KGU Tạo bài viết  
Thứ năm 13 Tháng mười hai. 2012

Nhà thờ chi họ Trần Công




Tác giả: LienTP

Được tin việc xây dựng tu bổ nhà thờ chi họ Trần Công đã hoàn thành, mẹ tôi, Hồ Thị Xuân Mùi, ngược xuôi động viên các chú mự, o dượng, con cháu chuẩn bị về làm lễ lạc thành. Thật khó mà tả được nỗi vui mừng khôn xiết của mẹ. Mẹ tôi tuy là con dâu nhưng nhiệt tình vô cùng trong việc thúc đẩy xây dựng nhà thờ này.

Ngôi nhà thờ này do cụ cố Trần Công Thưởng khởi công xây dựng từ năm 1890 tại làng Đan Du (nay là Kỳ Thư). Bố tôi, Trần Công Mân, là con cháu đời thứ tư. Nhà thờ được tu bổ 2 lần vào năm 1927 và 1942. Nhưng trong thời gian kháng chiến chống Pháp và sau này cải cách ruộng đất, nhà thờ dỡ đi, rồi chỉ còn lại vài cột vài xà hư hỏng. Sau năm 1957, bác Trần Công Bảo, bố tôi và chú Trần Công Hàm góp sức cùng dựng tạm một ngôi nhà thờ nhỏ. Đến nay, gần 15 năm sau, nhà thờ đã xuống cấp nhiều, bác Trần Công Bảo, chắt đích tôn của cụ Thưởng đứng ra kêu gọi, mọi người hưởng ứng góp tiền xây lại nhà thờ này. Chi họ hiện nay có khoảng 150 gia đình sống ở nhiều vùng trên đất nước, chủ yếu vẫn là trong huyện Kỳ Anh. Mẹ tôi, bác Bảo thư từ qua lại, gọi điện cho con cháu bác từ Hà Nội vào Vũng Tàu, rồi gửi vào Kỳ Anh không biết bao nhiêu lần.

Tôi ghi lại đây vài dòng về cụ cố Trần Công Thưởng. Cụ sinh năm 1841, mất năm 1914 thọ 74 tuổi, quê tại làng Long Trì (nay là Kỳ Phú) Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Cụ mồ côi mẹ, được kế mẫu nuôi dưỡng, tại làng Đan Du (nay là xã Kỳ Thư). Năm Quí Dậu 1873 cụ đỗ cử nhân, được bổ nhiệm làm quan Tỉnh, quan huyện ở một vài nơi như Phú Yên, Đông Sơn Thanh Hóa, Kỳ Anh. Năm 1885, vua Hàm Nghi về Hương Khê Hà Tĩnh, dấy lên phong trào Cần Vương. Cụ hưởng ứng nhiệt tình, điều khiển quân dân cùng tham gia. Cụ còn giữ lưu lại phẩm vật thời đó là áo “Long ngũ trảo” thêu rồng có 5 móng chân sắc nhọn, hai thanh gươm. Các phẩm vật này chi họ đã hiến tặng lại Nhà bảo tàng Hà Tĩnh (rất tiếc nghe nói là đã bị lấy trộm mất cả).

Ngày lễ khánh thành dự kiến vào chủ nhật 9-12-2012 (tức 26- 10 âm lịch). Đoàn Hà Nội thuê xe gồm 9 người đại diện về quê, người cao tuổi nhất là mẹ tôi, năm nay 83 tuổi. Tôi lo lắm, mấy lần bàn với mẹ tôi là chỉ cần tôi đại diện thôi, nhưng bà không chịu. Tuy đã mổ thoát vị đĩa đệm từ năm 2003 và luôn phải đi lại cùng cây gậy, nhưng mẹ tôi vẫn minh mẫn, nhiệt tình và rất vui vẻ. Dịp này mà không về thì còn biết bao giờ nữa.

Theo nguyện vọng của mẹ tôi và các chú mự, o dượng trong đoàn, chúng tôi qua Đô Lương, thắp hương tại đài kỷ niệm khởi nghĩa Đô Lương do ông Đội Cung cầm đầu.

