HOA MẶT TRỜI
Tác giả: Meomun
(Tặng bé Sao Mai, con gái anh Hoàng Minh Châu, thay một lời cám ơn và lòng ngưỡng mộ)
Mùa hè năm ngoái, tôi đi biển nhiều lần nhưng cái khu nghỉ dưỡng (mà người ta vẫn quen gọi là resort) ở Mũi Né ấy là tôi có ấn tượng nhất. Tôi ngỡ ngàng khi được chiêm ngưỡng những tác phẩm hội họa, điêu khắc khá độc đáo và sắp xếp tinh tế ngay từ khi bước vào sảnh chờ, rồi trong khuôn viên resort, trong hành lang và trong phòng ở của mình. Tranh ở đây không như Vinpearl Đà Nẵng và Vinpearl Nha Trang, nơi chỉ treo rặt một thứ tranh hàng chợ, tranh nào cũng một kiểu vẽ về làng quê Việt Nam với nét vẽ dài dại của những tay thợ vẽ truyền thần phố huyện, vàng chóe màu lúa chín, xanh lè xanh lét bụi tre…
Hôm ấy, sau khi ăn trưa, như thông lệ trong chuyến đi chơi, mọi người trong đoàn (gồm 4 gia đình) đều tụ tập trong phòng tôi, trẻ con thì bu quanh cái ipad, còn người lớn thì kẻ xem ti vi, người đang gọi điện về nhà, tất cả đều ồn ào rôm rả. Còn tôi, tôi nằm dựa vào cái gối cao, lặng lẽ ngắm nhìn những bức tranh treo trên tường. Ba bức tranh treo trong phòng tôi là của ba họa sĩ Việt Nam đương đại, chưa nổi tiếng lắm nhưng cũng không phải là vô danh. Đến bây giờ tôi đã quên hai bức còn lại, bởi vì trong đầu óc tôi lúc đó chỉ choáng ngợp hình ảnh trong bức tranh ấy. Một con cá choán gần hết chiều rộng bức tranh, xơ xác nằm trên bờ cát trắng với cái đuôi, bộ vây cụp xuống, mỏi mệt và như kiệt sức. Có lẽ nó không còn đủ sức để lại nhào xuống làn nước biển ngay bên cạnh nó, nhưng mắt nó vẫn mở to, tia mắt vẫn còn đen, còn hình ảnh của sự sống. Có lẽ biển đang tiếp cho nó một sức mạnh. Tràn ngập trong bức tranh là những mảng màu xanh với nhiều cung bậc khác nhau, màu xanh lơ của nền trời, của làn nước biển chỗ đậm chỗ nhạt dường như nhìn thấy cả vài bọt sóng. Quanh nó, cuộc sống biển cả vẫn sôi động, đầy sức sống...
Cắt ngang những liên tưởng lan man, mặc kệ mọi người đang ngạc nhiên, tôi chồm dậy và chạy vội xuống phòng tiếp tân. Cô bé trực quầy trẻ măng ngơ ngác nhìn một bà U50 dáng vẻ quê mùa, chân còn xỏ dép đi trong phòng. Sau khi nghe tôi “đề đạt nguyện vọng” không giống ai, cô bé gọi chị quản lý. Chị quản lý kể cho tôi nghe về ông chủ resort, một người thuộc thế hệ 7x, một người đam mê hội họa và là nhà sưu tập tranh. Ông có nhiều bạn bè là họa sĩ, và những người bạn ấy trong kỳ nghỉ tại resort đã vẽ tranh cho resort, cái thì tặng, cái thì bán (hihi, có lẽ để trừ tiền lưu trú, tôi nghĩ), cho nên không bức nào trùng lặp với bức nào, tất cả đều là tranh gốc. Đối với ông, những bức tranh này còn là những kỉ niệm của bạn bè, ông đã thuộc từng bức tranh, thuộc vị trí treo từng bức. Chị kể cho tôi nghe mấy năm trước có chuyện mất tranh trong phòng, vì thông thường lúc khách trả phòng, nhân viên chỉ lo kiểm đếm các tài sản khác, mà quên không để ý tranh treo tường còn hay mất, lần đó mọi người chứng kiến cảnh mặt ông chủ hết chuyển từ màu đỏ sang màu xám còn mặt nhân viên thì xanh. Chắc thấy vẻ mặt “bi thảm” của tôi, chị cho tôi số điện thoại của ông chủ, bảo tôi có dịp nào đó thử nói chuyện với ông chủ xem sao.
Tôi cũng đã đánh liều nói chuyện với B, ông chủ resort. Cuộc nói chuyện không đi đến kết quả, vì lý do là ông không muốn bán kỉ niệm của bạn bè nhưng cũng để lại cho tôi một cảm giác nhẹ nhàng vì được lắng nghe và thông cảm. Đến bây giờ tôi cũng không hiểu sao nhiều lúc mình cũng khùng khùng điên điên kiểu ấy, vì nếu ông đồng ý bán mà “quát” giá cao thì tôi cũng chẳng biết làm thế nào nữa. Tôi chưa từng mua tranh và mặc dù có yêu nghệ thuật lắm nhưng mỗi khi so sánh một bức tranh với lương tháng là bao nhiêu đam mê trong tôi cụp lại, ngủ yên.
