KGU News >>Tin tức
KGU Tạo bài viết  
Thứ bảy 15 Tháng mười hai. 2012

CUỘC HỘI NGỘ SAU 35 NĂM TÌM KIẾM




Tác giả: CucNT

Thi thoảng tôi đi bào chữa miễn phí cho trẻ em vị thành niên phạm tội theo sự chỉ định của Đoàn luật sư. Tôi thường lắng nghe các em kể chuyện về hoàn cảnh đã đẩy đưa các em đến con đường tù tội. Phần lớn các em phạm tôi chỉ vì không có 1 mái ấm gia đình do bố mẹ ly hôn hoặc người mẹ sinh và nuôi con 1 mình vì người bố đã bỏ đi và sự kỳ thị của người đời đã làm các cháu mặc cảm, sinh ra tiêu cực. Tôi đã làm tất cả những gì có thể để mong giảm nhẹ hình phạt cho các em. Không ít lần, tôi đã liên tưởng và lo lắng đến thắt lòng khi nghĩ đến đứa cháu của tôi không biết đang thất lạc ở phương trời nào. Đôi khi theo chân các đoàn từ thiện đến với những đứa trẻ mồ côi ở làng SOS – Gò vấp, nhà trẻ Quê Hương ở Bình Dương tôi cảm nhận sâu sắc sự khao khát tình yêu thương, nỗi thèm khát mái ấm gia đình trong những đôi mắt trẻ thơ. Đêm về, tôi lại trở trăn, chỉ cần gặp được cháu, tôi sẽ ôm nó thật lâu, trao cho nó bao nhiêu yêu thương để bù đắp phần nào sự thiếu hụt tình cảm gia đình bao năm qua trong lòng cháu.

Năm 1965, anh Huy, anh trai đầu của tôi lấy vợ.Chị Đào, chị dâu tôi là 1 cô gái nông dân từ Thạch Quý về Thạch Thượng làm dâu nhà tôi. Chị gom góp những đồng tiền nhỏ nhoi họ hàng mừng đám cưới mua tấm vải và cắt ra may tã chờ đứa con đầu lòng ra đời.Tháng 10/1966 tôi ra đời, những tấm tã ấy dùng để quấn cho tôi. Anh Huy đi làm công nhân ở Lâm trường Hương Sơn, Hà tĩnh, hàng tuần có khi vài tuần anh về 1 lần. Chị Đào cùng cả gia đình làm lụng cật lực để kiếm sống. Mẹ tôi thương chị như con đẻ và chị yêu thương chăm chút chúng tôi như những đứa em ruột thịt của chị.  Đến năm 1968, anh Huy lên đường vào Nam chiến đấu chị vẩn không có bầu. Rồi chị đi làm thợ may, chị nhặt nhạnh những miếng vải vụn may thành những chiếc áo nhỏ bé xinh xinh, gói gọn trong đó niềm mơ ước đến ngày được làm mẹ.

Năm 1975, anh Huy trở về trong niềm vui khôn tả của cả gia đình. Anh chị sum họp đầm ấm cùng cả gia đình tôi được 6 tháng thì anh Huy trở lại Lâm trường Hương Sơn làm việc. Anh chị có 1 căn phòng nhỏ trong khu tập thể của xí nghiệp may thị xã Hà tĩnh. Anh thường làm thêm thứ 7, Chủ nhật để được nghỉ bù vào cuối tháng và về với chị. Nhiều lúc tôi thấy anh trầm ngâm buồn buồn nói với mẹ “Mẹ ạ! Con muốn có con quá! Bạn bè con có con hết rồi mà con lấy vợ hơn 13 năm rồi chưa có”. Mẹ tôi an ủi “mẹ cũng muốn có cháu để chăm bẵm, con gắng chăm lo sức khỏe. Biết đâu lỗi tại con chứ không phải tại vợ con”.

Cuối năm 1977 bỗng có tin đồn, anh Huy yêu 1 cô ở Hương Sơn và cô gái ấy đã có bầu. Chị Đào nghe tin tức tốc lên Hương sơn tìm chồng. Chị không kể gì cho gia đình nghe về chuyến đi đó nhưng sau đó, chị có bầu. Một bé trai kháu khỉnh, giống anh Huy như lột ra đời. Khỏi phải nói chúng tôi đã hạnh phúc nhường nào. Có 1 thầy bói bảo rằng “ thằng bé sinh tuổi Thượng đế Giáng sinh, nếu qua được 12 tuổi, 26 tuổi thì nó sống thọ”. Anh Huy đặt tên cháu là Hiệp. Khỏe mạnh như Hiệp sỹ. 3 năm sau, anh chị lại có tiếp đứa con trai thứ 2 – tên Lực – Lực sỹ. Niềm vui ngập tràn trong gia đình anh chị.

