Thăm Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội
Tác giả: NghiPH
Sáng nay con gái tôi nhập học Trường Đại học Hà Nội. Trước đây trường này mang tên Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội. Đối với nhiều thế hệ lưu học sinh (từ năm 1972) trường này có cái tên giản dị, thân thương là: Ngoại ngữ Thanh Xuân. Tôi xung phong đưa con đi vì hai lẽ: Thứ nhất, tôi muốn thấy cái không khí nhập học của con tôi, của các tân sinh viên đến từ khắp các vùng miền đất nước như thế nào; thứ hai, thăm lại ngôi trường cách đây 37 năm tôi đã học một năm tiếng Nga trước khi sang Liên Xô.
Từ nhà tôi đến Trường Đại học Hà Nội không xa lắm. Mãi gần 8h sáng hai cha con mới rời nhà. Đến nơi đã thấy rất nhiều tân sinh viên đang xếp hàng. Khá nhiều các vị phụ huynh đưa con đi nhập học. Chả gì hôm nay cũng là thứ bẩy mà. Bố mẹ, con cái, bạn bè gọi nhau í ới. Có cả một ban nhạc sinh viên đang hoạt động rất sôi nổi.
Con gái tôi lấy phiếu khai nhập học để điền vào những chỗ cần thiết. Sau đó nó đi xếp hàng. Có 5 hàng tất cả. Hôm nay là ngày nhập học của khối học tiếng. Ngày mai khối kinh tế và công nghệ thông tin sẽ nhập học. Mỗi hàng là dành cho SV một hoặc hai thứ tiếng. Thí dụ, hàng dành cho sinh viên tiếng Anh, hàng dành sinh viên học tiếng Trung Quốc, hàng nữa dành cho sinh viên tiếng Nhật Bản và tiếng Hàn Quốc… Thấy hàng rất dài nên tôi nói với con :- Con xếp hàng vào làm thủ tục còn ba đi lại thăm nơi trước đây ba đã học, con nhé.- Vâng, ba đi tìm lại kỷ niệm xưa đi!
Tôi quay ra phía cổng phụ xưa, nay là cổng chính. Khi tôi nhập học Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, ngoài đường Nguyễn Trãi có bến tầu điện, quán phở và quán nước chè. Phía nam đường Nguyễn Trãi người ta đang mở rộng đường nhưng đang làm thì dừng lại. Tôi hay ra con đường đang làm dở này dạo chơi và ôn bài vì chưa có xe cộ đi lại. Cả hai bên "Đại lộ Cao Xà Lá" là những ruộng lúa xanh tốt, đâu có nhà cửa san sát như bây giờ. Tôi nhớ từ bến tàu điện vào trường, chúng tôi đi qua một con đường đất nhỏ hai bên có ruộng lúa để vào trường. Sát khu ruộng lúa là nhà A nơi có các phòng học của Khoa Lưu học sinh (tên chính thức của nó rất dài, tôi không nhớ nữa). Tòa nhà này trông vẫn còn rất tốt. Trước đây công nhân xây dựng giỏi quá, tài quá! Họ xây được những ngôi nhà rất chất lượng. Do là ngày nghỉ, các lối lên các tầng bị đóng nên tôi không thể vào phòng học của lớp N5 của tôi khi xưa.
Đối diện với nhà A là nhà B. Trên tầng hai của tòa nhà này có một căn phòng tôi đã ở cùng với 11 bạn khác vào năm học 1974-1975. Khi đó mỗi phòng có đến 6 giường tầng. Những người ở cùng phòng với tôi là anh Ngát, anh Quý, anh Thành, anh Hưng, anh Đạt, Bình, Hải, Hùng, Lương, Thân, Lâm.
Phòng nội trú của tôi ở trên tầng 2:
Giữa hai tòa nhà này là khu vực có bể chứa nước khá lớn để tắm giặt. Với tôi, lúc đó chỉ có 2 bộ quần áo lính nên việc giặt giũ chẳng khó khăn gì. Nay ở đây người ta đã xây nên tòa nhà C khá to lớn.
Tôi lững thững đi ra sân bóng. So với trước đây sân bóng có nhỏ hơn nhưng việc còn giữ được sân bóng này đã là quá tốt. Dưới bóng một cây đèn điện cạnh sân bóng, anh Q học cùng lớp tôi, đã từng kiên trì đứng học tiếng Nga suốt đêm khi mùa thi đến. Tôi và các bạn trong lớp, nhất là các bạn gái, vô cùng khâm phục nghị lực và quyết tâm rất cao của người bạn xứ Nghệ ấy.
Tôi đi theo con đường phía bắc của sân bóng để tìm cái cổng chính của trường khi xưa. Không còn cái cổng đó nữa. Khu dân cư ngoại ngữ đã che kín nó rồi. Tuy vậy, vẫn còn một lối nhỏ để đi ra đường Lương Thế Vinh (trước đây nó có tên là gì, tôi không nhớ rõ, có lẽ là đường Mễ Trì?).