Lần mò trên mạng, tôi có email của họa sỹ C, tác giả bức tranh. Ông khá nổi tiếng trong thể loại tranh trừu tượng và tranh của ông đã được triển lãm ở một Galary ở nước ngoài. Tôi email cho ông, rụt rè tả lại bức tranh và hỏi ông có thể vẽ lại bức tranh ấy cho tôi không? Nhưng cuối email, như một sự mâu thuẫn, tôi lại bảo tôi thực sự cũng không muốn treo tranh vẽ lại, vì cảm thấy trong tranh vẽ lại ko còn thần thái của bản gốc…Tôi thất vọng khi thấy họa sĩ trả lời là bây giờ tranh đó không thuộc quyền sở hữu của ông, mà là của ông B, nên thực sự ông không có quyền.
Bẵng đi một thời gian, tôi nhận được cuộc điện thoại của họa sĩ C, nói rằng ông ấy đã thuyết phục ông chủ Resort bán bức tranh đó cho tôi với mức giá có thể chấp nhận được. Tôi vừa mừng vừa lo, lần đầu tiên mua tranh, mà lại mua hoàn toàn theo cảm tính, không biết giá như vậy có phải là phù hợp không? Qua bạn bè, tôi liên hệ với 1 cô bé học năm sau, cũng học LX về, cô bé hiểu biết về thị trường tranh Việt Nam rất khá, chuyên sưu tầm tranh của tác giả Hoàng Trầm và một số tác giả khác. Cô bé email cho tôi lời đánh giá của một họa sĩ khác về họa sĩ C: “- Nếu tranh của C mà giá dưới 1 ngàn là giá quá tốt, mà giá ấy là đối với tranh nhỏ thôi!” Quả đúng vậy thật, bức tranh “của tôi” có kích thước khá khiêm tốn.
Chờ mãi rồi cũng tới một ngày tôi nhận bức tranh, được đóng gói kĩ càng và chở về từ Mũi Né. Họa sĩ trao cho tôi bức chứng nhận tranh gốc, có chữ kí của ông và ảnh chụp bức tranh.
Họa sĩ bảo tôi là bức tranh đầu tiên mua được như một cơ duyên như thế sẽ mua được những bức khác trong tương lai. Tôi run run khi nâng bức tranh còn vương lớp bụi chưa lau chùi hết ở phía sau, cảm thấy từ bức tranh hơi gió biển mặn mòi, cả vị tanh của con cá, con cá tội nghiệp trên bãi biển của tôi. Chẳng hiểu những người khác có cảm nhận như tôi không, và tôi cũng không hỏi tác giả chủ định gì khi vẽ bức tranh ấy, nhưng sau này mỗi lần ngắm bức tranh, tôi vẫn thấy run rẩy một niềm sung sướng về bức tranh đầu tiên tôi mua. Họa sĩ còn mời tôi đến xem xưởng tranh của ông, cũng ở trong thành phố, nếu tôi thích bức nào thì ông sẽ bán với giá ưu tiên dành cho khách hàng Việt Nam. Giọng ông ưu tư: “- Nói thật với chị là bán được bức tranh nào cho người Việt Nam là tôi rất hạnh phúc, bởi tranh của các họa sĩ Việt Nam bây giờ hầu như chỉ bán cho “Tây”. Chúng tôi cũng xót lắm, khi thấy những bức tranh của các họa sĩ bậc thầy hiện bây giờ ra nước ngoài hầu hết…”
X x
X
Dịp tết dương lịch vừa qua, tôi được dự tiệc cuối năm của Hội KGU HCMC ở nhà anh Hoàng Minh Châu. Tình cờ tôi và một số anh chị được xem tranh của cháu Sao Mai, con gái anh. Tranh của cháu treo kín trên tường, xếp thành hàng ở trong phòng. Phải nói là mọi người đều rất ngạc nhiên và khâm phục, vì cháu còn nhỏ mà vẽ khá nhuyễn,bức tranh nào cũng rất sinh động cả màu sắc lẫn đường nét. Anh Châu cho biết là cháu vẽ khá nhiều và đã tặng tranh cho nhiều người. Tôi thì không dám xin tranh của cháu, mà hỏi cháu có bán tranh không, cháu thoáng chút ngỡ ngàng, đưa mắt nhìn bố. Tôi thêm vào, kiểu như mẹ mìn dụ trẻ con: “- Này, họa sĩ là phải bán được tranh mới là họa sĩ chứ! Cháu đừng tiếc, sau này cháu sẽ còn vẽ được những bức tranh đẹp hơn nữa…”
Ít lâu sau, anh Châu gọi điện, bảo cháu đồng ý bán rồi, thế cô Vân thích bức nào? Thế là chẳng hiểu sao giữa hàng mấy chục bức tranh của cháu, tôi chợt nhớ ra bức tranh “Ráng chiều” (có lẽ vì chủ đề hơi người lớn qua sự thể hiện của một đứa trẻ) với nền trời buổi chiều tà rực rỡ và bức "Hoa hướng dương".