Năm 1983 tôi lên Hương Sơn thăm anh.Cả nhà tôi làm nông nghiệp. Tôi  đã  đi cấy, đi cày, gánh phân, tát nước cơ cực như bao nông dân khác. Nhưng khi chứng kiến anh tôi và những đồng nghiệp của anh làm việc tôi không khỏi xót xa. Những cựu chiến binh da xanh lét chưa qua hết những cơn sốt rét rừng, ngày ngày phải vào rừng sâu đốn những thân cây to hơn vòng tay người ôm chỉ bằng sức người. Bữa cơm của các anh chị chỉ là cơm độn hạt bo bo và rau rừng đắng chat. Vất vả, cơ cực nhưng chan hoà tình yêu thương.Cứ tối đến, mọi người lại cùng  hát vang những bài ca tràn đầy lạc quan.” Bài ca xây dựng”, Cuộc đời vẫn đẹp sao” “ra khơi” vv. Hình như với những người lính đã đi qua cuộc chiến, được sống để trở về xây dựng quê hương là hạnh phúc lớn lao mà không khó khăn nào làm họ nản chí. Tôi lân la nói chuyện với mấy chị cấp dưỡng. Họ kể “Anh Huy hồi trước làm thủ kho cho một đội sản xuất thuộc công ty Lâm nghiệp Hương sơn ở Sơn Hồng nhưng vì có vợ rồi mà yêu 1 cô gái trong làng, cô ấy đã có bầu nên anh Huy bị kỹ luật, tạm đình chỉ sinh hoạt Đảng và điều vào tận thâm sơn cùng cuốc nơi  Khe Trù  này khai thác gỗ”.   Một đứa bé 14 tuổi như tôi, nghe thế thì tức giận vô cùng. “cô gái nào mà tệ mạt thế, biết người ta có vợ rồi mà vẫn yêu nên anh tôi phải bị kỹ luật thế này. Tôi phải tìm ra cô gái đó và kêu chị dâu tôi lên đánh ghen mới được”.Thấy tôi giận dữ. các chị nói lại “ Không phải đâu! Cô gái ấy có bầu với sếp của anh Huy nhưng vì anh Huy muốn có con nên nhận là của anh Huy để sau này nhận đứa bé làm con nuôi. Nhưng từ ngày cơ quan biết chuyện đã kỷ luật và ngăn cấm không cho anh Huy gặp gỡ cô gái đó nữa để bảo toàn hạnh phúc gia đình anh và bảo vệ thanh danh của một cựu chiến binh, một Đảng viên.

Buổi tối đó, anh tôi trầm ngâm, buồn, không nói gì. Tôi chạnh lòng thương anh nên đòi anh kể tôi nghe mọi chuyện và hứa sẽ không nói lại cho ai biết. Anh Huy kể rằng anh và cô gái đó rất yêu nhau. Kết quả của tình yêu đó là cô gái đã mang thai. Anh rất muốn cưới cô làm vợ nhưng cơ quan biết chuyện đã cấm đoán anh gặp gỡ với người phụ nữ đó và chị Đào lên thăm anh, anh với chị Đào có con nên anh không thể bảo vệ được tình yêu của mình. Sau khi bị cơ quan điều lên Khe Trù làm việc anh có quay về tìm cô nhưng bố cô không cho gặp, bảo rằng cô đã lấy chồng, hãy để cho cô yên. “thế anh không yêu chị Đào nữa a?” Tôi ngây thơ hỏi. “có!  Anh yêu cả 2 người”. “ vô lý ! “ tôi vùng vằng. Anh bảo “ Lớn lên, em sẽ hiểu!”

Năm 1985,tôi qua Liên xô ( Cũ) du học. Rồi tôi cũng trãi qua bao thăng trầm của cuộc sống “yêu thương, giận hờn, tha thứ, chia ly” để hiểu được thế nào là tình yêu.Và tôi có con, tôi hiểu được tình cha con, mẹ con to lớn, sâu thẳm biết nhường nào.

Năm 1990, anh Huy và chị Đào về hưu, gia tài chỉ là cuốn sổ lương hưu. Anh Lượng xin đất của hợp tác xã cất cho  anh chị căn nhà gỗ đơn sơ. Anh nhận thêm ruộng cày cấy nuôi con, chị lăn lội sớm hôm đi chợ bán mớ chè, mớ rau nuôi 2 con ăn học. Đầu năm 1991, cháu Hiệp qua đời vì ngã vào vũng nước sau nhà. Không thể tả xiết nổi đau đớn tột cùng của anh chị. Trách giận bản thân, giằng xé tâm can, anh chị lại đi xem bói và thầy bói nói như ngày xưa (dù là thầy khác) “Cháu sinh tuổi Thượng đế Giáng sinh nên trời bắt lại về trời, anh chị đừng đau khổ quá”. (cho đến nay, tôi cũng chưa hiểu sinh nhằm ngày Thượng đến Giáng sinh nghĩa là sao).

Các anh chị em chúng tôi đều có gia đình riêng, mỗi người đều vật lộn với cuộc sống để mưu sinh, để tồn tại.

Năm 2004 anh Huy mất đột ngột khi anh mới 67 tuổi. Gia đình tôi hỏi chị Đào về đứa con anh bây giờ ra sao. Chị Đào bảo anh Huy bảo là con anh nhưng tất cả mọi người ở Cơ quan anh đều bảo đó là con của sếp anh. Năm 1993 anh có quay lên Hương sơn và sau khi trở về, anh trầm mặc 1 thời gian rất lâu. Anh bảo khi nào dành dụm được chút tiền anh sẽ đi tìm con dù anh hy vọng đứa bé đã có 1 gia đình đầm ấm. Chị Đào chỉ biết tên đứa bé là Thạch còn tên mẹ cháu là Phượng.

