KGU News >>Người KGU >>Chúng ta
KGU Tạo bài viết  
Chủ nhật 03 Tháng sáu. 2012

Bát cháo rau má




Tác giả: NghiPH

Quê tôi vốn là vùng chiêm trũng. Được ví như Hạ Long cạn. Núi đá nhiều, hang động lắm. Cảnh thiên nhiên thật tươi đẹp:

Núi giăng tứ phía, nước bốn mùa

            Thuyền nan nhè nhẹ mái chèo đưa

            Xôn xao sóng vỗ chung quanh động

            Cuồn cuộn mây tuôn khắp chốn chùa

Đồng ruộng quê tôi nằm chen giữa những trái núi đá vôi. Đó là những cánh đồng nhỏ, hẹp. Bình quân ruộng đất rất thấp, khoảng gần 2 sào Bắc Bộ/1 đầu người. Năm ấy, trời mưa to, gió lớn. Những cánh đồng lúa Phù Long, Đồng Cung, Đồng Sét, Đồng Chiếu, Đồng Quen, Đồng Giát, Đồng Đĩnh, Đầu Gai, Triều Áng chìm trong biển nước. Một vụ mùa trắng tay.

 

 

Trong nhà thóc gạo còn rất ít. Cả làng tôi ào ra các con đường, tràn đến các vạt đất ven núi Nương Sơn, Mỏm Nàng, Nà Mả, núi Voi, núi Ngậu, núi Non Soi, Núi Sệu, Vườn Vầu, Đền Hạ, Viên Non, Cửa Ông, Mả Vũ, Đá Chụt… vạc rau má về ăn.

Ở những chỗ đất tốt, ven những khe đá, trong những bụi dứa rau má có cuống khá dài, lá to, mỏng, có mầu xanh nhạt. Còn ở những chỗ đất không được mầu mỡ, rau má có cuống ngắn, lá bé và hơi dầy, có mầu xanh đậm.

Những khóm rau má lá bé thì mới có củ, chứ cái anh rau má lá to, cuống to, dài chỉ có rễ thôi. Tôi rất thích đi tìm những khóm cây rau má có lá nhỏ, cuống ngắn. Tôi dùng mũi liềm khoét sâu xuống đất để lấy cả củ rau má. Thi thoảng kiếm được những củ to bằng ngón tay út. Tôi khoe với mấy đứa bạn: “- Thầy tao bảo củ rau má to và già khụ thế này bổ ngang nhân sâm đấy !”. Thằng Ngọc Phấn lập tức có sáng kiến: “- Le te (biệt danh của tôi khi đó) ơi! Mày cắt cho mỗi đứa một miếng con con xem bổ thế nào nào! Chúng tao sẽ kiếm đền mày củ khác ngay mà!”.

Do mải miết đi tìm loại rau má lá nhỏ, cuống nhỏ nên giỏ của tôi rất lâu mới đầy.

Rau má đem về nhà được rửa sạch, thái nhỏ và đem ghế vào với gạo khi nồi cơm đã sôi. Có khi ghế rau má theo tỉ lệ 1/1 (cơm 1/rau má 1). Cũng có khi ghế theo tỉ lệ: 1/2, 1/3, 1/4. Nếu rau má nhiều hơn thì ta chỉ thấy một ít hạt cơm dính vào rau má. Khi nấu cơm rau má, mẹ tôi thường bỏ vài hạt muối vào nồi. – Có thêm tý muối, cơm sẽ đậm hơn- Mẹ tôi giải thích. Tôi khoái ăn cháo rau má vì cảm thấy ngon hơn, dễ ăn hơn.

Hái mãi rồi rau má cũng hết. Chúng tôi phải vác rổ, vác giỏ, đem liềm, đem dao đi hái ở những nơi xa hơn. Bọn con trai chúng tôi (Phấn, Lâm, Cừ, Mười, Nhuấn, Thịnh, Cưu, Thân, Đang, Bé lớn, Bé con, Đề, Sáo, Cò) cùng tụi con gái (Đẵng, Thủy, Thoa, Suốt, Phin, Quế, Lư, Luận, Sơ, Phòng, Ký, Nuôi…) rủ nhau ra Quốc lộ 1, ra đê sông Đáy, có khi đến cả các con đường ở ven thị xã Ninh Bình vạc rau má.

