêm thu nhập, nhưng 4 tháng nay Viện không có tiền để trả lương cho cán bộ. Cả hàm răng trên của Tekla chỉ còn có độc một cái răng, má hóp lại. Tekla đã gày lại càng gày thêm vì không ăn được. Nhưng với thu nhập ít ỏi như vậy thì bạn tôi đào đâu ra tiền để làm “bộ nhai” cơ chứ!
Còn bao nhiêu gia đình khác tồn tại “lắc lư” như gia đình bạn tôi ở xứ Moldova này?
Đoàn “về nguồn” của chúng ta chỉ ở Kisinhôp vỏn vẹn có 4 ngày nhưng phần nào cũng thấy được cảnh sống khó khăn của các giáo sư, nói rộng ra là của dân chúng Moldavia ngày nay. Lỗi này là do ai? Không ai khác ngoài những nhà lãnh đạo đất nước, hay phải chăng là do câu chuyện tiếu lâm kể ở phần đầu bài viết mà lời nguyền cuả nó chưa được giải cho mảnh đất nhỏ bé Moldova ?
* * *
Phải công nhận cô đại sứ Bùi Thanh Huyền cuả hội KGU chúng ta có tài tổ chức đâu ra đấy. Xe đón, xe đưa, giờ giấc cứ như bấm nút tự động. Cái đáng ngạc nhiên là cả đoàn rất kỷ luật, không như thời sinh viên. Thời xưa tôi « chung thân » bỏ tiết đầu (para) vì không quen dậy sớm, còn Bình « khàn » thì tứ thời đi muộn. Nhìn lại hoá ra ở tuổi U60 chúng tôi lại tiến bộ bội phần so với thời trẻ trung. Thật đáng khen !
Lễ kỷ niệm 65 thành lập Trường KGU (nay là SUM) được tổ chức tại Nhà hát ca kịch và balê Chisinău trên đại lộ Stêfan Đại đế. Lũ đàn bà con gái chúng tôi đóng bộ xiêm áo dân tộc cho nổi bật bản sắc đất nước hình chữ S. Chúng tôi chiếm hẳn hai hàng ghế giữa hội trường, không lẫn vào đâu được. Ông quyền Tổng thống Moldova Marian Lupu cũng như rất nhiều đại biểu các trường ở Liên Xô cũ và ngoại quốc lên chúc mừng, trao tặng phẩm cho ông hiệu trưởng SUM George Ciocanu.
Đoàn ta được giới thiệu cuối cùng trong tiếng vỗ tay rào rào hưởng ứng của mọi người. Chúng tôi đứng bật dậy trong sắc màu rực rỡ của những tà áo dài Việt Nam, nhiệt liệt chúc mừng Trường ta 65 tuổi. Chúng tôi những cựu sinh viên của trường đã vượt một quãng đường dài hàng ngàn kilômét trở về đây, bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với các thày cô giáo và nhà trường, nơi đã dạy dỗ và đào tạo 616 sinh viên, nghiên cứu sinh, thực tập sinh Việt Nam, đã trang bị cho chúng tôi những kiến thức và tư duy khoa học để bước vào đời. Nay chúng tôi trở về để cùng ôn lại những tháng năm tuổi trẻ, hồi tưởng lại những ước mơ, hoài bão xa xưa và bày tỏ niềm thương tiếc khôn nguôi với những thày cô đã vĩnh viễn ra đi mà không bao giờ chúng tôi còn có dịp gặp lại.
Bà Vân tham tán Sứ quán Việt Nam tại Ukraina và Moldova phát biểu ca ngợi công lao to lớn của nhà trường đã đào tạo bao thế hệ sinh viên Việt Nam và thay mặt chính phủ ta trao tặng Huân chương Hữu nghị cho nhà trường và Kỷ niệm chương cho các thày hiệu trưởng KGU, SUM và thày Pusniak - trưởng khoa Ngoại quốc. Bà Vân đọc diễn văn rất dõng dạc nhưng đến chỗ « quốc hồn, quốc túy » nhất thì « nại bị nộn ». Trường ta là ĐH tổng hợp Kisinhốp thì « nại nộn nà » Kiev, mặc dù bà tham tán có sửa lại ngay, nhưng đã làm mất đi sự nghiêm túc của bài diễn văn. Không biết mọi người có cảm giác ra sao, chứ riêng tôi thì tức « nộn mề gà ». Rất tiếc là Xuân Thanh lúc đó không có mặt ở đó để có thể lên tiếng nhắc nhở đồng nghiệp về thiếu sót ngoại giao không thể chấp nhận này.