Cả nhà tôi bắt đầu tìm kiếm, mỗi người theo cách của mình. Chị Châu (vợ anh Lương làm bưu điện nên chị quen hầu hết nhân viên bưu điện ở Hương Sơn. Chị đã nhờ mọi người tìm kiếm cô gái tên Phượng có con trai là Thạch. Gặp bất cứ ai người Hương sơn là tôi dò hỏi. Tôi đã về lại Sơn Hồng ngồi ở quán nước ven đường trước cửa Công ty Lâm nghiệp Hương sơn hỏi xem có ai biết anh Huy làm ở Lâm trường Hương Sơn không nhưng tất cả đã đổi thay, không ai biết. Thế rồi tôi có được số điện thoại của anh Hòa – trưởng Công an xã Sơn hồng Hương sơn. Suốt ba năm trời tuần nào tôi cũng gọi điện cho anh Hòa tìm xem có tin tức gì không. Nhưng rồi vẫn bặt vô âm tín.

Biết bao lần xem chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” tôi đã khóc khi chứng kiến những đứa bé lạc cha lạc mẹ phải chịu biết bao đau thương cho tới ngày đoàn tụ. Trong những đêm mưa tầm tã ở Sài gòn, nghe tiếng rao “Ai bánh giò đây?”Tôi giật mình thoảng thốt, có phải đó là tiếng cháu tôi? Hàng trăm lần tôi muốn viết thư cho chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” tìm  giúp nhưng tôi đã dừng lại “Biết đâu cháu đang có 1 gia đình êm ấm và có người đàn ông nào đó đang yêu thương cháu như con ruột của mình”. Và cũng biết đâu, bố cháu không phải là anh Huy mà là sếp của anh như lời đồn đại. vậy thì việc tôi rao tin tìm cháu có thể gây phương hại đến cháu.

Tháng 8/2012 (năm nay) tôi về quê giỗ anh Lượng. Lòng tôi se sắt khi nhìn 2 nấm mồ đặt gần nhau. Tôi thắp hương lên mộ anh Huy “nếu anh còn có đứa con thất lạc, xin anh chỉ dẫn cho em tìm cháu về”. Tôi nghe trong gió thoảng “Có! Có!  Con anh! Con anh! ”.

Tháng11 vừa rồi nghe tin mẹ ốm, tôi bay về dù chị Châu (Vợ anh Lượng) bảo đừng về, mẹ ốm không nặng lắm. Tôi vẫn thường cảm ơn số phận vì nhà tôi có chị dâu tuyệt vời. Anh Lượng mất, chưa kịp báo hiếu mẹ nhưng đã có chị Châu chăm sóc mẹ tận tình hơn cả con đẻ. Mẹ tôi bảo “con đừng lo lắng gì cho mẹ. Mẹ rất mừng vì các con đã ổn định, các cháu đều được học hành đến nơi đến chốn. Điều kiện kinh tế đã đủ đầy không đói nghèo như trước. Mẹ chỉ boăn khoăn là con anh Huy không biết bây giờ ở đâu. “Con tìm khắp Hương sơn rồi mẹ ạ!” Tôi và chị Châu tranh nhau nói. “nó ở trong Đăklăk ấy!”. Mẹ tôi bảo. Ở với mẹ 1 tuần, tôi bay vào Sài gòn.

Tôi chuyển ra ở nhà mới từ tháng 2/1012 tới nay. Một buổi chiều buồn buồn, tôi lang thang đi về nhà cũ. Đứng trước của nhà, bất giác tôi cúi xuống nhìn thấy 1 mảnh giấy ướt nhòe nhưng vẫn còn đọc được “đây là lần báo thứ ba, nếu khách hàng không đến nhận thư ngày 29/11 chúng tôi sẽ gửi trả lại người gửi”. Đó là chiều ngày 28/11, đã hết giờ làm việc. Tôi chờ hết đêm đến sáng ra bưu điện thật sớm. Thư của anh Hòa công an xã Sơn Hồng Hương Sơn” Anh đã gửi cho em mấy thư, gọi điện cho cả tiệm ảnh mà ngày trước em gửi ảnh về trên bao ảnh còn ghi số diện thoại của họ nhưng không ai tìm ra em ở đâu. Đã có tin về cháu em!”. Tôi gọi ngay cho anh Hòa  “có đúng con anh Huy không”. Đúng! Anh Huy đặt tên cho nó là Thạch – Thạch Hà. Mẹ nó không phải tên Phượng mà là tên Thiềm, làm anh tìm suốt 5  năm nay. Chị Thiềm lấy chồng sinh thêm được 1 cháu gái nhưng duyên phận không thành. Một mình chị nuôi 2 con. Bây giờ họ ở đâu? “ Ở Đăklăk”. Tôi như nghẹt thở, mới tuần trước mẹ tôi nói cháu ở Đăklăk.. Anh tìm ngay cho em địa chỉ cụ thể. Mấy ngày sau, anh Hòa mới gọi cho tôi “ họ ở thôn 9, xã Ea Kly,  huyện Krông Păk, Đăklăk.”.

