KGU News >>Người KGU
KGU Tạo bài viết  
Thứ tư 14 Tháng mười một. 2012

Hậu Duệ KGU đã đến Kisinhop




Tác giả: HuyenBT

 

 

         Em có tin thật vui muốn gửi tới các anh chị:  khi ở Việt nam có cuộc hội ngộ của các anh chị Khóa 1 KGU kỷ niệm chẵn 50 năm lần đầu tiên đăt chân đến Kisinhop, cũng là lúc Moldova giang vòng tay đón Hậu duệ KGU đến học tại trường sau hơn 20 năm gián đọan, (kể từ sau khi Liên xô sụp đổ) vắng bóng sinh viên Việt nam.

        Đó là 5 em, cả trai, cả gái- bắt đầu từ tuổi 19!

          Các anh chị, hãy thử hình dung lại tuổi 19 của mình! Em cũng thế, đã ngồi ngẩn ra ngắm các em gái, và cố tìm lại xem, có những gì là “của mình ngày ấy”. Em đã kịp nhận thấy mớ tóc ngây thơ, xõa trên trán của chị Bình Phạm bây giờ, đôi mắt tròn đen của chị Thảo, chị Hồng, và nụ cười rất rạng rỡ của các chị MK…

 

       Câu hỏi đầu tiên của các em: “Cô ơi, chúng cháu muốn đi tàu điện ngầm ở Kisinhop?”

      -Cái đó thì cô chịu rồi! Nhưng cô hứa sẽ chở các cháu bằng tàu điện của của cô thăm quan thành phố!

       Thế là sau đó, “Tàu điện”  4 chỗ ngồi của em chở mấy cô cháu đi vào thành phố. Bắt đầu là phố Lê-nin, nhất định rồi, phố trung tâm đấy, ở đó có Универмаг, có Детский мир,Центральный рынок, có chỗ bán kem, bán bánh rán nhân bắp cải, bây giờ có cả Mc.Donals!  Mc.Donals thì thích quá! Còn bánh rán, và các loại bánh khác ở đây, chúng cháu ăn không được, mùi của nó lạ lắm, chúng cháu không quen! –“Thế mấy hôm nay ăn gì?”-em tò mò hỏi.- “Chúng cháu ăn ruốc thịt mẹ làm sẵn để mang theo!”. Центральный рынок để mua gì cô? Chúng cháu thích đi siêu thị, có nhiều đồ ăn sẵn, rất tiện!

      Ôi, Các cô bé, cậu bé 9X, đúng là cô đã hơi lạc hướng rồi, tất cả những gì cô kể, là những thứ của ngày xưa, những thứ có cố hình dung thế nào các cháu cũng không cảm nhận được!

      Câu hỏi tiếp theo: “Cô ơi, tại sao chăn,ga, gối đệm ở Kí túc xá lại toàn là màu trắng, như là màu của bệnh viện ấy !”Thế ở nhà, của các cháu màu gì?” – “ Màu hồng! một cô bé nói, màu xanh- một cậu bé nhớ lại.”

      Thế là chạy ngoặt vào Универмаг, nơi có cả một gian hàng lớn với đủ màu sắc của ga, gối,đệm. “Cô tặng mỗi bạn một bộ chăn, ga, gối, hãy chọn bất cứ màu nào!”. Chúng nó vui như một đàn chim, sà ngay vào quầy hàng, làm cho bà Tây bán hàng béo ục ịch cũng cố với lên những kệ hàng cao nhất để mang xuống tất cả những gì có trên đó cho các cô cậu chọn lựa. Chắc đêm nay sẽ có những giấc mơ đẹp, vì trên tay một cô bé đã có chiếc khăn trải giường màu hồng có vẽ hình búp bê Barbie xinh đẹp. Các cô Chiêu cậu Ấm này lần đầu tiên xa vòng tay bố mẹ, xa căn phòng xinh xinh có những bức tường quét vôi màu hồng, màu xanh, trên đó vẽ những cánh hoa, cánh bướm…Ngay cả bây giờ, chúng cũng đang mặc những chiếc áo len xinh xắn thêu hình những chú gấu, chú mèo rất dễ thương…

         Cái thời của những nắm 70, 80  của chúng mình là thời tự mua len, đan áo cho nhau, cho bạn, chật vật cắt cứa, khâu khâu, dán dán những hình thù ngộ nghĩnh, rồi tự ngắm, tự khen nhau đẹp  và rất yên tâm là đẹp.