Tôi đã từng đi theo con đường này rồi rẽ trái vào khu sân vườn của ngôi nhà thờ thiên chúa giáo rất đẹp để ngồi học bài trong không gian yên tĩnh, thoáng buồn. Còn nếu rẽ phải là vào khu của Trường Dân tộc Trung ương. Khu vực này có những rặng cây rất xanh tốt. Đi thẳng sẽ đến khu phát sóng của Đài tiếng nói Việt Nam- Đài phát thanh Mễ Trì.
Tôi quay lại tìm cái nhà ăn. Nó đây rồi! Hồi đó bữa cơm sinh viên có đĩa rau sào hoặc rau luộc, một bát canh mì chính và một ít thịt. Cùng với những chàng trai ở tuổi đang lớn, tôi ăn ngon lành xuất cơm sinh viên. Những ngày lễ chúng tôi được ăn tươi hơn, mỗi người được đến 3 miếng thịt lợn.
Cạnh nhà ăn là khu nội trú của sinh viên trong nước (vào thời điểm tôi học). Trước ngôi nhà này có khá nhiều cây xanh.
Tôi tìm được được người bạn cũ:
Tôi quay lại Hội trường lớn. Con gái tôi đã được vào trong Hội trường và đang làm các thủ tục nhập trường. Tại Hội trường này tôi đã dự mít tinh đón đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam do ông Nguyễn Văn Hiếu dẫn đầu ra thăm miền Bắc vào năm 1974. Tại buổi lễ, thầy Phó Hiệu trưởng, Bí thư Đảng ủy nhà trường đã nói một câu mà sau này có người nói là ông nói sai, có người bảo ông nói đúng. Đó là câu: Chúng tôi chúc các đồng chí lên đường về nước mạnh khỏe, lập nhiều thành tích trong công tác và trong chiến đấu! Cũng vào năm 1974 tại đây, lần đầu tiên trong đời tôi được đi bầu cử- bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp ở Hà Nội. Ở cửa hội trường có đặt tivi để sinh viên đến xem vào những buổi tối có đá bóng hoặc phim hay.
Tôi nhớ đến thời điểm 30/4/1975 nghe tin giải phóng Sài Gòn, tôi lao ra đường Nguyễn Trãi, leo lên tầu điện về Hồ Gươm cùng mọi người reo lên sung sướng: - Sài Gòn giải phóng rồi! Hòa bình rồi!
Tôi đang suy nghĩ miên man thì con gái tôi chạy ra:
- Con làm xong thủ tục nhập học ở trường rồi. Bây giờ về Khoa để đăng ký lớp. Ba có biết nhà C ở đâu không? Chắc ba biết rõ vì đây là trường của ba mà!
- Khi xưa ba học chưa có tòa nhà C này. Vừa rồi đi lang thang tìm lại nơi xưa chốn cũ ba đã thấy nó rồi.
Con gái tôi nhanh chóng lên đăng ký vào lớp ở trên tầng 2. Hai cha con quay ra xem sinh viên đang hát rất hay những bản tình ca. Tôi và con gái chụp vài ảnh kỷ niệm trước nhà A, rồi lấy xe về nhà. Khi ra cổng soát vé, tôi trả tiền, bác coi xe nói hôm nay là ngày tân sinh viên nhập trường nên gửi xe được miễn phí!
Tôi đã có một buổi sáng trở lại thăm ngôi trường trang bị cho tôi vốn tiếng Nga tối thiểu trước khi du học ở Liên Xô. Xin cám ơn các thầy cô đã tận tình giảng dậy chúng tôi trong năm học đó! Bây giờ các thầy, các cô đều đã nghỉ hưu. Nhớ các bạn cùng học một năm ở Thanh Xuân, sau đó học thêm một năm nữa ở Erevan rồi chưa tay nhau đi khắp Liên bang Xô viết. Nhớ một số bạn do sức khỏe yếu nên ở lại học trong nước, sau này trở thành giảng viên của Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội…
Người post: NghiPH
Ngày đăng: 22-09-2012 22:10
COMMENTS CỦA THÀNH VIÊN |
|
Tổng số bài và comment post theo từng khoa
Khoa | Bài viết | Comment |
Sinh | 563 | 9482 |
Lý | 387 | 2824 |
Hóa | 882 | 9765 |
Luật | 721 | 11647 |
Toán | 66 | 376 |
Kinh tế | 4 | 108 |
Câu Lạc Bộ | 30 | 1 |
NCS | 3 | 70 |
Bạn bè | 197 | 1189 |
Dự bị | 0 | 0 |
Ngôn ngữ | 2 | 2 |
10 người post bài nhiều nhất
User | Số bài viết |
TungDX | 289 |
NghiPH | 306 |
NgocBQ | 130 |
ThaoDP | 108 |
CucNT | 123 |
CoDM | 88 |
PhongPT | 73 |
HaiNV | 93 |
LiTM | 85 |
MinhCK | 70 |
10 người comment nhiều nhất
User | Comment |
Guest | 7169 |
NghiPH | 3219 |
LiTM | 1879 |
HaiNV | 1853 |
KhanhT | 1743 |
CucNT | 1718 |
TungDX | 1565 |
ThanhLK | 1545 |
VanNH | 1441 |
ThoaNP | 1257 |