 

 

 

            Tôi và người anh họ trên xe ôm đến huyện EaKly

Chỉ còn 2 vé trong chuyến bay lên Đăklăk vào hồi 18 giờ. Tôi và người anh họ vội vã ra sân bay. Tôi tìm mãi nhưng anbum ảnh gia đình để ở valy nào không nhớ. Tôi chạy lên phòng thờ, thắp hương “Anh sống khôn chiết thiêng, cho em mang theo ảnh anh, dẫn đường chỉ lối cho em tìm ra cháu”. Tôi gỡ bức ảnh anh Huy trên bàn thờ, bỏ vào va ly chạy vội ra sân bay.  Thị Xã Buôn Ma thuật đón tôi buổi hoàng hôn, bầu trời tìm thẫm, gió đại ngàn thôi vi vu mát rượi. Không khi thoáng đãng trong lành, khách sạn sạch sẽ nhưng tôi không sao chợp mắt được. 7 giờ sáng hôm sau, anh Đoàn Hữu Ý – Giảng viên trường Đại học Tây nguyên, bạn của anh Trường ( anh kết nghĩa của tôi) đón chúng tội. Anh Ý chở tôi, một người xe ôm chở anh họ tôi tìm về huyện Krông pak. Chúng tôi đi qua những cánh đồng xanh tốt, bạt ngàn Cà phê đang mùa bói quả Tôi gặp ở đây những khuôn mặt thân thiện chất phác, những dáng người lam lũ trên ruộng đồng. Cứ đi 1 đoạn chúng tôi lại dừng lại hỏi đường. Người dân ở khắp các tỉnh thành Miền Bắc vào xây dựng vùng kinh tế mới nơi đây. Đông nhất vẫn là người Thái Bình, Thanh Hóa và Nghệ tĩnh. Hỏi thăm rất nhiều người “chị Thiềm quê Hương Sơn” người dân rất nhiệt tình lắng nghe, chỉ bảo  đường đi đến thôn 9 nhưng chưa ai biết chị Thiềm.Mãi đến gần trưa, chúng tôi dừng lại trước 1 đám đông đang làm lễ tân gia nhà để hỏi thăm nhà chị Thiềm. Tôi nghe tiếng xì xào “Chị Thiềm không có chồng mà có con ấy à?”. Chị Thiềm ở trên Thị xã với con gái, không có ở đây”. Vậy cho tôi biết nhà của Thạch. “Ờ cái thằng Thạch – con không cha ấy à?”. Người dân ở quê rất yêu thương, đùm bọc lẩn nhau nhưng những định kiến từ ngàn xưa thì không dễ một sớm, một chiều mà thay đổi. Có những người vẫn thường “ Khẩu xà, tâm phật”. Có lần tôi và mấy người trong Ban liên lạc phụ huynh trường Nguyễn Du đã phải họp xét kỹ luật một học sinh thường ngày rất hiền lành những hôm đó đã đấm liên hồi vào mặt đứa bạn đền nỗi giập cả sống mũi. Khi hỏi lý do vì sao, em òa khóc tức tưởi “Bạn đó bảo em là đồ con hoang, em không phải con hoang, mẹ em bảo bố em chết rồi”. Nước mắt ứa ra trên mắt những phụ huynh có con mình cũng đồng trang lứa với em học sinh kia. Có lẽ Thạch cũng đã từng gặp những lời đồn đại ác nghiệt đó.Lòng tôi nhói đau!

 

 

 

 CON GÁI THẠCH TRONG CĂN NHÀ  ĐƠN SƠ

Chúng tôi đến nhà, 2 đứa bé, một trai một gái ở nhà “Bố cháu đang thu hoạch cà phê ngoài rẫy”. Tôi bồng 2 đứa bé lên xe, ra rẫy tìm Thạch. Thoáng trông, tôi đã thấy nghẹt thở vì đôi mắt của Thạch rất giống mắt anh Huy.  Ba người đi cùng tôi, nói với tôi bằng tiếng anh “Thạch có đôi mắt giống em đó!’. Tôi bảo với Thạch, “cô là bạn của mẹ cháu từ Hương sơn vào đây tìm. Cô đã tìm mẹ cháu rất lâu, cháu phải đưa cô đến gặp mẹ ngay”. Đã 11g, vừa đi làm về hẳn là đói lắm nhưng Thạch thay vội áo quần, lên xe chạy về hướng thị xã Buôn ma thuật. Tới nơi đã 2 giờ chiều, anh Ý phải về trường coi thi. Tôi lên ngồi xe Thạch “Bố cháu làm gì? Người ở đâu?”. Mẹ bảo bố cháu người Thạch hà, cháu không biết mặt bố. Gần đây ông thầy bói bảo  “Con tìm về quê nội đi, họ đang mong con đấy, cô con đi tìm con khắp nơi”. “Thế sao cháu không đi tìm? “ Mẹ cháu bảo bố cháu mất rồi. Cháu cũng dự định thu hoạch xong mùa cháu sẽ về Hà tĩnh tìm họ hàng bên nội cháu. Cháu học xong cấp 2 ngoài kia, Hồi mới vào đây không có trường cấp 3 nên cháu không học tiếp được. Chỉ có 3 mẹ con di dân tự do, không có họ hàng thân thích, tự cuốc đất trồng cây, cơ cực lắm cô ơi! Cháu và mẹ đã làm việc cật lực cho em cháu vào học Đại học ở Sài gòn. Giờ em đang làm kế toán cho 1 công ty và chồng em là phóng viên báo Nông Thôn ngày nay. Bây giờ thì ổn rồi, cháu không học được ở trường thì cháu tự học cách người ta làm và cháu làm theo”.