Sau phát biểu cuả bà tham tán là tiếp đến đại diện của đoàn Việt Nam Bùi Quang Ngọc. Ngọc đã thay mặt chúng tôi chúc mừng nhà trường nhân dịp 65 năm ngày thành lập, cũng như bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc, tình cảm và đạo lý « tôn sư trọng đạo », « uống nước nhớ nguồn » của người Việt Nam với thày cô giáo, với nhà trường… Bài diễn văn của Ngọc đã gây xúc động toàn thể hội trường, nhiều lần bị ngắt đoạn bởi những tràng vỗ tay nồng nhiệt kéo dài. Nước mắt tôi cứ chảy hoài trên má, không cầm được vì từng câu, từng chữ của Ngọc đã thể hiện đúng những gì mà ta muốn bộc bạch ở nơi đây, cũng như gợi trong ta niềm tiếc nuối khôn nguôi về một quãng đời tươi đẹp trôi qua mà không cách gì lấy lại được.
Cảm ơn em đã cho tôi có được cảm giác xúc động đến tột cùng!
* * *
Đoàn « về nguồn » chúng tôi đã được nếm bữa ăn sinh viên vào buổi trưa trong nhà ăn của trường còn đến tối được Đại sứ KGU Thanh Huyền mời tới nhà riêng dùng cơm thân mật.
Đúng là một gia đình hiếu khách ! Cả nhà Huyền ra tiếp đón chúng tôi kể cả bố, mẹ, em trai, em dâu, bé Trà Hương chỉ thiếu Kỳ - phu quân cuả Huyền đang đi công tác và Diệu Hương con gái lớn đang học ở Thụy sĩ.
Chúng tôi cảm giác như được trở về nhà vì toàn « quân ta » với nhau. Đoàn được bổ xung thêm 3 chiến sĩ : hai em bay từ Moskva xuống và Xuân Thanh (Luật 80) bay từ Franfürt sang. Chúng tôi vừa ăn uống vừa hàn huyên đến tận khuya. Trước khi về hotel HT Ngọc còn bắt cả đoàn tập hát lại bài « Mùa xuân ở nơi đầy nắng » để ngày mai biểu diễn. Có lẽ vì phê rượu Moldova và bữa ăn thịnh soạn đã làm « căng da bụng, chùng da mắt » nên mọi người hát uể oải, chuệch choạc. Ngọc ta lo ra mặt và phải thốt lên: « Chúa sẽ phù hộ cho chúng ta hát tốt ngày mai !». Còn tôi thì biết chắc hôm sau mình sẽ ngáp gió trong dàn đồng ca ấy vì lời không thuộc mà nhạc cũng rứa, nhưng sẽ đứng vào đó cho nó đẹp đội hình.
Sau khi ăn no say tại nhà Huyền-Kỳ
Chúng tôi gặp lại các thày cô giáo cũ ở khoa, hoặc đến thăm họ tại nhà riêng cũng như tiếp xúc với những ai còn có thể đến dự được buổi gặp gỡ thày trò ở Dom Vino.
Dân Hóa chúng tôi trước tiên về lại khoa gặp bà giáo dạy Hóa keo của mình tại phòng 204 Tsưpliakova V.A ( biệt danh là bà Ngựa vì có thói quen nói nhanh, đi nhanh). Đinh Thị Vinh là học trõ cũ của bà đã có mặt ở đây rồi. Tôi giật thót mình khi ôm lấy bà, phía sau lưng, cột sống bà cong lên toàn xương xẩu. Bà gày đến mức tới hạn, không thể gày hơn. Mắt tôi cứ thế nhoà đi. Mọi người vây lấy bà, ai nấy mắt đỏ hoe thương cảm. Bà đang bị căn bệnh hiểm nghèo ung thư hành hạ nhưng vẫn cố tới đây để gặp chúng tôi. Để làm không khí bớt não nề bà nghĩ ngay ra trò hỏi và trả thi như ngày xưa. Thế là từng đứa một lại ngồi vào bàn đối diện với cô giáo và mấy cái máy ảnh lại đua nhau chớp lia chớp liạ. Bà cho tất cả sinh viên trả thi hôm nay điểm 5 vì tấm lòng vàng của chúng đối với thày cô giáo không đổi thay, bền vững với thời gian năm tháng, bởi bà đã dạy cho chúng biết rằng lớp mạ nào dù đẹp mấy rồi cũng bị ăn mòn do môi trường xâm thực.