Bức "hoa hướng dương" so với những bức khác thì tưởng chừng khá đơn giản về bố cục cũng như đường nét, một khung cửa sổ hé mở, hai bông hoa hướng dương cắm trong cái ly thủy tinh trong veo như muốn vươn ra ngoài cửa số…
Gần Tết, anh Châu đưa xe chở đến cho tôi hai bức tranh. Anh Châu bảo, cháu tính giá là thế này: “- Tiền làm khung phải trả cho mẹ, tiền vải, tiền màu… tổng cộng là … một bức, hai bức là …”. Nghe thấy giá tranh mà chỉ có bao gồm chi phí như vậy, tôi ngần ngại và hỏi anh Châu là muốn trả thêm có được không? Anh Châu lắc đầu, bảo: “- Anh chị vẫn để chúng nó tự “hạch toán” các khoản thu chi của mình. Nó đã tính như thế có nghĩa là ổn! À, đây là lần đầu tiên cháu có tiền từ bán tranh đấy, từ trước đến giờ tranh của cháu chỉ tặng thôi!”
Chắc cô bé xinh xắn, nhỏ nhắn ngồi bên giá vẽ, ngượng nghịu khi được mọi người xúm vào khen hôm nào ấy hẳn rất vui khi cầm trên tay những đồng tiền đầu tiên là thành quả lao động của mình. Tôi chợt nhớ đến hôm đến chơi nhà bạn ở Quận 2, nhớ ánh mắt bà giúp việc của bạn tôi rạng rỡ khi mọi người khen khi thưởng thức các món rau sạch mà bà kì công trồng khắp sân nhà, và cả sự tần ngần, luyến tiếc khi bà cắt rau cho vào những túi to, để tặng cho khách lúc ra về. Tôi cũng nhớ đến cái cảm giác lâng lâng thật khó tả của mình khi “tậu” được bức tranh đầu tiên.
Tôi còn ngạc nhiên và khâm phục hơn khi nghe anh Châu bảo: - Bức tranh mà cô Vân gọi là “hoa hướng dương” ấy, cháu đặt tên là “hoa mặt trời” cơ! Ý của cháu là hai bông hoa là bố và mẹ đấy! Với cháu, bố và mẹ lúc nào cũng như mặt trời.” Bé Sao Mai thật độc đáo khi có một hình ảnh rất đẹp và đầy cảm động về bố mẹ. Sau này, khi tôi treo bức tranh Hoa mặt trời của Sao Mai trong nhà, con gái tôi cũng rất thích bức tranh này, cháu còn "tán" theo: - Chị Sao Mai nghĩ giống con thế !!!
Rồi anh Châu lấy ra đưa cho tôi một tờ giấy trắng với nét chữ con nít tròn trặn, cẩn thận. Anh bảo: “- À cháu Sao Mai gửi cô giấy xác nhận này!” Tôi như đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Như một họa sĩ thực thụ, cô bé cũng issue cho khách hàng một tấm giấy xác nhận, với những câu chữ hết sức người lớn nhưng vẫn rất ngây thơ.
Chẳng biết sau này ngôi sao bé nhỏ của bố Châu, mẹ Mai có chọn nghiệp cầm cọ hay không, nhưng tôi vẫn mong dù làm bất cứ nghề gì khác thì cháu vẫn đam mê hội họa, vẫn tiếp tục vẽ. Tôi thầm chúc các cháu lớn lên sẽ thành công, vượt qua mọi thử thách của cuộc sống, vì bên cạnh các cháu luôn luôn có hai vầng mặt trời ấm áp, nâng bước, soi sáng mỗi bước đường đi của các cháu.
3/2012
Người post: VanNH
Ngày đăng: 25-03-2012 17:05
COMMENTS CỦA THÀNH VIÊN |
Xem 11 - 20 của tổng số 29 Comments
|
Tổng số bài và comment post theo từng khoa
Khoa | Bài viết | Comment |
Sinh | 563 | 9482 |
Lý | 387 | 2824 |
Hóa | 882 | 9765 |
Luật | 721 | 11647 |
Toán | 66 | 376 |
Kinh tế | 4 | 108 |
Câu Lạc Bộ | 30 | 1 |
NCS | 3 | 70 |
Bạn bè | 197 | 1189 |
Dự bị | 0 | 0 |
Ngôn ngữ | 2 | 2 |
10 người post bài nhiều nhất
User | Số bài viết |
TungDX | 289 |
NghiPH | 306 |
NgocBQ | 130 |
ThaoDP | 108 |
CucNT | 123 |
CoDM | 88 |
PhongPT | 73 |
HaiNV | 93 |
LiTM | 85 |
MinhCK | 70 |
10 người comment nhiều nhất
User | Comment |
Guest | 7170 |
NghiPH | 3219 |
LiTM | 1879 |
HaiNV | 1853 |
KhanhT | 1743 |
CucNT | 1718 |
TungDX | 1565 |
ThanhLK | 1545 |
VanNH | 1441 |
ThoaNP | 1257 |