Thạch không nói tôi cũng biết 3 mẹ con cháu đã cơ cực thế nào.Tôi hiểu từ sự trãi nghiệm của chính cuộc đời tôi và những anh chị em trong gia đình tôi đã nổ lực vô cùng để thoát khỏi đói nghèo. Mấy tháng trước, đi công tác ở Đăklăk, tôi tới thăm 1 người trong làng đi xây dựng kinh tế mới ở huyện Krông Buk. Chị gặp tôi, khóc như mưa như gió “Em ơi, 30 năm rồi mới được gặp em. Những năm mới vào chị đã tưởng không kiếm nổi thóc gạo để sống và không biết bao giờ có tiền mà về thăm quê. Trước mặt chỉ là cánh rừng mịt mù cây dại, rắn, rết, sên, vắt đủ thứ, không có điện, thiếu nước uống, đói cơm ăn.Tất cả lao vào cuốc đất khai hoang, có những người bị rắn cắn chết, có người dẫm phải mìn mất mạng, rồi ốm đau, bệnh tật, cả sốt rét rừng, rồi nỗi sợ Punrô. ..Nghĩ lại cứ thấy kinh hoàng.

 

Tới  nhà, đón chúng tôi là 2 vợ chồngđứa em gái rất đẹp đôi, 1 bé gái 4 tháng tuổi, đẹp  như thiên thần và 1 phụ nữ đã gần 70 tuổi nhưng vẫn còn phảng phất nét đẹp của 1 thời thiếu nữ.  “Chị Thiềm, chị có nhận ra em không?”. “Chị nhìn mãi nhưng rồi lắc đầu, không! Chị không nhận ra em, có lẽ lâu rồi nên chị quên”. Tôi cười “thực ra em và chị đã gặp nhau bao giờ đâu”. Tôi đưa bức ảnh anh Huy ra ( Ảnh chụp trước ngày anh mất, lúc anh đã 67 tuổi) “ Chị nhận ra ai đây không? “ Anh Huy!” chị thốt lên. Đã 35 năm rồi! Tôi chậm rãi kể cho cả nhà nghe. Năm 2004, anh Huy leo lên, chặt cành cây sau nhà và bị té đập đầu xuống móng nhà hàng xóm đang xây và anh mất mà không kịp nói lời nào. Cả một đời anh làm Lâm nghiệp đốn hạ những cây cổ thụ to mấy người ôm không sao nhưng rồi lại mất khi về hưu vì một cành cây nhỏ.Gia đình chúng tôi hy vọng anh còn đứa con nên đã đi tìm. Bạn bè của anh thì bảo Thạch là con sếp anh Huy, anh Huy nhận nó làm con nuôi thôi. Nay chị cho phép em và gia đình em được nhận cháu. Chỉ có chị mới biết Thạch có phải là con anh Huy không. Anh Huy mất rồi, nếu đúng Thạch là con anh Huy thì một ngày gần đây, cháu hãy về thắp hương cho Bố còn nếu cháu không phải  con anh Huy, cũng xin phép chị cho cả nhà em được nhận cháu Thạch làm cháu kết nghĩa, gia đình em sẽ yêu thương cháu như cháu ruột của mình. Mắt chị Thiềm đỏ hoe “chị chỉ yêu mỗi anh Huy thôi. Thạch giống anh Huy từ đôi mắt đến dáng đi đó thôi”.Tên cháu là Thạch – vừa có nghĩa là Thạch hà, vừa có nghĩa là vững vàng như tảng đá. Có lẽ khi sinh ra con chị đã tiên cảm được những giông bão sẽ đổ lên đời cháu nên chị đã mong cho con chị vững vàng chống chọi với phong ba. Những giọt  nước mắt ứa ra lăn dài trên má tôi, anh họ tôi, chị Thiềm và cháu Thạch. Chúng tôi ăn vội bữa trưa rồi tôi xin phép về khách sạn nghĩ ngơi chút xíu. Hẹn tối mời tất cả họ hàng bên ngoại đến để cho tôi được nói với họ mọi điều.

 

 

             Em gái Lệ Quyên và chồng Nguyên Hạnh trong ngày cưới.

 