Còn chúng thì biết rõ, chỉ có tình cảm chân thành giữa con người mới bền vững dài lâu, chứ mọi sự đánh bóng mạ kền bản thân, cũng như thói đạo đức giả nấp dưới bất kỳ hình thức hoa mỹ nào trước sau rồi cũng bị phơi bày. Chúng tôi còn tới thăm bà một lần nữa tại nhà riêng và em Vinh « ngựa con » hiếu thảo đã hai đêm kệ tôi một mình trong căn phòng 305 ở hotel Jumbo để tới chăm sóc và an ủi bà giáo mình .
Chúng tôi cũng gặp lại bà giáo Tudorianu (Hóa Lý), ông giáo Pogrebnoj (Hoá Hưũ cơ). Ngày xưa cô Tudorianu xinh đẹp và trẻ nhất bộ môn Hoá Lý thế mà bây giờ yếu nhiều, đi phải chống gậy. Cô rất vui gặp lại chúng tôi, nhận quà của học trò là chị Liên (Hoá 75) gửi chị Bích Chi mang sang. Cả bọn lại chụp ảnh chung với cô. Cô và bà Ngựa không được khoẻ nên sẽ không có mặt trong buổi gặp gỡ thày trò ở Dom Vino.
Các học trò khoa Hóa cùng 2 cô giáo Hóa Lý
Thày Pogrebnoj kể chúng tôi nghe ai còn ai mất ở bộ môn Hóa Hữu cơ. Thày Sur hồi xưa là Chủ nhiệm bộ môn đã sang Mỹ sống từ năm 1986 và mới mất cách đây mấy năm, thày rất thọ, sống trên 90 tuổi vì thày sinh năm 1912. Thày Ivanov cũng đã ra đi mãi mãi rồi. Người cũ ở bộ môn này chỉ còn lại hai thày Barbă và Pogrebnoj. Chúng tôi chụp ảnh lưu niệm với thày, biếu thày quà của hội KGU và xin địa chỉ để tiện phần liên lạc.
Bộ môn Hoá Vô cơ chỉ còn lại mỗi bà giáo Samus là người cũ, còn những người khác đã ra đi mãi mãi như các bà Xưrtcova, Nazarova, thày Gerbêley, còn thày Bavưkhin đã chuyển lên Moskva. Thày Migal, Xưtrôv (Hóa Lý), Gorodetski, Isaak và thày Bardin - Trưởng khoa Hóa cũng không còn. Bà Chủ nhiệm bộ môn Hoá Phân tích Polotebnova N. A. cũng đã đi xa.
Tôi còn nhớ như in hình ảnh bà Nazarova L.V ngày 02 tháng Năm 1975 đã ôm lấy tôi chúc mừng chiến tranh đã kết thúc tại Việt Nam và dân tộc nhỏ bé đã thắng Mỹ (30 tháng Tư 1975), còn tôi lúc ấy đã thổn thức khóc trong vòng tay bà và lắp bắp nói lời cảm ơn. Làm sao mà kể hết những tấm lòng nhân ái của các thày cô giáo KGU đối với sinh viên Việt Nam ! Cũng chính vì vậy làm sao chúng ta có thể quên được họ, những con người cao quí và nhân hậu nhưng hết sức giản dị và chân thành ấy !
Riêng tôi hai lần đến thăm bà giáo dạy Hóa Phân tích Gontrarenko Vêra Pavlovna. Lần đầu đi với đoàn Việt Nam, lần sau đi với nhóm bạn Nga của mình. Lần nào tôi cũng không cầm được nước mắt vì thương cảm. Bà bị tai biến mạch máu não mấy năm nay, chỉ có thể di chuyển rất khó khăn trong nhà nhờ gậy chống. Bao giờ học sinh tới bà cũng phủ đầy bàn kẹo bánh và hoa quả. Tôi mới biết lương hưu của bà chỉ khoảng 40E/tháng, không đủ để tồn tại. Nhưng may mắn bà có thằng cháu nội làm việc ở NaUy vẫn trợ giúp bà, còn bọn bạn Nga lớp tôi cũng hay tới thăm, an ủi và giúp bà làm các công việc nặng. Lúc chia tay với bà tôi khóc ghê quá vì cảm giác bỏ bà lại một mình ốm đau, bệnh tật trong tĩnh lặng cô đơn. Bà lại quay ra dỗ tôi, bảo tôi phải vui chứ vì đã gặp lại nhau sau bao nhiêu năm… Bà gửi tôi mang về Việt Nam một lô bưu ảnh Kisinhôp cho những học sinh cũ. Cầu mong cho sức khoẻ bà khá hơn để sang năm tôi quay lại đây còn được gặp bà.
