KGU Tạo bài viết  
Thứ năm 26 Tháng tư. 2012

Thầy của con




Tác giả: NghiPH

 

 

Thầy tôi là con út trong nhà. Ông nội tôi mất sớm. Thầy tôi lớn lên trong vòng tay của bà và các bác của tôi.

Hồi kháng chiến chống Pháp, thầy tôi hoạt động khắp trong tỉnh nhà. Vào một ngày tháng Sáu năm 1952 quân đội Pháp ném bom và bắn đại bác dữ dội vào làng tôi. Đạn bom ngút trời, ngút đất. Mẹ cả của tôi bị trúng pháo trên đường chạy ra núi Mỏm Nàng tránh máy bay Pháp. Mẹ ra đi để lại ba cô con gái với tiếng khóc thương mẹ xé lòng. Thầy tôi khi đó đi công tác chưa kịp về. Nhà tôi bị trúng bom. Giữa khuôn viên nhà tôi là một hố bom sâu hoắm. Phải nhiều năm sau, cả nhà tôi bền bỉ đổ đất mãi mới lấp đầy hố bom này. Thương các con, thầy xin về xã công tác để tiện bề chăm sóc.

  Dạo bé, tôi thường thấy một ông cán bộ dáng đi bệ vệ, đeo xà cột ghé chơi, có nói với thầy tôi:- Anh nặng gánh gia đình quá nên không tiến bộ được. Khi đó, tôi nghĩ cái ông cán bộ này sao lại ăn nói vớ vẩn thế không biết!

Trong kháng chiến chống Pháp, mẹ tôi xung phong đi phụ trách dân công phục vụ các chiến dịch của quân đội ta. Trong đợt tham gia chiến dịch Hòa Bình, mẹ tôi bị sốt rét nặng phải về làng. Thế rồi tổ chức Đảng và chính quyền ở địa phương đã tác thành đôi lứa cho thầy mẹ tôi.

Những năm sáu mươi của thế kỷ trước, trong phong trào hợp tác xã, thầy tôi tham gia Ban quản trị, làm Phó Chủ nhiệm. Hàng ngày thầy tôi vẫn đi cầy bừa, tát nước, làm cỏ, bỏ phân, gặt lúa. Khi thầy tôi xong buổi cầy, tôi thường đi đón trâu. Tôi nhận trâu để chăn trước khi đưa về chuồng.

Nhiều năm thầy tôi tham gia công tác Mặt trận Tổ quốc. Thầy tôi tích cực vận động nhân dân động viên con cái lên đường nhập ngũ, động viên nhân dân bán lạc cho Nhà nước, làm vệ sinh làng xóm, giúp đỡ các gia đình thuộc diện chính sách...

Năm 1992 thầy tôi tròn 80 tuổi chúng tôi tổ chức mừng thọ. Năm sau thầy tôi ra đi rất nhanh.

 

*                   *

 

 

*

 

 

Thầy ơi! Thầy của con ơi! Trong mơ con vẫn hay gặp thầy, thầy ơi! Con cùng thầy đi vỡ đất ở ven núi Vườn Vầu để trồng khoai lang. Lần ấy, lá khoai lang tốt bời bời nên khi dỡ không có củ, chỉ được mấy nắm dãi khoai. (Thầy ơi! Nay lá khoai lang bán đắt ra phết, thầy ạ). 

 Hai cha con rất chăm trồng khoai nước dại để lấy lá cho lợn ăn và lấy ngào để mẹ làm món ngào khoai nước. Những năm đói kém vì mất mùa, thầy đưa con vào khu vực Dốc Xây giáp tỉnh Thanh vỡ đất trồng sắn. Thầy còn nhớ là đất rất rắn không. Lưỡi cuốc bị quằn hết. Thầy phải dùng cuốc chim mới cuốc được đất. Làm quần quật cả ngày chỉ được một mảnh nho nhỏ như vuông chiếu. Trên những vạt đất cạnh Động Thiên Tôn thầy trồng thuốc lào, trồng đậu. Thầy trồng mướp, trồng su su, thả bè rau muống, trồng rau dút ở nhiều nơi. Thầy của con hay làm hay làm. Công việc luôn tay, không ngơi không nghỉ.

Thi thoảng vào những ngày mưa gió, nông nhàn thầy bảo mẹ làm gỏi cá, bánh nếp, bánh tẻ, bánh khúc và bánh đúc. Cả nhà xì xụp ăn ngon lành món bánh đúc với riêu cua.