    Mua xong rồi thì nảy ra một vấn đề: giặt chăn,ga, gối bằng tay sao được! Kí túc xá chỉ thay ga, gối một tuần 1 lần, và chỉ thay đổi những đồ họ phát cho, đồ tự mua, người ta không nhận giặt!

    Cô Huyền nhìn tấm ga màu hồng có hình búp bê Barbie mà cô bé ôm khư khư trên tay, quyết định: “Cô sẽ mua máy giặt!”. Đi hỏi Camendant, có cho phép đặt máy giặt cá nhân trong Kí túc xá không?

      Trả lời: “Về nguyên tắc là hoàn toàn không được! Nhưng để tôi xem xét!” Tất nhiên là phải nài nỉ, thuyết phục. Cuối cùng, đạt được sự thỏa thuận : “Tôi đồng ý! (mừng quá, cảm ơn nhé!!!)- Nhưng cho tôi dùng chung với các em nhé!”. Phải chấp nhận thôi, chỗ nào có quyền lực, chỗ đó có corruption mà!

     Sau đó, mua thêm đồ dùng trong nhà,khăn trải bàn, đồ để vệ sinh, lau chùi nhà cửa,…với giao hẹn: “Ngày xưa cô Huyền học, có đội Cờ đỏ, mỗi tuần đi chấm điểm vệ sinh các phòng một lần, xếp hạng phòng sạch đẹp, nhất, nhì, ba…Bây giờ không có đội ấy nữa, cô Huyền sẽ đến phòng các bạn chấm điểm sạch đẹp nhé, bắt đầu từ cuối tuần này!”. Bọn chúng cười ỏn ẻn, không ra chống đối, cũng chẳng ra đồng tình. Nhưng cô Huyền sẽ làm điều đó, vì các bạn ấy cần phải làm quen với cuộc sống tự lập mà.

     Đói bụng rồi, về nhà cô Huyền ăn tối. Cô Huyền nấu phở bò chín. Công thức gia truyền do chị Phương Thảo ở Paris truyền cho. Chị Thảo bảo công thức đó là của ông Tư Lùn, người nấu phở của gia đình mấy đời nổi tiếng Hà nội xưa truyền lại. Chúng ăn thật ngon lành, luôn miệng bảo: cô dạy cho chúng cháu nấu phở nhé, các gia vị phở có mua được ở đây không ạ? Cô Huyền hứa chỉ cho quầy hàng thực phẩm châu Á, nơi có thể mua từ lá chuối tươi, (mà có lần mấy bà Tây ngó nghiêng ngắm nghía mãi rồi bảo nhau mua về cắt ra trộn với smetana làm salad(!!!), đến tương bần, nước mắm…

        Nhìn bọn trẻ ăn bữa ăn đầu tiên có bàn tay người đồng hương nấu, em chợt nhớ đến những lần đón các em học sinh VN mới sang, hơn 25 năm về trước. Thường khi đó là những chuyến tàu đêm, khi các em đến, thì đã rất muộn, các cửa hàng đều đã đóng cửa. Thực phẩm dự trữ duy nhất lúc đó chỉ là trứng. Ngày ấy cả Việt nam còn đói kém, nên trứng gà đã là món ngon rồi. Các chị thường nấu một nồi cơm (các em xa quê, thèm cơm trắng lắm!), và tráng rất nhiều trứng, đến nỗi “miếng cơm nào cũng được ăn với một miếng trứng”!(đó là lời trầm trồ của mấy em dự bị sau này kể lại). Sinh viên mới sang ăn rất khỏe, hình như vì đã cạo sạch nồi rồi,thì chúng đứng lên, chứ không chắc là bụng đã no chưa. Những bữa cơm các chị năm trên đãi các em mới sang như thế được lặp lại như một truyền thống. Chắc không một em dự bị nào quên được bữa cơm Việt đầu tiên như thế.