Sau đó qua thắp hương tại mộ ông Đội Cung ở thành phố Vinh. Ông Đội Cung tên thật là Trần Công Cung, con trai thứ của cụ Trần Công Thưởng và cụ bà thiếp thứ hai của cụ là Lương Thị Uyển (quê ở Đômg Sơn, Thanh Hóa) được sinh ra ở Thanh Hóa. Người nuôi dưỡng ông họ Nguyễn nên ông vẫn mang họ Nguyễn. Đến năm 1934 mới về nhận lại họ hàng ở Kỳ Anh. Bố tôi và bác Bảo đã gặp ông Đội Cung ở Vinh vào năm 1940. Đấy cũng là lần gặp cuối cùng. Phần mộ của cụ cố Thưởng và cụ bà Uyển đều được quàn tại Kỳ Phú. Trong chi họ còn có hai liệt sĩ, Trần Công Tứ trong kháng chiến chống Pháp tại Điện Biên phủ và Trần Công Nhị trong kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam.

Có mấy vần thơ của ông Trần Công Quý (cháu đích tôn của cụ Thưởng) viết rằng:

“Cố để tình thương cho chúng con,

Cần Vương chí sĩ của non sông

Ra đi để lại gen thù giặc

Khởi nghĩa Đô Lương mãi mãi còn”

Về đến xã Kỳ Thư, nhìn thấy nhà thờ được xây dựng khang trang đẹp đẽ, ai cũng cảm thấy rất vui. Thật sự thỏa tấm lòng thành tâm đóng góp của mọi người. Người đứng ra chịu trách nhiệm thi công tôn tạo là bác Trần Công Dị, em út của bác Bảo, nguyên Hiệu trưởng trường cấp 3 Kỳ Anh, vừa về hưu năm ngoái.

Trước ngày làm lễ khánh thành, buổi sáng chi họ cử một đoàn ra Kỳ Phú thắp hương ở nhà thờ đại tôn họ Trần Công, thắp hương mộ cụ cố Trần Công Thưởng và cụ bà Lương Thị Uyển. Mẹ con tôi cùng tham gia trong đoàn này. Mộ của hai cụ được bà Nguyễn Thị Thu Lan, con gái ông Đội Cung, xây lại, rất đẹp. Đi ở cồn cát với cây gậy khó quá, cậu cháu tình nguyện cõng mự Mùi luôn.

 

Chiều hôm đó một đoàn mang lễ ra thắp hương ở Nghĩa Trang Cồn Đìa, mời ông bà tổ tiên về khánh thành nhà thờ mới. Phần mộ ông bà nội tôi ở, một vài năm mới về được, thật sự cả hai mẹ con đều cảm thấy thương nhớ băn khoăn day dứt trong lòng. Lễ nội tộc tổ chức từ 7 giờ sáng với các nghi thức theo tập tục của địa phương. Đến 8 giờ thì hoàn thành phần nghi thức này. Lễ khánh thành long trọng bắt đầu từ 8.30, chi họ mời cả đại diện chính quyền địa phương và đại diện của 4 họ còn lại trong xã: họ Nguyễn, họ Hoàng, họ Võ, họ Hồ. Chi họ Trần Công chỉ là một trong năm họ nhỏ trong xã, mà đã có những đóng góp đáng ghi nhận cho đất nước, cho con cháu đời sau. Đất nước ta còn biết bao nhiêu dòng họ, biết bao nhiêu anh hùng. Tôi thật tự hào về chi họ, về đất nước mình.

Mẹ tôi phát biểu với tư cách con dâu họ Trần Công. Mẹ nói: tôi thật vinh dự làm con dâu họ Trần Công. Mẹ tôi là nha sĩ, đến năm 2002 mới nghỉ làm. Trước đây bà không biết làm thơ, nhưng sau này bà viết hồi ký, làm thơ, tham gia sinh hoạt các câu lạc bộ. Tính lạc quan, tiếng cười sảng khoái của mẹ tôi luôn để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng bạn bè. Mẹ tôi đọc mấy vần thơ nôm na bà làm cho ngày trọng đại này: “Họ Trần chồng tôi”

 

Họ Trần danh tiếng từ lâu

Vinh dự tôi được làm dâu họ Trần

Công Thưởng (1) vị quốc trung quân

Phò Hàm Nghi dựng Cần Vương phong trào

Đội Cung (2) cống hiến máu đào

Theo cha dấy nghĩa, ngày nào Đô Lương

Noi gương ông cố quật cường

Công Mân (3) đây, Công Hàm (4) đó, chiến trường xông pha

Công Tứ (5) nối gót cha anh

Điện Biên ngã xuống chói lòa vinh quang

Góp công giải phóng Miền Nam

Đầu xanh Công Nhị (6) sẵn sàng hy sinh

Cha, ông, con, cháu góp nên

Sử vàng đất nước lưu tên họ Trần

Hôm nay con cháu quây quần

Mừng nhà thờ Họ khánh thành vui thay !