Ôi, tuổi già và bệnh tật đến với tất cả mọi người, không loại trừ ai ! Bà giáo Vêra dịu dàng, hiền hậu cũng phải chịu chung qui luật đó của đời người.
Cô Vera và các học trò tại nhà riêng
Cuộc gặp gỡ thày trò diễn ra tại Dom Vino gần hồ Kômsômôn trong một khu vườn um tùm cây cối. Cô đại sứ bé nhỏ KGU đã chuẩn bị chu đáo, đặt tiệc và sắp xếp các bàn ăn theo từng khoa, thuê cả dàn nhạc sống hát những bài hát mà ngày xưa chúng ta từng yêu thích. Huyền làm MC rất duyên dáng, bật tanh tách tiếng Nga, xứng đáng làm đại diện cho hội cựu sinh viên Việt Nam tại đất này.
Chúng tôi đã gặp lại một số thày cô giáo cũ của mình thuộc các khoa Toán, Lý, Hoá, Sinh vật, Luật và khoa dự bị tiếng Nga. HT Ngọc đọc diễn văn kèm theo hình ảnh video chiếu lên màn hình để minh hoạ. Rồi sau đó đến màn trình diễn cuả đoàn Việt Nam. Đúng là Chúa đã phù hộ cho chúng tôi hát rất đều và chuẩn cả lời Việt lẫn lời Nga nên được hoan hô nhiệt liệt.
Đoàn khoa Hóa với các Thầy, Cô tại Dom Vino
Tôi và anh Vũ Chu Hiền ngồi tiếp chuyện bà Samus N. M., giáo sư môn Hóa Vô cơ. Bà là một trong những gương mặt tiêu biểu của phụ nữ Châu Âu làm khoa học và vì đóng góp không nhỏ của bà cho sự nghiệp đào tạo và nghiên cứu khoa học bà đã được trao tặng huy chương danh dự của nước Cộng hòa Moldova. Tuy đã ngoài 80 tuổi nhưng bà vẫn còn giữ được những nép đẹp từ thời trẻ. Bà rất đau buồn vì chồng bà mới mất cách đây 1 năm. Trong các câu chuyện bà luôn nhắc về người bạn đời của mình rồi lại khóc, trông rất tội nghiệp. Ngày xưa khi dạy chúng tôi bà nghiêm lắm…
Trong lúc Bùi Quang Ngọc đang thao thao về bức ảnh được bình chọn đẹp nhất năm là cảnh vợ chồng thày Arcadi chụp ở Vịnh Hạ Long, thì em Vinh (Hóa 77) chạy tới bên tôi cầu cứu : « Chị ơi, thày Pusniak trạnh lòng vì vợ thày mới mất. Thày lôi ảnh vợ ra, rồi khóc ghê quá. Chị làm sao dỗ thày hộ em ». Tôi chạy tới ôm choàng lấy thày và khen tấm ảnh chụp đôi vợ chồng thày rất đẹp. Thày nói hôm nay là tròn 1 năm ngày vợ thày ra đi và họ đã chung sống với nhau suốt 56 năm, bây giờ thày còn lại mỗi một mình. Nói xong thày lại khóc. Tôi nói thày đau buồn mấy cô cũng không sống lại được, mà điều đó ảnh hưởng tới sức khỏe rất nhiều. Cô cũng không muốn thày ốm đau đâu. Thày gật đầu nhưng mắt vẫn ngấn lệ. May quá, đến lúc đó mọi người ào đến vây quanh thày, nên thày thôi không khóc nữa. Sinh viên chúng ta ai mà chẳng yêu quí thày Pusniak vì thày là Trưởng khoa ngoại quốc, rất quan tâm đến chúng ta, hơn nữa thày lại rất hiền…Thày dạy Hóa Lý chúng tôi và là giáo sư hướng dẫn 2 sinh viên ngoại quốc năm tôi là Sơn TM và Karin (Đức).
Thao va Thay Pusnhac
So với thày Hiệu trưởng KGU Melnik thày Pusniak về mặt thể chất mặc dù có khoẻ hơn vì còn đi lại được, nhưng về tinh thần thì kém xa. Thày Melnik được sống trong sự chăm sóc và thương yêu đầy đủ của vợ con, tuy chỉ đi lại được trong nhà nhưng thày vẫn hóm hỉnh trò chuyện với chúng tôi. Thày Pusniak và cô Samus đều đau khổ mất người bạn đời nên tinh thần rất sa sút. Trạng thái mất cân bằng về tinh thần này rất nguy hiểm, nếu không thoát nhanh ra khỏi nó thì hậu quả thật khó lường. Tôi đã chứng kiến biết bao trường hợp những cặp vợ chồng không thể sống thiếu nhau. Nếu một trong hai ra đi trước, người còn lại do đau buồn quá mà sinh bệnh, rồi cũng sớm đi theo người kia. Trường hợp gia đình giáo sư Polotebnova N. A. Chủ nhiệm bộ môn Hóa Phân tích là một thí dụ điển hình. Sau khi bà mất, ông chồng bà không sống nổi quá 2 tháng. Người con gái khiếm thị của họ được người thân đón lên Moskva cũng ra đi chưa đầy 6 tháng sau.
