Nhà thờ chi họ Trần Công
Tác giả: LienTP
Được tin việc xây dựng tu bổ nhà thờ chi họ Trần Công đã hoàn thành, mẹ tôi, Hồ Thị Xuân Mùi, ngược xuôi động viên các chú mự, o dượng, con cháu chuẩn bị về làm lễ lạc thành. Thật khó mà tả được nỗi vui mừng khôn xiết của mẹ. Mẹ tôi tuy là con dâu nhưng nhiệt tình vô cùng trong việc thúc đẩy xây dựng nhà thờ này.
Ngôi nhà thờ này do cụ cố Trần Công Thưởng khởi công xây dựng từ năm 1890 tại làng Đan Du (nay là Kỳ Thư). Bố tôi, Trần Công Mân, là con cháu đời thứ tư. Nhà thờ được tu bổ 2 lần vào năm 1927 và 1942. Nhưng trong thời gian kháng chiến chống Pháp và sau này cải cách ruộng đất, nhà thờ dỡ đi, rồi chỉ còn lại vài cột vài xà hư hỏng. Sau năm 1957, bác Trần Công Bảo, bố tôi và chú Trần Công Hàm góp sức cùng dựng tạm một ngôi nhà thờ nhỏ. Đến nay, gần 15 năm sau, nhà thờ đã xuống cấp nhiều, bác Trần Công Bảo, chắt đích tôn của cụ Thưởng đứng ra kêu gọi, mọi người hưởng ứng góp tiền xây lại nhà thờ này. Chi họ hiện nay có khoảng 150 gia đình sống ở nhiều vùng trên đất nước, chủ yếu vẫn là trong huyện Kỳ Anh. Mẹ tôi, bác Bảo thư từ qua lại, gọi điện cho con cháu bác từ Hà Nội vào Vũng Tàu, rồi gửi vào Kỳ Anh không biết bao nhiêu lần.
Tôi ghi lại đây vài dòng về cụ cố Trần Công Thưởng. Cụ sinh năm 1841, mất năm 1914 thọ 74 tuổi, quê tại làng Long Trì (nay là Kỳ Phú) Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Cụ mồ côi mẹ, được kế mẫu nuôi dưỡng, tại làng Đan Du (nay là xã Kỳ Thư). Năm Quí Dậu 1873 cụ đỗ cử nhân, được bổ nhiệm làm quan Tỉnh, quan huyện ở một vài nơi như Phú Yên, Đông Sơn Thanh Hóa, Kỳ Anh. Năm 1885, vua Hàm Nghi về Hương Khê Hà Tĩnh, dấy lên phong trào Cần Vương. Cụ hưởng ứng nhiệt tình, điều khiển quân dân cùng tham gia. Cụ còn giữ lưu lại phẩm vật thời đó là áo “Long ngũ trảo” thêu rồng có 5 móng chân sắc nhọn, hai thanh gươm. Các phẩm vật này chi họ đã hiến tặng lại Nhà bảo tàng Hà Tĩnh (rất tiếc nghe nói là đã bị lấy trộm mất cả).
Ngày lễ khánh thành dự kiến vào chủ nhật 9-12-2012 (tức 26- 10 âm lịch). Đoàn Hà Nội thuê xe gồm 9 người đại diện về quê, người cao tuổi nhất là mẹ tôi, năm nay 83 tuổi. Tôi lo lắm, mấy lần bàn với mẹ tôi là chỉ cần tôi đại diện thôi, nhưng bà không chịu. Tuy đã mổ thoát vị đĩa đệm từ năm 2003 và luôn phải đi lại cùng cây gậy, nhưng mẹ tôi vẫn minh mẫn, nhiệt tình và rất vui vẻ. Dịp này mà không về thì còn biết bao giờ nữa.
Theo nguyện vọng của mẹ tôi và các chú mự, o dượng trong đoàn, chúng tôi qua Đô Lương, thắp hương tại đài kỷ niệm khởi nghĩa Đô Lương do ông Đội Cung cầm đầu.
