KGU News >>Văn học >>Ký - Luận
KGU Tạo bài viết  
Thứ hai 23 Tháng bẩy. 2012

Bốn câu thơ thắm đượm nghĩa tình đồng đội




Tác giả: NghiPH

                                                         NghiPH

 

1.Về tác giả

 

Anh Lê Bá Dương tự kể: Bố tôi là người TP. Vinh, mẹ quê Diễn Châu, gia đình lên Nghĩa Đàn ở, tôi lại sinh ở Hà Nội, học ở Hà Đông, 13 tuổi về lại Nghệ An, 15 tuổi tôi trốn nhà đi bộ đội.

 

Anh Lê Bá Dương hiện nay là nghệ sĩ Nhiếp ảnh, Hội viên hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, là nhà báo, phóng viên thường trú của báo Văn hoá tại Nha Trang.

 

Nhập ngũ năm 15 tuổi và ngay trong trận đánh vào thôn Tây Trì (Đông Hà) khi 15 tuổi “cộng” 49 ngày, anh đã trở thành dũng sỹ diệt Mỹ. Những năm tiếp theo từ 1968 đến 1973, qua nhiều trận đánh nổi tiếng trên chiến trường Quảng Trị, anh đã được tặng nhiều danh hiệu dũng sỹ diệt Mỹ, dũng sỹ diệt cơ giới, dũng sỹ diệt máy bay… Người chiến sỹ với hơn chục vết thương trên khắp cơ thể đã hai lần được đề nghị tuyên dương anh hùng nhưng rồi vết thương chồng vết thương, việc hoàn tất hồ sơ mấy lần dở dang không thành.

 

Hồi ấy, trên mặt trận B5 từng đã dấy lên phong trào “Xung kích như Lê Bá Dương, chốt chặt như Lê Bá Dương”. Báo Nhân Dân, Quân Đội Nhân Dân, Tiền Phong đã có nhiều bài viết và in ảnh Lê Bá Dương mặt trẻ măng, kẹp AK giữa chiến trường khói lửa mà mắt cứ trong văn vắt, môi mím chặt mà cứ thấy phảng phất một nụ cười. Dạo đó, chiến trường Quảng Trị, mỗi ngày hao hụt quân số hàng trăm. Cái thuở máu lửa, xác ta và xác địch lộn tùng phèo, đất đá không đủ để che quân...

 

2. Về bản thảo ban đầu của bài thơ Đò lên Thạch Hãn

 

Từ năm 1976, năm nào anh Lê Bá Dương cũng về Quảng Trị thăm viếng đồng đội đã hy sinh. Năm 1987, như mọi năm, Lê Bá Dương về lại Quảng Trị, vào chợ mua hoa. Trước đây anh chỉ hái hoa dại, hoa rừng. Năm 87, lần đầu tiên anh mua hoa ở chợ. Xuống sát mép sông Thạch Hãn anh gặp một bà thuyền chài. Anh bảo: - Mệ cho con đi thuyền dọc sông một vài tiếng, hết bao tiền con trả. Bà cụ đồng ý 8 ngàn đồng một tiếng. Anh ngồi thuyền thả hoa trên sông, nước mắt nhạt nhòa. Bà cụ không nói gì, nhìn anh thả hoa và lặng lẽ chèo đều đặn. 4 tiếng sau, anh bảo 8 ngàn/1 giờ, 4 giờ con trả mệ 50 ngàn. Bà cụ quỳ xuống, khóc nói: - Mi làm rứa sao mệ dám lấy tiền của mi!

 

Chào mẹ, anh lên bờ, ngồi bó gối nhìn dòng sông. Hoa vừa thả dập dờn trôi theo dòng nước. Anh miên man nghĩ: Anh em đang nằm dưới sông, bập bềnh theo những cánh hoa. Có cái thuyền máy chạy ngược lên, bọt nước khua trắng. Tự nhiên nước mắt anh ứa ra. Trong đầu anh hình thành những vần thơ. Nguyên văn ban đầu là:

          

            Đò lên Thạch Hãn xin chèo nhẹ

            Đáy sông còn đó bạn tôi nằm

            Tan chợ chiều xuôi đò có vội

            Xin, xin đừng khuấy đục dòng trong

 

Lời bình:

 

Đò lên Thạch Hãn xin chèo nhẹ- đó là lời thỉnh cầu của người cựu chiến binh đối với những ai đi lại trên dòng sông này. Dưới đáy sông các bạn tôi đang yên nghỉ, xin đừng khuấy động. Hãy để cho các bạn của tôi ngủ yên!