5 giờ chiều chúng tôi đến quán Cơm niêu trên đường Trường Chinh. Chỉ có chị Thiềm, Thạch và Hạnh (em rể), em gái Lệ Quyên bận cháu nhỏ ở nhà. Họ hàng trong này không có ai, chỉ có người cậu họ ở xa cả trăm Km không về được. Chị Thiềm kể, thời gian đầu, anh Huy trốn cơ quan tới chăm sóc mẹ con chị lắm nhưng sau chị bảo với anh “anh về với vợ con anh đi!” và khi Cơ quan điều anh vào Khe Trù thì anh không ra thăm chị nữa. Vậy là chị không biết rằng anh Huy đã quay lại tìm chị nhưng bố chị bảo chị đã lấy chồng, hãy để cho mẹ con chị được yên nên anh đã lặng lẽ quay về. Chị lấy chồng lần 2, sinh em bé gái Lệ Quyên “cho Thạch có anh, có em” nhưng rồi người chồng ấy cũng đi xa nên đến năm 1992, ba mẹ con vào vùng đất Đăklăk  sinh sống “ cho quên hết mọi chuyện”. Tôi chợt hiểu những khổ đau chị đã trãi. Để bảo toàn cho 2 đứa con khỏi những dư luận nghiệt ngã của dân làng, chị đã ôm con đi vùng kinh tế mới khi Thạch 14 tuổi và Lệ Quyên chỉ mới 4 tuổi.  Và tôi hiểu vì sao năm 1993 anh Huy quay lại Hương sơn và khi về anh đã trầm mặc một thời gian rất lâu. Chị Thiềm đã đưa con đi vùng kinh tế mới, không để lại cho anh 1 chút tin tức gì.Tôi thương anh Huy đến xót xa. Cả một đời mong ước, đến lúc có con lại không được chăm bẵm yêu thương nó. Anh dã phải hy sinh tình yêu của mình, trở thành kể bội bạc với người yêu và đứa con máu mủ của mình để không bị khai trừ khỏi Đảng và buộc thôi việc dù đó là việc của 1 công nhân. Cái đói nghèo cơ cực bủa vây anh chị tôi suốt cả đời người đến nỗi không đủ điều kiện mà đi tìm con. Mặc cảm về sự lầm lỗi khiến anh tôi không tâm sự với ai mà giấu kín nổi đau trong lòng cho tới ngày anh đột ngột ra đi. Cơ quan anh đã nói với tôi và chị Đào rằng đó là con của sếp anh và chị ấy tên là Phượng. Hình như họ muốn tránh cho anh cái gọi là lầm lỗi dã man và cũng bảo vệ cho chị Thiềm khỏi phải ai tìm ra chị.

 

 

                     THẠCH, CHỊ THIỀM, TÔI VÀ NGUYÊN HẠNH

Tôi gọi điện thoại cho mẹ “Mẹ ơi! con tìm được cháu Thạch đây rồi!”. Thạch nói chuyện với bà “Bà ơi! Bà tha lỗi cho cháu là đã không tìm về với bà để bà phải mỏi mắt trông chờ”. Thạch khóc, mẹ tôi khóc. Mẹ tôi nói chuyện với chị Thiềm, “Con ơi! Mẹ chờ các con lâu rồi, 3 mẹ con nhớ thu xếp về với bên nội càng sớm càng tốt nhé! Điện thoại chuyền cho chị Châu “ O Cúc ơi! O Cúc giỏi quá! Cháu nó có khó khăn lắm không? O Cúc cho nó ít tiền nhé! Rồi sắp tới nhận lương hưu chị gửi vào cho”.Chị Châu bao giờ cũng thế, chị rất cảm thông và chia sẻ với người khác. Chị Đào cũng nghẹn ngào “Cảm ơn O Cúc nhiều lắm, thế là chị có thêm đứa con, Ông Huy hẳn đã an lòng nơi chín suối. Thạch ơi! Con mau về với mẹ nhé!”. “Vâng! Mẹ giữ gìn sức khỏe và chăm lo cho em con mẹ nhé!”. Tất cả anh chị em trong gia đình tôi tranh nhau nói chuyện với Thạch. Chẳng có niềm vui nào lớn lao hơn!

      CHỊ THIỀM ĐANG NÓI CHUYỆN VỚI MẸ

 

Không có nhiều thời gian để kể cho nhau nghe những thăng trầm trong cuộc sống của 35 năm qua nhưng tôi hình dung ra những khổ đau cơ cực mà 3 mẹ con chị Thiềm đã chịu đựng để tồn tại. Búa rìu dư luận và những ngón đòn số phận đã quất xuống cuộc đời ba mẹ con nhưng họ không gục ngã. Tôi nắm tay chị Thiềm “Cảm ơn chị đã kiên cường vượt bao giông tố cuộc đời để nuôi dưỡng 2 cháu  tôi  Văn Thạch và Lệ Quyên trở thành những công dân tốt trong xã hội”. Chúng tôi chia tay nhau trong bịn rịn.

Tôi chợt thấy bầu trời Tây nguyên lồng lộng gió. Nơi đây, dưới những rừng Cà phê bạt ngàn là hàng trăm số phận khác nhau đang sinh sống.Họ đã từ biệt quê hương” là chùm khế ngọt” giã từ nơi “chôn rau cắt rốn”,từ biệt những người thân yêu để dấn thân vào rừng thiêng nước độc khai phá dựng xây theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ Quốc

“Trên trận địa năm xưa lật những đường cày mới…

Cho những mùa gặt lớn mai sau,

Phải nhanh chân từ những bước đầu,

Tổ quốc ta phải giàu, phải mạnh.

Ta phải đi như lao vào trận đánh”

Mong sao các nhà viết sử sẽ viết lại cụ thể chi tiết ngọn nguồn để thế  hệ con cháu lớn lên không bao giờ quên công lao các đấng sinh thành đã dày công xây dựng “quê mới” trở thành quê hương yêu dấu trù phú như hôm nay.  Tôi hít một hơi thật sâu. Trong tâm khảm tôi khắc sâu dòng chữ “Ngày 08/12/2012, ngày tôi tìm ra đứa cháu yêu dấu của mình”.Chưa bao giờ tôi thấy lòng mình thanh thản vậy.