Tôi ngồi ăn cùng bàn với hai giáo sư Hoá Phân tích Furtuna L. A. và Krachun S. V. Nhớ hồi học kỳ I năm thứ 2, bà Krachun phụ trách thí nghiệm nhóm tôi về Phân tích định tính. Bà vốn hay « sở lượn » nên có biệt danh là Hoa thơm bướm lượn. Có lần, nhân lúc bà lượn ra khỏi phòng thí nghiệm quên mang theo sổ ghi chép, bọn Nga phái ngay tôi ra cửa canh chừng để nháy cho chúng biết khi nào bà về, còn chúng thì ngó trộm vào sổ xem bà đã cho những anion, cation nào vào dung dịch của từng đứa. Kết quả là tất cả chúng tôi hôm đó đều được điểm 5 thực nghiệm và lại được bà Krachun khen nữa chứ. Tôi bấm bụng nhịn cười, còn bọn Nga thì mặt mũi cứ tỉnh bơ. Đúng là nhất quỉ, nhì ma, thứ ba là… chúng tôi đây !
Chúng tôi tặng các thày cô giáo kỷ niệm chương, quà lưu niệm và chụp ảnh chung với họ theo từng khoa. Ông hiệu trưởng và các thày cô giáo thay nhau phát biểu, bộc lộ tình cảm quí mến và ca ngợi tinh thần « tôn sư trọng đạo » của sinh viên ta, nhất là các thày cô đã từng đến Việt Nam. Họ kể lại say sưa câu chuyện « thực mà như mơ » của họ về những ngày thăm quan Việt Nam - quê hương của những học sinh mình. Thật là cảm động và đầy ân tình !
Hóa ra ông hiệu trưởng đương nhiệm SUM George Ciocanu là bằng tuổi tôi và trước đây học khoa Toán. Ông nói có khi chúng tôi đã từng chạm trán với nhau ở sảnh đường trước cửa thư viện. Tôi nói điều đó rất có thể xảy ra vì khoa Hóa và khoa Toán nằm cùng trên một tầng, đối diện nhau ở hai đầu hành lang…
Tôi chạy tới chỗ thày Arcadi hỏi thăm tin tức về bà giáo Xưtrôva V. A. dạy tôi Nga văn năm dự bị. Thày vui vẻ nói với tôi là có lần thày đã đến thăm bà giáo tôi tại nhà riêng, nhưng cách đây cũng lâu rồi. Thày giở sổ ra tìm địa chỉ và số điện thoại của bà nhưng không thấy, liền đi tìm gặp cô Irina. Thày quay lại báo cho tôi biết là bà giáo tôi đã mất cách đây 1 năm. Tôi choáng váng, chỉ kịp cảm ơn thày rồi lao thẳng tới chỗ cô Irina hỏi lại, có thật hay không là bà giáo Xưtrôva của tôi đã không còn trên cõi đời này. Cô Irina xác nhận một lần nữa thông tin trên. Nước mắt tôi cứ chực ứa ra. Tôi nhìn xung quanh thấy mọi người ai nấy đang hớn hở theo dõi bài hát hài « Sultan và các bà vợ » do « quân ta » hoá trang đóng minh họa. Tôi nghĩ phải rời chốn ồn ào, vui vẻ này để tìm nơi gặm nhấm nỗi buồn riêng của mình.
* * *
Bên ngoài không khí trong lành, cây cối lấp lánh dưới nắng thu vàng, nhưng ngắm nhìn chúng tôi lại thấy lòng buồn tê tái. Giá như tôi trở về đây chỉ cần sớm trước một năm, tôi đã có thể gặp lại bà giáo tôi rồi. Sao tôi có thể để đến 35 năm sau mới quay về chốn cũ ? Sự trở về muộn màng đó làm tôi ân hận đến xót xa. Ông giáo hướng dẫn tôi làm luận án tốt nghiệp Popa D. P. ở Viện Hàn lâm khoa học đã mất cách đây 10 năm vì tai nạn giao thông. Bà vợ ông cũng cũng chuyển lên Pêter (Saint Peterburg) ở cùng với con gái từ mấy năm nay. Tới giờ tôi mới về lại đây thì đã quá muộn !