 

Mọi người qua đây là qua một nơi linh thiêng. Biết bao chàng trai của đất Việt đã nằm xuống trong lòng dòng sông này. Hãy dành những phút giây lắng đọng bên họ. Có vội, có vội đến mấy cũng xin nhớ rằng, rất nhiều, rất nhiều đồng đội tôi đang nằm dưới đó. Đừng làm gì khuấy đục dòng trong của con sông đã ôm ấp đồng đội của tôi vào lòng đất mẹ.

 

Phải chăng cuộc đời như một phiên chợ chiều? Người ta cứ vội vội vàng vàng bán mua? Anh thỉnh cầu, anh tha thiết mong muốn những người sống trên mảnh đất này đừng khuấy đục dòng đời. Anh dùng hai lần từ “xin” trong một câu thơ. Ai đó khuấy đục dòng đời là có tội với những người đã ngã xuống cho đất nước có hòa bình, tự do hôm nay.

 

Phải chăng, đây chính là những điều mà Lê Bá Dương muốn chia sẻ với chúng ta. Bởi vậy, bản thảo đầu tiên của bài thơ Đò lên Thạch Hãn đã là một bài thơ rất hay. Nó có giá trị riêng của nó.

 

3. Bài thơ Đò lên Thạch Hãn đã được tác giả sửa theo gợi ý của bạn bè

 

Lê Bá Dương đọc bài thơ Đò lên Thạch Hãn cho các anh Thế Vũ, Đỗ Kim Cuông nghe. Các anh ấy rất thích bài thơ này, đồng thời có góp ý và khuyên Lê Bá Dương sửa lại để đăng báo. Lê Bá Dương đã sửa và chúng ta có bản cuối cùng của bài thơ như sau:

 

Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ

Đáy sông còn đó bạn tôi nằm.

Có tuổi hai mươi thành sóng nước

Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm.

 

 

Lời bình:

 

 

So với bản ban đầu, ở câu đầu từ “xin” được thay bằng từ “ơi”.  Câu thứ hai vẫn giữ nguyên. Hai câu cuối được thay mới hoàn toàn.

 

 

 

Trong câu thứ nhất, từ “ơi” là thán từ. Ơi gắn với gọi đò. Ở nhiều địa phương, dân ta vẫn gọi: Ơi… đò, bớ… đò! Tiếng gọi vang vọng trên mênh man sóng nước. Tiếng gọi trôi theo dòng sông. Trong bản ban đầu tác giả dùng từ “xin”.  “Xin” thể hiện sự mong ước về sự tĩnh lặng. “Ơi” thể hiện sự lan tỏa theo không gian, theo thời gian. Ơi… đò, bớ người vang vọng mãi một lời nhắc nhở Đáy sông còn đó bạn tôi nằm.

 

Có tuổi hai mươi thành sóng nước- một câu thơ đau đáu.  Một câu thơ làm thổn thức trái tim tôi. Tôi nhớ đến cả một thế hệ “tuổi hào hoa ra trận”. Cả một thế hệ mười tám đôi mươi rời ghế trường phổ thông, trường đại học xung trận. Được huấn luyện cấp tốc 2- 3 tháng, biết bắn là xuất quân. Vào trận bắn xong, chưa biết tránh làn đạn bắn trả. Lóng nga lóng ngóng. Lính mới toe mà. Có anh chưa kịp bắn một viên đạn nào đã hy sinh. Vượt qua sông không bị thương, không hy sinh đã là có chiến tích rồi. Giáp mặt với đối phương- hy sinh. Đi lấy gạo, lấy đạn- hy sinh. Đi hái rau- hy sinh. Đi chôn cất đồng đội- hy sinh. Đưa đồng đội bị thương về tuyến sau- hy sinh… Cả một thế hệ tuổi đôi mươi ra đi không về với Mẹ. Các anh không bao giờ già như tôi, như các chị các anh. Các anh “mãi mãi tuổi hai mươi”!

 

Thế rồi tuổi hai mươi của các anh thành sóng nước. Dòng sông thực dường như không thấy nữa. Ta thấy một dòng sông tâm linh của tuổi trẻ, của tình yêu bất diệt đang chảy hiền hòa, đang vỗ về những người mẹ, người cha, người vợ ngày đêm trông ngóng. Ở tầm rộng lớn hơn, những sóng nước ấy ôm ấp, giữ gìn đất nước này, vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm.   

 

Hai câu thơ mới Có tuổi hai mươi thành sóng nước/Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm có sức khái quát rất cao. Một thế hệ đã hy sinh vì sự trường tồn của đất nước. Tổ quốc và mỗi người chúng ta mãi mãi biết ơn các anh!

