KGU News >>Văn học >>Ký - Luận
KGU Tạo bài viết  
Thứ năm 22 Tháng mười một. 2012

KÝ ỨC VỀ NHỮNG NGÀY SƠ TÁN




Tác giả: Meomun

KÝ ỨC VỀ NHỮNG NGÀY SƠ TÁN

 

(Như một dấu hiệu của tuổi già, dạo này tôi thỉnh thoảng ngồi nhớ những chuyện ngày xửa ngày xưa).

 

Hồi sơ tán chống chiến tranh phá hoại của Johnson, tôi còn bé quá. Tôi chỉ nhớ những chuyện không đầu không cuối, khoảng từ năm 1967 trở về sau thôi. Hồi ấy, gia đình tôi sơ tán về xã An Lễ hay Gia Lễ gì đó, huyện nào tôi cũng quên mất rồi, hình như Đông Hưng thì phải. Mẹ tôi tiếp tục đi dạy học, còn ba tôi hay đi công tác xuống cơ sở có khi vài tuần mới lóc cóc đạp xe đạp về thăm nhà. Chỉ trong mấy năm nhưng nhà tôi đã trải qua nhiều chỗ trú, từ trại thương binh, trại cá gì đó và tôi chỉ còn nhớ từ lúc cả nhà ở nhờ một gian bé tí trong khu trụ sở của xã. Tôi hồi ấy chừng 4 tuổi, hay tha thẩn theo các anh chị học sinh của mẹ đi chơi. Tôi nhớ có xóm theo đạo Phật, nhưng có xóm trong nhà dân lại thờ tượng Chúa rất đẹp làm tôi tò mò nhìn mãi. Tuy còn nhỏ nhưng tôi nhớ là tôi có một cảm giác rất khác lạ khi bước vào nhà của bà con theo Thiên Chúa Giáo. Có lẽ vì trước đó mẹ tôi đã dặn đi dặn lại các chị là vào nhà ai thì đừng để “em” hỏi linh tinh, báng bổ. 

 

Năm 1967 có trận bão to đi qua Thái Bình. Hồi ấy mẹ tôi lại mới sinh đứa thứ 3, tức là em thứ 2 của tôi. Từ buổi chiều, gió nổi lên dữ dội. Mẹ tôi xem chừng cái chái nhà trong khu trụ sở xã không chịu nổi bão, chắc phải chạy lên đình làng thôi. Dù sao đình làng cũng kiên cố, xây bằng gạch trong khi đa phần nhà dân là nhà tranh vách đất. Ba tôi vắng nhà, mẹ hối hả quấn chăn cho em bé và giục tôi và thằng em lớn chuẩn bị. Cả nhà đang bối rối, bỗng có mấy chị học sinh lớp 7 của mẹ nón áo tơi lúp xúp chạy tới. Học sinh lớp 7 hồi ấy lớn lắm, khoảng 16, 17 tuổi. Một chị bế em bé, một chị dìu mẹ tôi lúc ấy mới sinh còn yếu, chị khác thì bế bổng thằng em lên, tất cả xuyên mưa gió chạy tới đình làng. Còn tôi, 4 tuổi rồi nên phải tự đi. Mà nào có đi nổi, bão đã mạnh lên, gió rít ào ào, tôi bị gió cuốn ngã lăn lông lốc như quả bưởi trên đường làng, cứ chống tay đứng dậy thì lại ngã. Nhưng cuối cùng cả đoàn cũng tới được đình làng, nơi đã có nhiều người chạy đến trú bão. Một lúc sau thì một bức tường của đình làng cũng đổ. Thế là mọi người lại chạy tới nhà bác Lang cách đó mấy trăm mét. Bác Lang là cán bộ miền Nam tập kết, nhà bác là một trong những nhà dân hiếm hoi xây kiên cố lúc bấy giờ.  Lúc cơn bão tan, các chị giúp mẹ tôi ổn định xong xuôi mới xin phép về nhà mình “thu dọn chiến trường” vì nhà cửa, vườn tược, hoa màu tan hoang cả. Hồi ấy ai cũng nghèo nhưng mọi người thật tốt. Tôi nhớ có hôm mẹ tôi thả con em gái tôi lúc đó mới được chừng vài tháng tuổi vào trong cái cũi. Mẹ để vào cũi vài cái nắp bút, nắp hộp cho em chơi và bảo tôi và thằng em lớn đứng ở ngoài cũi trông em để mẹ đi dạy học. Được một lúc thì thằng em tôi lăn quay ra ngủ, còn con em trong cũi thì mũi dãi tèm lem, người bê bết toàn là…  Một lúc sau thì có một bà trong xóm đi qua rẽ vào chơi. Hồi ấy nhà cửa hầu như chẳng cần cửa nẻo gì. Thấy con em tôi trông kinh quá, bà cốc vào đầu tôi một cái, mắng:- Trông em mà để em thế này à! Rồi bà thò tay vào cũi nhấc nó ra, cắp vào nách như cắp một con mèo hen, mang xuống ao rửa ráy cho sạch sẽ, lại dọn cả cái cũi bẩn cho nó nữa. Xong việc, bà te tái về nhà, tôi cũng chẳng biết tên bà mà về kể cho mẹ tôi nghe nữa. Có lần tôi đang ngồi trên cầu ao, tôi cúi người xuống vớt rong rêu trên mặt ao để làm đồ hàng và ngã lộn tùng phèo xuống nước. Tôi chỉ thấy một màn nước xanh và một cảm giác bị ngợp đến nghẹt thở. Tôi uống không biết bao nhiêu là nước. Bỗng có ai túm gáy tôi xách lên, rồi dốc ngược tôi trên vai và chạy một vòng cho tôi nôn hết nước trong bụng. Rồi bác ấy xách tôi về nhà giao cho ba mẹ tôi:- Không có tao là con bé này chết rồi nhé!