      Bẵng đi một thời gian rất dài, có lẽ đến 25 năm sau, có lần tự nhiên em nhận được một cú phone lạ. Đầu dây bên kia là một giọng phụ nữ, hồ hởi, chân tình, cứ như là đã quen lâu lắm: “Em chào chị, chị không biết em đâu, em là… vợ anh… anh ấy ngày xưa học cùng Kisinhop với chị, chị nhớ chứ ạ!”. Rồi ngắn gọn vài câu thông tin,thăm hỏi, rồi nhanh chóng: “Chị ơi, chị giúp em một việc này: anh ấy nhà em rất thích ăn trứng tráng. Em làm luôn luôn, nhưng anh ấy vẫn bảo không đúng, không giống… là không giống như món trứng tráng anh ấy ăn 25 năm trước. Lúc anh ấy vừa đến Kisinhop ấy, chị ạ. Em tìm được điện thoại của chị, em muốn chị bày cho em, làm như thế nào hả chị? (Ôi trời, tưởng chuyện gì, thật bất ngờ với cú phone và lời đề nghị ấy). Em ơi, lúc đó chỉ có trứng tráng, cuộn lại với lá hành xanh thái nhỏ.- “Thì em cũng làm như thế!”- Chị lúc đó nghĩ, đi tàu dài ngày, chắc món trứng cuốn sẽ khô khan, khó nuốt lắm. Chị làm chút nước sốt cà chua dội lên những khoanh trứng cuốn thôi mà! –“ Ô, cái này thì em không nghĩ ra! Em chưa bao giờ hình dung được trứng cuốn với nước sốt cà chua! Em cảm ơn chị nhé, em đi làm ngay đây, em chào chị nhé!”- rồi gác máy cũng nhanh đột ngột và ríu rít như khi cầm máy gọi! Cô bé ơi, chẳng có gì là bí quyết đâu, chỉ là vì buổi tối đó, cái gì cũng ngon mà- bữa cơm Việt đầu tiên trên đất khách!

 

Người KGU thân mến, em đã  có một ngày lang thang (cả trong ý nghĩ) với các vị Hậu duệ KGU như thế đấy!

Mong các em nhanh quen với môi trường mới, học tốt và sống tốt, để không làm hổ danh những cựu Sinh viên KGU, mà những người đầu tiên đã nêu tấm gương sáng là các anh chị KGU khóa 1, vừa kỷ niệm chẵn 50 năm ngày đặt chân lên Kisinhop- Moldova.



 


Người post: HuyenBT

Ngày đăng: 14-11-2012 04:04






Xem 11 - 20 của tổng số 53 Comments



Từ: HuyenBT
18/11/2012 07:00:21

@Anh Ngọc: Nhất định rồi, em sẽ chuyển lời nhắn nhủ của anh đến các cháu. Có thêm một động lực nữa để cố gắng hơn, đối với trẻ em-cũng tốt, chị Thoa ơi!.


@3Chai: Ngày xưa 3 Chai xinh thế! Em sẽ thử hỏi, tìm cô giáo của anh



Từ: ThoaNP
18/11/2012 03:21:55

Mình không đồng ý với câu cuối của Hội trưởng lắm. Khuyên các cháu cố gắng học tập là đúng rồi, nhưng đừng thòng thêm cái đuôi "SV VN học ở KGU là có truyền thống học giỏi, các cháu nên lấy điều đó để phấn đấu".


Sợ như vậy sẽ tạo áp lực không cần thiết. Nhỡ các cháu cố rồi mà học không giỏi lại ngại gặp các bậc tiền bối.


Các cháu nên biết học trước hết là cho/vì chính bản thân mình, và cứ cố gắng hết sức mình có thể. Còn được khá, giỏi, hay thậm chí trung bình cũng không nên quá băn khoăn. Miễn là mình đã cố hết sức là được. Cuộc sống còn rất nhiều khía cạnh để khám phá, học hỏi chứ không chỉ có việc học trong sách vở.


Mình nghĩ vậy.



18/11/2012 00:27:34

Các bác ơi, tiếng gì mà chả được. Bây giờ lớn rồi, thấy hồi đó ko biết tý tiếng Môn nào là ko phải với Moldova. Tiếng Môn thực ra là tiếng Rumani, cũng đâu có làm sao. Nên nhớ ở châu Âu, phân biệt ngôn ngữ như vậy là tội nặng lắm đấy. Bây giờ ở Moldova người ta ko thích dạy bằng tiếng Nga từ lâu rồi.


Mà chẳng hiểu sao BGD cử đào tạo tiếng Anh lại cử sang Moldova. Thiếu gì nước nói tiếng Anh. Học ngoại ngữ phải sang đúng nới nói tiếng đó chứ?


@Huyền: xin chia buồn với Bảo tàng KGU khi ô. GĐ đã qua đời. Dù sao cũng là 1 người bạn của VN.