 

4. Những dị bản

      

Dị bản 1:

 

Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ

Đáy sông còn đó bạn tôi nằm.

Có tuổi hai mươi thành sóng nước

Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm.

          

Dị bản 2:

 

Đò xuôi Thạch Hãn ơi  chèo nhẹ

Đáy sông còn đó bạn tôi nằm.

Có tuổi hai mươi thành sóng nước

Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm

         

 Dị bản 3 :

 

Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ

Đáy sông còn bạn tôi nằm

Có tuổi hai mươi thành sóng nước

Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm...

 

Dị bản 4:

 

Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ

Đáy sông còn đó bạn tôi nằm

Có tuổi đôi mươi hòa sóng nước

Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm...

 

 

Cuối cùng xin thông báo một lần nữa: Bài thơ Đò lên Thạch Hãn của anh Lê Bá Dương đã được anh Trần Bắc Hải- một người KGU chúng ta phổ nhạc. Đây là một bài hát hay, rung động lòng người. Mời anh chị em mở nghe theo đường dẫn sau đây:

 

       http://www.studentkgu.vn/music/song/id_708/

 

Chú thích: Trong ảnh, Lê Bá Dương là chiến sĩ đang cầm súng AK


Người post: NghiPH

Ngày đăng: 23-07-2012 13:01






Xem 21 - 30 của tổng số 31 Comments



Từ: Guest le ba duong
07/04/2014 23:13:47

bài thơ đã đi cùng năm tháng,luôn còn mãi với thời gian và trong lòng người dân việt.



Từ: NghiPH
29/07/2012 18:41:51

 


Trong Hồi ức “Một thời Quảng Trị”– Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, 6.2008 của Thượng tướng TS. Nguyễn Huy Hiệu, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, do Đại tá, nhà báo Lê Hải Triều chấp bút có một số đoạn viết về Lê Bá Dương. Tôi xin trích một đoạn:


Trong thời gian này ở khu vực đồi Thám Báo, phía tây căn cứ Phu-lơ không lúc nào ngớt tiếng súng. Hết lính ngụy nống lấn lại đến pháo địch từ căn cứ Đầu Mầu, điểm cao 241 bắn về. Trung đội của Lê Bá Dương chốt ở đây chỉ với hơn 20 tay súng, nhưng có lúc đã đánh trả cả đại đội lính ngụy. Sau những đợt pháo dập xuống chất là lính nguy lại tràn lên. Đồi cây cao quá đầu người nay chỉ còn trơ gốc. Công sự chiến đấu nhiều chỗ trống. Lê Bá Dương tranh thủ cùng anh em sửa sang công sự lấy cỏ khô lá khô ngụy trang sau từng đợt pháo địch bắn phá.



Tổ của Nguyễn Văn Hải bố trí ở một gốc cây to, tuy lính ngụy đổ đạn vào đó nhiều, nhưng anh em không ai việc gì. Lê Bá Dương cho một khẩu súng bắn tỉa ở đó, anh nói với chiến sĩ: "Cứ nhằm vào chỉ huy cầm súng ngắn và lính đeo máy thông tin mà bắn. Diệt chỉ huy và thông tin là nó không gọi phi pháo được".

Địch ỷ vào thế quân đông, cùng lúc chia thành nhiều mũi đánh lên đồi Thám Báo. Chúng còn đặt cối 81 ly ở phía sau bắn yểm hộ cho bộ binh tiến lên.



Sau khi đẩy lùi ba đợt tiến công của địch, về phía ta một số chiến sĩ bị thương, tay súng chiến đấu trên trận địa chốt Thám Báo vợi dần. Hầm chữ A trúng đạn pháo địch sập gần hết. Hào giao thông nhiều chỗ cũng bị đất đá lấp đầy. Cứ sau mỗi đợt bắn phá và vừa dứt tiếng súng bộ binh, mỗi tiểu đội chỉ để một tổ cảnh giới sẵn sàng đánh địch còn lại lao đi đào bới và băng bó đồng đội bị thương, tiếp tục sửa lại công sự hầm hào bị sập, làm thêm hầm cho thương binh vì chưa thể đưa anh em ra khỏi trận địa lúc này.



Trung đội trưởng Lê Bá Dương tay trái quấn đầy băng, khoác khẩu AK chạy đến các chiến sĩ bị thương nhẹ động viên họ tiếp tục chiến đấu, quyết tâm giữ vững trận địa…”.