Nội ngoại chung sức đều tay,

Góp công, góp của giờ đây hoàn thành

Quyết tâm lớn của ông anh

Trần Công Bảo (7) đó, xứng danh trai Trần

Cháu con ai cũng đồng lòng

Vợ chồng anh  Dị (8) chung phần chăm lo

Đồng thanh một tiếng hoan hô,

Con người hiếu nghĩa, nhà thờ dựng xây

Đã hơn bảy, tám tháng nay !

Đêm hôm chẳng kể, tháng ngày quản chi,

Trần gia hậu duệ đáng ghi!

Nhà thờ hoàn hảo sử thi chép vào,

Nôm na tôi đọc ít câu,

Giải bày tâm sự, nguyện cầu họ ta !

Trần gia hậu duệ đó mà!

Đại vương Hưng Đạo chói loà niềm tin./.

Ghi chú :

1 : Cụ Trần Công Thưởng (1841-1914): Đỗ cử nhân năm Tự Đức thứ 26. (1873) nguyên Hậu bổ Phú Yên , huấn đạo huyện Tuy Hòa. 1885 Cụ lên căn cứ Vụ Quang gặp Tôn Thất Thuyết và được phân công về địa phương cùng các ông Nguyễn Trọng Đình, ….. tổ chức lực lượng nghĩa quân chống Pháp tại nhiều vùng Kỳ Anh

2 : Ông Đội Cung : Liệt sỹ cướp Đồn Chợ Rạng và Đô Lương Nghệ An (13/01/1941). Tử hình ngày 25/4/1941. Cụ được truy tặng bẳng “ Tổ Quốc ghi công”. Hiện tên cụ được đặt cho một phường ở thành phố Vinh

3 : Trần Công Mân (1925-1998): Nguyên Thiếu tướng Tổng biên tập Báo Quân đội Nhân Dân. Phó Chủ tịch (sau này là Phó Tổng Thư ký  thường trực) Hội nhà báo Việt Nam.

4: Trần Công Hàm : Nguyên là Đại tá kỳ cựu, Chuyên gia và Tùy viên quân sự Việt Nam tại Lào, hiện đang sống tại TP Vinh.

5: Trần Công Tứ : Liệt sỹ Điện Biên Phủ ( 27/02/1954)

6 : Trần Công Nhị : Liệt sỹ chống Mỹ , hy sinh tại mặt trận phía Nam

7: Trần Công Bảo: cháu đích tôn của cụ Trần Công Thưởng, nay sống cùng con cháu ở Vũng Tàu

8: Trần Công Dị: em út của bác Trần Công Bảo.


Người post: LienTP

Ngày đăng: 13-12-2012 22:10






Xem 1 - 10 của tổng số 26 Comments


Trang:  1 | 2 | 3 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Từ: KhanhT
22/02/2018 20:45:17

 


@Guest Trần văn họp

Thì bây giờ biết rồi cải lại Trần Công có sao đâu, hoặc khai sinh cho các bé sau này là Trần Công...


hoặc chi tiết hỏi chị Trần Thu Nguyệt, Chánh Văn phòng Ban chấp hành họ Trần Việt Nam, ĐT: 0912.071.301. Địa chỉ 13 Thợ Nhuộm Hoàn kiếm Hà Nội- Nhà Sách Minh Nguyệt.


 



Từ: Guest Trần văn họp
21/02/2018 22:47:34

gia đình em được biết là ông nội của ông nội quê góc bắc . Ông nội em là Trần Công Để do chiến tranh đổi thành Trần Văn Để , nên giờ mất đi chử Công quý giá



Từ: Guest trần Quang Nghị
07/08/2016 12:25:35

Minh cũng là chau đời thứ 5 của dòng họ trần công tộc cũng có gia phả gi chép nhưng minh ko nhớ rõ lắm . Minh cung muốn tim về cội nguồn của dòng họ trần công . 



