KGU News >>Người KGU >>Chúng ta
KGU Tạo bài viết  
Thứ năm 30 Tháng tám. 2012

Mùng Hai Tháng Chín được xuống tỉnh chơi




Tác giả: NghiPH

 

 

Thuở thiếu nhi bọn tôi rất háo hức khi ngày lễ Quốc khánh đến gần. Mùng Hai Tháng Chín đến, chúng tôi được xuống tỉnh chơi. Trước đó hàng tháng đã bàn nhau đi từ mấy giờ, đến tỉnh rồi thì đi thăm những đâu, có ghé vào nhà ai không?

Sáng 2/9 mẹ tôi dậy rất sớm nấu cơm và vắt cơm nắm cho mấy đứa con xuống tỉnh chơi. Năm nào mất mùa, mẹ vắt cho chúng tôi cơm nắm ghế với rau má. Ba chị em tôi ăn quáng ăn quàng, xách gói cơm nắm, chào thầy mẹ ra đi. Chúng tôi sang rủ thằng Phấn, thằng Lâm, thằng Đang, thằng Sáo, thằng Oanh, cái Thủy, cái Thoa, cái Ký, cái Suốt… cùng đi. Cả xóm râm ran tiếng gọi nhau đi xuống tỉnh mừng Quốc khánh. Từ xóm tôi xuống tỉnh chỉ có 6 cây số. Chúng tôi đi bộ qua 2 xã Ninh Khánh và Ninh Thành.

Ra đường mới thấy trẻ con, người lớn ở các xã trong huyện cũng ùa ra quốc lộ 1 tiến về thị xã. Ai nấy đều mặc bộ quần áo tươm tất hơn ngày thường, tay xách gói cơm, mặt mày tươi cười hớn hở. Chúng tôi rảo bước đi qua nơi có cây đa to lớn với rất nhiều nhánh, nhiều rễ (được gọi là tòa đa), qua nơi voi đá ngựa đá, qua khu vực Ủy ban hành chính huyện Gia Khánh, cửa hàng bán sách, qua núi Kỳ Lân vào thị xã. Từ đây có hai lối: Lối đi qua cầu Lim và lối đi qua cầu Xi măng. Lối đi qua cầu Lim xa hơn nhưng chúng tôi chọn lối này để đi thăm được nhiều nơi hơn.

 Vượt Cầu Lim, mấy đứa chúng tôi đi dọc theo sông Vân xem người ta chèo thuyền, câu cá. Chúng tôi nhìn sang bên phải thấy khu nhà Ủy ban hành chính tỉnh và tỉnh ủy. Khu nhà chỉ xây 3 tầng mà sao khi đó chúng tôi thấy chúng cao lớn đến thế. Thế rồi chúng tôi đến Âu thuyền sông Vân. Mấy đứa cứ thắc mắc: Thuyền qua cái âu thuyền này thế nào nhỉ?

Trước mặt đã là núi Thúy (Dục Thúy) hay còn gọi là núi Non nước. Đường lên núi có những bậc đá. Chúng tôi thi nhau xem đứa nào chạy lên đỉnh núi nhanh nhất. Trong lúc chạy, thằng Oanh bị vấp ngã sưng cả đầu. Thằng Phấn lên tới đỉnh núi đầu tiên, thằng Sáo thứ hai, thằng Lâm thứ ba. Tôi gắng hết sức, thở ra cả đằng tai mới được là đứa về đích thứ tư. Thằng Đang “cóc sòng” gầy yếu nhất lẹt đẹt mãi sau mới leo đến nơi. Nó kêu: Thi thố cái gì, suýt chết đây!