Từ: KhanhT
26/07/2012 22:06:12


Tán thêm về những “dị bản” bài thơ của Lê Bá Dương và dị bản khắc trên bia đá (nhân HT post ảnh bia đá), bản gốc và dị bản lồng vào nhau như sau:


Đò lên/xuôi Thạch Hãn ơi/xin chèo nhẹ


Đáy sông còn đó/ bạn tôi nằm


Có tuổi hai/đôi mươi thành/hòa sóng nước


Vỗ yên bờ mãi/bãi mãi ngàn năm.


Đò lên (ngược dòng) phải chèo mạnh, nên nói ai đó chèo khẽ thôi, cho êm, vậy “lên” là hay hơn xuôi. “Ơi” chèo nhẹ là đúng “ngôn ngữ” của người miền Trung, “xin” thực ra là lời ăn tiếng nói của người lịch lãm Thủ đô, chứ từ quê choa trở vào là ơi đò! đò ơi!, nghe nó chất phác, thân tình, vậy “ơi” thích hợp hơn. (nói riêng, tôi nhận thấy, ngay những người lính từ Hà Nội vào miền trong rất thích “gọi đò” gọi các cô gái chèo đò cho bộ đội qua sông, thân thương lắm, nhớ lắm tiếng gọi đò. Bản thân tôi trước khi về sống ở Hà Nội không biết nói “xin”, sau mới học được người lớn dạy trẻ con Hà Nội cái gì cũng phải “xin” mới lịch sự! ai đưa cho cái gì cũng đưa tay ra đỡ và nói: cháu xin, con xin. Đến cơ quan thì “xin” chữ ký, vào thư viện đi nhẹ nói khẽ cũng “xin”, rồi ra đường “xin” đừng… bậy… Đến bây giờ vào quán phở, cô bé phục vụ bưng đến cho bát phở, đã thành quen nói: bác xin!). Nói thế thì thấy, cái bia thơ này đặt ở bờ sông Hồng bên bến Bồ Đề thì khả dĩ thích hợp hơn.


Tuổi hai mươi đã thành một cụm từ, một “thành ngữ” chung, nhất là sau quyển sách “Mãi mãi tuổi hai mươi” ra đời, để chỉ những người lính trẻ lứa tuổi hai mươi. Tuổi đôi mươi cũng nghĩa tương tự nhưng người ta đã dùng vào bối cảnh khác từ lâu, ví dụ trong tình yêu lứa đôi… Cũng như vậy, dùng mãi mãi là hay với bối cảnh của bài thơ về Quảng Trị. Mãi mãi vừa là nguyện cầu, vừa là hiển nhiên (còn “Vỗ ven bờ bãi” thì không nghe được).


Và cuối cùng là thành/hòa sóng nước, tôi thích “hòa” hơn, bởi “thành” nó “cụ thể” quá, thực ra nó hòa từ lâu, “mơ hồ”, “mênh mang” hơn (như lời Nghị nói), sóng nước ngàn năm vẫn vậy, nay nó được “hòa” thêm cốt xương liệt sỹ…


Và cuối cùng nữa, ai lại khắc thơ bia bằng cái kiểu chữ Arial khô cứng vậy, dù có bôi vàng cũng xấu tịt à. Vậy đề nghị họ, bao giờ làm lại bia thì đục chữ kiểu khác, it nhất cũng phải Times New Roman, và vì là thơ thì nên “in nghiêng”.


Thật buồn, người gắn bia bài thơ “dị bản” so với gốc, lại đục mất tên tác giả!!! Nhưng mà cũng may, không thì Ô. Dương bị mang tiếng. Bao giờ khắc đúng bản gốc thì đề tên tác giả nhớ.



Từ: ThanhLK
25/07/2012 11:11:16

Tôi cũng nghĩ như anh HiềnVC là bốn câu thơ của anh Lê bá Dương là hay nhất và đã nói thay cả nỗi lòng tất cả chúng ta với các liệt sỹ đã hy sinh ở chiến trường Quảng Trị ngày đó. Cám ơn 3Chai đã thể hiện được điều này qua ca khúc rất hay “Đò lên Thạch Hãn”..



25/07/2012 06:52:58


Gửi các ACE bức ảnh chụp 4 câu thơ của LBD được khắc chữ vàng tại đài tưởng niệm các chiến sỹ hy sinh trong mùa hè 1972 khi bảo vệ thành cổ Quảng Trị, đài được xây ngay trên bờ sông Thạch Hãn, đúng nơi chiến trường xưa. Bức ảnh do tôi chụp hè năm ngoái khi đi thăm Nghĩa trang Trường Sơn và thành cổ QT.