           ...Chị cả nhà ta lấy chồng là một anh thương binh ở Hà Tây. Có dạo đến 6 tháng liền anh chị không viết thư làm thầy lo mãi.

 Chị thứ hai cùng chồng làm ở nông trường Đồng Giao. Trong những năm chiến tranh phá hoại bằng không quân của Hoa Kỳ đây là túi bom. Tại khu vực này, khi tầu hỏa đi qua là máy bay Mỹ lao xuống cắt bom. Vì thế, cứ thấy tiếng bom là thầy lại lo:- Không biết anh chị Thiệp- Tiệp và các cháu có sao không? Để tránh bom, anh chị con thay nhà thường xuyên. Hôm dựng nhà ở núi này, mai dựng nhà ở núi khác. Lúc nào anh chị dựng nhà mới là thầy lại có mặt ngay để hỗ trợ.

 Nhớ hôm con ở chiến trường ra. Về tới nhà, con ra hiệu cho con chó không sủa, rồi nằm ngủ ở ngoài hiên. Thầy dậy sớm, ở trong nhà đi ra vấp vào con và la lên: - Bà nó ơi! Thằng Nghị đã về!

Chị Liên lấy chồng. Đẻ liền một mạch 5 đứa con. Năm rưỡi đôi. Anh rể ở trong quân đội. Thầy mẹ giúp chị chăm các cháu. Chị sang Nam Định ôn thi nâng bậc để mấy đứa ở nhà với ông bà. Chúng quấy khóc ghê quá. Thầy vẫn kiên trì chăm sóc chúng suốt cả tuần.

 Hồi vợ chồng con mới về nước. Nhà cửa không có. Thầy cất công đi mượn một căn phòng của bác Nam ở 67B Lý Nam Đế, gần Cửa Đông cho chúng con. Thầy lóc cóc mang xi măng từ quê ra, sửa căn phòng tươm tất trước khi chúng con dọn đến ở.

 Cái thuở con còn thích để tóc dài, thầy hay góp ý:- Con để tóc như thế, thầy thấy cơm cớm thế nào ấy!  Lúc đó con thường đánh bài lờ, giả vờ như không nghe thấy. Nay thì con nhớ lời thầy dậy lắm, thầy ơi!.  

 Con nhớ đến cái quạt kéo do thầy chế tạo. Mỗi khi cháu Nhốp về quê thăm ông bà, rất thích kéo cái quạt này. Ông thương cháu sức yếu không kéo nổi nên đã kéo cùng cháu. Con nghe thấy giọng của thầy nói với cháu:

- Hai… ba nào!

........

          Thầy ơi! Con như thấy thầy đang ngồi trong nhà trên nhà ta. Sau khi sảng khoái rít điếu thuốc lào, thầy chậm dãi đọc bài thơ vui:

                                          Đì đẹt ngoài sân tràng pháo tép

                                      Lem nhem đầy vách lịch thường niên...

          Bỗng thầy nói với ra ngoài hiên:

- Mấy đứa nhớ hái cho thầy nắm lá rau thơm!

- Dạ, vâng ạ. Chúng con sẽ hái ngay. Bữa cơm của thầy không thể thiếu rau thơm! - Chúng con dạ râm ran. 

 

 

 

 

 

 

NghiPH hồi mới từ chiến trường ra Bắc

 

 

 

 


Người post: NghiPH

Ngày đăng: 26-04-2012 12:12






Xem 11 - 20 của tổng số 20 Comments


<< Đầu tiên  < Trước đó | Trang:  1 | 2 |

Từ: HaiNV
28/04/2012 09:35:08

Mình rất xúc động khi đọc bài viết của Nghị về người cha thân yêu của mình. Nhớ thời trai trẻ của cụ hoạt động khắp trong tỉnh nhà. Ai thấu hiểu được hết nỗi đau xé lòng của người trai trẻ đầy nhiệt huyết ngày ấy khi biết vợ mình bị đạn pháo của giặc giết hại, để lại 3 đứa con thơ dại, nhà mình bị bom giặc phá tan... Đương đầu với nhận xét của "người trong tổ chức" là "không tiến bộ" để trở về địa phương công tác và chăm sóc gia đình (bố của HaiNV ngày ấy cũng nặng gánh gia đình nên lẽ ra thì cũng "tiến bộ hơn", nhưng đành phải chịu "không tiến bộ" để công tác tại quê!), Thầy của Nghị đã đi tiên phong trước thời đại (ngày nay, ta đang có phong trào khuyến khích "tiến bộ" đưa cán bộ trẻ về công tác tại các xã!). Tình thương yêu của cụ với gia đình, con cái và trách nhiệm với xã hội của cụ thật mẫu mực để cho con cháu noi theo. 