Lên tới đỉnh núi cả một không gian mở ra trước mắt chúng tôi. Kia là cầu Non nước uốn cong xinh đẹp. Ngay dưới chân núi là nơi gặp gỡ giữa sông Vân Sàng và sông Đáy. Bà thái hậu Dương Vân Nga đã đón tướng quân Lê Hoàn thắng trận trở về tại nơi đây. Xa xa là núi Voi, núi Xẻ quê tôi. Chếch phía Tây Bắc là núi Gôi bên tỉnh Nam Định. Phía Đông Nam là núi Cánh Diều hay còn gọi là Ngọc Mỹ Nhân. Phía Tây là các dãy núi của khu Tam Cốc- Bích Động... Xa nữa, về phía Tây Nam là dãy Tam Điệp mờ mờ xanh xanh.

Chui vào các lô cốt do quân Pháp xây dựng, chúng tôi chĩa súng (bằng tay) ra bắn đùng đoàng. Có một ngôi nhà nhỏ ở giữa đỉnh núi để mọi người ngồi nghỉ. Trước đây chỗ này đã từng có một ngôi chùa rất đẹp. Trên các vách đá có khắc rất nhiều thơ của các bậc tiền nhân, trong đó có thơ của Trương Hán Siêu- người Phúc Am, Ninh Thành, Gia Khánh. Nhưng chúng tôi đâu có biết chữ Hán, chữ Nôm để mà đọc. Bọn tôi bèn rủ nhau đi tìm cái nơi mà từ đó anh Giáp Văn Khương nhảy xuống dòng sông Đáy sau khi đã yểm trợ cho đồng đội rút lui an toàn. Đứa thì bảo cái chỗ cao cao và có những viên đá lởm chởm ấy là nơi anh Khương đã lao mình xuống sông. Đứa khác bảo: Có ngu mới nhảy từ chỗ đó, nhảy như thế anh Khương đã va vào đá chết toi rồi! Anh ấy nhảy từ chỗ thâm thấp kia kìa…

Chúng tôi xuống núi đi theo lan can ven chân núi ngắm sông và cầu Non nước soi bóng xuống dòng sông. Nước sông trôi lững lờ. Có đám lục bình trôi qua. Anh Giáp Văn Khương đã trốn vào một đám lục bình như thế để thoát khỏi vòng vây của địch. Gió hiu hiu thổi mang theo hơi nước mát rời rượi. Có khá nhiều người đứng câu cá từ cái lan can này. Vừa rồi về thăm núi Non nước, tôi không còn thấy cái lan can ven núi nữa. Tiếc quá!

Điểm đến cuối cùng của chúng tôi là khu đất rộng cạnh núi Non nước. Ở đây có tổ chức kéo co, đánh vật, thi ném vào cổ lọ có thưởng… Giữa khu đất người ta có dựng sân khấu để các ca sĩ hát mừng Quốc khánh. Chúng tôi vừa nghe hát vừa mở cơm nắm ra ăn. Tôi còn nhớ một câu từ một bài hát ca ngợi quê hương: «Đây Ninh Bình quê em. Sông Vân cùng núi Thúy mãi bao đời trong xanh…». Nay tôi không nghe thấy người quê tôi hát bài này nữa. Thay vào đó là bài hát về rừng Cúc phương của nhạc sĩ Trần Hoàn.

Cơm nắm ăn với muối vừng rất ngon. Vả lại, do vận động nhiều mau đói nên chúng tôi giải quyết nắm cơm to khá nhanh. Ăn xong tôi ngả mình trên thảm cỏ nghỉ ngơi một chút. Đang thiêm thiếp thì chị tôi bảo dậy để về nhà.

Từ tháng 8/1964 Mỹ ném bom miền Bắc, cái thị xã nhỏ bé của tôi bị bom Mỹ phá tan tành. Chúng tôi cứ rủa bọn Mỹ: Vì chúng mày mà chúng tao không được xuống tỉnh chơi vào ngày Quốc khánh nữa!

Tôi rất nhớ những ngày Mùng Hai tháng Chín được xuống tỉnh chơi.

Anh chị em Người KGU vào dịp Quốc khánh có ra tỉnh (xuống tỉnh, lên tỉnh) chơi như chúng tôi không?