Rất may, những năm có lũ lụt lớn (lớn nhất là vào năm 1963) diễn ra không thường xuyên ở vùng quê tôi. Ấn tượng về những ngày cả làng rủ nhau đi vạc rau má như đi trẩy hội vẫn in đậm trong trí nhớ của tôi.

Những ngày ấy tuy đói nhưng bọn trẻ con chúng tôi vui lắm. Được đi xa cùng nhau, được trổ tài khéo vạc rau má, trổ tài nói phét, đọc thơ, được chia nhau củ rau má to, san xẻ vào giỏ và rổ của nhau những mớ rau má kiếm được…

Tôi rất thích ăn những bát cháo có nhiều lát củ rau má.

Các bạn ơi, cháo nấu với củ rau má ăn rất bùi, rất thơm và rất ngon!

 

 

Vạt rau má ven đường

 

 

 

 

 


Người post: NghiPH

Ngày đăng: 03-06-2012 00:12






Xem 11 - 20 của tổng số 37 Comments



Từ: NghiPH
08/06/2012 08:54:21

Thưa anh chị em! Về cái tên “cây mì chính”, tôi thấy được đặt cho khá nhiều loài cây, Dân ta, bộ đội ta cứ thấy cây nào có lá nấu canh có vị ngòn ngọt là đặt tên cây mì chính. Cây mảnh cộng được gọi là cây mì chính. Cây rau sắng (mà nổi tiếng nhất là sắng chùa Hương) cũng được gọi là cây mì chính. Cái cây có lá nấu canh rất ngọt ở Sảm Thông- Long Chẹn được lính tráng chúng tôi đặt tên là cây mì chính.


Thời ở chiến trường chúng tôi còn rất thích một loại rau khác- đó là rau tàu bay. Bom giặc phát quang cây cỏ. Mưa xuống rau tàu bay mọc lên tươi tốt. Ngọn rau tàu bay rất mềm. Rau tàu bay luộc và nấu canh đều rất thơm ngon. Có thể nói, àbay là loại rau “chủ lực” của lính ta. Đến nỗi, đối phương “ghen ghét” loại rau này nên đã thả truyển đơn nói xấu nó:- Ăn rau tàu bay sẽ bị phá máu (!).


Loại rau có tên là rau cơm nếp cũng có nhiều loại, anh Khánh ạ. 



Từ: KhanhT
07/06/2012 23:41:42

Cac món rau tập tàng này của Tổng Nghị hay đáo để. Hôm nay đọc lại thấy bao nhiêu là còm mới, rất hay. Nhớ hôm bọn mình lên Thái Nguyên được ăn một loại rau mà lúc đầu tưởng là rau sắng chùa Hương nhưng hỏi ra thì không phải, tên khác mà tự nhiên mình quên mất rồi, phải hỏi Tánh mới được.


Còn cái rau mảnh cộng mà quê Nghị gọi là rau cơm nếp thì lại trùng tên với một loại rau cơm nếp khác, cũng có mùi thơm như nếp vậy, nhưng nó lại họ cây dứa cơ, ở miền Nam người ta gọi là cây lá dứa (thêm chữ "lá" vào) khác với cây dứa - cây thơm (ăn quả) hình nó như sau:


Cây lá dứa - lá thơm (họ cây dứa)



Từ: ThoaNP
07/06/2012 23:14:42

Cảm ơn Bác Tổng, vậy mà bao nhiêu năm sơ tán chỉ ăn canh rau mảnh cộng chứ chưa biết là có thể làm bánh rau mảnh cộng.


Cái ảnh rau mảnh cộng có hoa đỏ đỏ của bác Tổng sao không giống với trong trí nhớ của tôi. Hay vì hồi xưa rau mới nhú đã hái ăn rồi nên không thấy rau già, lại càng chưa hề thấy hoa rau mảnh cộng.