Thời gian trôi tựa chim bay ! Mới ngày nào tôi còn là một con bé con 17 tuổi, gày gò, ngơ ngác đáp tàu liên vận sang Liên Xô (Moldavia) học đại học, mà giờ đây tôi đã ngót nghét 60, ở cái tuổi ngắm nhìn hoàng hôn của cuộc đời.
Người thày đầu tiên của tôi trên mảnh đất Châu Âu xa lạ chính là bà giáo dạy Nga văn Xưtrôva Valentina Arxenhievna. Chỉ sau có 9 tháng từ một con bé không biết “một chữ bẻ đôi” tiếng Nga (cấp 3 tôi học Trung văn) tôi đã có thể ngồi nghe giảng chung với sinh viên Nga, tiếp thu kiến thức khoa học do các giáo sư truyền thụ bằng tiếng Nga. Điều kỳ diệu đó có được là nhờ phương pháp sư phạm tuyệt vời và tấm lòng tận tụy với học sinh của bà giáo dạy Nga văn. Bà không những dạy chúng tôi ngôn ngữ của các đại văn hào Tolstoi, Dostoievski, Turguênev, Tchekhov, Kuprin…mà còn mở ra cho chúng tôi thấy một chân trời mới mẻ, đầy hấp dẫn: Đó là hội họa và âm nhạc.
Sau này, mỗi lần ngắm các bức tranh trong các bảo tàng mà tôi có dịp thăm quan, tôi cũng đều liên tưởng đến những lời nhận xét và bình phẩm về hội họa của bà giáo mình. Bà đã gợi ý cho chúng tôi đánh giá một tác phẩm hội họa, thấy được ý đồ mà tác giả muốn thể hiện trong bối cảnh xã hội lúc bấy giờ. Khi xem tranh bao giờ tôi cũng thấy thấp thoáng hình bóng bà Xưtrôva, người đã gieo những hạt giống đầu tiên trong tôi lòng say mê nghệ thuật hội họa.
Bà đã từng kể cho chúng tôi nghe về những họa sĩ Nga tài ba ở cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX đã từ chối các giải thưởng của Viện Hàn lâm mỹ thuật, cùng nhau thể hiện chân thực, sinh động cuộc sống và ước mơ của quần chúng lao động, tạo ra một trường phái mới về hội họa và hợp thành “ nhóm họa sĩ lưu động”. Họ bao gồm Rêpin, Sưskin, Vasnetsov, Aivazovski, Kramskoi, Kharlamor…Bà giảng giải và chỉ dẫn cho chúng tôi xem những bức tranh tuyệt vời cuả các hoạ sĩ đó. Tôi còn nhớ những bức họa đầy ấn tượng của họ như “Những người kéo thuyền trên sông Volga”, “Ivan khủng khiếp” (Rêpin), “Ba chàng hảo hán”, “Ivan Ngu ngốc” (Vasnetsov), “Buổi sáng trong rừng thông”, “Mưa trong rừng sồi” (Sưskin), “Sóng thần”, “Sóng” ( Aivazovski)…
Bà dẫn chúng tôi đi xem balê vở “Cô mai lọ lem”, dạy chúng tôi tác phong lịch sự khi vào nhà hát tìm số ghế của mình là phải quay mặt vào những người ngồi trong hàng ghế đó, xin lỗi họ để len vào chỗ mình tìm. Bà cho chúng tôi nghe nhạc cổ điển của Traicovski và Glinka, chỉ cho chúng tôi sự sáng tạo của nhà soạn nhạc thiên tài Traicovski đã đưa giai điệu dân ca Nga vào Bản giao hưởng số 6 của ông ta…Chúng tôi cứ vỡ dần ra khi nghe bà giảng giải về cấu trúc của một bản giao hưởng.
Tôi đứng đây hồi tưởng miên man về bà giáo Nga văn của mình. Thời đó, tôi còn trẻ lắm nên thích tranh cãi với bà về bất cứ chuyện gì, đến nỗi bà bảo tôi sao không đi học Luật mà lại học Hóa.Thế là tôi đổ tội ngay cho Bộ đại học nước ta là gà mờ không sáng suốt, rồi sau đó lại nói không thích nghề luật sư vì không thích “đổi trắng thay đen”.