Theo bác Tổng thì người ta khắc dị bản của bài thơ. Tôi thấy dị bản này hay hơn bản gốc, tôi không thích lắm cụm từ lặp "mãi mãi"



 


Đây là ảnh chụp Đài tưởng niệm trên bờ sông Thạch Hãn



 



Từ: NhuanNT
24/07/2012 21:07:16

Tôi may mắn 'ăn ké' Bachai được gặp anh Lê Bá Dương. Tôi chỉ biết anh rất nhiều tài: anh nói đủ các giọng 'Quảng' thì vừa cười lăn lộn vừa tâm phục khẩu phục. Anh hát ca trù, hát dân ca các miền rất tuyệt vời...


Nhưng bây giờ tôi mới biết anh đã dũng cảm như thế nào trong thời chiến tranh !


Cảm ơn bác Tổng và các bạn đã cho tôi biết thêm thông tin về con người anh hùng đích thực này !



Từ: CucNT
24/07/2012 15:48:34

Cảm ơn Bác Tổng, cảm ơn tất cả đã cho em được xúc  càm theo những vần thờ quá đỗi tuyệt vời của Lê Bá Dương. Em cũng nghĩ như anh Hiền, có lẽ đó là những vần thơ hay nhất viết về Thành Cổ Quảng trị. Những con số hy sinh thương vong do bác Tổng liệt kê đã là chúng ta nghẹn lòng và những vần thơ cất lên theo tiếng nhạc của bác Hải lòng ta nghẹn ngào xúc động.


Và đau, buồn bởi cho đến nay người Chiến sỹ kiên trung mang trên mình những thương tích như anh Dương vẫn chưa nhận được Huân chương " Anh Hùng".Buồn thay cho sự quan liêu của một số người.


Anh mãi mãi là người anh Hùng trong lòng dân tộc. Mãi mãi chúng ta không quên một thời bi tráng đã qua của dân tộc



Từ: NghiPH
24/07/2012 11:03:55

Cám ơn các anh chị đã chia sẻ bài viết về bài thơ tuyệt vời, thấm đượm nghĩa tình đồng đội của anh Lê Bá Dương. Anh Bắc Hải còn cho chúng ta biết thêm tin tức về người chiến sĩ kiên cường Lê Bá Dương.


Nhân đây xin ghi lại thư của anh Bá Dương viết cho anh Bắc Hải:


Chào anh Bắc Hải. Tôi đã bật khóc khi mở file bài hát để nghe, đúng hơn là vừa nghe vừa "thấy" những giọt nước mắt của người bạn, người đồng đội nơi xa xứ đang nấc lên trên từng nốt thanh âm. Cám ơn anh đã cho tôi trọn vẹn những cảm xúc mà chỉ có những người từng thấm hiểu giá trị của sự hi sinh mất mát một thời mới có thể có được. vẫn biết cám ơn là hai từ khách sáo trong tình bạn, nhưng tôi vẫn cứ phải thốt lên hai từ Cám ơn, cám ơn, cám ơn và ....cám ơn....


Mong lắm ngày chúng ta hạnh ngộ.


Lê Bá Dương


 


Xin giới thiệu hai tấm ảnh anh Dương tặng anh Hải và ảnh anh Hải chụp với anh Dương tại nhà riêng của anh Dương ở Nha Trang  khi hai người lần đầu gặp nhau.


 






Từ: HienVC
23/07/2012 23:59:14

Theo tôi có lẽ đây là bốn câu thơ hay nhất trong thời chiến tranh chống Mỹ. 


Nhớ đến cuộc chiến tại thành cổ Quảng Trị 1972 là nhớ đến sông Thạch Hãn và nhớ đến sông Thạch Hãn là nhớ ngay đến bốn câu thơ này của Lê Bá Dương.


Lê Bá Dương cùng những người bạn chiến đấu đã viết những dòng này bằng chính cuộc đời mình do vậy chúng có sức truyền cảm vô cùng mãnh liệt trong thế hệ mình cũng như các thế hệ sau.



Từ: 3Chai
23/07/2012 22:27:03

Tháng trước mình biết tin anh Dương phải nghỉ việc mấy hôm vì vết thương bả vai tái phát, cánh tay đau không nhấc nổi thậm chí con chuột bàn phím. Gọi điện hỏi thăm, hôm trước còn gặp các đồng đội CCB của anh đến nhà uống rượu chúc người bệnh mau lành,hôm sau thấy nói tay đã lên được 45 độ, hôm sau nữa đã thấy bảo ngồi nhà cũng chán nay chạy lên CQ rồi.


Người CCB này thường xuyên trên đường đi. Hôm nay là bờ sông Thạch Hãn. Ngày mai là nghĩa trang Trường Sơn. Ngày mốt có thể đã ngủ võng trong rừng Quảng Trị cùng các đồng đội U60-U70.





Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7170
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s