Hồi ấy, chúng tôi là dân ở nhờ, dân “ngụ cư” nhưng cũng được bà con rất quý mến. Có thể một phần là do hồi ấy mẹ tôi là giáo viên. Thấy cô giáo trẻ mà một nách 3 rồi 4 con, chồng đi công tác xa lâu lâu mới về nên họ rất thương. Hàng xóm có bát canh nóng, có mớ khoai lang, củ từ cũng biếu. Đối với bọn trẻ chúng tôi thì những thứ đó đúng là cao lương mĩ vị, vì bụng lúc nào cũng đói. Nhưng hồi ấy các anh chị, các cô chú cũng rất tinh nghịch, nhiều khi còn mang lũ trẻ con chúng tôi ra để bày trò vui. Tôi còn nhớ có hôm tôi theo một chị đi rửa bèo ở ao làng, phía bên kia ao cũng có một bà đang rửa rau gì đó. Bỗng chị ấy gọi sang bờ kia: -  Bà ơi bà, cái Vân nó vừa chửi bà đây này! Trong khi tôi đang trố mắt nhìn chị, chưa biết cãi ra sao thì bà bên kia ao đã xắn váy (hồi ấy còn nhiều bà già mặc váy vải nâu đất, vải màu đen) lên chửi. Bà vỗ hai tay đen đét và nhảy lên chồm chồm. Bà xỉa xói, tuôn ra mọi sự ấm ức, nào là thấy mẹ con nó bơ vơ, tao thương thế mà con nó dám chửi tao à, cái quân trắng mắt… Tôi ức quá phát khóc, chị đi cùng thì cười khoái trá rồi bảo tôi:- Không sao đâu mà, tại bà ấy chửi hay lắm nên chị thích trêu để nghe chửi cho sướng!

 

Còn thằng em tôi thì có chuyện khác. Có hôm một toán các cô các chú đến chơi nhà tôi, ai cũng rất trẻ và vui tính. Bỗng một chú bế thằng em tôi lên và thì thầm vào tai nó: - Cô áo hoa giấu kẹo trong người ấy, đố cháu tìm thấy đấy! Thế là tội nghiệp thằng bé lên ba đòi cô bế, rồi cứ tìm kẹo trên người cô, cô xấu hổ thả cháu xuống và bỏ chạy, còn các chú vỗ tay cười thích chí!

 

Sự kiện đáng nhớ nhất với chúng tôi hồi sơ tán lần thứ nhất là Bác Hồ mất. Hôm ấy tôi thấy rất đông người tập trung ở hội trường Ủy Ban xã, rồi tràn ra ngoài sân, ngoài đường. Ai cũng khóc, mắt mũi sưng húp, nói là Bác Hồ mất rồi và ai cũng đeo cái băng tang nhỏ bằng vải nửa đen, nửa đỏ. Còn nhỏ, có biết gì đâu, nhưng thấy mọi người khóc thì nên chúng tôi cũng sụt sịt khóc theo.

(Một làng quê ở Kiến Xương- Thái Bình)

Xxx

x

Ở nơi sơ tán, tôi đã học lớp mẫu giáo, rồi vỡ lòng, viết những nét chữ đầu tiên. Đến năm 1970 thì gia đình tôi chuyển về thị xã để tôi vào lớp 1. Bà con trong làng đưa tiễn gia đình tôi, nhiều người cứ cầm tay chúng tôi sụt sịt, lưu luyến mãi. Tôi còn nhớ gia đình mà ba mẹ tôi thân nhất là nhà bác Cửu, có anh Lanh, chị Vinh. Cạnh nhà tôi thì có bác Hiên, cô Hải, anh Ca và cái Hằng thì suốt ngày khóc nhè...

 

Hồi mới chuyển về thị xã, nhà tôi ở khu tập thể xí nghiệp của ba tôi, sát khách sạn Cầu Bo mà sau này tôi mới biết là người ta hay chế giễu là nhà máy cháo. Gần khách sạn, chúng tôi hay đi nhặt que kem, rửa sạch, bó lại từng bó rồi về chơi chuyền, làm que tính. Ở tập thể chật chội, nhà con đông, trẻ con lại nghịch ngợm nên ba mẹ tôi cũng thấy bí bích. Sau đó ba mẹ tôi được phân một mảnh đất để xây nhà và ít lâu sau, nhà tôi chuyển sang chỗ ở mới gần tỉnh đội, chỗ bến xe mới ngày nay. Đó là ngôi nhà đầu tiên “của mình” mà ba mẹ tôi có được, sau hàng chục năm ở tập thể. 

 