Huyền nhắn với các cháu là SV VN học ở KGU là có truyền thống học giỏi, các cháu nên lấy điều đó để phấn đấu.



Từ: 3Chai
17/11/2012 11:35:58

Tôi may mắn giữ được một vài bức hình chụp với các thầy cô giáo KGU. Ảnh bị hư chủ yếu trong thời gian 10 năm đầu tiên ở HN ở nhà nền đất ẩm thấp quá. Đây là hình cô giáo Nelia Petrovna, Bộ môn Động vật học. Không biết cô còn không?


Nelia Petrovna



Từ: TuanDK
17/11/2012 09:46:39

           "Lớp cha trước, lớp con sau"


       Hội KGU chẳng lo đâu thiếu người!


           Cứ trông" Đại Sứ" Huyền cười


        Thấy ba quả táo đỏ tươi Chúa dành.


 


 



Từ: TuyetHA
16/11/2012 22:21:35

Đã làm luận án TS. thì phải tìm nơi nào mạnh về chuyên môn mình cần chứ? NCS đã sang đến nơi học mà chưa tìm được thầy hướng dẫn thì hơi lạ đấy! Mừng vì đã có người Việt sang học ở Kishinhop nhưng cũng tiếc vì các cháu không được học bằng tiếng Nga, sẽ không như thế hệ chúng ta, sống trên đất Môn nhưng tâm hồn lại thấm đẫm văn hóa Nga. Riêng khoản này là" thiệt" hơn chúng ta rồi. Mong các cháu khỏe mạnh và thành công trên con đường đã chọn.



Từ: UyenNT
16/11/2012 22:07:37

   Ý kiến của Bắc Hải,quay lại K học tiếng Mol.cũng rất hay,chỉ tiếc chúng mình đã Старые mất rồi.Nhưng mình có một cô bạn học ở Rumani ( đã từng sang thăm mình ở Kishinhop,luc đó có cả Khiêm,Tiến Thắng...) cũng bồi dưỡng cho mình một chút tiếng Rumani.Hơn một năm rồi không gặp lại Bắc Hải.Ước gì Du xuân năm tới được gặp ở TpHCM.



16/11/2012 15:45:40

Rất vui mừng người KGU chúng ta có lớp hậu duệ của mình. Em Huyền thật tuyệt vời và hạnh phúc khi làm mẹ nuôi của 5 cô cậu hậu duệ đầu tiên ở Kishinhep



Từ: 3Chai
16/11/2012 13:18:01

@BinhPT. Mấy chục năm trước đây ở Khoa Sinh vật học KGU mình đã nghe thầy giáo (Bộ môn Sinh Lý) bảo rằng các em có thể viết/bảo vệ luận án bằng tiếng Anh hay tiếng gì khác tiếng Nga.  Hồi đó kém tiếng Anh nên chắc chả có ai dám nghĩ đến, chứ bọn trẻ bây giờ khác xa.


Bác Uyển ơi, hay là anh em ta trở lại K học tiếng Mold để bù lại khiếm khuyết tuổi trẻ?


Chúc cả nhà cuối tuần thật vui.


 


 



Từ: BinhPT
16/11/2012 12:16:58

@3chai: Trước khi đi , có một bạn đã đến nhà mình chơi. Các cháu được phổ biến là sẽ học tiếng Rumani (không phải tiếng Mônđôva vì theo các chuyên gia là không có tiếng này. Chết thật, không biết có bị ai kiện ra Liên hiệp quốc ko đây!) trong một năm. Các cháu đều biết việc học tiếng này là cần thiết nhưng đều có nguyện vọng được học cả tiếng Anh để có thể làm luận văn bằng tiếng Anh. Việc này ở Rumani thì đã được áp dụng nhưng ở trường mình thì chưa biết. Bạn Tuấn sang làm nghiên cứu sinh về phân loại cá và mình đã nhờ Irina Shirokova lớp mình giúp đỡ. Việc đầu tiên là xin được phoocmon để bảo quản số mẫu mang sang mà không phải đi mua. Vấn đề là vẫn chưa tìm được thầy hướng dẫn. Các cháu được học bổng cũng cao so với mức sống ở Mônđôva nên hy vọng sẽ thu xếp cuộc sống tạm ổn, nhất là khi đã có nữ đại sứ của chúng ta.





Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7170
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s