  

 

 

 

 

 


Người post: NghiPH

Ngày đăng: 30-08-2012 21:09






Xem 1 - 10 của tổng số 17 Comments


Trang:  1 | 2 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Từ: Guest duongquan
31/03/2013 10:25:39

Hôm nay rỗi, vào mạng tìm bài hát ngày xưa có đoạn "thanh niên Ninh Bình tay cày, tay súng hiên ngang; làm theo lời Bác lòng ta luôn sẵn sàng...", tìm mãi không thấy. Nhưng bù lại có bài của bác về  núi Thúy sông Vân hay quá. Em vẫn còn giữ được một cái ảnh bé xíu bằng ngón tay cái, bố em chụp cho con cháu trong cái nhà mái nhỏ trên đỉnh núi (năm 1963). Mấy đứa trẻ hồi đó tuy hơi gầy nhưng dáng vẻ hồn nhiên đầy tương lai, đều đã vượt qua bom Mỹ và trưởng thành. 


Chỉ có ông thợ chụp ảnh thì hy sinh ở Kon Tum khi đánh Mỹ.



Từ: HienVC
06/09/2012 18:19:12

Tổng Nghị ơi, cái cách phát triển bằng mọi giá như móc than, móc dầu, xúc cát lên mà bán, đào đá vôi làm xi măng thì sai rõ ràng và nguy hiểm lắm chứ không phải là    " phần nào không đúng lắm "  đâu.


Cách đây 2 tuần , mình vào Tam Cốc - Bích Động, ngay bến đò qua phía bên kia người ta cho một Cty TN vào XD mấy cái nhà tầng kiến trúc  giống nhau để khai thác kiếm lời, trông rất phản cảm không thấy gì là " Hạ Long trên cạn "  cả, cái cầu đá cổ hàng trăm năm phía trong đã bị dỡ ra không biết số phận ra sao ?


Nếu cứ tiếp tục khai thác di tích kiểu " tận thu " như thế này thì có lẽ chúng ta sẽ không  còn được đọc những dòng hồi ức về " nhà quê"  hoặc " ngày xưa " như của Tổng Nghị nữa đâu.



Từ: ThanhLK
04/09/2012 10:54:57

@ Gửi Tổng Nghị mấy câu “vè vui” thay cho lời còm nhé:


Tổng Nghị lơ mơ


 Nhớ lại tuổi thơ


Ôi sao thích nhỉ


Cùng xuống tỉnh lỵ


Tháng 9 mùng 2


Từ sáng sớm mai


Râm ran tiếng gọi


Bạn bè, cơm gói


Hớn hở vui tươi


Leo núi, vượt ngòi


Qua sông, ngắm bến...


Nhớ ngày Quốc Khánh


Ra Tỉnh...còn ? mơ ???


 



Từ: ChiNB
04/09/2012 09:10:24

Đúng là "bao giờ cho đến ngày xưa". Nghị giỏi thật, nhơ đến từng chi tiết nhỏ của cái ngày xưa đấy. Ngày xưa, đến ngày 2/9 là trẻ con từ nông thôn đến thành phố ai cũng háo hức và nhớ đấy là một ngày thiêng liêng, bây giờ ngày này mà đi ra chỗ công cộng chỉ phải tội gặp nạn tắc đường.



Từ: HaiHH
04/09/2012 08:36:07

Háo hức quá. Bao giờ cho đến ngày xưa!



Từ: NghiPH
03/09/2012 11:33:44

Cám  ơn các anh chị đã chia sẻ về bài viết Mùng Hai Tháng Chín xưa. Người quê tôi kêu là “xuống tỉnh” vì xã tôi ở phía bắc của thị xã và có địa thế cao hơn một chút (vì là vùng núi). Rất mong Ngày Quốc khánh thực sự trở lại là Ngày lễ trọng thể, vui tươi của cả dân tộc, của toàn thể dân Việt Nam và quốc gia Việt Nam.