Bình thường tôi hay toe toét, nhưng có lúc lại nhăn nhó, cau có. Bà bảo tôi đừng làm như thế rất chóng già. Tôi cãi phăng là tôi đang muốn già đây vì thích được người đời tôn trọng, bà chả dạy là phải tôn trọng người già là gì, lên xe phải nhường ghế cho họ. Bà nhìn tôi bật cười và nói rằng tuổi già chẳng loại trừ ai, sẽ tới lúc tôi phải già và lúc đó sẽ hối tiếc biết bao thời còn trẻ… Vâng, đến bây giờ thì tôi biết rõ tuổi già là thế nào rồi! Nó gắn liền với bệnh tật, ốm đau và xấu xí. Tôi còn tranh luận rất hăng với bà về cách tạo “danh từ” từ “tính từ” trong tiếng Nga. Một thí dụ nhỏ về chuyện này: Tôi luôn đặt câu hỏi tại sao từ “tính từ” необходимый danh từ được tạo thành là необходимость, mà từ удобный lại ra danh từ là удобство, chứ không phải là удобность…Như thế là tiếng Nga không logic. Bà bảo đừng có tìm logic trong ngôn ngữ. Bà lấy biết bao thí dụ để chứng minh điều đó; còn tôi thì cố cãi chày cối với bà. Rồi đến một hôm bà tới lớp buồn bã nói với tôi rằng, do tranh luận với tôi quá nhiều nên về nhà bà đã dùng từ удобность với chồng làm chồng bà giật mình kinh ngạc. Thế mới biết khi tuyên truyền nhồi sọ, chỉ cần nói ra rả, tác động vào thần kinh con người thì điều đó sẽ đi vào tiềm thức. Đó thật sự là một điều vô cùng nguy hại vì do tuyên truyền mà những điều sai trái không đúng sự thật lại được đinh ninh là đúng đắn. Vì thế chúng ta phải luôn luôn cảnh giác trong việc xử lý các thông tin trong xã hội ngày nay.
Tôi còn nhớ cuối năm học dự bị ai cũng phải viết một bài luận “ sáng tác” về chủ đề tự chọn. Tôi đã viết về Tổ quốc Việt Nam của tôi với mở đầu là lời bài hát Nga “ Tổ quốc bắt đầu từ đâu?”. Có lẽ bài luận dài 10 trang đó đã là niềm tự hào về thành quả giảng dạy của bà giáo tôi. Bà đã ôm lấy tôi khen ngợi hết lời, làm tôi phát ngượng. Bà còn mang nó đi khoe khắp nơi, với các bà giáo khác về học sinh mình…
Không thể kể hết những gì tôi đã tiếp thu từ bà giáo Nga văn Xưtrôva trong cái năm dự bị xa xôi ấy, những điều đã góp phần hình thành nên con người tôi bây giờ. Tôi yêu ngôn ngữ văn học Nga qua bà, tôi hiểu biết phong tục tập quán dân tộc Nga, tôi văn minh lên và hoà nhập vào cộng đồng Châu Âu nhờ những kiến thức mà bà truyền thụ từ thời xa xưa ấy.
Bà giáo tôi đã ra đi thật rồi! Trên cõi đời này tôi không còn cơ hội gặp lại bà để ôm hôn bà và nói lời biết ơn chân thành nhất. Nhưng tôi muốn tin vào sự tồn tại của một thế giới khác sau cái chết hay sự hiện hữu của những linh hồn. Tôi muốn lúc này đây có được sự thần giao cách cảm giữa tôi và linh hồn bà giáo Xưtrôva của tôi.
- Em đang ở đây, ở Kisinhôp sau 35 năm xa cách và em đang nhớ tới cô - người thày đầu tiên của em! Valentina Arxenhievna!
Hãy tha thứ cho em vì sự trở về quá muộn màng này và cho em bày tỏ lòng biết ơn vô hạn vì những gì cô đã làm cho những đứa trẻ Việt Nam như em trong những ngày đầu bỡ ngỡ xa nhà mới tới Kisinhôp, cô đã yêu chúng em như con, dạy cho chúng em ngôn ngữ Nga tuyệt tác, như trao cho chúng em chiếc chìa khóa mở vào kho trí tuệ của loài người. Em không bao giờ quên cô, cô Valentina Arxenhievna kính yêu của em ơi!