Sau đó qua thắp hương tại mộ ông Đội Cung ở thành phố Vinh. Ông Đội Cung tên thật là Trần Công Cung, con trai thứ của cụ Trần Công Thưởng và cụ bà thiếp thứ hai của cụ là Lương Thị Uyển (quê ở Đômg Sơn, Thanh Hóa) được sinh ra ở Thanh Hóa. Người nuôi dưỡng ông họ Nguyễn nên ông vẫn mang họ Nguyễn. Đến năm 1934 mới về nhận lại họ hàng ở Kỳ Anh. Bố tôi và bác Bảo đã gặp ông Đội Cung ở Vinh vào năm 1940. Đấy cũng là lần gặp cuối cùng. Phần mộ của cụ cố Thưởng và cụ bà Uyển đều được quàn tại Kỳ Phú. Trong chi họ còn có hai liệt sĩ, Trần Công Tứ trong kháng chiến chống Pháp tại Điện Biên phủ và Trần Công Nhị trong kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam.
Có mấy vần thơ của ông Trần Công Quý (cháu đích tôn của cụ Thưởng) viết rằng:
“Cố để tình thương cho chúng con,
Cần Vương chí sĩ của non sông
Ra đi để lại gen thù giặc
Khởi nghĩa Đô Lương mãi mãi còn”
Về đến xã Kỳ Thư, nhìn thấy nhà thờ được xây dựng khang trang đẹp đẽ, ai cũng cảm thấy rất vui. Thật sự thỏa tấm lòng thành tâm đóng góp của mọi người. Người đứng ra chịu trách nhiệm thi công tôn tạo là bác Trần Công Dị, em út của bác Bảo, nguyên Hiệu trưởng trường cấp 3 Kỳ Anh, vừa về hưu năm ngoái.
Trước ngày làm lễ khánh thành, buổi sáng chi họ cử một đoàn ra Kỳ Phú thắp hương ở nhà thờ đại tôn họ Trần Công, thắp hương mộ cụ cố Trần Công Thưởng và cụ bà Lương Thị Uyển. Mẹ con tôi cùng tham gia trong đoàn này. Mộ của hai cụ được bà Nguyễn Thị Thu Lan, con gái ông Đội Cung, xây lại, rất đẹp. Đi ở cồn cát với cây gậy khó quá, cậu cháu tình nguyện cõng mự Mùi luôn.
Chiều hôm đó một đoàn mang lễ ra thắp hương ở Nghĩa Trang Cồn Đìa, mời ông bà tổ tiên về khánh thành nhà thờ mới. Phần mộ ông bà nội tôi ở, một vài năm mới về được, thật sự cả hai mẹ con đều cảm thấy thương nhớ băn khoăn day dứt trong lòng. Lễ nội tộc tổ chức từ 7 giờ sáng với các nghi thức theo tập tục của địa phương. Đến 8 giờ thì hoàn thành phần nghi thức này. Lễ khánh thành long trọng bắt đầu từ 8.30, chi họ mời cả đại diện chính quyền địa phương và đại diện của 4 họ còn lại trong xã: họ Nguyễn, họ Hoàng, họ Võ, họ Hồ. Chi họ Trần Công chỉ là một trong năm họ nhỏ trong xã, mà đã có những đóng góp đáng ghi nhận cho đất nước, cho con cháu đời sau. Đất nước ta còn biết bao nhiêu dòng họ, biết bao nhiêu anh hùng. Tôi thật tự hào về chi họ, về đất nước mình.
Mẹ tôi phát biểu với tư cách con dâu họ Trần Công. Mẹ nói: tôi thật vinh dự làm con dâu họ Trần Công. Mẹ tôi là nha sĩ, đến năm 2002 mới nghỉ làm. Trước đây bà không biết làm thơ, nhưng sau này bà viết hồi ký, làm thơ, tham gia sinh hoạt các câu lạc bộ. Tính lạc quan, tiếng cười sảng khoái của mẹ tôi luôn để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng bạn bè. Mẹ tôi đọc mấy vần thơ nôm na bà làm cho ngày trọng đại này: “Họ Trần chồng tôi”
Họ Trần danh tiếng từ lâu
Vinh dự tôi được làm dâu họ Trần
Công Thưởng (1) vị quốc trung quân
Phò Hàm Nghi dựng Cần Vương phong trào
Đội Cung (2) cống hiến máu đào
Theo cha dấy nghĩa, ngày nào Đô Lương
Noi gương ông cố quật cường
Công Mân (3) đây, Công Hàm (4) đó, chiến trường xông pha
Công Tứ (5) nối gót cha anh
Điện Biên ngã xuống chói lòa vinh quang
Góp công giải phóng Miền Nam
Đầu xanh Công Nhị (6) sẵn sàng hy sinh
Cha, ông, con, cháu góp nên
Sử vàng đất nước lưu tên họ Trần
Hôm nay con cháu quây quần
Mừng nhà thờ Họ khánh thành vui thay !