Năm 1970 có một sự kiện kinh hoàng là sập cầu Bo vào ngày 1/9 (nếu tôi nhớ không nhầm). Tôi nhớ hôm đó là ngày nghỉ để mừng Quốc Khánh, thị xã tổ chức nhiều trò giải trí, có cả đua thuyền trên sông Trà Lý. Từ sáng sớm, nhân dân ở các vùng lân cận đã đổ dồn về thị xã, họ ngồi đầy hai bên bờ sông và đặc biệt lại trèo lên mố cầu Bo, xây từ hồi Pháp thuộc nhưng đã bị máy bay Mỹ đánh sập chỉ còn vài nhịp phía bên thị xã. Nhà tôi ở gần đó nên tôi và thằng em trai cách tôi có hơn 1 tuổi không để tuột mất dịp đi rông hiếm có như thế. Cả hai chị em đã mò đi từ sáng sớm. Được một lúc thì tôi chán nên về nhà, chỉ còn thằng em ở lại xem tiếp.  Đông người quá, mọi người trên cầu lại phấn khích mỗi đợt thuyền đua đi qua nên hò hét cổ vũ, giậm chân ầm ầm. Thế là mố cầu như răng bà lão sập xuống, bê tông đè chết khá nhiều người ngồi ở phía dưới. Họ ngồi bên dưới cho đỡ nắng, lại sát sông để xem đua thuyền cho rõ mà không biết đó là nguy hiểm. Tôi vẫn bị ám ảnh với một đoạn đê mà đầy những cái chiếu phủ xác người chết. Tin dữ truyền nhanh, bà ngoại tôi thất thần: -  Cháu đi tìm em ngay, không biết nó có làm sao không, sao chưa về nhà? Tôi như kẻ mất hồn chạy trên đê và gào tên em tôi. Thế rồi nó tự nhiên ở đâu hiện ra, người đầy bùn đất, nhe hàm răng sún ra cười làm tôi mừng mừng tủi tủi. Hai chị em líu ríu dẫn nhau về và không dám hó hé kể chuyện chết hụt cho ba mẹ nghe.

(Cầu Bo mới)

xx

 

Ba tôi là cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc. Hồi ấy, sau con liệt sĩ, con thương binh thì con cán bộ Miền Nam khi đi học là được ưu tiên thì phải, nhưng tôi không nhớ là ưu tiên những gì.  Tôi chỉ nhớ cảm giác ngượng nghịu có chút tự hào của mình khi “hùng dũng” giơ tay, khi cô giáo hỏi trong buổi học đầu năm: - Em nào là con cán bộ Miền Nam? Có lẽ nỗi niềm “ngày Bắc đêm Nam”của ba đã thấm đẫm vào máu thịt chúng tôi. Tuy sinh ở đất Bắc, nhưng chúng tôi luôn nhớ là quê nội ở xứ Quảng, nơi có dòng sông Trà (em gái tôi cũng được đặt tên là Trà), có núi Thiên Ấn, nơi có ông bà nội đang mỏi mòn chờ ngày thống nhất ba tôi trở về như lời hẹn ước: 2 năm sau con sẽ về!  Hai năm, cuối cùng thành 21 năm, cả một quãng đời đẹp nhất của một con người! Lớn lên, tôi hiểu và thương ba tôi hơn và như thấy hình ảnh của ba qua câu thơ của nhà thơ Tế Hanh “khi ra đi tóc tôi đen xanh/nay trở lại mái đầu nhuốm bạc”.  Nhưng dù sao những năm tháng đó đất Bắc, quê mẹ của tôi đã ấp ủ những người con xa quê như ba tôi, làm nguôi ngoai bớt nỗi nhớ. Nơi ấy, ba mẹ tôi gặp nhau và chúng tôi ra đời, đã trở thành quê hương thứ hai của ba tôi. Những câu hát ru vụng về của ba lúc chúng tôi còn nhỏ đến bây giờ như vẫn văng vẳng bên tôi, dù ba tôi đã mất cả chục năm rồi: “Chiều chiều ông lão đi câu, bà lão đi cấy,con dâu đi mò”. Ba tôi đã trải qua những ngày tháng rất đau buồn khi ở nơi sơ tán nhận được tin ông bà nội tôi, rồi cô tôi, bác tôi ở trong Nam đã mất. Người thì mất vì bệnh tật mà không có điều kiện chữa chạy vì đang chiến tranh, người thì bị địch càn trúng hầm trú ẩn. Những tin đó đến được với gia đình tôi cũng mất cả năm, có khi đã gần cái giỗ thứ 2. Tôi còn nhớ hồi ấy ba hay đội cái mũ catket có dải vải tang đen gắn phía trên.

 

Đến khi sơ tán chiến tranh phá hoại lần thứ 2 mà ba mẹ tôi gọi là sơ tán “Nich-sơn” thì tôi đã lớn hơn, cuối năm tôi học lớp 2 và lên lớp 3. Nhà tôi sơ tán về Vũ Thư, cũng chỉ cách nhà mấy km nhưng hồi ấy là khá xa vì xe cộ không như bây giờ. Cuộc sống ở nơi sơ tán và vai trò chị cả của suýt soát nửa tiểu đội em đã dạy tôi biết nấu cơm, trông em, làm việc nhà. Ngoài giờ học, tôi còn biết đi quét lá khô về làm chất đốt, vớt rong, bèo về nuôi lợn, rồi cất vó tép, mò cua bắt ốc, thậm chí vợt cả cào cào về vặt đầu, vặt cánh rồi rang với lá chanh ăn rất ngon. Đi bắt cua, tôi đã biết những hang nào có đất “mà” mới phùn lên là hang cua, còn hang nào nhẵn thín xung quanh là hang rắn. Thế mà có lần tôi móc phải một con rắn, may mà là rắn nước nhưng cũng làm tôi quăng cả giỏ cua, bỏ chạy rất xa mới dám quay đầu nhìn lại, mặt không còn giọt máu. Dạo ấy ba mẹ tôi chuyển chỗ sơ tán đến mấy lần, đến nỗi bây giờ tôi không còn nhớ tên địa điểm từng nơi. Nhưng nhớ nhất là hồi nhà tôi ở nhờ kho của hợp tác xã.