Я снова здесь в Кишинёве, после 35 лет. И здесь я Вас вспоминаю, мою первую преподавательницу.

Валентина Арсеньевна! Простите меня, пожалуйста, за то, что я вернулась сюда слишком поздно и опоздала на встречу с Вами, не смогла с Вами увидеться. Я хотела бы Вам выразить мою беспредельную признательность за то, что Вы оказали огромную помощь нам-Вашим бывшим студентам в самые первые дни, когда мы толькo что приехали в Кишинёв, заботились о нас как о своих детях и за то, что Вы научили нам русскому языку, как будто вручили нам ключ сокровища знаний человечества. Я Вас не забуду никогда!



Người post: ThaoDP

Ngày đăng: 10-02-2012 11:11






Xem 11 - 14 của tổng số 14 Comments


<< Đầu tiên  < Trước đó | Trang:  1 | 2 |

Từ: PhuND
10/02/2012 20:08:56

Phư là một trong những người chưa về nguồn cảm ơn Chị ThảoĐP. Những cảm xúc hình như đã kịp lắng lại nên Bài viết tha thiết và thật sự lôi cuốn. Cũng có nhiều điều buộc người đọc phải suy nghĩ... về mình hơn và về đời!



Từ: HanhLM
10/02/2012 17:43:46

Cám ơn chị Thảo đã dẫn em trở lại Kisinhop một lần nữa, sau hơn 4 tháng kể từ ngày "Rồi đến ngày nói lời chia tay/ Rồi đến phút rời xa chốn này/ Còn muốn đó đây đi mãi/ Bâng khuâng bồi hồi lòng đắm say...".


Quả thật, chị có tâm hồn thật sâu lắng (khác hẳn với vẻ ngoài "ồn ã" của mình) và trí nhớ tuyệt vời. Em luôn ngóng chờ những bài viết của chị, để mà cười, khóc và suy ngẫm.



Từ: BinhLT78
10/02/2012 16:07:47

Chị Thảo ơi, em đọc một hơi bài viết của chị, nước mắt tuôn tràn.. . Các chị về nguồn đã lâu nhưng bây giờ mới nghe những tình tiết quá xúc động như vậy. Tình cảm của các chị với các thầy cô cũng như chúng em. .. nó vừa sâu đậm, vừa ân hận và nuối tiếc vì những gì chúng ta đã làm, chưa làm hoặc không kịp làm. ..để rồi cứ thế ôm theo suốt cuộc đời... Em cũng có những cảm xúc như chị khi về lại Ki si nhốp năm 2009.Thật buồn cười khi đọc đoạn chị "tranh luận" với bà giáo tiếng nga về ngữ pháp tiếng nga, .Em hình dung ra hình ảnh lúc chị tranh luận như thế nào... Chị đúng là một cô học trò "thông minh và bướng bỉnh"... Các ông bà giáo thật là rộng lượng, nhân hậu và kiên trì dạy dỗ chúng ta. Thích nhất là chị tả đặc điểm các ông bà giáo khoa hóa  và xuất sứ của "nick name", em mới hiểu ý nghĩa của tên gọi chứ lúc trước lại nghĩ khác: hoa thơm bướm lượn, bà ngựa ...Chị lại làm em nhớ lại những giờ học tiếng nga quả là đã cho chúng ta bao nhiêu kiến thức về văn học, hội họa...hiểu biết về các họa sĩ nổi tiếng,  đối với em đó là vốn cơ bản duy nhất có được cho đến tận bây giờ. Chi lại viết nữa đi nhé, cho chúng em được "gặm nhắm" cảm xúc về một " thời xa vắng" ...



Từ: HienVC
10/02/2012 11:41:49

С интересом читал твою запись, спасибо но пиши еще .
Валентина Арсеньевна тебя простит объязательl 5;о.




<< Đầu tiên  < Trước đó | Trang:  1 | 2 |

Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7170
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s