 

 

Rồi Thạch lại trở lại với cuộc sống đời thường, hàng ngày cùng người vợ hiền yêu dấu lên nương lao động cật lực để  nuôi 2 con trưởng thành và chăm sóc mẹ Thiềm. Nhưng có 1 điều đã khác rằng cháu tôi không phải là con không có cha như bao năm rồi cháu phải chịu đựng sự dè bửu của 1 vài người hạn hẹp mà tôi muốn cho tất cả đều biết rằng cháu tôi là kết quả của một tình yêu mãnh liệt giữa một cô thôn nữ trinh trắng và 1 cựu chiến binh đã vào sinh ra tử ở chiến trường khao khát cho những mầm sống được hồi sinh.  Cháu không được gặp mặt cha nhưng cha cháu yêu thương và tự hào về cháu vô cùng. Tôi tin rằng, anh tôi đã dẫn đường chỉ lối cho tôi tìm ra cháu! Cháu có họ hàng, nguồn gốc Tổ tiên, cháu có cả họ nội đang dang rộng vòng tay chờ cháu đi về để ôm hôn cháu trong yêu thương.

Tất cả mọi đứa trẻ sinh ra trên đời đều là những thiên thần. Mong sao đừng bao giờ có những đứa trẻ phải chịu đựng những gì mà cháu tôi đã phải nếm trãi!

Đăk lăk - Tp. HCM ngày 08/12/2012

 

 

 

 

 


Người post: CucNT

Ngày đăng: 15-12-2012 12:12






Xem 11 - 20 của tổng số 54 Comments



Từ: KhanhT
20/12/2012 22:33:09

 


Cảm  xúc dâng trào sau khi tìm  đươc cháu , O  Cúc  viết: “Tôi chợt thấy bầu trời Tây nguyên lồng lộng gió. Nơi đây, dưới những rừng Cà phê bạt ngàn là hàng trăm số phận khác nhau đang sinh sống. Họ đã từ biệt quê hương” là chùm khế ngọt” giã từ nơi “chôn rau cắt rốn”, từ biệt những người thân yêu để dấn thân vào rừng thiêng nước độc khai phá dựng xây theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ Quốc… Mong sao các nhà viết sử sẽ viết lại cụ thể chi tiết ngọn nguồn để thế  hệ con cháu lớn lên không bao giờ quên công lao các đấng sinh thành đã dày công xây dựng “quê mới” trở thành quê hương yêu dấu trù phú như hôm nay… chú Khánh xúc cảm trước những dòng viết này của O cháu mà nhớ đến “quê mới” của bố Huy và là quê mẹ của Thạch - mảnh đất Hương Sơn – Ngàn Phố thân thương với bài ca sau đây gửi tặng Thạch và mẹ Thiềm:


Ơi con sông Ngàn Phố. Nhạc: Trần Hoàn, Ca sĩ: Tố Nga







 



Từ: HienVC
20/12/2012 16:01:22

Cháu bé con gái Thạch có đôi mắt rất ấn tượng và tuyệt vời :  trong sáng và rất vô tư.


Mong cho cháu lớn lên không gặp phải những " sự cố " trong cuộc đời như ông, bà nội và bố cháu để cho đôi mắt của cháu vẫn trong sáng và vô tư mãi như vậy.


 



Từ: CucNT
20/12/2012 11:10:52

Trong bài " người thầy đâu tiên", em có trả lời cô giáo Nga " Người thầy đầu tiền" trong truyện ngắn của  Aimatôp là nhân vật hư cấu của tác giả còn " người thầy đầu tiên" ở VN là những người thầy hoàn toàn có thật. Hồi trước em đọc "Số phận 1 con người" cũng khóc và cảm động vô cùng khi người lính già ôm lấy đứa bé "ta chính là cha cậu". tấm lòng dộ lượng ấy của người lính đã mang đến hạnh phúc vô bờ cho cậu bé. Giờ đây câu chuyện lại hoàn toàn có thật trong gia đình em. Cảm ơn anh Khoa đã có sự  liên tưởng rất cảm động.


Đúng thế em Ngọc ạ! Chị đã mang về niềm vui, sự thanh thản cho cả gia đình chị. Đặc biệt là mẹ chị, bà đã già va mong ước lớn nhất của bà là tất cả con cháu quây quần trong yêu thương.


Cảm ơn em đã động viên. Nhưng chị rất tự hào về em, về những vần thơ em viết đấy. Em post lên đi nhé! Có bài nào em viết về thời gian chị em mình cùng ở Kish không em?



Từ: NgocNT
20/12/2012 10:12:32

Chị Cúc ơi! Đợt này em bận liên tục nên cũng không có thời gian để còm mà chỉ lướt được 1-2 phút thôi, hôm nay mới chia sẻ được niềm vui với gia đình chị! Chúc mừng chị! Em nghĩ rằng chị mừng 1 thì mẹ chị mừng 10, đúng không chị? Chị đã làm được điều đầy ý nghĩa và vô cùng quý giá đối với mẹ chị và cả gia đình!


Chị đúng là "dân" chuyên văn có khác! Những câu chuyện chị kể rất hấp dẫn và đượm tình người! Mong chị phát huy nhé, để những đứa trẻ sau chị (như em) được thơm lây!  Cám ơn chị nhiều!



Từ: KhoaDT
19/12/2012 22:07:18

Mình bận quá, hôm nay mới tranh thủ đọc ký sự của Cúc. 