Từ: NghiPH
07/06/2012 16:14:29

Anh HiềnVC: Rau mì chính ở Sa pa giống với rau mì chính mà cánh lính bọn em hồi ở Sảm Thông- Long Chẹn (Lào) vẫn dùng có khác với cây mảnh cộng. Lá của loại cây này dầy hơn, bé hơn, thon dài chứ không có bản lá rộng như lá mảnh cộng.



Từ: HienVC
07/06/2012 15:52:33

@TBT : Mình hay đi công tác miền núi phía bắc, ở Lao cai, đặc biệt là Sa pa ngoài món cá suối còn có rau mỳ chính ( thường ăn sống và về mùa rét) không biết có phải cũng chính là lá của cây mảnh cộng hay cơm nếp, hay bìm bịp như trong bài viết này hay không ?



Từ: Meomun
07/06/2012 08:59:54


Kính chuyển tới anh Nghị còm của anh Tấn Định:

Cám ơn Nghị đã cho tôi và những người còn chưa biết cây mảnh cộng "mục sở thị" loài cây đáng quý này qua ảnh. Hóa ra cây mảnh cộng là như vậy. Những cái tên như cây "cơm nếp" hay cây "bìm bịp" thì thực ra đã có nghe rồi, đã thấy rồi, và rõ ràng mấy cái lá mảnh cộng trong ảnh của Nghị nhìn quen quen mà!

Bánh mảnh cộng 'của Tổng Nghị' có màu thẫm như bánh gai Gia Trịnh, còn bánh mảnh cộng Gia Trịnh có màu nhạt hơn, như màu lá chuối non vậy, thơm và ngon, chẹp chẹp.

Quanh cái bánh rán 'lúc lắc' này cũng có chuyện vui vui. Lần ấy họp lớp, tôi ghé qua Gia Trịnh 16A-LNĐ mua bánh rán (giống hệt của Tổng Nghị!) vì vậy đến muộn. Các bà căn vặn "Sao đến muộn", tôi thật thà khai: "Hai vợ chồng bày ra làm bánh rán cả đêm". Các bà thử thấy ngon nên quên mất khâu nghi ngờ, có bà còn vặn: "Làm bánh này có gì mà lâu, mà đến muộn thế, chắc hai vợ chồng còn làm gì nữa. Làm gì thì khai ra". Tôi lại thật thà: - Thực ra làm thì nhanh, nhưng mất thời gian nhất là lúc gắn các hạt vừng vào xung quanh cái bánh. Phải gắn từng hạt, toét cả mắt...". Không ngờ các bà cảm kích xuýt xoa một cách hết sức thật lòng: - Thế à thế à!

"Thế à" một lúc thì hai hộp bánh rán Gia Trịnh hết veo. Hehe!

Tấn Định


PS from MM: Bánh mảnh cộng của bác Tổng hấp dẫn quá!



Từ: NghiPH
06/06/2012 17:10:24

Cây mảnh cộng là cây thân gỗ chứ không phải là cây thân mềm như rau khúc mà MM đã viết năm ngoái.


Lá cây mảnh cộng phơi khô ngoài việc dành để chữa bệnh còn để bỏ vào nồi xôi, nồi cơm nếp để tạo mùi thơm ngon đặc biệt.


Lá tươi cũng vậy, ngoài tác dụng chữa bệnh nó còn được giã lấy nước cốt nhào với bột để làm bánh mảnh cộng.


Cây mảnh cộng ở quê tôi còn gọi là cây cơm nếp hay cây mì chính. Có nơi gọi là cây bìm bịp với câu chuyện về bìm bịp mẹ dùng lá mảnh cộng đắp vào chân của bìm bịp con khi bị gẫy và cái chân đó đã lành trở lại.


Xin giới thiệu cây mảnh cộng và bánh mảnh cộng:


1. Cây mảnh cộng:



2. Bánh mảnh cộng (mầu xanh thẫm): 





Từ: Meomun
06/06/2012 08:12:13


Còm của anh Tấn Định (gửi qua email từ hôm qua):
Vừa đọc cái còm của ThoaNP thấy có nhắc đến rau "mảnh cộng", lại nói có món canh rau mảnh cộng ngon lắm, ngọt lắm. Tôi sực nhớ cách đây khoảng ba bốn năm, lần đầu tiên tôi được nghe cái tên "mảnh cộng", thật lạ lẫm vì từ bé tới giờ chưa hề biết cây rau í nó như thế nào.