 

(Đập lúa- Tranh sơn dầu của Họa Sĩ Nguyễn Văn Phương)

Những đêm trăng sáng, bà con đập lúa, cười đùa ca hát rất vui vẻ. Có những tối, sau khi xong việc nhà, em bé nhất đã ngủ, mẹ rủ tôi vào xóm chơi. Hai bên đường, những rặng tre rì rào đầy vẻ bí hiểm, có lúc mẹ còn kể chuyện ma để trêu tôi. Nhưng sợ nhất là qua một đoạn có bãi tha ma, đom đóm bay lập lòe làm cả hai mẹ con như nín thở. Có lần, đi qua vườn nhà nào đó có mùi mít chín, mẹ tôi ghé vào hỏi mua rồi lễ mễ bưng quả mít về, bổ ra thơm lừng cả sân, mời những người xung quanh cùng ăn. Dạo mùa đông năm 1972 rất lạnh, trâu bò bị cước chân đang đứng bỗng lăn đùng ra. Tôi cầm rổ rau ra ao, thò tay xuống nước lạnh buốt. Những con cá chịu rét không nổi, chết nổi trắng ao. Thấy lũ trẻ con thâm cả môi vì lạnh, ngủ không yên, mẹ tôi mua chừng 2 gánh rơm, trải vào buồng thành một lớp dầy rồi trải chiếu lên. Thế là chúng tôi có một chỗ ngủ ấm áp. Tôi nhớ có những đêm cả đám trẻ con nhảy huỳnh huỵch trên cái đệm rơm, la hét cười đùa đến khuya, mẹ tôi không soạn được bài, bực mình ra cốc cho mỗi đứa một cái. 

Còn bếp nấu cơm ở cách nhà chừng vài chục mét, chỗ đó nguyên là chuồng trâu của hợp tác xã. Gọi là bếp nhưng gần như trống toác. Hôm đó tôi luộc rau xong thì vớt rau, te te bê rổ rau đi lên nhà trên. Một lúc sau tôi sắp được nồi cơm, lễ mễ bê xuống bếp nấu thì sững sờ khi thấy cái nồi luộc rau đã biến mất, nước luộc rau bị hắt lên vách bếp còn nóng hổi, đám tro ngay phía dưới sẫm lại. Tôi sợ xanh mắt, vì nhà chỉ có mấy cái xoong, mất rồi thì lấy gì mà nấu, chắc tôi sẽ bị đòn. Lấy can đảm, tôi mách ba tôi. Ba tôi thần mặt ra rồi lẩm bẩm: - Lại mấy thằng bé chăn trâu đây!  Rồi ba tôi lấy một đoạn dây thừng, tỉ mẩn đo khoảng cách từ bếp ra cửa, rồi đo dấu chân dính đầy bùn còn sót lại, khiến mẹ tôi vừa bực mình vừa buồn cười:- Ông cứ làm như thám tử!

 

Những ngày ấy tuy chiến tranh nhưng tôi lại không cảm nhận rõ lắm, có lẽ tại lúc đó tôi còn nhỏ, mà trẻ con thì vô tư. Tôi chỉ nhớ có lần cả nhà núp trong hầm, nghe tiếng máy bay rít chói tai trên đầu. Nhưng nhớ nhất là tiếng loa phóng thanh, giọng nữ chậm rãi mà thằng em tôi hay nhại lại: “- Đồng bào chú ý, đồng bào chú ý, máy bay địch đang cách thị xã …km, đồng bào nhanh chóng xuống hầm trú ẩn, các lực lượng vũ trang sẵn sàng chiến đấu” sau đó thì:  Đồng bào chú ý, đồng bào chú ý, máy bay địch đã bay xa, mọi sinh hoạt trở lại bình thường”. Còn hồi Mỹ thả truyền đơn bay trắng cả làng, tôi cũng nhặt được một tờ. Truyền đơn in bằng giấy không thấm nước, tôi thử đọc nhưng không hiểu vì từ ngữ, văn phong rất xa lạ. Sau đó tôi nộp tờ truyền đơn đó cho người lớn để tiêu hủy. Nhưng có lẽ do Thái Bình là tỉnh nhỏ, tỉnh nông nghiệp nên cũng chẳng có nhiều nhà máy xí nghiệp để làm mồi cho máy bay Mỹ. Chuyện khắc nghiệt nhất mà tôi biết là hồi năm 1972, nhà cái Lan, bạn học và cùng xóm với tôi đã trúng bom khi đang ở nơi sơ tán. Bốn chị em nằm một giường, trong buổi tối định mệnh ấy. Nghe nói vết thương của anh Đức không quá nặng, nhưng anh mất vì vết thương không cầm được máu. Thế là ông anh học giỏi, đẹp trai nhất nhà, niềm tự hào của cậu mợ nó (Lan gọi bố mẹ là cậu mợ) mãi mãi là một cậu bé lớp 8 trên bàn thờ nhà nó. Chị Liên thì bị mảnh bom nhỏ trúng vào đầu nhưng cấp cứu kịp thời nên qua khỏi, sau này trái gió trở trời chị hay bị đau đầu. Anh trai sát nó, anh Dũng (mà chúng tôi hay gọi xách mé là Dũng “lùn”) cũng bị thương nhẹ. Còn Lan út ít nằm dưới chân các anh chị nên thoát. 