Chúc mừng Cúc đã tìm được người cháu ruột sau 35 năm. Ngày xưa Liên Xô có film Số phận con người (Sudba cheloveka) theo Sholokhov. Mình nhớ đã rưng rưng nước mắt khi xem đến đoạn cuối khi người lính già ôm thằng bé nói thầm vào tai nó rằng ông chính là Cha nó. Hôm nay đọc đến đoạn CÚc tìm ra cháu Thạch và mẹ cháu mình cũng có cảm giác tương tự. Đúng là số phận con người vô cùng khác nhau, nhưng đúng là ở VN đặc biệt có nhiều người phụ nữ can trường chịu đựng suốt đời ở vậy nuôi con như chị Thiềm. Sự hy sinh như vậy nhưng ít khi được xã hội & cộng đồng tôn vinh.   



Từ: CucNT
19/12/2012 18:54:43

Chị Xuân Ba ơi!


Hôm qua, anh Tuấn Chị Lý gọi điện cho em bảo là sẽ vào dự Hội du xuân. Chị Thanh đã mua vé rồi. Chị Liên, chị Thúy cũng vào dù sức khỏe của mọi người không được tốt lắm. Hội trưởng Thắng đã phân công công việc cụ thể cho từng người. Riêng em Cúc được ưu tiên nhất được thường xuyên bên cạnh anh Tuấn, Chị Lý, Chị Liên, Thúy và chị Xuân Ba để lắng nghe những tâm sự của mọi người và được mọi  người trao gửi những yêu thương. Vậy mà chị báo không vào được, tiếc ghê.


Từ nay đến lúc ấy còn 3 tháng nữa, chị thử cố xem sao nhé!


Chúc chị sức khỏe!



Từ: BaLX
19/12/2012 11:00:54

Cúc à, du xuân năm nay chị không tham gia được vì trong thời gian đó chị chuẩn bị hóa trị lần thứ 6/8, thật tiếc em à. Khi nào xong hoàn toàn chị sẽ vào SG thăm bọn em.



Từ: CucNT
19/12/2012 10:58:22

Đọc Comments của các anh chị, em lại rơi nước mắt (và ở Đaklăk Thạch cũng đang đọc) bởi tình cảm quý mên, những chia sẻ sâu sắc gia đình Kgu dành cho em và gia đình em. Cảm ơn chị Liên , chị Hoa , anh Tung với những chia sẻ chân thành.


Cảm ơn anh Tung đã kết luận những điều tốt đẹp về giá trị tinh thần cùa dòng họ nhà em,  Những câu thơ của anh thật triết lý và sâu sắc. Trong những tháng ngày miệt mài đi tìm cháu Thạch, em vẫn tâm niệm một điều "Cứ tìm! sẽ thấy! Dù có lúc nghĩ rằng có thể cháu Thạch không phải con anh Huy, có ai đó đã nhận cháu rồi, em vẫn quyết chí đi tìm. Phải tìm ra cháu, phải tìm ra sự thật". Và cuối cùng cảm ơn đất trời, cảm ơn tất cả em đã thành công.


Những câu thơ của anh đáng để đưa vào trường học, cho bất cứ ai làm bài học để vào đời. cảm ơn anh!



Từ: TungDX
19/12/2012 10:17:36

Cúc ơi! Anh đọc và phải dừng nhiều lần. Thật xúc động. Một phần thưởng tuyệt vời cho những nỗ lực không mệt mỏi trần đầy tình yêu thương, quyết tâm cao đô.


Điều thán phục hơn nữa là cả hai nửa "xa nhau" của  gia đình em đều sở hữu những giá trị tinh thần đạo đức, lòng kiên tâm vươn lên, một đức tin cháy bỏng trong tim.


Đó là phần giá trị tinh thần tinh túy mà thường gọi là gien, cái ý chí quật cường của một gia đinh, dòng họ hay một xứ sở đã được phát huy cao độ vào những hoàn cảnh khó khăn ác liệt nhất.


Trái càng khó khăn đơm ra, lớn lên và chín bao nhiêu thì vị ngọt càng đậm đà, những người thấm thía nhất là các thành viên trong gia đình em. Anh thành thật chia sẻ quan điểm và niềm vui cùng gia đình.


Cuối cùng anh muốn kính tặng mấy câu tâm đắc, tuy rằng nó chỉ phần nào phản ánh bản chất cái nội dung và giá trị niềm hạnh phúc trong trường hợp gia đình ta



Chỉ trong nỗ lực trở xoay


thì ta mới gặp vận may bất ngờ


Bó tay chịu chết ngồi chờ


Thì ta sẽ chẳng bao giờ gặp may


***


Tạm dịch ra hai thứ tiếng như sau:


( If you arn’t manager


You wouldn’t meet luckier cases )


Если сидишь слёжа


Тебе б не везло никогда в жизни


Nhờ mọi người dịch hoàn chỉnh hộ.


 



Từ: HoaNT
18/12/2012 22:45:13

Cúc ơi đọc câu chuyện của em chị lại thấy cay cay sống mũi, nhưng dù sao thì câu chuyện cũng vẫn có hậu. Chúc cả đại gia đình em khỏe, vui và từ nay về sau gặp mọi điều may mắn  nhé vì mọi người đã phải chịu đựng quá nhiều điều buồn rồi.





Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7169
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s