Số là lần ấy tôi vào cửa hàng bánh ngọt Gia Trịnh trên phố Lý Nam Đế, thấy có bày bánh Gai và bánh "Mảnh Cộng". Bánh Gai ở đây làm từ lá gai tươi nên ăn rất ngon và thơm, bánh có màu xanh lá cây đậm. Còn bánh mảnh cộng có màu xanh nõn chuối, thơm ngon lạ lùng, tôi chưa từng được ăn bao giờ. Tìm hiểu thì bà chủ giải thích, loại bánh này làm từ rau mảnh cộng, một loại rau mọc nhiều ở ruộng và cũng có mùa vụ như rau khúc vậy. Bà í vừa giải thích vừa mô tả cây rau mảnh cộng để tôi hiểu, nhưng đến giờ thì quên cả rồi, chán thật. Ai có ảnh rau "mảnh cộng" thì làm ơn post lên cho xem với, sẽ có hậu tạ, thề danh dự đội viên đấy! Hihi 



PS: Anh Nghị ơi, cái ảnh trong còm anh có phải là rau "mảnh cộng" mà bác TĐ hỏi không? MM thì chưa nghe, chưa biết, chưa thấy, hihi.  





Từ: NghiPH
06/06/2012 07:41:30


Chị Thoa ơi! Cây mảnh cộng hay như dân quê tôi còn cây cơm nếp vì lá khô của cây này có mùi thơm như cơm nếp. Cây mảnh cộng thuộc cây thân gỗ nhỏ, thường mọc hoang hoặc được trồng làm hàng rào. Lá có phiến thon, láng, mép răng cưa, đầu thon nhọn.


Lá cây cơm nếp nấu canh rất thơm ngon. Khi xưa mới có ít mì chính thì mấy chàng lính còn gọi cây này cây mì chính vì canh nấu với lá cây mảnh cộng rất ngọt.


Trong dân gian, cây mảnh cộng thường được biết đến là một cây thuốc nam rất tốt. Cây có tác dụng điều kinh, giảm đau và tốt cho xương.


Lá tươi giã đắp chữa đau sưng mắt và đem xào nóng lên dùng bó trặc gân, sưng khớp, gẫy xương. Trẻ con đái dắt còn được bày cách lấy lá mảnh cộng giã ra uống rất hữu hiệu. Nhân dân dùng lá đắp vết thương trâu bò húc.


Bánh mảnh cộng là một món ăn dân giã, từ đặc tính mát, lành của thứ cây gần gũi này, từ gạo nếp, đậu xanh, đường trắng, người ta đã sáng tạo ra một món bánh deo dẻo, thơm ngon.


Lá cây mảnh cộng giã lấy nước cốt, hòa với bột nếp. Nhân bánh là đậu xanh hấp nhuyễn, trộn với dừa sợi, đường trắng. Nhồi bột rồi viên cho chiếc bánh tròn trịa với nhân đậu, gói lá chuối cho lên nồi hấp. Lấy bánh ra, khói thơm nghi ngút, màu xanh thẫm bắt mắt, cắn một miếng thấy đọng lại những hương vị tự nhiên. Nếp dẻo, lá thơm, ngòn ngọt man mát nhân đậu xanh.


            Bánh mảnh cộng- một loại bánh thanh khiết, mát lành. Món bánh ngon lưu giữ hương vị cây cỏ quê hương!


            Chỉ tiếc là cây mảnh cộng ở quê tôi nay đã trở nên rất quý, hiếm!


 



Từ: ThoaNP
05/06/2012 22:31:38

Thấy bác Tổng uyên thâm quá tôi muốn hỏi về rau "mảnh cộng". Hồi đi sơ tán chúng tôi hay hái rau này (mọc hoang) về nấu canh rất ngọt. Ở Hà Nội không thấy rau này. Bây giờ nhớ về tuổi thơ tôi hay để ý tìm nhưng không thấy rau này ở miền Nam. Không biết mọi người có ai đã từng ăn canh rau mảnh cộng" không thì cho biết nhé.





Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7169
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s