Nội ngoại chung sức đều tay,
Góp công, góp của giờ đây hoàn thành
Quyết tâm lớn của ông anh
Trần Công Bảo (7) đó, xứng danh trai Trần
Cháu con ai cũng đồng lòng
Vợ chồng anh Dị (8) chung phần chăm lo
Đồng thanh một tiếng hoan hô,
Con người hiếu nghĩa, nhà thờ dựng xây
Đã hơn bảy, tám tháng nay !
Đêm hôm chẳng kể, tháng ngày quản chi,
Trần gia hậu duệ đáng ghi!
Nhà thờ hoàn hảo sử thi chép vào,
Nôm na tôi đọc ít câu,
Giải bày tâm sự, nguyện cầu họ ta !
Trần gia hậu duệ đó mà!
Đại vương Hưng Đạo chói loà niềm tin./.
Ghi chú :
1 : Cụ Trần Công Thưởng (1841-1914): Đỗ cử nhân năm Tự Đức thứ 26. (1873) nguyên Hậu bổ Phú Yên , huấn đạo huyện Tuy Hòa. 1885 Cụ lên căn cứ Vụ Quang gặp Tôn Thất Thuyết và được phân công về địa phương cùng các ông Nguyễn Trọng Đình, ….. tổ chức lực lượng nghĩa quân chống Pháp tại nhiều vùng Kỳ Anh
2 : Ông Đội Cung : Liệt sỹ cướp Đồn Chợ Rạng và Đô Lương Nghệ An (13/01/1941). Tử hình ngày 25/4/1941. Cụ được truy tặng bẳng “ Tổ Quốc ghi công”. Hiện tên cụ được đặt cho một phường ở thành phố Vinh
3 : Trần Công Mân (1925-1998): Nguyên Thiếu tướng Tổng biên tập Báo Quân đội Nhân Dân. Phó Chủ tịch (sau này là Phó Tổng Thư ký thường trực) Hội nhà báo Việt Nam.
4: Trần Công Hàm : Nguyên là Đại tá kỳ cựu, Chuyên gia và Tùy viên quân sự Việt Nam tại Lào, hiện đang sống tại TP Vinh.
5: Trần Công Tứ : Liệt sỹ Điện Biên Phủ ( 27/02/1954)
6 : Trần Công Nhị : Liệt sỹ chống Mỹ , hy sinh tại mặt trận phía Nam
7: Trần Công Bảo: cháu đích tôn của cụ Trần Công Thưởng, nay sống cùng con cháu ở Vũng Tàu
8: Trần Công Dị: em út của bác Trần Công Bảo.
Người post: LienTP
Ngày đăng: 13-12-2012 22:10
COMMENTS CỦA THÀNH VIÊN |
Xem 11 - 20 của tổng số 26 Comments
|
Tổng số bài và comment post theo từng khoa
Khoa | Bài viết | Comment |
Sinh | 563 | 9482 |
Lý | 387 | 2824 |
Hóa | 882 | 9765 |
Luật | 721 | 11647 |
Toán | 66 | 376 |
Kinh tế | 4 | 108 |
Câu Lạc Bộ | 30 | 1 |
NCS | 3 | 70 |
Bạn bè | 197 | 1189 |
Dự bị | 0 | 0 |
Ngôn ngữ | 2 | 2 |
10 người post bài nhiều nhất
User | Số bài viết |
TungDX | 289 |
NghiPH | 306 |
NgocBQ | 130 |
ThaoDP | 108 |
CucNT | 123 |
CoDM | 88 |
PhongPT | 73 |
HaiNV | 93 |
LiTM | 85 |
MinhCK | 70 |
10 người comment nhiều nhất
User | Comment |
Guest | 7170 |
NghiPH | 3219 |
LiTM | 1879 |
HaiNV | 1853 |
KhanhT | 1743 |
CucNT | 1718 |
TungDX | 1565 |
ThanhLK | 1545 |
VanNH | 1441 |
ThoaNP | 1257 |