 

Dạo đó, nhà tôi có khách quý là chú Hồng và sau đó ít lâu là chú Bích, mỗi chú ở nhà tôi chừng một tuần. Các chú là dũng sĩ diệt Mỹ ở tận trong Nam vượt Trường Sơn ra Bắc an dưỡng và học tập. Nhờ chú Hồng mà tôi biết thế nào là mũ tai bèo của quân giải phóng Miền Nam. Tôi nhớ chú Hồng có vẻ mặt khá thư sinh trắng trẻo, khác hẳn chú Bích. Có hôm chú Hồng bảo tôi dẫn chú ra sông Trà Lý chơi. Chú ngồi trên bờ đê cả tiếng đồng hồ không nói câu nào, chỉ im lặng nhìn xa xăm, khuôn mặt ưu tư khiến tôi không dám lên tiếng giục chú về. Những năm 70 ở khu vực cầu Bo có một người kiếm củi, lang thang không nhà không cửa tên là Bân. Ông Bân không biết bao nhiêu tuổi, bị khoèo chân rất nặng, người gần như rạp xuống đất. Đã thế ông còn dở người nhưng được cái hiền lành, tụi trẻ con trêu chọc suốt ngày cũng chỉ cười hề hề. Sau này đi học và đến tận đầu cấp 3, tôi còn bị lũ bạn nhất quỷ nhì ma ghép tên tôi với tên ông này (có lẽ cùng vần Ân) để trêu đùa. Chú Hồng thấy ông Bân khó nhọc lê đôi chân khoèo bưng sọt củi ở bờ sông, manh áo rách bươm không đủ che thân hình gày đét, vặn vọ, chú ứa nước mắt. Chú lẩm bẩm: - Sao Miền Bắc còn những người khổ thế!

 

Còn chú Bích lại là họ hàng xa với ba tôi ở Quảng Ngãi thì phải, gọi là chú theo vai vế nhưng có lẽ chú còn nhiều tuổi hơn ba tôi, chú trông rất già và khắc khổ. Kỷ niệm với chú thì có lẽ vui hơn. Chú ra ngoài Bắc, ở nhà tôi (nơi sơ tán) mới được mấy ngày đã nửa đùa nửa thật bảo mẹ tôi:- Chị làm mai cho em một đám! Tôi và bọn trẻ thì kêu oai oái: - Chú già quá, không làm chú rể được đâu! Chú Bích cười ngượng nghịu giơ tay vuốt cái đầu còn mấy cọng tóc, hậu quả của sốt rét rừng rồi dứ nắm đấm dọa bọn tôi: - Đứa nào bảo chú già, chú mới có 30 thôi nhé! Mẹ tôi thì tủm tỉm cười, về bảo ba tôi: - Không biết ba mươi từ năm nào!

 

Chẳng rõ vào thăm xóm được mấy lần, thế mà vài hôm sau, chú Bích vẫy tôi ra thì thào:- Mày chuyển thư này cho cô Cậy nhé! Rồi chú nháy mắt tinh quái. Cô Cậy thì tôi biết, hồi ấy cô khoảng 26-27 tuổi, cái tuổi mà mẹ tôi bảo là đã thành gái ế ở làng rồi, vì làng không còn trai tráng. Chú rút ra cái phong thư, ngoài có dòng chữ “Gửi em Hà Thị Cậy” rồi quơ quơ nhứ nhứ trước mắt tôi. Rồi chú e hèm, ra vẻ quan trọng, chú đọc cho tôi nghe. Thấy chú đọc chán quá, tôi ghé đầu vào đọc và cười lăn vì chú viết chữ như cua bò, đã thế lại đầy lỗi chính tả. Dù đã quen với tiếng miền Nam của ba tôi, nhưng tôi nghĩ cô Cậy, một cô gái thuần Bắc Bộ, cả đời chưa ra khỏi làng chắc không hiểu nổi thế nào là “hồi âm”, là “mạnh giỏi”. Có lẽ vì thế cô Cậy chẳng có động tĩnh gì. Sau này chú về lại miền Nam và đã cưới cô Dũng là cán bộ phụ nữ huyện, người dân tộc.

 

Ở nơi sơ tán tôi thân nhất với một bác tên là bác Đế.  Tôi không biết bác bao nhiêu tuổi, chỉ nhớ bác có khuôn mặt phúc hậu với chòm râu dài. Có lần tôi thắc mắc, ba mẹ tôi bảo, bác nhìn tuy già thế nhưng tuổi thật chỉ hơn ba tôi ít thôi, các con gọi bằng bác là được rồi (ba mẹ tôi cũng gọi bác là “bác Đế” thay cho các con). Bác không vợ con, mà cũng ít người lớn giao du với bác, trừ đám thanh niên trong làng. Bác ở ngay trong kho hợp tác xã, sát gian nhà tôi trọ. Tôi quý bác vì bác hay bênh tôi, nhất là khi tôi bị mắng vì cái tội mải đọc sách mà chểnh mảng việc nhà, chắc có lẽ vì ngày xưa bác cũng ham đọc. Bác cũng là người đứng ra phân xử khi tôi và thằng em trai giành giật nhau quyển truyện thiếu nhi.  Bác coi kho cho hợp tác xã, làm đủ thứ việc như quét dọn, phơi rơm rạ, rồi đánh lên thành từng đống to tướng, cao gần bằng mái nhà. Tôi nhớ nhất hình ảnh của bác ngồi trên đống rơm cao, tay bác cầm cái sào đánh rơm cứ như múa.  Hồi ấy tôi còn sáng tác được câu văn vần đọc cho bác nghe: - Ông Đế ông Đế/ hoàng đế không ngai/tay cầm sào dài/ ngồi trên đống rạ/ cẩn thận kẻo ngã… khiến bác cười tít cả mắt, bác bảo con này khá nhẩy!