Ước gì được về với tuổi thơ, để cùng cha, mẹ chúng ta đi trồng khoai, trồng sắn... được cha bảo hái nắm rau thơm  mang về cho bữa cơm đạm bạc của gia đình... 



Từ: KhoaDT
27/04/2012 14:18:24

Ai cũng đầy kỷ niệm về các phụ huynh của mình nhưng TBT Nghị đã viết những dòng văn mà tôi cảm thấy anh đã đơn giản chuyển trực tiếp từ lòng mình sang bài viết này, không cần bất kỳ yếu tố "sáng tác" nào. Tôi thường gọi ông bố mình lúc sinh thời là "Cha" nhưng Cha tôi xưa kia cũng gọi ông nội tôi là "Thầy". Hiện nay dân miền Bắc còn duy trì cách giao lưu "Thầy-Con" nữa không nhỉ ???



Từ: Meomun
27/04/2012 13:40:41

@bác Tổng: Nghe bà nội Vịt hôm nay tự "khai báo", chắc bác Tổng đang sung sướng và ước "bao giờ cho đến ngày xưa" phải không ạ? Em MM thì từ ngày xưa, và cả ngày nay cũng vậy, thấy giai đẹp là biết thân biết phận tránh xa, hihi.       



Từ: ChiNB
27/04/2012 12:55:46

Nghị có những hồi ức về quê hương, về đời lính của mình thật sâu sắc và cảm động. Nhớ có lần Nghị hứa sẽ mời mọi người về quê Ninh Bình ăn món ngào khoai nước mà chưa thực hiện được đấy nhé.


Ảnh Nghị hồi thanh niên đúng là như diễn viên điện ảnh thật, chắc được nhiều cô mê nhưng chỉ đổ mỗi bà nội của cháu thôi phải không ?



Từ: HanhLM
26/04/2012 20:58:25

Là dâu trưởng của cụ nên đọc bài của anh Tổng viết về thầy, tôi cũng xúc động lắm. Sắp đến ngày giỗ thầy (mùng 10 tháng tư), cả nhà tôi sẽ về quê. Lần này về giỗ ông còn có chắt nội đích tôn của ông, hẳn ông sẽ mừng lắm đấy.


Dạo tôi sinh cháu Nhốp trong Đà Nẵng, thầy viết thư vào nói là bố cháu là Hữu Nghị rồi thì phải đặt tên cháu là Xô Việt để kỷ niệm tình hữu nghị VN-LX.


Tôi vẫn nhớ, mỗi lần vợ chồng con cái tôi "rồng rắn lên mây" về quê, thầy lại xuống bếp "dắng" với mẹ chồng tôi: Nấu nhiều nhiều cơm cho vợ chồng Nghị nó ăn no, bà nhé.


Hồi tôi mới chuyển công tác từ Viện Nhà nước và Pháp luật sang NHNN, tôi kể chuyện là buổi trưa hay về lại Viện ăn cơm cùng chị em. Thế là có một lần về quê, trước khi ra Hà Nội, thầy đứng trước bàn thờ lầm rầm khấn: Hôm nay là ngày..., Ninh Mỹ xã, Hoa Lư huyện, Ninh Bình tỉnh, cúi xin các bậc tiên tổ phù hộ độ trì cho con trai tôi là...công tác ở Viện Luật TW, con dâu tôi là...cũng công tác ở Viện Luật TW, nhưng có sang "làm thêm" bên NHNNTW...Tôi cố nén không dám cười. Vậy mà thầy tôi đã đi xa 19 năm rồi. Thầy không biết mặt cháu gái TL.


@MM: Cái quạt trần tự chế của cụ là những vỏ bao xi măng được ghép lại bằng nẹp tre, chiều dài khoảng hơn 1m, rộng khoảng 80cm, cột trên trần giữa nhà, dùng dây kéo lên kéo xuống, mát ra phết.


"Bật mý"là dạo bên kia chị cũng rất "mê" bức ảnh này của bác Tổng (Tội "mê giai" mà). Trông như anh Trỗi ấy nhỉ?