Từ: Guest Trần Văn Dũng
22/12/2015 03:32:44

Chi họ nhà tôi ở Quang Minh - Mê Linh - Hà Nội (trước đây là Mê Linh - Vĩnh Phú), do thời chiến tranh cụ trưởng tộc bị bom cháy nhà, cháy hết cả gia phả nên không tìm được về nguồn gốc của chi họ. Chỉ còn duy nhất mộ tổ đời thứ 7 tên là TRẦN CÔNG TỰ (Hiệu Phúc An). Còn một nhánh nữa là ở Vạn Yên - Mê Linh. Chi họ ở Quang Minh tìm được mộ tổ là ngôi mộ lớn, còn chi họ ở Văn yên thì còn hương hỏa là 1 mẫu đất. Chứng tỏ cụ tổ ngày xưa ở đâu dạt về đấy phải là người làm quan hoặc rất có thanh thế thì mới có điều kiện như vậy. Đến nay các ông bà và các bác còn sống không có cách nào để tìm lại tổ tiên xưa. Tôi hy vọng rằng qua các phương tiện thông tin kết nối may ra có thể tìm chút manh mún nào về gốc tích dòng họ. Mọi thông tin xin liên hệ: Trần Văn Dũng - 0912117707/01655868788. Email: dungtranvan@gmail.com. Trân trọng cảm ơn cả nhà!



Từ: Guest Trần Ngọc Tuyết
02/12/2015 21:29:42

Xin chào chị Liên TP! Tôi đang tìm cội nguồn chi Trần Công thuộc họ Trần. Theo phả hệ thì tôi thuộc đời thứ 11 của Chi. Ông nội của tôi tên Trần Công Cần co con trai trưởng tên Trần Công Vàng (trên internet có nói về những ngôi nhà cổ tại phường Phú Cường tỉnh Bình Dương, thì nhà cổ nhất là của ông Nội tôi). Tôi hy vọng được liên lạc với chị để tìm hiểu thêm về cội nguồn của mình. Đây là E-Mail của tôi : tuyet_ngoc60@yahoo.com. Rất vui được làm quen với chị.



Từ: Guest trần công quảng
21/08/2015 20:03:46

Chào mọi ngươi. Cháu là trần công quảng. Quê ở quảng bình. Là chi thứ 5 của tộc Trần công. Cháu rất phân vân, dòng họ trần công các bác có phải cùng phả hệ ko.



Từ: Guest TIM ten Khach Cua Tran Cong di
04/03/2015 09:38:15

Con chau trang voi . Chi nhah thanh cat thanh chuong tinh nge an . Hien gja pha luu truyen mat gia pha 12 doi ve truoc ! Chau rat mong tim lai ja pha neu ai biet cho chau xin ghi liu lai coi nguon ! Chau dich ton (tran cong truong ) hien dang song o ky tan tan ky ,nghe an . Sdt 0979361777



Từ: LienTP
28/06/2013 10:30:29

Rất cảm động khi biết mọi người quan tâm đến bài viết của mình về họ Trần. Hiện nay gia đình tôi có giữ gia phả của chi nhánh họ Trần. Có được cuốn Gia phả này là nhờ ông Lê Văn Phước, cán bộ sử học, chồng của o Trần Thị Bào ghi chép lại, dịch thuật từ tiếng Hán. Tôi sẽ nghiên cứu và liên hệ lại với anh Quyết, chị Nguyệt, biết đâu lại có thể tìm được nhánh nào từ ho Trần Công xa xưa.



Từ: Guest Trần Thu Nguyệt
28/06/2013 07:12:03

Là con gái họ Trần khi đọc bài của chị Liên rất cảm động khi thấy chị là con gái mà rất nặng lòng với quê cha đất tổ, rất yêu quý và trân trọng lịch sử dòng họ. Tôi là Chánh Văn phòng Ban chấp hành họ Trần Việt Nam( BCHHTVN) . BCHHTVN được thành lập từ năm 1995 do Hòa Thượng Thích Thanh Tứ chủ trì chùa Quán Sứ làm Chủ tịch khi ấy có tên là Ban liên lạc họ Trần Việt Nam, năm 2010 Đại hội và đổi tên là BCHHTVN. Cụ Tứ viên tịch thì cụ Hòa Thượng Thích Thanh Từ chủ trì Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử làm Chủ tịch. Chị có thể gửi bài để đăng vào tạp chí của dồng họ Trần "Hào Khí Đông A" một năm ra 2 số, như vậy có thể liên kết được nhiều với bà con họ Trần để giúp mọi người tìm về cội nguồn. ĐT của tôi: 0912.071.301. Địa chỉ 13 Thợ Nhuộm Hoàn kiếm Hà Nội- Nhà Sách Minh Nguyệt . Rất mong được cộng tác với chị vì họ Trần. Chúc Chị mạnh khỏe. Kính



Từ: Guest Trần Văn Quyết
26/06/2013 10:04:13

mình nhớ là trên mộ tổ ghi Đội Đỏ ( mình chưa hiểu...)




Trang:  1 | 2 | 3 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7170
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s