 

Bác Đế rất vui tính nên các cô chú, anh chị thanh niên trong làng rất thích đùa với bác.  Tôi nhớ mãi một chuyện là trong đám trẻ chăn trâu hay ra sân kho hợp tác xã hồi ấy có một thằng bé tên là thằng Bích, nó cũng học lớp 3 như tôi. Nó cũng giống tôi, đen nhẻm, lầm lì, xấu xí nên chắc vì thế mà tôi và nó bị mang ra trêu chọc, ghép đôi. Phải nói là tôi ghét cay ghét đắng cái đám thanh niên trong làng, khi họ thấy thằng Bích đến là réo tôi ra để trêu chọc. Thấy tôi tức thì họ càng thích, khổ thế. Rồi có người còn bế tôi lên, mặc cho tôi giãy giụa, rồi thả tôi huỵch một cái vào chỗ thằng Bích đang ngồi để cả đám cười hô hố như xem một trò vui. Những lúc ấy bác Đế cũng mải đùa với đám thanh niên, bác lại còn nháy mắt trêu “đẹp đôi quá nhẩy”! Mọi hôm trước đó, tôi vẫn nhịn nhưng không biết sao hôm ấy tôi không thể giữ nổi bình tĩnh nữa. Bỗng chốc tôi nhớ lại hết những câu chuyện rời rạc mà vài người lớn hay thì thầm với nhau về bác nhưng lọt vào tai một con bé như tôi. Tôi lấy hết sức bình sinh, nhìn thẳng vào mặt bác và dằn giọng:

-         Bác là đồ địa chủ! Địa chủ độc ác, bóc lột nhân dân!

 

Bao nhiêu năm sau, tôi vẫn nhớ nét mặt bác Đế lúc đó. Dường như bác trúng một mũi tên, thoáng phút chốc mà mặt bác đờ ra rồi nhăn nhúm lại, mắt bác cụp xuống, cây sào trong tay bác đang giơ lên cao bỗng hạ xuống. Một lúc sau, bác như bừng tỉnh, bác lúng búng nói câu gì đó với đám thanh niên đang cười đùa bỗng nhiên yên lặng. Cả đám giải tán, còn tôi, tưởng là người chiến thắng, đang đắc ý vì nói được một câu cho bác ấy đau, tôi bỗng ỉu xìu như bánh đa nhúng nước, lầm lũi trở về gian nhà mình.  Từ đó trở đi, tôi không còn bị ghép đôi với thằng Bích nữa, bác Đế cũng ít cười đùa tếu táo với đám thanh niên trong làng hơn.

 

Tuổi thơ của chúng tôi còn gắn liền với bà ngoại. Bà ngoại tôi cứ như đại sứ tình nguyện, đi lên đi xuống giữa quê và nhà tôi. Bà mới ở trông cháu này lớn một tí, thấy an tâm về quê chăm sóc ông ngoại được ít tháng lại nhận được tin của mẹ tôi nhắn lên, vì mẹ lại mới sinh em bé. Bà ngoại hay kể chuyện cho chúng tôi nghe, chuyện của bà có thể nghe được cả ngày, từ Phạm Tải Ngọc Hoa, Tống Trân Cúc Hoa đến chuyện thời Pháp thuộc, chuyện làng chuyện nước. Tôi lớn hơn nên được bà kể về những chuyện dân làng ở quê bà đấu tố địa chủ, nhiều người bị oan sau này được sửa sai ra sao. Thực ra lúc đó còn quá nhỏ, tôi cũng không hiểu hết, nhưng có những chuyện còn ám ảnh trí óc non nớt của tôi cho đến tận bây giờ. Sau chuyện xảy ra với bác Đế, tôi cảm thấy vô cùng ân hận và thấy thương bác Đế quá. Chắc chắn là câu nói của tôi đã động chạm đến ký ức đau buồn và nỗi oan khuất như những vết thương lòng đến lúc đó vẫn còn rỉ máu đang ẩn sâu trong bác. 

 

Sau ngày hòa bình lập lại ở Miền Bắc, gia đình tôi trở về thị xã. Ít lâu sau, có lần bác Đế lên thị xã đã ghé qua thăm gia đình tôi. Bác vẫn thế, vẫn chòm râu đẹp và nét mặt hiền từ. Bác xoa đầu tôi, hỏi thăm chuyện học hành. Tôi len lén nhìn bác, tự hỏi không biết bác có còn giận tôi chuyện cũ không? Năm tháng qua đi, tôi vẫn luôn day dứt không hiểu vì sao mình có thể chỉ bằng một câu nói mà làm cho người khác đau lòng. Nhưng tôi không có can đảm xin lỗi bác Đế và chưa bao giờ quay trở lại thăm bác. Sau này gia đình tôi chuyển vào Nam, chúng tôi cũng bặt tin bác từ đó. Nhiều lúc nhớ lại, tôi ước giá như thời gian trở lại để tôi có thể chuộc lại lỗi lầm của mình. Nhưng rồi tôi lại tự nhủ, hồi ấy tôi mới chỉ là một con bé lên 9 tuổi…       

11/ 2012


Người post: VanNH

Ngày đăng: 22-11-2012 09:09






Xem 31 - 40 của tổng số 46 Comments



Từ: Meomun
23/11/2012 08:24:47

@aNghị: Cám ơn anh Nghị đã... thích bức tranh "Đập lúa", họa sĩ Nguyễn Văn Phương là người gốc Bắc di cư vào Nam, là  họa sĩ chuyên về lễ hội Bắc Bộ, về những ngày xưa, về làng quê, tranh ông đầy ắp hoài niệm về ngày xưa đã mất, em rất thích. Mọi người có thể xem thêm thông tin trên mạng, có rất nhiều.


Bức "Đập lúa" là bức em đã mua được, bây giờ treo trong nhà và chỉ mong có ai ngắm để khoe thôi.