Từ: NghiPH
26/04/2012 15:01:57

MM: Anh gọi là Bu cho đến năm lớp sáu, cô giáo chủ nhiệm Bùi Thị Thúy Sinh họp lớp và khuyên nên gọi là Mẹ.


Bây giờ để tóc dài là do lười đi cắt tóc chứ không phải do ý thích. Mỗi khi tóc quá dài lại nghe thấy tiếng thầy anh nhắc nhở:- Con để tóc tốt thế, thầy thấy cơm cớm thế nào ấy!



Từ: Meomun
26/04/2012 14:55:17

@Bác Tổng: MM nhớ trong bài "mẻ ngào khoai nước dại của bu tôi", anh gọi mẹ là "bu" phải không? Hồi còn nhỏ, em về quê ngoại, thấy người ta cũng gọi bố mẹ là thầy bu. 


PS: Bây giờ hình như trông bác Nghị vẫn "cớm cớm" vì tóc vẫn dài thì phải (qua ảnh). hihi!



Từ: ThanhLK
26/04/2012 14:47:43

Trông ảnh Nghị chụp khi vừa ở chiến trường ra rất "đẹp trai giống thầy", đúng như MM nhận xét là giống diễn viên điện ảnh lắm. Đúng là Nghị có vốn sống quân ngũ nên viết hồi ký rất hay. Những bài ký về tuổi thơ, về thầy, bu về cuộc sống người lính...sắp thành tuyển tập truyện ký của một người KGU rồi đấy. Sang năm hội mình chắc phải có giải cho từng thể loại bài viết thôi, TBT nhỉ. Mình đọc bài của Nghị cũng rất xúc động, mình hạnh phúc hơn là vẫn còn có bố để chăm sóc và đôi khi cùng cụ nói chuyện nhân tình thế thái. Chờ đọc tiếp những bài ký sinh động của Nghị.



Từ: TuyetHA
26/04/2012 14:16:00

  Cám ơn Nghị đã có bài viết thật xúc động về người cha thân yêu của mình. Đọc bài của Nghị nước mắt tự nhiên cứ lăn tràn trên má vì nhớ bố mình quá. Bố mình mất cách đây đã 11 năm rồi. Quê gốc của cụ ở thị xã Ninh Bình (ông nội mình là người Ninh Bình, bà nội người HN), mộ bố mình hiện nay ở ngay thị xã Ninh Bình, theo nguyện vọng của cụ, sau khi bốc mộ nhà mình đưa cụ về quê. Tết Tân Tỵ - 2001, nhà mình làm lễ mừng thọ 80 tuổi cho cụ, sau đó bố mẹ mình vào SG chơi với bà con, họ hàng và con cháu, tháng 7 bố mẹ mình trở về HN. Đúng ngày 2/9 cũng là ngày rằm tháng 7 (ÂL) năm đó cụ ra đi sau một cơn đau tim đột ngột, để lại nỗi thương tiếc vô vàn cho gia đình. Nhiều bạn bè Kishinhop khóa 77 đã đến tiễn biệt cụ. Cho đến bây giờ, mỗi lần ra HN, về nhà, khi bước vào hành lang là trong tâm trí mình lại hiện ra hình ảnh cụ đứng trong nhà ngó ra và reo lên:" A Tuyết đã về rồi này!", 11 năm đã trôi qua mình vẫn không nguôi ngoai nỗi đau mất bố!



Từ: Meomun
26/04/2012 14:12:43

@Bác Tổng: Wow, mới đọc cứ nghĩ ra bác Tổng viết về thầy giáo mình, hóa ra là bác viết về người cha của mình, đúng theo kiểu xưng hô của nông thôn miền Bắc ngày xưa: thầy mẹ.  Bài viết của bác mộc mạc nhưng đẫm kí ức. MM rất thích những bài hồi kí của anh Nghị về tuổi thơ, về thời đi lính. Cái khoản vốn sống này thì MM không thể nào có được. Anh viết nữa đi nhé!


@ Chị Hạnh: Ảnh hồi trẻ của bác Tổng cứ như của diễn viên nào đó ấy chị nhỉ, trông rất hoành tráng. 


Bác Tổng nói đến quạt kéo, MM không tưởng tượng được nó ra sao.




<< Đầu tiên  < Trước đó | Trang:  1 | 2 |

Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7170
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s