Lý nói đúng: Chân các trái núi quê anh có nhiều vết lõm, nhiều hang do sóng biển đánh vào bào mòn. Đây là những nơi lý tưởng cho bọn anh đánh trận giả và trú mưa. Trong các hang này có nhiều vỏ ốc, vỏ sò, vỏ hến người xưa để lại… Định hướng phát triển của quê anh phần nào không đúng lắm. Có đến 5 nhà máy xi măng, 3 nhà máy phân đạm, có nhiều công ty khai thác đá. Đáng lý cần định hướng chủ yếu vào du lịch, dịch vụ, nông nghiệp, thủ công nghiệp. Sự phát triển vừa qua là sự phát triển không bền vững. Thật đáng tiếc!  



Từ: MuiLT
03/09/2012 10:43:55

Bác Tổng ơi!


    Khi nào thì bác vào ĐN, dân KGU ở ĐN đang háo hức đón chờ bác đấy. Cơm nắm muối vừng lúc nào cũng ngon bác ạ, đặc sản đấy.



Từ: HaiNV
03/09/2012 08:54:59

NghịPH tuy là "dân nhà quê" như mình, nhưng hồi nhỏ Nghị lại hay được "xuống tỉnh" thế là sướng hơn mình nhiều rồi. Mình nhớ khi xưa thỉnh thoảng được "ra tỉnh", tức là theo bố mẹ về thị xã Tuyên Quang thăm ông bà ngoại, mỗi năm 1 lần, cách nhà đến 80 km, ngồi xe đạp bố đèo, qua phà sông Chảy - bến Hiên, rất thích. Thực ra, khi lên 2-3 tuổi mình đã được về quê ngoại ở khu phố cổ Hà Nội khá lâu, nhưng chẳng còn nhớ gì.  



02/09/2012 16:27:21

Tôi công nhận trước 1965 ngày 2/9 là rất đặc biệt với muôn dân. Chả gì cũng là ngày độc lập (ngày Cụ Hồ đọc tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình). Với các nước thuộc địa, ngày Quốc khánh thường là ngày Độc lập. Như Mỹ cũng vậy thôi ngày 4/7 được gọi là ngày Độc lập.


Những năm 1960 miền Bắc mới được hưởng không khí độc lập. Nên ngày 2/9 vui lắm. Ngay tại HN, bà con các tỉnh về từ tối 1/9, ngủ ngay vỉa hè để sáng hôm sau còn xem duyệt binh. Dạo ấy duyệt binh được bà con đón xem trật 2 bên đưởng, từ Ba Đình theo Điện Biên Phủ, qua Cửa Nam dọc theo Hai Bà Trưng, theo Phân Chu Trinh vòng về Trần hưng Đạo, đến Ga Hàng Cỏ thì rẽ trái về Công viên Thống nhất rồi hết.


Còn tối 2/9 nào cũng bắn pháo hoa. Còn biểu diễn văn nghệ, đua xe đạp, hôi vật, đua thuyền nhân ngày 2/9 thì không kể xiết


Còn năm nayở HN ko pháo hoa, ko mít ting, cũng chẳng duyệt binh



Từ: HuyenBT
02/09/2012 04:35:19

Mùng Hai tháng Chín, bác Tổng lên tỉnh chơi, cũng 2-9 chị Hạnh về quê xem đám cưới. Chị ấy mặc áo dài VN, sẽ là tà áo dài duy nhất "tung bay, tà áo tung bay" trong đám cưới Moldova. Chị ấy tranh thủ từng giây, từng phút, để nhìn ngắm, để nghe, để gặp, để cảm nhận từng chút nhỏ Moldova, vậy nên không kịp thư về cho bác Tổng thường xuyên được. Em viết mấy dòng này để bác Tổng yên tâm. Chị ấy vẫn đọc bài này của bác đấy, nhưng là " đọc" bằng cách nghe em kể qua điện thoại.


Anh Nghị ơi, em sắp viết xong cái này, tự nhiên đọc bài mới của anh lại phải dừng lại, đẻ bổ xung thêm chi tiết.




Trang:  1 | 2 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7169
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s