Đây là vài tranh của Nguyễn văn Phương, rất Bắc Bộ:



"Chợ Tết- Sơn dầu của HS Nguyễn Văn Phương)



(Hội Lim - Sơn dầu của HS Nguyễn Văn Phương)


@Huyền: Huyền nhắc đến chuyện... chửi cũng hay đấy. Cách đây vài hôm chị nói chuyện với 1 anh bạn, người SG chính gốc. Anh ấy nói chuyện các bà già Bắc Bộ, trong câu chửi của các bà ấy có phần dẫn luận, mở bài, thân bài, kết luận rất rõ ràng. Đây là ví dụ phần "dẫn luận" mà anh ấy đưa ra:


Bà già chống nạnh, chỉ tay: Này này bà bảo cho mà biết/ trăm lính khố xanh, ngàn lính khố đỏ/từ ga Hàng Cỏ/đến tận Hồ Gươm/ Bà đều thông tỏ.../huống chí cái đồ mõ nhà mày.... (nghe anh ấy diễn tả đến chỗ này là chị đã cười gần chết rồi). Sau đó mới vào phần "mở bài: Hôm qua con gà quý nhà bà....


Hihi chết cười.



Từ: Meomun
23/11/2012 07:34:45

Chắc MM già thật rồi, sao bây giờ cứ thích nhớ chuyện ngày xưa... Dạo hè, tự nhiên nhớ đến hình ảnh ông bán kem khoảng năm 1969, rồi tính viết một bài về chuyện kem ngày xưa, ngày nay, kem Tây, kem Ta...Bận quá không viết là sau đó thôi luôn vì mất cảm xúc, hihi.


@Anh Nghị; Bác Tổng viết còm hay quá, làm MM cũng hơi ngại không biết mình có giống tình trạng của những người viết hồi kí không: sợ viết về mình không khéo dễ bị hiểu là PR bản thân. Hihi thôi thì tự khen mình là y hệt trẻ em thời bao cấp, đứa nào cũng chăm ngoan, đảm đang và khả năng chịu khổ thì tuyệt vời, vì đã biết sướng là gì đâu...


@Huyền: Thực ra những cảm nhận về nông thôn của chị thời gian sơ tán không chi tiết và ... mơ mộng như hồi chị học 2 tháng ở Vũ An (có kể trong "Xôi khúc ngày xưa" rồi). Lúc ấy lớn rồi, đã học lớp 4. CHị nhớ mùi hoa bưởi, hoa cam, đúng là "hương đi lẫn vào ánh trăng" như câu thơ của Huyền. Rồi dây tơ hồng phủ vàng dậu cây trước ngõ nhà bác chủ nhà, hoa xoan rơi như mưa tím. Có những thứ chắc không thấy lại nữa như hoa móng rồng, thơm ngát mùi mít chín.


@Anh Uyển: Chắc đúng đó là cây gạo, hồn quê đấy anh ạ. Nó còn có tên là Mộc Miên.


@Chị Thục, chị Thu: các chị viết đi,  chắc chắn sẽ rất thú vị vì các chị có nhiều chuyện để kể hơn thế hệ bọn em.


@anh Ngọc: Em xa MB từ năm 78, có dịp ra MB nhiều lần nhưng em chỉ về lại TB 1 lần năm 97. Cảnh xưa người cũ không còn, ngôi nhà ngày xưa đã chia làm 2 căn, 2 chủ. Cái sông đào ngày xưa bọn em mò lặn bây giờ đã san lấp, nhà xây kín san sát. Chẳng còn cái gì ngày xưa. Trong xóm thì bọn bạn cũng lên HN, đi vào Nam, đi Tây và ở lại...Cũng chẳng còn mấy ai nhớ đến mình. Kí ức chỉ còn là kí ức thôi, giống như chẳng ai muốn gặp lại người xưa thì phải (sorry nếu mọi người nghĩ khác MM).



Từ: UyenNT
23/11/2012 06:00:32

  MM có biết không.Kỷ niệm những năm sơ tán của MM đối với những người ỏ lứa tuổi bọn anh rất là đáng quý.Bởi một lẽ,đúng những năm tháng đó anh đã xa quê hương,đang học tập ở Kishinhop.Nhiều khi nghĩ cũng thấy"xấu hổ" vì đúng những năm chiến tranh phá hoại khốc liệt nhất,thì anh lại đang ngồi trên ghế giảng đường ĐH.Cám ơn MM đã cho thấy cuộc sống của người dân vùng quê lúa những năm tháng đó.Anh thích nhất là những bức ảnh minh họa.Chúng mang đậm " hồn quê" của vùng đồng bằng Bắc bộ.Mọi người hãy đoán xem hai cái cây ở đầu làng vùng Kiến xương,Thái Bình ở bức ảnh đầu tiên là cây gì.Theo anh đó là cây bông gạo. Không biết có đúng không.



23/11/2012 00:18:26

Tất cả những gì tôi biết được về nông thôn VN là những tháng năm sơ tán, Johnson 1965-1968 và Nixon 1972-1973, biết được hương lúa mới gặt, ánh trăng trên bờ đê, tắm sông, tắm hồ, bắt cua, bắt cá, .. Tôi đã qua Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Tây, Yên Bái, ngoại thành HN. Đã nếm trải những cơn đói, cơn rét. Đó là những năm tháng không bao giờ quên với tôi. Và đáng nhớ nhất là 12 ngày đêm B52 tháng 12/1972, rồi ngay sau là ký kết Hiệp định Paris.


Mới đấy thôi đã 40 năm. Tôi thỉnh thoảng có về nông thôn, quê vợ và quê bố tôi, nhưng chỉ 1-2 ngày. Không còn những cảm nhận ngây thơ, thích thú như hồi còn trẻ con.



Từ: ThucPT
23/11/2012 00:10:34


Bài "Ký ức về những ngày sơ tán" của MM hay nhẩy.


Chị cũng có dự định sẽ viết về những ngày đi sơ tán từ 1964-1968 đấy. Nhờ có đi sơ tán mà biết đi xe đạp, biết bơi, biết bao nhiêu bạn khắp cả 4 quận HaNội và các tỉnh khác nữa.




Từ: HuyenBT
22/11/2012 23:03:18

Em nhớ cái cầu ao quê, có những bậc đá, đúng như Vân miêu tả, bờ bên này có người ngồi rửa rau, bờ bên kia cũng có người ngồi rửa bát, họ nói chuyện qua lại với nhau, và cả chửi nhau qua cái mặt ao nữa. Em vừa được nhớ lại ở nông thôn người ta chửi nhau như thế nào. Rất ngoa, rất bài bản, nhưng cũng rất sinh động, rất nhiều từ "gợi cảm", nhiều từ dân gian mà không mấy khi tìm đọc được ở một sách nào. Nhưng em không thấy sợ những câu chửi đó, nó ngoa ngoắt, lộng ngôn, nhưng nó không ác, không hiểm, bực thôi, chứ chẳng mấy thù hận. Vài hôm sau lại sang nhà nhau, mời nhau miếng này, miếng nọ. Nông thôn đặc biệt hơn ở nét tính cách này, và cũng vì thế mà thật đáng yêu.


Còn nữa, không hiểu sao em cứ thấy (hay là cứ nghĩ) cây ở quê mình cũng xanh hơn, cỏ ở quê mình cũng hiền hơn. Thích nhìn mấy con ngỗng (hay vịt nhỉ?) trắng vỗ bì bạch kia quá. Cảm ơn đồng hương nhé!



Từ: NghiPH
22/11/2012 21:59:07

            Ký ức về những thời kỳ sơ tán tại các vùng quê của tỉnh Thái Bình của Mm thật sống động. Mm đã có những dòng viết rất đằm thắm về những con người bình dị, đáng yêu, đáng quý. Đó là mấy chị lớp 7 đến giúp mẹ con Mm chạy bão. Là bác hàng xóm cắp nách đứa em Mm đi rửa ráy trong lúc cô chị được giao nhiệm vụ trông em đang ngủ khì. Là bác nông dân đã nhanh tay cứu Mm bị lăn tòm xuống ao để cô bé ấy hôm nay có cơ hội kể chuyện ngày xửa ngày xưa. Là bác Đế- chứng nhân lịch sử một thời khó phai mờ. Là hình ảnh bà ngoại với các câu chuyện về Phạm Tải Ngọc Hoa, Tống Trân Cúc Hoa. Là ba mẹ và các em trong những năm tháng đầy những kỷ niệm đáng nhớ. Mm ra dáng một bà chị cả dũng cảm ngã lăn lông lốc vẫn vùng dậy chạy theo mẹ trong cơn bão lớn, sớm biết nấu cơm, luộc rau. Cô bé ấy là dân thị xã về mà biết bắt cua nữa chứ!


Cả cái sự kiện cái chị gì ấy chọc một bà để bà ấy mắng Mm cũng đã trở thành kỷ niệm nhẹ nhàng. Chị ấy có lý của mình đấy chứ: Không sao đâu mà, tại bà ấy chửi hay lắm nên chị thích trêu để nghe chửi cho sướng !?


            MM có những tranh, ảnh minh họa rất phù hợp. Tôi rất thích tấm ảnh chụp bức tranh Đập lúa- tranh sơn dầu của họa sĩ Nguyễn Văn Phương.


Người KGU chúng ta đều thấy mình trong những ký ức về thời sơ tán của Mm. Cám ơn em!



Từ: ThuTT
22/11/2012 20:54:33

Đọc Ký ức của MM lại nhớ quay quắt những ngày sơ tán của chính mình, nhớ bác chủ nhà, nhớ bè bạn cũ. Có lẽ phần lớn người KGU đều đã từng đi sơ tán, đã từng có những ký ức không bao giờ có thể phai mờ. Cám ơn em MM không chỉ vì một bài viết hay, mà còn vì nhờ bài viết của em nỗi nhớ và lòng biết ơn của những người đã từng có một tuổi thơ "mang mũ rơm đi học đường dài" như chị đối với những người đã từng cưu mang mình lại sống dậy.


 


 



Từ: Meomun
22/11/2012 18:49:51

@aTấn Định: Hồi nhà em ở sát ngay tỉnh đội (Bộ CHQS tỉnh) nên có lần hân hạnh được đón tiếp bác đại tướng Võ Nguyên Giáp (vào khoảng từ năm 74-77, em không nhớ chính xác) về Thái Bình làm việc. Bác vào cổng sau, không ồn ào gì mà dân cũng biết hết. Mọi người tập trung hai bên cổng, bác xuống xe đi bộ từ ngoài đường, vẫy chào mọi người. Ông Út là hàng xóm sát vách nhà em được bác bắt tay, hỏi thăm sức khỏe. Ông Út cảm động quá không biết nói gì, chỉ cúi rạp người và chắp hai tay xá xá mấy cái rồi lắp bắp:- Lạy ông ạ!


Mọi người cười ầm ầm.  Em MM đảm bảo 100% sự thật, vì đứng sát bên ông Út. Ba mẹ em và cả xóm cũng có mặt.  



Từ: 3Chai
22/11/2012 17:06:28

@Bác Tấn Định. Ôi, làm sao người ta lại có thể cầu (Bo) được ước thấy ngay tắp lự thế nhỉ. Thán phục bức hình cầu Bo "nhiều lắm".


@Lý. Mun nó nói đúng đấy, bài thơ của em rất hay. Chậc, lại bảo khen phò mã tốt áo đây...


Riêng đoạn nhớ tiếng kẻng liệu Lý có bịa không đấy chứ anh nghĩ ai đã biết cái nghèo đói thời hợp tác xã tiến lên CNXH rồi thì chả muốn quay lại nữa đâu.


 





Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7169
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s